Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tri thức bản địa của người Pako trong việc ứng xử với tài nguyên sông suối

Đ

ịa bàn cư trú của người Pako có một mạng lưới sông, suối dày đặc; trong đó lớn nhất là sông Dakrông, mùa mưa nước dâng cao và chảy xiết, mùa hè lại khô cạn tạo ra vô số khe suối nhỏ.

Loại tài nguyên sông suối này có đặc điểm khác thường là “tất cả đều chảy”. Xuất phát từ hiện tượng tự nhiên này người Pako quy định các quyền sở hữu cũng như các quan hệ sinh hoạt đối với các chủ thể khi tham gia thực hiện quyền hạn của mình. Trong phạm vi địa vực cư trú của bản làng, một khúc sông, đoạn suối hoặc khe chảy qua là sở hữu của tập thể bản làng đó, cá nhân không có quyền chiếm hữu mà chỉ có quyền khai thác sử dụng với nghĩa vụ bảo vệ chung. Đây là quy định mang tính chất nguyên tắc bất di bất dịch, khúc sông đoạn suối nào chảy qua làng bản đó thì đó tài sản của tập thể dân làng đó nhưng do “tất cả các con sông đều chảy...”, không thể ngăn sông lại được nên luật tục gắn chặt tài nguyên “sông, suối” này trong mối liên hệ với nhiều làng. Điều này cho thấy vốn liếng tri thức bản địa ban đầu là mộc mạc thô sơ nhưng do tích trữ từ đời này sang đời khác mà họ chuyển hoá thành quy ước, thành luật tục theo một quy chuẩn rất hồn nhiên nhưng ai ai cũng thừa nhận được vì cái lý lẽ thô sơ ấy. (Tất nhiên là trừ yếu tố “linh thiêng hoá” như đã trình bày ở phần tài nguyên rừng, tài nguyên đất đai).

Tương tự ranh giới để phân biệt khúc sông, đoạn suối thuộc phạm vi quản lý của một làng được xác định bằng những ngọn đồi, khe nhỏ hoặc những đoạn đường cắt ngang qua suối. Nó gắn với quyền sở hữu của làng sở tại, người ngoài làng không được phép xâm phạm khi chưa được sự đồng ý của chủ làng đó. Chủ làng có trách nhiệm thông báo cho mọi người về những mốc giới đó, cũng như những quy định cụ thể gắn liền với quyền sử dụng khai thác, là nơi lấy nước, nơi thờ cúng, nơi sinh hoạt, nơi đánh bắt cá... Với loại tài nguyên này chỉ nảy sinh quyền sử dụng khai thác, không nảy sinh quyền chiếm hữu hay thừa kế. Nghĩa là trong phạm vi thuộc quyền quản lý của làng, cá nhân có quyền khai thác đánh bắt cá và sử dụng nguồn nước ở những khu vực không cấm, nhưng không có quyền chiếm hữu, thừa kế hay trao đổi, mua bán... Khi cá nhân vi phạm đến quyền sở hữu công cộng như chiếm làm của riêng sẽ bị phạt theo luật tục. Ví như, nơi quy định bến nước dùng cho thờ cúng, cá nhân không được sử dụng hay đánh bắt cá, ở đó không được giặt giũ sinh hoạt, không được chơi đùa làm bẩn nguồn nước. Mọi người phải có nghĩa vụ bảo vệ cũng như đóng góp khi làng tổ chức lễ cúng bến nước (parlo). Ai vi phạm sẽ bị xử phạt, bất kể người trong làng hay người ngoài làng. Tuỳ theo mức độ vi phạm để có hình thức phạt thích hợp. Nặng bị phạt lợn; nhẹ phạt gà. Trong trường hợp trẻ nhỏ vô tình vi phạm bố mẹ chúng bị nhắc nhở khiển trách, nếu tái phạm sẽ bị phạt vì không biết giáo dục dạy dỗ con cái. Thông thường cùng với bến nước là hệ thống dẫn nước về làng, thường làm bằng ống nứa để đưa nước sạch đầu nguồn về dùng cho việc ăn uống thuộc sở hữu chung của cả làng, ai phá hỏng phải làm lại. Đối với một số khu vực sông suối đầu nguồn, cá nhân không có quyền khai thác và đánh bắt cá, cũng như không có quyền, chiếm hữu sử dụng lâu dài đoạn sông suối đầu nguồn đó để tránh ảnh hưởng đến dòng chảy và sự trong sạch của nguồn nước. Ở những khu vực sông suối đầu nguồn, người ta chỉ tiến hành đánh bắt cá tập thể khi làng tổ chức lễ hội.

Trong phạm vi sông suối thuộc làng quản lý, nếu người ngoài làng đến đánh bắt cá nhưng không xin phép sẽ bị xử phạt theo lệ làng, vì hành động này đã xúc phạm đến thần Suối (Yang Dah) của làng. Trong trường hợp đó luật tục quy định phạt lợn và thu hồi dụng cụ đánh bắt cá cùng sản phẩm đánh bắt được. Khi được chủ làng đồng ý người ngoài làng chỉ được khai thác đánh bắt trong phạm vi cho phép. Cá đánh bắt được phải chia cho làng sở tại một phần ba. Hai phần còn lại phải chia đều cho mọi người tham gia đánh bắt. Riêng chủ làng cũng được chia phần mặc dù không tham gia, nhưng đó là đặc quyền mà chủ làng được hưởng vì những đóng góp trong việc bảo vệ dòng sông, con suối đó và một phần do uy tín của ông. Như vậy, trong phạm vi sông suối của làng quản lý không phải nơi nào cá nhân cũng có quyền sử dụng, khai thác mà phải tuân theo quy định của luật tục. Ai vi phạm, hình thức xử phạt cao nhất của người Pako là tước quyền sử dụng.

Trong luật tục của đồng bào Pako vấn đề khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thường đi liền với nhau. Chính vì vậy ta khó tìm thấy một phương pháp bảo vệ nào tách khỏi cách thức khai thác, nhiều khi đó là những kỹ thuật trong khai thác nhưng lại mang nội dung bảo vệ nguồn tài nguyên. Đối với tài nguyên sông suối, trên nguyên tắc mọi tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi làng bản do cộng đồng làng bản đó quản lý và sở hữu, chủ làng với tư cách là người đại diện sẽ đứng ra quy định phân chia những khu vực riêng, làm cơ sở cho việc khai thác và bảo vệ tài nguyên nước và nguồn lợi từ sông suối. Khác với tài nguyên đất đai, ở người Pako, tài nguyên rừng núi và sông suối chưa bao giờ cá nhân có quyền sỡ hữu mà luôn thuộc về cộng đồng. Chính đặc điểm này quy định quyền khai thác sử dụng cũng như nghĩa vụ bảo vệ của các thành viên thuộc làng bản đối với tài nguyên sông suối. Cụ thể đối với nơi thờ cúng, bến nước, khu vực đầu nguồn sông, suối, luật tục quy định cấm giặt giũ, cấm đánh bắt cá, nếu vi phạm sẽ bị phạt. Những nơi đánh cá tập thể, cá nhân không được tự tiện đánh bắt cá. Để  bảo vệ nguồn nước, tránh sử dụng khai thác một cách bừa bãi, gây ô nhiễm, cá nhân chỉ được khai thác cá ở một số nơi quy định. Nguồn tài nguyên này có đặc điểm là “tất cả các con sông đều chảy”, nó chỉ tồn tại trong một phạm vi nhất định thuộc bản làng như khúc sông, khúc suối, khe… vì thế, những quy định này đã góp phần vào bảo vệ nguồn nước sạch và nguồn lợi thủy sản. Với các dụng cụ đánh bắt như nơm, đó, nọc đâm, lao, có thể đánh bắt mọi nơi, nhưng nếu sử dụng lưới hoặc thuốc cá phải xin phép làng, nếu thuốc cá phải khoanh vùng đánh bắt đó lại. Việc không cho phép cá nhân tự do đánh bắt chỗ nhiều cá là nhằm bảo vệ nguồn cá quanh năm cho cộng đồng. Ở vùng suối nhiều cá việc đánh bắt phải được tổ chức tập thể, khi trong làng có hội hè, cúng lễ. Luật tục còn cấm cá nhân tự tiện ngăn sông suối gây cản trở dòng chảy ảnh hưởng đến quyền sở hữu, nguồn nước sử dụng liên làng.

Theo kinh nghiệm của đồng bào, hoạt động đánh bắt cá thường tổ chức vào mùa đông, thời kỳ giáp vụ, là mùa cá sinh sản. Vùng nhiều cá thường ở nơi nước đọng (khe), dòng chảy nhẹ, những nơi tảng đá có dấu vết cá ăn rêu. Dụng cụ đánh bắt của đồng bào hết sức đa dạng, phù hợp với từng loại địa hình: lưới thường được dùng ở các sông lớn, còn những nơi khe suối đặt đơm, đó cố định. Mùa nước, đồng bào thường dùng cần câu, còn mùa khô ngăn từng vùng nhỏ để bắt; ngoài ra còn dùng lao, nọc để đâm. Thuốc cá cũng là một phương pháp đánh bắt rất năng suất và dễ dàng, nhưng đồng bào ít dùng vì mức độ nguy hiểm lớn. Mùa mưa lụt là mùa sinh sản của ếch nhái, đồng bào thường dùng lao phóng để bắt, ngoài ra họ còn biết giữ cá bằng cách thả cành cây gai xuống chỗ nhiều cá.

Đồng bào quan niệm rằng sông suối luôn có một vị thần ngự trị (Yang Dah), nên nếu đêm nằm mơ thấy mất răng, què chân, hay bị đánh, thì không đi đánh cá, hay đi thuyền, nếu đi sẽ bị nguy hiểm.

Một số làng, do ở xa nguồn nước, hay không có sông suối chảy qua, đồng bào khai thác nguồn nước bằng cách dùng thân cây lồ ô hoặc cây cau làm ống dẫn nước từ suối về làng. Nó được bảo vệ và sử dụng chung, nếu cá nhân nào vô tình làm hỏng sẽ bị chủ làng phạt nhắc nhở và làm lại, nếu cố tình sẽ bị phạt gà. Đối với tội nặng, có thể bị cấm không cho sử dụng nguồn nước chung với làng.

Những quy định của luật tục đã tạo cho dân làng ý thức bảo vệ nguồn nước trong khai thác và sử dụng. Điều đó, đã thực sự phát huy thế mạnh tài nguyên sông suối, cũng như tạo điều kiện cho nghề đánh bắt cá phát triển và cùng với những sản vật săn bắn, hái lượm từ rừng núi đóng góp vào nguồn thực phẩm của đồng bào.

Qua việc tìm hiểu luật tục của đồng bào Pako trong việc khai thác và bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên, các nguồn lợi đất đai, rừng núi, sông suối, chúng ta thấy được sự phong phú, đa dạng, chặt chẽ, cụ thể và hết sức linh hoạt về nội dung cũng như hình thức của luật tục. Tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên đối với đời sống đồng bào được phản ánh trực tiếp qua các quy định, các hình thức xử phạt và những nguyên tắc kiêng cử. Trên cơ sở nguyên tắc chung, luật tục đã có những quy định rất cụ thể đối với từng loại tài nguyên được sử dụng, phạm vi được khai thác, cũng như các nghĩa vụ bảo vệ, gìn giữ tài nguyên đó. Thông qua những quy định của luật tục, chúng ta thấy tính ước chế, tác dụng tự điều chỉnh của nó, đồng thời thể hiện ý thức tự giác và tính tập thể cộng đồng cao của đồng bào Pako trong quá trình thực thi luật tục nhằm bảo vệ, duy trì cuộc sống của cả cộng đồng .

 

                                                                                              A.T

  

 

Anh Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 221 tháng 02/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground