Ngày 26.5.2071
Tôi tròn 100 tuổi. Tối hôm qua lũ con cháu đến mừng thọ tôi chật nhà. Chúng cứ bá lấy cổ đòi tôi kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Chuyện thời thế kỷ 20, cái thời làm việc mỗi ngày tám giờ và mỗi tuần làm việc sáu ngày. Thời mà người ta yêu nhau thì phải làm quen, hẹn hò, ăn kem ăn chè rồi... tỏ tình! Đúng là cổ tích thật, mà cổ tích thì bao giờ chẳng hấp dẫn? Tôi kể hết. Người già bao giờ cũng thành thật! Lũ con cháu ngồi vòng tròn chung quanh, há hốc mồm nghe, cứ đòi tôi kể nữa, kể nữa... Chúng nó hỏi rất chi là ngô nghê, ví dụ như:
- Hồi đó ông đi chơi với bà bằng xe gì?
- Đờ rem hai.
- Đờ rem hai là gì?
- Là loại xe máy có hai bánh gắn động cơ bốn kỳ một xi lanh, tốc độ tối đa 100 km/giờ
- 100 km/giờ thôi hả ông?
- Ờ, có thế thôi mà ông với bà chúng mày đã mấy lần cho cả xe lẫn người xuống ruộng rồi đấy.
Đấy, đại loại là tôi phải trả lời những câu hỏi tương tự như vậy. Đúng là trẻ con thời nào cũng tò mò, cái gì cũng muốn biết, y như tôi ngày còn bé, từng hỏi ba tôi về những cái hố tròn rộng và sâu hình nón trong vườn nhà. Ba tôi nói đó là những hố bom và giải thích tại làm sao lại có chúng. Ba tôi nói rất dài, nhưng tôi nhớ lúc đó tôi hoàn toàn không hiểu.
Nàng ngồi nhìn lũ con cháu vây quanh tôi, nàng nghe tôi kể chuyện, mỉm cười hạnh phúc. Chao ôi! Mới đó mà... Còn phải bảy năm nửa nàng mới đủ 100 tuổi. Thời gian hằn những nét oan nghiệt trên khuôn mặt kiều diễm của nàng thuở xưa... Bỗng dưng một nỗi buồn khó tả xâm chiếm lòng tôi, day dứt bâng khuâng...
- Ngày mai ba có đến trung tâm tuổi trẻ không? - Ông con trai lớn của tôi hỏi. Nó cũng đã xấp xỉ tuổi bảy mươi rồi. Giờ là phó tiến sĩ, giám đốc bệnh viện thành phố.
- Ờ... Để ba suy nghĩ thêm đã, hiện giờ chưa quyết định được.
- Vâng, đó là một quyết định cực kỳ quan trọng. Nếu ba đến thì nhớ “phôn” cho con trước.
Một buổi sáng như ba vạn sáu ngàn năm trăm buổi sáng đẹp đã đến và đã ra đi trong đời. Tôi thấy mình như trẻ lại. Chim hót líu lo chuyền cành. Từ cửa sổ phòng tôi nhìn ra thành phố biển đẹp kỳ lạ. Những gợn sóng trắng lăn tăn mải miết đuổi nhau vào bờ. Biển xanh quá, trời cũng rất xanh. Mặt trời như một nụ hôn xinh xinh ngượng ngập e lệ trên vòm xanh bất tận ấy. Xa xa, đảo Con Cò như một bờ vai thiếu nữ hiền lành, lại giống như con rùa vàng đang cúi đầu bơi về biển Bắc. Chiếc cầu treo bắc ngang cửa sông nối làng Cát Sa với trung tâm thành phố lộng lẫy và uy nghiêm. Ở phía bển cảng, người ta đang lục tục dắt nhau lên những chiếc du thuyền trắng muốt đi du lịch đào Cồn Cỏ. Ở đó hấp dẫn lắm, hồi trẻ tôi đã có thời gian sống ở đó, khi còn là một sĩ quan quân đội. Rồi đã khắc tên mình vào chân móng của một cái lô cốt cố thủ. Thật là lãng mạn. Chẳng biết bây giờ cái lô cốt cố thủ ấy có còn không?
Nàng đến bên tôi lúc nào không hay. Nàng nhìn ra thành phố, rồi lại nhìn vào nắt tôi. Tôi cũng đọc được trong mắt nàng một nỗi buồn khó tả, bâng khuâng...
- Ông đến Trung tâm tuổi trẻ chứ? Đã bảy giờ sáng rồi này
- Ừ, tôi phải đến trước thôi… Rồi tôi sẽ chờ em, có bảy năm thôi mà…
Nàng cười nhè nhẹ. Những nếp nhăn trên khuôn mặt vốn kiều diễm của nàng ánh lên niềm hy vọng.
- Em “phôn” cho thằng cả, bảo đón tôi ở cổng bệnh viện. Tôi sẽ đi xe điện ngầm đến.
- Em đã chuẩn bị bữa sáng trong bếp rồi đấy! Nàng như muốn hôn tôi?
Tôi cầm ba toong ra thang máy xuống tầng trệt rồi ra đường. Chao ôi, đã lâu không ra phố, tôi chẳng thể nhận ra những con đường quen thuộc ngày nào. Vỉa hè đã được thay gạch men bóng loáng, cây xanh nhiều hơn. Từng khóm phúc bồn tảo xanh tươi, đây là loại cây xanh được các nhà sinh học lai tạo trong phòng thí nghiệm, có khả năng quang hợp cao gấp mấy chục lần cây bình thường cùng kích thước. Nó lại có khả năng tán xạ âm thanh nên được trồng rất nhiều trên đường phố, công viên để xử lý bầu không khí ô nhiễm và chống ồn.
Gõ bước trên đường phố ra bến xe điện ngầm, tôi thấy bóng hình mình già nua và mệt mỏi. Mấy chục năm qua, kế từ khi nghi hưu, tôi sống như một người sống một nửa thời gian chủ yếu là để suy ngẫm và chiêm ngưỡng những thành quả lao động của mình đã đạt được, những cuốn sách và những công trình kiến trúc mà tôi là tác giả. Có lúc tôi muốn làm lại một điều gì đấy có ích hơn là sự chiêm ngưỡng chính mình nhưng rồi bất lực. Có một vài cuốn sách tôi viết về mảng tập thể trong cấu tạo kiến trúc được xuất bản nhưng rồi chúng chìm vào biển tri thức luôn mới lạ, mà tôi là người đã cũ.
Nơi cần đến đầu tiên là ủy ban nhân dân thành phố. Cần phải xin giấy chứng nhận rằng tôi đã tròn 100 tuổi, và… trong 100 năm đó tôi không hề vi phạm pháp luật. Trong phòng hộ khẩu những cô gái trẻ nhìn tôi tò mò, còn trưởng phòng thì nói: Chẳng biết bao giờ mới được 100 tuổi cơ chứ?..." Các cô gái cười ré lên "Bố ơi bố cứ thế này mãi cũng được! Chừ bố mà trẻ lại thì phải gọi chúng con bằng bà à?” Tôi chen vào: Yên tâm đi, rồi tất cả mọi người sẽ đến lượt của mình thôi!”
Đến Bệnh viện, nơi đặt trụ sở của Trung tâm tuổi trẻ - ông con trai lớn ra tận cổng đón tôi. Nó nhìn tôi buồn buồn: - Thế là ba đã quyết định?
- Ừ... Cần phải như thế thôi con ạ. Mọi thứ khoa học kỹ thuật và cà khoa học xã hội nhân văn đều hướng đến mục đích duy nhất là hạnh phúc con người. Cái Trung tâm tuổi trẻ này là biểu hiện cao nhất của tất cà những thứ đó. Có gì hạnh phúc hơn là được sống lại tuổi trẻ của mình không? Hãy hiểu cho ba...
Nó dẫn tôi vào một hành lang rộng, đến cửa phòng lớn treo biển: "Trung tâm tuổi trẻ kính chúc các công dân tròn trăm tuổi hạnh phúc!”.
- Con chỉ có thể đưa ba đến đây thôi. Người ta sẽ hướng dẫn ba cụ thể. Mọi chuyện còn lại ba quyết định.
- Cảm ơn con.
Tôi trình giấy khai sinh và chứng nhận của ủy ban nhân dân thành phố. Nhân viên hỏi:
- Ông muốn sống lại tuổi bao nhiêu?
- Hai mươi! - Tôi trả lời, miệng khô đắng. Nhân viên ghi chép.
- Khi cần ông nhắn tin cho ai?
- Vợ tôi... - Tôi nói tên và địa chỉ nàng.
- Ông có muốn nói một câu cuối cùng trước khi vào “buồng từ trường sinh học” không?
- Vâng, xin hãy ghi: Tôi sống lại thời tuổi trẻ của mình, và tôi sẽ sống như thế, như tôi từng đã sống!
“Buồng từ trường sinh hợc” là một căn phòng nhỏ, chứa nhiều máy móc lạ kỳ. Giữa phòng đặt chiếc giường bọc ni đỏ dùng cho một người nằm, bên cạnh có đặt telephone để cho những khách hàng như tôi có thể nói chuyện trao đổi với nhân viên bên ngoài, hoặc thay đổi quyết định của mình. Nghe đâu trước đây cũng có một vài trường hợp như vậy, đến phút chót lại nằng nặc đòi ra không muốn (hay không dám?) trở về tuổi trẻ của mình nữa! Phía bức tường đối diện có bốn màn hình video chiếu những cảnh đẹp của thành phố và đất nước. Một bài hát cổ xưa vang lên, bồi hồi...
Căn phòng này là phát minh vĩ đại của trí tuệ con người, nó tương đương với phát minh ra lửa thời tiền sử, hoặc là phát minh ra thuốc XYZ đặc trị căn bệnh HIV-AIDS cách đây mấy chục năm. Các nhà khoa học đã ứng dụng lý thuyết về trường sinh học và thuyết tương đối rộng của Anhstanh về không - thời gian. Họ cho rằng con người luôn luôn lưu giữ hình ảnh, khối, thể chất và tâm sinh lý nói chung của mình vào không thời gian một cách vô thức. Và để người ta quay trở lại một điểm bất kỳ trên trục thời gian trong hệ quy chiếu ba chiều ta đang sống, thì chỉ cần thiết lập được một từ trường sinh học có đúng mọi chỉ số về cường độ, tần số, phổ của nó vào thời điểm đó. Thật là hoang tưởng...thế mà họ đã thành công! Phát minh làm chấn động cả thế giới! Thế rồi người ta đổ xô nhau đến các Trung tâm tuổi trẻ. Xã hội bị rối loạn. Các cảnh sát viên mất dấu vết một loạt các tội phạm nguy hiểm đang truy nã. Các bà vợ thì bỗng một hôm mất tiêu luôn ông chồng yêu mến, nhưng lại thừa ra trong nhà một chú nhóc!
Cần phải có một đạo luật. Thế là Công ước Quốc tế quy định: Chỉ những ai tròn trăm tuổi và trước đó, tức là trong một trăm năm đã sống không hề vi phạm pháp luật mới được có cơ hội trở về tuổi trẻ của mình. Dĩ nhiên còn một số quy định nữa về sức khỏe, đạo đức và những trường hợp đặc biệt như mắc bệnh hiểm nghèo, các nhà du hành vũ trụ...
Cánh cửa kim loại nặng nề đóng sập lại sau lưng. Tôi đã ở một thế giới khác. Chỉ vài giờ nữa thôi, tôi sẽ trở về tuổi hai mươi của mình. Tôi sẽ trở thành chàng trai trẻ tràn trề sức lực và ước mơ. Tôi sẽ làm những điều tôi muốn. Tôi sẽ... Ôi, thật là hạnh phúc!...
Tiếng người nói vang lên từ hộp loa trên tường
- Công dân Nguyễn Trần, ông có thay đổi quyết định không?
Tôi chần chừ... Rồi sẽ sống ra sao khi phải chờ nàng đến bảy năm nữa? Thật là nghịch lý khi người ta nhìn thấy chàng trai hai mươi tuổi là chồng của bà già gần trăm tuổi? Rồi biết bao mối quan hệ với bao nhiêu người khác nữa?...
- Xin nhắc lại, công dân Nguyễn Trần có thay đổi quyết định không?
- Không... Không... Xin cứ làm như nguyện vọng... Tôi nói như một cái máy, run run nằm bên chiếc giường bọc ni đỏ.
- Vâng mời ông nằm tư thế thật thoải mái. Thế... được rồi! Bây giờ hãy nhắm mắt. Ông cố gắng nhớ một kỷ niệm đúng vào năm hai mươi tuổi của mình. Kỷ niệm sâu dễ nhớ nhất ấy. Ông đã nhớ chưa? Rồi à? Tốt lắm! Ông kể cho tôi nghe nhé...
Tôi kể. Năm hai mươi tuổi tôi nhập ngũ, ngày 21 tháng 3. Bữa cơm đời lính đầu. Bộ quân phục đầu tiên. Những bước đi “một, hai” đầu tiên…
Có tiếng máy móc chuyển động êm êm... Rồi tôi thiếp đi trong giấc ngủ dịu dàng, bình an... Tôi mơ. Tôi trôi về những tháng năm xa xăm với bao vui buồn, hạnh phúc và khổ đau. Những hình ảnh và xúc cảm cứ lướt qua, lướt qua rất nhanh, chỉ để lại cho tôi kịp ghi nhận, rồi đến một lúc thì không biết gì nữa!...
Có người khẽ lay vai tôi:
- Nào chàng trai, dậy đi thôi. Chúc mừng một tuổi hai mươi! Chúng ta đã thành công.
Tôi ngỡ ngàng nhận ra điều kỳ diệu đã biết trước xảy ra với chính mình. Con người thật vĩ đại, chẳng bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ trở lực nào. Và chỉ với bằng những trở lực đó, người ta mới khám phá ra chính bản thân mình...
Tôi bước ra khỏi phòng, những bước chân rất dài. Tôi như nghe tiếng đế giày mình gõ trên sân nhà vang dội suốt hành lang Người ta hướng dẫn tôi kê khai lại tất cả mọi thứ để làm hồ sơ nhân khẩu mới. Từ tên họ, học vấn, nghề nghiệp, gia đình, lấy dấu vân tay. Trên tấm chứng minh nhân dân người ta ghi ngày sinh của tôi là 26.5.2051. Thế là tôi đã trở thành công dân sinh ra vào thê kỷ XXI, đang sống trong thề kỷ XXI.
- Cô nhân viên xinh đẹp ở phòng thường trực nở nụ cười rất tươi:
- Chào anh! Xin chúc anh có một cuộc sống mới nhiều tốt đẹp. Anh giữ lại cái ba toong này làm kỷ niệm!
Tôi đỏ mặt nói lí nhí:
- Vâng, cảm ơn cô...
Tôi cầm cây ba toong cảm thấy khoảng thời gian 80 năm trĩu nặng trên tay! Đi đâu bây giờ? Phải về nhà thôi. Giờ này nàng đang đợi tôi trong bữa cơm chiều. Thành phố vào giờ tan tầm người xe hối hả... Có một cơn bão hình thành ngoài khơi Thái Bình Dương đang đến gần. Người ta đang gấp rút khởi động những lò năng lượng phản hạt vật chất đặt dọc bờ biển để chặn cơn bão khi nó chưa kịp chạm vào đất liền...
Tôi về ngôi nhà của tôi. Đấy là ngôi nhà cao nhất thành phố, do chính tôi làm tổng công trình sư chỉ đạo thiết kế và thi công hồi năm mươi tuổi. Nó được đánh giá là công trình hoàn hảo và đẹp, tuy rằng vẫn còn một vài khiếm khuyết. Tôi đã dựa vào hình dáng cây chò chỉ và những khoang tàu biển để xây dựng ý tưởng cho ngôi nhà. Trên tầng thượng được đặt một ngọn hải đăng sáng lấp loáng. Từ tầng một đến tầng mười dành riêng cho các công ty đặt trụ sở giao dịch và cửa hàng, siêu thị. Những tầng tiếp theo là các căn hộ không giống nhau dùng cho bốn người ở. Mỗi căn hộ được thiết kế theo những mô thức khác nhau, không một căn nào giống căn nào. Tuy nhiên diện tích và kết cấu cơ bàn vẫn vậy. Ngôi nhà quay hai mặt chính ra biển và bến cảng, nó là công trình mà cơ bản vẫn vậy. Ngôi nhà quay hai mặt chính ra biển và bến cảng, nó là công trình mà tôi đã dành rất nhiều sức lực và tâm huyết. Tôi đã được trả công xứng đáng. Được sống trong ngôi nhà do chính mình sáng tạo.
Nhưng bây giờ liệu tôi nói điều đó ra có ai tin không. Liệu một chàng trai hai mươi tuổi có thể làm nên công trình đồ sộ và rối rắm đến nhường kia không, nếu người ta không biết tôi đến Trung tâm tuổi trẻ?
Lẽ ra có thể ấn tay vào cái nút xanh, trên cánh của nhà mình, cửa sẽ tự động mở từ khi “con mắt điện tử” nhận dạng tôi là chủ nhân, nhưng tôi đã làm ngược lại, bấm to nút đỏ như những vị khách... Nàng ra mở cửa, lùi lại một bước:
- Cậu hỏi ai?...
- Em không nhận ra tôi sao? Tôi về với em đây!
Nàng ngây dại nhìn tôi. Rồi như chợt nhớ ra, nàng ôm lấy tôi khóc nức nở.
- Đúng rồi, chính là anh... Dù đã biết trước nhưng em vẫn cứ bất ngờ... Anh...
Tôi dìu nàng đi. Mái tóc bạc trắng của nàng thơm thơm, bùi ngùi
- Đừng khóc nữa em. Rồi em cũng sẽ...
- Em biết, em biết. Nhưng mà đến lúc đó...
Tôi ngồi vào bàn làm việc. Cái bàn này cũng chính tôi tự thiết kế cho mình. Nó gần như là một văn phòng nhỏ, có giá sách, có máy điện toán, hệ thống vẽ kỹ thuật tự động... Và lúc mệt mỏi, có thể ngả lưng chút xíu... Lâu lắm rồi nó không được sử dụng, một lớp bụi phủ đầy...
Ngày mai tôi phải làm gì? Mọi kiến thức tôi có, cũng như cái bàn làm việc này đã trở thành cũ kỹ. Mọi kỹ năng nghề nghiệp cũng đã mai một, và cho dù nó không mai một đi nữa thì tôi cũng không thể nào hội nhập vào đời sống rất khác lạ và văn minh hôm nay. Đã hơn bốn mươi năm không làm việc rồi còn gì? Tôi ngồi miên man suy nghĩ trong khi nàng dọn cơm. Ngoài cửa sổ, bầu trời nhuốm màu mực tím, bầu trời của những chiều sắp có bão. Đảo Cồn Cỏ như một bông cỏ mặt trời bập bềnh trên sóng. Ở đó thời hai mươi tuổi xa xưa... và tôi hai mươi tuổi hôm nay. Ừ, tại sao mình lại không bắt đầu như mình từng đã bắt thuở ấy nhỉ?
Tôi ngồi đối diện với nàng, ngần ngại. Hình như giữa tôi và nàng đã bắt đầu có một khoảng cách? Cũng phải thôi, nó là quy luật mà. Nàng không nhìn vào tôi, mặt quay ra cửa sổ.
- Tôi phải đi thôi em à... Tôi cần phải làm một công việc gì đó để sống và chờ em. Nếu không tôi chẳng còn là tôi nữa! Rồi tôi sẽ trở về đây đúng vào ngày sinh nhật em...
….
Ngày mai tôi sẽ ra đảo Cồn Cỏ. Em nhớ không... Đã một lần tôi trở về từ đó trong một đêm mưa rất to, và tôi đã ngõ lời câu hôn với em... Tôi đã kể cho em rằng: Có tên tôi và tên em trên một cái lô cốt cố thủ...
- Em nhớ... em hiểu. Anh hãy đi đi...
Nàng khóc.
Và tôi đi...
* * *
Bảy năm sau vào cái ngày mà nàng tròn một trăm tuổi tôi trở về để chúc mừng nàng tái xuân. Lòng tôi háo hức một niềm vui, đoán chắc lần này sẽ về đón vào vòng tay một cô gái mười bảy tuổi lộng lẫy như thuở nào. Ai ngờ lúc tôi đến trước cửa "buồng từ trường sinh bọc" thấy một bà già bước ra, mặt đen trủi, tóc bạc le re. Mụ ngước nhìn thấy tôi vội lùi lại cửa, dúi mặt mình vào gốc tường. Nhân viên "buồng từ trường sinh học bảo tôi rằng: Đó chính là vợ ngài. Bà này, vì những năm tháng trước đây quá nhiều tội lỗi, kể cả tội phản bội chồng con mà không ai biết. Mặc dù họ đã cố gắng hết sức nhưng không thế nào tái xuân nổi.
Tôi thật đau đớn biết từng nào, chưa kịp nói gì thì từ gốc tường rú lên một tiếng rồi bà ta chạy vào bóng tối, như một con mụ phù thủy.
T.H