Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thử tìm nguồn gốc một số câu hò Quảng Trị

Măng giang nấu cá nganh nguồn

Đến đây nên phải bán buồn mua vui

C

ác vị thức giả cũ ở Quảng Trị đều cho rằng câu hát này ra đời sau ngày Đoan quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa và đóng đinh tại làng Ái Tử, lúc đó thuộc huyện Võ Xương (sau đổi là Đăng Xương) nay là huyện Triệu Phong. Để xây dựng trấn phủ, dinh trại, kho tàng hàng ngày quân lính phải ngược dòng Thạch Hãn, vào các khu rừng hai bên bờ sông chặt tre, đẵn gỗ. Vốn là dân Thanh Hóa, Nghệ An vào, lúc mới bắt đầu cuộc sống trên quê mới, niềm vui đến chưa được trọn vẹn, lòng họ cứ nhớ về nhà cũ, làng cũ không dứt. Tâm sự con người ai chẳng thế. Bởi vậy, đối với họ cũng như đối với những người dân cùng “lần theo vó ngựa Chúa Đoan mà vào” với họ, như dân làng Mai Xá, huyện Gio Linh chẳng hạn, không thể không “bán” nỗi buồn nhớ đi mà “mua” từng chút vui mới trong cuộc sống về. Hai chữ “mua”, “bán” ở đây nói với chúng ta về một cuộc mặc cả, bớt một thêm hai, ngày lại ngày dẫn đến một sự chuyển đổi tình cảm đối với quê mới.

Thời ấy, cũng như bây giờ, vùng rừng nguồn Thạch Hãn có rất nhiều măng giang, người miền Thượng thường chặt hong khô đem ra đổi muối hay dao rựa với người miền dưới. Cá ngạnh sống ở các cửa khe suối cũng nhiều, bắt mà nấu canh với măng giang tươi hay khô cũng được, ăn rất ngon. Chính món ăn dễ kiếm mà hấp dẫn này đã biến thành một sợi dây vô hình giữ lòng họ lại rồi cùng bao nhiêu sợi dây khác buộc chặt họ với ngôi nhà và mảnh vườn mới, biến họ thành những cư dân đầu tiên lúc bấy giờ, nhiều ông tiền khai khẩn hay hậu khai canh của các làng ven bờ vùng thượng và trung lưu sông Thạch Hãn bây giờ.

Không thơm cũng thể hương đàn

Không trong cũng thể nước nguồn Hàn đổ ra.

Nguồn Hàn, tức là nguồn sông Thạch Hãn. Cái tên gọi ít nhiều mang tính dân dã này có lẽ đã xuất hiện từ lâu lắm. Trước năm 1953, tên làng Thạch Hãn và cùng với nó là tên dòng sông đã được ghi là Thạch Hàn. Với nghĩa “thành giếng bằng đá”. Sau đó hai chữ Thạch Hãn cho đến bây giờ với nghĩa là “triền đá ngăn cản (hoặc bảo vệ) dòng sông”(1) nhưng nhân dân thường đọc chữ Hãn thành chữ Hàn do đó còn gọi tên làng là Thạch Hàn và nôm na là Đá Hàn khiến cái tên nguồn Hàn cũng là tồn tại.

Câu hát nhờ mang cái tên đất quen thuộc, gần gũi ấy mà trở thành dễ yêu, dễ cảm là thế, vậy mà khi đọc Đại Nam nhất thống chí, dù ở bản đời Tự Đức hay bản đời Duy Tân, lại thấy các nhà biên soạn giới thiệu một câu dường như là nó, song vẫn không phải là nó. Không rõ lời của câu hát được giới thiệu ấy như thế nào, chỉ thấy dịch là: “bất vi xạ não, diệc thị trầm đàn, bất vi quỳnh tương, diệc thị cam lễ”, dịch là: “nếu không còn xạ hương long não thì cũng là trầm hương, đàn hương; Nếu không là quỳnh tương thì cũng là rượu cam lễ”. Vậy phải chăng đã có một câu ngạn ngữ, đại loại như “không xạ não cũng trầm đàn, không quỳnh tương cũng cam lễ”? Điều rõ ràng là nếu có một câu ngạn ngữ như vậy thì mặc dù giống câu hát trên ở phần đầu, giá trị văn học của nó vẫn không thể nào sánh ngang được trong sự diễn tả tấm lòng của nhân dân ta đối với dòng sông quê hương.

Về lịch sử của câu hát này, các vị thức giả của Quảng Trị trước đây đều cho rằng nó ra đời sau ngày chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời thủ phủ từ Trà Liên vào Phước Yên (nay thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên), những người lính già trong năm cơ Trung Kiên, Tả Kiên, Hữu Kiên, Tiền Kiên và Hậu Kiên đã ở lại trên đất đóng quân, dần dần thành lập năm làng lấy tên cơ binh cũ sau này. Do ít ruộng đất, gia đình họ sinh sống bằng nghề lấy củi, lấy gỗ, lấy lâm sản từ rừng thượng nguồn và đánh cá trên sông Thạch Hãn. Sông như dòng sữa nuôi họ nên họ ngày càng gắn bó với sông, thành một mối yêu thương, một niềm tự hào. Câu hát xuất phát từ tấm lòng đó. Lâu dần, nó trở thành tiếng nói và nếp suy nghĩ chung của hầu hết các làng trên hai bờ Thạch Hãn. Ngày nay, khi đi từ thượng lưu sông về tận Dã Độ, không những chúng ta gặp những tên làng có quan hệ với chữ Thạch mà còn rất nhiều câu đối ở các đình miếu các nhờ thờ họ phái nói lên tình yêu thương và niềm tự hào này (1).

Chưa hết đâu, trước kia, các bậc cha mẹ trong các gia đình nho học ở vùng Triệu Hải có lúc đã đem câu hát này ra nhắc nhở con cái: “Mai sau lớn lên, đi đâu ở đâu, làm gì cũng chớ nên quên câu hát của quê hương, gửi tâm hồn mình thơm tho như cây rừng Mai Sơn và giữ phẩm cách mình trong sạch như nước sông Thạch Hãn”. Quả là một câu ca ngọc vàng, hiếm có:

Đưa em cho tới Nhà Hồ

Em mua trái mít, em bồ trái thơm

Trái thơm là trái thơm ngon

Bỏ vô đôộc mắm, ăn chon (dòn) như dừa.

Nhà Hồ - dịch nghĩa đen hai chữ Hồ Xá – trong câu hát này là tên cái làng cuối phía Nam truông Hồ Xá – Từ Chính ở huyện Vĩnh Linh. Ngày xưa, trong cái truông cây cối rậm rạp và dài ba dặm này, bọn trộm cướp thường ẩn nấp để trấn lột khách thương qua về, nên việc đi lại buôn bán làm ăn rất bị trở ngại. Đến đời Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Nội tán Nguyễn Khoa Đăng được cử ra kinh lý, đã sai chặt bớt cây cho thoáng và lùng bắt bọn trộm cướp, việc thông thương mới được yên ổn. Nhân dân vui mừng đã có câu ca dao: Thương em anh cũng muốn vô sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang – Phá Tam Giang ngày rày đã cạn, truông Nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm.

Vậy giữa câu ca dao này với câu hát trên của chúng ta, quan hệ với thời điểm ra đời như thế nào? Nếu đứng về việc cô gái trong câu hát phải nhờ đến sự che chở của người trai khỏe mạnh để vượt qua truông cho yên ổn thì rõ ràng nó đã ra đời trước lúc ông Nội tán nghiêm cấm. Nhưng, như chúng ta đã biết, từ mấy thế kỷ nay, thậm chí đến đầu thế kỷ 20, cảnh hoang vắng của truông Hồ Xá vẫn là nỗi lo của khách đi qua, khiến họ phải đợi nhau, kết thành nhóm, thành đoàn. Cho nên, khả năng câu hát ra đời sau câu ca dao là chuyện bình thường. Đi sâu vào nội dung câu nói của cô gái, mua trái mít để đền công, bù trái thơm để trả nghĩa và nhất là khi cô ta nói về cái ngon của trái thơm đó một cách rất chất phác, thật thà, chúng ta hầu như không tìm thấy một không khí cổ xưa, một dấu vết gọt giũa của thời gian mà chỉ nhận ra một hơi thở còn gần gũi với thời đại của mình. Hai chữ Nhà Hồ không đứng ở đây như một chứng tích của thời xưa, mà chỉ là một sự gợi lại.

Có lẽ câu hát chỉ mới ra đời vào mấy thập kỷ cuối thế kỷ trước.

Anh đi thì lý chưa trồng

Anh về, lý đã đâm bông trăm ngành

Mỗi ngành mười tám bông xanh

Ba bông bốn trự đố anh mấy tiền?

Đây là một trong những bài toán đố bằng ca dao của Quảng Trị đã may mắn được ca dao hóa. Nó được viết ra có vần có điệu cốt để cho mọi người dễ nghe, dễ nhớ lâu mà tìm về với toán học nhưng do âm vận trong sáng, tiết cấu nhịp nhàng, nhất là do chất trữ tình tươi đậm trong hai câu đầu, nên ngày trước chị em thường đem ra hát ru. Vậy ai đã sáng tác những câu hát hiếm có ấy. Theo các cụ Nho học cũ ở vùng chung quanh chợ Thuận, đó là nhà toán học Nguyễn Hữu Thận.

Ông là người làng Đại Hòa nay thuộc xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong. Ông làm quan đời Tây Sơn đến chức Thị lang và sau lúc nhà Nguyễn giành lại ngai vàng, do tài năng đặc biệt về tính toán quản lý, vẫn được trọng dụng tiếp dưới hai triều Gia Long Minh Mạng. Vốn say mê toán học và thiên văn học, ông luôn luôn tìm cách tiếp cận khoa học tiên tiến để bồi bổ kiến thức cho mình. Năm 1809, ông được phái đi sứ sang Trung Quốc. Tại đây, ông đã không tiếc sức mình tìm mua sách vở về hai ngành khoa học ấy được các giáo sư phương tây và trí thức Trung Hoa viết hoặc dịch ra chữ hán. Từ nguồn tri thức mới ấy, ông đã làm được lịch Hiệp kỷ và viết được cuốn sách toán Ý Trai toàn pháp nhất đắc lục. Lúc về nghỉ hưu tại quê nhà, ông vừa hoàn thành tác phẩm này vừa viết một số câu ca dao, hò về toán để gây tinh thần yêu khoa học trong nhân dân. Như vậy, có thể khẳng định, câu hát trên đã ra đời vào khoảng từ năm 1828 là năm ông về hưu đến năm 1831 là năm ông mất.

Bài toán ca dao này chỉ là một bài toán đơn giản, nhưng tác giả vẫn bội thu: Cách đây khoảng 50 năm, bài toán còn được truyền đi khá rộng và bài hát vẫn thường nghe vọng trong nhiều mái nhà dân.

Ngó Nam ngó Bắc thì vui

Ngó lên Cam Lộ ngùi ngùi thêm thương.

Ngày 5-7-1885, kinh thành Huế bị Pháp chiếm, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra Tân Sở, tại đây nhà vua đã xuống chiếu kêu gọi nhân dân và sĩ phu toàn quốc đứng lên giết giặc, giúp vua. Nhưng thấy ở lại lâu không tiện, vì Pháp có thể bất thần bao vây vùng Cùa. Tôn Thất Thuyết muốn đưa nhà vua ra Bắc Quảng Bình, nơi có địa bàn hiểm trở, dễ phòng ngự hơn, Sau hơn 12 hôm đóng lại ngày 19-7, đoàn xe đưa vua theo đường An Hướng ra Vĩnh Linh nhưng đến địa đầu Quảng Bình thì nghe tin quân Pháp đánh chiếm Đồng Hới nên lại trở về Tân Sở. Dừng lại đây ba hôm, đoàn lại theo đường thượng đạo về phía tây Trường Sơn đi ra Tuyên Hóa.

Nhờ sĩ phu nhận được chiếu ngay, phong trào Cần Vương ở Quảng Trị đã dấy lên rất sớm. Ngày 6-9-1885, đoàn nghĩa quân do Trương Thiện Thuật (khi hoạt động đổi tên là Trương Đình Hội) chỉ huy đã kéo vào chiếm tỉnh thành. Các đội quân ở các huyện đồng thời cũng thành lập và hoạt động mạnh. Cùng lúc đó, phong trào của Nghệ Tĩnh ở phía Bắc và của Nam-Nghĩa Bình ở phía Nam cũng dâng lên cao, khiến họ rất vui mừng. Từ nỗi vui đó, lòng họ lại tưởng vua Hàm Nghi – ngọn cờ cứu nước, ngọn cờ tập hợp lòng dân lúc bấy giờ - không còn ở Tân Sở nơi họ đã đến bái yết và thọ mệnh mà bùi ngùi thương cảm bởi biết bao nhiêu gian nan nguy hiểm mà nhà vua tuy còn trẻ đã phải trải qua.

Nhưng những ngày đắc ý của phong trào Cần vương ở Quảng Trị không dài. Chẳng bao lâu sau quân Pháp đã kéo đến trấn áp. Những trận đánh thất bại ở Quán Bún, ở Trạng Mè, ở Đò Lục… cùng những cái chết bị bêu đầu ở Ba Dốc, bị chém ở Nhan Biều của nhiều chỉ huy kiệt xuất đã đẩy cuộc chiến đấu vào ngõ cụt. Trong nỗi buồn này, nhìn lên Cam Lộ, họ cũng lại thấy nhớ nhà vua – niềm tin duy nhất của họ - đã hy sinh cuộc sống trong cung điện để sống cuộc sống kháng chiến giữa rừng mà ngậm ngùi không biết rồi đây họ đi đến đích hay không.

Như vậy, câu hát là cả một tấm lòng thần tử lúc nhà vua đang “hạnh thục”. Về sau, khi phong trào Cần Vương hoàn toàn tan rã, Pháp đặt chắc nền thống trị, tấm lòng thần tử này trở thành một điều cấm kỵ, câu hát từ ai đó đã đổi lại là:

Ngó lên ngó xuống thì vui

Ngó về quê mẹ ngậm ngùi nhớ thương.

                   *

              *         *

Ra về khỏi dốc chợ Cầu

Nhớ người quân tử dạ sầu héo hon.

Ở vùng Do Lễ, huyện Do Linh, chúng tôi còn nghe một câu na ná dạng như thế: “Ra về khỏi dốc chợ Cầu, để thương, để nhớ, để sầu ai mang?”. Ông T.T., một nhân sĩ làng Lan Đình, đã đọc và kể cho chúng tôi nghe về cả hai câu này. Theo ông, nếu câu sau chỉ là chuyện yêu đương nam nữ thì câu đầu lại mang nội dung một nỗi đau xót khôn nguôi trước sự hy sinh của một chiến sĩ Cần Vương Do Linh. Người chiến sĩ đó là Nguyễn Tự Khiểm, thường gọi tên chức vụ là Đốc Đồng, người làng Hà Thượng.

Đốc Đồng Nguyễn Tự Khiểm là con trai của ông Nguyễn Tự Cường và anh ruột của tử nhân Nguyễn Tự Như(2). Ông là một nghĩa quân chỉ huy khu vực Do – Vĩnh, nổi tiếng chiến đấu rất anh dũng trong các cuộc chiến đấu ở An Ninh, Trạng Mè. Cuối năm 1886, ông bị địch bắt và đem chém bêu đầu ba ngày tại Ba Dốc. Các chiến sĩ Cần Vương ở Quảng Trị được tin đều vô cùng thương xót. Riêng các chiến sĩ và nhân dân Do Vĩnh, mỗi lần đi qua Ba Dốc, chợ Cầu Lại thấy lòng héo hắt thêm trước một mối thù chưa biết đến lúc nào mới trả được. Từ nỗi lòng đó, câu hát hình thành như một tiếng buồn thương lấp kín dưới mấy tầng đất đỏ.

Sáu mươi năm quê hương nằm dưới ách thống trị của nước ngoài, từ dốc chợ Cầu, trong lúc câu hát ân tình bay đi khắp ngõ, câu hát yêu nước, như được che chắn kỹ, cứ lặng lẽ truyền trao, đánh thức những trái tim thế hệ cách mạng nối tiếp.

Đường trường cát nóng truông xa

Ngãi chưa thành ngãi, công đà trượng (trong) công.

Câu hát này mới chỉ ra đời vào khoảng đầu thế kỷ này thôi, mấy vị nhân sĩ ở làng Mai Xá chánh khi kể đã cho biết như thế. Số là hồi đó, ở làng Quảng Trị có một anh học trò giỏi được cha mẹ cho vào kinh đô Huế học tiếp. Có người quen giới thiệu anh đến làm gia sư trong nhà một ông quan trong thành. Ông quan này có một cô con gái đã 18, 20 tuổi. Thấy anh học trò khôi ngô, học giỏi và có đạo đức, từ kính trọng dần dần cô đã đi đến yêu thầm. Anh học trò thấy cô gái nhu mì cũng đem lòng thương trộm. Điều phải đến đã đến: Hai người tỏ tình, hẹn ước với nhau.

Một thời gian sau, anh học trò về thăm nhà và xin cha vào dạm hỏi cô con gái cho mình. Thương con, ông bố mang khăn gói ra đi. Hồi ấy, đã có xe lửa Đông Hà – Huế, nhưng ông vẫn theo thói quen cũ đi bộ. Thế là phải qua mấy truông rộng, mấy trảng cát dài dưới trời nắng chang chang. Đến nơi ông thật thà trình bày sự việc nhưng ông quan kia nghĩ là không môn đăng hộ đối nên đã nhẹ nhàng từ chối. Chiều hôm ây, đang ngồi ngẫm nghĩ, ông bỗng nghe con gái đang ru em ngủ ở nhà dưới hát lên câu hát trên, ông hiểu ngay tình ý của con. Câu hát không đi vào chuyện nhân duyên, mà lại thương hại ông cụ công khó, mối tình vừa kín đáo vừa sâu nặng. Ông suy nghĩ một chốc rồi đổi ý.

Về sau anh học trò thi đỗ, cưới cô gái và ăn ở với nhau hạnh phúc trọn đời. Biết chuyện này, nhiều người cứ tấm tắm: Chỉ một câu hát thôi mà nên duyên nên ngãi. Đúng thế, song đâu phải là chuyện tình cờ: đây là một câu hát thực sự có giá trị văn học càng đọc càng cảm thấy sức nặng truyền cảm của nó.

Chiều chiều mây kéo vô dinh

Ếch kêu giếng loạn, thiệt tình mai mưa.

Tỉnh Quảng Trị ở vào một vùng mà mùa thu đông thường có gió mùa đông bắc thổi vào và gây ra lụt lội, mưa dầm, rét mướt. Để kịp đề phòng những phiền phức do nó gây ra, nhân dân thường nhìn trời đoán thời tiết. Khi mây kéo ùn ùn về kinh đô, tức về hướng đông nam, người ta biết ngay đó là triệu chứng bắt đầu có gió đông bắc. Nếu chiều hoặc đêm đó có ếch nhái kêu liên tục dưới các giếng cạn thì đó là dấu hiệu nhiệt độ trong không khí đã thay đổi và đợt mưa kéo dài không còn xa.

Đây chỉ là một kinh nghiệm đoán biết thời tiết được ca dao hóa cho mọi người cùng thuộc. Cho nên nguồn gốc của nó không gì riêng biệt hơn là chính yêu cầu của cuộc sống như câu: “Vàng nắng, trắng gió, đỏ mưa” hoặc “Mồng 9 tháng 9 có mưa, thì lo sắm sửa cày bừa mần ăn” vậy.

Trăm năm dầu lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ con đò khác đưa

Cây đa bến cũ còn lưa

Con đò đã thác năm xưa kia rồi

Thế kỷ trước, con đường quan Nam Bắc không phải vượt qua sông tại làng Mỹ Chánh như bây giờ mà về phía dưới một quảng, nơi con đường đất nối liền hai trạm Thừa Mỹ (ở làng Mỹ Xuyên, huyện Phong Điền) và Trị Xá (ở làng Thượng Xá, huyện Hải Lăng) và vượt qua sông Ô Lâu bằng con đò ngang. Và ở đây đã có thiên tình sử đẫm nước mắt: một thầy khóa thi đỗ đã quên lời thề quên non hẹn biển với cô lái đò năm xưa.

Một ngày nào đó không ai nhớ, có một thầy khóa từ Quảng Bình mang yên vác tráp vào trường thi Thừa Thiên ứng thí. Khi thầy đến bến Văn Quỹ thì trời đã tối, đò ngang đã nghỉ chèo. Thấy o lái đò xinh xắn lại thật thà, thầy bèn nhờ nấu cơm tối và xin ở lại tại bến để hôm sau đi cho tiện. Đêm ấy, thầy khóa và o lái đò chong đèn chuyện trò, lòng đã quyến luyến. Đến sáng chia tay, đứng dưới gốc đa, thầy khóa thề thốt đỗ rồi sẽ vào cưới o làm vợ.

Khóa ấy, thầy khóa thi đỗ. Khi trở ra, thầy lại cùng o lái hẹn biển thế non. Nhưng cuộc nhân duyên đã bị cha mẹ thầy gạt bỏ cho chuyện trai đường gái sá và buộc thầy phải đi cưới cô gái mà họ đã nhắm trước. Sự việc này không ngờ o lái đò bến Ô Lâu dò hỏi khách ra vào nên biết rõ. O trách thầy khóa đã phụ mình và vật vã khóc mãi.

Năm sau, thầy được bổ vào làm việc tại kinh đô. Thầy muốn tránh qua lại bến đò cũ nhưng không được. Không ngờ khi dừng chân dưới gốc đa, thầy thấy cái bến vẫn như trước, song con đò và o lái đò không phải là con đò và con người ngày nào. Thầy tìm cách hỏi chuyện mới hay là vì đợi mãi không thấy người yêu trở lại, o lái đâm ra thất tình, một hôm đã dấn đò chìm và chết theo con đò. Thầy nghe xong thờ thẫn bước lên và nghe cô gái vừa đẩy đò ra vừa hát bốn câu trên. Không nghe nói về sau thầy sống ra sao cả.

Khi nhắc đến câu hát này trong sách “Đất Việt trời Nam” tác giả Thái Văn Kiểm cũng kể lại một chuyện tương tự, chỉ khác một chi tiết nhỏ: Thầy Khóa là anh học trò Xứ Nghệ.

Nguồn gốc một số câu hát câu hò của đất Quảng Trị của chúng ta là như vậy, nó chưa có gì gọi là bất hủ cả. Tuy thế cái chất tình cảm lắng đọng lại trong từng câu chuyện vẫn thật là đẹp và dễ yêu.

                                                                                 N.L.T

____________________

(1, 1) Xin xem thêm bài “Non Mai sông Hãn”, Tạp chí Cửa Việt số 9 năm 1991.

(2) Nguyễn Tự Như, tham gia phong trào Cầu Vương từ đầu và nhận chức Án sát Quảng Trị. Cuối năm 1886, quân Pháp bắt giết ông rồi sau đó bắt cha ông và đe dọa nếu ông không ra thú thì sẽ giết. Sợ cha bị giết ông đã ra thú. Về sau ông lại dùi mài kinh sử và đến năm 1898 đời Thành Thái, thi hội đỗ tiến sĩ, được bổ làm tri phủ Quảng Ninh (Quảng Bình).

Nguyễn Lương Tài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 9 tháng 06/1995

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

4 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

5 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

5 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

5 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground