Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ám ảnh

K

ết thúc chiến dịch Trường Chinh, binh đoàn Việt Minh, lược lượng mà chúng tôi sợ nhất rút đi. Hai bên bờ sông vẫn giữ nguyên lệnh phong toả của ngài tỉnh trưởng Tô Mai Hải, ghe thuyền trên sông ban đêm phải khiêng vào trong làng xa bờ một trăm mét, ai trái lệnh sẽ bị bắt,sau bảy giờ tối ai lảng vảng gần bờ sông bắn bỏ. Khu vực ven Đồng Bò được tăng cường phục kích, đánh chặn.

Vậy mà lạ thay, qua mỗi đêm, trên quốc lộ số một, đoạn Nha Trang đi Thành Diên Khánh cờ đỏ sao vàng rợp đỏ, trên mặt đường những khẩu hiệu màu trắng thẳng tắp, khuôn chữ đúc rất đẹp, rất công phu. Dân đi chợ sớm kháo nhau, râm ran cả chợ Đầm. Họ khen Việt Minh giỏi, tài ba. Quận trưởng, tỉnh trưởng lồng lên trông cơn sốt. Bọn tôi bị gọi lên xì nẹt là đò vô dụng. Và ra lệnh phải triệt cho bằng được bọn treo cờ đỏ sao vàng, kẻ khẩu hiệu trên mặt đường cái quan.

Là chỉ huy môt trung đội cơ động của quận Vĩnh Xương, tôi lo tới mất ăn, mất ngủ. Tôi tự hỏi, vì sao từ mấy năm nay, đã ban hành lệnh, bắt được du kích bắn bỏ, bắt được cán bộ tuyên truyền rạch miệng, bắn. Số người bị bắt, bị bắn cũng không ít, vậy mà người ta không sợ là sao?!

Vốn là một đứa con đẻ rơi của bà mẹ khùng và ông trợ Hạng. Nhà tôi nghèo lắm, mẹ tôi ngày ngày đi khắp các vườn trong làng xin chuối về nuôi heo. Vườn chuối nhà ông trợ Hạng rất rộng và rậm rạp, tôi được gieo mầm ngay trong vườn chuối đó. Người ta gọi ông là thằng Nhẫn dẹo, sau này là trung úy dẹo, vì cái chân tật nguyền sau lần té dừa.

Không nghề nghiệp, tôi đi chăn vịt thuê. Đêm đêm một mình nằm canh vịt ngoài đồng vắng, nhìn trời đếm sao, đàn vịt tôi đếm còn nhầm, thì đếm làm sao cho hết sao trời và nỗi khổ đời mình?! Từ những đêm chưa ngủ trên những cánh đồng vắng, tôi thấy những toán người lặng lẽ từ phía núi thâm nhập vào các làng, gần sáng thì họ dời làng lên núi, tôi quen dần giờ giấc, đường đi của họ. Tôi nghĩ, báo cho quận để lãnh lương, may ra thoát được cảnh đời chăn vịt của mình.

Sau một vài lần dẫn lính đi phục kích, cán bộ Việt Minh có người bị bắt, bị bắn chết, tôi được trọng thưởng, được thăng lon vùn vụt.

Mỗi lần dẫn quân vào các làng lùng sục Việt Minh, bắt xâu, bắt lính, tôi vụt roi gân bò lên đầu, lên lưng bất cứ ai, bất cứ tuổi nào tỏ ra cứng đầu, cứng cổ, gặp con gái, đàn bà ngon mắt tôi thò tay thăm hỏi cái của quý, đố dám cãi. Tôi biết họ sợ khẩu súng tiểu liên My-trây-dét và cái roi gân bò của tôi. Khi kéo quân trở về quận, bao giờ ngài Quận trưởng cũng đích thân rót cho một ly rượu thưởng. Tôi được coi là người hùng tự thấy mình thật quyền uy. Vậy mà bây giờ tôi cũng bị xài xễ, dọa cách chức.

Tôi lại được trọng thưởng và thăng hàm Trung úy, vì lập chiến tích mới. Hai chạy thoát, một bị bắn hạ, một bị bắt sống khi họ đang treo cờ. Tôi rất ngạc nhiên, bởi vì người bị bắt sống là cháu ngoại ông bá hộ Trần nổi tiếng hiền đức trong vùng và là con của ông đội sếp được thăng tới tùng thất phẩm, một thời hiển hách, đã về hưu trước thời Đồng Minh đánh Nhật. Ông Quân trưởng cũng kính nể, đã mời ông ra làm Bang tá, nhưng ông không nhận.

Cậu nhỏ còn trẻ măng, da dẻ trắng trẻo như da con gái ở tuổi mười bảy, chỉ bắt được cậu khi khẩu ru lô 12 ly trong tay đã nhã hết đạn. Ngài quận trưởng vô cùng kinh nhạc khi biết khẩu súng ngắn còn mới nguyên, sáng ngời ánh thép, lại là khẩu súng của đội cận về của ngài tỉnh trưởng Tô Ma Hải, bị mất mấy tháng trước.

Người ta bảo Việt Minh là những người khố rách, áo ôm, vô học, phiến loạn. Tôi thì tôi không tin vào điều này, tôi biết người làng tôi lên núi phần nhiều đều có học, con nhà tử tế, con nhà nghèo đi ở chăn trâu. Nhưng đây là con một gia đình có tước, có lộc của chính phủ Nam triều và chính phủ Đại Pháp, cậu bé được cưng chiều và dạy dỗ rất cẩn thận. Lúc nào cũng gọi tôi là anh Nhẫn, chứ không gọi là Nhẫn dẹo, tôi rất quý cậu. Vậy mà cậu nhỏ theo Việt Minh, làm những việc tày trời như vậy. Rõ ràng cậu là nhóm Việt Minh nằm vùng nguy hiểm. Lệnh của tỉnh trưởng Tô Ma Hải phải khai thác ngay, tìm cho ra hai người chạy thoát, ai nuôi dưỡng chứa chấp, ai đưa súng từ trong dinh tỉnh trưởng ra, phải triệt cho hết.

Thượng sĩ Trung hỏi cung, viên thượng sĩ mặt rỗ này có đôi mắt to trắng dã, khi uống vài ly rượu thì mắt đỏ lừ, hung dữ, không biết nới tay cho bao giờ. Cứ tưởng cái dáng vóc nhỏ bé, yếu đuối như vậy chỉ chục roi là xong. Nhưng cậu nhỏ chịu đòn rất gan, tức tối vì sự bất lực trước thằng bé, thượng sĩ Trung vớ cái đùi trống chầu, bổ thẳng xuống đỉnh đầu bốn, năm cái liền. Mặt cậu nhỏ tái đi, hai mắt thoáng ngơ ngác, đưa tay ra hiệu ngừng đánh. Trung ngừng tay, thở hồng hộc mắt đỏ nọc chờ đợi.

- Anh đánh tôi để làm gì?

- Để mày khai.

- Đánh trên đỉnh đầu, bể đầu chết còn khai sao được?

- À! Mày cúng biết sợ chết à. Vậy thì khai đi.

- Khai rồi.

 Ơ! Cái thằng này. Mày đã khai gì đâu?

- Khai! Không biết!

- Không biết nè - Trung rút nhanh sợi dây, cậu bé tay trói thúc ké, bị treo lơ lửng đầu gập xuống, sức nặng của cơ thể kéo hai cánh tay cậu kêu rắc rắc, miệng ứa máu.

Những cú đá, những cú đấm móc tung ra. Thượng sĩ Trung mồ hôi nhễ nhại.

Ngài Quận trưởng rót nước mời thầy Đội, nhìn về phía cậu nhỏ bị trói, ngồi trên chiếc ghế ngồi trước góc phòng.

- Cậu nhỏ dễ thương và thông minh lắm, không thể để cháu chết vì đòn tra được. Kính quý thầy, tôi mời thầy lên để cùng cứu cháu. Thầy khuyên cháu biết điều gì thì cứ thật thà khai. Tôi sẽ trình lên ngài Tỉnh trưởng xin bảo lãnh, thày cho cháu vào Sài Gòn học, tương lai cháu còn sáng rạng lắm.

Cảm ơn ngài quận trưởng đã quan tâm tới gia đình tôi. Làm cha mẹ ai cũng thương con đứt ruột, khi nhìn thấy hình hài cháu như thế kia. Nhưng bây giờ thời thế khác rồi. Cha mẹ chỉ có công sinh dưỡng - Ông nhìn sang cậu nhỏ - Con có hiểu cho lòng ba má không con? Hình như ông khóc.

- Thưa ba con hiểu ạ!

- Ai? Ai đưa súng trong dinh tỉnh trưởng ra? Ai che giấu? Ai tiếp tế? Ai chỉ huy, ai giao nhiệm vụ? Hai người chạy thoát là ai? Còn bao nhiêu người nữa trong nhóm? Tất cả là sự im lặng với cái thân xác mềm nhũn, rách nát.

Cuối cùng, biết được điểm yếu của cậu nhỏ. Rất thích tắm sông bơi lội, nhưng cậu nhỏ không bao giờ cởi truồng như bọn trẻ cùng lứa. Vì cậu rất sợ phải chết khi trên người không có quần áo.

Ngày hôm sau, mới sáng tinh mơ cậu bị trói vào cọc bắn. Thượng sĩ Trung bảo:

- Đây là lệnh của ngài tỉnh trưởng, mày cần nhắn gì cho gia đình thì nói đi.

Nét mặt cậu nhỏ rất buồn, khẽ trả lời:

Không? - Môi cậu mím lại, vô cùng xúc động. Cậu đưa mắt nhìn một lượt xung quang mình. Nhìn ngọn núi, dòng sông, nhìn những vườn cây ăn trái. Như muốn thu tất cả những kỷ niệm thân yêu, trước khi từ giã cõi đời.

Thượng sĩ Trung bắt đầu cởi bỏ áo quần trên người cậu. Bị bất ngờ, cậu nhỏ hoảng hốt, dãy dụa, chống trả và hét lên:

- Làm cái gì vậy?

- Mày không được mặc quần áo trước khi chết, hiểu không?

- Không được! Các người ác lắm!

- Khai hay chết truồng?

Cậu nhỏ bối rối và nỗi đau đớn, suy nghĩ lung lắm, mấy phút trôi qua, giọng nói của cậu nghẹn lại:

- Dẫn tôi về.

Ngàu Quận trưởng mời ông đội lên thăm cậu, tưởng khó có ai cứng rắn mãi trước cảnh sinh ly tử biệt. Lần này, thì cả hai ba con cùng khóc, tiếng khóc không bật ra, nhưng những dòng nước mắt thì không giấu được, cứ tuôn chảy. Hai ba con lặng lẽ nhìn nhau, rồi lạng lẽ chia tay. Tôi hiểu ruột gan ông, trước đứa con vô cùng cưng quý của mình.

Ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba cũng vậy, khi trói vào cột chuẩn bị cởi áo quần, thì cậu hét lên:

- Các người ác lắm! Dẫn tôi về.

Lần này chúng tôi để cậu yên ổn hai ngày. Cơm nóng, cá đối lá, cá mốm nấu ngọt với cà chua, bỏ ớt sừng, rắc hành ngò thơm lựng, do chính má cậu nấu mang vào. Cậu ăn rất ít, chỉ húp hết phần nước trong tô cá. Má cậu cũng lặng lẽ trong đau đớn, khi ở bên cạnh chăm sóc bữa ăn cho cậu. Nhưng khi ra khỏi nhà giam, bà không lê nổi bước chân, ngồi bệt dưới gốc cây bàng khóc nức nở:

- Con ơi! Mất con mẹ sống sao nổi, con ơi!

Một gia đình như vậy mà lại dấn thân vào con đường chết, tôi không thể nào lý giải được.

Lần thứ tư cậu bị trói vào cột bắn. Thượng sĩ Trung lần lượt mở khuy áo. Đến lượt chúng tôi kinh ngạc. Cậu nhỏ vẫn lặng im, nhưng nét mặt không giấu được nỗi đau đớn, khi cái quần bị cởi ra khỏi người.

Sự im lặng trôi qua, đầu tôi căng ra, mới sáng mà mồ hôi đẫm áo.

- Mày có khai không?

- Không!

- Tao cho mày suy nghĩ thêm một phút nữa. Đây là lần cuối cùng đấy.

Chiếc đồng hồ lê lết từng nấc kim mệt mỏi.

- Khai không?

- Không!

Khẩu tiểu liên trong tay thượng sĩ Trung rung lên. Thế là hết. Cậu nhỏ đã ngã xuống, máu loang đỏ trên nền đất khô, nơi một thời cậu vẫn chơi u, chơi chõng, đánh bi với đám trẻ con trong làng. Khuôn mặt cầu giờ bình thản, trong veo, đôi mắt không khép, không mở, nhìn tôi như trách móc.

* * *

Bây giờ người ta gọi tôi là Nhẫn trại vịt.

Ông Diệm lên, đám sĩ quan vô học thân Pháp như tôi bị thải. Có một số vốn tôi mua một đàn vịt và tự chăn dắt. Tôi lại thích sống một mình trong cảnh cô dơn trên đồng vắng và lặng lẽ đếm sao trời. Trong thiên hà mênh mông tôi cố tìm đâu là ánh mắt của cậu nhỏ, đâu là nỗi đau của bao gia đình có con bị giết chết, đâu là tội lỗi của mình.

Một đêm mùa đông gió rét mướt, tôi chợt thấy có bóng người bì bõm đi trong đêm từ phía núi về làng. Ai vậy? Chẳng lẽ mấy ổng? Ngẫm ra thời ông Diệm tố cộng, diệt cộng còn ác hơn nhiều. Vậy thì, ai từ trên núi xuống? Tôi đâm sợ, nhìn đàn vịt rúc vào nhau nép mình dưới mưa to mà lo lắng cho thân phận mình!

Vậy mà, ma xui quỷ khiến thế nào, sau khi hai tiểu đoàn biệt động bị diệt gọn trên Cẩm Sơn - Sông Cầu cách Nha Trang chỉ có hai mươi cây số, đại úy Trung, viên thượng sĩ dưới quyền tôi trước đây bị tử trận, tôi tin mấy ổng vẫn còn. Tôi tìm cách đón gặp. Nhưng khi gặp được thì người tôi bủn rủn, chân tay muốn khụy xuống. Trời ơi! Người hay ma? Chẵng lẽ oan hồn cậu nhỏ đi tìm tôi. Vẫn đôi mắt sáng trong ấy, nước da trắng trẻo, dáng vóc thư sinh ấy. Lưỡi tôi ríu lại. Chừng như thấy lạ, hỏi:

- Anh Nhẫn làm sao thế?

- Cậu… cậu là… là con thầy đội đã bị… bị…?

- À… à tôi hiểu rồi, anh tưởng hồn ma của anh tôi phải không? Giống lắm hả? Cậu ta cười, nụ cười hồn hậu thật dễ thương. Vì nụ cười ấy mà tôi yên lòng.

- Ờ ờ, cậu là em cậu nhỏ, mười năm rồi còn gì?

Sau khi nghe mọi nỗi niềm của tôi. Nhưng cũng qua nhiều thử thách ghê lắm, các anh mới dần tin tôi. Điều đó dễ hiểu thôi không có gì đáng buồn. Nhờ sống lang tahng ngoài đồng, tôi biết được giờ giấc, nơi thường phục của bọn chúng, mật báo kịp thời cho các anh. Đó là những tháng năm tôi thấy được ý nghĩa làm người.

Không biết trên đời có bao nhiêu đàn bà đã quyết định số mệnh cho người đàn ông? Vợ tôi, chính là vợ của đại úy Trung. Người đàn bà đang tuổi hồi xuân, phốp pháp, khỏe mạnh, điệu nghệ trong chăn gối, làm cho thằng đàn ông tật nguyền như tôi mê đắm. Nàng khuyên tôi, bán đàn vịt để cùng tôi vào Sài Gòn buôn bán, kiếm được nhiều tiền hơn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, lo buồn vì sau tết Mậu Thân không thấy ai trở lại, tôi bán chạy đàn vịt, mang theo số tiền của các anh gửi, trốn vào Sài Gòn.

Tôi đã lầm, nàng cuỗm hết số tiền của tôi và chạy theo một sĩ quan Mỹ, có tên Sitmit hay Sơmít gì đấy. Tôi cà lỉa cái chân dẹo trên đường phố Sài Gòn kiếm ăn từng bữa, tối đến một manh chiếu rách nằm ngủ bên vỉa hè.

Đau buồn, đói khát, tôi kiệt sức không còn gượng dậy được nữa, nằm nhìn cảnh đô thành nhốn nháo vì những đám lính thất trận từ miền Trung chạy về.

Rồi những đoàn quân, cánh mũ tai bèo, những khuôn mặt trẻ măng, những ánh mắt ngời sáng đầy tự tin tiến vào trên đường phố. Sài Gòn rập rình một trời cờ, một trời hoa. Và từ trong đó hiện ra một khuôn mặt, một ánh mắt tươi cười của cậu nhỏ. Cậu đưa tay vẫy tôi với giọng reo vui: Dậy! Dậy đi nào.

                                                                                  H.V.H

Huỳnh Việt Hải
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 51 tháng 12/1998

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground