Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thành công xưa của danh nhân Bùi Dục Tài và khát vọng nay của người Quảng Trị

C

ách đây gần 1000 năm, Văn Miếu Quốc Tử Giám – Một mô hình trường Đại học – đã được ra đời rất sớm tại Thăng Long. Vào thời kỳ rực rỡ nhất, Minh quân Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã cho dựng bia lưu danh các Tiến sĩ xuất sắc. Hệ thống Bia Tiến sĩ này đã được UNESCO xếp loại là Di tích vật thể ký ức văn hóa thế giới. Đi từ cổng vào, bia thứ bảy, hàng bên phải ghi danh một con người ưu tú Quảng Trị: Bùi Dục Tài - Năm 1555, học giả Dương Văn An (quê ở Quảng Bình, đỗ tiến sĩ 1547) đã viết cuốn “Ô Châu Cận Lục” loại sách địa chí đầu tiên, về một vùng đất phương Nam, đã cho ta biết những thông tin cơ bản về danh nhân nổi tiếng người Quảng Trị này.

Chúng ta biết rằng: Phải sau những võ công oanh liệt của Lý Thường Kiệt (1075) và cuộc tình đầy chất chính trị của công chúa Huyền Trân thì từ sau 1336, toàn bộ Quảng Trị mới được  trở về trong bản đồ của Tổ quốc Đại Việt thân yêu. Có thể hình dung lúc đó: Đây là một vùng quê nghèo xơ xác, hệ thống giáo dục chắc chắn là rất nhỏ bé của buổi sơ khai. Dương Văn An miêu tả: “… đất đai hẻo lánh, phong tục chất phác, nhân vật thưa thớt, không thể so  sánh với châu Hoan, châu Ái” (Trang 15). Nhưng từ trên mảnh đất nghèo ấy, Bùi Dục Tài đã “Sớm nêu sỹ vọng, đột phá khai khoa” (T.138). Với thực tài của mình: “Lầu thông văn học, nức tiếng ngợi ca, Năm Cảnh thống 5. (1502) đỗ tiến sĩ khóa Nhâm Tuất” khi “Người cùng thi đã rất phục tài mẫn tiệp của ông” (T.111). Tác giả viết thêm: “Bùi Dục Tài đỗ Tiến sĩ khi kẻ đua tranh cũng không biết đến mấy trăm người” (T.143). Từ sau thành công vang dội ở điện Nam Trai đó, người con trai ưu tú Quảng Trị này đã được bổ làm quan hiệu úy ở Viện Hàn lâm rồi được thăng chức Tham chính đạo Thanh Hóa. Đến “Năm Hồng Thuận Kỷ Tỵ (1509) do có công ứng nghĩa lại có tài cán được Thăng Tả Thị Lang Bộ Lại, đã lo việc thuyên chuyển, bổ nhiệm các quan chức một cách công bằng và đứng đắn, được mọi người ca ngợi” (T.111). Đến năm Quang Thiệu (1516) ông được thăng tiếp chức Tham Tướng. Đến 1522, trên đường đi kinh lý, bị kẻ gian sát hại.

Khái quát về ông, học giả Dương Văn An đánh giá: “Bùi Dục Tài về chính trị và văn chương xứng đáng là bậc hiền tài trong thiên hạ chứ đâu phải là bậc hiền tài riêng của xứ châu Ô” (T.138). Hơn 200 năm sau, Bác học Lê Quý Đôn từng khen ông “Văn mạch một phương dằng dặc không dứt”. Từ điển văn hóa Việt Nam ghi nhận: “Ông nổi tiếng là một trí thức xuất sắc” (T.34). Từ thành công của ông, chí ít cũng cho ta 3 kết luận có ý nghĩa. Một là: ý chí khổ học, khổ luyện để phát triển. Bởi vì với môi trường đầy khó khăn lúc đó của châu Ô, vượt qua chướng ngại, đọ sức với bao nhân tài khác của các vùng thuận lợi mà thành công thì đó trước hết là bởi một ý chí mãnh liệt và một nghị lực phi thường. Hai là: sau quá trình khổ học, đỗ đạt cao, ông đã tận tâm lo việc nước. Điều đó cho thấy: Ông học không phải để “Vinh thân, phì gia” mà là để giúp đời, giúp nước. Hình ảnh của ông đọng lại trong lòng người không chỉ là một trí tuệ mẫn tiệp mà còn là một vị quan thanh liêm hết lòng vì việc công và được mọi người nể trọng. Ba là: Thành công của ông chủ yếu là từ sự nỗ lực của chính mình nhưng cũng gắn với những khuyến học của cộng đồng. Bởi vì, chính quê ông, sau khi ông mất ít lâu đã có bản hương ước với một nguyên tắc nổi tiêng: “Ai ai cũng phải học, học chữ, học nghề, học lễ nghĩa.” Rõ ràng, khi ông đi học, đi thi đã được gia đình, họ mạc, làng xóm giúp đỡ. Khi ông đỗ đạt được cộng đồng đón rước tưng bừng. Khi ông mất, cộng đồng tổ chức thờ cúng thành kính, trang nghiêm.

Thành công của ông thật to lớn và nó đã có một hiệu quả kép. Đó là vinh hiển dành cho ông và đó cũng là một ngọn cờ kêu gọi, cổ vũ, tập hợp để hậu thế noi theo: Khổ học, khổ luyện để trưởng thành.

Ngày 2.10.2011, Tỉnh tổ chức kỷ niệm ngày khuyến học Việt Nam và trang trọng trao giải thưởng Bùi Dục Tài – Giải thưởng cao nhất của chính quyền địa phương dành cho các điển hình trong việc học hành và vận dụng trí thức cho sự phát triển của quê hương. (Gồm: Thí sinh thủ khoa trong kỳ thi PTTH; thi Đại học; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc; thạc sĩ xuất  sắc và các tiến sĩ làm việc ở Quảng Trị). Đây là một hoạt động thật ý nghĩa và rất hợp lòng dân.

Bởi vì: Quảng Trị là mảnh đất hẹp, dân số ít, xa các trung tâm lớn, tài nguyên thiên nhiên cũng không nhiều, đã thế lại phải triền miên trong xáo trộn, chia cắt và thiên tai, địch họa thường xuyên. Trên mảnh đất ấy, bao nhọc nhằn, bao tài sản và kể cả tính mạng đã bị cướp đi nhưng khát vọng sống của con người thì không gì cướp được. Thật có lý khi Quảng Trị là nơi xuất phát của câu ca dao:

“Đừng than phận khó ai ơi

Còn da lông mộc, còn chồi nảy cây”

Khát vọng sống đó được minh chứng bởi người Vịnh Mốc trả lời câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại” khi giặc Mỹ hủy diệt mặt đất đã đào sâu hơn 20 mét vào lòng đất, làm phòng hộ sinh để người mẹ được làm mẹ và đứa trẻ được làm người. Sống đồng nghĩa với phát triển. Vì thế, khát vọng sống luôn đồng hành với khát vọng học. Dù để sống và để học, con người ở đây có vất vả hơn nhiều vùng quê khác nhưng không vì thế mà nản chí. Đọc lại thống kê: Chỉ tính 115 năm kể từ khi các triều Nguyễn tổ chức thi (1804 - 1919) Quảng Trị đã có 193 người đỗ đại khoa (17 Tiến sĩ, 10 Phó bảng, 166 Cử nhân). Những tên tuổi sáng chói như: Nguyễn Trí, Nguyễn Hữu Thận, Khóa Bảo, Trần Đình Ân, Nguyễn Tự Như, Lê Đức, Lê Nguyên Lượng… là những tấm gương rực sáng chí tiến thủ và nghị lực phi thường. Thời Pháp thuộc, đến năm 1940, cả tỉnh chỉ vẻn vẹn có 6 trường tiểu học với quy mô nhỏ nhưng nhờ gặp được ánh sáng cách mạng, những người con ưu tú của Quảng Trị đã trở thành các chiến sĩ cách mạng và cũng là những tấm gương khổ học đáng khâm phục. Họ đã học một phần trong trường học và đã học rất nhiều trong trường đời, trong tù ngục để trở thành những nhà chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học xuất sắc: Đồng chí Lê Duẩn, Trần Hữu Dực, Trần Quỳnh, Đoàn Khuê, Đặng Thí, Nguyễn Hữu Khiếu, Nguyễn Hữu Mai, Lê Chưởng, Hồng Chương, Trần Hoàn, Trần Trọng Tân…

Nếu như trong chống Pháp, thanh thiếu niên Quảng Trị đã phải “mo cơm quả cà” ra tận Nghệ Tĩnh để được học cấp Trung học thì trong chống Mỹ hàng vạn con em Vĩnh Linh phải vượt bom đạn ra tận Tân Kỳ và các tỉnh miền Bắc để học hành. Đó là những cuộc “hành hương vì con chữ” hiếm có vậy. Một bộ phận không nhỏ trong họ đang là cán bộ chủ chốt, nhà khoa học, nhà văn, thầy giáo, bác sĩ… là “trái chín” của cuộc “hành hương tìm con chữ” đầy gian khổ đó. Thời Bình Trị Thiên, việc học ở Quảng Trị tiếp tục phát sáng với các điển hình được cả tỉnh biểu dương như Mẫu giáo Hải Tân, Trường chuyên C1-C2 Triệu Hải, Trường vừa học vừa làm Tân Lâm, Cồn Tiên, xóa mù chữ ở  Hướng Hóa… Đặc biệt, từ khi tỉnh được tái lập, cùng với sự “đổi thịt thay da” của nhiều lĩnh vực, lĩnh vực giáo dục đã là một bông hoa đẹp trong vườn hoa tỉnh nhà. Nền giáo dục chính quy đã phát triển mạnh cả quy mô, chất lượng và các điều kiện thiết yếu. Rất nhiều tấm gương vượt khó vươn lên đạt kết quả cao trong học tập. Số học sinh giỏi đạt giải quốc gia ngày càng tăng. (Năm ít nhất có 5 người, năm nhiều nhất có 30 người) và lần đầu tiên có giải nhất Quốc gia (môn Tin học, môn Sử và môn Sinh vật). Tỉ lệ đỗ đại học – cao đẳng hàng năm 30% và năm nào cũng có từ 3 - 6 em thủ khoa. Việc học thạc sĩ và cả tiến sĩ đã không còn xa vời với tuổi trẻ hôm nay (riêng thạc sĩ đã có gần 200). Thật vui mừng khi phong trào khuyến học phát triển mạnh cả về lượng và chất. Đây là thước đo khá chuẩn về sự tăng trưởng nhu cầu học của toàn xã hội. Tỉ lệ hội viên khuyến học trên dân số cao nhất nước. Các sáng kiến khuyến học từ Quảng Trị như: “Mái ấm khuyến học”, “Đỡ đầu dài hạn”, “Tiếp sức đến trường”, “liên kết xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng”, “Tiếng kêu khuyến học”… đã được cả nước đồng tình. Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ, cộng đồng khuyến học đã phát triển sâu rộng, đến tận các bản làng dân tộc. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường dù đang lâm bệnh và ở xa quê vẫn gửi lời về qua Cửa Việt: “Tôi hết sức vui mừng khi phong trào khuyến học phát triển mạnh ở Quảng Trị. Dĩ nhiên vậy thôi, hạt giống văn hóa đã được gieo sâu trong lòng đất từ bao đời, từ khi lịch sử còn hàn vi mà” Số 139 tháng 4/ 2006 “Hạt giống văn hóa” mà nhà văn nói đã hiển thị rõ rệt trong khát vọng sống và khát vọng học hôm nay.

Ngày 29/9/2011, Giáo sư Mỹ, ông Dave Ulrich – Người được xem là “Bộ óc quản trị có ảnh hưởng bậc nhất thế giới” và là “Người giữ vị trí độc tôn không thể thay thế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho rằng: có 4 nguồn cạnh tranh trên thị trường hiện nay là: Tài chính – giá cả, chiến lược về dịch vụ - sản phẩm, công nghệ – quy trình sản xuất, nhân lực – nhân tài. Nhưng ông khẳng định: “Chỉ có nhân lực – nhân tài mới là điểm khác biệt, tạo ra giá trị đặc thù và lợi thế cạnh tranh”. Thật vui mừng khi điều này không xa lạ với chúng ta. Bởi vì từ xa xưa, dân tộc ta đã tâm niệm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Bởi vì chúng ta có Bác Hồ người tiêu biểu cả “Chí” và “Minh” trong triết lý sâu xa này. Và bởi vì, Đảng ta đã và đang xem: “Dân trí”, “Nhân lực” - “nhân tài” không chỉ là quốc sách mà còn là “Quốc sách hàng đầu”.

Việc tỉnh ta xác định tập trung chăm lo sự nghiệp “trồng người” theo cả 2 hướng: vừa phát triển mạnh hệ thống giáo dục chính quy vừa đẩy mạnh phong trào khuyến học toàn xã hội để  xây dựng xã hội học tập là vừa đúng, vừa trúng – về giải pháp, chọn tên một danh nhân địa phương đặt tên cho một giải thưởng lớn về học hành (Bùi Dục Tài) là đều có ý nghĩa “đột phá”.

Còn nhớ, Lưu Thanh Minh, đời Đường có câu thơ:

Núi không cần cao, có Tiên là nổi tiếng

Nước không cần sâu, có Rồng là thiêng liêng.

Quả là: cuộc sống luôn có giải pháp cho mọi tình huống. Với một vùng quê nghèo khó do điểm xuất phát thấp vẫn có thể “cất cánh” nếu lựa chọn đúng và thật sự tập trung cho sự lựa chọn đó – Âu đó cũng là khát vọng hôm nay con người Quảng Trị vậy!

 

T.S.T

 

 
 
TRƯƠNG SĨ TIẾN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 206 tháng 11/2011

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

49 Phút trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground