Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương

T

rên con đường vào phía Nam Hoành Sơn để tìm đất “vạn đại dung thân” Nguyễn Hoàng đã đến Ái Tử của tỉnh Quảng Trị (1558). Ông chọn nơi đây làm thủ phủ mở đầu cho thời thịnh đạt của các chúa Nguyễn mở đất Đàng Trong, rồi hậu duệ ông lập nên vương triều Nguyễn kéo dài 387 năm (1558-1945); khẳng định họ Nguyễn là dòng họ cầm quyền dài nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Trong gần bốn thế kỷ đó có hai thời kỳ gián cách, tác động lớn đến lịch sử dân tộc, việc phân kỳ lịch sử Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng cũng lấy đó làm mốc thời gian để xét định. Đó là sự thành lập vương triều Quang Trung với kinh đô Phú Xuân sau ngày Nguyễn Huệ ban Chiếu “Lên ngôi” (22-12-1788) và vương triều kháng chiến sau ngày vua Hàm Nghi ban Dụ “Cần vương” (13-7-1885) ở thành Tân Sở. Mốc thời gian này là định vị cuối cùng của một vương triều có chủ quyền, kiên quyết đấu tranh chống ngoại xâm, không chịu chuyển giao chủ quyền và nền độc lập dân tộc cho thực dân Pháp.

Thành Tân Sở có vị trí cực kỳ quan trọng trong lịch sử dân tộc như vậy, nhưng hiểu biết về tòa thành này thì hết sức mờ nhạt, dấu tích trên thực địa hiện là một bãi đất trống không; trong khi đó công việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lại trở nên cấp bách. Đó là lý do cũng là yêu cầu đặt ra cho lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, huyện Cam Lộ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cũng là nguyện vọng của nhân dân trên cả nước. Do vậy, Hội thảo “Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương” được tổ chức vào dịp kỷ niệm 125 năm ngày vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương và vào tối hôm nay: 13-7, Lễ hội “Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương” cũng được tổ chức trên “Thánh địa Cần Vương” để kết nối ký ức lịch sử sau nhiều thập kỷ bị lãng quên. Đó là một giải pháp khoa học có ý nghĩa thiết thực mang tầm quốc gia trên con đường nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo để khơi dậy sức sống của một vùng đất gắn liền với vận mệnh dân tộc, với nhà vua yêu nước Hàm Nghi và tên tuổi của nhiều nhân vật khác đã làm rạng danh trong sử sách, tỏa sáng hào quang yêu nước muôn đời cho hậu thế…

Việc tổ chức hội thảo khao học Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương, để thể hiện trách nhiệm và góp tiếng nói trung thực, khách quan của giới nghiên cứu và cũng nhằm thể hiện nguyện vọng thiết tha của nhân dân về một vấn đề được nhiều người quan tâm nhưng việc triển khai thực hiện thì không hề đơn giản.

Do khuôn khổ giới hạn về nội dung và thời gian thực hiên nên chủ đề hội thảo chỉ tập trung xung quanh việc khai thác các nguồn tư liệu về thành Tân Sở nhằm khẳng định tính xác thực của tòa thành này gắn với phong trào Cần Vương để có cơ sở xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích thành Tân Sở một cách khoa học. Cho đến hiện nay có 18 bản báo cáo khoa học và tham luận gửi đến hội thảo, đánh dấu một thành tựu quan trọng trong việc nghiên cứu về thành Tân Sở và phong trào Cần Vương. Trong đó, công tác sưu tầm, phát hiện xác minh tư liệu là vô cùng quan trọng, sau đó là kết quả mới nghiên cứu về thành Tân Sở gắn với phong trào Cần Vương và đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy tác dụng Khu di tích thành Tân Sở.

1. Về thành tựu tư liệu

Các tác giả đã tra cứu tỉ mỉ các nguồn tư liệu của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Châu bản triều Nguyễn…

Các nguồn tư liệu tiếng Pháp trước năm 1945 cũng được nhiều tác giả tìm tòi nhằm cung cấp những thông tin giá trị qua các công trình của: Charles Gosselin, L’empire d’Annam, Imprimerie D’Extrême Orient, Hanoi, 1904; H. de Pirey, Une Capitale Éphémère: Tân Sở, BAVH, 1914;  A. Laborde, tỉnh Quảng Trị, BAVH, tập VIII, 1921; Jabouile, Une page de l’histoire du Quảng Trị, Septembere 1885, BAVH, No.4, 1923; L.Cadière et cosserat, Les postes Militaires du Quảng Trị et du Quảng Bình en 1885-1890; BAVH, Janvier-Mars 1929; B. Bourottel, Aventure du Roi Hàm-Nghi, BAVH, 1929; Marcel Gaultier, Le Roi Proscrit, Hà Nội, IDEO, 1940; Delvaux (a), Quelques précicisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam, BAVH, Juillet-Septembre, 1941 và bài Le camp de Tân Sở (Căn cứ Tân Sở), BAVH, 1942; Charles Fourniau, Annam-Tonkin 1885-1896, Edtions Harmattan, Paris, 1989; cùng các công trình nghiên cứu về Tân sở và phong trào Cần Vương của hai miền Bắc - Nam trước năm 1975 và các công trình sau năm 1975 đến nay. Đặc biệt là nguồn tư liệu khai thác thực địa tại vùng Cùa và các nơi khác bao gồm gia phả, di tích, di vật có liên quan đến Tân Sở.

Thông qua các báo cáo khoa học, các tác giả cung cấp nhiều thông tin mới về thành Tân Sở và phong trào Cần Vương, đánh dấu một thành tựu quan trọng về tư liệu thành Tân Sở từ trước đến nay nên đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề vốn hoài nghi do thiếu tư liệu và cũng xuất hiện nhiều tồn nghi khác trên cơ sở tư liệu mới phát hiện nhưng chưa có điều kiện để xác minh.

Trong các tư liệu mới sưu tầm có giá trị là văn bản Dụ Cần Vương  bằng chữ Hán; gia phả ông Trần Văn Hạnh – người đã nhường ngôi nhà của mình làm hành cung cho vua Hàm Nghi và cận thần nhà vua trong thời gian lưu trú tại Tân Sở; giếng nước ở làng Bảng Sơn nơi vua Hàm Nghi đã sử dụng; một số viên gạch và đạn thần công liên quan đến thành Tân Sở, một số văn bản Hán Nôm làng xã ở vùng Cùa vào thế kỷ XIX. Đó là những nỗ lực sưu tầm, xác minh tư liệu của các tác giả Đỗ Bang, Nguyễn Quang Trung Tiến, Nguyễn Bình, Phan Thanh Hải, Nguyễn Thanh Tùng, Lê Đình Hào, Ngô Thanh Bảo… Tài liệu sưu tầm lần này cũng góp phần làm sáng tỏ nhiều nhân vật tham gia thời Tân Sở-Cần Vương qua các báo cáo của các nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Trương Công Huỳnh Kỳ, Nguyễn Tất Thắng, Lê Tiến Công, Nguyễn Văn Đăng, Lê Quang Thái… Các tư liệu này sẽ tiếp tục xác minh chọn những thông tin chính xác để khắc vào các tấm bia, đền thờ, các bức phù điêu ở Khu di tích thành Tân Sở khi đề án tôn tạo được triển khai.

2. Về thành Tân Sở

Chủ đề này của hội thảo được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu thông qua các tư liệu công bố của các học giả người Pháp trước đây như H. de Pirey năm 1914; Delvaux công bố hai công trình khảo cứu vào năm 1941 và 1942… và của các tác giả người Việt biên soạn vào năm 1935 như Ngô Tất Tố, Phan Trần Chúc… để mô tả, khôi phục lại diện mạo, vị trí, vật liệu của các công trình kiến trúc và số đo của các vòng thành (thành Ngoại và thành Nội)… Các vấn đề này tưởng chừng đã thống nhất trong giới nghiên cứu trong những năm gần đây, nhưng qua kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả có bài tham luận tại hội thảo hôm nay, vấn đề này lại trở nên rất phức tạp, khó hiểu, khập khểnh, chưa đủ chứng cứ thuyết phục.

Nhiều tác giả cho là việc phe chủ chiến mà đứng đầu là Nguyễn Văn Tường – người sáng lập Kinh đô kháng chiến Tân Sở là biết dựa vào thế đất, phong thủy và lòng dân, vì Tân Sở là mảnh đất có địa cuộc đế vương, nhưng cũng có tác giả cho là Tân Sở có rất nhiều nhược điểm về phòng thủ. Theo tôi, trong hoàn cảnh đất nước bị đe dọa bởi cuộc chiến tranh hạm đội uy hiếp từ phía biển vào thế kỷ XIX, thì Tân Sở tuy không phải là vị trí tối ưu nhưng lại là nơi có nhiều lợi thế so với các địa điểm khác. Bởi vì Tân Sở ở gần Kinh đô Huế, lúc thiên đô cũng nhanh, khi lực lượng phát triển, làm chủ được tình thế tiến về giải phóng Kinh thành Huế cũng tiện, lại an toàn hơn so với Nam Kỳ và Bắc Kỳ là nơi Pháp đã tấn công và thực hiện chính sách cai trị. Nơi đây, đã được Nguyễn Văn Tường sau gần mười năm làm Tri huyện nên đã hiểu được thế đất, lòng người; đặc biệt là chính sách thu phục các dân tộc thiểu số của triều đình Huế mà Nguyễn Văn Tường có nhiều đóng góp xuất sắc. Vào thời điểm thiên đô ra Tân Sở (5-7-1885), hạm đội Pháp có mặt ở Đà Nẵng và Đồng Hới để chờ bắt sống vua Hàm Nghi và phe chủ chiến, thì con đường thượng đạo từ Tân Sở lên Lào để ra Bắc, vào Nam là sinh lộ duy nhất của triều đình kháng chiến nhằm duy trì hoạt động yêu nước trong các bản làng, liên thông với hệ thống Sơn phòng được xây dựng khắp các tỉnh miền Trung để phát động phong trào Cần Vương, cứu nước. Tuy không hoàn hảo, nhưng Tân Sở vẫn là giải pháp khả thi nhất(1)

3. Về phong trào Cần Vương

Các tác giả đều cho rằng Cần Vương là phong trào yêu nước vĩ đại nhất vào thế kỷ XIX, được phát động từ thành Tân Sở vào ngày 13 tháng 7 năm 1885, lan rộng ra cả nước, duy trì trong mười năm. Ở phía Bắc có nghĩa quân của Đốc Ngữ hoạt động ở vùng sông Đà ở Bình Thuận- cực Nam Trung Kỳ có khởi nghĩa Ung Chiếm; ở Nam Kỳ có khởi nghĩa của Lê Công Chánh, Đào Công Bửu… mà sôi nổi nhất là các tỉnh Trung Kỳ với một hệ thống Sơn phòng được chuẩn bị chu đáo. Qua đó, chúng ta thấy được sức mạnh, sức sống của phong trào Cần Vương mặc dù sau khi vua Hàm Nghi bị bắt (1888) thì ngọn cờ “Cần Vương” cũng không còn là danh nghĩa nữa, thực chất là một phong trào chống Pháp của nhân dân do các si phu yêu nước lãnh đạo.

4. Những vấn đề được giới nghiên cứu đồng tình, thống nhất

- Các tác giả đều thống nhất cao về vai trò của Nguyễn Văn Tường trong việc xây dựng lòng tin của các cộng đồng dân tộc ở miền Tây Quảng Trị đối với triều đình Huế trong gần mười năm ông làm Tri huyện ở đây, rồi làm Bang biện huyện Thành Hóa, đó là cơ sở thực tiễn để sau này ông đề xuất kế hoạch xây dựng Nha Kinh lý Sơn Phòng (1875) và trực tiếp đôn đốc xây dựng thành Tân Sở (1883-1885).

- Thành Tân Sở là Kinh đô thứ hai (la Citadelle) của triều Nguyễn, là Kinh đô dự phòng, Kinh đô thời chiến cũng như Tây đô ở Thanh Hóa thời nhà Hồ, Chứ không thuần túy là một Căn cứ quân sự (le camp), hoặc chỉ là một tổ chức kinh tế nông nghiệp… Tân Sở là tòa thành cuối cùng của triều Nguyễn nhưng không xây dựng theo kiểu thành Vauban phổ biến vào thời Nguyễn, mà kiến trúc thành Tân Sở là một kiến trúc thành lũy truyền thống Việt Nam nặng về yếu tố quân sự hơn là chức năng của một trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa quốc gia.

- Lực lượng xây dựng thành Tân Sở vào thời điểm cao nhất huy động hàng vạn người bao gồm binh lính, dân phu và tù nhân.

- Xây dựng thành Tân Sở, ngoài vật liệu tại chỗ chủ yếu là gỗ, tre, mây còn phần lớn được vận chuyển từ Huế ra để xây dựng, trong đó có gạch với kích thước lớn, khối lượng lớn để xây Thành Nội và một số kiến trúc ở bên trong Thành Nội.

- Ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi ban Dụ  Cần Vương thay vì gọi là Chiếu hay Hịch Cần Vương – một cách gọi khá phổ biến nhưng không chính xác.

- Vua Hàm Nghi lên Tân Sở nhưng nhà vua không ở trong thành Nội như đã được chuẩn bị mà ở trong nhà dân, đó là ngôi nhà của ông Trần Văn Hạnh – Tộc trưởng, một nông dân khá giả ở làng Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa chứ không phải ở nhà của các hương chức như Xã Diêm (H.De Pirey, Une Capital Éphésmère: Tan So, BAVH, 1914), Đội Lượng (A.Delvaux, Quelque préscisions sur une période troublée de L’histoire d’Annam, BAVH, N03, 1941) hoặc Xã Điểm (Phan Trần Chúc, Vua Hàm Nghi) như các công trình đã công bố trước đây. Chứng tỏ, sau khi rời bỏ ngai vàng ở Kinh đô Huế ra Tân Sở, vua Hàm Nghi nói riêng và những người lãnh đạo phong trào Cần Vương nói chung rất gần gũi với dân, hành xử này thể hiện được quan điểm đúng đắn của một phong trào yêu nước của các lãnh tụ Cần Vương.

5. Những vấn đề còn tồn nghi

- Về cấu trúc và vật liệu xây thành Tân Sở:

Nhiều tài liệu cho rằng thành Tân Sở có hai vòng thành, thành Ngoại xây dựng bằng đất nện, thành Nội xây bằng gạch; nhưng cũng có tài liệu cho biết Tân Sở có đến 3 vòng thành, ngoài cùng là một lớp thành bằng gỗ “gồm có một dãy cọc đóng sâu vào đất, đường kính từ 20-25 cm, cao cách mặt đất đến bốn mét và có cột lại bằng mây”(1). Nhiều tài liệu cho là xung quanh các thành trồng 3 hàng tre, nhưng cũng có tài liệu cho là có “bốn hàng tre trồng song song, ở giữa có một cái hào sâu, bề rộng của hào 10 mét. Các lũy tre này đều được trồng từng cụm”(2). Tài liệu này công bố chỉ một thời gian ngắn sau khi Pháp cho triệt hạ thành Tân Sở nên cần được lưu ý.

- Về hình dáng và kích thước thành Tân Sở: Theo De Pirey, giữa thành Ngoại và Thành Nội còn có lũy thành thứ hai, thành này hình vuông đắp bằng đất cao 2 mét “Chiều rộng của vòng thành là 420 mét”(3). Phan Trần Chúc vào năm 1935, cho biết Thành Tân Sở hình vuông nhưng mỗi chiều đến 780 mét, thành xây gạch, phía ngoài có ba hàng lũy tre.(4) Cũng vào năm 1935, Ngô Tất Tố lại cho rằng “Thân thành toàn bằng gạch” nhưng kích thước thì lại rộng hơn “chu vi độ 4 nghìn thước(5),  bên ngoài  có ba lần lũy tre bao bọc”(6). Trong khi đó, vào năm 1941 qua khảo cứu thực địa, Delvaux cho rằng cả hai vòng thành đều hình chữ nhật: Thành ngoài chiều dài 548 mét, rộng 418 mét; thành Nội dài 165 mét và rộng 100 mét(7).

Về thời gian vua Hàm Nghi lưu lại ở Tân Sở:

Các tác giả đều thống nhất là vua Hàm Nghi có hai lần lưu trú tại Tân Sở. Lần đầu từ tỉnh thành Quảng Trị lên Tân Sở vào ngày 10 tháng 7 và 3 ngày sau nhà vua ban Dụ Cần Vương. Lần thứ hai là khi trên đường ra Quảng Bình bằng đường hạ bạn ở đồng bằng thì nghe tin quân Pháp đón bắt ở Đồng Hới, Tôn Thất  Thuyết phải đưa nhà vua về lại Tân Sở, rồi theo con đường thượng đạo để ra Bắc, điều ấy hoàn toàn đúng. Vấn đề khác nhau là thời gian vua Ham Nghi lưu trú ở Tân Sở. Tác giả Nguyễn Quang Trung Tiến và Trương Công Huỳnh Kỳ cho là vua Hàm Nghi ở Tân SỞ lần thứ nhất từ ngày 10 đến 18 tháng 7 và lần thứ hai từ ngày 22 đến 26 tháng 7 năm 1885; như vậy, tổng số thời gian vua Hàm Nghi ở lại Tân Sở là 14 ngày. Tác giả Nguyễn Tất Thắng cho là thời gian đầu vua Hàm Nghi ở Tân Sở hơn 10 ngày, và ngày cuối cùng rời Tân Sở là 26 tháng 7, nhưng không cho biết cụ thể thời gian lưu trú lần thứ hai(8).

-Về địa điểm Nhà Kinh lý Sơn Phòng Quảng Trị (gọi tắt Sơn Phòng):

Bấy lâu, nhiều người vẫn cho Sơn Phòng đóng tại Tân Sở (Cùa), hiểu như vậy là sai. Nha Kinh lý Sơn Phòng theo sách Đại Nam thực lục đóng ở Động Ngang do Nguyễn Văn Tường đề xuất thành lập vào năm 1875, Nha này hoạt động đến năm 1883, trước khi chuyển vào Tân Sở (Cùa). Tài liệu đó không ghi Động Ngang ở đâu? Nhưng qua hội thảo lần này các tác giả Đỗ Bang, Lê Đình Hào và Nguyễn Thanh Tùng cho biết Động Ngang ở thôn Tân Tường hoặc ở ranh giới giữa thôn Tân Định và Tân Tường, thuộc xã Cam Thành nằm về phía Tây huyện lỵ Cam Lộ hiện nay. Đây là một tổ chức quản lý miền núi của triều đình Huế đặt tại Quảng Trị, là tiền thân của Tân Sở. Vấn đề này cũng rất có ý nghĩa nhưng lâu nay ít người chú ý, cần đầu tư nghiên cứu nhất là khảo cứu thực địa để có kết luận xác đáng hơn.

6. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích thành Tân Sở

Vấn đề này bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích thành Tân Sở được các tác giả Nguyễn Bình, Ngô Thanh Bảo, Đỗ Bang… đưa ra trong bản tham luận của mình với một trách nhiệm cao.

TS. Nguyễn Bình cho rằng Khu di tích Tân Sở đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận di tích cấp Quốc gia, thì phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích thuộc Khu vực I là 22,9 ha, khu vực II là 26,9 ha. Nếu theo Luật Di sản văn hóa thì đất đai trong phạm vị khu vực I phải được bảo vệ nguyên trạng. Với một di tích chỉ còn là phế tích, chỉ là địa điểm ghi dấu lịch sử, không còn lại gì ngoài một bãi đất trống; nếu chúng ta bảo vệ đúng nguyên trạng thì giữ lại 22,9 ha không làm gì cả, xem ra giải pháp này là không phù hợp lắm, còn nếu có phương án phục dựng, tôn tạo hệ thống thành, cùng các công trình kiến trúc của thành Tân Sởn nguyên xưa để sử dụng hết 22,9 ha, thì lại càng không có tính khả thi và cũng không đủ tiềm lực. Vì vậy, theo quan điểm của tác giả, việc giữ lại một khu vực đất đai hợp lý (khoảng 2 ha) phục vụ cho việc quy hoạch đầu tư tôn  tạo di tích đồng thời làm nơi tổ chức các sự kiện lễ hội theo định kỳ là hợp lý, vừa phải.

Di tích thành Tân Sở chỉ còn lại là địa điểm ghi dấu, các công trình như thành lũy, hào thành, cổng thành cùng những kiến trúc khác hầu như không còn nên việc bảo tồn, tu bổ các yếu tố gốc hầu như không được đặt ra. Do đó, căn cứ vào các nguồn tư liệu để phục dựng, tái tạo các yếu tố chính của di tích như: thành lũy, lũy tre, hào thành, cổng thành… là rất cần thiết. Nếu điều kiện ngân sách và tư liệu hội đủ chúng ta có thể tái hiện công trình Hành cung, cột cờ, giếng nước…

Xây dựng Bảo tàng Cần Vương nhằm trưng bày các tư liệu, hiện vật liên quan đến di tích thành Tân Sở và Phong trào Cần Vương cho cả nước; giải pháp tôn vinh cũng cần khắc họa bằng các hình thức như tượng đài, phù điêu…

Chọn giải pháp tối ưu để chuyển tải toàn bộ nội dung bài Dụ Cần Vương tại di tích Tân Sở. Tên vua Hàm Nghi và các nhân vật thời Tân Sở - Cần Vương cần được tôn vinh trên quê hương Tân Sở qua việc đặt tên trường học và tên đường cùng một số công trình công cộng khác.

 Tác giả Ngô Thanh Bảo cho rằng: Trên cơ sở khuôn viên được quy hoạch trong 4ha còn lại của di tích, cần tập trung tái tạo hành ảnh Tân Sở với 2 vòng thành lũy nhưng chỉ làm một phần tiêu biểu: Bờ lũy tre phía ngoài (Thành Ngoại) chừng 500m và lớp tường thành bên trong (Thành Nội), kết hợp tường thành làm nơi gắn các tác phẩm phù điêu tái hiện phong trào Cần Vương. Định vị lại 4 góc thành Ngoại, thành Nội sẽ chọn một điểm trong khuôn viên để tái hiện một cổng thành.

Nơi đây cũng cần lưu ý đến việc dựng nhà bia, khắc bài Dụ Cần Vương nguyên văn chữ Hán và bản dịch. Tại đây cũng nên xây dựng đền thờ vua Hàm Nghi và các lãnh tụ phong trào Cần Vương, những sĩ phu đã lãnh đạo nhân dân cả ba miền đánh Pháp.

Cần quy hoạch để xây dựng nhà trưng bày, lập sa bàn thành Tân Sở…

Thông qua những phát hiện mới về di tích thành Tân Sở, tác giả Đỗ Bang đề nghị: Những viên đạn đại bác và những viên gạch tìm được ở thành Tân Sở là những vật chứng quý hiếm của thời Tân Sở – Cần Vương, cần có biện pháp bảo tồn tốt nhất. Một số bụi tre của thành Tân Sở còn sót lại là vật chứng quan trọng thể hiện sức sống của thời Tân Sở - Cần Vương sau 125 năm chiến tranh cần được bảo tồn và nhân giống tạo thành giống “tre Cần Vương” để truyền lại mai sau. Ngôi nhà và giếng nước ở vườn ông Trần Văn Hạnh, nơi vua Hàm Nghi và quan tướng Cần Vương sử dụng cần được có kế hoạch dựng bia lưu niệm và khôi phục di tích.

Tổ chức khai quật khảo cổ học di tích thành Tân Sở về các vị trí kiến trúc ở bên trong đã được xác định, địa điểm Miễu Đông của làng Mai Lộc là nơi cất dấu nhiều vũ khí và báu vật. Qua khai quật khảo cổ học sẽ tìm dấu vết của các vòng thành, cửa thành, cùng các kiến trúc và di vật có liên quan, để hoàn chỉnh hồ sơ di tích thành Tân Sở, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhân di tích Quốc gia đặc biệt.

Có kế hoạch xây dựng tượng đài vua Hàm Nghi (ông vua yêu nước bậc nhất của triều Nguyễn chưa có tượng đài và hiện thi hài nhà vua đang ở Pháp, chưa được cải táng đưa về nước), lập đền thờ những nghĩa sĩ Cần Vương, lập bia tưởng niệm các tướng sĩ thời Tân Sở - Cần Vương, xây dựng Bảo tàng chống Pháp thời Cần Vương…

Các ý kiến trên tuy ở mức độ đề xuất có khác nhau, nhưng phần lớn là tương thích, trùng hợp. Tôi cho rằng đây là vấn đề lớn của công tác bảo tồn cần được quan tâm và phân tích về giá trị cùng các giải pháp bảo tồn tối ưu cho Khu di tích thành Tân Sở.

 

Đ.B

*Báo cáo tổng thuật và đề dẫn Hội thảo.

(1). Ba năm sau, vua Hàm Nghi bị Trương Quang Ngọc phản bội là không nằm trong đối tượng của những người hoạch định thành Tân Sở.

(2). H.De Pirey, Une Capital Éphémère: Tan So, BAVH, 1914, P. tr.226.

(3). H.De Pirey, Une Capital Éphémère: Tan So, BAVH, 1914, P. tr.227.

(4). Phan Trần Chúc, Phan Trần Chúc, Vua Hàm Nghi, NXB Thuận Hóa, tái bản, 1995, tr.61.

(5). Nếu là hình vuông thì mỗi chiều là 1000 mét.

(6). N.T.Tố và L.T.Sinh, Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ, Nhật Nam thư quán, Hà Nội, 1935, Thư viện Quốc gia, ký hiệu M.90999 (QH) TVQG. Bản sao Kho tư liệu Địa chí Bình Trị Thiên, Ký hiệu BTT V9142 – V501, tài liệu viết tay 19 trang, tr 7-8.

(7). A. Delvaux, Quelque préscisions sur une période troublée de L’ histoire d’ Annam, BAVH, N03, 1941, tr. 268. Số do của Delvaux về sau được nhiều tác giả sử dụng.

(8). Riêng lần đầu hơn 10 ngày là không chính xác, vì ngày 18-7, nhà vua đã rời Tân Sở. Tác giả cũng cho biết ngày 19-7, vua Hàm Nghi đã đến Thủy Ba (Vĩnh Linh).

 

Đỗ Bang
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 191 tháng 08/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground