Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sau tiết mục xiếc hổ

L

âu lắm rồi chị mới lại có cảm giác hồi hộp, thấp thỏm khi có người mời đi xem biểu diễn nghệ thuật. Cũng lâu lắm rồi chị mới đến rạp. Ngày hai buổi đi làm, tối về, nhiều khi chẳng còn tỉnh táo để xem hết những phim, kịch trên ti -vi, có dại mới bỏ tiền mua vé đi xem. Vậy mà hôm nay chị đã nhận lời, hối hả và cả như bối rối chuẩn bị bữa ăn tối để kịp giờ. Nào phải người tình cũ hay mấy "sếp" thường buông lời cợt nhả, liếc mắt đưa tình với chị khi men bia bốc bừng khuôn mặt mua vé mời chị. Hồi trưa, từ cơ quan, Nga - con gái chị gọi điện về, giọng hớn hở:

- Mẹ ơi! Tối nay con mua được vé xem xiế rồi! Mẹ làm sao cho ăn cơm sớm...

- Mẹ không đi đâu! Ở nhà nằm xem phim cho khỏe.

Chị ngắt lời con gái với lý do "muôn thuở", nhưng Nga cao giọng "chỉ trích" mẹ, rồi lại xuống giọng làm nũng:

- Mẹ cứ thế là chống già lắm đó! Mà mẹ oi! Nghe nói hôm nay có tiết mục mới hay lắm! Mẹ đi nhé!... Có một điều đặc biệt... con nói nhỏ với mẹ thôi nghe. Chẳng phải bấy lâu mẹ đòi biết mặt "bạn" của con, thế thì tối nay...

Vậy là chị nhận lời, lòng thoáng chút hồi hộp. Chẳng biết anh chàng "bạn" của con gái chị là người thế nào? Hình như không chỉ thế. Có điều gì bất ngờ nữa sắp đến với chị trong đêm nay... chị không biết. Có lẽ là sự hồi hộp bình thường như bất cứ ai trước khi đến rạp: liệu mình có bị chậm giờ không? Những gì hấp dẫn sẽ diễn ra trước mắt mình đây? Cũng có thể cảnh hẹn hò, vai sát vai trong ánh đèn sân khấu sắp diễn ra gợi lại những năm tháng tuổi trẻ làm tâm hồn chị xao động. Ngày nào, mỗi lần từ con đường xa tít tắp trên Trường Sơn có dịp về Hà Nội là chị "nhào" đến các rạp chiếu phim. Có đêm, buổi đầu xem ở rạp Kinh Đô vừa xong, chị lại hối hả đạp xe lên rạp Long Biên xem tiếp buổi sau. Vậy mà bây giờ có khi cả năm chị không đến rạp lần nào. Công việc cơ quan quen thuộc, nhàn nhã, chẳng cần phải gắng sức cũng hoàn thành và cuộc sống gia đình sung túc bình lặng đã dần biến chị thành một con người khác. Cũng đã có lúc chị cảm thấy chán ngán, muốn bứt phá, xáo trộn, thay đổi, nhưng những vòng trói buộc chị đều là những thứ mềm mại, êm ái, ngọt ngào thật khó gỡ. Đó là chưa nói đến lợi lộc và tiền bạc - những thứ mà người đời đều khi bảo là "chẳng cần", nhưng cái túi "không đáy" trong mình lại cứ luôn há miệng chờ đón. Mới đây thôi, khi nghiệm thu một đoạn đường vừa được nâng cấp, biết rõ đơn vị thi công lát đá mòng không đủ độ dày theo thiết kế, chị không chịu ký biên bản, nhưng rồi "sếp" của chị bảo: "Thôi! Linh động cho họ, bây giờ ai cũng làm ăn thế cả..." Vậy là chị tặc lưỡi, buông bút ký. Cái "tặc lưỡi" chỉ đỡ cho lương tâm đỡ cắn rứt, chứ chị thừa biết là đơn vị thi công đã hứa hẹn gì với "sếp" và tất nhiên chị có phần! Ôi chao! Chả bù cho hồi nào...

Ngày đó, chị mới là một cán bộ kỹ thuật vừa ra trường về nhận việc tại một Ban Kiến thiết, được giao nhiệm vụ giám sát thi công cầu Khe Hùm trên Trường Sơn... Chị ngồi nhặt rau chuẩn bị bữa ăn tối và nhớ lại. Lâu rồi, hồi ức những năm tháng trẻ tuổi có dịp sống dậy. Vì con Nga cảnh báo nếp sống bình lặng hiện tại sẽ làm chị "chóng già", hay vì nó nhắc tiết mục "xiếc hổ" sắp công diễn khiến chị nhớ đến Khe Hùm và những con cọp trên Trường Sơn... Phải, ngày đó, con đường chưa biết mùi bom đạn, nên thỉnh thoảng những con cọp lại "đột kích" vào chuồng lợn công trường hoặc bất thần xuất hiện trên những quãng đường vắng khiến chị em công nhân có lần phải vứt cả dụng cụ chạy thoát thân. Chính vào những ngày đó, cậu phụ trách đội cầu chị vì muốn "lập thành tích" để đề cao vai trò của mình trước lãnh đạo công trường, ứ khăng khăng đòi đổ bê tông khi đáy mỏng còn là lớp đá phong hóa - loại đá sẽ mục nát khi thấm nước. Cô không chịu ký bản nghiệm thu, anh chàng cãi lý không được, nói liều:

- Vài bữa nữa lấp tịt thì ai biết đấy là đâu!

- Tôi biết, anh biết, hàng chục người thợ ở đây biết chưa đủ sao? Anh không nghĩ tới lúc những nhịp cầu sụp đổ vì móng trụ bị xói lở à?

- Khi đó thì bọn ta xanh cỏ ròi! Cô cứ yên chí ký đi! Tôi đã gọi đêịn về Ban Kiến thiết, đồng chí trưởng ban của cô cũng đồng ý rồi!

Anh chàng tưởng đã thuyết phục được cô, lo đôn đốc chuẩn bị đổ bê tông ngày mai. Không ngờ, chính giọng lưỡi trâng tráo, vô trách nhiệm của anh chàng cáng khuyến khích cô đấu tranh đến cùng. Gọi điện về Ban không được (không chừng anh chàng đã cho người bứt đứt đường dây!) cô quyết định vượt 20 km đường rừng ngay trong đêm, bất chấp lời khuyên can của mọi người. Khi bóng đêm ập xuống kéo theo màn sương trắng trùm lên con đường vắng ngắt không còn một ai, cô mới thấy sợ. Rồi một con gì đó vụt qua đường xô cây lá rào rào. Cô giật bắn mình, nhịp tim đập dồn. Nỗi sợ hãi làm cô run lên. Cô mím môi, tay bóp mạnh cái thước tròn, tay cầm chặt đèn pin, tưởng như chúng là những vũ khí lợi hại sẽ giúp cô chiến thắng mọi kẻ thù. Cô chợt để ý đến một cây nứa gãy, sà xuống ta-luy. Cô vội bẻ một đoạn dài chừng hai mét, giẫm tòa một đầu, vừa đi vừa kéo lệt sệt, thỉnh thoảng lại giơ lên rung lách cách. Bác Mộc bảo làm thế hổ rất sợ. Thế là yên. Nếu có được người bạn đường nữa, đi suốt đêm, cũng chẳng sợ, và cô sẽ hát. Cô thích bài "Nhạc rừng" của nhạc sĩ Hoàng Việt: "...Có anh chiến sĩ đi qua khu rừng vắng, lắng nghe nhạc rừng, tâm hồn vui phơi phới..." Cô đang nhẩm những câu hát quen thuộc thì bỗng có tiếng hỏi:

- Cô làm phép xua ma đấy à?

Một bóng người chợt hiện giữa tấm màn trắng, gần như áp sát trước mặt cô. Cô giật nẩy mình, cái đèn pin trong tay nhấp nháy. À, sau lưng anh còn có một chiếc xe mô-nô! Cô chưa kịp cất lời, anh bộ đội đã cười, giọng nghịch ngợm:

"Tôi định hô. Đứng lại! Giơ tay lên!" Nhưng thế thì không khéo phải lao xuống vực vớt cô lên! Cô đi một mình không sợ bị hổ tha à? lại còn bọ biệt kích nữa...

Anh chàng gợi những mối đe dọa, nhưng cô cũng không vừa, đáp lại:

- Vì biết có các anh đón ở đây rồi!

Cô không muốn anh chàng bắt nạt, hơn nữa, trên con đường này, các chiến sĩ bộ đội biên phòng và những người xây dựng cầu đường đã như là bạn thân từ lâu.

Chiếc xe bị "pan" đã nổ máy. Tất nhiên là cô được mời lên xe, đỡ một quãng đi bộ. Cô vừa buột ra "Trời phù hộ" thì chân đụng phải một mớ bờm xờm như... lông hổ vậy, khiến cô giật thót tim. Cô bấm đèn. Không phải hổ. Đó là đầu tóc một tên biệt kích trốn lâu ngày trong rừng vừa bị bắt, đang nằm quăn queo trên sàn xe! Thì ra không phải anh chàng dọa cô... cho vui!

Chiếc xe dừng lại cách Ban Kiến thiết của cô quãng dăm ki-lô-mét. Mặc cho đồng chí bộ đội biên phòng hết khuyên can lại nài nỉ mời cô vào đơn vị nghỉ tạm, nhưng cô nhất quyết xuống xe. Không thể để cái móng kém chất lượng ngày mai ngập đầy bê tông!

- Tôi tên là Tuân. Còn cô?

- Tôi là An...

- Cô An! Chủ nhật, tôi sẽ ghé thăm cô...

Cô chia tay không một chút bịn rịn, chẳng hề nghĩ sẽ có lúc gặp lại. Còn anh chàng thì cứ tần ngần lo lắng dõi theo bước cô đi. Nhung một lần nữa, cô lại được "Trời phù hộ": Cô vừa đi được một quãng ngắn, đang dự định đưa cây nứa lên rung lách cách dọa hổ thì còi "toe toe" liền nhịp phía sau dội tới. Bác Mộc - người lái xe già của công trường, thương và lo cho cô, đã trộm phép thủ trưởng đánh xe đuổi theo cô. Ngược lại, lúc này cô chỉ lo cho người tài xế già, thảng thốt kêu lên:

- Trời ơi! Bố! Ai bảo bố đánh xe đi?

Bác Mộc thì như không nghe cô nói gì, hớt hải kể:

"Ôi! Xuýt nữa thì xong cả! Hồn vía bay cả lên mây. Cô bảo có chết tôi không? Xe "pan" điện ngay ở dốc "Cọp vồ"! Ôi! Nghe cái tên đủ khiếp rồi! Tôi đang lúi húi chữa, một "ông Ba Mươi"...

Cái giọng kể lể vừa khôi hài, vừa có chút phóng đại của bác Mộc khiến cô bật cười, ngắt lời:

"Tối mò, sao bố biết là "ông Ba Mươi"?

"Chuyện nghiêm trọng thế mà cô cũng cười được! Hôi nồng nặc, không hổ thì chuột chù à?... Người ta thật có số cô ạ. Thầy bảo năm nay tôi gặp hạn, nhưng được cứu tin. Tôi tót lên xe, sập mạnh cửa. Thật ở hiền gặp lành. Trời phù hộ cô ạ. Chẳng biết từ đâu, còi toe toe. Tôi "đề" máy nổ liền. Thánh thật! thế là hổ chạy đàng hổ, tôi chạy đằng tôi!...

Kể từ ngày ấy, bao nhiêu năm đã qua. Một chút tiếc nuối, ngỡ ngáng khiến chị bần thần, đứng lặng bên bếp, không biết con gái đã về đứng lặng sau lưng mình. Chị đã không tin mình đã trải qua một cuộc sống sôi nổi như thế, vui như thế... Cho đến khi Nga đặt hai tay lên vai mẹ, chị mới thoáng giật mình quay lại và nói:

- Thôi,con đi với bạn đi. Lỡ đêm nay bố con gọi điện về...

- Bố gọi không gặp thì mai bố gọi lại. Chứ đêm nay không đi... Nga bỏ lửng câu nói, nhìn sâu vào đôi mắt mẹ và hỏi - Mẹ nghĩ gì mà diễn biến tư tưởng thế?

- Không... Chẳng qua lâu rồi không đi xem, mẹ ngại... Mà con bảo có xiếc hổ phải không? Mẹ sợ lắm...

- Mẹ lại nghĩ đến những con hổ trên Trường Sơn ngày xưa chứ gì? Hổ rạp xiếc họ nuôi dạy thuần thục rồi, mẹ khỏi lo! À, mẹ biết không...

Thế rồi Nga liến thoắng chuyện này sang chuyện khác, chẳng để hị thoái thác và cũng không cho chị nghĩ ngợi gì nữa. Quả là chị đã có lần nhắc qua những con hổ trên khe Hùm và dốc "Cọp vồ" với Nga, sau khi xem một phim về đường Trường Sơn trên ti-vi. Thực ra thì đó là những chuyện chị nghe thuật lại, chứ lần chị thấy con hổ bằng xương bằng thịt thì chị chưa hề kể với ai. Nếu như Nga không liến thoắng chuyện của mình và bạn nó không đến đón sớm, có thể chị đã kể...

Trong rạp xiếc, ai cũng chăm chú nhìn lên sân khấu, vậy mà chị linh cảm thấy minh đang là "mục tiêu" của ai đó. Anh chàng "bạn" của Nga là người ít nói, nên chị cũng đõ phải lo ứng xử khi tâm trí bỗng bồn chồn, dù chẳng biết vì sai. Có điều, sau "tiết mục" giới thiệu "bạn", Nga bỗng rỉ tai chị: "Chưa hết bất ngờ đâu mẹ ơi!"... Chị không tiện hỏi, vả lại, đi xem xiếc thì thiếu gì điều bất ngờ. Đã đến lượt nghệ sĩ xiế dẫn ba con hổ ra sân khấu. từ đầu, chị vốn cố ý ngồi nép một bên ghế, để con gái đỡ e ngại khi muốn tỉ tê với "bạn" nhưng vừa thấy các vị chúa rừng xanh, chị bỗng muốn tìm một chỗ dựa, liền khoác tay Nga. Sau tiết mục "nhảy ghế" và tiết mục biểu diễn chung với mấy chú khỉ là tiết mục "nhảy qua vòng lửa". Lần thứ nhất, cả ba con đều ngoan ngoãn theo lệnh của nghệ sĩ xiếc, tung mình nhảy qua vòng lửa đang rừng rực háy trông thật đẹp mắt. Tiếng vỗ tay vang dội rạp xiếc. Nhưng vào lần thứ hai, con hổ đứng đầu bỗng trở chứng, mặc cho ngọn roi chỉ huy giận giữ nhắc lại mệnh lệnh, hắn cứ nghệt mặt ngó về phía khán giả, như không hề biết ông chủ của nó sắp điên lên. Tiết mục thất bại, không chỉ uy tín và tiền lương của người phụ trách giảm sút mà cả đoàn xiếc sẽ khốn đốn vì mất khách. Lần thứ ba ngọn roi chỉ huy vung lên cùng với tiếng gầm - không phải của con hổ, mà của ông chủ. Con hổ chỉ gừ gừ, nhăn bộ răng trắng nhởn và đưa chân định chụp roi. Giữa lúc cả mấy trăm con người trong rạp như đang nín thở theo dõi tình thế đầy kịch tính tren sân khấu, thì bỗng có tiếng một khán giả kêu lên:

"Giôn-xơn"! Không được!

Cùng lúc người điều khiển vung tay mạnh ngọn roi, dự tính sẽ vụt cho con vật trở chứng một đòn nhớ đời và con hổ chồm lên... Vào giây phút này, cũng như không ít khán giả, chị thốt kêu lên: "Trời ơi!" và vội cúi mặt để khỏi nhìn cảnh thảm thương trên sân khấu. Nhưng chỉ sau chớp mắt, cả rạp xiếc náo loạn. Thì ra con hổ không chồm vào cắn xé người điều khiển và vọt qua hàng rào chắn, lừ lừ tiến về phía khán giả. Nó chẳng vồ cắn ai, nhưng mọi người khiếp hãi xô nhau chạy dạt ra. Duy chỉ một người điễm tĩnh rời hàng ghế bước lại gần con hổ. Tuy không mang quân hàm quân hiệu, vị khán giả có thân hình cao lớn trong trang phục bộ đội lập tức thu phục được con hổ "phá rào". Ông đưa bàn tay vỗ nhẹ lên đầu nó, giọng thân tình:

- "Giôn-xơn!" Đúng là chú mi! Đừng có chướng nghe. Ngoan nào!...

Cảnh tượng kỳ lạ này phút chốc đã thành "tiết mục" hấp dẫn những khán giả bạo gan. Trong số đó, có Nga. Thoạt đầu, hai mẹ con cũng lôi nhau chạy dạt như mọi người nhưng khi thấy vị khán giả "chuyện trò" được với con hổ. Nga lôi bằng được mẹ trở lại.

- Mẹ! Bây giờ mới là chuyện bât ngờ dành cho mẹ đây!

Chị cảm thấy như ù tai, rối trí, chẳng hiểu đầu cuối ra sao, đành mặc cho Nga lôi đi.

Đêm diễn rồi cũng kết thúc, rút ngắn mất một, hai tiết mục, nhưng bù lại, thiên hạ có thêm chuyện lạ bàn tán mãi vẫn không biết thực hư ra sao. Chỉ một điều vị khán giả nọ tự nói ra cho nhiều người nghe ngay trong rạp xiếc thì ai cũng tin: "Vâng, con hổ này tôi cứu nó trên đường Trường Sơn..." Chỉ vậy thôi. Ông vốn không nhiều lời. Vả lại, lòng anh cũng đang bối rối...

- Chào cô An! Xin lỗi, chào chị! May gặp bác Mộc, nên được gặp lại chị...

- Vâng... chào anh... Lâu quá rồi! Bất ngờ quá!...

- Thì con nói sẽ có chuyện bất ngờ mà!

Nga níu tay mẹ, chen vào nói, giọng tinh nghịch. Chị An quay nhìn con, nghiêm giọng; cũng là cách để ngăn bớt sự xao xuyến trong lòng mình.

- Thế mà con không nói rõ... Bây giờ khuya rồi, để hôm nào, xin mời anh đến nhà chơi.

Chẳng thể nói với nhau được gì hơn trong khung cảnh này. Ông Tuân chỉ việc giải thích vắn tắt cho Nga hiểu vì sao con hổ lại nhận ra ông: đơn giản là vì sau một thời gian nuôi nấng lúc nhỏ, đến lúc giao cho đoàn xiếc, thỉnh thoảng có dịp ông vẫn ghé thăm; và chỉ có ông gọi nó bằng tên Giôn-xơn. Có thể là nó đã nghe ông thốt ra: "Giôn-xơn giỏi quá!" sau lần nhảy thứ nhất, nên nghiêng ngó tìm ông trong đám đông, quên mất nghĩa vụ nhảy lần thứ hai... Con Nga thì kể cho mẹ việc vô tình gặp bác Mộc cùng ông Tuân trước cửa rạp xiếc và bác Mộc đã giao cho cô "nhiệm vụ" phải kéo bằng được mẹ đi xem...

Họ chia tay, sau khi sẽ hẹn gặp lại. Trên con đường về khuya vắng vẻ, Nga hỏi mẹ hết câu này đến câu khác, nhưng chị An chỉ trả lời qua chuyện. Về nhà, Nga tót ngay sang giường mẹ, hối hả giục, giọng vừa hỗn vùa làm nũng.

- Bây giờ mẹ phải kể đầu đuôi cẩn thận cho con nghe, nếu không con sẽ mách với bố!

- Thì con cứ việc mách. Đợi khi đó mẹ kể cho cả nhà nghe một lúc...

- Không không! Con muốn nghe bây giờ kia. Nếu cần phải giữ bí mật, con xin hứa...

- Có gì mà phải giữ bí mật, chẳng qua chuyện lâu quá rồi...

Trong đếm vắng, chị An kể cho Nga nghe tiếp câu chuyện trên đường Trường Sơn năm xưa. Bảo là "kể tiếp" vì ông Tuân chính là ông bộ đội biên phòng mà An đã gặp trong đêm cô liều vượt khe Hùm, vượt dốc "Cọp vồ" chỉ để đảm bảo chất lượng một trụ cầu. Sau đó không lâu, giặc Mỹ tung máy bay đánh tràn ra, đoạn đường cô phụ trách giám sát trở thành trọng điểm bị ném bom suốt ngày đêm. Trong một lần nhóm cán bộ kỹ thuật của cô xuyên rừng tìm tuyến đường tránh, phản lực Mỹ nhào tới ném bom. Chúng đánh sâu vào rừng, hòng tìm diệt chỗ trú quân của các đơn vị giữ đường. Chúng đã vồ nhầm, nhưng nhóm kỹ thuật của cô phải hứng chịu trận giữa nơi không một căn hầm trú ẩn. Về sau, cô biết hai người bạn trai cùng đi đã kịp núp dưới một gốc cây đổ; còn cô vào lúc bối rối không biết tránh ở đâu đã lại gặp "cứu tinh": một chiến sĩ biên phòng túm tay cô lôi đi khi chiếc phản lực thứ hai nhào xuống cắt bom. Cô chỉ vừa kịp kêu lên "Anh Tuân" thì đã bị anh đẩy vào một hang đá nhỏ, cùng lúc loạt bom tung khói bụi trùm kín khoảng rừng...

Trận oanh tạc kéo dài khoảng nửa giờ. Giữa cánh rừng tan hoang sau trận bom, vào lúc cô tìm được hai người bạn thì Tuân phát hiện xác một con hổ lớn trúng bom, bên cạnh là chú hổ con trông chỉ như một con mèo đang tìm rúc vú mẹ. Lần đầu An gặp hổ trong một tình cảnh thật thê thảm. Cô cũng cảm thấy sợ; không phải sợ hổ mà ghê sợ sự tàn bạo, dã man. Bọn chúng hung bạo hơn hổ dữ; vậy mà ai đó lại bảo chúng là "hổ giấy"! Còn anh Tuân, gần như là anh đã "vồ" lấy cô, lôi cô vào hang đá chẳng khác gì con cọp tha mồi. Thế mà bên con hổ nhỏ bị thương, anh lại có bàn tay của một bà mẹ. Nhiều ngày sau đó, anh còn phải vất vả, khốn khổ vì nó nhiều hơn...

...Chuyện chỉ có vậy thôi mà mẹ cũng chỉ biết vậy thôi. Vì sau lúc đó, mỗi người một ngả...

Chị An khẽ thở dài rồi nằm lặng. Không thấy Nga hỏi gì thêm, chị tưởng nó đã ngủ. Nhưng Nga đang cắn môi đắn đo trước một câu hỏi thật hệ trọng. Có thể mẹ sẽ bị xúc phạm, nhưng cô làm sao yên được mối nghi ngờ ào đến chẳng khác gì một trận bom. Cô vừa xem một vở kịch... Một chàng trai sắp lấy vợ mới biết hai người là anh em cùng cha khác mẹ! Không thể nín nhịn được nữa, cô vụt dậy, nhìn chằm chằm vào mặt mẹ, giọng thống thiết và đau đớn:

- Mẹ! Con xin lỗi, nếu như con nghĩ sai. Mẹ chưa nói hết sự thực. Còn chuyện gì nữa xảy ra trong hang đá, hoặc là sau đó...

- Sao con lại có thể nghĩ như vậy?

Chị cao giọng ngắt lời con gái, nhưng Nga đang bị cuốn theo một dòng thác dữ, cứ nói bừa:

- Mẹ bảo, bao nhiêu chuyện như thế, con có quyền nghi ngờ. Nếu như bác Tuân là bố đẻ của con...

- Nga! Mẹ cấm con! Mẹ đã đến với bố con hoàn toàn trinh trắng. Không tin, đợi bố con về, con cứ hỏi!...

Chị An vùng ngồi dậy, nói như quát vào mặt con. Nhưng rồi nhìn đôi mắt ngơ ngác của Nga, chị bỗng ôm lấy con, giọng dầy thương cảm:

- Trời! Con tôi học đại học văn mà tưởng ai cũng như mấy nhân vật trong phim, trong kịch! Các ông nhà vam chỉ toàn bịa chuyện, tạo ra bi kịch để lấy nước mắt khán giả, chứ con gái thời ấy có mấy ai buông thả; mà bom đạn như thế, dễ gì gặp nhau là ngủ với nhau và dù có ngủ với nhau dễ gì đã có thai. Chỉ trên phim thôi! Con lớn rồi. chẳng lẽ không biết suốt cả tháng, người phụ nữ chỉ có thể mang thai trong một vài ngày nhất định?

- Con... Con xin lỗi mẹ! Nhưng sao mẹ thở dài?

- Cuộc gặp gỡ bất ngờ làm mẹ ân hận. Bao nhiêu năm qua, ở cùng một thành phố với bác Mộc mà mẹ không tìm thăm lại bác ấy lần nào. Cả bác Tuân, mẹ như cũng đã quên. Vậy mà con "Giôn-xơn" lại nhớ! Cuộc sống sung túc khiến mẹ đã quên, đã bỏ mất nhiều thứ quá...

Chị tưởng Nga vẫn chăm chú lắng nghe, nhưng "con bé" hiếu sự mà vô tâm, sau khi giải tỏa được mối nghi ngờ, đã ngủ yên bên vai mẹ. Chị vẫn thao thức mãi. Bao nhiêu kỷ niệm bấy lâu như ngủ yên chợt sống dậy; bao nhiêu điều đáng phải căn dặn đứa con sắp bước vào đời. Chị bỗng cúi nhìn Nga và thoáng mỉm cười. Nếu như nó vặn hỏi tận cùng, chắc là chị sẽ kể hết. Mà có gì đáng phải dấu giếm. Quả là hồi ấy Tuân có cảm tình với chị nhưng trong hang đá nhỏ giữa trận bom, chính chị đã ôm Tuân kéo vào trong vì không thể để anh thiệt mạng trong lúc che chắn cho mình. Có điều, sự gần gũi ấy đã giúp anh chàng có can đảm bộc lộ tình yêu với chị. Sau loạt bom, thấy mặt mũi chị đen nhẽm vì tro bụi, Tuân đã đổ bi đông nước lau mặt cho chị và bất ngờ cúi hôn chị. Không chẳng đáng gọi đó là nụ hôn. Anh chàng run rẩy và vụng dại; còn chị thì mới thấy trai gái hôn nhau trong phim Liên Xô! Dù vậy, nếu chị buông thả sẽ không biết điều gì sẽ xảy ra!...

Chị đã đứng lên sau nụ hôn đầu tiên trong đời, đã đứng vững trước bom đạn khốc liệt cũng như trước đó đã bất chấp mọi sự đe dọa, bảo vệ bằng được chất lượng công trình. Vậy mà sáng nay, chị đã buông bút ký nghiệm thu một công trình gian dối! Điều ân hận này chị chưa kịp nói cùng con, nhưng chị đã hiểu mình phải làm gì. Không! Chị không thể tiếp tục nhận những đồng tiền ăn cắp. Ít ra thì không để con gái xấu hổ vì chị. Cả với anh Tuân nữa, không thể làm anh thất vọng. Chị biết, trong con mắt anh, chị vẫn là cô An trung thực, cương nghị như năm xưa...

"Con không biết, sau tiết mục xiếc hổ, thêm một điều bất ngờ nữa đã xẩy ra!" Chị thầm nói với Nga và lặng lẽ mỉm cười...

                                                                                                 N.K.P

Nguyễn Khắc Phê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 43 tháng 04/1998

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

5 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

8 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground