Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bài ca của một dòng sông

A

nh nghỉ hưu, về làng. Quê anh bên này dòng sông, bờ Nam cái giới tuyến xa xưa. Thời trai trẻ của anh đi qua bao năm bảo vệ con sông hiền lành của quê mẹ. Hồi anh ruột tôi làm Tòa án Tỉnh Ba Lòng, anh Ban là lính bảo vệ. Có lần ông anh nói với tôi: “Thằng ấy ngoan, chăm, dũng cảm. Giá đất nước thanh bình, cho nó làm rễ nhà này”.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm năm tư. Ban tập kết, làm bộ đội bảo vệ giới tuyến, canh giữ dòng sông. Mấy năm trời ròng rã, anh vẫn là người lính canh gác sông nước, đất trời. Ngày ngày đứng bên sông, khẩu súng luôn lên đạn để bảo vệ dòng sông an toàn từ bao đời.

Làng Ban ở phía Nam con sông Hiền Lương. Anh dân làng chài, người vạm vỡ, da bánh mật, đôi mắt sáng rực. Chiều chiều thuyền đi khơi về, người con trai mười bảy tuổi, trần trùng trục, mặc chiếc quần đùi nâu, các bắp thịt hằn lên như tượng võ. Những cô gái vây quanh chàng trai từ trên thuyền để tranh phần cá về mình. Một giọng nữ the thé cất lên:

- Anh dành cho Liễu hai phần đấy. Lên mau, buộc thuyền, trời còn sớm, giúp em nghe.

Mọi người vội vã lên bờ, đi khuất vào làng. Ban dỡ khoang thuyền, sắp những con mực béo tròn vào quang gánh cho cô gái.

- Nặng lắm, em không gánh nổi.

Ban ở trần, gánh cá chạy băng băng trên bãi cát trắng phau. Chợ Bạn không biết có từ bao giờ. Chợ là nơi hội tụ, giao lưu buôn bán, mà nay là điểm hò hẹn của những cặp trai gái đôi bờ sông nước. Con gái vùng quanh, chẳng cô nào không thích, không yêu con trai làng chài da cháy nắng, chắc nịch. Mười bảy tuổi, một mình Ban có thể khiêng bổng một đầu con thuyền.

Ban về nhà Liễu men con sông. Đêm sao từng đôi lấp lánh, soi tỏ tâm hồn cặp trai gái chụm đầu bên nhau, ngắm nhìn sông nước.

- Thích lắm anh ạ. Em là con sông để cho anh tha hồ bơi lội tung tăng. Anh của em muốn thế không nào?

- Anh khác cơ. Anh là con sông, em là ánh trăng xuyên suốt lòng sông để chiếu rọi, thắp sáng tâm hồn con sông canh khuya vắng vẻ.

Ban ôm chặt lấy nàng, nằm ngửa trên cát nhìn bầu trời trong vắt. Liễu vít cổ anh con trai, hôn say sưa đắm đuối.

- Rồi sao nữa anh yêu?

- Để cho vũ trụ bao la nghe tiếng tâm sự rì rầm của dòng sông. Đó là tiếng nói tình yêu thốt ra từ trái tim chàng trai làng chài sinh ra, lớn lên từ bao giờ trên đôi bờ cát mịn hiền hòa.

Đôi trai gái quấn chặt lấy nhau, lăn trên cát, trườn xuống mép sông, mặc cho áo quần ướt đẫm. Ban cởi áo quần anh và người yêu quẳng lên bờ, trần truồng như đi lộng; lấy chân quẫy nước giống đôi trẻ tập bơi trên cạn. Hai bàn tay rắn rỏi của anh con trai làng chài lướt nhẹ lên tấm lưng mịn màng của người yêu, ôm chặt đôi vú tròn trĩnh, căng mọng; ấn chặt cánh mũi lên tấm ngực đẫy đà đôi môi anh nút chặt hai núm thịt tròn, tươi tỉnh, mút bú ngon lành.

Thế rồi chiến tranh làm cho cuộc tình duyên đôi trai gái trắc trở. Chiều đó, anh nghe tiếng loa phát ra từ chòi thông tin trên cây gạo giữa làng truyền đi lời hịch của non sông vang vọng:

“…Hỡi đồng bào cả nước! Tổ quốc lâm nguy…”

Anh con trai từ biệt con sông ra đi. Nỗi niềm khát vọng về một miền quê cháy bỏng trong anh. Ban nhìn dải cát trắng mịn lần cuối, nghe bên tai tiếng rủ rỉ của dòng sông vọng lại:

- Ê! Anh con trai làng chài ơi! Xứng đáng với tên gọi con sông của quê hương, nhớ nhé đừng quên…

Cứ sáng sáng, chiều chiều, anh đứng bên này con sông, khẩu súng trong tay, ngóng về nơi miền xa ấy.

Một ngày nọ, anh đặt ống nhòm, thấy lính đủ loại tràn về đông kín bên kia bờ. Anh trông rõ mồn một: Lính dù, thủy quân lục chiến, lính sư đoàn ba quân lực Cộng hòa, Mỹ trắng, Mỹ đen, lính chư hầu đóng chốt, dựng trại phủ khắp quê hương anh. Một vùng mông mênh trở thành vành đai trắng. Chúng lập hàng rào điện tử Mắc Namara. Pháo nhỏ, pháo lớn, vua chiến trường, đủ loại xe bọc thép dàn thành lũy dày từ biển lên núi.

Anh lính biên phòng nhớ da diết những buổi sáng đẹp trời, trong trẻo của biển cả vùng quê, nhớ những đêm trăng tình tự bên dòng sông nước. Đêm đó anh mặc chiếc quần đùi nâu đi biển, gói khẩu AK vào bọc ni lông với ba băng đạn, lần ra bờ sông. Đêm không trăng, vắng ngắt. Anh tính nhẩm: Bơi sải sang đó không đầy mươi phút. Dân làng chài chính thống, cha truyền con nối, dễ như đi trên cát. Anh lội xuống bờ sông, nghe ngóng. Tiếng ếch nhái kêu râm ran trên bờ. Nước ngập bụng ngực, anh nhón đôi chân, bơi sải, thoăn thoắt, nhẹ nhàng.

Tiếng súng canh đồn khoan vào bóng tối. Anh bò tiếp lên bờ. Đồn địch canh giới tuyến đóng dày như lũy rào ngăn cách. Ban trườn giữa khe hở của hai ụ gác, khẩu súng trong tay sẵn sàng.

Làng đây rồi. Ôi! Không một tiếng người, một ngọn đèn dầu. Nhà Liễu đầu xóm. Anh lách qua bờ tre, không vào ngõ chính. Vườn tược điêu tàn, nhà cửa xơ xác, đồ đạc trong nhà sạch bách. Nền nhà bị xăm nát: “Trước phên tường quét vôi trắng một câu viết chữ to: Gia đình liên đới Cộng Sản”. Bỗng con Mực lù lù đến, hít vào chân anh, mừng tíu tít. Ban ngồi xuống ôm con chó vào lòng, khẽ hỏi: “Liễu đâu hỡi Mực”. Con Mực lắc đầu ngoạm vào chân anh kéo ra cây trầu cạnh giếng, lấy chân đào ở gốc. Ban hiểu: Trước đây, mỗi lần Liễu  đi xa gửi thư cho anh nàng hay để ở nơi đã quy định với nhau. Ban dùng cành cây, xới nhẹ ở gốc trầu, gặp vật cứng. Một chiếc lọ con, anh cầm lên lau sạch đất cho vào túi ni lông gói súng.

Ra giữa sông, đạn các cỡ phía sau lưng anh bắn dữ dội. Ban nghĩ: Hay chúng nó phát hiện có người đang vượt sang bờ Bắc. Dòng sông điên loạn, nổi khùng. Ban lặn nhụp tận đáy cát, bơi chếch ra biển, lên bờ. Con Mực nằm im re sát mặt cỏ, xô đến anh, mừng tíu tít. Anh cởi truồng, tắm gội, vắt kiệt chiếc quần đùi, mặc ướt, ung dung lên bờ, vào một gốc cây khuất, bấm đèn đọc thư của Liễu:

Anh Ban ơi!

Cho đến giờ phút này, em chưa bao giờ phản bội anh. Nhưng thân phận này, chim lồng cá chậu, có trời soi tỏ. Anh hãy lấy vợ và quên em đi, khỏi hoài phí tuổi xuân. Có thể em sẽ ra đi một nơi xa lạ để kiếm sống, mãi mãi không gặp anh nữa.

Hãy tha thứ tội lỗi cho em.

LIỄU

Ở đồn biên phòng, chiến sĩ tập hợp do biến động trong đêm, sẵn sàng đối phó. Ban và con Mực về nhà bác Thang, nơi tiểu đội anh ở.

- Các cậu ấy đi theo lệnh rồi.

Ban thay quần áo nghiêm chỉnh. Con Mực quấn dưới chân, anh bảo: “Mày ở lại với bác, ông thương tao như mày”. Con Mực ngoắt đuôi ở lại. Ban ra đi theo đơn vị báo động, sẵn sàng chiến đấu. Lý do vắng mặt trong đêm, trung đội trưởng theo lệnh trên cho anh viết kiểm điểm. Tinh thần quân nhân, anh kể hết sự thật và lĩnh án: “Thuyên chuyển đơn vị, cảnh cáo toàn Đoàn”.

Tám năm sau, phong trào cách mạng bờ Nam con sông dấy lên như triều dâng thác lũ. Vùng quê anh, nơi nơi ác liệt, trừ ôn phá ấp chiến lược, trở về làng cũ. Tình hình mới, cấp trên điều động một số cán bộ, chiến sĩ quen thuộc địa hình, thạo nghề sông nước về chỉ đạo phong trào. Ban được quyết định chỉ huy một đơn vị đặc biệt.

Chiều ấy, một chiến sĩ trẻ đến, đứng nghiêm, đưa tay thẳng tắp lên vành mũ:

- Báo cáo đồng chí Đại úy, có lệnh mật.

Đêm đó, Ban dẫn một đội công tác đặc biệt, toàn trai trẻ đã được huấn luyện tập toàn năng, thạo nghề sông nước, võ trang tận răng, sang sông. Từng chiến sĩ theo lệnh anh, tản vào các làng, đi từng gia đình thăm hỏi, phổ biến cương lĩnh Mặt trận, thành lập chính quyền cách mạng. Theo sau một lính trẻ bảo vệ, anh vào nhà người yêu cũ. Một ông già khêu to ngọn đèn, ánh sáng rọi tỏa, soi rõ mặt khách.

- Mày là quân giải phóng à? Về mà đuổi hết lũ ác ôn đi chứ! Dân làng chài không chịu đựng nổi con ạ.

- Bác ơi! Đây là nhà cô Liễu phải không?

- Ừ! Mày biết con Liễu, cháu bác ư?

- Vâng! Sao thưa bác?

- Chuyện đời cơ cực con ơi! Con bé bị bắt rồi thằng Khoa ức hiếp. Cha đời, thằng ác ôn khét tiếng khắp vùng. Mày là bộ đội giải phóng mà không trừ khử nó cho dân làng nhờ. Khổ nỗi, lũ tao già rồi, còn trẻ như chúng mày, tao xiên cho nó một lưỡi mác di động.

Hoạt động trong lòng địch với bí danh anh Vũ, Ban xông xáo, năng động mưu trí, “lai vô ảnh, khú vô hình”. Cấp trên giao cho anh Vũ trừ khử tên Khoa, trấn áp bọn phản động ác ôn. Riêng mình hắn đã giết một trăm sáu mươi tư cán bộ, du kích nằm vùng.

Quân lỵ chúng đóng trên đường Một, đồn bốt Mỹ, ngụy ken dày. Tên Khoa vào, ra Đông Hà, Quảng Trị không theo một quy luật nào. Hắn giỏi võ nghệ, bọn đàn em khiếp nể. Con cáo già này đã nhiều lần chết hụt nên hắn rất cảnh giác, chỉ hay lui tới với cô Mùi da trắng, người thon, mở quán bia nhậu cách đồn vài trăm mét về phía Nam, cháu tên quận phó.

Khoa là tay mê gái, rượu chè. Mười giờ trưa mùa hạ, cái nóng và gió Lào vùng đất đó, con chim cũng tìm bóng im, ngừng tiếng hót. Một buổi trưa nặng nề, khó thở. Chiếc xe Zeép nhà binh đi từ phía Đông Hà ra quân lỵ, trên xe có bốn lính dù. Viên thiếu tá ngồi cạnh trung sĩ lái xe, hai tên lính ngồi phía sau, mang AR15, dắt đầy lựu đạn Mỹ quanh thắt lưng. Chiếc xe dừng trước quán cô gái bán bia. Tên lính dù ngồi phía sau quẳng xuống một lòng gà, ném vào quán rồi xách mấy chai uýt-ky bước xuống. Ở trong quán hai người mặc thường phục đang sắp bàn ăn, soạn bia, nóng ruột đợi khách.

- Chừng ấy bia chưa thấm đâu mày. Cô em xinh đẹp ơi, cho anh két nữa, xếp anh sắp tới bây giờ. Cô em không nhớ người yêu mới hay sao?

Thiếu tá dù khệnh khạng xuống xe, súng ngắn đeo sệ tận mông. Tay trái anh ta nắn cái túi căng ở quần rằn ri, thò ra ngoài cổ chai rượu phủ lên giấy kẽm dán bạc tem Made in USA. Viên trung sĩ xách AR15 lẽo đẽo theo sau.

- Nhanh lên ông nội. Gởi em gái lồng gà béo bự, chiều nay ảnh về nhậu. Giờ có chi tráng bao tử với uýt- ky không nào? Cha nội ơi! Quán sá mà nghèo quá ta?

- Thưa! Đủ thức lai rai cho thiếu tá và các thầy.

Mấy gã lính dù đã chuẩn bị xong uýt- ky mở nút.

- Mời hai thầy bên đó sang cùng nhập cho “dui”. Dân Sài Gòn tụi này chỉ có tình bằng hữu là cao quý. Lên xe lấy thêm rượu nghen trung sĩ.

- Thưa thiếu tá, có ngay ạ.

Một tên đầu trần, tóc chải mượt, mặt dài xương xẩu, mắt tí hí, mặc thường phục vào quán, quan sát một lượt trong chớp giây. Theo sau là một thiếu phụ, tóc để dài dân dã, mặt không son phấn, ánh mắt màu nước biển lóng lánh.

Thiếu tá dù với con mắt nhà nghề, liếc qua đôi mắt thiếu phụ rồi tập trung trí tuệ vào người đàn ông mới đến. Đúng rồi, chính hắn. Người khách lạ nhanh nhẩu lên tiếng trước:

- Chào các chiến hữu, xin chào thiếu tá.

Thiếu tá dù đưa tay vuốt hai cánh râu mép vễnh ngược lên rồi đứng dậy bắt tay với vẻ trịnh trọng:

- Xin chào anh Tư! Mời ngồi cho “dui” với tụi dù. Nhậu đã, thời buổi này, chết sống như bàn tay. Xin mời cả chị Tư nữa nghen.

Anh nói giọng Sài Gòn, dân chính cống.

Viên thiếu tá quan sát khách lạ: Khẩu súng ngắn dắt ở hông trái, áo phủ ngồi đối diện với anh, thiếu phụ ngồi cạnh khách. Các lính dù và hai người đàn ông vào quán trước chia nhau ngồi xen kẽ. Viên trung sĩ lái xe ngồi ngoài cùng.

Cô gái bán hàng đưa thêm cốc đặt trước hai người khác mới đến, đoạn mở nút bia rót đầy, lai láng ra bàn; liếc mắt đưa tình với thiếu tá dù. Viên thiếu tá ngồi đối diện nghiêng cốc người khách, đổ hết bia ra sàn nhà, rót uýt- ky vào.

- Mời anh chị Tư, mời các chiến hữu, xin cạn chén!

Tất cả đứng dậy, nâng cốc. Nhanh như chớp, viên thiếu tá dù ném mạnh cả cốc uýt- ky vào mặt tên khách. Bị cú bất ngờ, rượu tràn cả vào mặt, vào hai mắt cay xè. Thuận tay, thiếu tá tống thêm một quả trời giáng vào thái dương trái. Tên Khoa ngã vật ra sàn. Theo phân công trước, trung sĩ lái xe chỉa AR15 vào ngực hắn khi hắn vừa cho tay vào hông trái rút súng. Thiếu tá dù dùng chân trái “phốc” một cú, khẩu súng văng ra xe. Anh chộp lấy, bấm chốt an toàn, thuận chân phải, anh móc một cú nhà nghề vào hông, hắn quỵ hẳn.

Hai lính dù chỉa AR15 vào hai tên có mặt từ trước, tước súng:

- Im lặng thì sống, kêu một tiếng tao cho đi đời.

Thiếu tá nói dõng dạc với tên Khoa đang nằm sóng soài dưới đất:

- Chúng tao là đội đặc nhiệm của Phủ Tổng thống. Mày là Việt cộng nguy hiểm nằm vùng, quân phản bội. Muốn sống lên xe ngay.           

Rồi anh gọi hai tên đi trước bảo vệ chủ nó ôn tồn giải thích:

- Hai chiến hữu đừng sợ. Anh rút trong túi ra một tờ lệnh mật có đóng triện đỏ to tướng nói: Đây là lệnh mật của Phủ Tổng thống ra bắt tên Việt Cộng trá hình nằm trong hệ thống an ninh cộng hòa. Nhân danh cấp trên tôi tuyên bố: Giờ phút này hai chiên hữu và chị Liễu hoàn toàn tự do. Phải thề với thằng thiếu tá đặc nhiệm này: Cả ba người im lặng trong hai mươi bốn giờ đến khi tôi đã bay về Sài Gòn. Các người nhanh chóng đi xa nơi này. Nếu cả ba làm không đúng, các đội viên đặc nhiệm khác xử tội các anh.

Mặt hai thằng đàn ông tái mét, mếu máo: “Chúng em xin hứa”.

Toàn đội lính dù lên xe chạy về phía Nam. Đi một đoạn, xe ngoặt bên phải, băng vào một khu vườn lúp xúp cạnh con suối nhỏ. Họ rời xe, cho chiếc Zeép lao xuống vũng nước cỏ cây che khuất. Bộ áo quần dù đã chuẩn bị, viên trung sĩ bảo tên Khoa mặc vào. Đi thêm một đoạn, năm lính dù và cô gái bán bia ăn mặc diêm dúa ngồi cạnh một bờ ruộng bỏ hoang mở Uýt- ky uống tiếp. Họ đi bộ, cự ly theo lối hành quân lùng sục, băng qua quốc lộ, về các xóm thôn phía dưới. Dân làng hai bên im phăng phắc. Mấy đứa trẻ chăn trâu bấm nhau:

- Dù rằn ri đấy ông nội. Đi thứ đó, đánh chác đã đời. Mẹ quân bay, tội tày đình như núi. Cách mạng sẽ xử hết lũ châu chấu này. Đi trận còn đem theo đĩ, xì… khẹc!

Đội công tác đặc biệt do anh Vũ chỉ huy hoàn thành nhiệm vụ. Anh giao tên Khoa cho Mặt trận dân tộc giải phóng địa phương xử tội. Viên trung sĩ lái xe tên Toàn thay anh tiếp tục chỉ huy đội, luồn vào vùng sâu diệt ác trừ gian ven vùng sông nước.

Thời gian trôi đi. Năm ngoái có dịp công tác ở đôi bờ con sông một thời oanh liệt, tôi lững thững đi bộ ra tận cửa biển. Gió chiều mát rượi từ khơi thổi vào, chậm rãi, thanh bình. Từng đoàn thuyền máy tấp nập vào cửa sông, chiếc rẽ bờ Bắc, chiếc rẽ bờ Nam. Một cụ già ngồi ở mom sông đợi những con thuyền vào bến. Sực nhớ đến một cậu Ban nào đó dân làng chài nơi đây mà anh tôi đã kể cách bao năm trước, tôi lân la đến nói chuyện, hỏi cụ:

- Làng ta có ai tên Ban, bộ đội biên phòng canh giữ con sông thời Vĩ tuyến mười bảy không thưa cụ?

- Thằng Ban mập, sau về hoạt động diệt ác ôn ấy à? Ngồi phệt xuống cát này, lão kể chuyện hắn cho anh nghe. Còn sớm, thuyền chưa vào bến.

Cụ thuộc làu chuyện đời của Ban như ông già kể chuyện cổ tích.

- Cái thằng thiếu tá dù, đúng rồi, một tay cự phách. Anh biết cậu ta ư? Cha mẹ ơi! Con cá kình của vùng sông nước làng chài, nay về hưu rồi. Làm xã đội đi thuyền ra khơi vẫn kẹp AK canh giữ bãi biển, bầu trời. Chốc nữa anh sẽ gặp hắn đi lộng vào. Thằng cha tuổi đã ngoài năm mươi, bọn choa khuyên mãi mới lấy vợ. Cô gái trước đây bị tên Khoa ức hiếp, sau vụ biến động, về làng, tham gia du kích, đánh giặc giỏi, bây giờ làm ăn khấm khá. Hai người trở lại với nhau nhờ lũ già làng này hết sức vun quén. Một thời chúng tự ái định bỏ nhau. Con Liễu thắc mắc: “Chao ôi! Cái hôm anh đóng thiếu tá dù, để râu mép, nói giọng Sài Gòn, thứ thiệt một trăm phần trăm, chính em cũng không nhận ra anh: Giá lúc đó anh bảo em: Anh là Ban đây! Con người thiệt miệt làng chài mà đóng kịch thật tuyệt vời. Bây giờ không được đóng kịch với em nghe không anh. Đời em khổ cực quá nhiều. Chỉ vì yêu thương anh vô hạn, nếu không em đã biệt xứ từ lâu”.

Biển lặng, mênh mang, rực rỡ dưới ánh chiều vàng mượt. Từng đoàn thuyền máy của ngư dân vào cửa lạch, nhộn nhịp, êm ả của bờ lặng sóng. Bỗng có tiếng ca cất lên trong trẻo:

“…Bên ven bờ Hiền Lương

Chiều nay ra đứng trông về

Mắt đượm tình quê…”

Chao ôi! Bài ca một thời thức dậy trong tôi năm tháng kỷ niệm da diết với con sông, quặn lên bao niềm thương, nỗi nhớ trong lòng về những người dân làng chài của đôi bờ hiền hòa, phẳng lặng.

T.Đ.P

Trần Đình Phùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 4 tháng 01/1995

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground