N |
hững buổi chiều lang thang, tôi thèm trở về căn nhà ấy, nhỏ xíu thôi nhưng vô vàn hạnh phúc. Nơi có ánh mắt tha thiết, trái tim yêu thương và tâm hồn yếu đuối kỳ lạ. Một ngôi nhà tôi chưa bao giờ đặt chân đến nhưng lại luôn hiện ra theo nghĩa “trở về” như anh thường nhắn nhủ: “Lúc nào mệt mỏi, em hãy trở về với anh”. Lời nói chân thành đến vậy mà sao tôi không đủ sức bước qua ngưỡng cửa căn nhà. Những chiều lang thang mang theo hàng vạn hơi thở cô độc, dàn trải khắp nẻo đường phố xá...
“Alô, phải Quy đó không? Ừ, anh đây, bây giờ thì cho phép xưng anh rồi đấy nhé! Đốt thầy của em đi. Em có còn bé nữa đâu! Em có khỏe? Anh ấy đi đâu? Đi làm hả? Ừ, thì gọi lén, có sao đâu. Em - có - nhớ... không… ”
Chao ôi, những cú điện thoại bất thường, tôi choáng váng. “Dạ, thưa thầy em vẫn khỏe, chồng em vẫn vậy...” Nghĩa là - em - đang - hạnh - phúc đấy chứ?...” Thẩn thờ, tôi cúp máy để sau đó lại nghe một hồi chuông đổ dài cầu khẩn. “Thầy ơi, em phải làm bếp đây. Á, thầy giễu em? Năm xưa thầy thích em soi gương nội trợ hơn làm thơ kia mà...” Tôi loay hoay với những món đồ khua lẻng kẻng báo hiệu sự yên ấm của một gia đình. Ngôi nhà sạch bóng với đầy đủ tiện nghi cùng sự hiện diện của chồng tôi khiến mẹ ở dưới quê thường sóm sém cười mỗi lần ghé thăm để rồi về tự hào với làng xóm. Chồng tôi quá thể tốt, ôn tồn, điềm đạm và vô cùng bình tĩnh. Bình tĩnh ngay cả với những hồi trống vắng trong tâm hồn tôi. Ngày cưới tôi về, anh bảo tôi yếu lắm, nghỉ việc thôi, anh dư sức nuôi vài ba người như em. Với lại, em xinh thế, đi làm để thiên hạ ngắm phí của giời, mất công anh ghen! Mà anh chúa cả ghen đấy nhé! Thôi ngoan nào, búp bê của anh.
Công việc làm nhàm quanh quẩn trong giới hạn tầm mắt của chồng khiến nhiều lúc tôi muốn khóc nhưng khó quá rồi, tôi chẳng còn tự huyễn hoặc nỗi mình bằng những giọt nước mắt được nữa. Chồng tôi thương và chiều chuộng tôi như trẻ lên ba. Trời ơi, sao em ra nắng, cảm đấy? Để xô anh xách cho, quý hóa gì mấy cái cây mà em cứ tưới bón thế không biết. Ấy, có cái áo này đẹp, anh mua cho em thích không? Chậc, anh thì thôi, từ nhà đến cơ quan, từ cơ quan về nhà, có đi đâu mà sắm với sửa, lôi thôi! Chồng tôi đơn giản thế đấy. Dường như bao nhiêu tình cảm, lo lắng toan liệu anh ấy đều dành cho tôi. Nhiều đêm úp mặt vào vòng ngực ấm áp đến bình thản của anh, tôi bật khóc mà chát cả người bởi nhận ra những giọt nước mắt ấy lạnh tanh vô cảm.
“Alô! Quy ơi, em làm gì đấy hở? lại ngóng ra cửa phải không? Chỗ nhà anh có mấy bông xác pháo nở cháy cả mắt. Ngày cưới em có xác pháo không nhỉ? Mà ngày nay người ta cấm pháo rồi kia mà. Hôm ấy bông pháo rụng đầy sân em biết không...”
“Thưa thầy, em đang sửa mấy cái áo len, bây chừ chỉ mùa Hạ, nhưng rồi đến Thu, chẳng mấy chốc mà lạnh. Anh ấy lại thích mặc áo em đan. À, mà mùa Đông sắp đến rồi. Thầy cũng sửa soạn áo ấm đi thôi!”
“Dào, em lại dài hơi bao đồng chuyện thiên hạ rồi. Mấy mươi mùa Đông anh có cần chi áo lạnh! Hôm nay em có khỏe không, con chích chòe lửa còn của anh, nó chẳng nói “chào Quy” như mọi bận. Em không đến, lâu ngày e nó rã họng mất, Quy ạ!”
“Em còn phải vò nốt mấy mớ đồ. Vả, chồng em cũng sắp về. Chào thầy”. Gác máy, tôi chầm chậm ngó từng con số nhảy nhót hoa cả mắt. Căn nhà ấy có giàn hoa xác pháo, nao lòng lắm. Ngày lên xe hoa, tôi ước ao có người rãi dưới lối đi cùa mình những vốc hoa ấy. Chồng tôi chỉ cười, ừ, cấm đốt pháo lại hóa hay đấy em ạ, đã an toàn lại đỡ rác, tiết kiệm! Tôi khóc khi vào lạy cha mẹ mà không hiểu dòng nước mắt nào là lạy tạ, dòng nước mắt nào xót xa. Bà con họ hàng ai cũng mừng tôi tốt phước.
Buổi tối, đối diện nhau qua mâm cơm tươm tất. Chồng tôi hồ hởi kể về những công việc ở cơ quan. Thằng cha ấy chẳng được việc gì, chỉ giỏi khom lưng. Lương bà ấy cao bỏ mẹ, mà chuyên môn không bằng phụ môn. Anh là anh ngán mấy khoản ấy lắm. Gã truởng phòng cứ cười kha khả vỗ vai anh bồm bộp khen lấy khen để anh giỏi lắm hôm nào rỗi hắn đến nhà chơi. Anh là anh dẹp mấy cái ngữ đó, đến nhà chỉ tổ nhòm ngó nồi niêu soong chảo và vợ người ta chứ gì. Mà em lại xinh thế này, ơ, em ăn cơm đi chứ, khảnh ăn thế này anh chả yêu đâu. Thôi, anh no lắm rồi, em ăn đi nhé, à, lấy hộ anh cây tăm, tiện thể pha luôn bình nước. Nào, ăn cơm xong anh mở máy, chúng ta cùng xem nhé.
Chồng tôi luôn ngỡ tôi còn bé. Anh xem tôi là người bạn, người em và người con. Có lẽ, lúc cưới tôi về, anh chỉ hăm hở bởi đã đưa về nhà một cái xác hoàn hảo, một cái xác đẹp tuyệt vời mà quên thỉnh phần hồn đem theo nên nhiều lúc tôi cố gắng gọi hồn nhưng nào đâu nhập nổi. Như tập tục của người dân tộc, tôi bây giờ thuộc “cái ma” nhà khác mất rồi.
Thảy tất cả vào khuôn nhà rộng rinh, tôi lẩn thẩn đi từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài nhặt nhạnh từng cọng rác gom vào giỏ, tỉa mấy cái lá sâu và kỳ cọ hàng dãy la-bô-vô sạch bóng lên mới thôi. Cam chịu! Quả thật gần thế, chỉ duy quả địa cầu cứ lăng qua lăng lại trên tủ kính trêu ngươi, mời mọc, mời mọc. Và chuông điện thoại thì cứ réo vang trong giờ hành chính nên khó lòng gọi là hạnh phúc, cái hạnh phúc đích thực của một tâm hồn.
“Quy đấy hở? Chỉ cần nghe tiếng nhấc máy của em là anh đã đủ nhận ra. Anh pha cà phê mời Quy được không? Anh sẽ uống cà phê với hình Quy vậy. Ác với anh quá đấy Quy!”
Tôi chỉ nghe, và nín bặt. Hình như khi tiếng điện thoại đầu kia dập tắt là lúc tôi nhận ra mình đang ác với chính mình thì đúng hơn. Thôi chết, đã chín giờ sáng, tôi phải ra chợ thôi, kẻo trưa, chợ đông người, chồng tôi lại phật ý.
Chẳng biết ở đâu, cổng nhà tôi lại mọc lên một cây hoa giấy bé cỏn con. Vậy là chiều nào tôi cũng cắc ca cắc cùm tưới tắm vun xới như thể đứa con mọn. Chồng tôi bật cười, chao ôi là em ngớ ngẩn, hay hớm gì giống hoa giấy khô không khốc ấy. Sao, em bảo là hoa nắng gió ư? Rõ phù phiếm. Để anh mua cho em mấy chậu vạn tuế hay tùng bách gì đó, vừa cứng cáp lại sang, em tha hồ chăm sóc mà chẳng sợ chúng chết. Hở, em thích hoa leo? Thôi, để anh đưa về vài cây thiên lý, tiện thể nấu canh cũng hay. Hà...à... Chồng tôi xoa tay cười hồ hởi, kéo tuột tôi vào nhà, kẻo gió đấy em. Nào, ngồi yên anh ngắm xem búp bê của anh hôm nay thế nào. Chà, trông em có vẻ mệt, đừng nhìn xuống, chẳng hay chút nào, nhìn thẳng vào anh, thế, đáng yêu lắm...
Đêm uể oải. Nằm nghe thằn lằn chắt lưỡi, tôi tiếc giùm nó mẻ kho, mà có khi mơ hồ tiếc về một điều gì đó của mình cũng nên, khó biết lắm, xa chưa nhỉ, chỉ thấy hình như quên, quên từ cái ngày bước lên chiếc xe lộng lẫy của người khác. Quen như trái tim đã tuột chỉ lỡ đánh rơi. Đàn bà luôn tự nhủ lòng quên, tự huyễn hoặc mình rằng quá khứ là điều không có thật mà dường như bao giờ cũng sống cùng nó. Và tôi vẫn là đàn bà.
Cây hoa giấy lớn rất khẽ, rồi đến một mùa đông, một ngày rét khắt khe, nó chuột võng lên bất ngờ. Mấy đầu cành chụm từng búp hồng hồng vàng vàng đỏm dáng. Nâng mấy cành hoa, tôi mừng rơn cả người, líu ríu lấy mấy vòng thép gai uốn thành vòm trên cổng. Gai sắc quá, đâm sướt cả tay tôi bươm máu. Chiều chồng tôi về xót xa cầm bàn tay nuột nà ngấn đỏ, suýt nữa đạp tung cả cây lẫn cổng. Anh đã bảo em mà, báu gì cái cây gai góc ấy. Em thích nó à? Ừ thì thôi vậy, anh sẽ uốn nó thành vòm cho em. Rồi anh cúc cung tỉ mẩn uốn thành chiếc vòm thật khéo sau khi ủ ấm tôi bằng nhiều cái hôn khác nhau và vùi vào chăn ấm. Ấy, em lại ho nữa rồi khổ quá, anh dặn đừng ra gió mà không nghe. À, em nấu cơm chưa đấy! Nằm yên, anh chạy vù ra quán là xong ngay, em ăn cháo nhé! Ổn rồi, em cứ mặc sức ngắm mấy bông hoa nắng gió gì đấy của em. Bao giờ anh xây tường rào thì cứ gọi là phát tất. Xây tường mới sang em ạ? Không mấy thằng trong phòng anh nó cười cho. Kỹ sư chứ ít đâu.
Tôi nằm im, thu hai tay trước ngực. Lời anh nói lọt vào cùng với gió thốc lạnh buốt. Tôi mong anh đừng phá cây bông giấy của tôi, chồng tôi không biết, nhờ nó mà tôi có chút nắng gió chan vào sân sun cái cổng sắt im lìm quạnh độc. Tôi là đàn bà sao còn khát khao vươn ra khung cửa ấy, nơi đầy nắng gió kia? Không lẽ đàn bà là chiếc xương sườn thứ 7 của đàn ông? Tôi bắt buộc mình phải tin điều ấy mà sao cứ khát khao, khát khao đến cháy cả lòng. Mùa hè, giàn hoa nắng gió đã bò ken dày cả cổng tạo thành bờ vòm xanh mát. Hoa nở suốt ngày nhưng trưa lại rực lên nhức buốt và khi chiều lại thì sẫm đến nặng bầm. Những ngày nóng lả người dưới cơn Elninô lịch sử như dài hơn, lùng beng hơn bởi tiếng chuông điện thoại dồn dập. Chồng tôi thỉnh thoảng cũng quay lại nhướng mày, ai đấy? À, người bạn cũ hở. Thỉnh thoảng em cũng cần có bạn bè trò chuyện cho khuây khỏa, nhưng nhớ in ít thôi, bạn nhiều chỉ tổ “tốn nước rác nhà”. Ai gọi cho anh thì bảo anh đi vắng nhé. Không, nếu là giọng của sếp anh thì khác. Thế nhé, anh đi nghỉ đây.
Những đêm vời vợi cũng như ngày có lúc đi vào phòng ngủ, ngắm khuôn mặt hồn nhiên vô tư của chồng, tôi không nỡ ghé lưng vào đành ôm gối khẽ khàng ra đi và để sáng mai anh lại cười xòa. Chà, anh ngủ ngon quá, sao em lại nằm đây? Anh thì có nã đại bác sau lưng cũng không dậy nữa là. Chết, mắt của em thâm hết rồi này, để chiều anh mua cho ít thuốc ngủ. Em ăn sáng sau nhé, anh vội đến sớm cơ quan một chút. À hà, hôm nay tay trưởng phòng mời anh chầu cà phê sáng. Anh thì chả ưa gì cái thứ nước đen đắng nghét ấy nhưng chẳng nhẽ... Nào, hôn em, anh đi nhé!
Ngày lại ngày, tôi ôm một mớ len xanh đỏ tím vàng ra đan, hết đan rồi tháo, hết tháo rồi đan. Kỳ lạ, sau một hồi tỉ mẩn, bao giờ tôi cũng chọn một búp len vàng rực để đan thành chiếc áo đàn ông. Mà đàn ông có ai mặc màu ấy đâu. Nó chói chang và lòe loẹt lắm. Ngay cả chồng tôi, anh rất thích những chiếc áo màu xanh thẫm, xám tro, đen tuyền nhưng chưa bao giờ tỏ ra thích chiếc áo màu vàng ấy, chỉ cả cười vỗ vai tôi. Em rõ là trẻ con, đàn ông ai lại mặc màu ấy, có họa là trẻ con. Nghe anh nhắc hai chữ “trẻ con”, tôi bải hoải chân tay. Đúng, màu ấy có thể hợp với trẻ con lắm chứ. Tôi lẩm nhẩm, “trẻ con, trẻ con...”, còn anh thì cứ cười vô tư rồi lẫn vào mớ sách nhì nhằng. Tôi ôm mớ len vàng rực về phòng, bấm đốt ngón tay, mười hai năm có dư tôi bước lên chiếc xe sang trọng ấy. Căn phòng ngăn ngắt phẳng lặng đến độ cuộn len vàng rơi xuống đất lăn vào tít trong góc giường ấy không buồn gây tiếng động.
Chuông điện thoại cứ réo vang dồn dập. “Quy ơi, em có ngủ được không? Anh biết ngay mà, ở đây anh cũng thường mất ngủ. Chẳng nhớ Quy nữa đâu vì lúc nào anh cũng có Quy bên mình. Làm sao anh có ư? Bí mật. Chiều nay Quy ra cổng lấy lá Lạc Tiên nhé, sắc lên như thuốc bắc uống khỏi chứng bệnh mất ngủ liền. Anh lội rừng mất ba ngày mới tìm thấy lá cho em. Nhớ nhé, anh treo dưới vòm cây nắng gió. Đúng bốn giờ chiều"
Suốt cả buổi chiều tôi ngồi bên cửa sổ hòng mong thấy một ai đó móc giò lá lên vòm cây cổng nhà mình. Tịnh chẳng thấy một ai. Nhặt từng cọng len xanh đỏ kết thành chùm hoa ngũ sắc, chợt bật cười bởi nó giống quả “pao” của các cô gái dân tộc ném chọn người yêu. Tôi thu xếp chúng vào chiếc giỏ xinh xắn trên góc tủ rồi xuống bếp sửa soạn buổi chiều. Bật nhẹ tay, chiếc bếp ga đã vang lên đánh tách khô giòn và bùng lên ngọn lửa xanh lạnh lẽo. Tôi không hiểu tại sao ngọn lửa xanh lạnh tanh dường vậy mà đủ sức làm chín thức ăn? Không kìm được mình, bất giác tôi ngước ra vòm cây nắng gió, ô kìa, thấp thoáng cái gỉ là lạ trong góc? Tôi rộn ràng, thánh tha thánh thót bước ra, vừa đến cổng thì giật thột cả người bởi tiếng ai “Chào Quy” vang lên lanh lành. Mẹ ơi, một lồng chim, có con chích chòe lửa đang đá lưỡi tách tách trong vòm cây ríu ra ríu rít. Một mẩu giấy nhỏ cài khéo giữa những chiếc nan. “Quy ơi, anh sợ con chích chòe lửa rả họng mất. Mà Quy chắc chẳng đến đâu. Xin lỗi em về lá Lạc Tiên. Hôm hái về cho em đến giờ anh đã bị “lạc” mất rồi Quy ạ. Chỉ buồn là chẳng lạc vì tiên mà lạc vì Quy thôi.” Tôi sững sờ, muốn ôm lồng chim vào nhà, rồi dùng dằng thôi. Thế nào mà chồng tôi chẳng hỏi. Quay gót bước vào nhà bỏ lại từng bước nhảy lách chách hối hả sau lưng của con chích chòe lửa và tiếng chào hồn nhiên “Chào Quy, chào Quy...” làm tôi liên tưởng đến những bước chân bất kham của người ta sau ngày cưới. Đàn bà đôi khi vẫn thế, dẫu nhớ đến quắt quay vẫn gắng gượng chối từ. Quá khứ, quá khứ, sao dồn dập, có được gì cho hiện tại đâu.
Khi chồng tôi đi làm về, anh ngạc nhiên sao trước cổng nhẵn lỳ lại có phân chim. Lạ thật! Tôi phân bua, có thể con chim nào đó đến đậu cũng nên. Đấy, em thấy chưa, chi tổ chim chóc kéo về, rồi dăm bữa nữa chúng tha về đầy đàn, lại đinh tai nhức óc và thối inh lên cho mà xem. Anh thì anh bắn tất, quay lên nhắm rượu thì hết ý. Dà hay đấy chứ nhỉ! Thì ra em của anh cũng khôn ra phết. Cứ để đấy cho anh...Thỏa mãn với sự hứa hẹn ngon lành, chồng tôi quay lưng vào tường, một tay qườ ra sau ôm ngang người tôi như sự ràng buộc của hai súc gỗ mấy tay lái gỗ cẩn thận vít vào rồi ngáy pho pho. Hình như người ta bảo ấy là dạng người vô tư. Còn tôi đến giờ chẳng còn phân biệt được đâu là vô tư hay vô tâm nữa.
“A lô! Quy đấy hả! Anh bị lạc đến giờ vẫn chưa lối ra - Cả con chim tội nghiệp cũng thế. Về nhà nó rét run lên, cảm cúm nữa chứ, làm anh cuống cả lên vì nó. Đến chiều nay thì hỏng! Ạnh vừa ngồi với nó xong. Thương lắm Quy à, lần cuối cùng anh gọi nó, ủ hơi vào mỏ nó, nó còn chiêm chiếp mấy cái, như là "Chào Quy" vậy". Tôi mở to mắt, trân trân nhìn vào mấy con số trên phím. “Thầy ơi!” Chỉ thế, rồi khóc oà như trẻ thơ. Tôi biết, giờ phút này đây, tôi khó lòng mà dỗ nỗi mình nên mặc tình khóc cho thỏa thuê. Òa òa nước mắt chan đầy ống máy. Đầu kia có bị mặn môi không mà từng tiếng cất lên khó nhọc. “Chích chòe lửa không còn, nhưng ở đây luôn vang tiếng “Chào Quy” đấy, miễn là em biết tự dẫn mình lang thang”. Máy tắt ngẫm, tiếng tút tút u ụ bình thản lại vang lên.
“Lang thang!” Chao ôi, lần đầu tiên tôi mới thấy trái tim mình nghe rõ hai chữ ấy, làm sao đủ sức dẫn mình đi? Tuy vậy chồng tôi vẫn đồng ý để tôi ra phố mỗi chiều sau khi nghe tôi bày tỏ, rằng bác sĩ bảo em phải dạo phố mới tốt cho sức khỏe của em. Được, nhưng em chớ đi xa, nhỡ mưa không về kịp. Đừng đi đường dốc mà mệt. Nhớ, không được nói chuyện với ai nghe không? Tôi cười buồn, lặng lẽ nhìn anh với cái nhìn biết ơn nhưng anh nào hay. Cũng may!
Sửa soạn cho mình một cuộc đời rong phố. Vâng, tôi đã chủ tâm như thế khi đứng trên gác cao nhìn xuống đồi hoa vàng rực chày dài lan mãi xa xăm. Buổi sáng của tôi háo hức hơn với sự chờ đợi thích thú. Buổi trưa nồng nàn với cái nắng khăn khắt để chiều dịu hơn, mặc sức cho tôi lang thang. Ngày đầu tiên khẽ khàng xỏ chân vào đôi hài cỏ êm ái, tôi rút chốt cổng đánh thót mà nghe trái tim thột xuống tựa ngày xưa trốn mẹ đi chơi. Ùa ra ngoài tôi dè dặt những bước đầu rồi mau mắn, thoăn thoắt theo những lối cỏ nhỏ xíu mà đi, đi hớn hở, tưng bừng. Trở về với ôm hoa dại vàng rực, chồng tôi ngẩn người một lúc rồi vồn vã. Trời ơi, búp bê của anh hôm nay kháu quá, trông em trẻ ra có đến mười tuổi. Và anh khẽ kêu lên: Em ôm hoa dại này làm gì, xót cả người, lại sưng lên cho mà xem. Ôi, chân em đỏ tấy lên cả rồi này. Vào tắm rồi ăn cơm nhé, anh ăn rồi, anh phải đi có việc đây. Em ở nhà ngoan nghe. Thế là anh đi, tôi soãi người bật ngửa trên đi văng, đôi chân vẫn nguyên trong hài cỏ. Sao lúc này, tôi khát khao được đi theo anh, được chạy ra bên anh, không, đi, đi, đi, đi bất cứ nơi đâu cũng được. Bó hoa trên tay lơi ra, tuôn tuồn tuột xuống sàn...
“Quy ơi, chiều nay em dẽ thương lắm - Bó hoa hay ghê, em bày nó trên bàn phấn của em chứ. Anh đã vẽ xong bó hoa của em rồi đây, em có nhận không! Chẳng vẽ em đâu, làm sao anh vẽ nổi hình em khi em không thật là của anh hở Quy? Anh cũng “thực tế" ghê đấy. Quy có sợ không?”. Tôi muốn hét lên. Không, Quy không sợ, Quy yêu lắm, thương lắm cái “thực tế” của anh, “thực tế” của anh có một trái tim, anh hiểu không? Còn Quy, Quy cũng có một trời lãng mạn, nhưng cái “lãng mạn” của Quy không có tâm hồn. Quy cần anh, cần anh, cần anh... Thế mà đường dây lại trở về bình thản. Tút, tút u...
Tôi không dứt được những buổi chiều xỏ chân vào đôi hài cỏ. Đôi hài cỏ đã dắt tôi qua cuộc - đời - rong - phố! Chồng tôi hoang mang khi nhìn vào đôi má rám nắng, cánh tay trần đỏ au và nụ cười mạnh khỏe của tôi. Thôi thì, miễn là em khỏe! Khi nghe anh nói điều ấy, tôi khóc, giá mà anh ấy nói rằng em hãy nhớ đến anh có lẽ hay hơn và đầm ấm hơn. Thoáng chốc tôi thấy mình cố lỗi, muốn ôm chầm lấy anh mà khóc một trận cho đã nư, cho qua cơn ân hận dịu dàng nhưng khi ngước lên đã thấy anh mê mệt vớ đám chữ Tầu nhì nhằng, lòng tôi đanh lại, khan khản! Anh không thích thua mọi người, mà tay kỹ sư mới về phòng anh toanh toánh lại cứ xi xảo tiếng Trung mới chết chứ. Anh cười xòa và xoa đầu trấn an tôi. Thôi em đi dạo nhé, nhớ về sớm, à, hít thở sâu vào, có lợi cho buồng phổi đấy.
Thành phố lắm hoa vàng. Chiều nắng lại đành hanh vàng. Ơ kìa, góc đường xanh lá Lạc Tiên, thứ lá tôi chưa hề thấy bao giờ, chiều nay bất giác gặp tôi đã nhận ngay ra nó. Lá Lạc Tiên! Lá Lạc Tiên! Không nghi ngờ gì hết, tự tâm thức, tự linh tính, tự tất cả các mớ giác quan trên đời này cộng lại, tôi đinh ninh rằng đấy là thứ lá Lạc Tiên. Vò khẽ một cọng, tôi nghe mùi hăng hắc dôn dốt. Kỳ diệu thay, đêm ấy là đêm đầu tiên tôi không mất ngủ dẫu khi trở về tay vẫn ôm đầy hoa dại vàng rực một góc hoàng hôn.
Đ.H