Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bãi rác

B

ãi rác thành phố. Cuối chiều hè. Hoàng hôn tím sẫm như máu, như sắc nóng của một bức tranh sơn dầu. Nền trời như một tấm phông loang lổ những nét vẽ vô định. Mặt trời hấp hối như cố troài lên lần cuối để hắt những tia sáng nhạt nhoà thoi thóp cuối cùng luyến tiếc, vuốt ve người yêu - mặt đất trước khi nhắm mắt, theo quy luật của muôn đời.

Hân đang phóng xe máy chầm chậm trên con đường vành đai thành phố, chạy qua bãi rác lớn của thành phố. Những mái tôn màu xanh, màu đỏ của các nhà máy dệt khu công nghiệp Đại Khánh đang chuyển sang màu đen, sẫm dần. Lòng anh lâng lâng. Chiều nay, Hội Mỹ thuật tỉnh mà anh là phó chủ tịch đã được UBND thành phố mời dự “Lễ phát động cuộc thi sáng tác tranh, tượng về thành phố trẻ” do UBND Thành phố chủ trì. Anh, một hoạ sĩ trẻ đầy triển vọng được đánh giá rất cao. Những cái bắt tay đầy thiện cảm, có phần vị nể của anh em trong giới mỹ thuật, văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh.

Bỗng mắt Hân hoa lên, anh đưa tay dụi mắt mấy lần như không tin ở mắt mình. Trời! Bức tranh nổi tiếng của chính anh vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên vải, sao lại nằm chềnh ềnh ngay trên đống rác trong bãi rác cạnh đường thế này? Hân táp xe vào vệ đường, nâng bức tranh lên, phủi phủi những đất cát còn bết trên khung, đoạn anh cắp bức tranh, nổ máy, phóng nhanh về nhà như một tên ăn trộm.

Hân dựng bức tranh bên vòi nước máy, lấy bàn chải cọ rửa. Ở phía dưới bên trái, đúng nơi đề tên tác giả, tác phẩm đã bị rách một lỗ vuông bằng bàn tay, thành ra nếu có ai bắt gặp bức tranh cũng chẳng biết tên nó là gì, của ai. Trông nó như một bức panô quảng cáo đã hết thời, người ta vứt ra bãi rác cho đỡ chật nhà

Hân đem bức tranh “trời cho” của mình đặt lại vào vị trí trang trọng nhất trong phòng, đúng cái chỗ mà trước đây một năm, nó đã ra đi. Với tâm trạng vừa vui, vừa buồn, Hân không thể lý giải được tại sao, chính cái bức tranh làm cho anh nổi tiếng, vang bóng một thời, đưa anh lên địa vị ngày hôm nay lại ở ngoài bãi rác.

Cách đây một năm, lần đầu tiên hoạ sĩ trẻ Ngọc Hân mở triển lãm tranh riêng “Ngọc Hân và sắc màu”. Triển lãm mở cửa suốt một tuần ở nhà triển lãm tỉnh đã mang lại cho anh thành công rực rỡ. Chính bức tranh này đã được chọn đi dự triển lãm tranh “Tài năng Hội hoạ trẻ” các tỉnh đồng bằng duyên hải phía Bắc và đoạt giải nhất, với giải thưởng hai mươi triệu đồng.

Năm năm trời, từ khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật về công tác ở Sở Văn hoá- Thông tin, ngụp lặn trong biển màu, đã mang lại cho anh thành công vang dội ngoài sức tưởng tượng mà có hoạ sĩ cả đời mơ ước cũng chẳng được. Tiếng tăm Ngọc Hân nổi như cồn trong giới hội hoạ, nghệ sĩ trong tỉnh, trong vùng. Anh là một “hiện tượng” hội hoạ mới, nét chấm phá mới của trường phái siêu thực. Và anh - nghệ sĩ Ngọc Hân, nguyện sẽ hiến thân cho con đường nghệ thuật mới khám phá này.

Bất ngờ lớn nữa đến với anh là, trong đêm Ca nhạc  tạp kỹ từ thiện “Vòng tay nhân ái” ủng hộ trẻ em nghèo, bức tranh mới này một lần nữa lên ngôi, được đem bán đấu giá để góp vào quỹ từ thiện.

Lời đầu tiên, bức tranh được một khán giả trả 500 ngàn đồng, rồi bất ngờ cứ tăng lên vòn vọt: 5 triệu, 10 triệu, rồi 50 triệu. Ban tổ chức nghĩ là đã đến giá tột đỉnh, hỏi lại lần cuối xem còn ai trả cao hơn không? Bất ngờ, từ hàng ghế đầu vang lên giọng tiếng Việt lơ lớ của một người nước ngoài:

- Tói xìn mua bức tranh na…ày, với giá…

Toàn thể khán phòng đổ dồn mắt về phía vị mạnh thường quân mới lên tiếng. Im lặng đến ngạt thở. Bỗng toàn thể khán trường vỗ tay và reo lên như sấm khi “ông Tây” giơ hai bàn tay qua đầu ra phía trước:

- Tôi xin mua với giá…10 ngàn đô la.

Trời, một thành công quá sức tưởng tượng. Trên hàng ghế đầu, Hân cố gắng kìm nén để khỏi nhảy lên vì sung sướng. Những cái bắt tay chúc mừng của những vị quan chức tỉnh, các hoạ sĩ, văn nghệ sĩ, với những nụ cười thực sự và xã giao, chân thành và ghen ghét. Nhưng lúc này, Hân chẳng thấy gì cả, trước mắt anh là sắc nóng rực rỡ, là niềm vinh dự hoành tráng đến cực điểm. Hân thấy bức tranh trên sân khấu như nhảy múa, nháy con mắt tinh quái, hóm hỉnh về phía anh.

Ban tổ chức hỏi lại một lần nữa xem còn ai mua với giá cao hơn không? Im lặng. Không ai cả. Không ai dám qua mặt vị khách ngoại quốc với cái giá ngất ngưởng 170 triệu đồng tiền Việt.

Giọng người dẫn chương trình dõng dạc:

- Vậy là bức tranh đã có chủ. Xin cho hỏi, quý danh vị mạnh thường quân là gì ạ? Xin mời lên sân khấu.

“Ông Tây” đường bệ bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay rào rào từng đợt, dồn dập của cả khán trường. Rồi im lặng.

- Tôi là Michael William, đại diện cho quỹ từ thiện “Vì những bàn tay bé bỏng” của Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty liên doanh US-Vina-William-Co-Ltd đang đầu tư vào tỉnh ta.

Cả khán trường đứng dậy với những tràng vỗ tay giòn giã, những tiếng hô hu ra, happy, những tiếng huýt sáo miệng thán phục.

Michael William muốn được mời tác giả bức tranh lên sân khấu để có lời cảm ơn. Hân đĩnh đạc bước lên sân khấu mà tim muốn nhảy khỏi lồng ngực.

Michael William xiết chặt tay Ngọc Hân nói lời cảm ơn. Ông ca ngợi bức tranh, hiện thân của con đường mới khám phá trong nghệ thuật hội hoạ trường phái siêu thực, một ý tưởng mới lạ mà ông chưa từng thấy ở Việt Nam. Ông cho biết, trước khi làm doanh nhân, rồi làm việc cho tổ chức từ thiện, ông cũng từng là một hoạ sĩ tên tuổi. Ông hứa sẽ mang bức tranh về Mỹ và tặng nó cho bảo tàng mỹ thuật thành phố NewYork quê hương ông. Ông trân trọng mời hoạ sĩ Ngọc Hân sang thăm gia đình ông khi ông kết thúc chuyến công tác tại Việt Nam và tuyên bố tặng riêng tác giả bức tranh 1000 đô la. Ông hứa sẽ mua vé máy bay và lo toàn bộ thủ tục visa cũng như chi phí của chuyến đi cho hoạ sĩ Ngọc Hân nếu tác giả chiếu cố sang thăm gia đình ông.

Một đêm mưa.

Hân say khướt, ướt lướt thướt từ chiếc xe taxi rách nát rẻ tiền, bước xiêu vẹo về ngôi nhà cấp bốn mà anh thuê, cũng xiêu vẹo như bóng anh được ánh sáng từ ngọn đèn vàng vọt góc một con hẻm ở ngoại ô thành phố hắt xuống. Bóng anh chìm vào bóng ngôi nhà, hai cái bóng xiêu vẹo, quằn quại trong đau khổ như hai thằng đàn ông thất tình tựa vào vai nhau.

Nước mắt anh nhoè trong nước mưa, bất lực nhoà với nước mắt ngôi nhà chảy run rẩy, nhớp nháp. Trong chén rượu đắng tàn cuộc ít phút trước đây tại khách sạn Hương Đêm, anh vừa đau đớn chia tay với người đẹp trong mộng của anh: Kiều Oanh-cô phóng viên trẻ đẹp học Đại học xã hội và nhân văn ra trường sau anh hai năm. Ôi! Tình yêu thời sinh viên, những buổi đón đưa, những ngày tháng sống trong mộng tưởng và hoang tưởng, với những chân trời màu hồng, trong tình yêu thánh thiện và lãng mạn đến tuyệt đỉnh. Giờ đây, trước mắt anh hiện lên hình bóng siêu thực của một nữ yêu quái trong phim Tây du ký. Một con Điêu Thuyền gian manh và xảo quyệt trong kế mỹ nhân của Vương Tư Đồ mà anh là Lã Bố. Thì ra, đến lúc này anh mới biết, với Kiều Oanh, anh chỉ là cái phao tạm sấp ngửa trong những cơn sóng tình ái điên cuồng của ả. Bây giờ, cái phao ấy đã xịt hơi và Kiều Oanh đã khoác lên mình tấm áo trắng thánh thiện lừa dối để bước lên con đường giàu sang danh vọng. Cô ta đã loại bỏ anh như một con tốt đen, như một cái áo lót đã hết mô đen. Kiều Oanh sắp bước lên xe hoa về làm dâu một vị chức sắc đầu tỉnh, anh chồng cô ta sắp bước lên ghế Chủ tịch UBND thành phố.

Hân loạng choạng mở cửa, loạng choạng sờ tìm công tắc điện trong bóng tối. Ánh điện bừng sáng. Anh thấy những bức tranh trong phòng như một lũ yêu quái nhảy múa tiến lại phía anh. Trong đó có một bức chân dung anh vẽ Kiều Oanh toàn thân. Bỗng anh thấy Kiều Oanh từ trong tranh bước ra, giơ những móng tay dài đỏ chót như máu bấu vào trán anh. Những dòng máu từ trán anh, dưới những ngón tay của con nữ yêu chảy ròng ròng xuống mặt. Anh thấy ngạt thở, ngã vật xuống chiếc giường một táp chân, ngổn ngang bút vẽ  và mực màu…

Hân tỉnh dậy, đầu đau như búa bổ. Đã ba giờ sáng. Chợt anh ngước nhìn bức chân dung Kiều Oanh, như thấy đôi mắt ấy trân trân nhìn anh như thách thức, khinh bỉ, trêu ngươi. Anh thấy ớn lạnh, căm thù.

Sẵn bút và sơn đang vẽ dở sáng nay còn ngổn ngang trên giường, dưới nền nhà. Hân vớ chiếc bút to, quệt hai dấu nhân lên đôi mắt người đẹp. Anh bỗng như điên dại, chọc bút vào bất cứ lọ sơn nào, bất kể màu gì, phết phứa phựa vào mặt, vào ngực vào tất cả các bộ phận trên cơ thể con đàn bà đê tiện, con quỷ cái khốn nạn, nó đã làm khổ anh, nó đã cắt đứt sợi dây cầu treo làm anh rơi tõm xuống cái vực sâu hút người này. Chưa thoả, anh đổ hết sơn trong các lọ ra những chiếc bát, chiếc đĩa, dùng cả mười đầu ngón tay nhúng vào từng bát sơn, bôi trát, cào cấu ngấu nghiến lên bức tranh. Mồ hôi anh vã ra như tắm, mệt lữ.

Bây giờ, trước mắt anh là một bức tranh lạ lùng, ngổn ngang loạn xạ, nét dọc, nét ngang, ngoằn ngoèo kỳ quái, hỗn độn đủ mọi thứ màu, một bức tranh kinh dị có một không hai. Anh bỗng bật cười sằng sặc: “Tuý đồ”, đúng là tuý đồ. Ta đặt tên cho nó là gì nhỉ? Ồ, trông nó đúng như một bãi rác. Ô! Cái loại đàn bà, chỉ vì đồng tiền mà sẵn sàng bán mình, ngả vào lòng bất kỳ thằng đàn ông nào, để chúng dán những đồng đô la bẩn thỉu lên cái thân hình trần truồng mỹ miều kia thì khác gì một bãi rác! Ừ, mà đời này thì thiếu gì những bãi rác? Ở đấy hổ lốn đủ thứ bẩn thỉu, hôi thối, ghê tởm mà loài người vốn có. Những thứ tình dục trơ trẽn, những bao cao su đã qua sử dụng, những xơranh tiêm chích ma tuý, cả xác chuột chết và chất thải của con người. Ha ha! Đời là thế đấy! Bãi rác, bãi rác! Một tác phẩm siêu thực nhưng có thực.

Không ngờ, chính “bức tranh” anh vẽ trong lúc cơn say tuyệt vọng ấy, chẳng có ý tưởng gì lại trở thành bức tranh siêu thực nổi tiếng, đưa anh lên đỉnh cao danh vọng. Bây giờ, loại nghệ thuật gì người ta cũng đổi mới, hô hào đổi mới mà không biết bắt đầu từ đâu, đổi mới như thế nào. Họ như những người đi trong đường hầm tối đen hun hút, vấp vào hòn đá nào cũng coi là một sự phát hiện, tìm tòi. Thơ cũng phải ngọng nghịu, trúc trắc, ú a ú ớ, câu ngắn một hai chữ, câu dài đọc mỏi mồm không hết, người đọc không hiểu ý tác giả nói gì mới là sáng tạo. Có nhà thơ “xịn” cấp trung ương hẳn hoi về diễn đàn thơ của tỉnh đọc có một chương trong một bài thơ của ông ta thôi cũng mất hàng nữa tiếng đồng, khi đọc xong chả ai nhớ nổi một chữ trong bài thơ và chả ai hiểu ý nhà thơ nói gì. Thế nhưng, mở mồm là ông ta chửi bới, chê bai, phủ nhận tất tần tật quá khứ! Ông bảo, đại thi hào Nguyễn Du là sáo mòn, dở hơi, trong truyện Kiều đầy rẫy những câu ngớ ngẩn. Ông chê thơ mới là cũ kỹ, hết thời, bảo Nguyễn Bính là tay nhà quê. Ông tuyên bố chôn vùi thơ chống Mỹ. Ông thích “mở miệng” thô tục hoá, chợ búa hoá, nhà thổ hoá ngôn ngữ thơ và ca ngợi đó mới là sự khám phá, là không bước vào vết chân người đi trước, là “con đường mới” dù rằng không biết rồi đây con đường ấy sẽ đi về đâu hay đi thẳng xuống địa ngục. Văn cũng vậy, nhiều người hình như họ cho là ngôn ngữ tiếng Việt quá nghèo nàn, nên họ cho rằng mình phải có sứ mạng cải tiến, hiện đại hoá tiếng Việt bằng cách đưa vào những bài viết, những tiểu luận của họ những từ ngữ nửa Tây, nửa ta, pha chút Tàu, đầu Ngô mình Sở cho có vẻ “kinh dị bác học” và tự hợm mình là trình độ cao siêu, trác việt. Và người đọc, ai không hiểu những từ ngữ ấy là loại ngu dốt, vứt mẹ nó sách đi. Có thế thiên hạ mới kính nể, bái phục họ là những “nhà văn lớn”.

Còn hội hoạ thì sao? Bây giờ người ta chuộng “siêu thực”. Một bức tranh mà người xem không hiểu tác giả vẽ cái gì, đấy mới là tác phẩm cao siêu, mới là đỉnh cao của nghệ thuật. Không có nghệ thuật cho những hạng bình dân. Tốt nhất triển lãm tranh là để cho giới mỹ thuật, hội hoạ xem của nhau, tiêu hoá sản phẩm của nhau, tâng bốc và đá đít nhau. Người ngoài giới làm sao mà hiểu được? Bức “ Bãi rác” của Hân là một ví dụ.

Hân không thể lý giải được tại sao bức tranh “Bãi rác” của anh được nhà từ thiện người Mỹ Michael William mua với cái giá 170 triệu đồng với bao lời hứa tốt đẹp lại bị quăng ra bãi rác như một thứ rác rưởi.

Bẵng đi một thời gian.

Vết thương lòng của Hân đã ăn da non.

Tình cờ, hôm ấy Hân mở một trang Wed quốc tế trên mạng, anh bàng hoàng nhận ra chính cái ông Tây Michael William, con người đáng kính, nhân ái ấy dưới cái tên Thomas Johnson, bên dưới là lệnh truy nã quốc tế của interpol bằng tiếng Anh với nội dung “ Thomas Jonhson, kẻ giả danh mang tên Michael William - “ Quỹ từ thiện Vì những bàn tay bé bỏng” Chủ tịch hội đồng quản trị (cái gọi là) Công ty liên doanh “US-Vina-William-Co-Ltd” là tội phạm lừa đảo quốc tế.

Sau đó, hỏi ra anh mới biết, thì ra sau vụ mua đấu giá bức “Bãi rác” của anh, với chiêu bài đầu tư vào tỉnh nhà, William đã lừa đảo cuỗm đi hàng chục tỷ đồng rồi lặn mất tăm. Chẳng biết bây giờ hắn đang ở đâu.

Đợi cho trời tối hẳn, Hân ôm bức “Bãi rác” lên xe ra bãi rác thành phố, anh trả nó về đúng cái chỗ mà hôm nọ anh đã nhặt nó lên.

                        Tháng 6 năm 2005

Đ.X.A

Đào Xuân Ánh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 163 tháng 04/2008

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground