Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tên gọi của Vĩnh Linh thời xưa

Địa danh và địa danh học là một vấn đề phức tạp, không những ở Việt Nam mà nói chung trên toàn thế giới. Xét cho cùng, địa danh được sử dụng bởi ít nhất 3 chủ thể:

- Của mỗi cá nhân chôn nhau cắt rốn ở đó.

- Của cộng đồng dân cư sống trên vùng đất đó.

- Và của đất nước/nhà nước đang bao chứa, quản lý vùng đất đó.

Trong một chừng mực nào đó, địa danh có thể thay đổi trong chốc lát do cách nói ẩn dụ, hoán dụ của các cá thể. Chẳng hạn nói: Tôi là người con quê lụa thay cho: Tôi quê ở Hà Tây; hoặc: Tôi là người ăn cơm bữa diếp thay cho: Tôi quê ở Vĩnh Linh. Nhưng nói chung những thay đổi này là tạm thời, thoáng chốc; còn địa danh luôn mang đặc điểm là vững bền, cố định, được lưu trữ lâu dài cả trong ký ức nhân dân lẫn văn kiện nhà nước.

Song, mặt biện chứng trong sự vận động của tên đất là địa danh có thể thay đổi để phù hợp với sự phát triển, với những biến động chính trị, kinh tế, xã hội và với những biến thiên lịch sử. Nói rốt ráo thì việc thay đổi tên đất vượt khỏi ý muốn của các cá thể, kể cả người cầm quyền. Ngay việc thay đổi địa danh dưới thời phong kiến do kỵ húy cũng không phải là ý muốn độc đoán của một vị hoàng đế mà là phản ánh nỗ lực bảo vệ trật tự phong kiến, uy lực của nhà nước phong kiến và tính chất thiêng liêng của hoàng gia.

Về tên gọi của đất Vĩnh Linh, một trong những tài liệu địa lý học rất quý cho việc tham khảo là cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời” của học giả Đào Duy Anh. Theo đó, có thể biết vùng đất Vĩnh Linh ngày nay đã từng có những biến đổi như sau:

- Thời Hùng Vương, thuộc bộ Việt Thường.

- Thời Âu Lạc, bị nhà Hán đô hộ: Vĩnh Linh là đất của huyện Tỷ Ảnh (lưu vực sông Nhật Lệ cho đến sông Bến Hải), huyện trị đặt ở gần sông Nhật Lệ. Lúc này lưu vực sông Thạch Hãn thuộc huyện Chu Ngô, huyện trị đặt gần sông Thạch Hãn. Cả hai huyện đều thuộc quận Nhật Nam.

- Thời nhà Tùy, thuộc đất Nông Châu.

- Thời Tam Quốc và Lưỡng Tấn: Quảng Trị nói chung và Vĩnh Linh nói riêng thuộc huyện Vô Lao là huyện mới đặt thêm từ thời Tấn do tách huyện Tỷ Ảnh, cũng thuộc huyện Nhật Nam.

- Thời nhà Đường, thuộc đất Lâm Châu (Châu ky my là ràng buộc lỏng lẻo). Đại để, giai đoạn này sử liệu rất mù mờ, có khi mâu thuẫn, nhiều lúc phải suy đoán mà thôi.

- Từ họ Khúc dấy nghiệp đến năm 1069: Vĩnh Linh là đất Chiêm Thành, có tên gọi là châu Ma Linh. Khi Chế Củ trao cho nhà Lý, châu này phía Nam giáp châu Ô, địa giới là tuyến sông Hiếu - ngã ba Dạ Độ - Thạch Hãn hoặc tuyến sông Thạch Hãn từ thượng lưu đến Cửa Việt; phía Bắc giáp châu Địa Lý, phía Đông giáp biển.

Thực ra, Ma Linh là tên gọi đã được Hán - Việt hóa, chẳng rõ người Chiêm gọi theo ngữ âm của họ là gì. Về diện tích, nếu giả định 3 châu Địa Lý, Bố Chính, Ma Linh bằng hoặc gần bằng nhau thì có thể suy ra châu Ma Linh (Chiêm Thành) có diện tích lớn hơn diện tích 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh ngày nay cộng lại.

Vào năm Thái Ninh thứ 4 (1075), đời Lý Nhân Tông, châu Ma Linh được đổi tên thành châu Minh Linh và Lý Thường Kiệt được cử vào vẽ địa đồ và chiêu tập dân đến ở. Đây là lần đổi tên đầu tiên và châu Minh Linh mang một tên Việt mới.

Thời Trần mạt, châu Minh Linh thuộc trấn Tây Bình và rộng hơn huyện Vĩnh Linh ngày nay, gồm có 3 huyện mà theo Đào Duy Anh, có vị trí như sau:

- Huyện Đơn Duệ: Nay Vĩnh Linh có xã Đơn Duệ về phía Đông chợ huyện. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng ghi ở đấy có thành cổ, có lẽ là di tích huyện xưa.

- Huyện Tả Bố.

- Huyện Dạ Độ: Hiện nay chỗ sông Hiếu nhập vào sông Thạch Hãn vẫn được gọi là ngã ba Dạ Độ.

Như vậy, vào thời ấy, đất Minh Linh còn kéo dài về phía Nam, từ sông Bến Hải đến sông Thạch Hãn.

Thời thuộc Minh, niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), đổi châu Minh Linh thành Nam Linh. Từ thời Trần mạt đến thời nhà Hồ, có một thay đổi nào đó đối với địa giới Minh Linh nên nhà Minh ra lệnh sáp nhập huyện Dạ Độ (tháng 8 năm Vĩnh Lạc 13 (1415), và huyện Tả Bình (Tả Bố cũ - tháng 9 năm Vĩnh Lạc 17 (1419) vào châu Nam Linh như cũ.

Thời nhà Lê, triều đình đổi châu Minh Linh làm huyện Minh Linh, từ đó cho đến năm 1801, huyện này vẫn thuộc phủ Tân Bình (Quảng Bình sau này). Năm 1438, sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi ra đời, chép về châu Minh Linh có 64 xã, 2 huyện. Đến năm 1471, lại xuất hiện một tên gọi khá lạ. Năm đó, khi đi đánh Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông có viết bài thơ “Bố Chính hải môn lữ thứ” (Nghỉ lại ở cửa biển Bố Chính). Trong phần nguyên chú, tác giả cho biết: “Năm Thái Ninh thứ 4, vua (Lý) Nhân Tông đổi châu Ma Linh thành châu Âm Linh”, không rõ về tên gọi Âm Linh, Lê Thánh Tông dựa vào tư liệu nào.

Năm 1775, khi vào Thuận Hóa, nhà bác học Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” thống kê huyện Minh Linh (thuộc phủ Quảng Bình, xứ Thuận Hóa) có 5 tổng, 69 xã, 3 thôn, 54 phường…

Nhưng đến thời nhà Nguyễn, huyện Vĩnh Linh mới thật sự có nhiều thay đổi về địa giới và tên gọi, tóm tắt như sau:

- Đầu đời Gia Long, trích lấy huyện Minh Linh cho lệ vào dinh Quảng Trị, đặt một Tả Tri huyện, một Hữu Tri huyện. Vào năm 1821, Phan Huy Chú hoàn thành bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, phần “Dư địa chí” có ghi châu Minh Linh gồm 28 xã.

- Thời Minh Mạng: Năm thứ 3 (1822), cho huyện Minh Linh lệ vào phủ Triệu Phong. Năm thứ 8 (1827), đổi Tả Hữu Tri huyện làm Tri huyện và Huyện thừa. Năm thứ 11 (1830), bỏ Tri huyện và Huyện thừa, do Phủ Triệu Phong kiêm lý. Năm thứ 17 (1836), lại do huyện Đăng Xương kiêm lý, lại đặt chức Tri huyện, có 5 tổng, 142 xã, thôn, phường, trang, giáp.

Tháng 12 âm lịch năm này, triều đình trích lấy 3 tổng của huyện Minh Linh cùng với một tổng của huyện Đăng Xương lập huyện mới Địa Linh (sau đổi làm Gio Linh). Lại lập thêm 2 tổng mới cho Vĩnh Linh. Đến lúc Quốc sử quán biên soạn “Đại Nam nhất thống chí” (1864 - 1875), huyện Minh Linh có 4 tổng, 77 xã, thôn, phường, trang, giáp.

Năm Tự Đức thứ 6 (1852), bỏ huyện Địa Linh, cho huyện Vĩnh Linh kiêm nhiếp. Đến năm Đồng Khánh thứ 1 (1886) mới đặt lại huyện Gio Linh (Địa Linh cũ), vẫn do huyện Vĩnh Linh kiêm nhiếp.

Năm Hàm Nghi thứ 1 (1885), vì húy chữ “Minh”, nên đổi tên huyện thành Chiêu Linh.

Năm Thành Thái thứ 1 (1889), vì húy chữ “Chiêu”, lại đổi tên huyện thành Vĩnh Linh. Tên gọi này tồn tại cho đến ngày nay, và đặc biệt vang dội trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Thời thuộc Pháp, Vĩnh Linh được nâng lên thành một phủ trong số 3 phủ, 2 huyện và 1 thị xã của tỉnh Quảng Trị.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ (20 – 7 - 1954), buổi đầu Vĩnh Linh tạm thời sáp nhập với tỉnh Quảng Bình. Do tình hình và nhiệm vụ mới, ngày 16 – 6 - 1955, Thủ Tướng Chính phủ ra Nghị định số 151/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh như một đơn vị tỉnh trực thuộc Trung ương. Ngày 15 – 5 - 1976, Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Quyết định sáp nhập Vĩnh Linh cùng 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ thành huyện Bến Hải. Cho đến tháng 5 - 1990, Vĩnh Linh lại được tách ra thành một huyện. Như vậy, từ khi trở về đất Việt, ít nhất Vĩnh Linh đã có 6 tên gọi khác nhau.

* * *

Trên đất nước ta cũng như trên thế giới, việc thay đổi tên gọi và địa giới của các đơn vị hành chính là điều tất nhiên, đến mức ở các nước lớn như Trung Quốc, người ta soạn hẳn một bộ sách “Trung Quốc cổ kim địa danh đại từ điển” để dễ tra cứu. Vì vậy, trong một cuốn sách hay và bổ ích (Vĩnh Linh, NXB văn hóa, Hà Nội 1982), Nguyễn Huy có nhận định “Chỉ một cái tên (huyện) thôi cũng phải đổi đi đổi lại không biết bao nhiêu lần”. Tác giả cho rằng việc đổi tên vì kỵ húy là “lý do rất vớ vẩn”, và “đời vua này cho nó thuộc vào phủ này, đời vua sau cho nó lệ vào một dinh khác. Cần thiết thì cắt của nó 3 tổng trong số 5 tổng nhập vào huyện khác” rồi kết luận “rõ ràng dưới các triều đại phong kiến Vĩnh Linh là một miền đất “chẳng đáng kể vào đâu” (sđd, trang 6) là một nhận định chưa thỏa đáng. Có thể dưới mắt triều đình, Vĩnh Linh “chẳng đáng kể vào đâu” nhưng như đã nói, sự thay đổi địa giới và tên gọi một vùng đất phản ánh sự vận động của thực tiễn, nằm ngoài ý muốn dù cho ngông cuồng nhất của các bạo chúa. Dù sao, đến nay vẫn còn một chữ “Linh” trong tên gọi hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, vốn có từ tên Ma Linh thời Chiêm Thành. Có thể nói đó là hằng số chứng tỏ một bản chất, một bản lĩnh, một bản sắc, một sức sống mãnh liệt của Vĩnh Linh, trong gần một ngàn năm.

P.X.V

_____________

Tài liệu tham khảo:

Văn Sử học. Nguyễn Trãi toàn tập. In lần thứ 2, NXB KHXH, H, 1976.

Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, T1. Bản dịch của Viện Sử học, NXB KHXH, H, 1969.

Đào Duy Anh. Đất nước Việt qua các đời, NXB Khoa học, H, 1964

Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục, NXB khoa học, H, 1964

Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, T1. Bản dịch của Viện Sử học, NXB Sử học, H, 1960.

Sở thảo lịch sử Đảng bộ huyện Bến Hải, 1987.

Vụ Bảo tồn Bảo tàng. Niên biểu Việt Nam, in lần thứ 3, NXB KHXH, H, 1984

Nguyễn Huy. Vĩnh Linh, NXB Văn hóa, H, 1982

Mai Xuân Hải (chủ biên). Thơ văn Lê Thánh Tông (tuyển), NXB KHXH, H. 1986. 

Phạm Xuân Vinh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 3 tháng 12/1994

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground