Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị

*Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị

Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7-4-1907 trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Được giáo dục và bồi dưỡng bởi truyền thống yêu nước nồng nàn của gia đình và quê hương; hàng ngày, hàng giờ chứng kiến cuộc sống cùng cực của người dân mất nước, khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí đã ôm ấp trong mình một hoài bão lớn: tham gia hoạt động cách mạng để cứu nước, cứu dân. Tháng 6-1930, đồng chí Lê Duẩn trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, sinh hoạt tại Đảng bộ thành phố Hà Nội. Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã đến với con đường giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Vừa đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí đã tỏ rõ là một đảng viên xuất sắc, được tổ chức tín nhiệm cử làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Sau đó đồng chí bị địch bắt ở Hải Phòng và bị kết án 20 năm tù cầm cố, lần lượt bị giam tại các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Sự tàn bạo của kẻ thù trong các ngục tù không làm đồng chí khuất phục, trái lại, càng tôi luyện thêm ý chí, rèn đúc trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng để trở thành người lãnh đạo kiên cường của Đảng và nhân dân.

Tháng 10-1936, cùng với nhiều chiến sĩ cách mạng, đồng chí Lê Duẩn được trả tự do. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ từ Quảng Trị, Thừa Thiên, đến các tỉnh Nam Trung Bộ... những nơi có phong trào cách mạng sôi nổi đều gắn với tên tuổi và hoạt động của đồng chí trên cương vị là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Đồng chí đã có công lao to lớn trong việc chỉ đạo xây dựng lại Đảng bộ các tỉnh miền Trung đã bị vỡ do đế quốc đàn áp, khủng bố, khôi phục Xứ ủy Trung Kỳ, phát động phong trào đấu tranh của quần chúng thành cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống sưu, thuế, xây dựng Mặt trận Dân chủ hầu khắp các tỉnh Trung Bộ, đề xuất ý kiến thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương, chống phát xít, chống chiến tranh.

Năm 1939, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và được phân công vào Nam để cùng với các đồng chí lãnh đạo địa phương tham gia điều hành công việc của Trung ương. Những năm tháng hoạt động này, đồng chí đã có những cống hiến quý báu. Bằng sự nhạy cảm chính trị, đồng chí cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11 năm 1939 - Một hội nghị mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam từ đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh chuyển sang đấu tranh nhằm mục tiêu trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc, thực dân, phong kiến tay sai. Sau hội nghị này, đồng chí Lê Duẩn bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí cùng với những người bạn chiến đấu trở về vùng duyên hải tỉnh Sóc Trăng đúng vào ngày tiếng súng chống Pháp của quân dân Nam Bộ bùng nổ. Được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao trọng trách Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, trên “một chiếc xuồng con dập dềnh sóng nước” đồng chí đã ngược xuôi kênh rạch rừng U Minh, Đồng Tháp Mười... khảo sát, nắm bắt tình hình. Với tầm nhìn của mình, qua thực tiễn chiến trường, đồng chí đã báo cáo ra Trung ương về tình hình Nam Bộ, các đặc điểm của cách mạng Việt Nam, trăn trở suy nghĩ để đóng góp ý kiến chuẩn bị Văn kiện Trung ương trình Đại hội Đảng sắp tiến hành ở Việt Bắc. Nhiều ý kiến đề xuất của đồng chí từ chiến trường, quan điểm về vai trò của nông dân, trí thức của cách mạng dân tộc dân chủ, về một số chính sách lớn của Đảng cần ban hành và được thể hiện tại Văn kiện Đại hội II của Đảng năm 1951.

Trên cương vị là người lãnh đạo chủ chốt, đồng chí đã cùng với tập thể Xứ ủy Nam Bộ, sau đó với Trung ương Cục miền Nam giải quyết một loạt vấn đề cơ bản và cấp bách lúc bấy giờ như thiết lập sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, thống nhất các lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích và đi vào đường hướng đúng, củng cố liên minh công nông, tăng cường mặt trận dân tộc, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân cả nông thôn và thành thị đứng lên cứu nước; phát huy vai trò tích cực của nhân sĩ, trí thức, thu phục và lôi kéo các tôn giáo; kiên quyết lãnh đạo thực hiện từng phần chính sách ruộng đất, đem lại quyền lợi thiết thực cho nông dân nghèo trong vùng ta kiểm soát. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân, củng cố vững chắc liên minh công nông và thực hiện triệt để chính sách đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến ở Nam Bộ đã thực hiện được tính chất toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến.

Gắn bó với đồng chí và đồng bào miền Nam, lãnh đạo quân và dân Nam Bộ tiến hành kháng chiến ròng rã trên 3.000 ngày đầy gian khổ, hy sinh, nhưng vô cùng anh dũng, lập nên những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng biểu dương: Nam Bộ thật xứng đáng là thành đồng Tổ quốc, bền bỉ chống lại thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bè lũ Việt gian bán nước. Càng đấu tranh gian khổ, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ lại càng hăng hái, kiên quyết, càng được thử thách, lại càng tỏ rõ đức tính kiên cường, bất khuất của mình. Cảm phục về sự hoạt động nhiệt thành, lối tư duy năng động, sáng tạo và trí tuệ uyên bác mà nhiều tri thức yêu nước, cán bộ cách mạng và đồng bào Nam Bộ đã ví Lê Duẩn như: “ngọn đèn hai trăm nến” để tôn vinh trí tuệ sáng suốt và sự chỉ đạo sâu sát, mưu lược kỳ diệu của đồng chí.

Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng. Đế quốc Mỹ mưu toan thực hiện ý đồ chiến lược toàn cầu phản cách mạng và miền Nam Việt Nam được chúng chọn làm địa bàn thực hiện cuộc phản kích chiến lược. Trong lúc nhiều người bịn rịn chia tay người thân tập kết ra miền Bắc, giơ hai ngón tay hẹn nhau đầy lạc quan, đồng chí đã khóc và nói với anh em: “Hai mươi năm nữa chúng ta mới gặp nhau”. Phải chăng là ngẫu nhiên mà câu hẹn lại trở thành lời đoán trước.

Được Bác Hồ và Trung ương Đảng đặc biệt tin tưởng cho được ở lại miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã bí mật hoạt động, gây dựng phong trào, chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài. Suốt hơn 800 ngày đêm trong điều kiện bị địch vây lùng và khủng bố vô cùng tàn khốc, đồng chí có mặt trên khắp các chiến trường ở miền Tây, miền Trung, miền Đông Nam Bộ và cả trên vùng đất Nam Tây Nguyên, luồn sâu giữa lòng Sài Gòn - Chợ Lớn để nắm tình hình thực tiễn, xây dựng và tổ chức lại các tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng, tìm đường đi cho cách mạng miền Nam. Nhờ sâu sát thực tế và óc nhạy cảm, đồng chí đã hiểu sâu sắc tình hình, hiểu sâu bản chất yêu nước, dám hy sinh chiến đấu cứu nước của nhân dân Nam Bộ, đồng chí đã đánh giá đúng tình thế và xu hướng vận động của tình hình và soạn thảo văn kiện nổi tiếng Đề cương cách mạng miền Nam. Cả bộ máy CIA và mật vụ dày đặc của chính quyền Sài Gòn không thể ngờ bản Đề cương cách mạng miền Nam được soạn thảo tại trung tâm đầu não của chúng dưới ngòi bút của đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí đã xứng đáng với sự tin cậy của Bác Hồ và Bộ Chính trị.

Giữa năm 1957, đồng chí Lê Duẩn được điều ra Hà Nội công tác. Đồng chí được giao chuẩn bị nghị quyết về đường lối giải phóng miền Nam. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, đồng chí đã ngày đêm suy nghĩ vạch ra chủ trương và phương pháp, bước đi cho cách mạng miền Nam sao cho ít tổn thất nhất, lại phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn và phức tạp. Bởi vì, lúc này đường lối “Cùng tồn tại hòa bình”, là tư tưởng chi phối trong phong trào Cộng sản Quốc tế.

Là người hiểu rõ tình hình miền Nam, lại là người được Bác Hồ giao trách nhiệm cao trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, song đồng chí Lê Duẩn luôn tích cực lắng nghe và thúc đẩy các cuộc trao đổi ý kiến để đạt được sự nhất trí cao trong cơ quan lãnh đạo của Đảng, tiến tới ra Nghị quyết Trung ương lần thứ 15. Chính vì trong bối cảnh như thế nên Nghị quyết Trung ương 15 phải họp hai đợt trong 7 tháng trời. Đề án phải sửa chữa, bổ sung, soạn thảo gần ba mươi lần, chưa kể thời gian chuẩn bị đề án mất hai năm ở miền Bắc và hơn ba năm ở miền Nam. Nghị quyết 15 là kết tinh trí tuệ sáng tạo của Đảng và đồng chí Lê Duẩn.

Khắp miền Nam, cán bộ, đảng viên và nhân dân đón tiếp Nghị quyết 15 như “đang nắng hạn gặp mưa rào”, đã vùng lên chuyển từ thế đấu tranh chính trị thành thế chủ động tiến công địch trên các vùng, giành thắng lợi từng bước và tiến lên đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ”.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn đã dành hết tâm lực của mình chuẩn bị Báo cáo Chính trị Đại hội III. Một lần nữa đồng chí Lê Duẩn sáng tạo ra con đường cách mạng của hai miền chưa từng có trong lịch sử cách mạng nước ta và trên thế giới. Đó là đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam; kết hợp chặt chẽ cách mạng hai miền nhằm mục tiêu chung giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất nước nhà, bảo vệ hòa bình thế giới. Tầm nhìn chiến lược và những đóng góp của đồng chí đã được Đảng ta thừa nhận trong vị trí của người Bí thư thứ nhất của Đảng ở Đại hội III này. Đường lối độc lập tự chủ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III vạch ra, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bí thư thứ nhất của Đảng - đồng chí Lê Duẩn - đã phát huy đầy đủ sức mạnh của dân tộc, của thời đại, đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của đất nước ta bước sang trang mới.

Tháng 3-1965, quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam. Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đồng chí Lê Duẩn đã phân tích so sánh lực lượng hai bên với quan điểm đánh giá đúng ta mới có thể xem xét trúng kẻ địch và xu thế phát triển của tình hình làm căn cứ để hoạch định chiến lược chính xác, không mạo hiểm, nhưng vẫn giữ vững được quyền chủ động về chiến lược trong chiến tranh. Trong một cuộc họp của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn nói:Chúng ta muốn thắng Mỹ điều quan trọng là chúng ta không được sợ Mỹ, cũng không được sợ Trung Quốc và Liên Xô.

Cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân là một sáng tạo đặc sắc trong nghệ thuật chiến tranh cách mạng Việt Nam. Chiến lược tiến công sắc sảo của đồng chí Lê Duẩn cũng thể hiện trong quyết định của tập thể Bộ Chính trị mở cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 nhằm đánh bại ý chí xâm lược của địch. Ta đồng loạt đánh vào cơ quan đầu não của Mỹ - nguỵ, đặc biệt ở Sài Gòn, trong đó đánh thẳng vào Tòa đại sứ Mỹ và hàng chục thành phố miền Nam là một đòn chiến lược bất ngờ làm chấn động cả nước Mỹ, thúc đẩy phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.

Đặc biệt, từ tháng 9-1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí đã đem hết năng lực trí tuệ, tài nghệ lãnh đạo chiến tranh cách mạng, cùng với toàn Đảng, toàn dân ta đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Mỹ thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn, ta kịp thời tập trung quân chủ lực mở chiến dịch đường 9 - Nam Lào, rồi chiến dịch giải phóng Quảng Trị, thu hút quân Mỹ và chủ lực ngụy, tạo cho chiến trường Khu V và Nam Bộ phát triển. Thất bại liên tiếp, từ giữa năm 1972, Mỹ dồn sức mở cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị, tập trung không lực suốt 12 ngày đêm đánh phá dữ dội miền Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, hòng làm Đảng ta và nhân dân miền Bắc phải chấp nhận cái giá phải trả trên bàn đàm phán, nhưng thực tế là ngược lại. Mười hai ngày đêm địch đánh phá, Bộ chỉ huy tối cao và người đứng đầu là Lê Duẩn không rời Hà Nội một ngày, trực tiếp chỉ đạo và chứng kiến thắng lợi lừng lẫy ghi vào lịch sử trận “Điện Biên Phủ trên không”. Trong cuộc đấu lý quyết liệt trên mặt trận ngoại giao, đồng chí đã chỉ đạo một nguyên tắc chiến lược cho đàm phán nhất định không chịu nhân nhượng là: Mỹ phải rút hết quân ở miền Nam Việt Nam, còn quân ta ở lại.

Đúng như dự đoán của đồng chí, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam từ năm 1973-1974 có những chuyển biến mới, đã tạo nên thời cơ. Bộ Chính trị đã mở hai hội nghị liên tiếp (từ tháng 9 và 10-1974 đến 12-1974) với sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí Lê Duẩn đã phân tích và nói rõ: Trong tình hình ta đánh một đòn lớn, địch đảo lộn, ta phải đánh tan rã, đánh như chẻ tre. Do đó, các chiến trường tích cực thực hiện kế hoạch đánh địch và xây dựng lực lượng ta về mọi mặt, chuẩn bị thật khẩn trương về chiến lược: tích cực, chủ động, kiên quyết, linh hoạt, tạo yếu tố bất ngờ, bất ngờ về chiến lược dẫn đến những bước phát triển nhảy vọt. Việc tạo thời cơ và chớp thời cơ lúc này là rất cần thiết. Bất cứ tình huống nào cũng không được để lỡ thời cơ chiến lược.

Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch chiến lược hai năm (1975-1976), nhưng còn dự kiến một phương án khác thời gian ngắn: nếu thời cơ đến vào đầu năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Về thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam, đồng chí Lê Duẩn nói: Lúc này chúng ra đang có thời cơ, hai mươi năm chiến đấu mới tạo ra thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng chí quyết định: Phải nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể chậm, quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hai mươi năm bền bỉ chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, trong mỗi quyết sách đối nội cũng như đối ngoại, trong mỗi thắng lợi ở tiền tuyến cũng như hậu phương, trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán đều in đậm những dấu ấn tư duy độc lập, trí tuệ sáng tạo, luôn trăn trở với những vấn đề cuộc sống đặt ra, tìm tòi cái mới và nghị lực phi thường của đồng chí Lê Duẩn.

Từ năm 1976, tiếp tục cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí đã tập trung nhiều công sức vào việc hoạch định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ước mơ cháy bỏng của đồng chí là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước, nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy vậy, sau khi giải phóng miền Nam, đất nước ta rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, lại bị Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ bao vây, cấm vận, đồng chí Lê Duẩn chủ trương nhân đà thắng lợi, cố gắng thắt lưng buộc bụng tranh thủ thời gian vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa xúc tiến công nghiệp hóa nước nhà, xây dựng cơ sở vật chất bước đầu cho một nền kinh tế độc lập tự chủ để có đủ sức đối phó với những bất trắc xảy ra. Công cuộc xây dựng vừa mới bắt đầu thì đất nước lại phải tiếp tục tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội do vậy bị đẩy lùi một bước nghiêm trọng. Đại hội IV (năm 1976) và Đại hội V (năm 1982) của Đảng cũng như tại các Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp vô cùng quan trọng đối với việc hoạch định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong những điều kiện khác nhau, cả thời điểm thuận lợi cũng như lúc gặp khó khăn, cả khi những vấn đề lý luận và thực tiễn đã sáng tỏ cũng như khi những tư tưởng, quan điểm đang trong quá trình tìm tòi, đồng chí luôn đào sâu suy nghĩ, kiên trì nghiên cứu và thể nghiệm, luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cách mạng Việt Nam.

Đối với đường lối đổi mới của Đảng ta, đồng chí Lê Duẩn đã “bật đèn xanh” ngay từ đầu, ủng hộ mạnh mẽ việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, trước hết là đổi mới cách khoán sản phẩm cho người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp từ năm 1981. Đúng như lời nhận xét trong Điếu văn của đồng chí Trương Chinh đọc trong lễ tang đồng chí Lê Duẩn: “Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp. Lịch sử nước ta mãi mãi khẳng định công lao to lớn và cống hiến xuất sắc của đồng chí”. “Là đại diện lỗi lạc của đội ngũ những người cách mạng Việt Nam, những người đã lãnh đạo và đưa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam bị áp bức đến thắng lợi hoàn toàn1. “Đồng chí là biểu tượng hùng hồn của những đức tính cách mạng tuyệt vời2.

* * *

Rời quê nhà tham gia cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ, với quê hương mặc dù thời gian trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo không nhiều, nhưng đồng chí Lê Duẩn thường đau đáu hướng về Quảng Trị nghèo khó nhưng ân nặng nghĩa tình và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng bào, đồng chí và nhân dân.

Sau gần 10 năm rời xa quê hương tìm đường đến với cách mạng, tháng 10-1936, vừa ra khỏi nhà tù đế quốc, đồng chí tìm về ngay với Quảng Trị. Nén chặt nỗi đau vô hạn trước cái chết của mẹ, đồng chí nhanh chóng liên lạc với các đảng viên và quần chúng cách mạng để tiếp tục hoạt động. Với tư duy năng động, nhạy bén, cùng với lòng nhiệt tình và trình độ lý luận sắc bén, đồng chí đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối, chính sách của Đảng vào tình hình cụ thể ở Quảng Trị, đề ra những chủ trương mới, sát đúng, tạo được uy tín lớn trong đông đảo đảng viên và quần chúng. Đồng chí nhanh chóng tập hợp được cán bộ cốt cán làm hạt nhân lãnh đạo phong trào, chắp nối được các cơ sở Đảng, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân chủ để đấu tranh đòi các quyền lợi dân sinh, dân chủ. Được sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, chỉ trong một thời gian ngắn, các tổ chức cơ sở Đảng đã được khôi phục và đến cuối năm 1936, Tỉnh ủy Quảng Trị được lập lại. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Quảng Trị phát triển mạnh, đặc biệt là phong trào đón Gô Đa đưa thư thỉnh nguyện, đòi cải cách hương thôn, chống thuế có tiếng vang lớn trong toàn xứ, ảnh hưởng chính trị sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Dưới sự chỉ đạo sâu sát và khôn khéo của đồng chí Lê Duẩn, tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng phát triển mạnh, nhiều cán bộ, đảng viên được đào tạo, rèn luyện.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trước yêu cầu của Đảng và Bác Hồ, đồng chí phải đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân Nam Bộ kháng chiến, song hễ mỗi khi có điều kiện là đồng chí hỏi han, tìm hiểu tình hình ở quê nhà. Chiến khu Ba Lòng - cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh Quảng Trị vinh dự đón đồng chí trên đường đi công tác và mỗi lần như vậy, trong thời gian ngắn ngủi, nhưng Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị lại nhận được nhiều ý kiến chỉ đạo sáng suốt của đồng chí.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị - mảnh đất địa đầu giới tuyến phải trải qua nhiều thử thách, cam go. Phong trào cách mạng bị tổn thất nặng nề, đòi hỏi phải chuyển hướng, tìm ra con đường đấu tranh thích hợp. Tuy vừa mới ở Nam Bộ ra, nhưng khi biết tin Tỉnh ủy Quảng Trị mở Hội nghị tại Hà Nội vào tháng 10-1957, đồng chí vẫn dành thời gian và trực tiếp đến truyền đạt tinh thần Đề cương cách mạng miền Nam. Đây là hội nghị mang tính bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Quảng Trị. Trăn trở với mặt trận Trị Thiên đầy khốc liệt, đồng chí luôn liên lạc, nắm bắt, chỉ đạo sát với tình hình, đồng thời gửi lời cổ vũ, động viên Đảng bộ Quảng Trị, Vĩnh Linh kiên cường vượt qua gian khổ, hy sinh, thi đua lập công. Khi cuộc kháng chiến đi vào giai đoạn quyết liệt, không trực tiếp vào sâu chiến trường Quảng Trị, đồng chí Lê Duẩn luôn theo dõi sát sao tình hình ở Quảng Trị, nhắn gửi các đồng chí lãnh đạo và chỉ đạo cụ thể qua những bức thư gửi cho Khu ủy và quân khu ủy Trị Thiên.

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí muốn góp sức mình vào việc thay đổi diện mạo quê hương, phát triển sản xuất, làm cho đời sống nhân dân ngày càng phát triển, không còn cảnh phải ăn khoai, ăn sắn. Chính vì vậy, mỗi lần về thăm quê đồng chí thường nhắc nhở, căn dặn các đồng chí lãnh đạo: Bây giờ tất cả đều làm chủ chế độ mới, xây dựng nền kinh tế mới, phải đảm bảo đời sống mới của mọi người đủ no. Nếu còn một gia đình nào không có áo mặc thì tôi không chịu và không cho phép làm chuyện đó. Đây chẳng những là một nhiệm vụ mà còn là vấn đề đạo đức cộng sản. Đảng ta, Nhà nước ta phải chăm lo đến đời sống của nhân dân lao động và của từng người trong xã hội, phải suy nghĩ tìm mọi cách giúp đỡ người già nua, tàn tật, những trẻ mồ côi không được học hành, không nơi nương tựa...; Đi đôi với phát triển nông nghiệp phải phát triển ngư nghiệp, lâm nghiệp thành những ngành kinh doanh quan trọng. Tổ chức và phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, mở mang nhiều ngành nghề, không ngừng sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng xuất khẩu. Mỗi làng, mỗi xã đều phải đi sâu vào khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất lao động, ra sức học tập, nâng cao trình độ văn hóa; Bà con mình phải biết yêu thương nhau, gia đình yêu thương nhau, cả xã hội, cả làng, cả xã phải thương yêu nhau. Bất cứ người nào cũng phải có lao động, tình thương và lẽ phải; Xây dựng Hướng Hóa thành huyện miền núi kiểu mẫu.

Đối với gia đình, họ hàng, làng xóm... đồng chí luôn thể hiện là người con hiếu nghĩa, thủy chung, sâu sắc, trọng nghĩa tình. Những lần về thăm quê đồng chí thường đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ, từ đường, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của người con đi xa trở về, bố trí thời gian đón tiếp bà con làng xóm đến chơi, gặp gỡ chuyện trò với những người cao tuổi, hàn huyên với bạn bè gắn bó thuở thiếu thời. Trong căn nhà ấm cúng ở làng Hậu Kiên, đồng chí thân mật hỏi thăm từng người về sức khỏe, nghề nghiệp, đời sống cả việc học hành của con cháu và động viên mọi người cố gắng vượt khó vươn lên, khiến ai nấy đều xúc động trước cử chỉ gần gũi, ân cần của đồng chí...

Những lần về thăm quê, đứng dưới những tán rừng cao su, trên triền đất đỏ bazan ở Hướng Hóa, hay trên kênh dẫn nước của công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, nghĩ về cuộc sống tương lai no ấm, hạnh phúc của đồng bào, đồng chí bồi hồi xúc động. Có thể nói, trong mỗi bước đi của địa phương, đồng chí đều quan tâm, động viên, nhắc nhở.

Nhân dân Quảng Trị, ai đã từng có dịp tiếp xúc với đồng chí Lê Duẩn đều có chung cảm nhận về con người ấy là một nhà lãnh đạo kiệt xuất nhưng bình dị, đôn hậu. Mỗi khi nghe tin đồng chí sắp về thăm quê thì ai cũng nôn nóng chờ đợi. Người thì tích cực chuẩn bị nội dung làm việc cho các đồng chí lãnh đạo, người lại chu tất nơi đồng chí nghỉ, các em học sinh háo hức chuẩn bị bộ áo quần đẹp nhất, người thì cố tìm cho được nhánh chuối ngon, trái bắp, củ khoai ngọt bùi ... để mời đồng chí. Và những lúc ấy, anh em, đồng chí, đồng bào hết sức vui mừng vì đồng chí rất thích những món ăn dân dã của quê hương mình.

Ngày 10-7-1986, tin đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi xa mãi mãi, khiến cho nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế, cũng như nhân dân Quảng Trị bàng hoàng xúc động. Mất mát, đau thương này đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị nói riêng là rất to lớn và không thể bù đắp được. Tại lễ viếng và lễ truy điệu, dòng người lặng lẽ tiến về Khu lưu niệm đồng chí tại quê hương, biết bao giọt nước mắt lặng lẽ rơi để tiễn đưa người con ưu tú của Đảng, của quê hương về cõi vĩnh hằng. Từ những cán bộ công chức, những em học sinh, chị tiểu thương, người nông dân chân lấm tay bùn... không quản ngại đường sá về thắp nén hương tiễn đưa đồng chí. Trong nỗi niềm tiếc thương vô hạn và sự mất mát lớn lao này đã thể hiện sự tin yêu và cảm phục mà nhân dân Quảng Trị trân trọng và chân thành dành cho đồng chí. Đó là hạnh phúc của một con người đã dành trọn cuộc đời và sự nghiệp cho đất nước, quê hương.

Thực hiện những tâm huyết và hoài bão của đồng chí Lê Duẩn, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị sau gần 30 năm lập lại tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương mang tính đột phá, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển. Trong những năm gần đây, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp phát triển ổn định và khá toàn diện; nông nghiệp và kinh tế nông thôn đang có những chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 7,3%/năm. Sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt gần 2,5 vạn tấn/năm. Diện tích cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, hồ tiêu đến năm 2015 đạt 27.180ha. Tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi trong tổng giá trị nông nghiệp tăng từ 20,4% năm 2010 lên 29,6%. Từ một tỉnh bị chiến tranh tàn phá, tỷ lệ độ che phủ rừng tăng từ 46,7% năm 2010 lên 49,5%. Phát huy tiềm năng, lợi thế gắn với chủ quyền bảo vệ biển, đảo quốc gia, Quảng Trị đang từng bước khắc phục khó khăn để vươn khơi xa đánh bắt. Các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả khá. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 36 xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, chiếm 20,5% tổng số xã. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Tốc độ tăng trưởng giá trị công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2011-2015 đạt 8,9%. Thương mại, dịch vụ phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng giá trị thương mại - dịch vụ bình quân đạt 8,4%/năm. Lưu thông hàng hóa thông suốt, cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa và mua sắm của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện trên tất cả các vùng đạt được những thành tựu to lớn. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đô thị phát triển. Quốc phòng an ninh được tăng cường, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển. Nhân dân tin tưởng vào đường lối đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng; sự đồng thuận trong xã hội được củng cố. Nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống. Với những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị tự hào đã phần nào thực hiện được ước nguyện của đồng chí Lê Duẩn làm cho Quảng Trị không ngừng phát triển và vươn lên, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Để đưa tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7,5 - 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người từ 6.000 đến 7.000 USD/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 230 triệu USD/năm, tốc độ tăng thu nội địa bình quân đạt trên 15%/năm, có 40-50% xã đạt chuẩn nông thôn mới... tỉnh Quảng Trị đang tập trung định vị lại hướng phát triển, khai thác tốt Khu Kinh tế Đông Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các khu kinh tế Cửa khẩu theo hướng dựa vào ba trụ cột trong lĩnh vực kinh tế: Công nghiệp năng lượng, Thương mại Dịch vụ, Du lịch và Nông nghiệp sạch. Với nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng và toàn dân, tương lai không xa khi các nhà máy, công nghiệp năng lượng sạch đi vào hoạt động, Quảng Trị sẽ trở thành một tỉnh phát triển bền vững, an sinh xã hội đảm bảo. Đó là tất cả những gì mà nhân dân Quảng Trị tự hào báo cáo trước anh linh của đồng chí Lê Duẩn, người con quê hương vô vàn yêu thương, cảm mến.

Đồng chí Lê Duẩn - người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người của tình thương và lẽ phải, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lý luận xuất sắc, một tư duy lớn của cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ quốc tế cộng sản trong sáng đã cống hiến suốt cuộc đời mình cho Đảng, cho dân tộc. Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn có nhiều khát vọng cao cả, muốn làm điều tốt hơn nữa cho dân, cho nước, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Song đồng chí chưa làm hết được những điều mình mong muốn.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Lê Duẩn, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị nguyện học tập và noi gương đồng chí. Ra sức phân đấu xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng tỉnh Quảng Trị giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc, xứng đáng là quê hương của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

N.V.H

____________

Chú thích:

1 Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô và HĐBT Liên Xô.

2 Đồng chí Phiđen Caxtơrô, Bí thư thứ nhất UBTW Đảng Cộng sản Cu Ba.

 

NGUYỄN VĂN HÙNG*
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 271

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

9 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground