Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Uống nước nhớ nguồn

U

ống nước nhớ nguồn là truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước ta. Đền ơn đáp nghĩa là bổn phận của con người. Thuần phong mỹ tục ấy đang thôi thúc làng Đông Lai nhanh chóng hoàn thành hai công trình tình làng nghĩa xóm. Công trình thứ nhất là xây mộ dựng bia ghi tạc công đức Ngài Tiền, Ngài Hậu của làng và các Ngài Thi Tổ của 4 họ Mai, Lê, Trần, Thái. Công trình thứ hai là tôn tạo lại ngôi đình làng, để việc cúng tế Tổ tiên được vừa lòng thần linh và làm nơi di tích lịch sử văn hóa đời đời cho con cháu.

Làng Đông Lai ngày xưa gọi là làng Đông Vu, thuộc tổng An Đôn, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, đất đai dính liền với làng Điếu Ngao, Lạng Phước..., còn dòng sông Hiếu, không phải như hiện trạng bây giờ, mà nó chảy từ Đuồi (Cam Lộ) về Trương Xá, Định Xá, đến Đông Thanh thì uốn dòng chảy qua cầu Phổ Lại, về Kim Đâu, Phi Thừa, Thượng Độ, Đình Tổ, Đại Độ... rồi chảy ra cửa khẩu Đông Lai, còn gọi là Hói Sòng, rồi hòa nhập với dòng sông Thạch Hãn, cùng chảy xuống Cửa Việt. Đến Triều Nguyễn, mới đào đất từ đoạn Đông Hà, uốn lại dòng sông Hiếu chảy lại như ngày nay, làm cho làng Đông Lai mất trắng bao nhiêu điền thổ, mà các bậc sinh tiền đã ra sức khai phá. Mất ruộng dân nghèo nên làng được lập ra từ mùa thu năm Quý Mão 1483 đến thập kỷ 1930-1936 vẫn chưa xây dựng được đình làng. Hàng năm, đến kỳ cúng tế, nhân dân đóng góp tranh tre dựng rạp thay đình. Thuở bấy giờ, cả làng chưa có một ngôi nhà ngói. Cái khó ló ra cái khôn, các vị hào mục làng Đông Lai đã bảo vệ cho cách mạng tổ chức cuộc mít tinh đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, đông hơn 500 người tại cánh đồng Đại Phu-Thượng Uyển, giữa địa phận làng Điếu Ngao với làng Lạng Phước vào đêm 18 tháng 2 năm Tân Mùi, nhằm đêm chủ nhật 5-4-1931, sau cuộc mít tinh đòi giảm sưu giảm thuế này, nhiều vị hào mục ở làng Đông Lai bị Pháp bắt giam, ngồi tù lâu nhất là thầy Cưu Đôn tức ông Mai Khắc Kiêm, người đứng đầu đơn kiện làm Tri huyện Cam Lộ phải bị cách chức hồi tịch bạch dân, trở về quê Thanh Hóa. Tri huyện mới là Trần Mạnh Đàn lên thay không giám hống hách như Tri huyện cũ là Lê Thước nữa. Tri huyện mới bắt các làng đo đạc lại đất đai và khai lại dân đinh cho đúng, để thu thuế ruộng và bớt dân đinh, khai bớt diện tích điền thổ, để vừa chia đều bớt mức thuế ruộng, thuế thân cho từng người dân, vừa tích lũy dần mỗi năm được một số tiền, đến năm 1937 thì đủ ngân sách chi phí xây dựng đình làng. Nhờ vậy thuế thân hồi đó mỗi người dân phải nộp 1 đồng hai hào tiền Đông Dương mà dân Đông Lai chỉ đóng 1 đồng, mỗi người bớt được 2 hào bằng 1 thùng bia. Đình làng theo hình dạng 3/2, toàn bằng gỗ mít ròng vàng óng ánh trông rất đẹp. Đình trở ra hướng mặt trời mọc, trước đình có 1 hàng cây bàng, sau lưng đình có cây đa, xung quanh đình có nhiều cây cảnh. Đình được xây dựng ở giữa làng, trước mặt có bàu tròn, bàu giữa, bàu dài, có cây Sanh mấy năm tuổi, cành nó dài mấy chục mét, gốc nó to đến mấy chục người ôm không hết, tổ ong nằm giữa thân cây, trên đọt cây có tổ nhiều loài chim ca cưởng, tu hú... cành lá sum suê, quanh năm mát mẻ, trưa hè và đêm trăng thanh niên tụ tập hò hát, cười chuyện tiếu lâm vui lắm.

Cứ đến rằm tháng 7 hàng năm, dân làng cúng tế thần linh, hưng bái vái lạy thật trân trọng oai nghiêm, ông Hộ điều khiển dàn nhạc đủ loại đàn, sáo, kèn, trống rập ràng. Ông thầy Hậu cúng phờ phà ở nền âm hồn, ông Quẹt đội long châu... Các vị bô lão cùng trai tráng làng lo chiêng trống cờ lộng, nghênh rước thần linh. Lễ lược xong xuôi, liên hoan xôi thịt vui vẻ, không hề có chuyện say sưa. Cuộc sống đang bình yên như vậy, tự dưng bom đạn Mỹ phá hủy hết đình làng, nhà thờ họ và miếu sắc. Dân làng phải sơ tán cám cảnh điêu linh. Năm 1972 trên đường vào B, tôi ghé về thăm làng sau hơn 20 năm xa cách, lần đầu tiên không gặp được một người. Nhà cửa tan nát, ruộng đồng vườn tược lổm chổm hố bom... Sau đại thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh, đầu tháng 5 năm 1975, từ Sài Gòn trở ra Hà Nội, tôi ghé về thăm lại làng, thấy nhiều nhà mới sơ tán về ăn khoai sắn thật thảm thương. Tôi bèn quay lên đường 9, gặp bạn bè quen thân ở các sư đoàn, xin chở một số gạo về chi viện cho bà con, với tấm lòng một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tiếp đến tháng 5 năm 1977 là tháng 3 năm Đinh Tỵ, dân làng lại phải thi hành mệnh lệnh của chính quyền về việc quy hoạch mồ mả, để tiến lên thủy lợi hóa, cơ giới hóa nông nghiệp. Cảnh làm ăn hợp tác, công điểm thấp, đời sống còn thiếu thốn, nên chưa đủ sức xây dựng lại đình làng và xây mộ, dựng bia ghi tạc công đức các đấng sinh thành.

Đến nay, làng dời lên vùng đất mới, ở xóm Đùng, nhất cận thị, nhị cận giang, tuy còn phải xóa đói giảm nghèo, nhưng cuộc sống đang đi lên. Nhiều người đã có nhà đúc, quạt máy, cassette, tivi màu... điện sáng đêm khuya, cảnh vật tươi đẹp. Dù chưa giàu có hơn ai, nhưng so với những năm tháng của thập kỷ 1930-1940, làng mình còn đầu tắt mặt tối, cả làng kể cả trên Cùa, chỉ có 75 hộ, nam giới từ 18 tuổi trở lên chưa đến 150 người mà ông cha ta vẫn xây dựng được ngôi đình đầy tình đầy nghĩa. Huống hồ bây giờ làng ta kể cả những người ở xa có gần 250 hộ, dân số mấy trăm người, cuộc đời đang tươi sáng, thì triển vọng hoàn thành hai công trình Uống nước nhớ nguồn trên đang ở trong tầm tay. Khi nghe làng định dựng bia Ngài Tiền, anh em Mai Chiếm Cung, Mai Chiếm Thanh liền gửi ủng hộ mỗi người nửa triệu đồng. Tiếp theo nghe nói chú Mai Chiếm Mẫn về ủng hộ một triệu đồng. Chú Mai Chiếm Đơn cũng hứa hiến làng nửa triệu đồng... Tinh thần hưởng ứng như vậy đó, nếu làng chọn mặt gửi vàng, cử ra một Ban tổ chức có tài năng và giàu tâm huyết, lo thiết kế thi công, viết hiệu triệu quyên tiền, người ủng hộ trên một trăm ngàn cũng hoan nghênh, người mấy chục ngàn cũng quý, người chỉ năm ba ngàn cũng thông cảm. Tích tiểu thành đại, ba cây chụm lại thành hòn núi cao, thì có lâu lắm, làng cũng hoàn thành công trình uống nước nhớ nguồn này trước năm 2000, để Ngài phù hộ cho con cháu làng họ thảnh thơi bước vào thế kỷ 21, thế kỷ đang giành giật thương trường. Thế kỷ gìn giữ non sông gấm vóc, thế kỷ văn minh hiện đại. Ngay từ bây giờ mọi người phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chân chất dành dụm, cùng nêu quyết tâm cao, ý chí lớn theo định hướng của Bác Hồ kính yêu, dìu dắt con cháu chăm lo "Học hành nghề nghiệp cho hay. Đừng tham danh vọng mà dày gian nan". Đình làng phải nền cao, móng vững, tường chắc, mái bền gỗ tốt... để phòng khi lụt to bão lớn. Trước đình nên tạc vài câu đối chữ Nho theo truyền thống xa xưa. Ví dụ một bên là "Tổ tông, công đức, thiên niên thịnh" một bên là "Tử hiếu, tôn hiền, vạn đại vinh". Dựng bia xây miếu thần linh. Trồng cây cổ thụ quanh đình làng ta. Quanh đình có trồng cây đề, cây bàng, cây phượng, khóm trúc... càng tốt. Kinh nghiệm làng Lập Thạch xây dựng đình làng và lăng mộ Ngài Tiền khai khẩn Trần Quý Công, rất đơn giản, chẳng tốn kém bao nhiêu, mà trông dáng dấp vừa cổ kính, vừa hiện đại rất đẹp. Lăng Ngài Tiền làng Lập Thạch dời lên vùng Trọt Me, Trọt Mít, phía Tây Nam ga Đông Hà gần lăng bà Tiền khai khẩn làng Đông Lai, có bông sim tím, bông trang đỏ, thỏ dạo, chim ca, ong bay, bướm lượn trông thật tôn nghiêm.

Về công trình xây mộ dựng bia, cần lưu tâm đến nguyện vọng bà con, ví dụ như họ Trần muốn xin làng cho nghênh rước Ngài Thi Tổ trên nghĩa trang cây số 6 đường 9 về dựng bia ngay trong khuôn viên nhà thờ họ. Đó cũng là một nguyện vọng rất hay. Khi dựng bia Ngài Tiền, chú ý ghi cho đúng tên tuổi. Tên thường gọi của Ngài là ông Hạc (chữ hạc này một bên có chữ điểu là chim), còn tên húy của Ngài là Mai Đình Hạc (chữ Hạc này, bên phải là chữ Cố, bên trái là ba chấm thủy, nghĩa là nông cạn, với ý niệm loài chim Hạc đi kiếm mồi trên ruộng đồng bờ bãi nông cạn). Nhiều bản gia phả dịch nhầm chữ Hạc thành chữ Có và chữ Cố. tuy bản gia phả của làng đã bị thất lạc trong chiến tranh nhưng ở các họ, phái đều còn lưu trữ được gia phả chi nhánh của mình. Trên bàn thờ của gia đình ông Mai Chiếm Tấn và ông Mai Chiếm Thuần, vẫn còn lưu hai bản gia phả chữ Hán, do cụ Mai Khắc Kiệm chép từ năm Mậu Tý, một bản chép 8 đời Tiền Khai, một bản từ đời thứ 8 đến đời thứ 16, nguyên văn về ngài Tiền được chép rõ ràng cụ thể:

"Thượng đại tiền khai khẩn ông Hạc, Mai Đình Hạc, phong cương Đại Cao Tôn Thần. Sinh Vu Giáp Thân niên, tại Nghệ An thừa tuyên thành, thí trúng sinh đồ Thuận Hóa xứ, khai khẩn kiến lập xã hiệu vu Quý Mão niên gian trú. Thế bát thập nhất tuế, tốt vu Giáp Thìn niên, tam nguyệt thập tứ nhật, thìn thời thọ chung. Mộ táng tại Mãi Đề đồng trung xứ Tòng Lai. Bốn xã thiết miếu phụng tự. Chí Khải Định tam niên, sắc phong Dực bản trung hưng đoan túc linh phò tôn thần, Bính bà húy Mụ Hạc quý nương. Mộ táng tại Côn ương Xứ, sinh chúng tử Ông Bảy. Ngài Hậu khai canh Mai Đình Huấn cũng được sắc phong như Ngài tiền, sinh hạ được hai người con trai đều là Thi Tổ họ Mai. Ngài con trưởng tên là Ông Pháp (có 3 chấm thủy bên trái), tức Ngài Mai Đình Vệ, sinh hạ ra phái nhất và phái ba, ngài con thứ là Ông Thang (cũng có ba chấm thủy bên trái) tưc là Ngài Mai Thọ Lão, sinh hạ ra phái nhì và phái tư. Sau đó, các Ngài Thi Tổ các họ Lê, Họ Trần, họ Thái mới lần lượt gia nhập vào làng Đông Lai. Ngài Tiền mới 20 tuổi đã thi đỗ tú tài, mang chí hướng mở mang bờ cõi vào phương Nam, và để lại cho con cháu nay đã đến đời 21, thừa hưởng cơ ngơi khang trang đẹp đẽ như bây giờ, mang theo ý nghĩa "Âm thầm nơi bãi xanh đồng cạn. Vằng vặc canh khuya tiếng Hạc qua". Ngài Tiền sinh năm Giáp Thân -1461, niên hiệu Hồng Đức thứ 14, là năm vua Lê Thánh Tông truy phong cho Nguyễn Trãi chức Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại phu, tìm bổ dụng người con trai còn sống sót của Nguyễn Trãi là Anh Vũ, đã đỗ Hương Cống, chức đồng Tri Châu và cấp 100 mẫu ruộng làm tự điền. Đó là năm dân tình thịnh vượng, đất nước kỷ cương, biến thùy yên ổn. Ngài mất năm Giáp Thìn 1544, là năm vua Trang Tông còn tiến quân đến Tây Đô - Thanh Hóa, bắt hoạn quan của họ Mạc là Dương Chấp Nhất phải đầu hàng. Quảng đời 81 năm sinh thời của ngài, vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh trải qua 532 năm dâu bể thăng trầm, mà con cháu của Ngài vẫn sinh sôi nẩy nở như ngày nay thật quá quý hóa.

Tạo hóa xoay vần, thời vận bôn ba, rủi may định mệnh, thờ cúng thần linh... là phạm trù khoa học, huyền bí, cho đến nay, trên thế giới, chưa có nhà uyên bác nào lý giải được thấu trời thấu đất cho mọi người thông suốt, nên ai thích đạo nào thì thờ đạo ấy. Con Hồng cháu Lạc chúng ta, theo các bản Ngọc Phả, từ thuở khai thiên lập địa, nhà Vua đã giao cho 100 Hoàng tử trị vì 100 khu vực. Từ ngôi mộ Kinh Dương Vương ở làng An Lữ, Thuận Thành, Hà Bắc, đến đền Hùng ở huyện Phong Châu, Vĩnh Phú đã có đền thờ rồi, mà khắp nước có thêm miếu mão thờ tự nghiêm túc. Bởi vậy việc lo tôn tạo đình làng, xây mộ, dựng bia cho các bậc Tiền Khai là bổn phận thiêng liêng của mỗi người. Tương lai trước đình làng có hồ thả sen để "Nhị vàng, bông trắng, lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" thì thật là lý tưởng.

Vẫn biết nói thì dễ, làm thì khó, nhưng mọi việc trên đời, dù dễ ngàn lần, không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong. Cần truyền lại cho con cháu chăm lo giữ gìn 3 chiếc chóe như 3 chiếc bình hoa Trung Quốc, trong chiếc Chóe có đựng hàng mả đã hóa thành tro, nay vẫn chôn lại y nguyên dưới mộ Ngài Tiền. Còn 3 sợi chỉ trắng nhỏ trông giống rễ cây cổ thụ thì Hội chủ làng cuốn tròn lại, đựng trong chiếc đĩa kiểu, cùng mấy đồng tiền rỉ rét, để thờ bên cạnh lư hương, không khí đã hóa thành tro vụn. Sự kiện này có các bậc bô lão cùng mấy chục xã viên tiên tiến, thanh niên danh dự, túc trực bên linh cữu các Ngài suốt 3 ngày đêm chứng kiến rõ ràng.

Thời cơ có những trùng hợp rất hay. Ngày 14 tháng 3 năm Đinh Tỵ là ngày húy của Ngài Tiền làng Đông Lai, trùng với ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5 năm 1977, đến ngày 14 tháng 3 năm Bính Tý này, lại cũng trùng với lễ 1 tháng 5 năm 1996 mà tháng 5 là tháng Tổ quốc ta được giải phóng, nước nhà ta được thống nhất. Thấy vậy, tôi bèn nêu lên những suy nghĩ chân tình với hoài niệm được cùng bà con chú bác làng xóm, quyết tâm hoàn thành tốt đẹp công trình uống nước nhớ nguồn này.

                                                               P.Q.S

Phan Quốc Sắc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 22 tháng 07/1996

Mới nhất

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

1 Phút trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground