Cầu Hiền Lương lịch sử -Ảnh: TRÀ THIẾT
Quảng Trị là đất lửa, giới truyến - nơi có dòng sông tuyến. Những năm đất nước bị chia cắt, Quảng Trị cũng bị chia đôi. Sau ngày thống nhất đất nước, không lạ gì đối với những người mê đắm văn chương như tôi đều hướng về Quảng Trị, bởi nắng gió và khói lửa chiến tranh nơi đây đã thổi hồn vào từng con chữ, đậm đặc những trang văn mang chất liệu cuộc sống của con người và những vỉa tầng văn hóa nhân văn. Chỉ viết về đôi bờ sông tuyến đó thôi, văn học thời hậu chiến đã chiếm lĩnh bao nhiêu giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhìn lướt qua, bắt đầu là “Ký sự miền đất lửa” (giải A, 1980) của Nguyễn Sinh và Vũ Kỳ Lân, sau đó là hàng loạt tác phẩm của Xuân Đức và chỉ có Xuân Đức mới nhận được giải thưởng nhiều như thế khi chỉ “canh tác” trên đồng ruộng quê nhà: “Cửa gió” (giải A, 1982), “Người không mang họ” (giải A, 1984), “Bến đò xưa lặng lẽ” (giải A, cuộc thi tiểu thuyết 2002-2004)... rồi nhiều, rất nhiều kịch bản sân khấu giành các loại giải thưởng... Theo thống kê chưa đầy đủ của tôi, Xuân Đức có khoảng trên 50 kịch bản văn học. Chưa tính 2 kịch bản vừa được dàn dựng gần đây là “Người con gái sông Bồ” (Nhà hát kịch Quân đội) và “Những đứa con thời loạn” (Nhà hát Ca kịch Huế). Có lẽ, cùng với Lưu Quang Vũ, Xuân Đức cũng là nhà văn có tư duy văn học kịch, nên tác phẩm của ông không chỉ nhiều về số lượng mà còn hầu như kịch bản sân khấu nào của ông cũng đạt giải thưởng hoặc huy chương vàng hội diễn.
Viết nhiều, viết rộng và sâu thăm thẳm hơn cả lòng địa đạo quê mình, nhưng tựu trung văn chương Xuân Đức thuộc phạm trù văn học chiến tranh và hậu chiến. Những năm tháng sống và chiến đấu ở đất lửa, trong cuộc chiến tranh sinh tử mà nhà văn và đồng bào mình, những người thân cật ruột của mình đã nếm trải, đã thấm vào máu thịt, tạo nên giọng điệu tâm hồn ông, cho ông cái quyền là người được phát ngôn cho mảnh đất quê mình. Với bất kỳ thể văn, đề tài, không gian và thời gian nào cũng được ông viết ra bằng cái nhìn và tâm thức của người con đất lửa, bằng chính sự trải nghiệm của cả cuộc đời, không tách ra khỏi quê nhà nửa bước. Có lẽ, lần đi xa lâu nhất của ông là ba năm học Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa 1, 1979-1981). Gamzatov từng nói rằng: “Người ta có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”.
Xuân Đức đã từng kể rằng, có người cứ chất vấn ông, sao cứ bám mãi vào cái làng xưa, nơi đó có gì mà viết mãi về nó, ông trả lời ngắn gọn chỉ có mấy từ, vì “chỗ đó có tôi” (Mảnh làng trong tôi). Ngày xưa, ông ở trong làng. Còn bây giờ, làng ở trong ông. Ông đi bất cứ đâu đều mang theo làng, làm bất cứ việc gì đều có làng hiện diện, viết bất cứ chữ nào đều có hồn làng, có hơi ấm của làng quê.
Nhà văn Xuân Đức -Ảnh: T.L
Đời người cũng như đời sông, có đoạn cong đoạn thẳng, nhưng văn chương ông vẫn cần mẫn, miệt mài, chỉ một dòng uốn lượn giữa đôi bờ con sông Bến Hải. Đã có lần ông thổ lộ: “Tôi sinh ra ở Vĩnh Linh, quê cha ở bờ Nam, quê mẹ ở bờ Bắc sông Bến Hải”. Không biết trong suốt cuộc đời bảy mươi tư năm tại thế, ông đã có bao nhiêu lần qua về dòng sông lịch sử ấy. Đôi khi nhìn ông đứng trầm tư, dáng cao gầy, cong nghiêng cũng giống như sông, tôi có cảm giác dường như ông đứng đó đã từ lâu lắm. Nơi ông được sinh ra là cái làng nhỏ thuộc xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh, Quảng Trị, chỉ cái làng nhỏ như lòng bàn tay đó thôi, đã bị đạn bom cày đi xới lại nhiều lần, làm hằn sâu những đường chỉ tay tai ác mà con người không hề muốn có. Và nó đã đi vào không dưới bảy mươi tác phẩm, lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau mà không hề có sự lặp lại, cho dù là tiểu tiết.
Tài năng “tái cấu trúc” của nhà tiểu thuyết chính là ở chỗ biết dùng nội lực tâm hồn bẻ gãy nhiều góc cạnh không gian và thời gian để tạo nên một thực tại mới đẹp lung linh, lộng lẫy hơn, mang giá trị nhân văn cao cả và tầm vóc văn hóa lịch sử lâu đời của vùng đất thiêng liêng, nơi là “cửa ngõ” của cha ông trên con đường mở cõi về phương Nam. Là người có tư duy tiểu thuyết, nên thành công lớn nhất của Xuân Đức là tiểu thuyết sự kiện và văn học kịch. Đó là kiểu tư duy biết khái quát, tổng hợp xâu chuỗi các sự kiện, có khả năng xáo trộn, đảo ngược trật tự không/thời gian và diễn ngôn một cách mạch lạc, vẫy gọi người đọc cùng tham gia vào câu chuyện mình đang kể với tất cả những mâu thuẫn, xung đột, đầy kịch tính... Tóm lại, là người biết “bịa chuyện” dài hơi, từ những trữ lượng chất liệu đời sống bao nhiêu năm chưa hề vơi cạn, những vỉa tầng văn hóa nhân văn liên quan mật thiết đến số phận con người. Văn chương ra đời và tồn tại vì con người. Sức sống của hệ hình văn chương Xuân Đức chính là con người - vì bản chất người của con người - thông qua hệ thống nhân vật.
Hình tượng những nhân vật như Lợi (Cửa gió), Trương Sỏi, Khánh Hòa (Người không mang họ), Đọt (Bến đò xưa lặng lẽ)... những con người anh hùng, những số phận éo le, chống chọi trong cuộc chiến tranh dữ dội, trong dòng đời nghiệt ngã, có sức sống lâu bền trong tâm tưởng người đọc nhiều thế hệ. Vấn đề đốt cháy tận đáy tâm hồn nhà văn là số phận con người trong và sau chiến tranh.
Vì vậy, đối lập với hình tượng lớn lao, bao trùm là khí phách anh hùng của Nhân dân trong cuộc đối đầu sinh tử với kẻ thù, chính là hình tượng cái ác của chiến tranh hủy diệt, tận diệt cả những mầm sống từ trong lòng đất, nó tàn phá đến thời hậu chiến và cho đến nay, sau gần tròn nửa thế kỷ, nó còn tiếp tục hiện hình trong nỗi đau giày xéo cả thể xác và tâm hồn con người. Đó là loại hình tượng vô hình, không tên tuổi, địa chỉ, nhưng là hình tượng có thật trong tác phẩm của nhà văn, tồn tại bên cạnh hình tượng tác giả.
Thông qua giọng văn chân chất, như được truyền trực tiếp từ đời sống vào trong tác phẩm, những gì mà nhà văn vắt kiệt tâm hồn đem hong phơi dưới gió Lào cát trắng, là những sinh thể nghệ thuật có sức sống bền lâu. Chỉ tính riêng tiểu thuyết “Người không mang họ” đã được tái bản nhiều lần với số lượng bản in lên đến vài chục vạn bản, là hiện tượng hiếm hoi trong thời buổi văn chương đang trở nên nhạt nhẽo dần trong thực đơn tinh thần của người đọc ngày nay. Đây cũng là tiểu thuyết được dịch ra tiếng Anh, tiếc rằng khi tác phẩm đã được dịch xong, vừa hoàn thành khâu biên tập, thì nhà văn đã vội vã ra đi.
Trước khi ra đi như một định mệnh (ngày 20/6/2020), khi nhiều công việc còn đang dang dở, cách đó hơn mười năm Xuân Đức đã từng ngẫm ngợi: “Tổng kết lại một đời viết văn, tôi có cảm giác y như triết lý sắc sắc, không không của đạo Phật. Hình như cái gì tôi cũng có mà hình như chẳng có cái gì... Cả bể sống lăn vào tôi, tôi lăn vào trang sách, rồi trang sách của tôi lại lăn vào bể sống... ấy là nghiệp chướng và vòng luân hồi của văn chương”. Nhưng anh Xuân Đức ơi, sinh, lão, bệnh, tử cũng là lẽ vô thường, ẩn sâu trong thế giới sắc không, là quy luật tất yếu của đời người. Giá như thời gian cứ đi, đi đâu thì đi; nó cứ đổi thay, còn con người thì đừng thay đổi (cả thân xác và tâm hồn), có phải bây giờ, khi dịch giã yên yên, tôi ra Đông Hà còn được gặp anh uống vài cốc rượu, có phải vui không! Giờ “chỉ là ước mơ thôi”. Đó là do lỗi bởi thời gian không chịu đi, cứ bắt con người đi xa thăm thẳm, không bao giờ còn quay lại được ngày xưa...