Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trăng miền cỏ lau

 

T

ôi dậy sớm sau một đêm thao thức. Tiếng rừng gào rít gọi tôi. Làng tôi bây giờ rừng đã phủ kín hết mọi triền đồi, tràn xuống cả mép ruộng, bờ sông. Rừng mọc lên từ bàn tay con người nên thở cùng nhịp thở con người, ngủ cùng giấc ngủ con người và yêu như con người yêu vậy. Tôi biết, đêm qua một lần nữa rừng gọi tôi. Tràm, bạch đàn, thông, cao su, dầu sở đã qua những ngày lay lắt sống, bám víu vào đất, khát khao vươn dậy và cũng mệt mỏi như tôi giữa mùa gió Tây Nam hun hút này. Mọi lần nghe tiếng rừng gọi, tôi trút đôi tiếng thở dài rồi dỗ mình vào giấc ngủ. Nhưng đêm qua tôi đã chong mắt cùng với tuổi mình. Thì ra tuổi nhiều thêm không làm cho người ta nguôi phai đi ký ức mà chỉ làm cho ký ức lớn thêm, sâu thêm và trở thành nỗi đau dịu dàng.

Tôi lần ra mái hiên có những giò phong lan đã sống với tôi nhiều năm qua bốn mùa mưa nắng. Giò phong lan nghinh xuân sáng nay đã nở, một chuỗi niềm yêu tím cả khoảng trời. Những lá phong lan vươn ra như muốn đỡ lấy chuổi hoa mỏng manh. Còn tôi chẳng biết lấy gì để đỡ cho nỗi buồn đừng vỡ ra. Tôi run rẩy nâng từng cánh phong lan thơm lừng, dỗ mình trở về trạng thái cũ, trạng thái vẹn nguyên niềm kiêu hãnh băng giá. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành có nệm mút màu bưởi chín, bỗng dưng thấy mình nhòa đi trong một biển sương cồn cào. Mấy hôm nay biên động, biết là sáng nay sương giăng. Làng mạc, cây cối chìm trong làn sương mỏng và nhẹ như mây sà xuống đất. Không gìm được lòng, tôi thả bộ dọc theo con đường đất mà cỏ đã lấn ra chật cả lòng đường. Chỉ dăm ba trăm bước chân nữa là tôi sẽ đến chiếc cầu Cổ tích. Cầu Cổ Tích! Sao không phải là ai khác mà là tôi phải chịu đựng nó. Mấy lần tôi đã định triệt phá đi nhưng rồi không nỡ.

Đã hơn mười năm rồi, không hề ai qua sông bằng chiếc cầu này. Người ta bảo người ta cần qua sông chứ không phải cần chết. Mà chiếc cầu thì thời gian đã làm rĩ mòn hết toàn bộ những thanh sắt, có thể thả người qua cầu xuống sông bất cứ lúc nào. Đã hơn mười năm rồi tôi trở lại ngôi làng này, làm chủ những cánh rừng bạt ngàn để nghe rừng hát và xây ngôi biệt thự để giam cầm niềm quạnh hiu. Từ bấy đến nay, tôi chưa bao giờ có cảm giác chống chếnh, vỡ vụn và giãn ra như lúc này. Tôi phồng ngực hít một luồng không khí buổi sớm. Luồng không khí đi qua phổi tôi nóng ran rồi tí tách đi vào máu với một ý nghĩ độc đáo. Tôi sẽ gặp lại tất cả những người đã khiến tôi về với rừng. Tôi sẽ cảm ơn họ.

Người đầu tiên tôi nhớ đến là Vương. Chính Vương là đối tác để ngày trước tôi nghĩ ra việc xây dựng chiếc cầu Cổ Tích này. Ngày đó tôi và Vương chưa đi học xa. Làng hai đứa cách nhau một con sông hẹp. Trai gái làng thăm nhau thường kết bè bằng thân cây chuối chèo sang. Lớn lên trên đất làng hầu như ai cũng thuộc câu "Khi đi áo gấm khăn the. Khi về khăn áo gửi bè chuối lau”. Quà cho nhau tùy theo mùa, khi thì ngô, lạc, mít, dứa, nhãn lồng, khi trêu nhau còn tặng gừng, tiêu, muối, ớt. Làng tôi trước mặt là sông, sau lưng là đồi núi với bạt ngàn lau lách, sim mua, cỏ dại... Bom đạn đã không chừa một cây rừng và thú quý nào. Cả một vùng mênh mông đồi núi chỉ để lấy củi và trẻ chăn trâu chơi đùa. Những chiều nắng sắp tắt, trong mắt Vương và tôi rợp trắng cỏ lau.

- Em biết quê mình giàu gì không? Vương hỏi tôi.

- Giàu tình giàu nghĩa.

- Giàu bông lau! Vương nhìn tôi và giễu cợt vẻ nghiêm túc của tôi.

Vương cài bông lau lên đuôi tóc của tôi: “Ô lúc này tóc em như bờm ngựa. Hay quá”. Hai đứa đuổi nhau cười vang.

Chúng tôi kết thúc buổi chiều bằng hai gánh củi mà gánh của Vương bao giờ cũng nặng gấp đôi gánh của tôi. Đến khi đủ hai bè củi là hai đứa chở qua cho mẹ Vương một bè, còn một bè để lại cho mẹ tôi thổi nấu mùa mưa rét.

- Tại sao mình không làm một cây cầu - Tôi băn khoăn.

- Em tưởng dễ sao, bằng tài sản cả làng này.

- Phải có cách gì để làm chiếc cầu không tốn kém bao nhiêu mà chỉ hai đứa qua thôi

Nhiều đêm thao thức cuối cùng tôi nghĩ ra một cách làm cầu ròng rọc. Ở hai bờ sông sẽ dựng lên hai cột sắt lớn. Từ điểm cao của cột bên này sẽ cho ròng rọc chạy qua điểm thấp của bờ bên kia và ngược lại. Thùng sắt treo trên ròng rọc đủ để chở hai người ngồi hoặc đủ cho hai gánh củi. Ở hai cột sắt có bậc thang để khi người muốn qua cầu sẽ bước lên ngồi vào thùng, thả móc sắt và ròng rọc sẽ làm việc. Tiền cho cây cầu không khó lắm. Tôi năn nỉ bố bán hai mươi tám cây nhãn lồng để làm chiếc cầu điên rồ này. Quá chiều con nên bố tôi đã đồng ý.

Những ngày cây cầu làm xong là những ngày hai đứa tôi gặp nhau nhiều nhất. Chiếc thùng sắt và dây ròng rọc đã phải rung lên một ngày không biết bao nhiêu lần để chúng tôi cảm nhận hết khoái cảm trong phát minh ngộ nghĩnh này. Tôi còn hão huyền mơ tưởng rằng ngày cưới, mọi người sẽ đưa dâu qua thuyền còn cô dâu chú rể bay qua sông trên chiếc cầu Cổ Tích. Lúc đó, chiếc áo cưới trắng  ngời của tôi sẽ bay như mây còn Vương sẽ rải hoa xuống mặt sông. Hoa sẽ đậu trên tóc, trên mắt mọi người.

Vậy mà qua sông một dạo bằng cầu Cổ Tích thì Vương bắt đầu chán. Hóa ra, ngay cả được bay trên không trung cũng không giữ được tình yêu. Vương bảo tôi phải nghĩ ra một cái gì khác hơn là đi mãi trên chiếc cầu này. Vì cầu không đẻ ra tiền của. Tôi dự thảo cách làm ra tiền của bằng trồng rừng. Vương không tin “Em hão huyền như cổ tích". Khi đi học xa Vương đã cưới một cô buôn thịt. Vậy là đám cưới của Vương rộn ràng tiếng dao thớt, đũa bát và tiếng mở nắp sâm banh chứ không có cảnh rải hoa trên sông như tôi nghĩ.

Vương bỏ tôi thì tôi qua sông để làm gì. Tôi muốn phá chiếc cầu đi cho khuất mắt nhưng không được, sức tôi không phá nổi hai cột sắt quá to và quá chắc chắn. Tôi mong thời gian sẽ làm rỉ rét và xô đổ nó. Vậy mà cây cầu vẫn đứng chọc mắt tôi ở đấy, dẫu có hoen rỉ đi nhưng không hề mất một chi tiết nào.

Tôi gọi điện mời Vương năm ngày nữa về dự cưới tôi.

- Em lấy chồng ư?

- Vâng

- Cuối cùng thì em lấy chồng?

- Chẳng lẽ...

- Anh cứ ngỡ

Tôi không muốn nói gì nhiều với Vương. Khi bị phụ bạc người ta thường nghĩ ra những điều tồi tệ cho người khác. Tôi không muốn nghĩ điều tồi tệ. Rừng đã nói giùm tôi.

Người thứ hai tôi gọi là Thịnh. Thịnh yêu tôi khi tôi đang lặn lội nghiên cứu đề tài "Cải tạo gió Tây Nam". Thịnh bảo Thịnh mê vẻ đẹp buồn bã quyến rũ của tôi, nhưng đề tài cải tạo gió Thịnh không ủng hộ. Đấy là chuyện đắp đá vá trời, Thịnh nói như vậy. Theo tôi, gió Tây Nam hâm nóng cả vùng đất quê tôi chỉ có thể cải tạo bằng cách trồng cây kín những chỗ trống trên mặt đất. Cây sẽ chắn lũ, giữ hơi nước, giữ độ ẩm cho đất và do vậy ngọn gió nóng sẽ được tưới lên một vùng hơi nước làm dịu lại. Thịnh bảo, cả một vùng đất rộng lớn mà phía biển là cát trắng phía núi là cỏ lau, vùng đồng bằng chỉ lúa và cỏ cháy thì trồng bao giờ cho đủ cây, đủ rừng. Tôi đưa Thịnh đi khắp nơi để khảo sát địa hình. Khi đến vùng đồi núi Thịnh lắc đầu “Miền này là miền cỏ lau, sẽ không có một loài cỏ gì sống nổi ngoài cỏ lau”. Tôi nói cho Thịnh rõ vùng này ngày xưa là rừng rậm, bom đạn đã cày nát nhưng con người sẽ hồi phục được rừng.

Thịnh không cột bông lau vào đuôi tóc tôi. “Anh không đủ kiên nhẫn để nghĩ đến chuyện bỏ ra hàng chục năm để làm một việc mờ mịt”.

Khi tôi chuẩn bị hoàn thành đề tài cải tạo gió Tây Nam thì Thịnh bỏ tôi ra đi. Thịnh bảo tôi bị gió cuốn đi mất rồi.

Dẫu không ủng hộ tôi nhưng chính sự ra đi "bỏ của chạy lấy người" của Thịnh đã khiến tôi quyết tâm thắng lợi trong cuộc khôi phục rừng. Tôi gọi điện mời Thịnh năm ngày nữa về ăn cưới tôi. Thịnh buồn bã:

- Cám ơn. Anh sẽ về.

Buổi sáng hôm sau sương tan dần, trời nhẹ và xanh như ngọc trai. Tôi đắn đo một chút khi nhấc máy gọi cho Quang, người không thể thiếu trong cuộc gặp này, bởi lẽ Quang đang ở rất xa.

Dạo ấy tôi đi thực tập sinh ở Mat-xcơ-va. Quang là giáo sư trẻ nhất dạy môn thổ nhưỡng học. Quang nghe tôi kể về những miền cát trắng, những rừng lau và ước mơ phủ xanh màu lá. Quang khen đó là một ý tưởng hay và mọi điều kiện đều tốt để thực hiện. Quang chỉ lưu ý là sẽ gặp khó khăn khi vận động mọi người trồng cây. Quang ủng hộ tôi Quang say đắm tôi, những chiều đi du thuyền trên sông Vôn ga, những đợt đi pic-nic trong rừng Tai-ga bên sông Đơ-ni-ép. Nhưng khi tôi trở về quê hương thì Quang chỉ nói. “Đáng tiếc là anh phải ở lại. Anh phải làm điều mà anh suốt đời mơ ước đó là sự thành đạt. Chúc em trải những cánh rừng đẹp như rừng Tai-ga trên đất Việt Nam". Thì ra với Quang danh vọng lớn hơn tất cả. Thỉnh thoảng Quang viết thư hay gửi những con gấu bông xinh xắn "Để em ôm cho đỡ buồn". 

Quang rất ngạc nhiên khi tôi gọi điện mời dự cưới

- Anh không tin là đến bây giờ em mới lấy chồng.

- Em cũng nghĩ thế

- Anh cứ ngỡ là em yên ấm từ lâu lắm rồi.

- Cái cơ bản là anh về dự cưới em

- Anh sẽ về.

***

Tôi bắt đầu thấy lo lắng.

Chỉ mấy lần mặt trời nhô lên khỏi chân sóng phía sông xa và lặn khuất phía thảm rừng kia là cả ba người sẽ về dự cưới. Nhưng cưới cái gì. Tôi bình tĩnh nghĩ ra cách kết thúc câu chuyện này. Tôi cho trang hoàng biệt thự theo không khí lễ hội. Từ cổng vào sân dọc theo hai hàng đinh lăng cắt xén thẳng tắp được kết đèn lồng màu vàng nhạt. Khoảng sân được chăng hoa bằng giấy ngũ sắc, ở giữa đặt chậu hoa hồng rực rỡ. Tất cả các phòng đều được treo đèn chùm màu tím nhạt gợi cảm giác ấm áp, thanh bình. Sân thượng tầng hai sẽ là nơi tôi đón khách. Trên sân trang trí toàn loại cây cảnh nở hoa trắng. Chiếc bàn trà bằng pha lê và bốn chiếc ghế nệm mút trắng bạc. Tất cả toát lên ấn tượng màu bông lau.

Cho đến lúc ấy, cỏ lau không dễ gì tìm thấy ở quê tôi. Một khoảng đất dù nhỏ cũng đã được trồng cây. Ban đầu, quả thực Quang nói đúng chẳng mấy ai hưởng ứng việc trồng cây. Người ta tra hạt lúa xuống đất mấy mùa trăng đã cho gặt hái, nhưng trồng cây thì phải đợi bằng cả thời xuân sắc. Rừng mọc lên trên đất cằn phải bám sâu vào đất như bám sâu vào giọt mồ hôi con người. Rừng chín như tuổi chín, rừng già như con người đã qua phong ba, thấm đẫm nỗi đau và hạnh phúc.

Dần dà rồi người ta cũng thấy được nguồn lợi của rừng. Người ta đã thở bằng hơi thở mát dịu của rừng, đã sống bằng tấm lòng thơm thảo của rừng và rừng đã trở nên thân thiết với mỗi người như người thân vậy.

Buổi chiều khi ráng hoàng hôn cuối cùng hắt lên một tia vàng vọt rồi tắt lịm thì cả ba người lần lượt xuất hiện. Người nhà mời tất cả lên sân thượng, nơi tôi đã chuẩn bị rất kỹ từ chiếc thảm chùi chân đến bức rèm cửa, tất cả trong ánh đèn lãng đãng màu sương. Ba người ngồi chuyện trò và chờ chủ nhân là tôi. Họ hoàn toàn không biết nhau và hồi hộp bộc bạch. Vương kể bây giờ anh ta ở cuối đầu Tổ quốc nhưng rất dễ làm ăn. Vương buôn một thứ gì đó không tiện nói ra và rất giàu có. Thịnh kể anh ta bôn tẩu khắp nơi và cuối cùng thì không biết dừng lại ở đâu. Quang kể ở Nga tuyệt vời và không muốn về nước nữa. Cái họ cùng quan tâm là tại sao tôi muộn lấy chồng và sẽ lấy ai.

Đã đến lúc tôi phải xuất hiện. Tôi mặc bộ áo trắng bồng bềnh, đầu kết hoa tím nhỏ li ti. Cả ba đứng vụt dậy như muốn chạy đến ôm chầm lấy tôi. Nhưng rồi họ nhìn nhau và nhìn ra phía cửa xem chú rể xuất hiện như thế nào. Nhưng họ chờ mãi vẫn không thấy chú rể. Tôi nhìn cả ba người trìu mến, với lòng biết ơn họ.

Một hồi, cả ba người đều nóng lòng muốn biết chú rể dâu. Tôi đưa mắt ra hiệu cho người nhà khiêng ra một chiếc tủ lớn.

- Sao vậy? - Cả ba cùng ngạc nhiên - Chẳng lẽ bí mật đến thế sao?

Tôi mở nắp chai sâm banh thứ hai và rót mời mọi người nâng cốc.

- Trời ơi, chú rể chết ngạt mất - cả ba giục tôi.

- Tôi đứng dậy thong thả đến mở tủ. Một tủ chất đầy bông lau xổ ra làm trắng cả một góc sân.

Chừng như cả ba người đều hiểu, họ cúi xuống không nói gì.

Một cảm giác hạnh phúc tràn ngập trong tôi, khiến tôi bật khóc..

Đêm đó tôi nằm mơ thấy ba thằng đàn ông kia là ba con ngỗng trời. Sau thời gian lạc bầy nay tìm gặp lại nhau. Tôi muốn ba con ngỗng bay lên trời, bay mãi, bay mãi cho đến khi gặp bão tố. Bão đánh chúng tơi ra. Những chiếc lông ngỗng bay lả tả trên không. Bão tan, những chiếc lông ngỗng đậu xuống trên triền đồi hoang hóa thành những đám bông lau thảm hại. Ba con ngỗng kia mất tích, còn tôi hình như đã chết cho rừng.

H.N

Hàn Nguyệt
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 53 tháng 02/1999

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground