Dương Văn An trong “Ô Châu cận lục” đã xếp Diên Sanh là một trong 19 xã thuộc huyện Hải Lăng thời bấy giờ. Sách “Đại Nam nhất thống chí” khi nói về huyện Hải Lăng có đoạn: “...Lỵ Sở và trường học trước ở xã Diên Sinh...”1.
Làng Diên Sanh có vị trí thuận lợi về giao thông với đường Thiên Lý chạy qua, mùa nước nổi thuận tiện cho việc đi lại bằng thuyền bè. Mặt khác, nơi đây được chọn làm trung tâm huyện lỵ nên việc buôn bán khá phát triển “Chợ Diên Sanh ở huyện Hải Lăng quán xá đông đúc, trong huyện lại có các chợ Thạch Hãn, Phương Lang”2. Thế nhưng, cho đến ngày nay, người ta còn biết đến dải đất này với hai tên gọi “Kẻ Diên” và “Diên Sanh”.
Tên gọi “Kẻ Diên” nay được ít dùng nhưng đã là con em Diên Sanh hiện đang sống ở quê nhà hay vì một lý do nào đó mà phải tha phương cầu thực vẫn không bao giờ quên hai tên gọi thân quen đó. Thực tế tên gọi Kẻ Diên đi vào cả trong ca dao, dân ca:
Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn
Tháng khốn, tháng nạn
Đi vay đi mạn, được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên
Mua một con gà mái về nuôi
Nó đẻ ra mười trứng . . .
Vấn đề đặt ra là tên gọi Kẻ Diên có từ bao giờ? Kẻ Diên và Diên Sanh tên nào có trước? Vì sao có hai tên gọi này?
Với vốn hiểu biết ít ỏi của mình, tôi mạo muội nêu ra một vài suy nghĩ để phần nào giải đáp những thắc mắc ấy.
Như ta đã biết, địa danh ở một nơi thường biểu thị cho đặc điểm từng địa phương nên bao giờ nó cũng mang theo tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc. Do đó, địa danh thường được giữ lại khá bền vững trong tâm tư tình cảm của nhân dân địa phương, tức là nó có tính bảo lưu khá mạnh mẽ.
Theo Nguyễn Văn Ân trong cuốn “Địa danh Việt Nam” (Nxb Giáo dục, 1993), thì việc đặt tên địa danh tuân theo những nguyên tắc nhất định như: Trong phần địa danh về kinh tế - xã hội có những nguyên tắc là: địa phương, đặc sản, tình cảm, nguyện vọng, huyết tộc, nghề nghiệp. Ví dụ Kẻ Vải trong nguyên tắc nghề nghiệp, Trần Xá trong nguyên tắc huyết tộc...
Tuy nhiên, địa danh theo dòng biến thiên của lịch sử có những biến đổi đáng kể làm cho việc hiểu cặn kẽ về chúng càng trở nên khó khăn phức tạp. Muốn hiểu được chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi đó. Nói về nguyên nhân thì vô vàn, ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập một vài nguyên nhân đó là: Do việc cải cách hành chính trong lịch sử, do kiêng húy hoặc do sự phát triển của ngôn ngữ, văn tự...
Trong việc cải cách hành chính, lịch sử nước ta, các triều đại sau thường muốn tiến hành cải cách xã hội cho phù hợp với điều kiện lịch sử đương thời, trong quá trình này địa danh cũng phải biến đổi cho phù hợp, cũng có khi do sự thay đổi về mặt hành chính ấy mà địa danh cũ không còn nữa. Thực tế ở Việt Nam sau l975, Chính phủ có chủ trương sát nhập các tỉnh thành trong cả nước nên một thời tên tỉnh Quảng Trị không còn mà người ta chỉ còn biết đến dưới tên gọi chung là Bình Trị Thiên. Cũng có khi đổi theo ý chí, nguyện vọng như đổi tên làng Cơ Xá thành làng Phúc Xá. Một nguyên nhân cuối cùng theo chúng tôi là do sự phát triển ngôn ngữ văn tự. Dân tộc Việt Nam có quá trình lịch sử lâu dài, trong quá trình ấy, ngôn ngữ văn tự cũng từng bước phát triển và hoàn thiện. Từ “Kẻ” theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu là chữ để dùng để chỉ đơn vị hành chính cấp cơ sở tương đương với làng xã sau này. Xuất của từ này là ở vùng Bắc Bộ và vùng Bắc Trung Bộ như Kẻ Mơ, Kẻ Trại, Kẻ Chiêm... Theo thời gian, một số từ cổ cũng thay đổi, có khi không còn sử dụng. Từ “Kẻ” là một trong những trường hợp như thế.
Lại nói về tên làng Diên Sanh, nguồn gốc của các vị khai canh, khai khẩn của làng đều từ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ di cư vào như vị Chánh Tiền khai canh của làng thuộc họ Nguyễn Văn. Theo gia phả để lại thì vị này có gốc ở thành Thăng Long, khi đến định cư tại làng quê mới có lẽ đã dùng từ “Kẻ” để chỉ đơn vị hành chính, nơi ở mới của mình. Cùng với Kẻ Diên của Diên Sanh ở huyện Hải Lăng trước đây, nhiều làng có tên bắt đầu bằng từ “Kẻ” như: Kẻ Văn, Kẻ Vịnh... Đến đây ta có thể kết luận được rằng Kẻ Diên là tên gọi có trước Diên Sanh. Ở một số làng ở Bắc Bộ tên chữ theo thời gian cũng có sự thay đổi như Kẻ Mơ đổi thành làng Thanh Mai, Kẻ Trầu thành Hoàng Trù thì việc Kẻ Diên thành Diên Sanh không có gì là bất hợp lý.
Tên Diên Sanh nếu hiểu một cách đơn giản nhất là kéo dài sự sinh sôi, nảy nở. Gọi tên mới Diên Sanh với mong muốn làm đẹp hơn, ý nghĩa hơn là muốn con cháu sinh sôi, phát triển. Một vấn đề băn khoăn, vậy tên làng Diên Sanh có từ bao giờ? Đây là bài toán có nhiều lời giải, riêng với chúng tôi sau khi tham khảo tư liệu điền dã ở địa phương các họ tộc và qua một số tư liệu thành văn có đề cập đến vấn đề này như Gia phả và bản di chúc của tộc Trần Văn (tộc 7) có khẳng định “…Làng Diên Sanh tục gọi là Kẻ Diên...”. Thế nhưng Dương Văn An khi viết “Ô Châu cận lục” vào năm 1553 không còn nhắc đến Kẻ Diên mà chỉ đề cập nhiều đến tên gọi Diên Sanh, từ đó cho phép chúng tôi khẳng định rằng Diên Sanh phải có trước thế kỷ 16. Ngược dòng lịch sử, sau khi đánh tan quân xâm lược Minh vua Lê đã ban chiếu an dân, lập lại sơn hà xã tắc do yêu cầu của việc cải cách hành chính có lẽ tên gọi Kẻ Diên được đổi thành Diên Sanh từ đó (khoảng thế kỷ 15).
Trên đây là một vài suy nghĩ về tên gọi của một làng quê, chắc chắn vẫn còn nhiều thiếu sót, rất mong được sự góp ý, trao đổi chân thành của độc giả.
T.N
______________
(1), (2) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí - Tập 1. Nxb Thuận Hóa - Huế, 1992, tr.100 và 184.