Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sự hình thành ba làng nghề Hà Thanh, Thượng, Trung ở trung tâm huyện Gio Linh

Tiếp theo là các công trình tìm hiểu về đất đai từ Tam Sơn xuống đến Ba-Hà của ông Hà Lạc, mối quan hệ môi sinh và truyền thống một làng của anh Trần Thanh Tâm, chúng tôi xin có một số tư liệu về sự hình thành các làng xã vùng trung tâm huyện Do Linh ngày nay. Qua những tư liệu này, chúng ta thấy rõ hơn các cụm cư dân lần lượt đến khai thác vùng này, góp thêm những hiểu biết về những làng xã vùng trù phú của hạ lưu của dòng nước Tam Sơn.

Trong lịch sử hình thành những cụm cư dân, thường những vùng sông nước, đất đai phì nhiêu, giao thông thuận lợi, các làng mạc ra đời sớm phát triển liên tục hơn, đông đúc hơn. Xét về tính chất thực địa cũng như lịch sử, ở huyện Do Linh, những vùng tả ngạn sông Sông Hàn, hữu ngạn sông Minh Lương (Hiền Lương) các lớp dân cư thay nhau sinh sống từ rất sớm, ngày nay đã trở thành những vùng trù phú trong vùng. Những vùng khác, ít thuận lợi hơn trong môi trường sống, trong điều kiện sản xuất dân cư thưa thớt hơn đến định cư muộn hơn và nhiều nơi cuộc sống không liên tục, làng xã thay đổi nhiều lần. Ở những vùng trung tâm huyện Do Linh nằm vào trường hợp thứ hai này.

Như chúng ta đã biết, vùng trung tâm huyện Do Linh có nhiều làng xã hiện nay rất trù phú. Ở đây chúng tôi chỉ nghiên cứu sự hình thành ba làng thuộc xã Do Châu, tìm thấy đặc điểm và mối quan hệ của ba làng này với những vùng lân cận, từ đây chúng ta lần lượt tìm hiểu những nơi khác trong vùng.

Theo những tài kiệu dân tộc học, khảo cổ học tìm thấy, vùng này có một lịch sử hình thành vùng cư dân phong phú, để lại nhiều truyền thống tốt đẹp về giữ nước dựng nước, đóng góp xứng đáng vào lịch sử dân tộc Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên do điều kiện địa lý, lịch sử để lại, cuộc sống các cư dân ở đây bị xáo động nhiều lần, đặc biệt từ thế kỷ thứ 2 trở đi, quốc gia Chiêm Thành với nền văn hóa ảnh hưởng văn hóa phương Nam. Đến khi đế quốc Chiêm Thành lùi dần vào phía Nam, cư dân Đại Việt với nền văn hóa phía Bắc phát triển mạnh ở vùng này. Ngày nay, chúng ta tìm thấy những dấu tích về văn hóa nhiều mặt, những khu mộ táng đa dạng còn lại ở cả Ba Hà, chứng minh thêm những lớp cư dân từng sinh sống lâu đời ở đây.

Từ những thế kỷ XI, XII, nhiều cư dân phía Bắc đã đến định cư. Chúng tôi nhắc lại ít nét, các luồng dân cư sinh sống trước thế kỷ XIV, XV, trước khi đi vào tìm hiểu những làng mạc hiện nay.

Như chúng ta đã biết, có một số cư dân thuộc nhóm Mongoloid phương Nam, hợp chủng với một số đại chủng phương Nam về sinh sống ở vùng Tam Sơn ngay từ buổi bình minh của lịch sử nhân loại. Họ biết đắp đê trồng lúa nước, biết nuôi bắt cá và nhiều thú rừng rất phong phú ở vùng này. Một số di tích, dụng cụ bằng đá phát hiện ngẫu nhiên cho ta thấy triển vọng việc tìm hiểu cặn kẻ lớp cư dân này trong thời gian tới. Lớp dân cư bản địa này có lẽ nối tiếp nhau sinh sống ở đây với những cụm cư dân từ phía Tây, Tây nam đến muộn, tạo thành một cộng đồng cùng nói một ngôn ngữ pha lẫn Môn-khmer với Thái, Tày tạo thành một dấu vết lắng đọng đậm nét trong thổ ngữ hiện nay ở địa phương. Những lớp người này có thể tạt qua về trong địa bàn miền Trung bán đảo Đông Dương trong những thiên niên kỷ nối tiếp. Chính những thế hệ của cộng đồng cư dân này là chủ nhân nối tiếp của nền văn hóa dân tộc vùng này từ những thế kỷ thứ hai đến những thế kỷ XI, XII trở về trước. Từ đây, một luồng cư dân phía Bắc chuyển dần vào bổ sung thêm cho cộng đồng người ở đây phong phú thêm. Và cũng từ đây có sự xáo động mạnh về chính trị, xã hội, một số lớn cư dân chuyển vào phía nam, số khác từ phía bắc Đèo Ngang lại bổ sung vào dân. Hiện nay, chúng ta tìm thấy dấu vết văn hóa tinh thần vật chất còn đậm nét của những lớp cư dân nói trên: di tích lịch sử, tiếng nói tín ngưỡng, tập quán sản xuất, sinh hoạt, nhà cửa, ăn bận….. đặc biệt những khu mộ táng vò nồi ở Hà Thanh, Hà Trung, Hà Thượng và nhiều nơi khác của văn hóa Sa-huỳnh, văn hóa Chăm pa, những mộ táng hình thuyền ở Hà Trung, những di tích, kiến trúc Chăm pa…. nói lên tính đa dạng về các lớp dân cư đã từng sinh sống nối tiếp nhau ở vùng trung tâm huyện Do Linh

Tiếp những cuộc Nam tiến trong các triều đại Lý, Trần, Hồ, đầu Lê, vào giữa thế kỷ thứ XV trở đi, Lê Thánh Tông chủ trương khai phá mạnh vùng Thuận Hóa: Với những chiến sĩ các đạo quân thường trực chuyển qua nhiệm vụ khai hoang lập ấp vùng miền Trung sau khi bình định xong phía Nam. Họ được phân về lập làng xã mới cùng với cư dân đã sống từ trước ở đây. Chính những làng xã của vùng trung tâm huyện Do Linh, phần lớn ra đời vào dịp đó.

Một số tài liệu ở ba làng (Hà Thanh, Hà Trung, Hà Thượng) sau đây nói rõ điều đó:

Chúng ta vui mừng nhận thấy rằng: Cũng như nhiều nơi khác ở Quảng Trị, ba làng Hà đều còn giữ được gia phả, tộc phả. Không những thế, cả Ba-Hà đều có Hương phả ghi lại nhiều sự kiện xảy ra trong làng từ những ngày đầu mới thành lập. Đặc biệt Hương phả làng Hà Thượng đã ghi lại khá tỉ mỷ cuộc đấu tranh lâu dài trong việc cố giữ cương giới trong việc xếp sắp trật tự các dòng họ đến cư trú. Những trang Hương phả làng Hà Trung cung cấp cho những hiểu biết về sự lập làng, sự cống hiến liên tục của các người con trong làng về sự nghiệp bảo vệ quê hương, khai sông lập làng, lập ấp ở những tỉnh miền Trung, trong đó có nhiều người được ghi vào quốc sử. Hương phả làng Hà Thanh ghi rõ sự nhập cư đầu tiên của họ Hoàng và việc cộng cư hòa thuận từ buổi đầu của dòng họ Trần sinh sống từ trước ở đây. Những trang sử hiếm thấy vừa quý báu này, giúp chúng ta hiểu được nhiều vấn đề về làng xã Việt Nam ngày nay, nhất là sự ra đời các làng này và mối quan hệ giữa các dòng họ trong làng.

Ba làng Hà lần lượt ra đời theo tuần tự thời gian như sau:

-  Làng Hà Trung do ông Trần Văn Đông (người làng Hà Mát, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) vào định cư ở đây ngay sau chiến thắng Đồ Bàn của Lê Thánh Tông (1471). Ông vốn là một chiến binh đội quân chiến thắng Đồ Bàn được phái về đất Thuận Hóa khai hoang lập ấp. Về đây, ông cùng với em ông là Trần Văn Lâm, chung cư với một người họ Nguyễn (sinh sống từ trước ở đây) tiếp tục khai phá vùng dưới chân đồi đất đỏ badan ngay ở cánh đồng thuộc hạ lưu màu mỡ sông nhỏ Tam Sơn. Nơi đây vốn là một trong những trung tâm dân cư đông đúc, phồn vinh ở vùng Ma Linh với một tháp lớn Chăm-pa xây dựng từ thế kỷ VIII, với một vùng mỡ táng nhiều đời, với đồng ruộng phì nhiêu, nằm trung tâm hai làng Hà Thượng, Hà Hạ, nói lên tính chất đông dân cư từ rất sớm. Lúc đầu, là một vùng nhỏ với hai họ ít người, nên chỉ là một Phường trong làng Hà Lạc với một chùa lớn tu tạo trên cơ sở một tháp Chàm cũ với cái tên mới là chùa Bình Trung. Vào những năm 1603 trở đi, nơi đây trở thành nơi tu hành dưỡng lão của ông Trần Đình Ân đồng thời là nơi thường xuyên lui tới của chúa Nguyễn Phúc Chu

Làng Hà Thượng hình thành từ năm Ất Mùi (1475). Hương phả làng ghi rõ như sau: Năm Hồng Đức thứ VI (Ất Tỵ) (tức 1475) ông Nguyễn Ú (thuộc đạo Sơn Tây) và ông Lê Thiên tải (thuộc đạo Sơn Nam)….hai ông tìm đất ở, liền định cư ở bến đò Linh Giang  thuộc đất Minh Linh. Trong hai năm, hai đứa con trai ông là Lê Hiếu và Nguyễn Giáo kết làm anh em coi nhau như cùng một cha mẹ sinh ra. Hai ông lại tìm đến xứ Ba-ba để định cư. Qua hơn 7 năm, bốn cha con họ Nguyễn và họ Lê đẵn cây, đốt rừng dần dà biến rừng núi thành ruộng vườn, tiếp lại tụ tả địa bộ, đặt thành làng…. Sau một vụ tranh chấp địa bộ của một số tên vô lại không thành, cư dân hai họ ấy tiếp tục xây dựng một thời gian nữa! Khoảng 20 năm sau con cháu mở thêm đất đai ngày càng rộng, dân cư ngày càng đông, địa bàn rộng từ Hảo Sơn xuống đến Cồn Cát(2).

-  Năm Cảnh Thống thứ 7 (1504), ông Hoàng Đăng Minh (người xã Đăng Kiêu, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An) vào nhập cư. Cùng năm, ông Lê Văn Hoành (người huyện Thiệu Thiên, phủ Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cũng vào nhập cư ở Hà Thượng. Tiếp những người sau đây tiếp tục nhập cư:

-  Năm 1512, ông Tạ - Nhân – Chánh (người dân tộc), Hồ Lâm, Ngô Văn Thảo (ở xứ Nghệ An). Năm 1558, ông Hoàng Công Sự (cha ông Minh nói ở trên) trở về định cư ở Hà Thượng. Năm 1559, họ Dương ở huyện Triệu Phong, năm 1665, họ Võ, năm 1574, người họ Nguyễn ở Thạch-bàn (Quảng Bình), năm 1575, ông Hoàng Đức Thụ (xã Bình Trị, huyện Triệu Phong). Năm 1576 họ Phạm (xã Mai xá) lần lượt đến định cư ở Hà Thượng

Như vậy từ khi hai ông Lê Thiên Tảo và Nguyễn Thọ Ú vào tìm đất lập làng ở bến đò Linh Giang rồi chuyển hẳn vào địa vực Hà Thượng khai phá lập làng mất tròn 9 năm (1484) làng Hà Thượng mới chính thức hình thành, mới “tu tả địa bộ, sáng lập hương hiệu” như Hương phả đã nói. Từ 1484 đến 1576, ngoài hai họ chính giữ vai tiền khai canh, 9 họ khác lần lượt vào hợp cư tạo thành làng xã như ngày nay. Tính chất nhiều họ sinh sống trong một làng như vậy, là dấu tích một thị tứ, một thị trấn, một đồn trại nào đó trong thời buổi đó, vì theo thông thường làng xã Việt Nam ở phía bắc chỉ không quá năm họ, còn vùng mới khai thác này, thường chỉ một vài dòng họ cùng tồng tộc mình chung cư lúc ban đầu ở nơi đất khách quê người mà thôi. Tính chất phổ biến này rất rõ nét ở Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng. Trong quá trình thành lập và phát triển, làng Hà Thượng có nhiều thuận lợi: giao thông thuận lợi, nghề nghiệp đa dạng, dân số đông, tập hợp nhiều luồng văn hóa khác nhau thuộc nhiều dòng họ… đã để lại ở đây một mức sống, đa dạng về nghề nghiệp. Tính khép kín ít hơn so với Hà Trung. Dân số tăng nhanh, đất đai rộng đã tạo ra nhiều làng mới ở phía tây bắc như các làng Tân Hà, Tân Lịch, Lạc Tân, Phường Sỏi….tạo thành một vùng dân cư ngày thêm đông đúc.

Làng Hà Thanh (xưa gọi là làng Hà Hạ) vốn xưa cũng là nơi có dân cư, đến sau họ Trần còn lại chung cư với họ Hoàng, từ Hà Thượng chuyển đến.

Việc thành lập làng Hà Hạ (Hà Thanh) có khả năng là một việc làm có tính toán của những nhà cầm quyền, muốn lập một làng mới riêng biệt vì mấy lẽ sau đây: Ba người tiền khai cánh ở Hà Thanh đều là những người có quyền lực đương thời: Năm 1557 (một năm trước khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, 73 năm sau Hà Thượng và 86 năm sau khi Hà Trung ra đời) Ông Hoàng Mã Phì làm Đồng tri châu Minh-linh, con ông Phì là Hoàng Công Sự chức quyền chính xã Hà Lạc và ông Hồ Mã Tọa làm quyền chính làng Hà Hạ. Với quyền lực đương thời, họ Hoàng đã từ Hà Thượng về lập làng Hà Hạ ở phía Nam làng Hà Trung, ngay giữa vùng đất làng Mai Xá vươn rộng lên vùng đất Cồn Tiên. Tiếp đến, những họ khác chuyển đến Hà Hạ: như các ông: Trần Đại Lang, Võ Văn Đủ, Hồ Đức Phạm, Ngô Đài Chế, Trần Đăng Thời.

Những họ ấy song với tính chất cộng đồng làng xã khai phá, mở rộng địa vực, tạo thành một trong ba làng Hà nằm chung trong xã Hà-Lạc mà sách Ô-châu cận lục nói đến

Về sau, khi vùng Bát phường (tám phường) Mai-Xá ra đời vào khoảng những năm 1572 tại chân Động Cồn tiên, tách khỏi làng Mai-Xá chánh về phía đông những gần 20 km, vùng đất nằm giữa hai vùng Mai-Xá nói trên thành vùng đất của làng Hà hạ với mấy làng mới ra đời như: Đào-Xuyên, Phường Quán, Xuân Lộc… Cũng như hai làng Hà-Trung, Hà-Thượng, làng Hà-Thanh có truyền thống đoàn kết xây dựng nông thôn, luôn góp sức cùng cả nước làm nên những trang sử huy hoàng. Trận chiến thắng đường 74 (năm 1952) diệt hơn 200 giặc Pháp giữa ban ngày đã làm cho nhân dân Hà Thanh nói riêng, Quảng Trị nói chung tự hào mãi mãi với mảnh đất yêu quý của mình.

Nghiên cứu bước đầu sự hình thành dân cư đầu tiên ba làng (Hà Thanh, Hà Trung, Hà Thượng) thuộc vùng trung tâm huyện Do Linh, giúp ta thấy rõ tính chất phổ biến về làng xã Việt Nam nói chung và làng xã vùng Quảng Trị nói riêng. Một nét đặc trưng tiêu biểu nhất là tính chất cộng đồng làng xã. Ngay từ khi mới ra đời, nhiều người, nhiều dòng họ, tuy ở nhiều miền khác nhau nhưng mỗi khi định cư một vùng đều dựa lưng vào nhau để tồn tại trong những ngày đầu vô cùng khó khăn. Suốt cả những thời kỳ nối tiếp, sống trong vùng nắng gió bão lụt, giặc giã thường xuyên, chỉ có tinh thần cộng đồng mới bảo vệ được mình, gia đình mình, làng xóm quê hương cùng những thành quả lao động của mình. Người Việt Nam dù ở đâu, lúc nào cũng thấm thía điều đó. Một đặc tính vùng nầy nữa, qua nghiên cứu làng xã là tính tự cường tự lực cao trong cuộc sống. Mỗi thành quả lao động đều mang tính xã hội: với tinh thần tự lo liệu không thể không dựa vào tập thể, vào những làng xóm, làng mạc quanh vùng. Mọi sự đóng kín trong lũy tre làng đều bị cô lập, đều “bưng tai, bịt mắt không tiếp xúc với ánh sáng văn minh của thời đại. Trong thời đại mở cửa, đổi mới như hiện nay, mọi địa phương, cục bộ khép kín đều không thích hợp với đường lối chủ trương của Đảng văn Nhà nước. Mặt khác, mỗi làng, mỗi vùng đều có những đặc tính riêng nằm trong những nét tương đồng lớn của làng xã Việt Nam tạo thành những truyền thống. Những truyền thống mang tính tập quán hàng ngày này có nhiều mặt tích cực nhưng cũng không ít mặt tiêu cực, không phù hợp với thời đại và cuộc sống mới. Do vậy, từ việc tìm hiểu bước đầu ba làng ở Do-châu, chúng ta cần tìm hiểu thêm nhiều vùng nông thôn khác để có những chủ trương, chính sách về kinh tế, văn hóa đúng đắn phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt tiêu cực, xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ V vừa ban hành. Chắc chắn chúng ta tìm thấy những mẫu hình văn hóa làng ở Quảng Trị tiến tới có những mẫu hình làng văn hóa như ý kiến nhiều nhà văn hóa đề cập đên gần đây.

                                                                                                                           H.N

Hoàng Nam
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 2 tháng 11/1994

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

18 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

18 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

18 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

18 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground