Trong các làng xã cổ xưa của người Việt, có rất nhiều vùng tên làng có mang thành tố kẻ. Theo ý nghĩa của ngôn từ Việt cổ, thì kẻ là từ chỉ một cụm dân cư sống trên một địa bàn cụ thể. Tùy cấu trúc của đơn vị cư trú mà kẻ có thể đồng nghĩa với thôn hoặc làng, thành tố này xuất hiện khá sớm ở nước ta, đó là giai đoạn sau khi hình thành những công xã nông thôn cuối thời Hùng Vương. Kẻ là một kiểu gọi tên tục của làng chứ không phải là tên hành chánh trong địa bộ của làng xã.
Nhận định về thành tố kẻ trong tên gọi
Có ba vùng xuất hiện nhiều làng có tên kẻ ở Việt Nam:
Thứ nhất là Nghệ An và Hà Tĩnh: Đây là hai tỉnh thành có tỉ lệ làng mang tên kẻ rất cao, đó là các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Ðức Thọ (Hà Tĩnh); Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Ðô Lương, Anh Sơn, Nghĩa Ðàn, Nam Ðàn, Nghi Lộc (Nghệ An). Đặc biệt ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) số làng tên kẻ chiếm hơn 60% tổng số các làng trong huyện.
Vùng thứ hai là Thanh Hóa: Ðây cũng là một vùng dày đặc các làng có tên kẻ bao gồm các huyện như: Hậu Lộc, Ðông Sơn, Triệu Sơn, Thiệu Yên, Hoằng Hóa, Hà Trung, Quảng Xương, Nông Cống…
Nơi đứng thứ ba đó là Phú Thọ, Vĩnh Phúc và châu thổ sông Hồng. Đây là vùng đất quần cư của các cư dân thời Vua Hùng, bao gồm các huyện Thanh Sơn, Sông Thao, Phong Châu, thành phố Việt Trì (Phú Thọ); Vĩnh Lạc, Lập Thạch, Tam Ðảo, Mê Linh (Vĩnh Phúc); Ðông Anh, Từ Liêm, Sóc Sơn, Gia Lâm (Hà Nội)…
Tuy không chiếm tỷ lệ cao như các vùng trên, nhưng Quảng Trị cũng có nhiều làng có địa danh mang thành tố kẻ, như Kẻ Mói (làng Di Loan), Kẻ Giáo (làng Giáo Liêm), Kẻ Triêm (làng Thanh Liêm), Kẻ Bố (làng Bố Liêu)… nhưng ở Nam Hải Lăng là nơi có nhiều hơn cả, đơn cử như: Kẻ Diên (làng Diên Sanh), Kẻ Đâu (làng Trường Sanh), Kẻ Lạng (làng Lương Điền), Kẻ Văn (làng Văn Quỹ), Kẻ Vịnh (làng Hưng Nhơn)... Giáp ranh với những làng kẻ của Hải Lăng, ở bờ nam dòng Ô Lâu thuộc xã Phong Hòa của Thừa Thiên cũng có một số làng mang thành tố kẻ như: Kẻ Đôộc (Phước Tích), Kẻ Né (Mỹ Xuyên), Kẻ Gùn (Siêu Quần), Kẻ Phù (Phong Bình)… Đây gần như là lãnh địa cuối cùng của những làng có thành tố kẻ trên con đường Nam tiến xưa, càng vào Nam những “làng kẻ” càng thưa dần và đến Nam Trung Bộ trở vào thì mất dấu.
Vào thời Bắc thuộc, những vùng đất mang tên kẻ này ngoài tên Nôm đã có của người Việt, mỗi làng phải đặt thêm một tên chữ (âm Hán - Việt). Khác với tên Nôm chỉ có một từ (không tính thành tố kẻ), tên chữ thường có ít nhất là hai từ. Như vậy, những làng cổ ra đời trước thời Bắc thuộc, luôn tồn tại hai tên, một tên Nôm (kèm kẻ) và một tên Hán - Việt. Do các triều đại phong kiến nước ta dùng chữ Hán thay cho từ Việt cổ bị cấm (chính sách đồng hóa) nên đa số những làng ra đời trong thời kỳ phong kiến thường chỉ có tên chữ, không có tên Nôm và không có từ kẻ đi kèm. Ðó cũng là cách để những nhà nghiên cứu nhận diện những làng cổ ra đời trước thời Bắc thuộc và những làng mới được thành lập về sau.
Tuy nhiên các làng mang tên kẻ ở Quảng Trị nói chung và vùng Nam Hải Lăng nói riêng lại không nằm trong quy luật này, nguyên nhân là do trong quá trình Nam tiến các cư dân, những người khai khẩn ở đây đã lấy tên hoặc một phần gốc tích làng cũ để đặt tên cho làng mới. Vì vậy dù được ra đời trong thời kỳ phong kiến nhưng những làng này vừa có tên chữ vừa có tên Nôm và chúng cũng chỉ có lịch sử từ 7 thế kỷ trở lại (kể từ năm 1306 khi châu Ô, châu Lý sáp nhập vào Đại Việt), chứ không cổ như các làng có mang thành tố kẻ thời công xã nông thôn cuối thời Hùng Vương.
Để giải thích phần nào cho việc những làng ở Hải Lăng đặt tên mới theo gốc tích của làng cũ, ta tìm hiểu thêm về nguồn gốc xuất xứ của một số làng ở vùng này. Tại làng Kẻ Diên, theo gia phả họ tộc Nguyễn Văn để lại thì vị Chánh Tiền khai canh của làng thuộc tộc họ này có gốc gác ở thành Thăng Long, khi đến định cư tại làng quê mới đã dùng từ kẻ để đặt tên nơi cư trú mới của mình. Thăng Long là một trong ba vùng có tỉ lệ cao về các làng có mang thành tố kẻ: Kẻ Noi (Cổ Nhuế), Kẻ Mọc (Nhân Mục), Kẻ Cót (Yên Quyết), Kẻ Mẩy (Mễ Trì) và Kẻ Mơ (Tương Mai và làng Hoàng Mai), Kẻ Bưởi (gồm những làng: Hồ Khẩu, Yên Thái, Trích Sài, Bái Ân)… Vì vậy việc các vị khai canh, khai khẩn của làng Diên Sanh đặt tên làng có thành tố kẻ là không có gì lạ.
Tương tự, tên làng Kẻ Lạng cũng được đặt theo gốc tích làng cũ. Theo di cảo của làng Lương Điền, tổ tiên ngày trước có gốc gác ở Lạng Phước, Tống Sơn, Thanh Hóa. Năm Đinh Tỵ (1497), theo lời phủ dụ của vua Lê Thánh Tông, các ngài của tộc Nguyễn Văn, Nguyễn Đình, Lê Văn cùng một số gia nhân, đinh tráng tự nguyện xuôi Nam lập nghiệp. Các ngài đã đến châu Thuận, khai khẩn và định cư tại ven bờ bắc sông Độộc (Ô Lâu). Năm 1508, ngài Nguyễn Văn Tước chính thức được tôn cử làm kẻ trưởng và thu nhận thêm những người phiêu bạt từ Đàng Ngoài vào lập nên làng Kẻ Lạng. Từ Kẻ Lạng bắt nguồn tên làng cũ Lạng Phước (Thanh Hóa) và qua nhiều lần đổi tên, làng này vẫn chọn những danh từ liên quan đến gốc gác xưa của mình: Lạng Uyên, Lương Phước, Lương Phúc hay Lương Điền ngày nay.
Trải qua thời gian, thành tố kẻ ở Hải Lăng đã có sự biến âm ở một số địa phương, từ kẻ được chuyển qua từ cái hoặc chuyển qua từ cấy. Đây là sự biến âm khá phổ biến ở Quảng Trị, ví dụ như cái thúng, cái cuốc biến thành cấy thúng, cấy cuốc… Vì thế chúng ta không lấy làm lạ khi một số người dân vùng này vẫn gọi Cấy Diên hay Cái Diên thay cho Kẻ Diên và Cái Vịnh hay Cấy Vịnh thay cho Kẻ Vịnh…
Về những làng có mang thành tố kẻ ở Hải Lăng, Quảng Trị
Làng Kẻ Diên: Hay còn gọi là Cấy Diên, Cái Diên, Duyên Sinh nay là Diên Sanh là một làng cổ của vùng đất Hải Lăng. Làng có tên trong Ô châu cận lục của Dương Văn An, được nhắc đến trong Đại nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn và cả trong Đồng Khánh địa dư chí, nó nằm trên trục đường thiên lý Bắc Nam và là trung tâm của huyện lỵ Hải Lăng.
Gốc gác các vị khai canh, khai khẩn của làng Kẻ Diên đều từ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ di cư vào, vị Chánh Tiền khai canh của làng thuộc tộc họ Nguyễn Văn, có gốc ở thành Thăng Long. Chợ Kẻ Diên còn là địa danh được biết qua bài ca dao mười quả trứng, một bài ca dao cổ được xếp loại hay nhất nói về tinh thần chịu khó của người Quảng Trị. Ngoài ra xứ này còn có món cháo vạc chờng/vạt giường (bánh canh) và có món lòng sả đậm đà hương vị quê hương, nức lòng du khách gần xa.
Làng Kẻ Đâu: Còn có tên là Đâu Trang, Đoan Trang, Trường Sinh và tên ngày nay là Trường Sanh, cũng là một làng cổ của Quảng Trị, đây là một trong “tứ đại xã” của vùng đất này. Làng Trường Sanh tiếp giáp với làng Kẻ Diên ở phía bắc và Kẻ Lạng ở phía nam. Những họ tộc đến khai khẩn vùng đất này có mặt từ thời nhà Hồ (1400 - 1406) với các họ: Lê, Võ, Nguyễn có gốc gác từ Ái châu. Vị tiền khai canh của làng là ngài Lê Thời Danh. Mãi đến thời Hồng Đức nhà Lê (1470 - 1497) sau cuộc đại di dân vào Thuận Hoá theo chiêu dụ của Lê Thánh Tông làng mới được thành lập. Nguyên xưa làng có năm giáp đó là Giáp Mỵ, Giáp Hậu, Giáp Trung, Giáp Đông và Giáp Phước nay thứ tự có tên là Mỵ Trường, Hậu Trường, Trung Trường, Đông Trường, do có địa hình tách biệt với làng mẹ nên Giáp Phước sau đó đã được nhập về xã khác, đó là làng Trường Phước của xã Hải Lâm ngày nay. Trường Sanh có dòng Ô Khê xinh đẹp nên thơ, có miếu Bà Lồi, một trong những phế tích hiếm hoi của người Chăm còn sót lại trên mảnh đất Hải Lăng.
Làng Kẻ Lạng: Còn có tên Cấy Lạng, Lãng Uyên, Lương Phúc, Lương Phước. Nay là làng Lương Điền. Làng Lương Điền phía nam giáp sông Ô Lâu, phía tây giáp núi Hạ Lĩnh, phía bắc giáp xã Hải Trường, phía đông là làng Hà Lộc (xã Hải Sơn).
Lương Điền xưa nổi tiếng với chợ Kẻ Lạng, vì chỉ đông buổi chiều nên chợ còn có tên là chợ Hôm hay chợ Hôm Lạng. Cùng tên với ngôi chợ xưa này là một bến đò cổ của làng, đây cũng là tuyến giao thông thủy quan trọng nối hai bờ của con sông Ô Lâu (Mỹ Xuyên của Thừa Thiên Huế và Kẻ Lạng của Quảng Trị). Hai bến đò này cùng với bến đò Câu Nhi (Hải Tân) kết nối qua trục tam giác ba làng để trở thành một địa danh Ba Bến, khu vực giao thương nhộn nhịp sầm uất thời bấy giờ.
Làng Kẻ Vịnh: Hay Cấy Vịnh, có tên xưa là làng Vĩnh Hưng, nay là làng Hưng Nhơn. Theo lịch sử của làng, vị khai canh thuộc dòng họ Lê Văn đến khai phá và sau đó lần lượt các họ: Nguyễn, Trần, Lê… Các ngài thỉ tổ khai canh đã đến nơi này từ vùng Thanh - Nghệ... Làng có cồn Đầu Trâu nổi tiếng, nguyên xưa là cồn mồ Đổng Thượng, sau được bồi đắp to dần và trở thành nơi cúng kỵ Đinh Bộ Lĩnh hàng năm của làng. Tại cồn Đầu Trâu trước đây vẫn thường diễn ra tập trận cờ lau của trẻ em trong làng và các làng lân cận. Làng có xóm Càng Hưng Nhơn, một địa hình cư trú đặc biệt của vùng đất Hải Lăng, nơi có ruộng đồng xanh tươi sông nước hữu tình. Kẻ Vịnh còn có cồn Bà Giàng cùng với tục thờ đá khác lạ với các thôn làng khác, đây có thể là một hiện tượng giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Việt - Chăm.
Làng Kẻ Văn: Nay là làng Văn Quỹ, ngôi làng này nép mình bên dòng Ô Lâu duyên dáng thơ mộng, làng có bốn xóm: Thượng An, Đông An, Thái Hòa, Phú Thọ mà người trong làng thường gọi xóm Đùng, xóm Trên, xóm Sau, xóm Giữa. Nơi đây có khu lăng mộ triều Nguyễn được công nhận di tích cấp tỉnh, có nhà Trường Thánh một nơi thờ tự tôn nghiêm. Kẻ Văn còn có chùa Vạn An với không gian yên bình cổ kính, có ngôi nhà thờ Kẻ Văn một trong những ngôi thánh đường được xây dựng sớm nhất tại Quảng Trị... Ngôi làng nên thơ này còn nổi tiếng với nhiều nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như: thêu ren, chằm nón...
Lược qua một số địa danh mang thành tố kẻ ở Hải Lăng - Quảng Trị, ngoài việc chúng ta biết thêm đôi nét về con người, lịch sử hình thành của các ngôi làng cổ của quê hương, còn là dịp chúng ta tìm hiểu về truyền thống quý báu của dân tộc. Những bậc tiền nhân, những người con đất Việt trong hành trình mở cõi, đã luôn đau đáu về cái nôi của con Lạc cháu Hồng khi tìm đặt, gọi tên cho những vùng đất mới bằng những cái tên Nôm hay thuần Việt mang gốc gác nguồn cội với tinh thần “ly hương bất ly tổ”.
K.G