T |
rong cuộc đời mỗi người, từ lúc biết suy nghĩ đến khi xế bóng về chiều ai lại chẳng có những kỷ niệm để rồi suốt đời không bao giờ quên được. Có những kỷ niệm tha thiết, sâu thẳm tận cõi lòng. Và có những kỷ niệm êm đềm lặng lẽ. Không nhớ đến thì thôi khi nhớ đến thì cả một chuỗi dài năm tháng quá khứ hiện về, rồi niềm tự hào, nỗi xúc động cứ thế tuôn trào, khiến mắt mình đẫm lệ. Có một người thầy giáo về hưu năm nay ngoài sáu mươi đã ôm ấp, quấn quyện bên mình những kỷ niệm như thế.
Trần Ổi sinh ra ở một làng quê nghèo thuộc tỉnh Thừa Thiên. Ngay từ nhỏ anh đã lâm vào cảnh đói khổ, cơ hàn. Nhà anh nghèo lắm, mới chín mười tuổi đầu anh đã phải xa tổ ấm mẹ cha đi chăn trâu cho địa chủ. Vất vả, đòn roi, ăn đói, mặc rách, không học hành... vẫn chưa hết khổ. Nỗi khổ còn theo cả vào giấc ngủ xé nát những giấc mơ. Những tưởng đâu chỉ một, hai năm, cuộc đời sẽ trả lại cho anh chút niềm vui, ít đổi thay, nào ngờ nỗi khổ cứ đeo đuổi anh, bám riết tuổi thơ anh đằng đẵng.. Ấy cũng là thời gian cuộc kháng chiến chống thực dân cướp nước lâu dài và anh dũng của dân tộc đang bước vào những năm tháng đầu tiên đầy gian khổ ác liệt. Và cũng chính trong thời gian này, Trần Ổi được giác ngộ cách mạng. Những tia sáng từ một chân trời tự do chợt bùng lên giữa đêm dài nô lệ, lay động trong anh biến anh từ một đứa trẻ chăn trâu ăn đói, mặc rách, chỉ biết đánh khăng đánh đáo trở thành một chú bé tinh khôn làm việc có ích cho cách mạng, cho kháng chiến. Những thùng phuy chứa đầy xăng dầu của địch đợi ngày chở đi bỗng dưng bật nắp chảy lai láng. Những trục đường giao thông, cầu cống tự nhiên bị cuốc phá. Những hàng rào, bãi chông được dựng lên ngăn bước quân thù... Tất cả đều có bàn tay anh và các bạn anh đêm đêm chung tay góp sức. Anh còn vinh dự được các cô chú tin cậy bố trí làm giao liên mật chuyển công văn, tài liệu, dẫn đường cho cán bộ từ chiến khu về làng hoạt động. Anh tích cực theo dõi, nắm tình hình địch cung cấp cho kháng chiến. Tuy tuổi nhỏ nhưng thấm thía nỗi đau quá lớn của người dân nô lệ nên anh không từ chối việc gì khi tổ chức giao phó. Chính trong những năm tháng vừa đi ở, vừa bí mật tham gia hoạt động cách mạng, anh đã đóng góp một phần nhỏ công sức vào cuộc kháng chiến, xem đó là hạnh phúc của đời mình. Năm 1952, một vinh dự lớn đến với anh, ấy là anh một trong những thiếu niên Thừa Thiên được ra Bắc tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại chiến khu Việt Bắc. Giữa Đại hội anh vinh dự và sung sướng vô ngần được gặp Bác Hồ, được Bác hỏi thăm và báo cáo thành tích cho Bác nghe, Bác âu yếm hỏi anh:
- Cháu tên là gì?
- Thưa Bác, cháu tên là Trần Ổi ạ! Anh đáp.
Bác hơi chau mày hỏi lại: “Ổi à?”. Suy nghĩ một lúc Bác vui vẻ bảo anh:
- Cháu Ổi này, Bác sẽ đặt lại cho cháu một cái tên khác, một cái tên thật đẹp là Trần Quốc Toản, cháu có đồng ý không?
- Thưa Bác, cháu đồng ý ạ!
- Thế cháu có biết Trần Quốc Toản là ai không? Bác hỏi tiếp.
Một phút im lặng trôi qua anh đáp:
- Thưa Bác, Trần Quốc Toàn là một thiếu nhi dũng cảm, có ý chí đánh giặc Nguyên khi chúng sang xâm lược nước ta.
Một nét cười rạng rỡ trên mặt Bác:
- Đúng rồi, đặt tên Trần Quốc Toản cho cháu là Bác mong hết thảy thiếu niên Việt Nam hãy học tập Trần Quốc Toản biết yêu nước, căm thù giặc, tùy theo sức mình mà làm việc có ích phục vụ Tổ quốc.
Lần ấy Bác đã lặng người đi, man mác buồn khi biết anh chưa hề được đi học. Trần Ổi biết được Trần Quốc Toản là do người lớn kể lại. Bác khuyên anh đi học và học giỏi để sau này có điều kiện thì giúp người khác học.
Giữa rừng núi Việt Bắc, cái tên Trần Quốc Toản đã khai sinh không chỉ là kỷ niệm thiêng liêng không bao giờ phai nhòa, mà đã thay đổi cuộc đời Trần Ổi gần nửa thế kỷ qua. Hình ảnh Bác Hồ và những lời dạy bảo của Bác luôn là kim chỉ nam cho mọi ý nghĩ và việc làm của thấy giáo Trần Quốc Toản.
* * *
Tôi không được may mắn gặp ông Trần Ổi – Trần Quốc Toản để nghe ông kể lại chuyện trên. Ông ở cách tôi quá xa. Những dòng tôi chép trên là hồi tưởng của nhà giáo Vũ Đóa, nguyên hiệu trưởng Trường cấp 3B Vĩnh Linh, người bạn đồng liêu với ông Trần Quốc Toản mà có những năm tháng làm nghề dạy học, ở gần nhau lại tri âm tri kỷ như Bá Nha -Tử Kỳ.
Im lặng một lúc, thầy Vũ Đóa kể tiếp: “Sau Đại hội Chiến sĩ thi đua, Anh Trần Ổi trở lại Thừa Thiên với cái tên mới Bác Hồ đặt cho. Anh vừa hăng hái tham gia công tác, vừa tích cực học văn hóa. Được ít lâu anh được trên cho ra Bắc học tiếp. Giữa năm 1953, anh lại được sang Trung Quốc học thêm bốn năm nữa trước khi về Hải Phòng, học ở trường nội trú dành cho con em miền
- Thưa thầy! Tôi hỏi: “Sau rất nhiều năm công tác cùng người bạn vinh dự được Bác Hồ đặt tên, thầy có nhận xét gì về thầy Trần Quốc Toản?
- Với anh Toản - Thầy Vũ Đóa sau giây phút trầm ngâm đã nói rất tự tin về thầy Trần Quốc Toản. Tôi có những ấn tượng mạnh và nhiều kỷ niệm đẹp. Trước hết là một người thầy toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp trồng người do đã thấm thía lời dạy của Bác, xót xa vì cảnh thất học của mình khi xưa. Khoa học - nhiệt thành - sôi nổi - hết mực chăm lo và thương yêu học sinh. Đó là những đức tính tốt ở anh Toản. Anh lại có một tác phong rất “quân sự”. Giờ nào việc ấy, đã nói là làm, làm đến nơi đến chốn. Ngay cả sinh hoạt, nghỉ ngơi của bản thân cũng vậy, anh ấy cứ “quân lệnh như sơn”. Hồi ở Tân Kỳ, chưa bao giờ anh đi ngủ trước mười giờ đêm và thức dậy sau năm giờ sáng. Là chủ nhiệm một lớp, chuyên dạy sử, là Phó Bí thư đoàn trường nên lúc nào cũng thấy anh bận rộn, chúi mũi vào công việc. Lại hồi ấy đi sơ tán, các em phải sống tập thể, ăn tập thể (mà khổ lắm), rồi máy bay đánh phá nữa chứ. Thế nên lo cho các em không chỉ việc học mà còn nhiều việc khác. Anh Toản chẳng những được học sinh kính trọng mà bạn bè cũng rất quý mến. Bởi anh rất quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp. Có một lần tôi ốm nặng phải nằm điều trị tại bệnh viện. Trời mùa đông rét như cắt thịt, thế mà gần ba tháng trời, anh ấy lui tới chăm sóc tôi. Chẳng rõ anh mượn được ở đâu tới ba cái chăn mang đến cho tôi đắp...
Thầy Vũ Đóa không nói nữa. Thầy im lặng đã lâu, thế mà tôi còn nghe văng vẳng đâu đây giọng nói ấm áp của Bác Hồ và tiếng đáp nghẹn ngào nhưng chắc gọn của cậu bé Trần Ổi năm nào ở chiến khu Việt Bắc. Và có phải vì thế chăng mà thầy giáo Trần Quốc Toản, trong suốt cả quãng đời dạy học của mình, đã cố gắng làm theo lời Bác, một lòng tận tụy vì học sinh thân yêu, vì tương lai mai hậu của quê hương, đất nước.
N.N.C