Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tôi đi sưu tầm chuyện trạng

C

huyện trạng ở Huỳnh Công Tây được xem là một kho tàng văn học dân gian có một không hai của Việt Nam, như là di sản văn hoá phi vật thể có từ xa xưa. Còn trạng Vĩnh Hoàng nay thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị là địa danh mới có sau này.. Năm 1949, xã Vĩnh Hoàng được thành lập, trong đó có ba thôn là làng Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Nam nên chuyện trạng cả ba làng còn được gọi là chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Nay xã Vĩnh Hoàng đã đổi thành xã Vĩnh Tú, vậy nên Vĩnh Hoàng chỉ còn là danh từ riêng chỉ chuyện trạng 3 làng Huỳnh Công mà thôi.

Tìm đến trạng Vĩnh Hoàng tức là phải tìm đến cội nguồn, nơi xuất xứ ra trạng Vĩnh Hoàng. Vào thời sơ khai cách đây trên 300 năm, các dòng họ các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình đến Thanh Hoá vào đây khai khẩn và lập nên làng Huỳnh Công. Trong đó Huỳnh Công Tây là nơi có nhiều điển tích làm căn cứ sản sinh ra chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Huỳnh Công Tây hồi đó có rất nhiều rừng rú, rú liền rú vào sát tận bìa làng, rất thích hợp cho các loài muông thú kéo nhau về đây trú ngụ và sinh sống. Cu, chim đủ loài, thú rừng như hươu, nai, trâu ri, bò tót, cọp beo vv..., nhiều vô kể. Cọp thường ăn lẫn lộn với bò để bắt mồi, cho nên có chuyện bắt nhầm cọp để cày. Cọp thường vào làng để bắt người. Nay còn có lòi rú gọi là “lòi mụ Sài”. Cọp đã bắt bà ấy vào lòi này ăn thịt, cho nên người ta đặt tên cho lòi rú đó là “lòi mụ Sài”.

Hoặc rừng rú cò những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Cu chim thường ăn và thải hạt ớt vào trên ngọn cây, cho nên có những cây ớt tự tạo, gốc có thể cưa được mấy cấp săng ấm và còn làm được mấy xác nhà Rường... Huỳnh Công Tây nơi đây là vùng đất có chín phần là đất cát, còn một phần là đất đỏ bazan. Thiên nhiên không được ưu đãi lắm. Hai mùa nắng gió khắc khổ. Mùa hè ngọn gió Lào kéo về nắng rát đến nổ tre. Mùa đông ngọn gió Đông Bắc kéo theo mưa phùn lạnh tê tái. Ruộng lúa rất hiếm hoi. Họ sống chỉ nhờ vào cây khoai, cây sắn, còn gạo thì rất khan hiếm, quý hơn vàng. Họ cho hạt gạo là “hòn ngọc nhà trời”.

Thiếu ruộng không đủ gạo ăn, họ tìm cách bù đắp bằng trồng dưa đỏ trên cát để tạo nên hàng hoá trao đổi. Họ làm dưa đỏ đã trở thành làng nghề. Dưa đỏ đã trở nên món hàng đặc biệt. Lái buôn đã về đây mua chở vào Nam, ra Bắc để tiêu thụ. Có giống dưa đặc biệt là ngon, đã được đưa vào cống tiến trong cung vua, để vua ngự lãm. Giống dưa đó được gọi là dưa ngự. Quạ ở đây cũng nhiều vô kể. Dưa đỏ là món ăn mà quạ thích nhất, cho nên có chuyện một đàn quạ từ trong quả dưa chui ra, bắt bọp đến mỏi tay và chỉ có nơi đây mới có. Nhờ có nghề làm dưa đỏ để trao đổi lấy lúa gạo, họ mới thêm bát cơm để bù đắp. Từ trên mảnh đất mà tổ tiên đã tạo dựng nên, họ phải vật lộn, bươn chải, đào bới trong đất, để làm ra cây khoai, cây sắn nuôi sống họ trong những ngày ba, tháng tám, những lúc giáp hạt, những năm mất mùa, khoai sắn đã nuôi sống họ không bị chết đói, cho nên họ vẫn bám giữ mảnh đất này “một tấc không đi, một ly không rời”.

Cũng giống như những cây trâm bầu quê họ, khi rễ đã cắm sâu vào lòng đất thì nắng vẫn không khô, hạn vẫn không héo, bão táp mưa sa vẫn đứng vững giữa trời, làm thành vành đai chắn bảo vệ con người, giữ cho làng xóm được yên vui.

Vĩnh Hoàng xưa nghèo khổ, phải vật lộn với thiên tai, giặc giã để mưu sinh. Trên cuộc hành trình gian khổ đó, người dân có một vũ khí rất lợi hại để tự động viên mình, đó là chuyện trạng. Và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, người ta đã sinh ra cả ngàn chuyện trạng, thành kho tàng đặc sắc. Đây là kho chuyện cười trào tiếu dân gian, cũng giống như chuyện cười của các làng trạng Bắc Bộ hay chuyện kể bác Ba Phi ở Nam Bộ  Truyện Trạng Vĩnh Hoàng đã nêu bật được bản sắc độc đáo của con người Việt Nam ở Vĩnh Hoàng. Tuy là chuyện Trạng nhưng vẫn chứa đựng những giá trị hiện thực. Đây không phải là những truyện bông lơn, nói láo một cách hời hợt dễ dãi mà xây dựng từ những thành quả lao động và chiến đấu. Nghệ thuật kể truyện Trạng Vĩnh Hoàng tuy cũng dùng biện pháp khoa trương, phóng đại, nhưng cái lõi đều dựa trên cơ sở  hiện thực như chuyện "Trâu đen trâu bạc" là để phóng đại dưa hấu ở Vĩnh Hoàng, chuyện "Mắc cọp mà cày" là để phóng đại việc người Vĩnh Hoàng ngày trước đi cày rất sớm và vùng này cũng nổi tiếng có nhiều cọp như ở Thuỷ Ba. Về phương thức phóng đại, người Vĩnh Hoàng không dùng lối trực tiếp mà diễn tả bằng lối gián tiếp. Để chỉ quả dưa khổng lồ, họ không so sánh quả dưa đó với vật thể nào mà diễn đạt một cách thông minh hơn: dưa mà đạn bắn vào mắc kẹt không ra được, cả đàn quạ chui vào ruột khoét dưa ăn, rồi mang cả dưa lẫn quạ bay lên giữa không trung…

Làng Trạng xưa nay  đã được sự mến mộ của xa gần. Từ trong gian khó đã biết đấu tranh để sinh tồn. Từ chất trạng đã tiếp thêm cho họ nguồn sinh lực, trong nắng gió khắc nghiệt của môi trường sống họ đã tạo ra và nếm được hương vị ngọt ngào.

Quả dưa đỏ ăn vào đã cho ta vị ngọt mát thanh tao.

Ai qua đây chưa được nếm thử, coi như chưa có một lần vào.

Vừa ăn dưa đỏ vừa kể chuyện “bắt bọp” thế nào mà chẳng ngon.

Lại còn chuyện lội suối, trèo non, lên rừng bứt tranh, bứt nhầm đuôi cọp, tưởng như chuyện hoang đường, rứa mới hay.

Còn như chuyện bắt cọp để cày và bao chuyện khác nữa...

Chuyện Trạng nảy sinh ra thời nào cũng có:

Thời sơ khai:

Cuộc sống của họ là phải đào bới, khai phá đất đai, phần phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, phần phải chống chọi với thú dữ. Họ vẫn thể hiện được khí phách và tính hài hước. Họ có chuyện Đi săn trâu ri, chuyện Bắt cọp để cày, chuyện Cây ớt gia truyền  vv...

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Họ đã rào làng chiến đấu.Chính những rặng giẻ, rặng trâm bầu đã trở nên thành luỹ, cản bước tiến của giặc, để cho du kích có điều kiện đặt bẫy, gài bom. Có ngày họ đã đánh 12 trận trên đường Cạp Lài và Khe Chuối. Ông Võ Vãng - một xã đội trưởng gan dạ và mưu trí là người chỉ huy.

Những chiến công lẫy lừng của dân quân Vĩnh Hoàng đã làm cho giặc Pháp phải bạt vía kinh hồn. Tiếng tăm đánh giặc của Vĩnh Hoàng đã vang ra cả nước. Những người con ưu tú như Trần Thị May (tức Cam), Trần Thị Nghẹ đã được bầu chọn đi dự đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua năm 1952.

Xã Vĩnh Hoàng được nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng nhất và nhiều huân chương các loại khác.

Họ đã đánh giặc giỏi, họ lại nói trạng càng hay. Họ có chuyện  Dưa đỏ mà biết đánh Tâychuyện Vít cổ tàu bay chuyện Quả bí bổ có hai cuống vv...

Thời kỳ chiến tranh chống giặc Mỹ:

Trong chiến tranh, Vĩnh Linh là vùng tuyến đầu ác liệt nhất, đã phải chịu sức huỷ diệt tới 7 tấn bom và 70 quả đạn trên một cây số vuông. Nhưng người Vĩnh Hoàng vẫn lạc quan và họ vẫn nói Trạng và kể chuyện Trạng trong sinh hoạt hàng ngày, trong các hội nghị của huyện, trong chiến hào, trên mâm pháo, dưới địa đạo. Họ có những chuyện Đào địa đạo xuyên lục địa; Đầu tét bom bi;Thừa một đứa con v v...

Thời hoà bình:

Họ phải đổ nhiều mồ hôi, công sức và còn phải đổ máu, để hàn gắn vết thương chiến tranh, để xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Chiến tranh đã cướp đi của họ tất cả. Họ phải làm lại từ đầu, để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Họ lao vào công cuộc tái thiết, phải tất bật bươn chải, ai nấy đều hăm hở lao động sản xuất, để tạo dựng nên một cuộc sống no đủ và đi đến giàu có. Cuộc sống dẫu có tất bật, hối hả, nhưng họ vẫn không quên tiếng cười, không quên nói trạng. Họ có chuyện: Cây khoai bò qua hai tỉnhỚt mà tưởng ngà voiĐi bán sắn bị kiểm lâm bắt v v...

Chính chất men trạng đã ngấm vào họ, đã đi vào từng thớ thịt với đường gân. Với cách ứng xử của họ đã toát ra hơi trạng. Trạng Vĩnh Hoàng chỉ có người Vĩnh Hoàng kể nghe mới hấp dẫn. Vì nó còn ẩn chứa trong ngôn từ, trong thổ ngữ của người Huỳnh Công. Từ người già đến lớp trẻ, họ đều nói trạng.     

Trải qua thời gian, Trạng Vĩnh Hoàng đã không còn giữ được "thương hiệu" sau mấy trăm năm tồn tại, nhất là những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, số người kể chuyện Trạng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nhiều câu chuyện Trạng bị tam sao thất bản và kiểu cách, phong cách kể chuyện Trạng cũng dần dần mất đi. Một đặc điểm nữa của Trạng Vĩnh Hoàng là lớp từ cổ, từ địa phương pha từ đệm nghe rất hài như: hấy, há, đực, bọ, lạo, ôốc doộc, ôông ngai... Như trong các truyện "Bắt bọp", "Cây ớt", "Ăn khoai lang nghẹn cổ", "Cây khoai bò hai tỉnh", "Đi câu cá đô"... đã tạo nên đặc thù riêng cho Trạng Vĩnh Hoàng. Nhưng đến nay, do chịu ảnh hưởng chung của việc giao thoa văn hoá giữa các vùng, miền  những từ này ít được sử dụng, nên lối kể chuyện Trạng hôm nay không truyền đạt được trọn vẹn nội dung. Trước thực trạng đó.., nên tôi đã ghi chép, tìm cách biên soạn ghi lại  những mẫu chuyện Trạng cổ nhất .

Để sưu tầm và biên soạn được những câu chuyện Trạng cổ nhất,  tôi thường đến nhà các cụ cao niên trong làng. Mỗi lần như vậy, tôi vừa nghe vừa ghi để đưa những câu chuyện Trạng về đúng nguyên bản của nó. Hành trình sưu tầm, biên soạn của tôi gặp khó khăn nhất chính là ngôn ngữ của Trạng. Do yếu tố lịch sử, nhiều ngữ âm, từ cổ xưa giờ rất ít sử dụng trong đời sống hiện nay. Trong lúc đó, đặc điểm giọng nói của người Vĩnh Hoàng nặng, mất thanh ngữ, phát âm rất đặc biệt ở thanh hỏi(?), ngữ điệu thay đổi nhanh ở đầu, kéo dài ở cuối, lên cao xuống thấp… tạo cho giọng kể sự ngộ nghĩnh và lôi cuốn người nghe.

Sau gần nhiều năm cố gắng  tìm tòi, sưu tầm, đến nay tôi đã sưu tầm được hơn 45 câu chuyện Trạng, để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là chuyện Trạng Vĩnh Hoàng.

Dưới đây Tạp chí giới thiệu một số chuyện trạng tiêu biểu minh họa cho bài viết. (Kỳ I năm chuyện và kỳ II mười lăm chuyện).

                            Bắt bọp… Quạ!

 

            Bữa ấy trời đổ cơn giông, khí trời mát mẻ, ngoài đồng dưa lại vắng người. Lúc này lũ quạ chắc là nhiều lắm, đang hè nhau vào ăn dưa đỏ. Tôi ở nhà, nóng ruột quá liền vác cái cuốc một mạch ra đôộng dưa để xem thử. Ra đến nơi, tôi thấy bốn bề đều vắng lặng, chẳng thấy bóng dáng một con quạ nào, tôi đang mừng trong bụng là lũ quạ chẳng có phá phách gì. Tôi đi quanh trạng để xem, tôi thấy hơi lạ: Có một quả dưa lá ủ đã bay đi đâu hết mà nằm đành sần ra như con trâu thế này?

            Lại có một lỗ đỏ toéc hoéc ra nữa, rồi lại có cái gì ra  như đuôi con quạ thập thò trong đó. Tôi bò lại gần, quả nhiên có con quạ đã chui vào trong quả dưa. Tôi lấy tay bưng lấy. Trong quả dưa phát ra tiếng đập loạn xạ. Quả dưa phập phồng như muốn bay lên. Tôi đè lấy, một con quạ từ trong quả dưa chui ra, tôi bắt lấy và bọp chết rồi quăng ra đó, tiếp theo một con nữa rồi hai con , ba con,... và tiếp tục tôi cứ bắt bọp, bắt bọp... đến mỏi cả hai tay.

            Tôi tưởng rứa là đã hết tôi mới thả hai tay ra. Bất thình lình quạ từ trong quả dưa bay ra, hắn làm cho tôi troóc ngã ra, nhìn lên trên trời, quạ bay túi trời, túi đất, không biết mấy con mà kể. Lúc tỉnh lại tôi mới ngồi đếm thử được chi cả là chớn..chớn con (chín chín con). Số bay ra không biết bao nhiêu mà kể.

Đi săn trâu ri

 

            Vào mùa đông  này, đàn trâu Ri thường keo nhau về núi ông Đồn để trú ngụ. Chúng hung dữ phá phách nương rẫy của bà con, làm cho nhiều người phải lo sợ .

            Một hôm chúng tôi rủ nhau đi săn. Chúng tụi chia làm hai toán, một toán thì mang theo trống mõ, thanh la để xua đuổi, cũn một toán toàn người có sức khoẻ mang theo giáo mác, ngồi chực hờ các lỗ eo chờ trâu nhảy ra  đâm.

            Tôi và ông Hội đứng chực ở lỗ eo. Khi có tiếng trống xua đuổi, thì một con trâu ri lao tới, ông Hội nhảy ra lao một mác nhưng không thể xuyên thủng vào mình nó. Con trâu quay lại, ngoáy sừng vào bụng ông móc một mớ ruột kéo ra loòng thòong.

            Bên này tôi kịp lao đến, đè vào nách con trâu phóng một mác vào  nách con trâu. Mác sập vào sâu, tôi đè lấy, nhưng con trâu vẫn chưa chết, hắn vùng mình một cái, hất tôi bay bổng lên trời, lúc rớt xuống tôi bíu lấy một cây non, con trâu ở dưới lấy cặp sừng nhọn hoắt cứ hẫy hẫy lên làm tôi rợn cả tóc gáy. Tôi nghĩ: - Mụi ni e phải chết với con trâu này rồi có?

            Lúc đang bí, tôi mới nghĩ ra, còn có con chó Khoang khôn ngoan nữa chớ! Tôi mới gọi: “Ơi Khoang cứu  tao cùng”. Con chó Khoang nghe tiếng chủ gọi, nó ở trong bụi liền nhảy ra lao đến con trâu, nhằm bộ hạ rồi nhảy lên đớp một miếng. Con trâu bất ngờ bị con Khoang cắn một miếng đau quá, nó liền quay lại đuổi, Khoang giả thua chạy, con trâu liền đuổi theo nó.

            Tôi nhảy xuống xách cây mác, lần theo vết máu, rẽ lối đuổi theo trâu. Đến một khoảng xa tôi nghe có tiếng kêu “huỵch” một cái rồi tiếp theo tiếng người la hét vang lên “Tiên tao” “Tiền tao”.

            Tôi chạy đến thì chẳng thấy ai khác ngoài ông Toản  đang cắm cây mác đè lên con trâu miệng cứ hô toáng lên : “Đây là tiên tao, đấy là tiền tao...”*

            Tôi liền nói: “Nỏ ai mà như cha Toản ngồi chự (giữ) lỗ eo rồi đè lỗ cộ (cũ) của người ta đâm vô một mác  rồi “Tiên tao, tiền tao “mùi thôi nọ!”.

            Không biết ông Toản đùa hay thật mà để lại tiếng cười mãi cho đến ngày hôm nay .

 

 

     *Hồi đó ai đâm được mác đầu tiên (gọi là mác tiên) sẽ hưởng được cái đầu. Ai đâm được mác thứ hai (gọi là mác nhì) ăn được cái noọng (tức là phần cổ liền đầu) Số còn lại được xẻ ra chia đều cho mỗi nhà được một miếng (không kể to, nhỏ)

Bứt nhầm đuôi cọp

 

            Hôm đó, mấy anh em chúng tôi rủ nhau đi bích tranh (bứt tranh) trên nguồn. Lên đến nơi chúng tôi gặp phải một bãi tranh thật rậm rịt, thấy rất ưng ý. Chúng tôi sà vô bứt, vì mãi mê bứt không để ý. Bỗng có một tiếng “soạt” làm đám tranh tung lên. Tôi thấy máu phọt ra đầy cả tay chân, tôi tưởng mình đã bị thương nhưng sờ vô khắp người chẳng thấy thương tích chỗ nào cả.

      Bỗng từ phía bên kia đồi, tiếng hổ gầm thét làm kinh thiên động địa tôi mới đoán ra: À! té ra đực cọp bị thương, vì tôi say bứt mà không để ý nên để liềm phang phải “lạo”, phọt máu ra đau quá mới vọt chạy, chừ (giờ) mới kêu toáng lên đó thôi. Tôi tưởng rứa (đó) là việc bình thường nên vẫn tiếp tục bứt cho đủ tranh để về lợp nhà.

      Một buổi trưa tôi còn đang say trong giấc ngủ. Bỗng ngoài sân con chó vàng sủa toáng lên, nghe đinh tai, điếc óc làm tôi thức giấc không sao ngủ được.

      Tôi bảo:

- Con chó Vàng sao lại sủa dai vậy?

Mắng (la) hắn chừng nào hắn lại sủa hăng lên chừng đó. Cái mỏ hắn lại châu lên trên mái nhà.

Tôi thấy lạ quá liền chạy ra xem thử. Té ra gió nam thổi mạnh làm cho mấy cái tranh tốc ngược lên, để bày ra (lộ ra) cái đuôi cọp vặc vặc, vện vện cứ vắt qua, vắt lại thật là ngạo nghễ.

Hèn chi con chó Vàng sủa dai rứa phải. Thì ra rứa là bữa trước tôi đã bứt nhầm đuôi “mệ” đem về lợp lên nhà mà không biết. 

Cải nhầm cọp để cày

 

      Trưa đó nhà tui có khách, nhưng chưa có cái gì để đãi. Tui liền ra nhà bếp lấy cái rổ xuống chạy ra bàu Thuỷ Ứ để xúc tạm ít tép về làm cơm đãi khách.

      Tui nhảy xuống chỗ Hang Tràu, nước mội trào lên mát rượi.

      Tui nghĩ: Chắc là có nhiều tôm tép ở dưới này.

Tui mới thò rổ xuống thì một đực gì như con trâu, bạng vào trong rổ tui, làm cho tui đứng không vững nữa. Tui cố bưng rổ lên thì không tài nào nhấc nổi. Tui nói:

- Cộôc chạng mô đây mà báo hại tao thế này?

      Rứa là tui chỉ việc kéo bì vô trong bợc (bờ). Kéo một đoạn vô tới chỗ nước cạn, thì thấy lưng con cá chiếc “thề lề” ra đó, trắng phau phau. Troóc (đầu) lạo mắc cứng trong rổ,  không tài nào nhúc nhích được. Tui chạy lên bờ lấy sợi dây xuống xâu lấy mang rồi kéo thẳng về nhà.

      Tui mổ cá ra, dao đụng phải cái gì cứng lắm, tui tưởng là nó đã ăn trúng phải thanh sắt nên không chạy được. Tui thò tay vào, túm lôi ra thì rõ ràng là hai cái càng tôm chứ không phải sắt thép gì cả. Tui gác lên chàn bếp để sau này làm cọc nạng. Tui lại tiếp tục thò tay vào moi ra hàng đống trứng vàng rộm.

      Trưa đó, khách được ăn một bữa trứng cá rán đến ngắc ngư, còn thịt chẳng ai đụng tới, tôi phải muối lại để ăn dần. Còn bộ xương hom tôi đưa làm giàn bí.

Cải nhầm cọp để cày

 

      Bữa đó nhà tui có mấy tấm ruộng trẹc chưa mần (làm) xong, tui muốn đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị cho cơm nước để đi cày. Trời đã sáng chi mô (gì đâu), mà mụ nhà tui đã làm sẵn cho một bù nác chè đặc (ấm nước chè) với một mo cơm nếp xáo với khoai lọoc mùi bay ra nghe thơm phức. Tui khoái quá, liền lùa bò đi một mạch ra tận rú ông Đồn, thấy trời vẫn chưa sáng tui cho bò ăn một chặp. Trời trăng cứ “đực đực” không biết còn khuya hay đã sáng? Tui nghĩ trong bụng :

      - Phải cày đi cho sớm, không thì sáng ra trời nóng lắm.

      Tui liền bắt bò đi cày, sờ mông từng con thấy con mô con nấy cũng láng cả (thấy con nào con nấy cũng bóng) không biết con nào là con Ô, con nào là con Dề. Tui ngó về cây chạc Mao thấy có hai con ăn song kèm với nhau.

      Tui nói:

      - Con Ô với con  Dề đang ăn với nhau đây rồi!

      Tui mới bắt hai con cải vô cày. Mới đầu hắn đi rất mau, tui vừa đi vừa chạy mới kịp theo hắn.

- Lạ! sao mà hắn đi mau dữ rứa? Hay là hắn được ăn thêm bữa khuya nên sức chân đi mau rứa thì phải.

      Chỉ mới một loáng mà tui đã cày xong vạt ruộng. Qua vạt thứ hai, tui mới cày được mấy đàng (đường), tự nhiên hắn dừng lại không chịu đi nữa. Tui dạo: “Tắc” hắn cũng không đi, dạo “Rì” hắn cũng ỳ ra. Tức máu quá tui mới quất cho mấy roi hắn lồng lên làm cho cái cày đâm sâu xuống đất nghe kêu rắc rắc. Tui nghĩ: Con bò Dề sáng ni răng mà trở chứng?

Bỗng hắn xây (quay) cái mặt lại với tui, cái mặt chằm vằm ra như cái mâm. Trời đã sáng tỏ, thì rõ ràng đây là đực cọp chứ có phải là bò Dề mô? Tui nói:

- Con cọp ni báo hại tau rồi!

Sẵn cơn rạ trong tay, tui chặt một nhát làm cho cái niệt cày đứt làm đôi, tháo cho cọp chạy. Hắn hoảng quá, gầm lên một tiếng rồi kéo cả cày lạo lũi một mạch lên rú Ông Đồn mà không dám ngoái cổ lại.

      Tui đuổi theo gần đứt hơi mới giành lại được cái cày, nhưng đã gãy. Rứa là hắn đã làm cho tui lỡ mất một bữa cày.

 

N.V.T 

 

 
 
Nguyễn Văn Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 185 tháng 02/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground