Đ |
ầu năm 2008, Chi hội văn học Thái Bình tổ chức cho anh chị em đi tham quan Làng Vây (Quảng Trị). Biết tay Ngọc Trung đã từng phục vụ cho chiến thắng Làng Vây năm nào, tôi hỏi và hắn kể:
Hồi ấy em là chiến sỹ lái xe của binh trạm 32, cung đường vận chuyển của chúng em là từ Lùm Bùm trên đất Triệu Voi tới nam Tha Mé rồi tắt qua Đường Chín bên Nam Lào để lập chân hàng cho mặt trận Khe Sanh ở bên kia sông Sê Pôn. Một trong những kỷ niệm của em là được đi cùng đội xe tăng do anh Phạm Văn Hai làm đại đội trưởng, lần đầu tiên ra quân của Binh chủng tăng – thiết giáp đã san phẳng căn cứ Làng Vây của Lục quân Mỹ.
Làng Vây là một làng của người Vân Kiều thuộc huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị nằm hai bên Đường Chín nằm giữa nhà tù Lao Bảo, nơi ra đời bài thơ “con cá chột nưa” nổi tiếng của Nhà thơ Tố Hữu; và thị trấn Khe Sanh, nơi diễn ra đòn cân não của Quân giải phóng với Lục quân Mỹ trong mùa khô 1967 - 1968. Năm ấy ta mới dùng một đại đội xe tăng để đánh vào Làng Vây. Tiếng súng mở màn cho chiến dịch Khe Sanh đã diễn ra vào ngày 13/1/1968 (tức 14 tháng Chạp âm lịch). Đại đội xe tăng từ Hậu phương lớn âm thầm đi theo một con đường bí mật dài gần 1.000 cây số rồi ém quân trên một khu rừng già ở thượng nguồn sông Sê Pôn; một con sông chảy ngược về nguồn, vắt qua dải Trường sơn hùng vĩ. Đoạn sông ở bản Ka Đáp này rộng chừng 300 mét. Về mùa khô, có cảm giác như sông đã thu hình hài mình lại, lòng sông trơ ra những tảng đá trọc đầu, nước cạn, chỗ sâu nhất cũng chỉ đến ngang bụng, có chỗ toàn sỏi là sỏi, óng ánh như mắt ngọc. Trên bìa rừng, đây đó hoa đã nở và nhiều nhất là hoa Hải Đường. Cả đại đội cười ồ lên khi một tay nào đó ngâm câu: “Hải Đường mơn mởn cành tơ/ Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng” trong “Đoạn trường tân thanh” của cụ Tiên Điền. Chúng em ngắt những bông Hải Đường và lượm những viên sỏi óng ánh như mắt ngọc kia về trang trí phòng đón xuân rồi lượm cây lá thơm về tắm cho mình và xoa cho tăng để nó được tận hưởng hương thơm của nàng Thê-va-đa trước khi ra trận.
- Thê-va-đa nào? - Tôi hỏi Ngọc Trung.
- Trong chuyện kể dân gian của các bộ tộc Lào, Thê – va - đa là con gái yêu của Ngọc Hoàng và là vợ của Ka-ra-sát. Mà Ka-ra-sát là con trai của thần Pu-giê chúa tể của muôn loài!
- Vậy sao? Cứ cho là như thế!
- Cho sao được? Sau khi tắm giặt, rũ bụi Trường Sơn để sẵn sàng đón Tết thì mới ớ ra là chẳng có gì cho “thần miệng” để đón xuân. Mồm anh nào anh nấy đều nhạt thênh thếch. Một tay ở Hà Tây quê lụa ngán ngẩm lẩy câu thơ của cụ Tản Đà: Tết nhất năm nay lại suông suồng/ Cờ vàng dấu đỏ đế vương suông!...Tay khác “vặn vào”: “Tiếng pháo nghe nhờ” (quân ngụy bắn) / Cờ vàng ba sọc Cộng hòa suông!. Tay thứ hai vừa đọc xong thì cả đại đội vỗ tay và reo ồ lên: “Tết vào! Tết vào! Tết vào anh em ơi!”. Tay anh nuôi giả bộ hỏi tay lái xe:
- Gì đấy?.
Tay lái là tay cũng chẳng vừa, hắn nháy mắt vẻ đắc chí, hai tay đút hai túi quần, liếm mép rồi hất hàm về phía xe, cười cười bảo:
- Thịt mỡ, không hành không đối đỏ/ Không nêu không pháo có chưng xanh/ Lại thêm Tam Đảo, chè sen ướp/ Bánh cáy quê ông chúa Ba Vành!
Chúng em cười ồ rồi nhẩy ào lên xe “gỡ Tết” xuống. Thế là đêm ấy được bữa căng da bụng. Chúng em tổ chức vui văn nghệ, mời mấy o gái Lào ở bản Ka Đáp tới dự. Chắc vì vậy nên lộ bí mật. Chuyện Việt cộng có tăng bay đến tai bọn tướng tá ở Vùng I chiến thuật, nhưng chúng bảo đó là chuyện hão, chắc mấy tay điệp viên trông gà hóa cuốc như chuyện xe tăng giả trong thế chiến thứ hai…
- Giả thế nào? Tôi hỏi Ngọc Trung.
- à. Giữa năm 1944, để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên Noóc-man-đi (tây bắc nước Pháp) của quân Đồng minh, Hoa Kỳ đã cho vận chuyển hàng trăm chiếc xe tăng giả (làm bằng cao su) sang vùng đông- nam nước Anh bằng những chiếc va-li xách tay. Sau khi những chiếc va-li ấy được rải ra một vùng rộng lớn cùng với hàng trăm cỗ pháo giả, xe vận tải giả được bơm căng lên thì những chiếc xe tăng thật lăn bánh dọc ngang trên cánh đồng ấy đã đánh lừa được bọn Hít- le. Chúng tin rằng sẽ có một cuộc đổ bộ đại qui mô lên vùng Pác Đe Ca-lát (bắc nước Pháp) nên không dám rút trên một triệu quân Đức ở đây tăng cường cho vùng Noóc-man-đi. Thế là ngày 6/6/1944 quân Đồng minh đã đổ bộ lên Noóc - man - đi dễ dàng và quân Đức cứ chờ một cuộc đổ bộ khác của quân Đồng minh lên vùng Pác Đe Ca-lát. Hơn một tháng sau, ngày 15/7/1944, Hoa Kỳ cho đốt hầu như toàn bộ số xe tăng giả, pháo giả, xe vận tải giả kia, bọn Hít-le mới ớ ra. Chiếc xe tăng giả mang biển số 760 trưng bày ở Viện bảo tàng nước Pháp bây giờ là một trong những chiếc xe tăng đã làm nên chiến tích “gian giảo kế” ngày đó.
Ấy vậy mà, hậu duệ của những người Hoa Kỳ làm nên điều kỳ diệu ngày ấy, sau 24 năm vẫn còn say sưa với “gian giảo kế”của cha anh mình, vẫn cho chuyện xe tăng của Cộng quân nằm sát nách mình là chuyện hão nên chỉ trong một đêm (đêm 6 rạng sáng ngày 7 tháng 2 năm 1968), chúng em đã san phẳng căn cứ Làng Vây của Lục quân Mỹ. Đây là trận đầu ra quân đánh thắng của Binh chủng tăng-thiết giáp của chúng ta.
Sau khi tiêu diệt chi khu Hướng Hoá, Huội San, Làng Vây, quân ta vây hãm Khe Sanh làm cho quân Mỹ ở đây lâm vào tình thế khốn quẫn, thương binh của chúng như sống trong địa ngục, dòi bọ hoành hành vết thương không sao chịu nổi nên ngày 15/7/1968 chúng đã phải mở đường máu chạy khỏi Khe Sanh một cách thảm hại. Đến nỗi Slexingiơ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời bấy giờ đã phải thốt lên: “Tuy chúng ta đã ném cả danh dự nước Mỹ ra để giữ Khe Sanh và bắt Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân cam kết bằng máu nhưng cuối cùng vẫn phải rút chạy!”. (1) Đó là “danh dự” của phía bên kia, còn danh dự của chúng em là trận đầu ra quân của binh chủng tăng - thiết giáp đã thắng như lời dạy năm nào của Bác!...
C.V
______________________
Chú thích: (1) trang 25 ( Quảng Trị 1972) đã được viện lịch sử Quân sự Việt Nam giám định ngày 30/3/1992.