Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trang phục, trang sức truyền thống người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi ở Quảng Trị

Định cư ở phía Tây Quảng Trị, Bru - Vân Kiều và Tà Ôi là hai trong những tộc người có nguồn gốc lâu đời trên khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung và Quảng Trị nói riêng. Mỗi một dân tộc mang một nét bản sắc văn hóa độc đáo, góp phần làm nên sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Trong các yếu tố tạo nên sắc thái văn hóa đó thì trang phục, trang sức là sự thể hiện khá rõ nét tính độc đáo, đa dạng, mang đặc trưng riêng của mỗi tộc người.

Trước khi biết đến nghề trồng bông, đay để xe sợi dệt vải thì người Bru- Vân Kiều và Tà Ôi đã có kinh nghiệm trong việc sử dụng những vỏ cây từ các loại cây rừng để tạo ra trang phục hoặc chế biến thành sợi dệt vải. Tập quán này đã được chứng minh qua những chiếc áo, khố được sản xuất từ vỏ cây A mưng (theo tiếng gọi người Bru -Vân Kiều) hiện có tại Bảo tàng Quảng Trị. Đây cũng là chất liệu và là loại hình trang phục cổ nhất của hai dân tộc Bru - Vân Kiều và Tà Ôi.

Về sau khi biết đến nghề trồng bông, đay để kéo sợi dệt vải thì trang phục của hai tộc người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi mang màu sắc và kiểu dáng phong phú hơn phù hợp với điều kiện sống và quan niệm thẩm mỹ của từng tộc người.

Theo truyền thống thì một bộ đồ mặc đầy đủ của người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi thường có: 1 cái khố, 1 cái áo và một tấm choàng cho người đàn ông; 1 cái váy với nịt lưng và một cái áo cho người phụ nữ.

Áo truyền thống mà phụ nữ Bru - Vân Kiều thường mặc là loại áo làm từ vải sợi bông nhuộm chàm/đen, dài khoảng 80cm, rộng khoảng 50 - 60cm, dài tay, xẻ hai tà trước ngực có đính cúc hoặc dây để cài hai thân với nhau, thân áo cắt thắt eo. Áo kiểu cổ đứng, cao khoảng 3cm, ở cổ và hai nẹp áo phía trước được bạ thêm các dải hoa văn hình thoi, hình sao, hình tam giác bằng sợi chỉ màu sặc sỡ và có đính thêm từ 2 đến 4 hàng tiền “bạc trắng” ở trước ngực. Phần gấu áo ở cả hai thân trước và sau trang trí các mô típ hoa văn hình quả trám, hình tam giác, hình chữ thập… rộng khoảng 6 - 8cm tạo thành một dải hoa văn chạy quanh thân. Tất cả những đường may giữa thân áo trước và thân áo sau, giữa tay và nách đều sử dụng chỉ nổi màu đỏ, xanh, vàng móc ngang, ráp theo hình xương rắn... Chỗ thắt eo có những hoa văn hình lá cây màu trắng, vàng và đỏ. Tất cả trang trí này được tạo nên bởi kỹ thuật dệt và khâu chỉ màu.

Váy của phụ nữ khá đơn giản, hầu như chưa có kỹ thuật cắt may mà chỉ là một tấm vải hình chữ nhật có chiều dài khoảng 120 - 140cm và chiều rộng khoảng 80 - 100cm quấn từ trước ra sau và gấp nếp chéo trước bụng. Hoa văn trang trí trên váy phong phú với nhiều loại họa tiết khác nhau chạy ngang, dàn đều từ dưới lên trên thân váy như hình răng cưa, sóng nước, zích zắc, thoi… Khi mặc váy, phụ nữ Bru - Vân Kiều còn sử dụng thêm thắt lưng (pakun) bằng thép mạ, dài khoảng 1m, gồm nhiều mắt xích nối với nhau, mỗi mắt xích khoảng 1,2 - 2,5cm.

Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, cũng như trong lao động sản xuất, phụ nữ Bru - Vân Kiều lúc nào cũng sử dụng khăn quấn đầu (taloong). Đó là một loại khăn dài khoảng 150cm được làm bằng vải sợi bông dệt hoa văn kẻ ca rô với nhiều màu trắng, đen, đỏ; khi quấn khăn, người ta vòng từ trước ra sau và thắt hai đầu múi lại ở phía sau gáy.

Đối với đàn ông, thường ngày họ đóng khố cởi trần hoặc mặc áo chù hoe rộng. Khố là một khổ vải rộng khoảng 30 - 40cm, dài từ 3 - 5m. Khi mặc, khố được quấn quanh thắt lưng và qua háng, hai đầu khố thả xuống gần mắt cá chân. Tùy vào mục đích mà người đàn ông Bru - Vân Kiều sử dụng các loại khố có chiều dài và hoa văn khác nhau. Khi ở nhà hoặc đi làm nương rẫy thường họ sử dụng khố có chiều dài ngắn hơn, màu sắc chủ yếu là màu chàm, chất liệu vải thô ráp hoặc có thể là đồ khố dùng cho lễ hội đã cũ. Ngược lại, khi đi lễ hội, đi chơi hoặc đi tiếp đãi bạn bè, họ thường mặc khố dài tới mắt cá chân, màu sắc sặc sỡ và có trang trí hoa văn; ở hai đầu khố có đính sợi tua với nhiều màu sắc khác nhau dài khoảng 8cm.

Áo chù hoe là kiểu áo có khuy bằng gỗ cài trước ngực, gần vai có viền chỉ màu đỏ, có hai túi trước bụng. Trong những ngày giá rét hoặc tham gia lễ hội họ có quàng thêm tấm choàng và khăn quấn đầu - khăn đàm, khăn được quấn nhiều vòng trên đầu rồi thắt múi thả sau gáy hoặc lận múi vào trong các vòng khăn.

Trang phục phụ nữ Tà Ôi đơn giản hơn, áo may theo kiểu chui đầu không có tay. Áo được trang trí bằng cách nối xen kẽ các sợi chỉ màu đỏ, tím, vàng hoặc dùng các hạt chì, hạt cườm xâu sẵn vào sợi ngang ngay lúc dệt vải. Hoa văn chủ yếu bố trí thành những vòng đai ôm quanh thân áo thường tập trung thành hai mảng tại vùng bụng và vùng ngực, một ít hoa văn chạy dọc thân áo với các mô típ: lá đùng đình, chân gà, hoa mua, ngôi sao... đã tạo ra sự hài hòa, cân đối và có tính thẩm mỹ cao. Ngoài ra, trang phục phụ nữ còn có dây quấn đầu dệt bằng vải thổ cẩm có chiều dài khoảng 50cm, rộng khoảng 5cm, được trang trí bởi các dải hình ngang và hoa thị với màu đỏ là chủ đạo.

Váy của người phụ nữ Tà Ôi về hình dáng cũng giống váy của phụ nữ Bru - Vân Kiều. Váy đẹp là loại có dệt hoa văn bằng hạt cườm trắng nhỏ, quý hơn nữa là hạt bằng chì. Trên nền vải đen nhuộm chàm, những hình thoi, tam giác, đoạn thẳng kết hợp với nhau tạo thành các mô típ hoa văn được bố trí thành các vòng đai ôm quanh thân người mặc. Những đai hoa văn cườm hoặc chì xen lẫn những đai dệt bởi chỉ màu đỏ, xanh, vàng, tím. Đặc biệt hoa văn phân bố dày đặc ở đoạn từ khoảng đầu gối trở xuống. Phụ nữ Tà Ôi có tục khi chưa lấy chồng thì mặc váy dài quá gối, khi đã lấy chồng thì mặc váy ngang đầu gối. Để cố định váy khi mặc, người phụ nữ dùng thắt lưng (arteng) dài khoảng 1,2m - 1,4m, rộng khoảng 5 - 7cm có trang trí hoa văn hình học, ở hai đầu dây lưng có gắn những tua vải đỏ, hồng, xanh… kết hợp điểm xuyết những hạt cườm màu trắng hoặc chì tạo nên sự mềm mại của hai đầu dây lưng khi rũ xuống.

Trang phục của đàn ông Tà Ôi khá đơn giản, thường ngày đống khố cởi trần hoặc mặc áo cánh chui không tay như phụ nữ. Trong những lúc tham gia các lễ hội họ thường sử dụng khố có trang trí hoa văn sặc sỡ, đính hạt chì hoặc cườm và áo pahôl - là loại áo không có trang trí hạt cườm hoặc chì, chiều dài trung bình khoảng 4,5m, rộng khoảng 60 - 70cm. Khi mặc pahôl, người đàn ông vắt choàng ra sau lưng qua vai phải ra trước bụng rồi vắt qua vai trái. Nhìn vào người mặc ta thấy sau lưng và trước mặt tạo ra hình chéo giống như chữ X. Đây có thể xem là loại hình trang phục đặc sắc của người Tà Ôi. Ngoài ra trong lúc tham gia lễ hội và trong những ngày giá rét họ còn khoác thêm bên ngoài tấm choàng, và cũng sử dụng khăn quấn đầu như đàn ông Bru - Vân Kiều.

Trong cuộc sống hàng ngày nhất là vào các dịp cưới xin, lễ tết hội hè, người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi thường đeo một số đồ trang sức để tô điểm làm đẹp cho cơ thể. Đồ trang sức phổ biến mà phụ nữ nào cũng có là chuỗi hạt đeo cổ, vòng đeo cổ, vòng đeo tay, khuyên tai… nó được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như bạc non, đồng, mã não, hạt cườm…

Chuỗi hạt đeo cổ nổi tiếng là hạt mã não có màu đỏ sẫm, hình lục giác được nhập từ Lào về. Đây là vật vừa mang tính trang sức nhưng cũng là một biểu tượng về “quyền lực” và sự giàu có, sang trọng của người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi. Ai có nhiều mã não, chắc chắn người đó rất giàu có và có địa vị cao trong cộng đồng. Mỗi một phụ nữ Bru - Vân Kiều, Tà Ôi khi lấy chồng, của hồi môn mang theo luôn là những hạt mã não và đó cũng là món quà thiêng liêng của cô dâu được nhà chồng tặng cho nhân ngày cưới. Nhà nào giàu thì cho con gái một đôi chuỗi; giàu vừa thì một vòng đeo tay; ít lắm thì cũng phải có một đôi hạt. Trong một số nghi lễ chuỗi hạt mã não còn được coi như là một vật cúng thần.

Phụ nữ người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi từ xưa đến nay thích đeo nhiều chuỗi hạt quanh cổ và dài trễ xuống ngực, trong đó phổ biến là loại chuỗi hạt được làm từ các loại hạt cườm nhựa có màu sắc và kích cỡ khác nhau để xâu dây làm thành các chuỗi hạt đeo cổ.

Vòng đeo cổ là một loại vòng được uốn từ một sợi dây đồng hoặc nhôm, chính giữa to hai đầu được chuốt nhỏ rồi uốn tạo móc để cài vào nhau. Khoảng 8 - 9 tuổi các cô gái Bru - Vân Kiều, Tà Ôi được bố hoặc anh làm hoặc mua cho những chiếc vòng kiểu này. Loại vòng này xưa rất thông dụng ở người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi cũng như nhiều dân tộc khác trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên. Ngày nay, phụ nữ vẫn đeo loại vòng này, tuy số lượng ít hơn.

Vòng đeo tay được đúc bằng bạc, miệng rộng để tiện khi đeo vào hoặc tháo ra. Các gia đình Bru - Vân Kiều, Tà Ôi thường thuê thợ người Kinh đúc để tặng cho con dâu trong ngày cưới. Vòng được đeo thường ngày, nhất là khi tham dự lễ cưới và một số nghi lễ khác do gia đình hay cộng đồng tổ chức. Mỗi người có thể đeo một chiếc, một đôi hoặc hai đôi trên tay hoặc cả hai tay, tuỳ theo khả năng kinh tế và ý thích của mỗi người. Vòng tay bằng bạc là một trong những tài sản quý thể hiện tiềm lực kinh tế và địa vị xã hội của gia chủ, không những thế, theo một số quan niệm của người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi vòng tay bạc còn là nơi trú ngụ linh hồn của người đeo. Trong một số nghi lễ, vòng còn được sử dụng như một vật quý cúng thần. Ngày nay, dù ý nghĩa mang tính tâm linh đã có phần phai nhạt nhưng những chiếc vòng bạc này vẫn là đồ trang sức đắt tiền rất được phụ nữ ưa chuộng.

Khuyên tai là vật trang sức không thể thiếu của người phụ nữ Bru - Vân Kiều, Tà Ôi. Phổ biến là khuyên được làm từ một vòng kim loại nhỏ, khuyên hình dấu hỏi, hình xoắn ốc thường bằng đồng hoặc bạc hoặc mạ bạc, khuyên tai hình chóp cụt bằng xương hay quý hơn bằng ngà. Ngoài ra còn có loại khuyên kim loại có đường kính tới 5 đến 6cm. Từ 6 đến 8 tuổi các bé gái đã được xâu lỗ tai và đeo khuyên tai. Theo tuổi tác, người ta đeo khuyên tai to dần lên. Càng về già, lỗ đeo càng rộng ra, dái tai càng xệ xuống, người ta coi đó là vẻ đẹp sang trọng. Ngoài các loại hình trang sức truyền thống trên, người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi còn sử dụng một số loại hình trang sức khác như nhẫn đeo tay, vòng đeo chân bằng đồng nhưng thường ít hơn. Những loại hình trang sức này người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi có được là do kết quả của quá trình giao thương buôn bán giữa miền xuôi với miền ngược trong các thế kỷ trước.

Đối với nam giới những đồ trang sức như: móng cọp, răng cọp, nanh lợn rừng… lại rất được chú trọng. Hình thức đeo các bộ phận của động vật này đối với đàn ông, con trai Bru - Vân Kiều và Tà Ôi cũng thường gắn chặt với quan niệm xem như là một lá bùa hộ mệnh đối với họ, giúp họ tránh được những đe dọa từ thú dữ. Ngoài ra, theo quan niệm của đồng bào, việc đeo vuốt hổ, nanh lợn rừng còn tạo sự may mắn trong săn bắt, một “bảo vật” thể hiện sự oai vệ, lòng dũng cảm và sự khéo léo tài giỏi của người đàn ông. Những kiểu trang sức này được dùng khi chính tay họ săn bắn, không được lấy của người khác đeo vào. Chính vì vậy, đeo loại này thường chỉ những người đàn ông trung niên, vì ở độ tuổi này mới có đủ kinh nghiệm, thời gian để săn được những con thú hung dữ.

Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy trang phục, trang sức truyền thống của người Tà Ôi và Bru - Vân Kiều không chỉ có giá trị văn hóa vật chất để bảo vệ con người mà còn mang giá trị văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, với hoa văn trang trí, màu sắc và hình dáng đa dạng, trang phục đã thể hiện tính thẩm mỹ dân gian và tính thống nhất trong sự đa dạng của tộc người.

Ngày này, do tác động của nhiều yếu tố, nhất là sự tác động về văn hóa, kinh tế, đã làm biến đổi trên mọi phương diện của đời sống xã hội đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều và Tà Ôi, trong đó có cả trang phục, trang sức. Bên cạnh trang phục truyền thống, người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi hiện nay còn sử dụng áo quần theo kiểu người Kinh hoặc mặc áo theo kiểu người Lào… Các đồ trang sức truyền thống cũng dần dần được thay thế bằng các đồ trang sức được mua ở thị trường đẹp hơn, có giá trị vật chất cao hơn.

Sự biến đổi trên là một thực trạng khách quan phản ánh tính tất yếu các mặt đời sống văn hóa, xã hội. Đồng thời khẳng định tính văn hóa “động” của trang phục gắn bó mật thiết với đời sống con người. Vì vậy, việc nhận diện tính văn hóa trong trang phục là rất cần thiết nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi theo tinh thần Nghị quyết TW 5 khóa VIII về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

T.T.N

Trần Thị Nhàn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 288 tháng 09/2018

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

4 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground