Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ánh đèn bên nhà hàng xóm

V

ợ ngăn cản không được, đâm ra giận hờn. Nàng tuyên bố xanh rờn “Nếu còn giao du với người ấy nữa thì sẽ cạch!”. Và nàng thực hiện thật. Như mọi bận, bao giờ tôi cũng tìm cách làm lành ngay. Nhưng lần này tôi lặng thinh. Thành thử một cuộc “chiến tranh lạnh” đã xảy ra giữa tôi với nàng. Tối đến, bao giờ nàng cũng chờ cho tôi đã ngủ rồi thì mới vào giường. Và ngược lại. Thực ra, nàng giận tôi cũng có cái lý đúng. Như những người có cùng một nhãn quan, một cách sống. Nàng thuộc về số nhiều. Nhưng chưa phải là tất cả. Ít nhất là trên đời này vẫn còn có tôi. Nàng có quyền riêng. Và tôi cũng vậy. Nàng không thể bắt tôi theo nàng được.

Tôi vẫn thân thiết với Y. Tôi gọi thế cho tiện, cũng là đã nhiễm cái thói của nhiều người ở trong làng vẫn quen mồm gọi Y là thằng, là cu! Người ta thường nói với nhau trong những câu chuyện phiếm “Nhà cu Y vừa bán được đàn lợn vào đúng lúc giá cao” Hay trong một lời khen “Thằng Y thế mà khéo chiều vợ ra phết”. Một sự cần đến “Việc này phải có tay của cu Y thì mới xong được”. Rồi có người rành rành là ít tuổi hơn Y nhiều, nhưng vẫn lớn tiếng sai con “Sang nhà cu Y hỏi xem mai có làm hộ hay không thì bảo”. Đại loại là như vậy. Người ta nói ở đằng sau và ngay cả trước mặt Y. Nhưng hình như Y chẳng hề bận tâm. Mà vẫn chỉ cười khì. Một tiếng cười đến là lành của một người đã bước vào cái tuổi sáu mươi.

Tôi thân thiết với Y. Lẽ thứ nhất là Y là hàng xóm, là tối lửa tắt đèn có nhau, là cái tình cái nghĩa của từ ngàn đời nay. Còn thêm lý do nào nữa thì tôi cũng chưa lý giải được. Chỉ biết, lâu không thấy Y lại đằng nhà tôi thì tôi sang bên nhà Y. Chúng tôi thường ngồi với nhau đến khuya. Đến khi các loại côn trùng nghỉ tấu nên bản hoà ca rỉ rả. Tất cả chìm sâu vào cõi lặng. Chỉ còn tôi với Y vẫn thức, vẫn ngồi bên nhau. Và nói chuyện…

                                         ***

Xưa, Y là một đứa trẻ bị thiệt thòi ngay từ thuở mới lọt lòng. Mẹ Y là một cô gái quê mãi dưới mạn Thái Bình. Năm đói kém đã trôi dạt đến làng này, vào làm mướn trong gia đình ông Cự Phú. Ông chủ lúc đó đã có tuổi, nhưng vẫn còn khoẻ và rất phong tình. Ông hay để ý đến cô gái có khuôn mặt tròn tròn, da trắng như trứng gà bóc, đôi mắt bồ câu luôn ngơ ngác buồn.

Từ vô tình đến cố ý, cô gái trẻ đem lòng yêu ông chủ. Rồi cô ngã vào vòng tay ông, lòng phơi phới nghĩ tới một cuộc đổi đời. Nhưng khi cô bước chân vào được nhà này, ông chủ đã có ba bà vợ. Người vợ Cả không biết sinh nở. Bà Hai ba cô con gái. Bà Ba năm cậu con trai. Quyền thu quyền phát trong nhà rơi vào tay bà Ba cả.

Còn với Cô, vẫn không hơn được cái thân phận của một con ở. Đã vậy, còn phải chịu thêm sự ghen tuông đến cay nghiệt của người đàn bà đầy uy quyền. Nhưng mẹ Y còn trẻ, lại là người biết nhẫn nhục và giầu nước mắt. Những giọt nước mắt trong vắt với một tình yêu nồng đượm làm cho ông chủ lay động, khơi dậy một chút lương tâm ở một người mà ở cửa miệng lúc nào cũng như có gang thép. Ông cho dỡ hai gian bếp chuyển đến dựng lên trên mảnh vườn ở cuối làng của một nhà vừa gán nợ. Mẹ con Y được chuyển đến đây ở. Cũng là một cơ ngơi, một giang sơn riêng. Yên ổn một bề.

Trong ký ức của Y vẫn còn in đậm cái thời thơ bé. Hai mẹ con sống lẻ loi ở khu vườn hoang vắng. Tối đến, đom đóm bay từng đàn dập dềnh trêu người như lũ ma chơi. Đêm đêm, tiếng cóc nhái ộp oạp, tiếng giun dế rên rỉ não nề. Nằm nhìn lên mái nhà, ánh mắt trẻ thơ chỉ thấy một màu đen kịt của bồ hóng phủ lên từ nóc nhà đến dui mè, xà ngang, xà dọc.

Khi giỗ, ngày Tết, Y cũng được mẹ mang về đằng nhà của bố. Y nen nét bám theo mẹ. Mẹ Y lặng lẽ lẫn vào đám người ăn kẻ ở trong nhà. Y chưa bào giờ dám bước qua cái ngưỡng cửa của toà nhà trên. Mà chỉ thập thò ở ngoài cửa để nhìn vào. Cả một thế giới xa lạ bày ra trước mắt. Nào là những hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng, những sập gụ tủ chè bóng lộn…

Những người chị, người anh cùng bố với Y, coi Y như người dưng nước lã. Họ thì luôn tươi roi rói, sạch sẽ xinh đẹp, quần là áo lượt thơm tho. Cùng cái góc của một người cha sinh ra mà với Y lúc nào cũng lem luốc bẩn thỉu. Ai cũng xa lạ với Y. Ngay cả với người cha đẻ của mình. Y cũng chỉ nen nét nhìn trộm từ đằng xa. Hình như Y chưa được cha bồng bế bao giờ.

Những khi đến đây, Y chỉ thui thủi chơi ở góc sân, ngoài vườn hay bên cạnh bờ ao. Vẩn vơ buồn vui một mình. Còn có mấy con chó là có vẻ thân thiện vẫn bầu bạn với Y. Hình như chúng vẫn coi Y là một cậu chủ nhỏ. Dường như loài chó là chẳng bao giờ biết phân biệt.

Đến năm Y tám tuổi thì một sự kiện lớn đã xảy ra. Tất cả nhà cửa đất cát, ruộng vườn của bố Y bị tịch thu. Nhưng bà Ba đã nhanh tay hơn cả đội cải cách. Bà kịp bán tống bán tháo hết những thứ quý giá trong nhà rồi cùng với năm người con trai cuốn gói vào Nam. Còn bố Y với những người trong gia đình thì không đi.

Mẹ Y không bị quy thành địa chủ. Nhưng nằm trong diện “liên quan với địa chủ”. Với Y lúc đó, Y vẫn nhớ. Tâm trạng Y vui buồn lẫn lộn. Y cũng được theo đội thiếu nhi của làng đi tập hát sòn… sòn… sòn đô sòn…được đi đánh trống cổ động hô vang “Đả đảo địa chủ!” Cũng hoà vào cái không khí hừng hực sục sôi của những con người nghèo khổ, giờ như được trời cho của, được chia nhà cửa, ruộng vườn, được đứng lên làm chủ. Nhưng trong lòng Y cũng có chạnh buồn. Bao nhiêu nhà lớn nhà bé, toà ngang dẫy dọc của bố Y. Người ta chia nhau hết cả. Mẹ con Y không được hưởng một tý gì.

Y cũng đi xem mọi người đấu tố địa chủ. Nhìn bố bị trói, Y như một người được hả cơn hận. Nhưng ở trong lòng Y như có một cái gì đâm vào nhoi nhói. Y nuốt nước bọt, thấy đăng đắng nơi cổ họng.

Sau sửa sai, cuộc sống của làng xóm trở lại bình thường. Mẹ con Y vẫn được ở khu vườn cũ. Rồi Y được đi học. Y là một đứa trẻ sáng dạ, luôn đứng đầu lớp. Y bỏ xa những đứa bạn ở làng, lên huyện học cấp III.

Y tốt nghiệp lớp 10. Nhưng tất cả các trường Đại học đều đóng chặt cửa trước mặt Y.

Y về làng, sống lầm lụi cùng với những uất ức. Y đâm ra căm giận cái “lý lịch” của mình. Căm giận tất cả. Ở trong lòng đang cháy rực lên bao hoài bảo. Vậy mà…

Thời ấy, trai làng náo nức ra trận hết lớp này đến lớp khác. Y nhiều lần làm đơn, đã cắt tay lấy máu để viết đơn, nhưng đều bị từ chối. Y nhận thấy mình như là một người bị bỏ rơi. Đã bao lần Y thèm muốn được đứng vào hàng ngũ của những người ra đi. Khát khao được có những nụ cười, những cái vẫy tay với lời chào tạm biệt của họ ngay giữa sân đình làng. Một nỗi cô đơn, một nỗi buồn hoang vắng bao phủ lên lòng Y.

Mãi rồi, Y cũng được toại nguyện.

Hôm Y lên đường, người mẹ mổ gà làm mâm cơm cúng tổ tiên gia thần, cầu mong cho Y ra đi được chân cứng đá mềm. Bố Y cũng đến ăn cơm. Giờ ông đã là một ông già hiền lành. Lúc chia tay, hai bàn tay khô quắt cứ nắm chặt lấy tay Y. Trong khoé mắt ông ứa ra những giọt nước mắt long lanh “Con ra đi chuyến này, cố gắng để mang lại vinh quang về cho gia đình ta!”

Y được điều về một đơn vị vận tải. Nhưng Y muốn được ra mặt trận, muốn được xông pha nơi lửa đạn, để thoả cái chí nam nhi. Cán bộ đơn vị biết được ý nguyện của Y đã kịp thời động viên “Trong cuộc kháng chiến trường kỳ lớn lao này của dân tộc, làm bất kể một việc gì phục vụ cho kháng chiến đều là vinh quang cả!”.

Y yên tâm công tác. Y có thân hình cao lớn như hộ pháp, cơ bắp cuồn cuộn chắc như gỗ lim. Công việc dù nặng đến đâu Y làm cũng cứ nhẹ như tênh. Núi cao, suối sâu đều cúi đầu khuất phục dưới chân Y. Vai mang nặng nhưng lòng Y nhẹ tênh.

Đơn vị cũng nhiều lần phải đọ súng với bọn biệt kích và thám báo. Trong chiến đấu, Y là một người quả cảm. Y luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Được cấp trên khen ngợi, đồng đội tin yêu.

Ở giữa rừng Trường Sơn, những buổi chiều tà, hoàng hôn buông tím những đỉnh núi mờ sương. Những đêm mịt mùng, tiếng vượn hú gọi bầy dai dẳng… Trong lòng Y trỗi dậy những nỗi niềm khắc khoải. Y bỗng thấy nhớ đến cồn cào. Cuộc chiến cứ ngày một khóc liệt…

Sau 30 tháng 4 năm 1975, Y ra quân. Y khoác ba lô, lòng hân hoan, ngẩng cao đầu bước trên đường làng.

Bố Y cùng với những người mẹ Cả, mẹ Hai của Y đều đã khuất núi. Người mẹ đẻ thì già sọm, gầy nhom như một que củi. Y ôm chầm lấy mẹ, khóc nức nở như một đứa trẻ. Người mẹ lặng đi, không biết là thực hay mơ đây. Những ngón tay thô ráp nứt nẻ cứ lần rờ lên mặt, lên khắp người Y. Mãi rồi bà mới nức lên nghẹn ngào “Thằng cu Y, con tôi đã về đây thật rồi!”.

Y lấy những Huân chương và giấy khen Y được tặng thưởng, đem treo lên nơi thờ bố. Giá bố còn sống đến ngày hôm nay. Lòng y ngậm ngùi một nỗi niềm hoài cảm. Thấy như mình là một người có lỗi. Và cứ bâng khuâng mãi bởi một sự trống trải đến lạ ở trong lòng. Sau ngày hoà bình, Y cũng chủ tâm đi tìm những người anh cùng bố với Y. Nhưng không thấy tăm hơi. Loạn ly từng ấy năm trời. Bao nhiêu cuộc đời, gia đình tan nát. Mất mát làm sao mà tránh được.

Y bồi hồi ngồi vào bàn học, lần giở những cuốn sách đã phủ đầy bụi. Vẫn còn kịp để cho Y tiếp tục thực hiện hoài bão.

Mùa thi năm ấy, lòng Y trẻ lại phơi phới. Y ngồi lẫn vào với những cô tú, cậu tú mặt còn đầy lông tơ, háo hức làm bài.

Y đợi ngày nhập trường Đại học. Trong đầu lúc nào cũng sáng lên cái viễn cảnh của một ngày mai. Y sẽ trở thành một người có học thức, có tài năng. Y sẽ được cống hiến, sẽ có một địa vị, một chỗ đứng trong xã hội. Và sẽ có điều kiện để báo đáp lại công lao trời bể của người mẹ nghèo khổ, lam lũ. Thương yêu mẹ đến vô ngần. Y nhất định phải đem niềm vui, hạnh phúc, sự đầy đủ về cho mẹ. Nhất định là thế. Lòng Y cứ phơi phới. Thế là giữa lúc cao hứng, trong lòng Y bỗng nảy sinh một thèm muốn. Muốn có ngay một sự đổi đời nho nhỏ. Một chiếc xe đạp mới toanh ở trên Cửa hàng bách hoá huyện. Tiếng líp kêu ro ro. Những chiếc nan hoa loang loáng dưới nắng mới vui mắt làm sao.

Người mẹ tần tảo ky cóp bao ngày dành dụm được một ít tiền. Nhưng vẫn chưa đủ. Trong chuồng còn có con lợn vài chục cân mà mẹ Y nuôi gần một năm rồi. Đinh ninh trong bụng là để cưới vợ cho Y. Nhưng với Y lúc này, cái xe đạp cần hơn. Người mẹ đành chiều con.

Y chọc tiết phăng rồi cạo lông, mổ phanh, làm lòng sạch sẽ. Vừa làm Y vừa huýt lên một điệu nhạc vui vui. Xếp lòng xếp thịt vào hai cái thúng, Y te tẩy gánh lên chợ huyện bán. Nhưng Y vừa nhễ nhại gánh thịt ra đến đầu làng thì bị giữ lại. Tất nhiên là Y phản đối. Lợn là của nhà, đâu phải là hàng cấm. Y có biết đâu Y đã làm một việc động trời. Những năm đó, nhà nước quản lý rất chặt mặt hàng lương thực, thực phẩm. Giằng co xô xát đã xảy ra. Y không giữ được bình tĩnh.

Kết cục thịt lợn, lòng lợn của Y bị tịch thu. Y bị giữ rồi giải lên công an huyện. Y bị xử phạt hành chính với tội “hành hung đối với người thi hành công vụ”, sau khi được thả về nhà, Y bỏ làng đi biệt.

Chẳng một ai biết được Y đi đâu. Được một thời gian Y lại về làng. Nằm khèo mãi ở nhà, Y lại đi. Y đi biền biệt. Nhưng nhiều tin tức của Y vẫn bay về làng. Có người gặp Y đi làm cửu vạn ở thành phố. Có thời gian người làng lại thấy Y đang làm lơ xe. Có người chứng kiến Y thường đi áp tải những chuyến hàng lớn. Một thời gian, người làng lại xôn xao với cái tin Y đang làm một tướng cướp. Chỉ nghe đến vậy mà nhiều chị em đã thấy kinh hãi. Và có cả tin Y đã chết.

Thời gian trôi đi. Người làng chẳng còn ai nhắc tới Y nữa thì Y lại lù lù dẫn xác về làng. Đầu Y trọc hếu, râu ria xồm xoàm. Người xăm đầy những hình thù kỳ quái. Y đem về làng những lối sống của dân “anh chị” nơi thị thành, của những kẻ du thủ du thực… Y bông phèng, ngang tàng và bất cần. Với tất cả mọi người, dù là trong họ ngoài làng, dù là thân sơ hay kẽ ngạch chân tường, chỉ cần trái mắt Y một tí bằng cái móng tay cũng đủ làm cái cớ cho Y nổi khùng, lành làm gáo vỡ làm muôi ngay. Nhưng cũng rất lạ, mỗi khi đứng trước phụ nữ hay trẻ con, bao giờ Y cũng nhũn như con chi chi. Ở làng cũng có người con gái động lòng trắc ẩn, muốn thương Y, muốn làm bạn với Y. Nhưng chẳng hiểu sao Y lại không thích người ta. Cũng có đám Y muốn lắm. Nhưng lại là xa vời vợi với Y…

Tháng bẩy năm ấy, dòng Thiên Đức bỗng nhiên trở tính. Nước sông dâng cao đỏ ngầu, sủi bọt sôi réo cuồn cuộn chảy như thác. Có mười ba xóm nằm ở ngoài chân đê. Trước kia, có ông chủ tịch xã xin được trên rồi hô hào nhân dân mười ba xóm đắp bằng được con bối.  Từ đó cư dân của mười ba xóm thoát khỏi cảnh ngập lụt hàng năm.

Giờ con bối đang gồng hết sức mình để che chở cho xóm làng. Trời vẫn cứ đổ mưa tầm tã. Nước sông vẫn ngày một dâng cao. Dân của mười ba xóm sống lại tinh thần khí thế của ngày đầu đắp lên con bối này, ngày đêm vật lộn với mưa gió, chặt tre đóng cọc, đào đất đắp giữ bằng được con bối. Nhất quyết không để cho vỡ bối. Nước sông dâng cao bao nhiêu, con bối lại được đắp cao lên bấy nhiêu.

Thế nước to quá, có nguy cơ đe doạ đến cả tuyến đê chính. Mọi người vẫn đội mưa gió mà đào đắp. Giữa lúc này, nhân dân của mười ba xóm nhận được lệnh “Khẩn cấp sơ tán để phá bối nhằm giải thoát cho dòng chảy”.

Mọi người hối hả chạy lợn, chạy gà, kê cất… Một số người vẫn kiên trì đóng cọc, vác đất… mong đợi hoãn lệnh. Nhưng vẫn phải phá bối.

Thoáng chốc, nhà cửa ruộng vườn của mười ba xóm chìm chung vào với dòng nước hung dữ. Dù là có chuẩn bị, nhưng mọi người vẫn bàng hoàng kinh sợ trước cơn hồng thuỷ.

Nhất thuỷ, nhì hoả, thứ ba mới đến đạo tặc. Đánh giá của người xưa đâu có sai. Sau khi nước rút, mười ba xóm xơ xác một cách thảm hại. Đã vậy, một nỗi hoảng sợ hoang mang bao chùm lên xóm làng. Số là đã xảy ra một cuộc xô sát giữa những người thực thi nhiệm vụ phá bối với một số người làng muốn giữ con bối. Điều không mong muốn đã xảy ra. Một người thi hành nhiệm vụ bị thiệt mạng. Một số người làng đã bị bắt. Nhưng thủ phạm gây án mạng thì vẫn chưa tìm ra.

Sự việc vừa qua ở làng, Y đứng ngoài cuộc. Nhưng Y chứng kiến tường tận cả. Người gây ra án mạng là một cậu thanh niên phổi bò. Chiếc xà beng là tang vật gây án, cậu thanh niên đó đã kịp mang đi giấu. Và trước mặt Y lại cứ hiện ra đến là rõ nét một gương mặt còn non trẻ đầy hoảng loạn. Một ánh mắt tuyệt vọng như ánh mắt của người sắp chết đuối mà chẳng biết bám víu được vào đâu. Ánh mắt ấy sao lại cứ như là van xin, như là muốn cầu cứu ở Y.

Tuần sau, người thanh niên ấy sẽ lên Hà Nội để dự thi Đại học. Một người hẳn là đang ấp ủ nhiều mơ ước, hẳn là có nhiều triển vọng… Y cũng từng đã mơ ước. Ôi! Định mệnh sao đến nghiệt ngã đối với một kiếp người thì lại là quá là nhỏ bé. Tang vật gây án, giờ Y đang có ở trong tay. Đã đến đêm thứ ba, Y không hề chợp mắt.

Sáng hôm sau, Y lên thẳng đồn công an “trình diện” với tang vật gây án. Những người đang bị giam giữ được thả. Có một thoáng ngơ ngác. Nhưng nhân chứng và tội chứng đã như ban ngày cả rồi.

Y vào tù.

Thời gian vẫn bình thản trôi.

Mãn hạn tù. Y về làng. Lần này Y mang về theo một người phụ nữ còn trẻ cùng với đứa con gái chừng bốn tuổi. Đứa bé nom quặt quẹo ốm nheo ốm nhách. Người mẹ cũng chẳng hơn là bao. Dáng người dong dỏng, da xanh bóng như người bị đói lâu ngày. Hai mắt mở to, buồn thăm thẳm.

Người làng lại có dịp xì xào nhỏ to với nhau. Nhiều người cứ thắc mắc không hiểu Y có vợ từ bao giờ. Lẽ nào Y lại cưới vợ trong tù. Còn đứa trẻ có phải là con của Y hay không. Vân vân và vân vân. Thói đời nhiều khi vốn thế. Người ta cứ hay tưởng như vậy là có quan tâm đến nhau, có trách nhiệm với nhau.

Rồi mọi người cũng được thoả mãn một chút tò mò. Người phụ nữ Y mang về tên là Xim, Nguyễn Thị Xim. Đứa con chị có tên là Anh Thư. Mọi người còn được biết thêm. Bố của Anh Thư đã chết ở trong tù. Trước lúc lâm chung, người tù xấu số có nhờ Y một việc. Và Y đã hứa, đã thực hiện bằng được.

Y sống những ngày tháng êm đềm. Và có thể nói là rất hạnh phúc. Những năm tháng qua đã mang đi của Y mọi khát vọng, hoài bão. Nhưng vẫn còn để lại cho Y cái sức khoẻ. Để Y có mà dùng vào trong cuộc mưu sinh. Y xoay trần ra làm lụng tối ngày. Khu vườn hoang xưa kia giờ đã là một vườn cây nào na nào bưởi… Cây nào cây nấy quả sai lúc lỉu trĩu cành. Và với những luống rau xanh mướt.

Ngoài ra, Y còn đi làm mướn khắp trong vùng. Thôi thì từ đi làm phụ hồ đến đào đất, dỡ tường… Y làm tất. Chị Xim có yếu đuối nhưng cũng là một người chăm chỉ. Cuộc sống trong cái gia đình nhỏ bé chắp vá này thật đầm ấm và đang ngày càng khấm khá lên. Họ đang có ý thức dành dụm, để một ngày gần đây, cất lấy một căn nhà mới cho nó rộng rãi thêm.

Thời gian trôi, êm ả và thật đẹp. Bỗng dưng chị Xim ngã bệnh. Y đưa vợ lên bệnh viện tỉnh, đến tận tuyến Trung ương. Các thầy thuốc đều lắc đầu bó tay trước căn bệnh ung thư phổi đã đến giai đoạn cuối.

Chị Xim qua đời. Cứ người nọ thì thào qua người kia, người ta dần dần xa lánh Y và bé Anh Thư. Hai cha con Y dần bị tách biệt. Như là bị rơi vào một sự lãng quên. Một sự lãng quên có chủ ý mà có lẽ chỉ ở loài người mới có.

                                                   ***

Thời gian vẫn cứ trôi.

Giờ đây trên mái tóc của Y đã điểm nhiều sợi bạc. Y vẫn sống ở ngôi nhà cũ, ngôi nhà của người cha dựng cho từ lúc Y mới chào đời. Xưa nó đã từng che chở cho hai mẹ con Y. Và giờ đây, nó vẫn trơ gan trước nắng mưa, trước gió bão, để che chở cho Y và Anh Thư. Tôi nhận rõ, Y đang cố gắng để sống. Trong tất cả mọi sự phi thường thì có lẽ chỉ có nghị lực của con người mới là một sự phi thường đáng trân trọng nhất “Tôi cứ nghĩ mà thương bé Anh Thư quá thầy giáo à!” Không biết đã bao nhiêu lần rồi, Y vẫn cứ thốt lên câu nói ấy với tôi. Tôi cũng thương Anh Thư nào kém gì. Thật là tội nghiệp. Con bé học giỏi và ngoan lạ. Hình như nó cũng biết thân biết phận. Nó nào có dám trách ai. Cả hai cha con họ đều vậy. Họ chỉ còn biết yêu thương lấy nhau để mà sống, để tồn tại. Và có lẽ chính họ mới ý thức được sự sống quý giá biết chừng nào.

- Tôi chỉ mong làm sao sống được đến lúc Anh Thư học xong Đại học là tôi có thể yên tâm mà nhắm mắt được thầy giáo ạ! Lúc chia tay, bao giờ Y cũng có một câu ấy với tôi.

- Bác còn khoẻ chán! Trời sẽ phù hộ cho bác. Tôi cười rõ to. Và Y cũng cười theo. Ở trong đáy mắt Y ánh lên những tia sáng lấp lánh. Tôi rưng rưng ở trong lòng. Tôi cũng mong làm sao cho Y được nhìn thấy Anh Thư bước vào cổng một trường Đại học, một mái trường Y đã từng mơ ước. Nuôi một đứa con ăn học đại học bây giờ đâu phải dễ dàng. Nhất là với Y, sức đang mỗi ngày một cạn.

Đêm nay, tôi đứng trên ban công nhìn sang bên nhà hàng xóm. Trong ngôi nhà nhỏ bé kia vẫn còn ánh đèn le lói. Chắc Anh Thư đang học bài. Và người cha cũng còn thức. Có một cái gì đó cứ mênh mang ở trong tôi.

Tôi như bừng tỉnh bởi một ý nghĩ bất chợt. Tôi cần phải hành động. Phải làm lành ngay với vợ. Nàng đâu phải là một người xấu bụng. Thế thì lẽ gì mà nàng lại không giành được một sự chia sẽ, cảm thông với cha con người hàng xóm bất hạnh của chúng tôi.

Đêm đã rất khuya.

Trên cao, những vì sao đang thiêm thiếp. Còn có ánh đèn ở nhà bên là vẫn thức.

Đ.C.T

 

Đỗ Công Tiềm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 153 tháng 06/2007

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground