Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tâm sự chiều hôm

y là một buổi sáng đầu xuân.

Trời miền Trung đẹp lắm. Hôm ấy ấm, nắng nhẹ, trời tỏng xanh với những đám mây bạc. Khoảng trời xanh ấy, những đám mây bạc ấy in đậm nét trong ký ức tôi hơn nửa thế kỷ qua.

Nhiều khi tôi cũng tự thấy làm lạ. Trong cuộc đời không phải ngắn lắm từ khi tôi bắt đầu hiểu biết đến nay- may mắn thay – và không phải không dày dặn, tôi đã từng sống những giờ phút thật mãnh liệt, có khi gần kề cái chết. Như những ngày làm phóng viên ra chiến trường hay ở vùng địch hậu hoặc như những đêm B52 sáng trời Hà Nội mùa đông rét mướt 72. Ấy thế mà mỗi lần nghĩ về quá khứ, về tuổi thanh xuân của mình, cái tái hiện đầu tiên và rõ nét nhất không phải là những lúc cái chết lướt cạnh mình mà vẫn là khoảng trời xanh sâu thăm thẳm và những đám mây bạc dật dờ.

Tôi từ cơ quan huyện Hải Lăng trở về làng. Quãng đường tôi đang đi là cái dốc thoai thoải con đường số 1 ở cuối thôn Diên Sanh, đầu thôn Mai Đàn – nơi có cái miếu âm hồn. Con đường nhựa lượn dốc lên xuống như một dải lụa đen giữa trảng cát trắng tinh có những bờ rào cây xương rồng và cơ man là nấm mồ lúp xúp hữu chủ có, vô danh có – bởi vậy mới có cái miếu thờ âm hồn. Tôi vừa được lệnh cơ quan cho về nhà gấp rút chuẩn bị để trở lại ngay kịp cùng mọi người sơ tán về đồng bằng hoặc lên chiến khu – chưa ai nói cho tôi biết.

Tình hình khẩn trương lắm. Quân Pháp đã phá vỡ vòng vây ở thành phố Huế, đang theo quốc lộ tiến ra phía Bắc. mà huyện lỵ Hải Lăng của tôi cách thành phố Huế chỉ vừa vặn năm mươi cây số tròn.

Ý nghĩ da diết trong tôi khi nhìn khoảng trời xanh và đám mây bạc ấy là: Quê hương ta đẹp thế này, sao nỡ để cho quân địch xéo giày?

Hôm ấy tôi không nhớ rõ ngày chính xác nhưng chắc chắn vào thượng tuần tháng hai năm 1947.

Sau buổi sáng ấy, bao nhiêu sự kiện diễn ra dập dồn. Tôi bị cuốn hút vào – không, tôi là một nhân vật tích đầy ý thức trong đó. Tôi tự hào là “một chàng trai đi kháng chiến’ làm đầy đủ mọi nhiệm vụ được giao. Nhưng những chuyện này hầu như không khắc sâu mấy dấu vết trong ký ức tôi, trừ khoảng trời và đám mây quê hương ngày tôi bắt đầu dấn thân vào một cuộc đời mới.

Từ buổi sáng ấy, mãi ba mươi năm sau tôi mới có dịp trở về quê.

Trong ba mươi năm ấy, do nghề nghiệp của mình, tôi may mắn đi nhiều nơi, được sống nhiều ngày lý thú, thậm chí có những giờ phút “sang trọng” mà nhiều người khác hẳn không khỏi ước ao. Tỉ như lúc theo gót đại quân vào Sài Gòn giải phóng, ngủ lại đêm đầu tiên ở thành phố trong dinh Độc lập – dĩ nhiên là chỉ trên một tấm nệm bộ đội cho mượn trải giữa sàn nhà. Tỉ như những lúc cùng bạn quốc tế ngồi ở ban công một lâu đài cổ kính cách quê hương nghèo đói của tôi những mấy chục giờ tàu bay, cùng nhau nhâm nhi ly rượu đắt tiền và cùng ngắm một kỳ quan nổi tiếng thế giới. Những lúc ấy bỗng dưng tôi lại sững sờ nghĩ đến khoảng trời xanh và những mảng mây trắng thuở hoa niên.

***

Còn có một buổi sáng khác nữa trong đời tôi.

Mới đầu tháng tư mà nắng Đà Nẵng đã dữ dội. Trên trảng cát cạnh sân bay dã chiến của Mỹ, trảng cát nóng bỏng y hệt trảng cát vùng quê tôi, trảng cát ở mạn miếu âm hồn năm nao, có khác chăng là màu cát ở đây không được trắng bằng. Một người anh họ dẫn tôi đi tìm thăm mộ cụ thân sinh tôi. Cùng đi với chúng tôi hôm ấy có hai anh bạn nữa tình cờ gặp nhau ở thành phố Đà Nẵng vừa giải phóng kẹt cứng đồng bào di tản từ các nơi đổ về đang chờ được trở lại quê hương: nhà văn Xuân Thu, phóng viên báo Cứu Quốc và nhà báo Mai Hồ làm việc cho tờ Tạp chí đối ngoại xuất bản đồng thời bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, tờ Nghiên cứu Việt Nam.

Mộ thân sinh tôi nằm giữa bao nhiêu ngôi mộ khác, giống hệt bao nhiêu ngôi mộ khác: nếu không có ông anh họ giúp sức chắc khó có thể tìm ra. May mà có tấm mộ chí do các chị và các cháu của tôi ở trong Nam vốn có nhiều kinh nghiệm đã dựng nên và ghi chú cẩn thận: Người an nghỉ ở đây tên, họ, quê quán ... từ trần ngày, tháng , năm... thọ.... tuổi. Tôi nhẩm tính cha tôi mất cho đến hôm nay mới vừa sáu tháng. Cha tôi đã chờ con suốt ba mươi năm, chỉ còn sáu tháng cuối cùng nữa thôi thì cụ kiệt sức, như cây khô hết nhựa và lặng lẽ nhẹ nhàng ra đi. “Nhẹ nhàng” là từ ngữ bà con họ hàng tôi thuật lại. Kể ra thì cũng nhẹ nhàng, bởi cụ không phải trải qua cơn đau yếu dài ngày như những người đến tuổi cụ mà cho đến trước lúc ra đi vẫn minh mẫn tinh tường. Nhưng tôi biết nỗi lòng cụ lúc giã từ cuộc thế chẳng nhẹ nhàng chút nào.

Các ngôi mộ ở đây đều bó bằng gạch, cũng đơn sơ thôi. Giữa trảng cát này nếu chỉ đắp nấm mồ bằng cát trắng thì chỉ qua một mùa hè nắng gió, dấu vết sẽ không còn. Đầu mộ có bát hương đúc bằng xi măng và phía chân là một cây dừa cạn (1) còi cọc. Trên trảng cát nóng như rang, cây dừa cạn vẫn sống, đang sống và đang nở những bông hoa đơn sơ tím màu huyễn hoặc.

Màu tím hoa dừa cạn ấy đeo đẳng suốt đời tôi. Mà lạ quá, chính những cây dễ mọc, dễ sống ấy đã được trồng rất nhiều ở “trường sơ học kiêm bị” cạnh nhà bưu điện và tòa sứ - tất cả những thứ này chỉ còn lại trong ký ức. Còn thực tại đó là những đống gạch vụn do chiến tranh gây ra – mà mấy tháng sau tôi trở lại để viết về những “chiến sĩ giữ Thành Cổ”.

Màu tím hoa dừa cạn đã để ấn tượng vào ký ức tôi thuở ấu thơ, khi tôi còn là cậu bé nhà quê sáu tuổi đầu được cha tôi dẫn đến trường nhập học lớp đồng ấu. Và bây giờ, đến giữa trưa của cuộc đời, tôi gặp lại nó trên trảng cát nóng như gặp lại người bạn cũ khi trở lại quê hương quá muộn màng.

Mãi nhìn màu tím hoa dừa cạn, tôi thẫn thờ đến nỗi các bạn tôi nãy giờ đã cùng nhau che chắn gió biển để đốt được bó hương, mang đến dí vào tay cho tôi làm lễ.

***

Hình như đã có lần tôi đã viết ở đâu đó hoặc ghi vào sổ tay cái ý sau đây về quê hương: tình cảm quê hương, hay đúng hơn sự nhớ về quê hương là một sợi dây vô hình nhưng bền chắc. Ở gần ta không mấy cảm nhận nó. Nhưng đi xe quê hương sợi dây ấy thít lại, ta càng xa lâu nó càng thít chặt; làm cho bất kỳ ai càng đi xa càng nghĩ nhiều tới quê hương.

Cũng có thể đó không hẳn là ý tưởng của tôi; hoặc giả tôi đã đọc được của tác giả nào đó và cảm nhận tới mức ngỡ là của mình. Cũng chẳng sao, bởi vì cái ý ấy thường xuyên hiện hữu trong tôi.

Càng đi về chặng cuối của đường đời, sợi dây vô hình ấy càng canh cánh bên ta. Nó thôi thúc ta làm một cái gì đó cho quê hương, ít ra cũng cho lòng mình trở lại với quê hương.

Tôi có vinh dự được cấp trên cho phép và giới thiệu về ứng cử Quốc hội hai khóa liền tại một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, không xa mấy thủ đô. Đến nhiệm kỳ thứ ba, tôi bày tỏ nguyện vọng – và được chấp nhận – về ứng cử tại quê hương Quảng Trị, mảnh đất vô cùng anh dũng trong chiến đấu, nhưng từ xa xưa vốn nghèo thiếu như một người con  khác của Quảng Trị là nhà thơ lớn Chế Lan Viên từng viết:

Những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ

Những đồi sim không đủ quả nuôi người

Dĩ nhiên Quảng Trị ngày nay khác trước rất nhiều, song vẫn không dễ gì ngày một ngày hai vươn lên bằng chị bằng em ngay.

Tôi hoàn toàn ý thức chẳng phải để có thể đóng góp được gì. Chẳng qua “cáo chết ba năm quay đầu về núi”, chẳng qua để thỏa mãn tình cảm đau đáu cả đời mình, để có được nhiều dịp hơn tiếp xúc với quê hương.

Mà quả đúng như vậy. Trong gần một tháng đi tiếp xúc với cử tri “vận động bầu cử”, tôi đã được trở lại nhiều nơi từng sống trước đây ở Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ,  Đông Hà ... Tôi đã được trở lại  con đường 68 – “Con đường không vui” của quân đội viễn chinh Pháp thời trước, con đường mà tôi đã nhiều lần đi để từ miền Bắc tự do vào vùng nam Thừa Thiên qua Cửa Tùng, Cửa Việt, Cửa Tư Hiền ... Tôi được trở lại chợ Cạn – nơi tôi từng cùng nhiều văn nghệ sĩ khác đi theo bộ đội tập kích quân Pháp đồn trú thôn này. Tôi đã trở lại căn cứ Cùa – nơi ngày nay người dân đang gánh chịu hậu quả chất độc màu da cam. Tôi đã lại đến viếng nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng – quê nội, xã Hải Phú quê ngoại tôi – và bàng hoàng trước hai nghìn mộ chí ở mỗi nơi – mặc dù đây không phải lần đầu đến viếng.

Về cuối đời tôi đã gặp vận may, có dịp đóng góp chút công sức cho làng quê. Thật ra việc này không phải do tôi mà là “công” – nếu ta dám gọi nghĩa cử này là công mà không sợ xấu hổ - của hai cha con người cháu tôi, nhà báo Lê Bân. Lê Bân và con gái – cháu Châu Anh – tình cờ có dịp làm quen với một người Nhật trung hậu, bình dị, một nhà giáo trung học “thường thường bậc trung” nhưng có tấm lòng từ thiện vô cùng quý báu. Nghe hai cha con Lê Bân kể về quê hương chúng tôi, người Nhật ấy, ông Yoshida Kiyoshi đã khóc. Và ông bày tỏ ý nguyện muốn được dùng số tiền dành dụm cả cuộc đời nhà giáo vừa đến tuổi hưu, tương đương tám mươi ngàn đô la Mỹ, để xây dựng một ngôi trường cho con em xã Hải Thượng anh hùng.

Trở về nước, ông Yoshida viết một bức thư chính thức gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị xin phép được thực hiện ý định của mình. Đồng thời gửi cho anh Lê Bân và tôi một bức thư khác nhờ giúp đỡ, ít ra là cho “một lời khuyên”. Ông nói thẳng thắn: Số tiền dự định tài trợ là tiền riêng của vợ chồng ông chứ không phải của một tổ chức, cơ quan nào hết. Ông muốn dùng làm việc nghĩa. Nhưng qua báo chí ông nghe nói ở Việt Nam có nạn tham nhũng. Liệu số tiền của vợ chồng ông có được sử dụng có hiệu quả và đúng mục đích hay không.

Được phép của tỉnh, tôi đã trả lời ông Yoshida. Tôi nói đúng là ở Việt Nam có nạn tham nhũng nhưng Đảng và Nhà nước chúng tôi quyết tâm khắc phục, loại trừ. Cá nhân tôi với tư cách là Đại biểu Quốc hội và Ủy viên Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi cùng các bạn tôi bảo đảm với ông sẽ sử dụng có hiệu quả nhất số tiền ông tài trợ. Chúng tôi sẽ gửi bản thiết kế sang Nhật Bản cho ông xem trước, nếu ông đồng ý, mời vợ chồng ông sang dự lễ khởi công; rồi tiến độ xây dựng thực hiện đến đâu, ông sẽ chuyển tiền sang đến đấy, không cần phải gửi trước tất cả.

Vợ chồng ông đã sang lại Quảng Trị. Ông đã khóc khi phát biểu với các cháu học sinh. Ông nói “Ngày 10 tháng 3 năm 1945 căn nhà của gia đình tôi ở thành phố Osaka bị máy bay Mỹ ném bom đốt cháy. Nhiều ngày cả gia đình tôi không có hạt cơm vào bụng. Lên 9 tuổi tôi đã phải đi bán báo. Năm 15 tuổi tôi được vào trung học, nhưng ban ngày đi học còn ban đêm phải đi lao động để có cái ăn. Năm 18 tuổi tôi đi làm ban ngày còn ban đêm đi học đại học. Lâu sau đó, mới có dịp học đại học ban ngày (học chính quy). Tôi đã tốt nghiệp đại học kinh tế và đại học luật ... Mong các cháu hãy nhìn về tương lai, nhìn về thế kỷ XXI, hãy vì độc lập, tự do, hạnh phúc của đất nước các cháu mà học hành cho thành đạt ... Nhân dân Việt Nam rất anh hùng, đất nước Việt Nam sẽ hùng mạnh”

Trường trung học cơ sở Hải Thượng do vợ chồng ông Yoshida Kiyoshi tài trợ, nhờ sự giúp đỡ chí tình của các cấp chính quyền tỉnh, huyện và xã Hải Thượng đã trở thành hiện thực – trong đó có công sức của một người con xã Hải Thượng, anh Lê Văn Hoan – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; với tư cách Chủ tịch hội từ thiện tỉnh, anh đã được phép đứng ra tiếp nhận và chỉ đạo thực hiện sự tài trợ này.

Ngôi trường xây dựng trên trảng cát trắng phau nay đã tỏa xanh bóng phi lao – trảng cát đã thấp thoáng trong nhiều trang viết của tôi về quê hương Quảng Trị.

***

Cuốn sách khiêm nhường này đến tay bạn đọc do một sự tình cờ. Sau khi đọc tuyển tập Phan Quang, anh Nguyễn Đức Chính – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh và cũng là đại biểu Quốc hội cùng đoàn – nói với tôi: “Nhiều điều bác viết về quê hương, ngay lứa tuổi Chính cũng biết ít lắm, nói gì các em, các cháu. Sao bác không tập hợp lại, in một tập riêng cho dễ đọc”.

Tôi thấy đó là một ý tưởng hay và cố gắng thực hiện. Tiếc là tôi không giữ được nhiều bài tôi viết. Ngay Tuyển (ba tập) của tôi do nhà xuất bản Văn học vừa ấn hành là công lao chính của hai người bạn: giáo sư Hà Minh Đức và nhà văn Ngô Thảo. Các anh đã chịu khó đọc mấy ngàn trang, trong đó có vô vàn trang đọc chán, để gạn đục khơi trong mà giới thiệu với độc giả. Nhân đây cho tôi được bày tỏ lòng biết ơn hai anh. Những tác phẩm cũ nhất tôi còn giữ được là các Truyện ngắn Lửa Hồng viết năm 1948, đăng trên báo Cứu Quốc số đặc biệt xuân Kỷ Mão, và cô du kích in trên số đặc biệt nhân kỷ niệm Quốc Khánh 1949, tôi không chọn vì muốn tất cả các bài trong tập này đều viết về người thật việc thật có địa chỉ rõ ràng – trừ trường hợp  cá biệt phải giữ bí mật.

Albert Camus, giải thưởng Nobel về văn chương và chủ bút nhật báo chiến đấu (pháp) hình như có lần nói: “Nhà báo là người viết sử biên niên thời đại mình”. Nếu quả như vậy thì trang sách này dù chỉ là những hạt cát li ti cũng mong được góp phần vào việc xây dựng tòa lâu đài là bộ sử biên niên của quê ta. Tôi xin dâng tặng quê hương, trước hết là tặng các bạn trẻ, những người có diễm phúc sinh ra và lớn lên trong Tổ Quốc đã giành lại được độc lập, hòa bình sau những năm tháng đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh.

P.Q

Phan Quang
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 69 tháng 06/2000

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

11 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground