Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trần Đình Túc - Nhà ngoại giao triều Nguyễn

       Cũng như các triều đại phong kiến của phương Đông khác, triều Nguyễn có Bộ Lễ chuyên lo việc ngoại giao và nghi lễ quốc gia. Là một danh sĩ, một nhà ngoại giao có tầm cỡ của triều đình nhưng Trần Đình Túc rất ít khi được Bổ nhiệm ở bộ Lễ để có điều kiện phát triển tài năng.

Các chức vụ mà Trần Đình Túc được kinh qua là: Sau khi đỗ cử nhân (khoa Nhâm Dần 1842, đời Thiệu Trị) được vào chân Tri huyện, lần hồi được thăng tiến lên Quản đạo Phú Yên. Đời Tự Đức ông được tặng hàm Hồng lô tự khanh, trải qua các chức vụ Tán tương quân thứ ở Biên Hòa, Biện lý Bộ Hình (Thứ trưởng coi về hình pháp), Dinh điền sứ Thừa Thiên - Quảng Trị (coi việc khai hoang) rồi được gia phong Thị lang Bộ Hộ (Thứ trưởng thứ hai coi việc tài chính).

Năm Mậu Thìn 1868, vua Tự Đức phái ông sang Hương Cảng để thông hiếu với nước Anh. Về nước, Trần Đình Túc tâu xin mở cửa buôn bán với người nước ngoài ở cửa biển Trà Lý (Nam Định) nhưng không được triều đình chấp nhận. Cũng thời gian đó, Trần Đình Túc được cử giữ chức Tuần phủ Hà Nội rồi đổi qua Hưng Hóa; sau đó, làm Tán tương quân vụ Sơn - Hưng - Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang).

Năm Quý Dậu 1873, giặc Pháp chiếm thành Hà Nội, Đại tướng Nguyễn Tri Phương chết vì nạn nước, triều đình vội sai Trần Đình Túc cùng Nguyễn Trọng Hợp, Trương Gia Hội ra Bắc điều đình mọi việc. Lúc đó với cương vị Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Bắc Ninh), Trần Đình Túc đại diện cho Triều đình Huế thương thuyết với viên chỉ huy quân Pháp là Francis Garnier. Đang thương thuyết thì lực lượng chủ chiến do Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy bất ngờ tập kích giết chết Garnier. Vì việc đó, người Pháp tức giận muốn bắt giết Trần Đình Túc để trả thù, nhưng nhờ tài ngoại giao, ông đã thoát nạn. Sau khi hoàn thành sứ mạng, ông được thụ chức Tổng đốc Hà - Ninh rồi quyền lĩnh Tổng đốc Nam Định.

Từ sau Hòa ước Giáp Tuất 1874, tình thế nước ta hết sức bi đát: Ở Bắc Kỳ thì giặc giã nổi lên như ong, ở Trung Kỳ thì Văn thân Nghệ Tĩnh nổi dậy chống Pháp nhưng thất bại, bên “thượng quốc” thì nhà Thanh cũng hết sức suy yếu, không còn trông mong gì được nữa!

Năm Nhâm Ngọ 1882, thành Hà Nội lại thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tử tiết, Trần Đình Túc lại được cử làm Khâm sai đại thần ra Bắc Kỳ thương thuyết. Tướng Pháp Henri Rivière đồng ý trả lại thành Hà Nội, nhưng vẫn đóng quân ở trong thành và đưa ra điều kiện:

1. Nước Việt Nam phải nhận sự bảo hộ của nước Pháp.

2. Phải nhượng hẳn thành Hà Nội cho nước Pháp.

3. Phải đặt thương chính ở Bắc Kỳ.

4. Sửa đổi lại chính sách thương mại và giao cho người Pháp quản trị.

Trước những đòi hỏi láo xược ấy, Trần Đình Túc không thể tự quyết định được mà phải đệ trình về Kinh. Triều đình có nhiều ý kiến cho rằng lực lượng Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc còn mạnh và nước Tàu vẫn có thể trông cậy được nên không chịu. Việc điều đình vì thế mà kéo dài mãi không xong. Trần Đình Túc cuối cùng được trở về Huế rồi ông chán nản xin trí sĩ.

Nhưng vận nước gian nan, Trần Đình Túc tuy đã nghỉ hưu rồi mà còn phải bôn ba khó nhọc: Năm Quý Mùi 1883, vua Tự Đức chết, vua Hiệp Hòa (em Tự Đức) được lên nối ngôi. Ông vua này lại quá sợ giặc nên chỉ muốn xin nhận chính sách bảo hộ của Pháp cho yên thân. Giặc Pháp chiếm cửa Thuận An, triều đình Huế kinh sợ vội cử Trần Đình Túc làm Khâm sai toàn quyền cùng với Nguyễn Trọng Hợp đi hòa nghị. Ngày 23 - 7, tờ Hòa ước Quý Mùi (còn gọi là Hòa ước Harmand) lập xong có chữ ký của Toàn quyền Harmand cùng với chữ ký của Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp.

Theo Hòa ước Quý Mùi thì gồm có 27 khoản. Khoản một: Nước Nam phải chịu cho Pháp “bảo hộ”, khi có việc cần giao thiệp với nước ngoài thì cần phải có ý kiến của nước Pháp; Khoản hai: tỉnh Bình Thuận thuộc về Nam Kỳ; Khoản ba: quân Pháp được đóng giữ ở Đèo Ngang và cửa Thuận An; Khoản bốn: từ tỉnh Khánh Hòa ra đến Đèo Ngang thuộc quyền cai trị của triều đình Huế. Những khoản còn lại cho phép viên Khâm sứ ở Huế được quyền tự do ra vào yết kiến nhà vua. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra thì người Pháp đặt chức Công sứ để kiểm soát công việc của người Việt Nam nhưng không dự vào việc cai trị ở trong hạt.

Cứ theo như Hòa ước này thì nhà Nguyễn bị tước mất hẳn quyền ngoại giao và đất đai thì bị thu hẹp ở cả hai đầu. Thanh - Nghệ - Tĩnh bị cắt về Bắc Kỳ thuộc địa. Lại thêm Bình Thuận bị cắt nối về Nam Kỳ nhượng địa. Hòa ước gì mà kỳ quặc vô lý đến thế! Đương thời Trần Đình Túc, người được triều đình cử đi đại diện ký hòa ước được coi là “nhà ngoại giao có đặc tài” kia mà!1

Chúng ta đều biết Trần Đình Túc vốn là một danh sĩ thuộc dòng họ Trần Đình ở Hà Trung (Gio Linh) có nhiều đời  kế tiếp nhau giữ những trọng trách của triều đình. Trần Đình Túc là hậu duệ của Trần Đình Ân một phụ tá đắc lực dưới trướng chúa Nguyễn Phúc Chu - Dòng họ này được hưởng rất nhiều ơn mưa móc của họ Nguyễn. Đã là nhà Nho, là chân khoa bảng ăn lộc của triều đình thì dù muốn dù không vẫn phải tuân theo cái quy tắc cố hữu “quân sử thần tử thần bất tử bất trung” (Vua bảo bề tôi chết mà bề tôi không chết là không trung thành với vua!). Những công việc ngoại giao mà Trần Đình Túc được triều đình cử ra gánh vác thực chất là đi giảng hòa vì không thể chiến thắng hay cố thủ bằng lực lượng quân sự được nữa! Bọn xâm lược phương Tây cứ như con hổ đói, đòi ăn bao nhiêu cũng không thỏa mà vua quan nhà Nguyễn thì lại quá bạc nhược và bảo thủ. Một con người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, tiếng Tây không hề biết, xứ Tây chưa hề qua mà phải đi giao thiệp với lũ giặc Tây như thế thì còn gì cực khổ bằng! Có lẽ là vì việc khó khăn như thế nên triều đình Huế qua mấy lần hòa nghị lại vẫn chọn các ông như Trần Đình Túc, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Trọng Hợp, Lê Tuấn. Riêng với Trần Đình Túc thì mặc dù đã được nghỉ hưu rồi vẫn còn phải trở lại chính trường với cái chức Lễ Bộ Thượng Thư (như Bộ Trưởng ngoại giao) để đi thương thuyết. Giả sử đặt mình vào hoàn cảnh Trần Đình Túc hồi đó, có lẽ ai cũng thấy nan giải. Biết ăn nói thế nào cho khỏi mất quốc thể khi “đánh thì chưa có cơ hội, giữ thì khó định hẹn được sức, hòa thì họ đòi hỏi không biết chán”2. Thời nào cũng vậy, khi cục diện trên chiến trường nghiêng hẳn về phía đối phương rồi thì dù có tài ngoại giao đến đâu cũng không thể nào xoay chuyển được tình thế cả. Có thể tất nhân tình như vậy ta mới hiểu Trần Đình Túc đúng là một nhà ngoại giao có “cỡ” của triều Nguyễn, chỉ tiếc là không gặp thời. Cái thời mà ông không gặp được phải đến gần nửa thế kỷ sau mới đến.

Không chỉ là nhà ngoại giao, nhà kinh tế, Trần Đình Túc còn là một nhà trước thuật. Ông có sáng tác văn thơ, tập hợp thành “Tiêu Sơn toàn tập” và được xếp vào hàng các tác gia Việt Nam.

Chưa thấy một tài liệu nào nói đến năm sinh của Trần Đình Túc. Chỉ biết đến năm Tân Mão 1891, ông được phong hàm: Hiệp Tá Đại học sĩ (Hàm tòng nhất phẩm) và năm sau 1892, thì mất tại quê nhà.

 

V.T.Â

 

____________

(1) Theo Việt Nam danh nhân từ điển của Nguyễn Huyền Anh.

(2) Theo Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi do Tôn Thất Thuyết soạn thảo.

 

Vương Thừa Ân
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 5 tháng 02/1995

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground