N |
gay chiều hôm 12.7.1965 (vào lúc 14 giờ) anh Lê Chưởng đến thăm nhà tôi, chính thức “phổ biến nhiệm vụ” cho tôi. Anh Chưởng vừa làm thủ trưởng, vừa là bà con đằng bên vợ với tôi tức chị Lê Thị Diệu Muội. Chị là con bà bác bên ngoại tôi. Vợ tôi có cho biết cách đây mấy hôm, chị Muội có đến thăm động viên mẹ con em vè trao số tiền bồi dưỡng đi B của anh. Gặp tôi, anh Chưởng nói gọn: “Mình đề nghị Cục Cán bộ gọi cậu về làm thư kí cho mình đi B vào Trị Thiên quê ta đó. Đoàn đã chuẩn bị xong xuôi cả, kế hoạch dự định ngày mai (13.7.1965) xuất phát. Nhưng cậu từ Quân khu bốn ra chậm nên cậu được ở nhà nghĩ, chuẩn bị và bồi dưỡng trong ba ngày nữa. Đúng ngày mười sáu, đoàn ta lên đường”. Và anh bảo vợ tôi: “Cô Lý lo bồi dưỡng cấp tốc cho cậu Quang kịp lên đường nghe! Mọi chuyện chuẩn bị phải khẩn trương. Chỉ còn có ba ngày thôi đó. Vội đấy! Cô thông cảm!” Thế là ba đứa con của tôi đang đi sơ tán xa ở ba nơi khác nhau, vợ chồng tôi không kịp đón chúng về họp mặt gia đình để chia tay.
Trưa ngày 16.5.1965, đoàn chúng tôi lên đường với tư trang gọn nhẹ và chỉ có 4 người, gồm anh Tín(*) và bộ phận phục vụ như tôi thư kí, bác Sang nuôi quân và cậu Đàm vệ sĩ. Chưa có quân y sĩ và cần vụ. Anh Tín bảo còn thiếu người, nhưng không sao, cứ vào chiến trường sẽ kiếm người bổ sung sau. Trước mắt cậu Đàm kiêm cần vụ. Đoàn chúng tôi đi gọn trên một chiếc com-măng-ca đít vuông, có 2 lái xe. Mặc dầu trời nhiều mây, có lúc có mưa nhỏ lắc rắc, nhưng vẫn phải hết sức cảnh giác với máy bay địch, cho nên một lái xe chuyên lo lái, còn một lái xe khác chăm chú quan sát bầu trời và nghe ngóng tiếng máy bay. Buổi chiều đó, xe chúng tôi chạy chót lọt, an toàn và tối đó ngủ lại tại một thôn nhỏ dưới chân Đéo Ngang để sáng mai sẽ vượt đèo. Qua được đất Quảng Bình nhưng phải tới hôm sau nữa mới qua được phà sông Gianh. Xe chúng tôi chạy một mạch vào cơ quan Đảng ủy Vĩnh Linh (đóng ở xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền) vào lúc 15 giờ. Chúng tôi được bố trí ở cùng một nhà nông dân chất phác, cởi mở và nhiệt tình. Ngôi nhà mít vàng óng vừa làm xong trong vòng một năm nay. Tôi mừng thầm: làm được căn nhà mít là một cố gắng lớn của người nông dân nghèo quê tôi. Nhưng rồi lại lo trong cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt này liệu ngôi nhà mới ấy của hai bác nông dân có thoát được tai họa bom đạn không?
Vài giờ sau, anh Tín làm việc ngay với Thường vụ Đảng ủy Vĩnh Linh. Vừa bắt tay chào hỏi, anh Hồ Sĩ Thản, Bí thư Đảng ủy: “Hôm kia, chúng tôi nhận được điện Quân khu báo trước, cho nên chúng tôi đã sẵn sàng làm việc với anh”. Cùng có mặt với anh Thản, có anh Đồng, Chủ tịch đặc khu, anh Du, phó bí thư Đảng ủy và anh Đán, chỉ huy trưởng công an vũ trang. Với nét mặt rắn rỏi, giọng nói chắt nịch các anh báo cáo rõ ràng, cụ thể tình hình tổ chức và hoạt động của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Trị, nhất là ở vùng giới tuyến. Anh Tín được biết, trong phong trào đồng khởi “Đẩy mạnh xây dựng căn cứ địa cách mạng và xây dựng hành lang chiến lược” đi qua miền tây Quảng Trị vào tháng 7.1960, nhờ sự phối hợp tích cực của một số đơn vị trong đoàng 270 bộ đội giớ tuyến vào hoạt động mà tám xã thuộc Tuồi Muồi hoàn toàn giải phóng, cũng như năm 1961, du kích địa phương phối hợp với một số đơn vị của trung đoàng 270 giải phóng 6 tổng phía bắc đường 9. Cũng nhờ sự phối hợp này mà ta đánh bại nhiều cuộc hành quân nhỏ và vừa, địch tiến hành liên tục để phản kích hòng chiếm lại miền Tây, xóa bỏ thành quả đông khởi.
Được Thường vụ Đảng ủy Vĩnh Linh thay mặt cho đồng bào đặc khu, tiếp đón như “thượng khách” và được “bồi dưỡng” theo chế độ “cán bộ B” ra, chúng tôi càng thấy trách nhiệm, yên tâm và tin tưởng. Nghĩ lại làm việc ở Vĩnh Linh hai hôm, chiều 21.7, chúng tôi lên đến Bãi Hà cách Hồ Xá hơn 10 cây số và nhập trạm giao liên của “liên tỉnh” vừa lúc chập tối. Chiếc xe com-măng-ca cùng hai đồng chí lái xe bùi ngùi trở lại Hồ Xá trong đêm để trở ra Hà nội.
* * *
Thế là 16 năm xa cách, từ đêm nay chúng tôi mới được trở lại vô quê mẹ Quảng Trị thân thương, chịu đựng gian khổ, ác liệt để cùng chia sẽ ngọt bùi với bà con cô bác, với đồng chí, đồng bào quyết giành lấy ngày giải phóng hoàn toàn. Sau đêm đầu tiên ngủ rừng trên mảnh đất quê hương nóng bỏng, tảng sáng hôm sau, đoàn chúng tôi lếch thếch hành quân bộ. Trừ anh Tín được ưu tiên chỉ mang chiếc xắc cốt nhỏ, còn chúng tôi ai mang ba lô, tư trang người nấy nặng đến 35 kg và một bao gạo căng tròn ăn trong 10 ngày. mang nặng nhất phải nói đến chú Đàm vì mang cả suất anh Tín nữa cũng trên 50 kg, nhưng sức trai chẳng ngại ngần gì. Còng kềnh nhất là bác Sang. Bác là người lớn tuổi nhất đoàn, đã trên 50, người gầy đen nhưng rất khoẻ, dẻo dai và rắn chắc. Bác là người lính giừ thời đnáh Pháp, vốn là một nông dân chân chất ở thôn Gia Đẳng ra tập kết, làm cấp dưỡng cho anh Chưởng đã ba, bốn năm nay. Anh Chưởng định chọn một cấp dưỡng khác trẻ, khỏe hơn để đi B cùng anh, nhưng bác Sang nằng nặc, khẩn khoản xin đi bằng được: “Dù vất vả, nặng nhọc và hiểm nguy đến mấy, tui cũng chịu được để hoàn thành nhiệm vụ phục vụ thủ trưởng và các anh, xin thủ trưởng và các anh hoàn toàn yên tâm không lo lắng gì cho tôi về sự vác nặng, công tác nhọc nhằn, vất vả. Được đi B, vào quê nhà đánh Mỹ là tui thỏa mãn rồi”. Cả đoàn, kể cả Tín, ai cũng quý phục, tin yêu bác Sang. Rời xe đi bộ bác Sang đã mang nặng lại cồng kềnh nhất đến nỗi bác phải treo buộc thành một gánh nặng trĩu, lủng lẵng hai đầu một chiếc đòn gánh tre đực to bản thì mới hết đồ đạc, dụng cụ để hàng ngày phục vụ việc ăn uống cho một vị tướng đi B cùng với đám tùy tùng chúng tôi. Tôi và chú Đàm vài năm nay cũng tích cực tập “hành quân xa, mang vác nặng” nhiều lần, vậy mà nay “dấn thân” vào cuộc mới thấy “ê ẩm” thực sự, nhất là ngày đầu.
Đường hành quân là một lối mòn vùng giáp ranh không xa địch là mấy nên không thật an toàn, tinh thần luôn luôn căng thẳng, ngại địch mò lên phục kích bắt cán bộ, lấy tài liệu. Hai bên đường chỉ có cây lúp xúp, thưa thớt như sim, me và tranh xen kẻ nhau; hàng cây số mới có một bụi cây cao hai bên một con suối cạn. Vô phúc mà gặp trực thăng địch đến rà lượn, săn bắt, bắn phá thì khó mà chạy thoát. Theo đồng chí giao liên nói lại thì sự tình này đã từng xảy ra luôn.
Tiết trưa hè quê tôi cực kì nóng nực, oi bức. Không một làn gió, một đám mây. Người chúng tôi nai nịt từ đầu đến chân, mồ hôi ra như tắm; ai nấy đều mệt lử, lê chân không nổi, bụng không đói mà cồn cào, miệng cứ đòi nước. Tôi hỏi dò còn bao xa nữa mới đến trạm, đồng chí giao liên tuy rất hiền hậu nhưng cũng phải nói thẳng: “Các anh đi chậm như thế ni thì tối mịt mới đến”. Anh Tín đã thấm mệt, nêu ý kiến nghỉ trưa một lát để lấy sức thì bị giao liên gạt phắt: “Không được mô, rán mà đi thôi, nghỉ giữa trảng, trực thăng địch phát hiện thì nguy lắm”. Thế là cả đoàn lại lê từng bước giữa các đồi tranh chập chùng ngột ngạt. Độ nửa tiếng sau, may thay đến một lùm cây nhỏ bên đường. Mọi người đã mệt lả; không ai bảo ai, cả đoàn rúc vào đó nghỉ. Anh Tín phát lệnh: “Ăn cơm trưa”. Đồng chí giao liên cố giấu nỗi bất bình, báo cáo với anh Tín: “Vùng này địch rất chú ý, đáng lẽ phải vượt qua nhanh, các anh dừng lại nghỉ là rất nguy hiểm. Hễ xảy ra chuyện chi, tôi không chịu trách nhiệm mô”. Anh Tín đấu dịu: “Ngày đầu hành quân, anh em chưa quen, mệt quá chỉ nghỉ, ăn cơm trong vòng 15 phút là đi thôi. Tình huống này hóa ra là bất ngờ đối với kẻ địch đấy. Đồng chí yên tâm!”. Đến đây đồng chí giao liên mới xuôi xuôi nhưng không quên dặn: “Không được nghỉ quá 15 phút nghe!”. Chúng tôi dỡ gói cơm nắm ra ăn, cơm trắng, thịt kho nhưng không sao nuốt nổi, chỉ uống nước mà no. Cậu Đàm đã kịp mắc chiếc võng ni long cho anh Tín nghỉ 10 phút. Anh Tín bảo cứ yên tâm nhưng sự thực chúng tôi cứ lo ngay ngáy vì ngày đầu đặt chận lên chiến trường quê hương, nhưng “lạ nước lạ cái” lại được giao liên luôn mồm dặn “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” và lấy địch ra để “hù dọa” chúng tôi. Sau 15 phút nghỉ căng thẳng đó, chúng tôi ngoan ngoãn bám gót đồng chí giao liên về đến trạm lúc 21 giờ.
Tối hôm đó trời tạnh, trăng non, chúng tôi mắc võng ngủ ngoài trời cho mát. Lúc nửa đêm lại phải thức dậy tiếp tục cuộc hành quân để tranh thủ vượt đường lúc trời chưa sáng. Con đường số 9, quê tôi, biết bao xương máu của bộ đội, du kích, giao liên, cán bộ, dân công và đồng bào đổ xuống nơi đây. Trong chống Pháp, vào giữa năm 1949, có một lần tôi cũng theo giao liên từ Cùa vượt đườn 9 để ra Bắc. Vừa qua khỏi đường nửa cây số đã ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc xông lên. Thì ra ngay cạnh đường, hai thây người đang nằm đó, ruồi nhặng bâu đầy, chưa được chôn. Người ta qua đường phải bưng mũi chạy thật nhanh. Một cảnh tưởng khủng khiếp! Lần này, mười sáu năm sau, trở lại đường 9 vẫn dưới sự kiểm soát của địch, đồng chí giao liên vẫn nhắc nhở chúng tôi đi phải thật im lặng, sẵn sàng để phòng địch phục kích; chúng tôi không khỏi hồi hộp, nhất là lúc đi dọc con suối, lom khom người chui qua chiếc cống (là hai chiếc ống tròn xi măng cốt thép to tướng) để vượt qua đường. Lúc đến thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa (vùng Cùa), bắt được liên lạc với trạm giao liên tiếp theo, chúng tôi mới thực sự yên tâm, chuẩn bị đi chặng sau, anh Tín tranh thủ chuyện trò với một số bà con mấy gia đình gần đấy. Họ đoán biết ngay rằng chúng tôi là người “quê ta” từ miền Bắc trở vào, cho nên họ kể chuyện rất tự nhiên, đầy vẻ tin cậy. Nào chuyện “hiệp định 2 năm”, chuyện ly khai tố cộng, chuyện lập ấp chiến lược, chuyện đấu tranh, trừ gian, diệt ác, chuyện đồng khởi, phá ấp, phá trại “cải huấn”, chuyện buồn, chuyện vui, chuyện đau thương, chuyện quật khởi.v.v…. Ngồi bên cạnh, tôi đọc được tấm lòng của anh Tín hòa quyện hơn bao giờ hết với tấm lòng bà con cô bác quê nhà. Sau lần gặp ngắn ngủi ấy, có lúc người anh như lặng đi, trầm tư, suy nghỉ; tôi cảm nhận được có những gì mới mẻ đang nảy mầm, lóe sáng, đang lắng động, thăng hoa trong tâm hồn người lảnh đạo.
Vừa chập tối, chúng tôi lên hai chiếc thuyền nhỏ xuôi từ làng Hạ về Trấm –Ba Lòng để anh Tín làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị. Nào ngờ đồng chí “giao bưu” của tỉnh đến đón “Đoàn cán bộ cấp trên” lại là em ruột tôi. Chú Hoàng Ngọc Vinh vào đây làm công tác này đã hơn một năm nay rồi. Hai anh em chúng tôi ngồi chung một thuyền tha hồ tâm sự “trong này, ngoài kia”. Lâu lâu lại gặp một chiếc thuyền đánh cá của đồng bào trên sông, ánh đèn măng-sông sáng xanh, tiếng đài thu thanh mở to hết cỡ làm cho tôi ngỡ ngàng, là lạ trước một cảnh tượng “phồn vinh giả tạo thực dân kiểu mới”. Quân trang của bộ ta đi B dạo đó còn rất thô nặng: võng bằng vải bạt 2 lớp dày cốp, dây võng sợi to bằng ngón tay bện lại. Cả võng và bộ dây nặng đến 3 kg. Thấy vậy, em Vinh đưa cho tôi một tấm võng ni-lon màu xanh, hai đầu buộc dây dù, chỉ nặng mấy lạng, vò lại chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay, gọn nhẹ, tiện lợi.
Thường vụ Đảng ủy Vĩnh linh đã điện báo trước, cho nên anh Tín vừa vào đến nơi là làm việc ngay với anh Công, Bí thư Tỉnh ủy; anh Soạn, Chính trị viên tỉnh đội và anh Minh Tâm, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Các anh ở tỉnh đã quá quen biết anh Tín từ hồi “hoạt động bí mật” cho đến nay, cho nên các anh ấy làm việc với nhau rất thuận lợi, chóng vánh. Về tình hình của tỉnh nhà thì các anh trong Thường vụ Đảng ủy Vĩnh Linh đã thông báo một phần cho anh Tín rõ. Về chủ trương mới của Đảng thì sẽ thảo luận kĩ trong cuộc họp nghị Ban cán sự Liên tỉnh sắp tới mà anh Công đã có chân và anh Tín sẽ ở cương vị chủ trì. Do đó cuộc gặp gỡ và làm việc của anh Tín ở đây chỉ diễn ra trong một ngày là xong. Hôm sau đoàn chúng tôi lên đường vào phân khu, cũng là cơ quan liên tỉnh, ở mạn tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
* * *
Ba thập kỷ đã trôi qua. hôm nay ngồi giữa Nhà văn hóa tưng bừng, lộng lẫy, náo nhiệt của tỉnh nhà, mang trên ngực áo tấm biển đỏ rực “kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng Quảng Trị (1.5.1972-1.5.1997), tôi bồi hồi nhớ lại ngày ấy năm xưa. Bất giác tôi tự hỏi: “Đoàn anh Tín đi B” ngày ấy đâu cả rồi mà nay chỉ còn một mình tôi có mặt ở đây hôm nay?” Tôi ngậm ngùi xúc động: “Các anh ra đi cả rồi… để có hôm nay”…
H.N.Q
_________________
(*) Tức thiếu tướng Lê Chưởng, khi đi B lấy tên là Lê Trung Tín để giữ bí mật.