Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quảng Trị với đồng đội của tôi

1-Quyết định một chuyến đi

Tôi cùng ông Đào Xuân Thái, 84 tuổi, nguyên là Chính trị viên tiểu đoàn 1 (Phai Khắt) thuộc trung đoàn 246, chiến đấu ở Mặt trận Đường 9 Quảng Trị những năm 1967-1970, nhận lời với gia đình Liệt sĩ đại đội trưởng Nguyễn Công Định trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt của anh sau hơn 43 năm nằm lại ở Đồi Con Vịt, chân cao điểm 425, bắc Đường  9. Chúng tôi nhận đi tìm Liệt sĩ Nguyễn Công Định bởi lẽ, tình đồng đội thôi thúc và thể theo nguyện vọng gia đình tha thiết tìm lại người thân, khi biết ông Đào Xuân Thái là người chỉ huy trực tiếp chôn cất Liệt sĩ Nguyễn Công Định. Còn tôi thời ấy là trợ lý quân lực được phân công nhiệm vụ trực tiếp lo phần bảo đảm chính sách, đóng gói di vật, viết giấy báo tử gửi về quê cho từng Liệt sĩ. Tôi hỏi gia đình vì sao để 43 năm mới đi tìm anh Định? Câu trả lời của người anh trai là do trước đây nghèo khó không có tiền! Bây giờ toàn thể họ hàng gom góp lại mới có điều kiện đi!

Trước khi lên đường, chúng tôi nói với gia đình rằng chuyến đi là một thử thách lớn, không chắc chắn một điều gì, bởi thời gian quá lâu, trí nhớ có hạn và những thay đổi không lường hết của địa bàn chiến đấu xưa. Ông Đào Xuân Thái bằng trí nhớ đã vẽ lại sơ đồ nơi chôn cất Liệt sĩ Nguyễn Công Định. Chúng tôi làm một số giấy tờ tùy thân đảm bảo cho một chuyến đi, có xác nhận của chính quyền phường nơi cư trú, rồi theo hẹn của gia đinh Liệt sĩ, đúng 6 giờ sáng ngày 31 tháng 5/2012 xuất phát. Cũng là hành quân, xưa nặng trĩu ba lô súng đạn, đi bằng đôi chân leo đèo lội suối mấy tháng trời vất vả, còn bây giờ "hành quân" bằng ô tô máy lạnh do gia đình thuê!

Được gia đình đồng ý, tôi mời thêm Nguyễn Xuân Đặng, quê Hoài Đức - Hà Đông, liên lạc xưa của ông Đào Xuân Thái cùng đi. Sau năm 1970, Nguyễn Xuân Đặng giữ chức  tham mưu trưởng huyện đội Cam Lộ, là người thông thạo địa hình, còn nhanh nhẹn và có trí nhớ tốt. Chắc sẽ góp công sức đáng kể cho chuyến đi. Thêm bạn đồng hành là thêm sự yên tâm.

Vừa đến trạm đón tiếp thân nhân Liệt sĩ 27/7 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Xuân Đặng với tôi lập tức đi tìm anh Kiệm đồng đội cũ của Đặng để mượn tấm bản đồ quân sự khu vực Gio Linh - Cam Lộ làm cơ sở đối chiếu căn tìm thực địa. Chiều, chúng tôi phóng xe ngay vào Cam Lộ. Qua cầu Đầu Mầu nổi tiếng bởi các trận đánh phục kích diệt quân lính Mỹ những năm 1968 -1969. Đến cây số 26- 27, dễ dàng nhận ra ngay khu vực núi đá Hy Gia - Hang Dơi và đoạn dốc Đường 9. Nơi đó, năm 1970 đơn vị tôi đã phục kích tiêu diệt đại đội "hắc báo" khét tiếng của lính Sài Gòn. Nhưng từ Đường 9 ngược lên phía bắc, đến nơi chôn cất Nguyễn Công Định ước lượng trên bản đồ cũng phải tới 13 cây số đường rừng. Tính toán làm sao đến được đó?

Khu vực Hy Gia - Hang Dơi tuy có chút thay đổi, nơi xưa toàn lau lách, thì nay là công trường đá. Nơi xưa hoang vắng, thì nay đã thành khu dân cư của người dân lao động. Đã có con đường lâm sinh hút vào trong núi. Nhưng đến được Đồi Con Vịt chân điểm cao 425 vẫn phải đi bộ qua nhiều dốc đèo, qua nhiều suối khe. Nhìn mái tóc bạc trắng của người chiến binh già 84 tuổi, tôi vô cùng ái ngại. Liệu chúng tôi có leo tới được nơi cần tới không?

2 -Ký ức thức dậy

Kể từ hôm nhận lời đi tìm Liệt sĩ Nguyễn Công Định, trong đầu tôi hiện dần biết bao gương mặt, nhớ dần những cảnh huống và nhớ dần từng tên đồng đội, nhớ dần từng địa điểm chôn cất các anh. Tôi nhớ đến Liệt sĩ Hoàng Hải Cát trung đội trưởng (quê Tuyên Quang) bị thương nặng, ông Đào Xuân Thái đã tuyên bố kết nạp đảng khi anh nằm trên cáng trước lúc nhắm mắt. Tôi nhớ Liệt sĩ Nông Hoàng Sôi (quê Cao Bằng) chiến sĩ  đội trinh sát một mình lãnh trọn một trái bom, tìm cả buổi sáng mới thu nhặt được dăm cân thi thể sạm đen khói bom và đất. Tôi nhớ Liệt sĩ Lai Phú Ngọ (quê Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội) bị mảnh pháo vào thái dương hở cả óc, thoi thóp một đêm rồi chết. Tôi nhớ Hàn Phú Vinh  (quê Phan Đình Phùng - Hà Nội), nhớ trung đội trưởng Lê Dân Dụ (quê Y Can, Trấn Yên, Yên Bái), nhớ Nguyễn Văn Hùng (quê Phú Thọ) chung nhau một loạt bom trên đỉnh dốc Ba Tum. Tôi nhớ trinh sát viên Trần Sinh (quê Đại Từ, Thái Nguyên) chung một trái pháo "mồ côi" của Mỹ cùng với Nguyễn Công Định vào rạng sáng ngày 6 Tết Kỷ Dậu 1969. Tôi nhớ 13 Liệt sĩ trên chốt cao điểm 425 trong một ngày đã đẩy lui 28 đợt tiến công của gần 200 lính Mỹ. Đấy là trung đội phó Trần Văn Tuyển (quê Đại Đồng, Yên Bình, Yên Bái), tiểu đội trưởng Nguyễn Quốc Hội (quê Gia Viễn, Ninh Bình), chiến sĩ Phí Đắc Mịch (quê Đức Giang, Hoài Đức, Hà Tây), chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng (quê Phú Thọ)...một đi không trở lại! Rồi trung đội phó Nguyễn Ngọc Tuân (quê Cao Bằng), đại đội trưởng Hoàng Ổn (quê Thanh Hóa), trung đội trưởng Lục Văn Khoáy (quê Cao Bằng), đại đội trưởng Nguyễn Tấn Chiêm (quê Quảng Nam), đại đội trưởng Nguyễn Văn Hòa (quê Nghệ An), chiến sĩ Dương Công Thoát (quê Bắc Thái)...Mỗi người hi sinh oanh liệt  theo mỗi cách. Họ đều ra đi ở lứa tuổi 20, hầu hết chưa vợ.

Tôi nhớ Tiểu đoàn 1 Phai Khắt (mang danh trận thắng vẻ vang đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam), khi rời đất Sơn Dương - Tuyên Quang để vào chiến trường, đầy đủ đội hình là 520 người. Đầu năm 1971 tôi rời Đường 9 ra bắc, điểm mặt những người cùng vào chiến trường một ngày, chỉ còn chừng hơn hai chục. Thương vong, bệnh tật, tai ách đủ kiểu đã làm hao hụt hàng trăm người!  

Tiểu đoàn Phai Khắt được thành lập tháng 5/1965 tại Cao Bằng, hầu hết lính là người Tày Nùng, chất phác và hiền lành như đất núi. Nằm trong đội hình trung đoàn 246 Quân khu Việt Bắc, huấn luyện chưa được bao lâu thì hành quân về Đa Phúc làm công trình quốc phòng cho sân bay. Hoàn thành công việc, trở lại Sơn Dương - Tuyên Quang, bổ sung quân, huấn luyện gấp gáp, cuối tháng 11/1966 nhận lệnh hành quân vào Nam. Tới xã Nam Quang, Nam Đàn, Nghệ An dừng lại ăn Tết Đinh Mùi. Chả hiểu cánh hậu cần làm thất thoát tài chính thế nào mà cả tiểu đoàn không đủ tiền mua thực phẩm, đành ăn tết chay, không thịt, không bánh chưng, sau Tết lại tiếp tục "đêm đi ngày nghỉ"  hành quân hàng tháng trời. Đầu năm 1967, đến đất Quảng Bình, đại tá Đàm Quang Trung, Tư lệnh chiến trường B5 giữ lại một bộ phận bảo vệ Bộ chỉ huy Mặt trận (H1), còn số lớn phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Đại tá Đàm Quang Trung (sau này là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 1) cũng người Cao Bằng, vui vẻ "phát sóng tiếng dân tộc" chuyện trò rất thân tình với lính Phai Khắt. Ông phấn khích tột độ và thông báo, lần đầu Mặt trận Đường 9 thắng Mỹ giòn giã, bắt sống một lúc hơn bốn chục lính thủy đánh bộ Mỹ ở Gio Linh.

Lúc ấy, máy bay L19 trên trời nhai nhải giọng của tên chiêu hồi Mai Hồng Nhị, từng làm cán bộ đại đội của đơn vị bạn, chạy theo địch và "kêu gọi cán binh Việt Cộng trở về với chánh nghĩa quốc gia"! Dưới mặt đất thì truyền đơn phủ trắng với những lời lẽ chiêu dụ và dọa nạt. Có tấm truyền đơn nội dung "loại súng nầy chưa nhắm vào đầu các bạn!", bên cạnh là tấm ảnh sắc lính đứng hãnh diện bên khẩu đại pháo "vua chiến trường!" của Mỹ.

Tham chiến ở Mặt trận Quảng Trị, Phai Khắt lúc ấy là Tiểu đoàn độc lập, đã tham gia đánh tàu chiến Mỹ bằng thủy lôi ở Cửa Việt. Một bộ phận luồn sang phía nam Đường 9 làm nhiệm vụ nghi binh, thiết kế những "trận địa pháo giả", nòng pháo là những cây gỗ thui đen, ngụy trang như trận địa thật. Khi các đơn vị khác chiến đấu thì trận địa giả hợp đồng tác chiến bằng cách giật bộc phá tạo khói bụi như thật để thu hút máy bay Mỹ ném bom, chia lửa với đơn vị bạn. Chiến công đã lừa máy bay Mỹ trút xuống đó hàng trăm tấn bom đạn. Cũng từ đấy, danh sách thương vong của đơn vị mỗi ngày mỗi tăng thêm.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, trung đoàn 246 từ Việt Bắc hành quân cấp tốc vào Khe Sanh tham gia tác chiến. Chiến tích vang dội khắp Tà Cơn, Động Long, Động Tiên, Động Tri, 689... Nhưng khi trở ra bắc Đường 9, cơ sở hậu cần không có, đã chịu một trận đói khủng khiếp. Lương thực chỉ đủ dành cho người ốm và thương binh. Cháo môn thục trở thành món ăn độ nhật. Gần trăm người chết dọc đường. Mặt trận B5 điều Phai Khắt trở về với trung đoàn 246. Những trận đánh Mỹ lại tiếp tục trên khu vực bắc Đường 9. Lại tiếp tục đổ xương máu trên các nẻo rừng đã bị máy bay Mỹ thả thuốc độc khai quang. Trung đoàn 246 thêm tục danh là "hai bốn đói" từ đó.

Trở lại chuyện của Liệt sĩ Nguyễn Công Định. Vào trưa ngày 3 Tết Kỷ Dậu (1969), Nguyễn Công Định nhờ liên lạc mang đến cho tôi 2 hộp thịt nhỏ khẩu phần lấy được của Mỹ, với dòng chữ bút bi: "Bái, tao gửi mày  để ăn Tết". Vậy mà chỉ hơn hai ngày sau Định đã không còn. Ngày ấy, tận dụng mấy ngày Tết cổ truyền, hai bên tuyên bố ngừng bắn tạm thời, đơn vị tổ chức trinh sát nắm địa hình. Nguyễn Công Định chỉ huy nhóm trinh sát lên 425, khi xuống đến chân cao điểm thì bị một quả pháo từ căn cứ Phu Lơ (544) bắn trúng vào đội hình. Trần Sinh chết ngay tại chỗ. Còn Định bị mảnh pháo phạt hẳn bên mông. Ra quá nhiều máu. Anh em cáng Định về tới hậu cứ Tiểu đoàn, ông Đào Xuân Thái chỉ kịp hỏi Định vài câu thì Định tắt thở. Định được chôn ở Đồi Con Vịt, cùng với Trần Sinh và Lai Phú Ngọ. Sau ít hôm Lai Phú Ngọ "chết lần nữa" vì mộ bị bom Mỹ đánh bay đi nơi khác.

Sau cái ngày Nguyễn Công Định hi sinh được hơn tuần lễ thì một trận chiến đấu không cân sức giữa những người giữ chốt 425 với một đại đội tăng cường của lính thủy đánh bộ Mỹ đã xảy ra. Từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, chốt B425 mịt mù khói lửa bởi phi pháo và các đợt lính Mỹ tấn công. Khi chiếc máy bay trực thăng bị súng phòng không do đại đội 4 của đại đội trưởng Nguyễn Ngọc Văn chỉ huy bắn rơi ngay trên trận địa, qua ít phút giành giật, cả chốt B425 không còn một tiếng súng. Mười ba chiến sĩ chốt không ai trở về! Sau này, anh Nguyễn Ngọc Văn trở thành Trung tướng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Quân sự, đã có lần cùng tôi xót xa ôn lại kỷ niệm đau thương đó, nhắc tên từng người ngày cùng hành quân vào chiến trường.

Cứ sau mỗi đợt chiến đấu, gian nhà hầm của ông Đào Xuân Thái ở Bản Thúc lại chất đầy những chiếc ba lô đỏ quạch bùn đất Di vật của các Liệt sĩ. Tôi cùng anh em lựa chọn những quần áo còn tốt, những vật lưu niệm sổ tay, ảnh, khăn tay...của từng người, đóng gói cẩn thận gửi Trung đoàn chuyển về cho các gia đình Liệt sĩ. Chúng tôi cố làm trọn bổn phận của những kẻ sống sót.

3 - Những người đồng hành tự nguyện

Gia đình đi tìm Nguyễn Công Định có tám người, gồm anh em ngành trên ngành dưới và các cháu cả trai cả gái. Lần đầu đến Quảng Trị, nên ai cũng bỡ ngỡ. Mọi việc trông chờ cả ở Nguyễn Xuân Đặng, ông Thái và tôi.

Ngày đầu, chúng tôi đã thu lượm được khá nhiều thông tin xung quanh việc các gia đình đi tìm mộ Liệt sĩ. Ngày nào ở nhà khách 27/7 cũng có vài đoàn đi tìm thân nhân Liệt sĩ. Có hôm không đủ chỗ cho khách.

Không hẹn trước, nhóm phóng viên "trở về từ ký ức", chương trình mang "thương hiệu Thu Uyên" đang trực ở Quảng Trị liền gặp chúng tôi, biết chúng tôi đi tìm đồng đội họ đã sắp xếp lại lịch công tác để tham gia với chúng tôi đến thực địa. Sáng sớm hôm sau, phóng viên Tân Lâm cùng Lê Tiến Sỹ và Hồ Sĩ Bảy, lỉnh kỉnh máy thu hình, mỗi người một xe máy, cùng chúng tôi vào rừng. Chúng tôi thuê thêm 2 xe máy với ý định, chỗ nào đi xe máy được thì cố chở nhau cho đỡ vất vả, khi nào không đi được nữa thì gửi xe lại.

Xe phóng qua ngầm Khe Van, cứ chiểu theo hướng bản đồ mà đi. Qua đoạn suối sâu, phải khiêng xe máy, hỏi thăm người đi bẫy gà rừng đường đến 425. Không rõ mà! Họ đâu biết tên gọi những ký hiệu địa danh quân sự.  Bế tắc! Chúng tôi phóng bừa xe máy trên lối mòn sau mưa đầy hố nước trơn trượt, người ngồi sau không bám chắc chỉ có văng xuống đất đá. Gặp một nhà dân bên suối, tạt vào hỏi tiếp. Chủ nhà là ông già người nhỏ thó. Chúng tôi nói rằng muốn đến chỗ máy bay Mỹ rơi. Ông ta bảo Mỹ đã đến cẩu máy bay đi rồi! Chúng tôi nói rằng đoàn không phải đi tìm xác chiếc máy bay, mà chỉ tìm chỗ máy bay rơi để xác định trận địa xưa làm điểm mốc tìm mộ Liệt sĩ. Chúng tôi thuê ông dẫn đường. Ông nói xa lắm, phải đi hết ngày chưa tới. Ông gọi cho con trai bảo nó đưa đi. Nó cũng không nhận lời. Đành mở bản đồ ra tiếp tục "nghiên cứu"! Hàng giờ đồng hồ chờ đợi trong nôn nóng tưởng như vô vọng. Phóng viên Tân Lâm vừa tự tuyên truyền cho chương trình "trở về từ ký ức" vừa nói khéo nhờ ông già chỉ đường. Ông vẫn chối. Lúc sau, tôi hỏi chiếc máy bay trực thăng của Mỹ bây giờ còn không? Ông à lên một tiếng rồi bảo rằng chỗ chiếc trực thăng rơi thì gần thôi, chỉ đi vài giờ là tới. Nơi ấy thì ông rành lắm! Thế là ông vui vẻ dẫn đường. Ông bảo, ở đây có mấy nơi máy bay Mỹ rơi. Dân thường gọi theo thứ tự: máy bay 1, máy bay 2, máy bay 3... Còn chỗ đó là trực thăng! Từ đây, xe máy bỏ lại, chỉ có mỗi cách cuốc bộ. Ông Đào Xuân Thái đi đường nhẩm đếm phải qua 13 đoạn suối và khe, có chỗ nước sâu ngang ngực, và chừng ấy đoạn đèo mới đến được chân cao điểm 425. Trông ông Thái chống gậy lội suối, leo dốc, cực nhọc chẳng khác gì xưa hành quân. Lắm lúc thấy ông mệt, mọi người bảo nhau dừng lại chờ.

Đi bên người dẫn đường, tôi hỏi tên và hoàn cảnh ông ta. Ông nói tên là Đào Văn Công, 62 tuổi, gia đình đến định cư "một chắc" bên suối vắng chừng vài chục năm. Câu chuyện trở nên rôm rả. Ông kể rằng lúc trẻ ở ngoài Cam Lộ, cũng là người làm ra tiền của và là tay ăn tiêu "chối trời chối đất". Ua chầu chầu! Bà vợ giờ là "tập 2" đó. Hết tiền, mấy cha con rủ nhau vô rừng mưu sinh bằng tìm kiếm phế liệu bom mìn và đồ dùng chiến tranh của Mỹ đem bán. Thế mà đủ sống, còn có lúc dư dả thiệt tình! Chiếc máy bay trực thăng rơi trên cao điểm 425, một mình ông dùng bộc phá đánh tan làm phế liệu, dùng xe trâu chở ra Đường 9 bán! Ông đánh hẳn một con đường đủ cho xe thô sơ đi. Bây giờ lâm trường sửa sang thành đường xe u oát có thể đi được. Thảo nào, ông Công rành rẽ cao điểm 425 vậy! Tôi đùa, thế là Mỹ sản xuất trực thăng từ Los Angeles  mang sang Việt Nam biếu không cho ông còn gì? Ông Công khoái chí nói: đó đó, đúng!  

Nghỉ trưa ở nhà người bảo vệ rừng đang còn đi làm vắng. Chỉ có cháu gái người Vân Kiều làm con nuôi gia đình này trông nhà. Gọi là nhà nhưng nhìn đồ vật không có gì đáng giá vài trăm nghìn! Ông Công vay gạo cho chúng tôi nấu cơm. Rau rớn là món ăn chính. Ai cũng khen ngon!

Đầu giờ chiều cả đoàn trèo dốc "lên chốt" xưa. Dấu vết những hố bom hố pháo vẫn còn sâu hoắm. Vắt nhiều vô cùng. Ai cũng bị vắt "oanh tạc". Nguyễn Xuân Đặng bị bốn con vắt tấn công vào một chỗ ở kẽ chân, máu chảy lênh láng. Không trừ chỗ nào trên người vắt không tấn công. Lên cao chúng tôi nhận ra từng mỏm đồi, từng điểm chốt. Kia là mỏm A425, nơi bị Mỹ đánh chiếm. Đó mỏm B425, ta bị Mỹ tấn công suốt một ngày. Theo vòng cánh cung xuống là Đồi Con Vịt. Chính đây rồi! Ông Đào Xuân Thái nhận ra vị trí ngồi cùng liên lạc quan sát lính Mỹ tấn công trận địa ta. Bộ phận có nhiệm vụ đánh tạt sườn chi viện cho chốt không sao vận động tới được vì bị phi pháo Mỹ đánh chặn. Cái eo núi kia Đỗ Xuân Báu, người thị trấn Phùng (Sơn Tây) lên chốt cáng thương. Người khiêng cáng phía sau thấp hơn, khó đi. Vừa đổi đầu võng cho bạn thì một quả đạn pháo nổ ngay cạnh, đầu anh bạn cùng khiêng cáng bị phạt ngang văng ra trước mặt Báu. Người bị thương trên cáng cũng chết luôn.

Tôi trèo lên ngang núi, nhìn sang vị trí ông Đào Văn Công  đã phá trọn chiếc trực thăng Mỹ. Tranh thủ chụp vài kiểu ảnh lưu niệm với Đặng, với ông Công. Nhà báo Tân Lâm quay cảnh trận địa xưa. Lê Tiến Sỹ bấm máy ảnh liên tục. Ngay chỗ ông Đào Xuân Thái ngồi cùng liên lạc cách đây hơn 43 năm, nhà báo Tân Lâm tranh thủ phỏng vấn người chỉ huy tiểu đoàn Phai Khắt. Ông Đào Xuân Thái thong thả mở lá cờ đã bạc màu, đôi chỗ đã rách thủng, rồi nói đây là lá cờ do Trung đoàn 246 Việt Bắc tặng Tiểu đoàn Phai Khắt khi vào Nam từ cuối năm 1966, ông đã giữ 46 năm, hôm nay mang trở lại chiến trường để những linh hồn chiến sĩ còn nằm trên đất này chứng giám rằng những người sống vẫn nhớ đồng đội. Xin linh ứng báo cho người thân nơi yên nghỉ, để cuộc tìm kiếm Liệt sĩ bớt đi những trở ngại. Nhà báo Tân Lâm hỏi: "Đã ở tuổi 84, sao ông vẫn trở lại chiến trường xưa?". Ông Thái nói: "Các Liệt sĩ hi sinh vì đất nước nhưng cũng vì chính cuộc sống của tôi. Tôi nhớ ơn họ. Và cũng là mệnh lệnh của lương tâm. Để thấy chúng tôi không bội bạc"! - "Điều gì khiến ông nhớ nhất?" - "Địa bàn này đơn vị tôi đã tác chiến 117 trận lớn nhỏ, có trận thắng và có cả những trận hi sinh quá lớn"!  - "Trở lại nơi này, cảm tưởng của ông thế nào?" - "Tôi tự hào về lòng dũng cảm của các chiến sĩ đơn vị tôi. Nơi này xưa là đồi trọc do thuốc hóa học Mỹ hủy diệt. Bây giờ đã có màu xanh...". - "Ông đi vào đây, có điều gì lấn cấn không?" - "Có chứ! Các con tôi không muốn cho tôi đi, lo cho tôi về sức khỏe, tôi giải thích, vì đồng đội, tôi còn đi được! Hình như vong linh các Liệt sĩ phù trợ, tôi như thấy khỏe ra!". Mọi người xem tờ giấy sơ đồ ông Thái vẽ trước khi lên đường, nơi chôn cất Liệt sĩ Nguyễn Công Định, so với thực địa gần như chính xác. Ông Thái đối chiếu các mốc và đo đoạn đường xuống suối để xác định lần nữa chỗ Liệt sĩ nằm. Chiều tối, chúng tôi trở về nghỉ nhờ nhà cô Trần Thị Giáo nhân viên bảo vệ rừng. Đêm trở lại với đèn dầu. Đế đèn là hộp bia cho bấc vào đốt. Rừng sâu thế này, lấy đâu ra điện? Cô khoe, cách đây một tuần nằm mơ thấy có anh bộ đội đến chào để về quê. Hôm sau thấy một anh nữa quấn băng trên đầu đến xin thức ăn. Ông Thái hỏi, cô có hay mơ thấy bộ đội đến đây không? Cô trả lời, nhiều đêm mơ thấy bộ đội về đôông lắm, hát hò đàn sáo rất chi là vui. Nghe vậy biết vậy. Dù sao cũng chỉ là chuyện của giấc mơ!

Hôm sau, theo vị trí ông Thái chỉ dẫn, người nhà Liệt sĩ Nguyễn Công Định đã lên đào tìm mộ anh trên Đồi Con Vịt. Cô nhân viên bảo vệ rừng cùng con gái Vân Kiều cũng lên góp sức. Không hiểu trong cõi u u minh minh kia linh ứng đến đâu mà hơn một ngày đào bới cũng chỉ thấy được mấy đốt xương, ít mảnh tăng đã nát và một mảnh đuya- ra dùng khắc tên người hy sinh. Bom đạn đào đi xới lại, còn chút gì cũng là quý. Tôi thầm nghĩ, xương thịt Định đã thấm vào đất, thấm vào tận long mạch, đất ở đây chỗ nào chẳng là máu xương!

 

4 - Một chút nỗi niềm

Đặng hỏi tôi: "Ông Thái và anh đã làm hồ sơ hưởng chế độ chất độc màu da cam chưa?". Tôi bảo: "Chưa! Mà chắc gì đã được! Nghe nói thủ tục phiền hà lắm!". Đặng bảo: "Sao phiền hà? Đã chiến đấu trên địa bàn này là được tất! Chúng em đã khai và được cả rồi, các anh còn vào trước chúng em. Ai chả phải lội qua suối qua rừng này, có bay qua được đâu? Ai biết được hậu quả với từng người ra sao. Phải công bằng chứ!". Công bằng??? Ngay từ ngày còn chiến đấu đã phân biệt  B ngắn B dài. Ở đâu chẳng ác liệt. Cùng bom đạn chết chóc, nhưng B ngắn gia đình ở quê chẳng được hưởng chế độ gì. Thời ấy nói cơm bắc giặc nam, là nói ăn cơm miền bắc đánh giặc miền Nam. Nghiệt ngã không kém. Những Liệt sĩ hi sinh ở đây có khác gì Liệt sĩ hi sinh B dài? Đổi thay đơn vị cũng là điều dễ dẫn đến thất lạc tin tức, sau năm 1970, bộ phận khung Trung đoàn 246 rút ra Việt Bắc, số còn lại bổ sung cho các đơn vị ở lại chiến trường. Riêng Tiểu đoàn Phai Khắt bổ sung cho bộ đội địa phương Quảng Trị. Nửa về huyện đội Cam Lộ hi sinh ít hơn. Nửa về huyện đội Gio Linh thì hao hụt gần hết. Trung đoàn khác gì giải thể, nên chả ai chăm lo phần chính sách. Hồ sơ lưu trữ chắc gì đã còn để tra cứu. Từ Bến Hải trở vào Đường 9, chắc chắn đơn vị tôi còn hàng trăm người nằm đâu đó trong lòng đất chưa được quy tập về Nghĩa trang. Hi sinh rồi mà vẫn chịu thiệt thòi. Nhà văn Xuân Đức có lần nói một câu rất ám ảnh mà khái quát về quê Quảng Trị: "thế mạnh là Nghĩa trang, tiềm năng là mồ mả". Chừng nào Liệt sĩ còn nằm vương vất đâu đó giữa non cao rừng thẳm thì người thân của họ còn phải vất vả lặn lội đi tìm! Vô vọng cũng đi tìm! Lại nghĩ, Mỹ là nước mang quân xâm lược Việt Nam, sau chiến tranh họ lập hẳn cơ quan MIA đi tìm thân nhân cho các gia đình lính chết trận. Ta chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hết chiến tranh có cơ quan Lao động - Thương binh & Xã hội nhưng cũng chỉ làm được việc "đã có kết quả". Sao chưa có cơ quan nhà nước chuyên biệt chủ động đi tìm Liệt sĩ cho các gia đình, mà thân nhân họ cứ phải tốn kém bao tiền bạc vẫn không đủ chắc chắn để tìm Liệt sĩ trong cõi mông lung đại ngàn!

Lê Tiến Sỹ trăn trở trong niềm tâm sự: "Thiếu lỡ vật chất, thiếu hụt thông tin tạo nên sự mệt mỏi cho những người đi tìm thân nhân, tôi thấy xót thương họ, và tôi tình nguyện giúp họ, không tính toán gì. Chỉ có điều chính sách còn nhiều bất cập với họ". Tôi nói với Sỹ: "Ngay chuyện quy định mới đây của nhà nước, phải thử AND mới công nhận là Liệt sĩ rất đúng về mặt khoa học, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Được việc cho người làm thủ tục chính sách, nhưng chưa thuận với khao khát của bao người thân Liệt sĩ. Vì như trường hợp Nông Hoàng Sôi khi đem chôn chỉ còn nhúm thịt trong túi ni lon, hoặc như Lê Dân Dụ, Hàn Phú Vinh...bị bom bay mất tích, và bao người nữa đang nằm lạnh lẽo giữa đại ngàn thì bao giờ tên tuổi họ mới có trong Nghĩa trang?" Nhà báo Tân Lâm thì nói với tôi, không nên làm không công cho những nhà ngoại cảm rởm. Họ ngồi đó nghĩ ra trò thu tiền bất chính của những người quá tin đến mất tỉnh táo. Đã có trường hợp một cô gái ở Hà Tĩnh học chưa hết lớp 12, được một "nhà ngoại cảm rởm" thuê vào các Nghĩa trang ở Quảng Trị ghi lại số mộ "chưa biết tên" với đầy đủ chi tiết. Khi thân nhân Liệt sĩ có nhu cầu tìm mộ, họ ngồi ở nơi rất xa mà nói vanh vách số mộ, thứ tự hàng dọc hàng ngang... Gia đình làm gì không phục! Thế nên mới có trường hợp người thân hi sinh tận Phước Long mà người nhà cứ đến Quảng Trị để tìm!

Ở nhà khách 27/7 tôi đã gặp bà Nguyễn Thị Hiền ở Bình Thuận 97 tuổi vẫn lặn lội ra thăm con ở Nghĩa trang Quảng Trị. Bà nói, nhà nghèo lắm, không đủ tiền đưa mộ con về quê. Nó ở lại với đồng đội cho vui! Lại có đoàn ở Hải Phòng đi tìm mộ thân nhân, nghe "nhà ngoại cảm rởm" nào đó nói ở Nghĩa trang Gio Linh. Họ thuê người ban đêm bốc trộm hài cốt để mang về quê! Khổ thế, chỉ vì nguyện vọng tìm Liệt sĩ lớn quá, nên liều, chắc gì đã đúng? Còn bao trường hợp đến đây để chỉ hỏi thăm với những thông tin mờ mịt chẳng hé ra điều gì, khi trong tay chỉ có tờ giấy báo tử ai cũng như ai với dòng chữ "hi sinh ở mặt trận phía nam"!

Ông Đào Xuân Thái cùng tôi và đại diện gia đình đến các cơ quan chức năng để làm thủ tục đưa Di hài Nguyễn Công Định về quê. Nơi nào nhìn thấy ông Thái và tôi tóc đều bạc, qua ngót ngàn cây số đi tìm đồng đội, cũng ân cần nể trọng. Từ Hội Cựu chiến binh tỉnh, Huyện đội Gio Linh, Phòng Tổ chức Lao động Thương binh Xã hội huyện Gio Linh đến Ủy ban Nhân dân xã Linh Thượng đều giúp đỡ chúng tôi vô tư. Dương Bá Chính chuyên viên chính sách huyện Gio Linh chỉ dẫn tỉ mỉ cách thức viết hồ sơ. Anh Lê Văn Dăng, phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Trị giải quyết công việc chưa đầy 20 phút.  Đặc biệt Phó Chủ tịch Hồ Ba ở xã Linh Thượng, người Vân Kiều cùng anh Hoàng Chiếm Duy cán bộ kiểm lâm, giải quyết việc rất linh hoạt. Gặp Hồ Ba nói năng chất phác chân tình, tôi không thể quên ngày ở Bản Thúc, cùng dân Vân Kiều. Mọi người đều mang họ Hồ biểu thị lòng kiên trung với Bác Hồ, với cách mạng. Chiến tranh khổ sở thiếu thốn thế nhưng kho muối kho gạo "tự giác" của bộ đội ở Bản Mít không có ai trông vẫn không suy suyển. Họ rất đáng trọng.

Chia tay Quảng Trị trong nghi ngút khói hương. Lời cảm ơn là nghi thức không thể thiếu đối với những người đã giúp đỡ chúng tôi đi tìm đồng đội ở chiến trường xưa. Cảm ơn Quảng Trị!

N.B


 

 

Ngọc Bái
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 214 tháng 07/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground