Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thầy và bạn tôi năm ấy

Tháng giêng năm 1970

Còn tuần nữa là hết năm âm lịch. Trường có việc ở Hà Tĩnh. Tôi phải đi.

Thật phấn khởi! Hai mươi năm rồi tôi mới có dịp về Can Lộc thăm thầy cũ và tìm bạn bè cùng lớp ngày nào...

...

Lần mãi tôi cũng đến được nhà thầy. Hai cây cau còn đó. Giếng nước vẫn như xưa. Chỉ cây ổi góc vườn quen thuộc với chúng tôi không còn nữa.

Tôi vào nhà, không có thầy. Cô đã già, vẫn cái khăn nhung đen vấn tóc. Nhà chỉ mình cô. Thầy mất rồi, một em đi bộ đội B, một em làm trên huyện, em gái lấy chồng. Chuyện một hồi cô mới nhớ:

-   À! Ra là cậu! Tôi nhớ rồi, còn cậu Hiệu nữa. Cái ngày ấy các cậu mười bốn, mười lăm tuổi thôi mà!

Tôi đã chuẩn bị quà thăm thầy nhưng bầy giờ phải đặt cả lên bàn thờ. Đốt mấy nén nhang, tôi đứng yên khấn nguyện. Tôi biết cô buồn, nhất là những ngày áp tết gió mưa... Biết làm sao, tôi đốt thêm tuần nhang và xin cô đi tiếp...

Gần hai tiếng đồng hồ, tôi đi tìm thằng Giảng, thằng Bơ, thằng Chi, thằng Hiếu, và cả cái Mậu, cái Mai... Tất cả chẳng gặp... Bốn giờ chiều rồi, tôi đi tiếp vào Thạch Hà – nơi trường phải đến. Trời gió mưa. Đường trong chiến tranh mấp mô lầm lụi. Tôi nghĩ mãi về một thời. Ký ức lan man hoài niệm...

.........

Mùa hè 1949, tôi theo một thuyền biển ra Hà Tĩnh để xin học. Có người chú họ đang làm việc ở Can Lộc, tôi ở lại đó. Chú tìm chỗ trọ chỗ ăn và xin cho vào học ở lớp dạy hè của một cụ công chức giao thông công chính thời Pháp thuộc. Không là thầy giáo nhưng cụ dạy thật kỹ càng dễ hiểu. Lớp chỉ 6-7 đứa đều học toán và văn, ai muốn học Pháp văn cụ cũng dạy nốt. “Một ngày nên nghĩa”...chúng tôi rất kính cụ. Cụ cũng rất mực quý mến học trò. Quen thầy hiệu trưởng, cuối hè, cụ xin cho tôi vào lớp. Tôi được vào lớp Nhì (1). Trường tôi là Trường Tiểu Học Cơ Bản Ngô Đức Kế ở xã Trảo Nha, huyện Can Lộc (nay xã ấy không còn tên cũ).

Vào lớp tôi gặp Trần Công Hiệu. Hiệu bảo Hiệu là người làng Huỳnh Công, Vĩnh Linh. Tôi chẳng biết Huỳnh Công là xứ nào nhưng đều là dân Quảng Trị. Vui lắm rồi!

Lớp Nhì có 52 đứa. Thầy Hà (2) dạy chúng tôi. Lớp chia bốn đội. Tôi ở đội Cò. Hiệu ở đội Vàng Anh. Tên đội “Vàng Anh” bởi có hai đứa con gái: cái Mai và cái Mậu.

........

Tôi nhớ mãi một thời niên thiếu vàng son, hồn nhiên và thánh thiện.

.........

Giờ chơi, ông bán kẹo kéo vào đặt bàn gần sân trường. Đứa một hào, đứa hai hào chen chúc. Tôi và Hiệu mỗi đứa hai hào. Ông bán kẹo lôi ra từng đoạn ngắn dài theo tiền đã đặt và bắt cong sợi kẹo bẻ rắc thật giòn. Nhận kẹo rồi, những đứa không tiền xúm lại giằng chia thật khó, chẳng khác gì lôi mủ mít. Đứa mút, đứa nhai. Cái Mai, cái Mậu đứng cười. Thầy ra. Tất cả đứng yên ngậm miệng. Vài đứa ngó ngang, ngó ngửa tủm tỉm cười... Thầy nhẹ tay thôi nhưng mỗi đứa được cho một tát:

-   Mười cóc lôi một giun! Học trò mà thế hả....?

 

Cái Mai cái Mậu bưng miệng cười tít mắt. Lũ con trai bị tát ngượng ngùng, ngượng nhất là trước mặt hai đứa con gái.

Đành ngây mặt vậy thôi. Lộn vào mấy đứa khác giới thật quá rầy rà.

........

Kéo dài tới vài tuần, lũ “cóc” chúng tôi chĩa mũi dùi vào cái Mai vái Mậu:

“Trâu bò xỏ mũi

Mai Mậu xâu tai”

và nữa: “Lớp ta Mai Mậu hai Mờ (M)

Xâu tai cho khéo để chờ lấy nhôông (3). Có đứa chen vào: Xoi tai cho thủng chứ!”

Gần như ngày nào Mai, Mậu cũng bị trêu và khóc

Chịu không được nữa, cả hai trình thầy.

Cuối một buổi học sáng thứ bảy, trong giờ sinh hoạt tập thể, thầy đưa ra lớp. Chuyện kẹo kéo, chuyện Mai, Mậu bị trêu. Thầy “riệt” một trận nên thân. Không đường chối cãi, lũ con trai ngồi im như thóc. Nhưng thầy độ lượng:

-   Con trai thì nghịch là thường nhưng vừa rồi đã quá. Thôi, hai em Mai, Mậu bỏ qua. Lớp chỉ có hai mụn con gái. Cả lớp phải cùng thân ái, chan hoà.

Sau lần “riệt” không khí lớp cũng thường thường thôi. Riêng phần học thì khá lên nhiều so với trước cả khi xảy chuyện. Các cậu sợ thầy và cũng đã biết thân, biết phận.

Tôi và Hiệu ở trong lũ “mười cóc một giun” nhưng thầy vẫn dành riêng yêu thương cho hai đứa. Một phần vì học tập và ngoan, một phần – như thầy bảo:

-   Hai đứa là học trò Bình Trị Thiên. Quê hương đang chiến tranh khói lửa... Chưa chừng mai kia thầy cũng vào trong đó. Sở Giáo dục Liên khu 4 đã có thông báo sẵn sàng...

.......

Tôi chẳng nhớ tên của một chủ trương hay một cuộc vận động gì đó của ngành Giáo dục. Ngoài đường làng, trong trường học đều có những áp phích, băng rôn ghi “... nền giáo dục dân tộc, khoa học, đại chúng” hoặc “tin trẻ, yêu trẻ, trọng trẻ”. Trước ngày vào lễ của nội dung trên, trường tổ chức một đêm rước đuốc cổ động và văn nghệ. Học trò của trường đứa nào cũng làm mặt nạ mo cau, quét vôi, lấy nhọ nồi vẽ những mặt chim, mặt thú. Lớp thì mặt chim cò, lớp thì mặt trâu. Lớp tôi toàn mặt khỉ. Nhớ chuyện đã qua, tôi và Hiệu phải tiếp tục sửa lỗi. Hai đứa nhờ một anh khéo vẽ ở lớp Đệ Nhị niên trường trung học Đặng Dung làm hai mũ hình chim vàng anh cho cái Mai, cái Mậu. Hai ả thì đặc biệt rồi! Không úp mặt khỉ, được chụp vàng anh. Màu mè đơn giản: Nghệ và vôi. Cái Mai. Cái Mậu mừng cười hớn hở.

-   A! Cười. Sao không bưng miệng như cái hôm nhìn “một giun mười cóc”.

Lần đầu trong lớp, Hiệu và tôi bị hai đứa con gái đấm thùm thụp vào lưng. Lũ con trai vỗ tay la hét...

Một chút vui thôi! Mùa xuân và chim én. Hạt sương mai lấm tấm cánh hồng tươi...

Đuốc rực cả sân trường “Trâu”, “thỏ”, “khỉ”, “gà” đã vào hàng ngũ. Lúc đó thầy tôi đi đi lại lại xem bộ chẳng yên. Thì ra lớp chưa có người ở trực. Ai bây giờ! Thầy kêu gọi mãi. Cả lớp im. Đứa nào cũng hồi hộp sợ thầy “gián trán”. Chẳng đừng được, tôi xin ở lại. Hiệu lật mặt nạ của mình:

-   Em cũng vậy!

Đến lượt thằng Bơ, thằng Giảng lớp phó, thằng Hiếu, thằng Chi đều xin. Cuối cùng thầy để Hiệu và tôi. Hai đứa về phòng. Phòng lớp tôi đặt riêng trong tiền sảnh của ngôi đền ở cạnh dãy phòng trường học. Lấy mười thanh củi, hai đứa đốt lên và ra cổng trường mua sáu hào mè xửng.

Đuốc sáng từ trường kéo ra. Hát, khẩu hiệu vang đường làng ngõ xóm. Không đi được, hai đứa buồn.

9 giờ đêm “trâu”, “khỉ” trở về bắt đầu buổi liên hoan văn nghệ. Trời rét. Năm đống lửa rừng rực bốc cao. Giữa sân trường chẳng phông màn sân khấu. Hết nhảy lửa trại tiếp hát ca. Các bài hát tự do, lộn xộn. Có “Tiến về Hà Nội” với trùng trùng say trong câu hát, lớp lớp đoàn quân tiến về, có “Tòng quân”, có “Bình Trị Thiên khói lửa”. Nhưng rồi cũng có “Buồn tàn thu” với ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến, em bẽ bàng...; có “Con thuyền xa bến” với theo gió thuyền xuôi... Tiếng đàn trầm trầm man mác lòng tôi...

Chẳng duyệt dọt gì. Cứ “mua vui” là được. Đêm văn nghệ đã ghi dấu ấn một thời. Một mối dây ràng buộc tâm hồn thơ trẻ, nó theo suốt cuộc đời đến khi lẫn khuất mới thôi.

Ôi! Quá khứ, thời gian, buồn vui và trong sáng...

*  *  *

.........

Thời gian trong vui tươi, vô tư, lành mạnh như những cánh chim lướt qua trời rộng. Chẳng mấy chốc... “đường làng, huyết phượng nở thành bông”... (4)

Bài tiếng Việt cuối cùng: “Nghỉ hè” (thơ của Thâm Tâm thời tiền chiến)

“Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết

Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về...”

Chẳng biết sách in đúng hay sai (bởi in ấn cái thời mới vỡ mặt trận ấy mà).

Thầy bảo:

-   Sao tác giả không viết là “đàn chim non” mà lại viết “Đoàn trai non”. Thế thì Mai và Mậu lớp mình chẳng được nghỉ, được về.

Cả lớp cười buồn, thầy lại đọc và giảng tiếp:

“Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui

........

Ôi! Tất cả mùa xuân trong mùa hạ...”

Có lẽ Hiệu và tôi cùng chung tâm trạng

Trời! “Hớn hở” đâu! “Mùa xuân trong mua hạ” đâu!. Niềm vui đâu mà “rương chật rồi khó nhốt”!

Bạn bè ở quanh đây. Hè cũng ở nhà như khi đi học. Nay qua nhà dì, mai đi nhà cậu... còn tôi và Hiệu!

Hai đứa về quê theo đường rừng ư! Lên Chu Lễ đi tàu goòng vào Đò Vàng (Quảng Bình) và tiếp đi bộ qua Ba Rền, U-bò về đến Thuỷ Ba (Vĩnh Linh) đã mất 14, 15 ngày leo núi.

Theo thuyền đi đường biển ư! Bao mối hiểm nguy. Tàu chiến ca-nô của Pháp rình rập ngoài biển Cửa Gianh, Lý Hoà, Đồng Hới.

Thứ hai tiếp theo trường tổng kết và kết thúc năm học. Biết chúng tôi buồn, tan buổi thầy bảo hai đứa đi chơi. Trên đường không ô tô, xe đạp càng hiếm hoi, thỉnh thoảng mới có chiếc xe kéo và vài cổ xe bò. Ba thầy trò cứ hàng ngang nói chuyện. Thầy động viên và những lời khuyên. Khoảng hơn 10 giờ, ngang hàng ăn của bác Hai Huế, thầy bảo vào nghĩ chân tý chút. Chúng tôi biết nghỉ là thế nào rồi nhưng chẳng chối. Xong bữa thầy không cho anh em tôi trả tiền. Thầy đã đặt cơm từ sáng...

Giữa hè tôi có giấy cho vào Trại Thiếu Sinh Quảng Trị. Hiệu buồn, chuẩn bị xin tiền vận tải về quê. Đang chờ đợi, cả hai cùng đến thăm thầy.

........

Thầy mượn xe đạp đèo tôi lên Đức Thọ nhập trại. Bơ, Giảng, Hiếu, Chi và cái Mai, cái Mậu cùng tiễn tôi đến tận cầu Nghèn. Cầu bị phá huỷ phải tiêu thổ kháng chiến được làm tạm cho người đi bộ. Đi trên cầu trùng triềng dễ sợ.

Chiều nay một mình thầy tôi cũng trở lại cầu này...

Máy bay Pháp ném bom Đức Thọ, Nghèn và nhiều nơi khác. Ban quản trị trại không cho học trò đi xa. Tôi không trở lại thăm thầy được. Khi theo học ở Sư phạm trung cấp Liên Khu 4 lại xa thêm. Hết Bạch Ngọc, Anh Sơn đến Thanh Chương, Dùng, Rạng và khi ra trường tôi theo đoàn toán về Quảng Trị.

Nhớ và thương thầy mãi...

*  *  *

Lần này (1970) tôi đã gần 40 tuổi. Thầy giáo và lớp Nhì năm ấy vẫn trong tôi mãi mãi. Làm sao tìm được 52 đứa bạn, nhưng những đứa đã tìm đều vắng tăm hơi. Đứa chiến trường, đứa đi công tác. Cái Mai, Cái Mậu đã lấy chồng xa.

Ừ! Con gái thầy giáo tôi! Thầy đã thành thiên cổ. “Mười hai bến nước”! Sống còn, no đói chẳng hay...

Mênh mông thương nhớ biển trời

Tháng 11-2007

Thầy kính yêu ơi! Thầy đã đi rồi! Còn những bạn bè “Trâu, cóc, giun, khỉ, vàng anh” Lớp Nhì năm ấy của tôi ơi! Giờ đây chúng ta đã loanh quanh cái tuổi 76-75. Giữa mùa Đông này, nhân “Ngày nhà giáo...” tôi ghi lại mấy dòng. Tản tác phương trời chẳng được gặp nhau...Nhớ mãi những ngày xưa thân ái....

Đã có ai đó nói: “Quá khứ là tương lai của hiện tại...”

Cũng lúi búi thật! Thôi! Nghĩ thế nào thì nghĩ...

Thời gian vô thuỷ, vô chung. Không gian vô hạn “chân ngắn quá...”(5) và đời người đâu vĩnh viễn với thời gian...

Hãy đợi!

                                                               Tháng 11 năm 2007

                                                                           V.Đ

 

 

 

 

_________

(1) Ngày ấy bậc tiểu học có 5 lớp: Năm, Tư, Ba, Nhì, Nhất. Hết lớp nhất là hết tiểu học; bậc trung học có 4 lớp: Đệ nhất niên, đệ nhị niên, đệ tam niên, đệ tứ niên

(2) Hà là họ: Thầy mất rồi, tôi không dám gọi tên

(3) Lấy nhôông là lấy chồng. Trước đây Nghệ Tĩnh hay nói thế

(4) Câu thơ trong bài “Nghỉ hè” của Thâm Tâm (thơ tiền chiến)

(5) “Chân ngắn quá không đi cùng trái đất” (tôi quên tên nhà thơ)

 

* Ở Nghệ Tĩnh ngày trước thường gọi học trò là cậu (cậu học trò)

 

Vũ Đóa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 170 tháng 11/2008

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

5 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

5 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

5 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

5 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground