Người Vân Kiều quan niệm, rừng ma là khu vực bất khả xâm phạm, nơi chỉ dành riêng cho thế giới người chết, nếu người trần đặt chân tới sẽ bị trừng phạt, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng.
Gìa Làng Hồ Văn Cam, Bản Khe Xom đang làm chiếc quan tài truyền thống
Thế nên, dân bản không mấy ai dám đến rừng ma dù chỉ để chặt một cành cây. Thậm chí, người ta còn không dám nhìn thẳng vào rừng, bởi họ sợ con ma rừng nhìn thấy rồi theo về quấy phá gia đình, bản làng. Bởi vậy, rừng ma có vị trí quan trọng che chở cho muông thú, tạo được hệ sinh thái phong phú, đa dạng, đồng thời đảm bảo được nguồn nước phục vụ sinh hoạt, đây là một phương thức bảo tồn rừng hiệu quả.
Những gia đình có người chết, hoặc những gia đình giàu có chuẩn bị cho cái chết của mình, người Vân Kiều làm nghi lễ chọn cây làm quan tài (A Loang cu mũih) cầu mong các thần linh, giàng phù hộ cho hành trình đi rừng chọn cây được may mắn. Không bị hổ vồ, rắn cắn, không bị vấp cộc, vấp gai, không bị mưa, bão... hạ cây ngã theo ý muốn, chọn được cây gỗ quý, đẹp để làm quan tài. Thông thường đồng bào chọn cây trầm hương, cây kẻ bang hoặc cây xa xị, cây pho lái… có đặc tính nhẹ, nhiều tinh dầu nhằm bảo quản thi hài được lâu và thường là cây to, thẳng, không bị mối mọt, không bị gãy đọt. Xuất phát từ việc sống với rừng, khi chôn cất người chết hay bị thú rừng, nhất là heo rừng và cọp moi xác lên ăn. Vì vậy, ngoài phong tục cho rằng nhờ cây rừng che chở linh hồn, cây bao bọc sẽ không bị thú rừng ăn thịt. Nếu mộ người chết bị moi lên thì đó là điềm xui xẻo nhất. Ma sẽ tìm đường về bản làng, bắt người nhà, bắt người làng theo nó, làm người đau ốm, chết, mùa màng thất bát. Do vậy, ngày trước nhiều bản, làng phải dời đi tìm nơi ở mới, tránh xa con ma rừng đáng sợ. Đây là lý do lớn nhất khiến đồng bào nghĩ đến cách chôn người chết bằng thân cây rừng.
Trong đời sống thường ngày, người Vân Kiều đã có sự đối xử bình đẳng giữa nam và nữ, không phân biệt giữa con riêng và con chung, con đẻ và con nuôi, con của mình và con của anh em. Quan hệ bản làng thân ái, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cộng đồng và có tục uống rượu thề kết bạn, kết bản. Trai gái lớn lên được tìm hiểu, yêu đương. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng chuyển về ở với gia đình nhà chồng, thi thoảng cũng có những trường hợp ở rể bên nhà vợ. Người phụ nữ khi đi lấy chồng được thờ bố mẹ mình tại nhà chồng, nó thể hiện tính nhân văn cao đẹp và quyền bình đẳng nam, nữ trong đời sống của đồng bào Vân Kiều.
Quá trình đưa tang, người thân trong gia đình không được tham gia vào việc chôn cất, ngoại trừ con rể và chủ yếu đàn ông trong cộng đồng đảm nhiệm việc chôn cất người chết. Thường đàn ông đi trước, phụ nữ theo sau với chức năng trỉa lúa, trồng cây, gieo hạt xung quanh nấm mộ. Sau khi xong việc, những người đi chôn sẽ tắm suối, uống rượu ngoài rừng, số còn lại trong làng tụ tập ở nhà người chết, mổ heo, gà hoặc bò, ăn uống suốt mấy ngày liền để tiễn đưa linh hồn của người đã khuất… “Họ phải vui vẻ để người đã khuất biết người sống vẫn sinh hoạt bình thường, thậm chí vui như hội dù không có họ, để con ma không vì tiếc thương mà quay trở lại làng. Và người chết phải hoàn toàn bị xóa ra khỏi ký ức, không bao giờ được nhắc lại, không một ai nghĩ đến chuyện vào viếng thăm” - Già làng Vỗ Dương, thôn Ra Lây, xã Ba Nang, huyện Đakrông cho biết.
Sau khi người chết được chôn cách khoảng một năm đồng bào làm nghi lễ chết mới (Cu mũih ta may) tiếp đến khoảng ba năm sau làm nghi lễ chết cũ (Cu mũih tĩa) sau đó mới đến nghi lễ phong thần.
Người Vân Kiều quan niệm vạn vật hữu linh, họ luôn tin rằng, người chết có một năng lực siêu nhiên và có thể làm được bất cứ chuyện gì trên cõi đời này, kể cả việc “bắt” linh hồn của người sống đi theo. Chính vì vậy, người Vân Kiều không chỉ sợ hồn ma người đã khuất mà còn xem hồn ma đó đang còn “sống” với một khả năng siêu phàm. Do vậy, khi người đã chết cũng được chia một phần tài sản trong gia đình để họ mang theo sinh kế. Chính vì quan niệm đó nên người còn sống rất sợ người đã khuất và họ cho rằng mình đối xử tốt với người đã khuất thì “hồn ma” lại bảo vệ cho con người và bản làng, bảo vệ mùa màng... Vì vậy, sau khi chôn cất người chết xong, người thân trong gia đình không bao giờ quay lại ngôi mộ chôn người đã khuất. Hàng năm, mỗi khi tết đến, ngày cúng họ hoặc Tết lúa mới, đồng bào tổ chức cúng ma để tưởng nhớ đến người thân đã mất.
Tục chôn người chết bằng thân cây là một bước tiến mới đối với đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Vân Kiều trong điều kiện muôn vàn khó khăn của vùng núi cao, xung quanh là những cánh rừng đại ngàn và thú rừng rình rập. Việc dùng cây rừng để làm quan tài chôn cất vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa giữ được thi hài khỏi thú rừng ăn thịt là một nét đẹp trong văn hóa chôn cất người chết của đồng bào Vân Kiều.