Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tôn tạo giếng Thung, bảo tồn nét văn hoá làng Phú Thị Đông

(TCCVO) - Từ bao đời nay “cây đa, giếng nước, sân đình” đã trở thành biểu tượng mang giá trị tinh thần của mỗi làng quê Việt Nam. Bởi vậy, đối với người dân làng Phú Thị Đông, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, niềm vui khi làng khôi phục thành công giếng Thung đến nay vẫn còn lan tỏa. Mọi người kể về câu chuyện cả làng đồng sức khơi thông giếng Thung - mạch nước quý tưởng chừng mất hẳn lại tuôn chảy mát lành với bao tự hào.

Mạch nguồn giếng Thung tiếp tục được các thế hệ bảo tồn trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại - Ảnh: L.T

Mạch nguồn giếng Thung tiếp tục được các thế hệ bảo tồn trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại - Ảnh: L.T

Theo ông Võ Văn Ninh, một người dân ở khu phố Phú Thị Đông, làng Phú Thị Đông có từ thời Hậu Lê thế kỷ XV bởi những dòng họ từ Phú Xuân, thành phố Huế ra khai khẩn lập làng. Từ đó “đất lành chim đậu”, nhiều dòng họ khác trong cả nước đến làng sinh cơ, lập nghiệp. Sau cải cách ruộng đất, làng Phú Thị Đông phân thành từng đội sản xuất thuộc HTX Nam Hồ, Vĩnh Nam. Đến năm 1986, HTX Nam Hồ nhập vào thị trấn Hồ Xá thì làng Phú Thị Đông chia làm Khu dân cư 2 và Khu dân cư 3. Năm 2019, thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính, Khu dân cư 2 và Khu dân cư 3 sáp nhập và lấy lại tên gốc là khu phố Phú Thị Đông. Hiện làng có trên 200 hộ, gần 800 nhân khẩu.

Nguyên sơ làng Phú Thị Đông được ưu ái 4 giếng nước hoàn toàn tự nhiên gồm giếng Mội, giếng Nậy, giếng Vân và giếng Thung. Song trải qua chiến tranh, 3 giếng lần lượt bị tàn phá, chỉ còn lại giếng Thung nguyên vẹn. Suốt hơn 5 thế kỷ, từ mạch nước quý sẵn có của giếng Thung, những thế hệ trước của làng dùng cọc tre đóng xung quanh nguồn nước, sau đó dùng các tảng đá ong lớn chồng lên nhau để bảo tồn giếng. Giếng 4 mùa cho nguồn nước trong xanh, ngọt lành nên quanh năm dân làng vừa lấy nước sử dụng trực tiếp tại giếng, vừa gánh về trữ vào các chum, thùng để dùng dần.

Cứ thế, giếng Thung cung cấp nguồn nước phục vụ mấy trăm nhân khẩu và điều hòa tưới tiêu toàn bộ ruộng lúa của cả làng. Dân làng Phú Thị Đông yêu quý giếng Thung bởi không chỉ cho nguồn nước nuôi sống bao thế hệ mà giếng gắn bó với mỗi người, mỗi thế hệ, chứng kiến bao đổi thay của làng. Mỗi sớm mai các chị, các mẹ rửa từng mớ rau, rổ sắn dầm, chè xanh chuẩn bị gánh lên buổi chợ. Những trưa hè oi ả trẻ con tụ tập nô đùa, tắm mát. Chiều mặt trời khuất dần sau lũy tre, cả làng về giếng tranh thủ nghỉ ngơi, gần gũi chuyện trò sau giờ đồng áng. Đêm trăng, giếng Thung trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, thanh niên trong làng hò hẹn...

Nhưng rồi trải qua các giai đoạn, cùng việc dồn điền, đổi thửa phát triển nông nghiệp, nâng cấp đường giao thông; thêm vào đó sau giải phóng, để thuận tiện hơn cho đời sống, hầu như hộ nào trong làng cũng chủ động đào, khoan giếng nước riêng. Giếng Thung dần bị thu hẹp diện tích và mai một. Trước nguy cơ giếng làng không còn, những bậc cao niên cũng như cấp ủy, chính quyền, mặt trận và dân làng Phú Thị Đông ngày trước rất lấy làm trăn trở. Song thời điểm ấy, làng Phú Thị Đông vẫn đang chia tách thành Khu phố 2, Khu phố 3, trong đó có dân cư ở các địa phương khác đến sinh sống khá nhiều. Mặt khác, hầu hết đời sống người dân còn lắm lo toan nên việc khôi phục giếng Thung khó thực hiện.

“Đến tháng 9/2019, 2 khu phố chính thức sáp nhập, khu phố (làng) Phú Thị Đông lại trở về với tên gọi của mình. Nhận thức sự cấp thiết của việc khôi phục giếng Thung, làng Phú Thị Đông nhiều lần tổ chức họp bàn, khảo sát lấy ý kiến người dân về dự án tôn tạo giếng Thung với sự đồng tình, quyết tâm cao. Cân nhắc nhiều phương án, đầu tháng 6/2020, BCH chi bộ quyết định kêu gọi người dân, con em quê hương chung sức trùng tu giếng Thung trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện”, Bí thư Chi bộ làng Phú Thị Đông Đinh Thị Lài kể lại.

Chỉ sau 3 ngày có thư ngỏ, BCH làng Phú Thị Đông nhận về gần 350 lượt ủng hộ từ người dân trong, ngoài làng; con em đang công tác khắp mọi miền đất nước tạo nên nguồn quỹ khoảng 150 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, ngày 10/6/2020, làng Phú Thị Đông tiến hành lễ khởi công khơi thông mạch nước giếng Thung trong sự vui mừng của toàn làng. Khu phố trưởng khu phố Phú Thị Đông Võ Tuấn Lương cho hay: “Theo ý nguyện của dân làng muốn phục dựng giếng Thung như xưa, giếng được thiết kế phần âm dưới mặt nước 2 m vẫn đóng cọc tre và xếp đá nguyên khối không chẻ. Phần thành giếng trên 3 m thì chỉ có 1,2 m xây phẳng 2 mặt còn cơ bản đều xếp đá. Phần mặt nền và bậc thang xuống giếng cũng được lát đá tự nhiên nâng độ cao hợp lý.

Với sự vào cuộc tích cực, cả làng đóng góp gần 400 công thợ tại chỗ, chỉ khoảng 3 tuần công trình đã hoàn thành giai đoạn 1 phần giếng kiên cố, vững chắc. Dân làng còn hiến thêm đất để có chỗ trồng cây, đặt 4 bàn đá trang trí tạo khuôn viên rộng rãi quanh giếng. Tuy nhiên lúc đó, đất nền chưa ổn định nên BĐH tạm dừng các công việc. Đầu năm 2021 tiếp tục thi công giai đoạn 2 gồm các hạng mục: Lắp rào chắn bảo vệ, làm nền, đổ tấm đan, trồng cây xanh và làm giàn hoa giấy. Hiện công trình hoàn thiện với tổng diện tích khoảng 500 m2 , đảm bảo kết cấu, tính thẩm mỹ”.

Nằm ngay cạnh trục đường chính Nguyễn Văn Linh, giếng Thung khôi phục góp phần tạo nên cảnh quan khang trang, đổi mới song vẫn giữ nét cổ kính, thanh bình của làng Phú Thị Đông xưa. Không chỉ mang ý nghĩa công trình dân sinh, giếng Thung thể hiện sự đoàn kết trong cộng đồng làng, cùng ý thức giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống, hướng đến tri ân tổ tiên, đồng thời, giáo dục thế hệ sau luôn nhớ về nguồn cội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng cho biết, trên địa bàn huyện hiện nhiều làng tồn tại giếng cổ và hệ thống giếng cổ như: Giếng Đô, làng Tiên Mỹ 2, xã Vĩnh Lâm; giếng Khai, làng Thủy Tú 2, xã Vĩnh Tú; hệ thống giếng cổ thuộc xã Trung Nam và một số đơn vị khác. Các làng đều quan tâm, chú trọng bảo vệ giếng làng bằng những hoạt động kịp thời, thiết thực, đáng biểu dương, nhân rộng. Từ đó vừa đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực nhằm từng bước thay đổi diện mạo nông thôn mới - đô thị văn minh, vừa bảo tồn những giá trị văn hoá tinh thần quý báu của mỗi cộng đồng làng xã trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Linh Trang
http://www.baoquangtri.vn/Van-hoa-The-thao/modid/421/ItemID/166260/title/Ton-tao-gieng-Thung-bao-ton-net-van-hoa-lang-Phu-Thi-Dong

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

12 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

12 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

12 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

12 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground