Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chân dung

K

hông sát mặt đường nhưng lối vào rộng rãi, yên tĩnh, không gian thoáng đãng, đủ để cảm giác thành phố đang ở bên mình. Một góc riêng biệt, tách cà phê bốc khói, đôi ghế mây giản dị, xung quanh phong lan rũ những cánh lá mềm mại, lác đác vài giò hoa, tinh khiết một cách kiêu sa. Những sáng có hơi gió heo may, ăn mặc thật phong phanh, co ro ngồi trong ghế, nhấm nháp từng chút nhỏ cà phê đã tận hưởng hết hương vị ngọt đắng từ từ tan trên đầu lưỡi loang dần trong vòm miệng, mơ màng nhìn mặt hồ Thiên Quang bản lãng khói sương dường còn ngái ngủ, sẽ sàng hít hà hương lá phảng phất mong manh, nghe phố xá dưới kia vọng vào…

Thỉnh thoảng, mệt nhoài vì lang thang, ghé ngồi lơ vơ bên vỉa hè đường Nguyễn Du trông sang hồ Thiên Quang, uống nhiều cốc cà phê rẻ tiền nhạt nhẽo, Quỳnh đã say sưa nói về viễn cảnh của một ngày nào đó, Quỳnh bảo, ngày nào đó mình thật nhiều tiền, mình sẽ ngồi đó tha hồ ngắm mặt hồ, rồi vẽ, mặc cho người ta chen chúc. Quỳnh nói, và quỳnh ngoái cổ nhìn những biệt thự im lìm dọc bờ đường bằng ánh mắt rất căm thù. "Làm sao mình có tền được hả anh?" Quỳnh hỏi, bằng một giọng ngơ ngác, cả giọt nước mắt ứa ra trong khóe mắt cũng ngơ ngác y vậy.

Sáng nào thức dậy, ra ngồi trên gác thượng, bao giờ An cũng nhớ rất rõ hình ảnh Quỳnh, chi tiết đến từng điệu bộ, từng cử chỉ nhưng rồi ngay lập tức ký ức An lại quay về một hình ảnh khác, với Huệ cái nắm tay thật chặt và đôi mắt rực sáng đến nhói lòng vào một buổi khác, khi đó An vừa cưới Huệ một thời gian đột nhiên nổi cơn nhớ Quỳnh, An chở Huệ ra ngồi góc quán cũ, vô tình buột ra cái mơ ước từ thửa nào thuộc về Quỳnh. "Mình sẽ có tiền, anh ạ!" Huệ quả quyết rồi trở về, Huệ treo tranh dung An vẽ Huệ ra cửa hàng, sau đó An bỏ quán truyền thần lần hồi từ những khách hàng đầu tiên là đám bạn buôn mỹ phẩm của Huệ, cho đến khi mau được ngôi nhà này thì lần nữa An bỏ vẽ minh họa cho báo văn học để lập hẳn một salon sang trọng, tiếp những khách hàng ngày mỗi sang trọng và đông đảo hơn.

Giờ đây, thỉnh thoảng chạy từ ngoài phố về, gặp lúc An rảnh rỗi, sà vào An bằng tất cả sự nồng nhiệt chân thành, Huệ vẫn nhắc đi nhắc lại với toàn bộ vẽ tự hào và đắc thắng, rằng là từ ngày xưa, từ  thuở cơ hàn đó, Huệ đã nhận ra An, tầm vóc và sự vĩ đại, và Huệ với tình yêu của mình đã khởi đầu cho An, vân vân và vân vân. Huệ nói, và luôn luôn An nở một nụ cười méo xạch từ trong tâm.

An, theo đánh giá của dư luận, trong đó gồm giới báo chí, 100% khách hàng và thêm rất nhiều người nữa, là họa sĩ vẽ chân dung số một của Việt Nam. Gọi là số một không phải vì nghệ thuật của An có cách tân gì ghê gớm, mà, như bình luận của nhiều bài báo, là ở sức mê dụ của từng đường nét, từng sắc điệu sáng tối, là khả năng làm lấp lánh nội tâm, đến nỗi đứng trước tác phẩm An vừa có cảm giác đang có một con người thực sống động vừa như đứng trước một ảo hình, thấp thoáng, xa vời, bị dẫn dụ, bị hớp hồn. Đó là những chân dung theo phong cách Phục Hưng của Botticelli hay Leonard De Vinci,… giờ đây giá trị hàng tỷ sáng choang trong các viện bảo tàng, hay nhoài trên tường những lâu đài cổ của những làng họ đại quý tộc trong vài thế kỷ trước. Người ta nói, vẽ chân dung theo lối cổ điển, sự chối từ ấn tượng, siêu thực… là một thái độ nghiêm túc đối với hiện thực là một sự trân trọng, khát vọng đến tuyệt đối với cái đẹp. Rất nhiều những từ ngữ to tát dành cho An, kể từ bài giới thiệu đầu tiên trên báo khoa học, tờ báo bấy giờ An làm họa sĩ minh họa, sau khi An tổ chức triển lãm chân dung mà trong đó nhiều mẫu nhân vật của An là những người nổi tiếng. Trong một thời gian dài, ảnh An nhan nhản trên mặt báo, hầu như vài tuần, vài tháng, thể nào An cũng ra mặt một lần trên truyền hình, hết văn học nghệ thuật đến tác giả tác phẩm, hết phóng sự đến khách mời hay gặp gỡ khán giả màn ảnh nhỏ... Nhà của An, điện thoại réo rắt đến nỗi Huệ phải cắt hẳn một cô cháu để trả lời. Ngày ngày những người hâm mộ và khách hàng của An lũ lượt ngoài cổng. Ở đấy Huệ cũng sắp sẵn một phụ tá, để ai vào ai không, và ai nữa vào một giờ nào... Nhưng luôn luôn Huệ không từ chối một khách hàng nào, chỉ có điều họ phải kiên nhẫn chờ đợi, vì, theo lời Huệ, nghệ thuật phải kỳ công, tỉ mỉ, phải đau khổ, tĩnh lặng và dồn hết tâm trí, rằng nghệ thuật khác hẳn với hàng chợ... Về sau này, khi tình trạng quảng cáo An không còn cấp tập nữa thì thỉnh thoảng mới có một người khách lặng lẽ đến nhà An theo một lịch đã có sẵn đâu từ tháng trước, qua điều phối của cô cháu Huệ. An được báo tin trước hai tiếng, vào buổi sáng, khi ngồi trầm tư bên tách cà phê bốc khói nhìn ra hồ Thiên Quang bảng lảng và nghĩ về Quỳnh.

An, không biết bao nhiêu lần trong cuộc đời mình, vào lúc 9 giờ bước vào phòng vẽ, một căn phòng có nhiều cửa mở hướng ra thiên nhiên, có rất nhiều rèm và đèn để tùy thời tiết và đối tượng, có thể thay thế ngay một fon ánh sáng phù hợp, bắt gặp ở đó một mệnh phụ vợ của một quan chức cao cấp, nếu không một phu nhân X,Z..., hoặc một nghệ sĩ, một minh tinh..., như thể quây quần trong một thế giới tinh hoa ngày một nhiều lên của xã hội, họ ở khắp Hà Thành, ở Sài Gòn ra, đôi người từ tỉnh xa đến, những người đang cố gắng đạt đến độ sang trọng, quý phái bằng một bức chân dung bóng loáng sau mặt kính, áo xuống trễ tràng hở hết vai và ngực, chuồng vàng chuỗi ngực lấp lánh, ngồi chờ đợi. Luôn luôn An biết, họ tự phụ ở một nội tâm nào đó chìm khuất bên trong, một nội tâm mà đời thường tục lụy người ta không thể nhận ra, và chỉ có An, may chăng là cảm được. Và họ run rẩy hồi hộp chờ hiện lên trên nét vẽ An niềm kiêu hãnh, sự phong lưu quý phái, và hoàn mỹ một cách bí ẩn. Sáu triệu, tám hay mười triệu, đâu có hề gì, điều cốt lõi là giờ đây có người thấu hiểu, chiếu rọi được ánh sáng vào thẳm sâu đời sống họ, giờ đây họ tìm thấy ở nơi An vẻ đẹp của tri âm. Tri âm? An đứng trong ánh sáng chan hòa luôn luôn hợp lý để tôn tạo mọi dáng nét, giữa một bên là người đàn bà lấp lánh kiềng vàng chuối ngọc một bên là tấm vải vẽ trắng tinh, đôi khi rùng mình ngỡ còn đứng quanh quẩn với những âm hồn thuở nào ở quán truyền thần phố Huế, những đen trắng mốc ố, những cặp mắt tiền kiếp, khi nữa là mù sa từng tảng như khí độc đùn dưới vực lên chiều hè nào đó giữa khóa học An với Quỳnh về quê, chèo ngược sông Thạch Hãn qua Trấm qua Ba Lòng rồi hứng chí trèo lên đỉnh Thạch Bàn chơi. An còn nhớ ở đó An đã ngồi trong luồng mù đậm đặc, hướng mắt về xuôi thấy Thành Cổ bằng lòng tay ngập một trời nắng, nghe Quỳnh thở dài nói đến tri âm và lầm lạc, sao cho nỗi tri âm trong cõi đời mù mịt thế kia? An đã hoảng sợ và tuyệt vọng và An đã ham muốn chia sớt một cách tàn khốc, tức là phải dằn vặt, phải làm Quỳnh thật đau đớn, hoặc phải nghiền nát Quỳnh đi để Quỳnh có thể tan biến mà bằng cách đó An được Quỳnh mãi mãi. Quỳnh âm thầm, chỉ mắt nhìn hun hút, y hệt ánh nhìn thỉnh thoảng về sau An thấy hiện lên trên nền vải trong một hình hài khác, khi nghe máu mình chảy ở trên đỉnh non.

Mọi chuyện bắt đầu sau khi Quỳnh bỏ về quê nhận làm chuyên viên cổ động cho phòng Văn hóa huyện, còn lại mình An giữa lòng Hà Nội đông đúc và một nỗi cô đơn không chốn nương tựa, An thuê chung một góc ổ chuột trong làng Khương Thượng với ba cựu sinh viên bách khoa quyết chí bám trụ Hà Nội. Ngày ngày ba chàng kia chạy đôn đáo ra chợ lao động thì An kỳ cạch chiếc xe đạp lên phố Huế phụ vẽ truyền thần với ông thợ truyền thần tên Diểu. Ở đó, phơi mặt ra ngoài đường, sáng đến chiều hứng khói bụi và nhức đầu vì tiếng ồn, An bặm môi bặm miệng học truyền thần người chết từ những bức ảnh cũ ố cái mốc, có  nhiều cái chỉ bé bằng đầu ngón tay. Ở đó, ba tháng đầu ngoài ăn cơm ngày hai bữa đạm bọc ông Diểu trả An số tiền đủ để góp với các bạn trả tiền thuê nhà, đi cắt tóc và một số lần tự cho phép mình ra ngồi góc phố Nguyễn Du để tưởng nhớ Quỳnh, lần nào đó An cũng ngước nhìn những biệt thự kính cổng cao tường bằng con mắt căm thù.

Ông Diểu bảo: "Mày tài! Truyền được thần người sống thì mày tài nữa". Ông Diểu nói câu đó vào tháng 7 kể từ ngày An ngồi vẽ với ông khi An có dấu hiệu vượt thầy về kỹ nghệ truyền thần. Hôm ấy An có thư nhà, cô con gái đi học cấp 3 trường huyện sau một hồi kể lể chuyện nhà cửa bố mẹ, cả chuyện con trâu nai, con chó mực, đã không quên nhắc đến Quỳnh, cô viết Quỳnh giờ đau bụng vượt mặt và sắp đẻ rồi. Điều này An biết, vì từ túc Quỳnh lấy chồng cất mặt lên khỏi đám ảnh người chết thế nào An cũng nhớ Quỳnh, mà nhớ Quỳnh là trong trí An bày ra đủ cảnh Quỳnh với chồng Quỳnh, hoặc Quỳnh lít nhít với con cái, lòng An sôi sục, vừa buồn vừa hận, An tự nhủ coi Quỳnh phản bội và hãy khinh bỉ Quỳnh đi, mà giờ đây đọc cô em An mà vẫn cảm thấy nỗi gì gần giống sỉ nhục. Cầm mấy tháng lương, An nghỉ hai ngày việc, sắm bộ cánh mới, đạp xe đến mấy cô bạn cũ học cùng khóa mỹ thuật. Ẩn ức lắm thì An chết mất, An cần giải tỏa, cần có một người để quên Quỳnh hoặc trả lời Quỳnh, đại loại thế. Mấy cô bạn học, vài cô có chồng, cô chưa chồng thì rủng rỉnh với những gã bồ giàu có. Nghe An kể chuyện đi truyền thần các cô bấm nhau tủm tỉm, nghe chuyện Quỳnh chữa đẻ các cô còn tủm tỉm hơn nữa. Đi chán, trở về xoãi ra mảng sàn có trải manh chiếu đêm bốn thằng trai nằm chung có thằng ngủ mơ tưởng đang sờ soạng người tình, nghĩ vơ vẩn, làm sao cho có một ai, làm sao thoát khỏi đám ảnh người chết đen trắng, mốc ố sáng chiều không nguôi chiếu ánh nhìn vô hồn lạnh lẽo vào tâm… hoặc là cô nữ sinh sử học thuê chỗ tầng dưới, cô gái sau buổi đi dạy kèm về tắm vội vàng trong phòng tắm hở hoác nhiều lần bọn An vẫn đè nhau ghé qua cửa sổ mở hé nhòm xuống, thấy đôi vú nhỏ và đôi chân đầy sẹo đĩa trâu nhiều năm da không lên lại được. Nhưng cô gái này hình như cũng thường xuyên có một ai đó, vì những đêm tỉnh giấc bất chợt An còn nghe từ dưới kia lào xào tiếng dắt xe khép cửa như là vụng lén, sợ hãi. Vậy làm sao An có một người nào! Những cô gái ngày ngày An gặp dọc phố Huế, những cô gái sau shop thời trang mỹ phẩm, những hàng kính mắt, đồng hồ, xe máy, những short ngắn đùi dài đánh mắt và ăn quà, sao họ có thể để ý An… Rồi bỗng dưng An nhớ ra Huệ. Huệ chủ hàng mỹ phẩm cách quán truyền thần một số nhà, độc thân, ăn bụi, sỡ hữu thêm chiếc xe máy, ngày bán hàng, đêm ngủ trên chiếc giường có che rèm phía sau quầy. Một vài lần đóng cửa hàng Huệ lân la sang nói chuyện với ông Diểu, ngồi xem và khen An vẽ giống, cô bảo, như là chụp nhưng tuyệt hơn chụp. Mới đây Huệ đưa ông Diểu, ông Diểu đẩy sang An, truyền thần một người đàn ông mặc măng tô đứng giữa mặt biển tuyết trắng. Đó là bố Huệ. Huệ kể vào thời Huệ còn nhỏ, bố Huệ đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô rồi bỏ mẹ Huệ lấy một cô gái người Nga, ở luôn bên đó không về. Không biết con mẹ kia ghê gớm chừng nào hay bố Huệ ăn phải bả gì đâm ngu si, dại dột, Huệ nói, bố Huệ lầm, nên khi chết vì bị đánh ghen, xác người ta thiêu, lọ tro thì gửi theo đường ngoại giao về cho mẹ Huệ. Tất nhiên mẹ Huệ không giữ, bà đã có chồng khác, Huệ phải đem tro bố gửi vào nhà chùa, chỉ giữ mỗi tấm ảnh.

An không tỉnh tán Huệ nhưng An đi ngang qua nhà Huệ sốt sắng mời ghé chơi, rồi mời uống nước, hút ba số năm hảo hạng, An về còn tặng bộ cạo mặt. Huệ nói chuyện, đầu hơi nghiêng nghiêng, tóc ngang vai xõa xuống bờ vai hở khỏi viền cổ áo, bàn tay đặt lên bàn tay búp măng nõn nà như chính cơ thể Huệ. An sang một lần, hai lần, lần thứ ba dẫn Huệ vòng vèo thành phố bằng xe máy Huệ, lần thứ tư thì ở lại với Huệ trên chiếc giường che rèm, phía sau quầy. Huệ đã cống hiến cho An toàn bộ năng lực, nhấn An trong những cuồng phong dữ dội mà đầy thèm khát, buộc An mỗi lần đến, dù tự nhủ lần cuối cùng rồi tếch đi, nhưng An chẳng lần nào tếch đi được. Huệ bảo ''Anh vẽ em đi!'' Thì vẽ. Anh mang toan mang màu, đứng trước Huệ với tư thế ăn ốc trả tiền. An không trả tiền Huệ thì tri ân bằng một bức vẽ. Huệ mặc chiếc áo trắng muốt mỏng manh hở hai phần ngực ngồi trong vùng tranh tối tranh sáng của cái phần sinh sống được che chắn đằng sau quầy hàng, Huệ với toàn bộ khả năng kích động làm An đau nhói. Nhưng chưa đủ. An sẽ còn rùng rợn suốt thể xác khi bỗng dưng đối diện Huệ, An vụt thấy Quỳnh hiển hiện tươi mát, trinh nguyên và dằn vặt trong dáng vóc Huệ. An cầm lấy cọ vẽ, vẽ cuồng điên u muội, như hứng thú tự sát, hối hả tuyệt vọng sợ khoảnh khắc thôi Quỳnh sẻ biến di mất, An ngờ đâu từ đó An không chỉ đau đớn tinh thần bởi Quỳnh mà còn đau đớn một cách rõ ràng, một cách vật chất. Trong thơi kì đầu mới cưới Huệ, có nhiều đêm về sáng bất chợt tỉnh giấc, ham muốn Quỳnh khắc khoải, An dựng Huệ dậy thực thi toàn bộ cảm giác với Quỳnh trên thân xác Huệ, An làm cho Huệ cảm động, nhưng nửa chừng tỉnh trí An bẽ bàng đến nỗi suýt gào lên. Về sau này, khi đã chung đụng quá lâu ngày với Huệ, đã không còn cảm xúc yêu đương nữa, đôi khi để Huệ khỏi dằn dỗi An đành căy đắng mượn đến hình hài Quỳnh , tưởng tượng ra Quỳnh, dù rằng bấy giờ Quỳnh tàn tạ võ vàng với hai đưa con và một gã chồng. An mới hiểu, té ra trong đời, một khi đã không thể với Quỳnh nữa thì luôn luôn An vẫn cần đến Quỳnh, không phải như một giá trị để thờ cúng, mà chỉ là một lừa mị để chung sống.

An nhớ khi ngưng cọ trên bức chân dung Huệ, choáng váng trước sự lạ lùng của thần thái bức vẽ, An đã kiệt sức nằm ốm mấy ngày liền. Trong mấy ngày đó, thở khò khè trong góc quán truyền thần, ở xung quanh la liệt ảnh người chết, An mơ thấy mình toàn hoan lạc với ma quỉ, An mơ thấy đúng những gương mặt mà về sau trong salon nghệ thuật của họa sĩ vẽ chân dung số một An gặp lại và chỉ việc vẽ ra. Ngoài chái quán, trên vĩa hè ông Diểu cắm cúi soi đi soi lại bức vẽ Huệ với những bức truyền thần xưa nay thầy tro hằng vẽ, chốc chốc rùng mình. Chỉ Huệ là sung sướng, Huệ lồng chân dung mình trong khung kính treo trên đầu giường như một minh chứng tinh khôi  cho những tục lụy về sau, trước khi treo hẳn ra quầy mỹ phẩm làm trực quan quảng cáo khởi đầu sự nghiệp đánh giá của An.

An duỗi chân ngã người trong ghế, ngửa người thả một vòng khói thuốc. Ngoài kia đang mùa thu. Hoa sữa buổi mai ngoài đường Nguyễn Du chầm chậm thoảng vào một làn hương dịu ngọt. Buổi sáng nay An không tiếp mệnh phụ, ca sĩ hay minh tinh nào. Buổi sáng nay khách của An là chị Nhuần.

Bốn năm trước đang tập tễnh vẽ những cô bạn buôn của Huệ để thỉnh thoảng cầm một món tiền còn chừng vài trăm, An đến báo văn học xin một chân vẽ minh họa. Ở đây, giữa những nhà văn, nhà thơ danh tiếng, giữa những phụ nữ xinh xắn diệu kỳ, An kết thân một người duy nhất không làm thơ viết văn, tí chút nhan sắc cũng không nốt, đó là chị Nhuần, nhân viên tạp vụ. Bấy giờ chị đã ngoài 40 nhưng còn độc thân. Thỉnh thoảng buổi trưa An ở lại cùng chị đi ăn trưa, cơm bụi, qua chuyện trò anh mới biết chị là cựu thanh niên xung phong, quê mãi Thái Bình, sau giải phóng miền Nam về Hà Nội, gặp đồng hương là ông Tổng biên tập cũ của báo, được ông nhận vào làm tạp vụ, cho đến giờ. Chị bảo số chị khổ, thời trẻ thì ở Trường Sơn, rời Trường Sơn về làm nhà nước, không học vấn bằng cấp, lương tiệm tùng, còn phải sẻ nuôi mẹ già ở quê nuôi em ăn học, đã nghèo lại cô độc, mà không chừng cô độc đến suốt đời.

Nhưng năm sau nữa, khi An rời tòa báo về nhà chuyên tâm vẽ thì hay tin chị Nhuần lấy chồng, lấy một ông góa vợ nghỉ hưu, đã con cháu đề huề. Nghe nói người chồng chị Nhuần khá giả, hiền lành. Thôi thì An mừng cho chị tìm được chốn nương tựa cho ngày tuổi già.

Lâu, An không qua báo văn học, cũng không hay biết tin tức chị Nhuần. Bất chợt tuần trước chị đường đột đến nhà An. Sự đầy đủ nhàn hạ, những nhu cầu dinh dưỡng không kiềm chế đã khiến chị phì nộn nặng nề, gương mặt quá tròn có lẽ vào thời trẻ khả dĩ còn tương đối được, giờ trở nên dư thừa thịt. Không quần đen áo cánh, chị đã biết mặc váy, song dường như còn e thẹn nên chị chỉ mặc váy dài và kín cổ. Ngập ngừng, mặt đỏ rựng lên, chị bày tỏ với An khát vọng được thực hiện một bức chân dung. An sốt sắng: "Em vẽ tặng chị", không dè, chị dãy nãy: "Tôi trả tiền cậu. Tôi đâu thiếu tiền. Tôi trả cậu như cậu vẽ cho người ta, đúng giá trị tác phẩm. Vấn đề cậu phải vẽ tôi thật đẹp. Trong phòng vẽ, vụng về với thân hình nặng nề, với chiếc áo kín cổ, chị dặn đi dặn lại An phải làm sao để vẫn giống chị nhưng thon thả, trẻ trung, nhất khoát không ăn mặc thế nhày, phải xinh tươi hơn, hấp dẫn hơn. "Cậu vẽ cho tôi hạt ngọc minh châu nữa nhé" Chị ấp úng.

Anh đánh vật với bức vẽ chị Nhuần mất mấy ngày liền. Không sáng loáng mịn màng, đẹp một cách giả tạo đơn điệu như xưa An hằng vẽ, cẩn trọng và nghiêm túc, An muốn thể hiện một chị Nhuần chân chất mộc mạc, một chị Nhuần Trường Sơn cô độc lạc lõng giữa Hà Nội phù hoa. An vẽ bằng chính ánh sáng nội tâm mình, lần đầu tiên không bị chi phối bởi những cặp mắt tiền kiếp, lần đầu tiên bứt ra khỏi ý nghĩ của một gã thợ truyền thần vẽ lại những bộ mặt hờ hững vô hồn…An đã không theo cái điều chị Nhuần dặn, vẽ cho chị một hạt ngọc minh châu ở trên cổ.

Chị Nhuần đến, hồi hộp vội vã nhìn bức chân dung An đã mang để sẵn ỏ phòng khách. "Hạt ngọc đâu! Sao cậu không vẽ?" Chị hỏi. An nhã nhặn: "Chị ạ, đâu càn gì ngọc minh châu…" Không chờ An nói hết , chị te tái, hờn dỗi: "Hay cậu khinh tôi nghèo? Hay tôi phải đeo bằng được một hạt minh châu chính hiệu thì cậu mới vẽ cho tôi? Không, cậu phải vẽ cho tôi. Cậu không vẽ thêm hạt ngọc thì tôi mặc cậu…"

                                                                             T.T.H

Trần Thanh Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 58 tháng 07/1999

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

3 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground