Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vượt suối vào Cù Bai

C

hiều mùa hạ. Những dãy núi cao đã ôm hết ánh mặt trời. Mây đen dựng lên nhanh chóng. Chẳng mấy chốc vây kín chúng tôi. Sấm ầm ầm, chớp ngoằn nghèo. Trời đổ mưa. Bác Hồ Văn Thanh* khu uỷ viên trưởng ban chỉ đạo miền Tây Vĩnh Linh kêu lên: “Nguy quá! Không kịp qua suối rồi”. Đoàn chúng tôi gồm sáu người. Hai chiến sĩ biên phòng. Anh Rai phụ trách thanh niên dân tộc. Anh Tâm phụ trách thương nghiệp, bác Thanh và tôi. Được sự chỉ đạo của Đảng uỷ và Uỷ ban nhân dân khu vực Vĩnh Linh, chúng tôi đi công tác lần này là để xây dựng phong trào chung cho miền biên giới. Chúng tôi leo núi đã ba ngày, lội qua hàng trăm con suối lớn nhỏ. Thế mà đến con suối này khó mà sang an toàn. Tất cả chúng tôi cải trang thành dân thường, mặc đồ bà ba nâu, trang bị khá đầy đủ: nào súng hộ thân chống biệt kích, chống phỉ, nào gạo, nào thức ăn, xoong nồi... Mỗi chúng tôi đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Suối vào Cu Bai khá rộng. Nó là ngọn nguồn của dòng Bến Hải. Ở Trường Sơn đông này, biết bao khe lạch đổ vào, rồi theo Hiền Lương ra biển cả. Vách núi hai bên dựng đứng. Đáy suối tạo thành một tấm đá phẳng lì. Nước trải đến bắp chân. Một thứ rêu kì quái mọc trên lòng suối; trơn như đổ mỡ, không tài nào bám chân được. Phía xuôi dòng suối là cái vực to rộng sâu thẳm. Nước xanh như mực, trông đến rợn người.

Mưa nặng hạt, chúng tôi cũng ập nhanh đến suối. Cướp thời gian, tôi và Khang đồn biên phòng qua trước. Tôi lội xuống không tài nào đứng vững. Gượng người dậy là ngã. Ngã đến mấy lần. Khang giúp tôi quàng thêm bao gạo vào lưng; cài thêm chiếc túi dết ngang đầu. Tất cả ướt luốt nhuốt. Chúng tôi ngồi xếp bằng trên phiến đá rêu. Hai tay chống thẳng xuống nước về trước, tạo tư thế kiềng ba chân. Nhờ lực cơ học của dòng nước đẩy nhẹ chúng tôi sang bờ. Chúng tôi đang trượt tịnh tiến. Không may tôi húc phải mô đá ngầm, lăn chao đảo. Nhanh như chớp Khang vớ cẳng tôi giật lại! Hết hồn!- Cả hai đều bám được bụi cây ven suối. Lên khỏi mặt nước thì nước nguồn đổ xuống ào ào. Nước dâng nhanh, kì lạ. Ngoảnh lại bên kia bác Thanh, các đồng chí nước to quá không qua được. Đoàn chúng tôi bị ngăn cách đôi bờ. Hai nhóm người cứ lùi nhau tránh nước. Nước đổ xuống ghê gớm. Dòng nước đỏ như gạch, phăng phăng cuốn đi những bụi cây, cành lá.

Bác Thanh nói vọng sang: “Chờ nhau ở ven suối, nước rút ta sẽ đi”. Tôi nhanh nhảu:- Vâng! Vâng! Chúng cháu đang chờ bác và các đồng chí đó. Bác Thanh quê ở Vĩnh Lâm. Người dong dỏng cao, nước da trắng. Sống ở đây chúng tôi xem bác như cha. Mưa càng to; nước ào ào đổ như thác. Giờ đây chỉ nghe tiếng nước chảy hoà lẫn với tiếng gió rít của cây ngàn. Chúng tôi mất liên lạc. Trời tối. Bóng đêm trùm xuống núi rừng. Biết làm sao đây. Trăm sự của tôi là nhờ Khang. Khang chọn cho hai chúng tôi một chỗ cao ráo khá tin cậy để náu thân. Dưới mái ni lông chúng tôi thầm lặng, nghe rõ tiếng thở nhịp nhàng của nhau. Tại sao Khang không chuyện trò cho vui. Có phải chăng là phải tuyệt đối giữ bí mật để tránh phỉ, tránh thú rừng. Rất lo! Nó phát hiện ra hai người làm sao chống đỡ nổi.

Ùng! Oàng!... Ùng! Oàng!. Pháo cầm canh của địch bên kia đường chín vọng tới, dưới Quán Ngang vọng lên. Súng địch mỗi lúc một to. Tim tôi thình thịch, tôi hỏi Khang. Có việc gì không? Khang cười nhẹ: “Yên trí không việc gì đâu”. Chúng tôi lại im lặng. Một sự im lặng nặng nề.

Sang canh. Bỗng một tiếng hú vọng lên. Khang bật ra khỏi mái ni lông như lò xo và hú trở lại. Âm thanh kéo dài tan dần trong núi. Tiếng hú vang lên phá đi yên tĩnh. Tôi hoảng hốt hỏi Khang:- Cái gì thế mày “Khang đáp, tín hiệu liên lạc bên kia đấy”. Thở phào, tôi mừng trong bụng. Tôi vui hẳn lên. Không khí trầm lặng u ám mất dần. Tôi trò chuyện cùng Khang chờ đêm sáng. Khang ít nói, lứa tuổi thua tôi. Quê anh ở Quảng Trạch, Quảng Bình. Cha mẹ làm nông nghiệp, Khang đã có người yêu. Người yêu là một cô giáo dạy trường làng. Từ dạo lên biên giới Khang cũng ít nhận được thư nhà. Vào bộ đội Khang công tác đồn tiền tiêu đã hai năm. Chuyến công tác lần này Khang phải bảo vệ chúng tôi đi đến nơi về đến chốn. Còn tôi một giáo viên xứ Nghệ, kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, cùng một số bạn bè được điều vào khu vực Vĩnh Linh, khu giới tuyến quân sự tạm thời. Xa cha mẹ, xa người thân nhiều khi cũng thấy trống trải trong lòng. Một điều rất vinh dự của tôi là được kết nạp vào Đảng. Ý nghĩ toát lên, xua đi những gì vướng mắc. Đó là trách nhiệm của người Đảng viên Đảng Cộng sản mà Đảng đã giao cho. Cũng như các đồng chí: Hoàng Miên, Nguyễn Kham, Hoàng Kim Lục, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Xuyên, Nguyễn Đức Khanh và nhiều đồng chí khác nữa... Những người con thân yêu của quê hương Quảng Trị kể cả bên kia Hiền Lương vượt tuyến ra Bắc, đang cùng nhau xây dựng giáo dục trên mảnh đất lịch sử này. Lo đến trách nhiệm, nghĩ đến học sinh, mà quên đi bao nỗi nhọc nhằn. Biết đâu ở cái giờ phút này: Hồ Thị Oi, Hồ Ven, Hồ A Chan, Hồ Xà Rừm...những học sinh dân tộc Vân Kiều thân yêu đang chờ thầy lên, đang mong thầy tới. Họ sẽ cùng thầy về trường học tập sau những ngày nghĩ xa vắng. Tương lai của núi rừng đang mong chờ ở họ.

Câu chuyện giữa tôi và Khang cứ trôi theo thời gian. Gà rừng gáy dồn, trời sáng lúc nào không biết. Chim rừng ríu rít cùng nhau xa tổ. Tôi và Khang đứng dậy chuẩn bị hành trang. Kiểm tra bắt hết những con vắt bám chặt vào người. Thân hình máu loang lổ. Chúng tôi nhìn sang:

- Hoan hô! Hoan hô! Bác Thanh và các đồng chí đã qua suối. Gặp nhau, chúng tôi tay bắt mặt mừng. Bác Thanh nhìn chúng tôi với vẻ mặt âu yếm: “Sao? đồng chí Can, đồng chí Khang có việc gì không?”

Tôi vui vẻ: - Dạ! Thưa Bác không việc gì ạ! Ta đi thôi ạ! Thế là, tất cả lại lên đường...

      Mùa hạ 1960

B.N.C

 

 

 

 

________

* Bác Hồ Văn Thanh sinh năm 1914 tại xã Vĩnh Lâm- Vĩnh Linh- Quảng Trị. Bác là khu uỷ viên khu vực Vĩnh Linh, Trưởng Ban Chỉ đạo miền núi Vĩnh Linh. Về sau, Bác phụ trách tổ chức khu uỷ và đã hy sinh ngày 23-6-1967 tại Địa đạo Vĩnh Quang (Cửa Tùng) Vĩnh Linh- Quảng Trị.

 

Bùi Ngọc Can
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 158 tháng 11/2007

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground