Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vụ trốn nhà giam ở phủ đường Hải Lăng của Trần Mạnh Quỳ

M

ùa đông năm 1939, một số đồng chí Tỉnh uỷ Quảng Trị được triệu tập về Huế để nghe phổ biến Nghị quyết 6 của Trung ương Đảng (11-1939) và thành lập lại Xứ uỷ Trung Kỳ.

Sau cuộc họp không lâu, tay chân của tên trùm mật thám Quảng Trị là Vi-da-lanh và nha lại phủ Hải Lăng lục tục kéo về làng Long Hưng khám nhà và bắt Trần Mạnh Quỳ về tội hoạt động chống phá đem về giam tại phủ đường Hải Lăng (đóng tại làng Diên Sanh).

Sở dĩ chúng bắt giam Trần Mạnh Quỳ không phải chúng biết được cuộc họp ở Huế, mà trước đó có cuộc mít-tin nhỏ để kỷ niệm 150 năm ngày Cách mạng tư sản Pháp (14-7-1789- 14-7-1939) ở phủ Hải Lăng, những người cách mạng có những vụ rải truyền đơn dọc đường quốc lộ 1 từ thị xã Quảng Trị vào phủ đường Hải Lăng với những khẩu hiệu: “Tinh thần cách mạng muôn năm”, “Ủng hộ phong trào dân chủ Đông Dương”, “Ban hành tự do dân chủ”, “Chống khổng bố, bắt bố”…

Vật chứng là những tờ truyền đơn chúng nhặt được chứng minh rằng những người Cộng sản đang hoạt động tích cực, chứ kẻ địch chưa biết được ai là người rải truyền đơn và tổ chức chỉ đạo thực hiện, mặc dù chúng nghi vấn do Trần Mạnh Quỳ tổ chức. Vì qua nhiều người bị bắt, bị tra tấn khai báo mà chúng biết được Trần Mạnh Quỳ làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị mới lên thay Hoàng Hữu Chấp vừa mới bị địch bắt. Trên thực tế Tỉnh uỷ mới được củng cố ở hội nghị Khe Đào (Làng An) và Trần Mạnh Quỳ được phân công về nắm tình hình vùng bắc Hải Lăng.

Trần Mạnh Quỳ cũng cho ta biết trong những ngày đầu chúng liên tục hỏi cung nhưng về sau hai đến ba ngày chúng mới hỏi một lần. Do đó ta phán đoán chúng chưa nắm được bằng chứng về hoạt động của Trần Mạnh Quỳ. Việc hỏi cung của chúng có tính thăm dò, điều tra, đánh đòn tâm lý.

Ngoài những giờ đi khai cung, Quỳ thường được các thầy lại trong phủ, và lính lệ gọi đến cho tham gia đánh tổ tôm, tài bàn. Trần Mạnh Quỳ vốn thạo các môn nầy từ những năm ở nhà lao Quảng Trị năm 1930..

Trong lúc này ý kiến cấp trên bảo Trần Mạnh Quỳ phải tìm mọi cách để trốn nhà lao. Văn Vĩnh Phúc lúc bấy giờ làm Bí thư chi bộ Đảng ở Long Hưng, vốn là một nông dân nhưng là nhân viên của sở lục lộ thuộc hạt Hải Lăng; hằng ngày có nhiệm vụ làm cỏ, tu bổ đường quốc lộ từ thị xã Quảng Trị vào ngã ba Diên Sanh nên rất thành thạo địa dư, đình chùa ở hai bên đường quốc lộ; và đã có sự liên lạc với Trần Mạnh Quỳ để thống nhất kế hoạch trốn nhà lao.

Cấp huyện, cấp tỉnh có ai tham gia góp ý kiến về kế hoạch trốn nhà lao với bí thư chi bộ thì đảng viên, quần chúng ở Long Hưng không ai có quyền được biết vì để giữ bí mật; nhưng kế hoạch đại thể như sau:

Qua các lần chơi tổ tôm hay tài bàn, Trần Mạnh Quỳ nắm chắc trong nha lại, lính lệ ai là người biết chơi và ham chơi môn này; gạ dần từ đánh chơi đến chỗ ăn tiền nhằm gây sự đam mê cờ bạc, ăn thua thật sự. Trần Mạnh Quỳ là người đề xuất ý kiến: Ai được sẽ chiêu đãi người thua. Theo kế hoạch, chọn một buổi chiều thuận tiện nhất sẽ gọi người bán cháo vịt vào để nhậu. Rượu ngon “xi ka” không những người bán cháo vịt đem theo để bán mà Trần Mạnh Quỳ cũng mua sẵn một hai chai giấu ở phòng giam. Sau cuộc chơi, là nhậu cháo vịt, thịt vịt luộc với rượu xika Kim Long nổi tiếng.

Bắt đầu cuộc chơi tổ tôm thì đồng chí Văn Vĩnh Phúc đã cử một hội viên trong hội Cứu tế Đỏ đem một bộ áo quần bà ba màu nâu để tại dưới chân bàn thờ của ngôi chùa làng Diên Sanh (chùa cách phủ lỵ Hải Lăng 400m sát bên đường cái), và một đảng viên khác đi chiếc xe đạp màu xanh đến quán bà Dê (tại ngã ba làng Diên Sanh) dựa xe đạp vào gốc cây cạnh nhà và đi vào quán gọi mấy dĩa bánh bèo để ăn; ăn xong trả tiền và ra đi. Chiếc xe đạp vẫn để nguyên chỗ cũ. Như vậy Trần Mạnh Quỳ có áo quần để cải trang và có phương tiện đi nhanh hơn đề phòng bọn lính lệ, nha lại đuổi theo.

Thịt vịt luộc chấm với nước mắm gừng rất hợp với khẩu vị. Khi nhậu có rượu ngon của vùng Kim Long- Kim Giao nên chả bao lâu số chơi tổ tôm bị say nhừ, lăn ra giường, ghế trường kỷ để ngủ. Phút chót là Trần Mạnh Quỳ ra cổng xin phép người gác cổng ra chợ mua ít đồ dùng rồi đi thẳng ra chùa lấy áo quần để cải trang và đến quán bà Dê lấy xe đạp theo đường số 1 theo hướng cầu Nhùng, và ra ga Quảng Trị.

Đến cầu Nhùng (làng Thượng Xá) không may xe đạp bị xì hơi nên ông Quỳ phải dắt xe đạp đi bộ ra tận cầu ga Quảng Trị. Tại đây, Trần Kim Chẩn (một hội viên Thanh niên phản đế) được Văn Vĩnh Phúc giao nhiệm vụ đem một chiếc xe đạp màu đỏ dựng sẵn bên chân móng cầu. Theo lời dặn từ trước, khi quan sát kỹ không có người qua lại thì Trần Mạnh Quỳ đến lấy chiếc xe đạp màu đỏ để đi ra ga Hà Thanh (thuộc huyện Gio Linh) và mua vé tàu lửa ra ga Vinh (Nghệ An).

Việc bố trí vượt nhà lao và Trần Mạnh Quỳ đã đi trót lọt. Sau ngày cách mạng tháng 8-1945, Trần Mạnh Quỳ có kể lại cho một số đồng chí biết là sau cuộc họp tại Huế Trần Mạnh Quỳ được bổ sung vào Thường vụ Xứ uỷ Trung Kỳ, được Xứ uỷ phân công ra phụ trách hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Sau khi trốn khỏi nhà giam tại phủ Hải Lăng bọn nha lại và tên Tri phủ cho người về Long Hưng gặp bà Nguyễn Thị Quý (thân mẫu của ông Quỳ) truy hỏi:- Trần Mạnh Quỳ, con trai bà ở đâu?

Với giọng nói trầm tĩnh, chắc nịch:- Bẩm quan trên- quan trên hỏi vậy tôi thật bất ngờ. Hôm trước quan phủ về bắt con tôi, có đọc “trát” bắt cho nhiều người nghe và quan đem theo Trần Mạnh Quỳ về phủ. Tôi dự định vài hôm sau khi thu hoạch xong mùa màng sẽ vào phủ trình quan lớn để quan cho tôi thăm con trai tôi và bảo nó có gì khai báo với quan phủ để mau chóng được về nhà làm ăn, nuôi hai đứa con nhỏ. Vậy mà bây giờ quan phủ lại hỏi tôi như vậy, thì tôi biết trả lời sao được?

Qua câu nói vừa dân dã, mộc mạc, đầy đủ tình lý nên bọn nha lại phải câm mồm trở về phủ đường. Nhưng trên thực tế bà Quý bí mật núp trong quán bà Dưng ở Long Hưng để nhìn con bà trong ngày trốn nhà lao ấy.

       T.K.H

 

 

 

 

________     

 (*) Trần Mạnh Quỳ tham gia cách mạng 1930; Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị 1937 và 1976-1977; 1939 Thường vụ Xứ uỷ Trung Kỳ; từ 1946 làm đại biểu Quốc hội nhiều khoá Đại tá, Cục trưởng cục dân quân toàn quốc; Thứ trưởng bộ Thuỷ Lợi; Phó tổng Thanh tra Nhà nước…

 

Trần Kim Hồ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 161 tháng 02/2008

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

14 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

19 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground