T |
hật không may mắn, tôi ra Hà Nội chơi vào đúng những ngày mưa phùn gió rét. Bầu trời ảm đạm, mưa như rây bột suốt ngày, mây đen màu chì lớp lớp cuộn cuồn trong gió. Ngồi trên xe buýt từ ngoại thành, nơi chú em tôi ở, vào thành phố thăm mấy người bạn, tôi cứ xo ro, thu mình trên băng ghế gần cửa ra vào. Người Hà Nội dạo này ăn mặc rất sang. Các cô gái chẳng cần phải trang điểm, môi cứ hồng lên, nở nụ cười thật duyên dáng, làm cho “khách ở quê ra” cứ mê mẩn. Và, dù bên ngoài vẫn lay phay mưa, câu chuyện của những người không quen biết đi chung chuyến xe làm ấm lòng tôi. Cứ mỗi trạm xe lại có kẻ lên người xuống và khi nào vào đến cửa Ô, xe đã chật ních người. Mùi phấn son, mùi mồ hôi, mùi khói thuốc quyện vào nhau làm không khí trong xe ngột ngạt.
Xe dừng lại ở một trạm đỗ bên trong cửa ô. Cửa xe tự động mở “xạch” một tiếng, những người đứng trong nhà chờ vội vã bước lên. Tôi nhìn thấy từ bên kia đường một người con gái đi đầu trần lầm lũi băng sang. Sau khi lên xe, cô lên vào đứng sát bên tôi. Người con gái còn trẻ, khuôn mặt đẹp nhưng buồn, rất buồn. Cô mặc chiếc áo khoác đã cũ, bên trong là chiếc áo len cao cổ màu mận chín, tóc trên vai duỗi thẳng, phủ kín bờ vai tròn trịa. Khuôn mặt cô căng thẳng, đôi mắt lúc ngầu lên giận giữ, lúc trống rỗng, vô hồn, hoàn toàn lạc lõng giữa những khuôn mặt vui tươi khác, vẻ đặc biệt ấy làm tôi chú ý. Khuôn mặt trẻ trung với những nếp nhăn mờ nhạt trên trán, quanh khóe miệng mà ở tuổi cô lẽ ra chưa có, dáng vẻ bất cần đời xa lạ ấy làm tôi suy nghĩ. Chắc cô đang trong tâm trạng chán chường, đau đớn. Tôi ái ngại cho cô, muốn tìm lời an ủi. Nhưng tôi trấn tĩnh lại được và nghĩ rằng, hỏi chuyện một người không quen biết, lại là một cô gái đẹp là điều vô duyên. Điều duy nhất mà tôi có thể làm để bày tỏ thiện chí là hãy nhường chỗ ngồi ấm nóng của tôi cho cô. Tôi nói không chút phân vân: “Cô ngồi xuống đi!” và đứng dậy tránh chỗ. Cô gái ngồi xuống, nặng nề như người ta vứt một khối sắt xuống tấm đệm, chẳng thèm nhìn tôi, chẳng nói lấy một lời. Nghe nói người Hà Thành lịch duyệt lắm. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài...” Tôi thất vọng trước vẻ im lặng của cô và ân hận với việc làm dại dột của mình, Nhường chỗ cho một người già, một phụ nữ có con nhỏ thì được. Nhường chỗ cho một cô gái, để rồi sau đó được nghe hai tiếng cảm ơn ngọt ngào dịu dàng bay ra từ đôi môi đỏ thắm như đóa hoa hồng cũng là việc làm cao đẹp của giới mày râu. Trong giây phút, khuôn mặt trẻ trung, đẹp đẽ đang trải qua những dày vò nội tâm kia vô cảm đối với tôi, làm cho tôi khó chịu. Tôi đã phải trả giá cho thói nịnh đầm của mình, đứng rũ chân cho đến bến cuối cùng.
Xe ngừng hẳn, khách xuống hết. Cô gái xuống trước, tần ngần đứng lại như chờ ai đó. Khi tôi đi qua trước mặt, cô nở một nụ cười buồn nhìn tôi. Những giọt mưa li ti vương trên tóc cô và vẻ bất cần của cô khiến tôi nghĩ, cô đang chịu đựng một điều gì đó nghiêm trọng hơn giá lạnh đến ngàn lần. Cô nói rất nhanh, thoảng trong tiếng gió:
- Nhà em ở phố “Gà tần”. Có điều kiện mời anh đến chơi!
Nói xong, cô bước đi mà không ngoái lại. Nụ cười hiền và buồn, lời mời không chút khách sáo làm tôi ân hận. Mấy phút trước đó, tôi đã nghĩ sai về cô. Cô đang bước nhanh vào màn mưa, cô đơn, xõa tóc, hai tay đút vào túi áo khoác giữa sáng mùa đông mưa lạnh. Hình ảnh ấy cứ day dứt tôi. Cô người đâu ta. Việc gì đang xẩy ra với cô? Tôi tự hỏi mình, dõi mắt nhìn về dãy phố nơi cô đang bước. Bóng cô xa dần, lẫn vào dòng người qua lại. Hà Nội sau mấy ngày mưa, trời lại ấm. Thành phố bừng lên trong sắc nắng dịu vàng, người xe nhộn nhịp. Trong cái ấm áp của thời tiết chuyển mùa, lòng người như cũng thư thái, vui vẻ hơn. Tôi lại nhớ về lời mời của cô gái. Mấy đêm qua, tôi thường nghĩ về cô. Nét mặt buồn và đẹp đầy căng thẳng ấy cứ ám ảnh tôi, len vào cả giấc ngủ. Sáng ra nhớ lại, tôi lại tự cho mình vớ vẩn, lãng mạn. Song, một tiếng nói khác vang lên từ trái tim tôi lại đứng ra bào chữa. Răng, cảm thông với một người con gái đẹp trong khi cô đang gánh chịu những buồn đau chẳng phải là tội lỗi. Giọng nói ấy lại động viên tôi, nên tìm gặp cô, tìm cho được cội rễ của nỗi buồn và chia sẻ với cô. Biết đâu, những lời an ủi, động viên giữa lúc cần thiết có thể cứu được cả sinh mạng vì tôi biết nhiều người trong cơn quẫn bách đã tìm đến cái chết.
Nghĩ như vậy, tôi quyết định tìm cho được cô gái đã gặp trên xe buýt. Tôi mua một tấm bản đồ. Tên đường phố được ghi rất rõ nhưng phố “Gà tần” thì không có. Tìm đi, tìm lại, lật ngược, xoay ngang vẫn không tìm ra phố ấy. Thấy tôi loay hoay cả buổi với tấm bản đồ, chú em tôi hỏi:
- Anh tìm phố nào...?
Tôi ấp úng:
- Phố... phố “Gà tần”
Chú em tôi chau mày:
- Lạ nhỉ! Em ở Hà Nội đã lâu chỉ nghe nói đến Hàng Ngang, Hàng Đào, Chả Cá, Lò Sũ chứ làm gì có phố “Gà tần”. i
Tôi cãi lại:
- Có mà. Chính một người Hà Nội nói. Chả lẽ người ta lại nói sai.
Chú em tôi nghĩ ngợi một lúc, tay đập đập trên trán như trách sự kém cõi của bộ nhớ trong đầu mình rồi cuối cùng vỗ vai tôi, cười:
- Em biết rồi. Phố cổ Hà Nội được gọi theo tên làng nghề ngày truớc. Người Hàng Mành chuyên làm mành, bán mành. Phố Hàng Da chuyên bán đồ da. Còn phố “Gà tần” của anh chuyên bán một loại đặc sản, đó là gà tần thuốc Bắc. Tên thật của phố em cũng không biết, chỉ biết phố đó rặt cửa hiệu gà tần. Hình như gần Cửa Nam. Nhưng anh thăm ai ở đó, để em dẫn đi.
Tôi lúng túng, mặt đỏ lên, miệng ngọng lại không trả lời được. Chú em tôi bồi thêm:
- Hay anh phải lòng cô nào ở đó?
Tôi càng lúng túng. Cũng may lúc đó có hàng quà đi qua, tôi gọi các cháu lại cùng ăn chút gì để tự giải thoát cho mình khỏi sự tò mò của chú em. Lòng tôi như lửa đốt vì sắp đến ngày về mà tôi vẫn chưa biết được những điều bí ẩn đang dày vò cô gái.
Với những thông tin mong manh như vậy, tôi vẫn quyết đến Cửa Nam tìm cho được cô. Tôi sẽ nói với cô, dù một câu thôi để tôi yên lòng về lại miền Trung. Hẳn cô gái khi được tôi nhường chỗ trên xe buýt cũng đã nghĩ tốt về tôi. Việc cô gượng cười trong khi tâm trạng cô tan nát thể hiện thành tâm của cô. Tại sao tôi lại không đến?
Tôi đến Cửa Nam. Bà hàng nước chỉ cho tôi phố “Gà tần” là dãy phố song song với đường tàu hỏa, dài chưa đầy trăm mét: “Đấy, con đường ấy đấy. Phố nào có đề gà tần trước cửa thì chính là nó...!”
Tôi cảm ơn bà cụ và tạt sang phố “Gà tần”. Gần trưa, khi bát phở tái ăn từ sáng đã trôi qua dạ dày, cơn đói trong tôi chồm lên khi chiếc mũi thính nhạy của tôi hít thoải mái không mất tiền mùi thơm của hành mỡ đang phi, nhất là mùi thuốc bắc từ các nhà hàng dọc phố bay ra. Tôi muốn sà ngay vào một hàng nào đó, nhờ con gà tần nóng hổi trong tô đá quỵ cơn đói đang hành hạ tôi. Nhưng tôi cưỡng lại được. Dù đời tôi chưa nếm được món nào cao lương ấy bao giờ, tôi đến đây không phải để ăn. Mục đích của tôi cao đẹp hơn kia. Tôi phải tìm thăm cho được một cô gái Hà Thành xinh đẹp, đáng thương đang gặp hoạn nạn. Tôi ra lệnh cho vỏ não hãy thương lượng với dạ dày kẹp lép lên thần kinh trung ương. Quả nhiên, lòng tôi trở nên thanh thản, tôi bước vào một nhà hàng có bán món gà tần để hỏi tin tức cô gái mà miệng không phải nuốt nước bọt. Bà chủ quán còn trẻ, người nứt ra trong chiếc áo len bó chặt, hai má phinh phính, cổ chảy ra thành ba ngấn, tưởng tôi là khách, đon đả:
- Nào, xin mời sếp! Trông tướng mạo của sếp mà mở hàng là cả ngày đắt khách lắm đấy!
Tôi dội một gáo nước lạnh vào cơn hưng phấn của bà ta:
- Dạ, tôi muốn tìm gặp một người trong phố này.
Bà chủ quán chau mày, vẻ khó chịu, giọng cùng cục trong cổ?
- Thế ông muốn tìm ai, tên là gì, số nhà mấy?
Tôi đỏ mặt. Nào tôi có biết tên họ, số nhà của cô ấy đâu. Biết thì chả phải hỏi. Bà chủ quán ngồi phịch xuống ghế, vỗ nhẹ bàn tay múp míp lên bàn, dáng sốt ruột. Tôi đành phải thú thật:
Cô ấy nói, nhà cô ở phố “Gà tần”. Khoảng hai hai, hai lăm tuổi gì đó. Khuôn mặt buồn, tóc uốn đã duỗi thẳng.
Bà chủ quán đứng phắt dậy cười ngặt ngẽo. Đang cười bà bỗng im bặt, giọng chì chiết, chế nhạo:
- Thôi, em lạy sếp! Sếp tìm người mà họ tên không biết, địa chỉ không hay. Sếp nhà quê ra tỉnh bị nó lừa rồi. Cái bọn giang hồ bây giờ nó nhiều mẹo lắm!
Tôi choáng váng. Câu nói ấy chẳng khác gì cái tát dáng vào mặt tôi. Ăn nói mới hàm hồ! Chưa biết người ta là ai mà dám hạ thấp nhân phẩm và coi tôi cũng chỉ là thứ đàn ông mạt hạng đi tìm gái! Tôi giận tím mặt nhưng vì đang đứng trong nhà bà ta nên tôi đành nuốt giận cáo lui. Ra khỏi cửa, mụ ta ném theo tôi một câu tục tĩu:
- Rõ đồ nhà quê dớ dẩn. Già rồi mà còn dê cụ!
Tôi tỉnh bơ, coi như người bị điếc, bước vội ra đường. Con đường ấy chỉ dài chừng trăm mốt, phần lớn bán gà tần, lác đác có một vài quán cà phê. Trên vỉa hè chật chội, xe Honda đậu san sát bên nhau. Trong các nhà hàng, những người đàn ông béo tốt, mỡ màng ngồi bên những người đàn bà sang trọng. Không khí đặc sánh mùi thuốc Bắc. Nghe nói thứ đồ ăn này bổ lắm, Thảo nào dân sành ăn tứ chiếng tụ hội về đây, những mong duy trì sức khỏe của mình bằng sự kết hợp giữa ẩm thực và y học cổ truyền. Tôi chậm rãi đi từ đầu phố đến cuối phố, không bỏ sót một ô cửa, một khuôn mặt nào, mong gặp cho được cô gái tội nghiệp kia. Bên tay phải có hơn bốn mươi cửa sắt sơn xanh, tám hàng chè chén, mười hiệu gà tần, Bên tay trái có một cơ quan, cửa sắt to, rộng mở, hình như là một nhà xuất bản, người ra người vào ăn mặc nghiêm túc. có bốn quán Karaoke, sáu hàng chè chén, tám hiệu gà tần, Giữa những người qua lại, cả khách lẫn chủ hàng, tôi không tìm ra cô gái. Khỉ thật! Tôi đã đi qua đi lại đến tám lần, cái đói trong bụng tôi làm tôi chán nản, muốn bỏ cuộc. Tôi đứng lại, nhắm mắt, thở dài. Bỗng nhiên, màn hình trên hai mí mắt hiện rõ khuôn mặt bơ phờ của cô gái. Có thể giờ này cô đang ở trong một căn phòng chật chội, vật vã với nỗi đau cô đang gánh chịu. Có thể cô đã bỏ đi, lang thang đến một nơi nào đó để rồi hư hỏng. Tôi chợt nghĩ thêm rằng, nếu đó là cô gái đang tràn trề hạnh phúc, lời mời của cô với một người khách lạ là chỉ chuyện bông đùa. Đối với một cô gái đang trong tình trạng thần kinh u uất, khổ đau, lời mời ấy đồng nghĩa với một sự cầu cứu. Trong cơn hoảng loạn đến tuyệt vọng, cô đã cầu cứu tất cả mọi người, trong đó có cả những người không quen biết. Tôi không nở bỏ đi mà chưa nói với cô được một lời an ủi.
Tôi quyết định bước vào một hiệu gà tần thứ hai để hỏi. Hiệu này không lớn lắm, nhưng khách rất đông. Chủ tiệm là người đàn ông gầy đét, khuôn mặt như được tạo ra bằng da và xương song mỗi khi ông ta cười thì rất dễ mến. Ông đã nhìn thấy tôi khi tôi rảo bước ngoài đường. Vừa thấy tôi ngấp nghé trước cửa, ông hỏi ngay: “Hình như bác tìm ai?” Tồi gật đầu. Thấy dáng vẻ nhà quê, cái túi xách khoác vai, lững thững mắt liếc hết bên này sang bên kia, ông đã đoán ngay được ý định của tôi. Tôi nghĩ, người đàn ông này có thể có khả năng ngoại cảm nên tôi mô tả hình ảnh cô gái rất tỉ mỉ cho ông nghe. Nghe xong, ông nghĩ ngợi một lúc rồi tươi cười vỗ vai tôi:
- Đầu phố có con bé Hạnh, nghe nói bị chồng bỏ nay nó lấy người khác rồi. Giữa phố có con Tâm chơi hụi, lừa đảo lấy của người ta đang ngồi nhà đá. Có đứa nào mặt buồn như bác vừa tả đâu nhỉ. Theo tôi, nếu bác muốn tìm nó, cứ đứng ở ngã ba kia kìa. Nếu nó ở phố này, thế nào nó cũng phải đi ra khỏi nhà. Không ai ở nhà suốt ngày đâu. Cũng phải ít nhất một lần đi ra ngoài.
Tôi cho là phải. Tôi sẽ đứng ở cột điện ngay ngã ba đường. Chưa gặp được cô gái ấy thì tôi chưa về, mặc dầu bụng tôi đang thắt lại.
Gần mười hai giờ trưa. Mặt trời mùa đông không tròn bóng. Nắng bâng khuâng và ấm. Mây bề bộn trên những mái nhà. Tôi đang lơ đãng ngước nhìn những đám mây trắng đuổi nhau trên nền trời xanh thẳm bỗng một chiếc xe gắn máy dừng lại trước mặt tôi. Tôi choàng tỉnh. Trước mặt tôi là một chàng trai và một cô gái. Họ xuống xe, mỉm cười nhìn tôi. Chàng trai còn trẻ, khuôn mặt đẹp, trán cao, cầm trên tay mấy đóa hoa hồng. Cô gái chắc cùng tuổi, lộng lẫy và xinh đẹp, nụ cười rạng rỡ trên môi. Tôi không quen biết họ vì sự hiện diện của họ làm tôi sửng sốt. Ai thế nhỉ? Tôi cố lục lọi trí nhớ để tìm cho được hình ảnh người đang đứng trước mặt mình. Cô gái tức cười lên tiếng
- Bác không nhận ra em ư?
Tôi lắc đầu nhìn sững vào đôi mắt cô gái lần nữa, vẫn không nhận ra người đứng trước mặt. Cô gái cầm lấy tay tôi, hồn nhiên và thân mật: '
- Em... em ở phố “Gà tần” đây mà!
Tôi lùi lại, trăng mắt nhìn cô lần nữa. Có đúng là cô ấy không? Tóc cắt tém gọn gàng, Môi phơn phớt hồng. Má ửng đỏ. Váy ngắn sát chân, chiếc áo vét sẫm màu, trông khỏe mạnh và hấp dẫn, đối ảnh với cô gái tôi gặp trên xe buýt. Hôm ấy trời mưa bụi. Tôi đã nhìn cô qua thấu kính phân kỳ của lớp lớp mây đen. Cô lúc ấy chỉ là ảo ảnh, một phiên bản buồn con người thật của cô. Mọi đau khổ, dằn vặt được phóng to, đến nổi một người ít quan tâm đến người khác như tôi cũng phải chú ý. Hôm nay trời trong. Tôi nhìn cô qua sắc nắng mùa đông ấm dịu và qua một thấu kín hội tụ. Có thế hình ảnh trước mặt tôi bị ngược, nhỏ đi nhiều lần, song đó là ảnh thật. Truớc mắt tôi là một cô gái đẹp đang rất vui.
Cô gái và chàng trai mời tôi vào một quán gà tàn gần đó. Chàng trai hình như đã được nghe kề về tôi, cử chỉ tự nhiên và thân tình. Còn tôi, tôi đang lạc vào một giấc mơ. Thấy tôi cứ ngỡ ngàng, cô gái kéo ghế ngồi sát bên. Giọng cô xúc động:
- Hôm gặp bác trên xe, em đi ra tòa án. Chúng em đã gửi đơn ly dị trước đó. Hòa giải mãi không xong, thế là phải ra tòa. Em mất ăn mất ngủ mấy tháng trời, người gầy ra, bơ phờ như một kẻ thất trận. Em đến, anh ấy đứng im lặng bên hành lang. Em cũng bước vào hành lang ấy. Chúng em chẳng nhìn nhau, chôn chân như hai pho tượng, mắt hướng ra màn mưa. Y như hai tử tù sắp bị hành quyết. Còn mười phút nữa tòa bắt đầu. Anh ấy bước lại bên em, đôi mắt ráo hoảnh, buồn rười rượi như sắp vĩnh biệt thế giới này. Giọng anh lạnh lùng nghe rất thương: “Cho anh nắm tay em lần cuối!” “Em chìa bàn tay lạnh giá về phía anh ấy, mắt vẫn không rời màn mưa. Bàn tay anh ấy ấm quá. Cũng cách đây ba mùa đông, lần đầu tiên anh ấy nắm tay em. Vẫn bàn tay ấm nóng ấy. Chúng em đã yêu nhau, thành vợ thành chồng, đã có những ngày tháng đẹp đẽ bên nhau. Vì những va chạm nhỏ và lòng tự ái rất cao của mỗi người mà chúng em đâm đơn ly dị. Lúc ở nhà, em tỏ ra rất kiên quyết. Dọc đường đi, ý chí sắt đá của em bắt đầu lung lay. Việc bác nhường chỗ cho em, cử chỉ tuy nhỏ nhưng làm em trăn trở. Hãy nhường nhịn nhau. Hãy giành cho nhau sự cảm thông. Bác là một người xa lạ, bác còn thông cảm với em đến thế, huống hồ chúng em, đã có nhiều kỷ niệm với nhau, tại sao lại không nhường nhịn nhau...? Nghĩ như vậy nên khi anh ấy chìa tay cho em nắm, em biết đó là cử chỉ thân thiện cuối cùng. Tất cả do em quyết định. Em sẽ có tất cả hay sẽ mất đi tất cả. Bàn tay anh ấy vẫn nồng ấm như xưa. Tự nhiên, em òa lên khóc. Anh ấy ôm em vào lòng, vuốt lên bờ vai run rẩy của em. Lúc ấy, giờ xử án bắt đầu. Em khóc rất to, nhất định không bước vào căn phòng đáng sợ ấy...
Tôi thở phào nhẹ nhõm, đâu biết cử chỉ nhỏ mọn của tôi trên xe lại có ý nghĩa to lớn với đôi trai gái này đến vậy. Chàng trai rót bia ra ly. Vị gà tần the the mùi thuốc bắc. Lần đầu tiên tôi được nếm món gà tần với hai người bạn mới quen ngay trên phố “Gà tần” nổi tiếng này.
P.C.T