Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bánh chưng năm ấy

Tôi về phòng với cặp bánh chưng còn ấm trên tay. Cặp bánh cuối cùng còn lại trong thúng mà bà cụ bán bánh tóc bạc da mồi đẹp lão y như trong truyện cổ tích vừa dúi vào tay tôi.

Cặp bánh vét hơi méo một chút nên bà định cầm về, gặp tôi thiệt lòng thiệt dạ muốn mua nên bà tặng chứ không lấy tiền. Bà bảo cặp bánh không đẹp, cầm về ăn lấy thảo chứ bà không bán.

Tôi cầm cặp bánh nhìn theo dáng bà mà bồi hồi nhớ những mùa bánh chưng đã cũ. Trong khung trời thơm thảo của ký ức tôi, mẹ tôi còn trẻ lắm, má phấn hây hây ngồi đãi nếp bên giếng nước. Thứ nếp một mà ba mẹ tôi đã chọn và để dành từ lâu còn tôi thì háo hức chờ Tết kể từ khi trộm nghe được cuộc trò chuyện của hai đấng sinh thành. Hồi nhỏ tôi có cái tật hay hỏi, bất kể sự kiện gì sắp tới mà tôi biết được thì tôi sẽ hỏi mẹ ngày không biết mấy chục hay mấy trăm lần, tôi hỏi hoải hỏi hoài cho tới khi nào cái ngày ấy đến thì thôi, vì cái tật này mà ba mẹ tôi phải khổ sở vì luôn phải né tôi ra trong mọi dự định. Tết lại là một cái gì đó vô cùng to tát nên càng không cho tôi biết sớm nếu không thì tôi sẽ nhảy cẫng lên rồi suốt ngày hỏi mẹ “sắp Tết chưa mẹ?”, “mấy ngày nữa?”, “vậy là còn lâu không mẹ?”, “Tết này con mặc gì?”, “ngày nào gói bánh hả mẹ?”... Tôi hỏi khiến mẹ tôi muốn phát khùng.

Ôi, giá mà bây giờ tôi cũng còn chút háo hức chút chờ đợi chút ngô nghê như những mùa Tết ấy. Giá mà như thế, một chút thôi cũng được. Tôi đọc được đâu đó trên mạng một câu mà tôi nhớ mãi, nó không phải là cái gì đó quá sâu sắc triết lý nhưng vô tình đúng với tôi. Trưởng thành là khi bạn nhận ra mình không còn mong chờ ngày Tết nữa, thay vào đó, bạn thấy lo… Nghe buồn thật. Và đúng thật. Chẳng hiểu bằng cách nào và từ khi nào tôi không còn mong chờ Tết nữa, giờ nghĩ lại chỉ thấy mình đã đi qua một đoạn đường đời như thế. Tết chỉ còn lại là những nỗi lo. Cả năm cảm giác thường không đến nỗi tệ lắm nhưng cứ đến gần Tết là lại chạnh lòng. Dường như người ta ki cóp cả năm để tết mà phô ra, xả ra, trút ra cho bằng hết. Tiền bạc, của cải, danh vọng, ái tình… có bao nhiêu là lộ ra hết. Cả nỗi buồn, cả nỗi tự ti nữa. Thật, bao nhiêu mặc cảm Tết làm cho phơi ra hết, đừng hòng mà trốn. Và tôi, dù tôi đang cố thủ nơi thành phố đang dần thưa vắng khi người nhập cư ồ ạt kéo về quê này, dù tôi đã chọn cô độc một mình gặm nhấm cảm giác thiếu vắng quê hương thì tôi cũng không thể nào trốn khỏi nó khi tâm tư trong những ngày này luôn ứ tràn nỗi niềm mang tên Tết. Những nỗi bình thường nhưng âm ỉ trong lòng như thứ căn bệnh mãn tính.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Biết mình không thể tránh và nỗi nhớ nhà mỗi lúc một khiến tôi khó chịu, tôi định kiếm một tấm vé vớt về quê. Ngay lúc tôi sắp sửa thông báo quyết định chóng vánh này thì mẹ tôi lại kể chuyện thằng Lồi năm nay lại trúng và trúng rất lớn. Mẹ tôi kể một tràng, gọi messenger làm gì tốn tiền nên nói bao nhiêu cũng được. Trời ạ, mẹ không nói thì tôi cũng biết. Giờ cả làng không ai bằng được thằng Lồi và nó lại sắp làm một cái tất niên to chưa từng có. Mẹ tôi dĩ nhiên được mời. Nhà nó sát đường cái, cách nhà tôi chưa tới trăm mét lại là bạn nối khố một thời ăn dầm ở dề với nhau. Giá mà nó giàu rồi lên phố ở quách đi thì không hề hấn gì đến tôi, đằng này… Tôi nghĩ tới đường về kiểu gì cũng phải băng ngang nhà nó mà nhà nó giờ như biệt thự cao cấp, sẵn đất nó còn chơi nguyên dàn lan trước sân và thả chó, mấy con chó lông lá xồm xoàm được cho ăn thịt bò mỗi ngày. Nó thấy tôi đi qua thể nào cũng kéo lại, quàng vai bá cổ vào nhà, khui chai rượu ngoại xong thì nói “Đúng là rồng đến nhà tôm. Làm ly nào. Tao là tao hâm mộ mày lắm. À, năm rồi khá chứ, mày làm trong đó tháng được nhiêu?”

Chỉ thế thôi mà nó làm tôi chẳng muốn về nhà nữa. Cảm giác ê chề của những mùa Tết trước cứ thế ùa về. Nó không phải là người duy nhất hỏi tôi câu đó, tôi đi đâu gặp ai trò chuyện với nhau dăm ba câu xong cũng chốt lại “lương tháng nhiêu?”. Chỉ vậy rồi chấm hết vì sau đó tôi chẳng lấy đâu ra hứng thú để tiếp chuyện nữa. Không trả lời thì không được mà trả lời cũng không xong. Nói thật quá người ta lại tưởng mình đùa mà nói vống lên thì người ta lại nhìn tôi ái ngại. Làm ăn ngon lành thế sao mãi vẫn đi đi về về một mình chẳng vợ con gì cả để ba mẹ già trông mong tội nghiệp. Rồi họ lại kể ra thằng A thằng B gì đó vợ con đùm đề, ba lầu bốn bánh. Cuộc đời đâu phải chỉ có những chuyện này thôi, ai chẳng biết vậy nhưng không phải những chuyện này thì là chuyện gì mới được chứ? Tháng trước cầm vé số trên tay tôi còn nghĩ ước gì trúng một phát để về quê ăn Tết vẻ vang, làm cái tất niên rình rang cho nở mày nở mặt, nghĩ xong mà muốn ói vào mặt mình một phát, sao tôi tầm thường ngay cả trong ước mơ thế chứ! Tất cả những chuyện này có phải là lỗi của thằng Lồi? Tôi không biết, tôi chỉ biết là giờ đây tôi dường như chẳng muốn nhìn thấy nó nữa rồi.

Cặp bánh đã nguội ngắt trên tay và lòng tôi thì đầy tâm sự. Ước gì cặp bánh tôi có lúc này cũng là cặp bánh chưng năm ấy. Và tôi, và thằng Lồi cũng là chúng tôi năm ấy…

* * *

Nhà tôi với nhà thằng Lồi cách nhau chưa tới trăm mét, từ xưa đã thế rồi. Hồi ấy nhà nó chẳng có nghề ngỗng gì ra hồn, mẹ của Lồi làm công việc gọi là “mò cua bắt ốc”, sáng sớm đã xách giỏ đi, được chừng nào bán lấy tiền đong gạo chừng đó. Ba nó là thợ đụng, đụng đâu làm đó, ai gọi thì đi không thì ở nhà sáng trà chiều rượu. Mùa đông thường ít việc, phải gần Tết người ta mới cần sửa sang và cần một chân thợ đụng như ba nó. Năm đó, Tết sát nách rồi mà chẳng thấy đám nào tới hú ba nó đi. Mẹ nó chạy vạy từng ngày, cua ốc chứ có phải rong rêu đâu, mò giỏi đến đâu cũng ngày no ngày thiếu. Hôm nào mẹ nó đi làm nó cũng sang nhà tôi chơi, tôi cũng ghé nhà nó như cơm bữa, hai thằng chạy qua chạy lại mài mòn đít trên mấy góc sân. Nhưng hôm đó là hai bảy Tết, nhà tôi gói bánh chưng, cả buổi sáng tôi lăng xăng trong bếp phụ mẹ nên không qua nhà nó. Đến gần trưa tôi thấy thằng Lồi núp sau hàng tre hóp, nó đang mặc cái áo len bị sút, một bên tà áo hõm mất một góc còn tay áo thì tua rua, tua rua. Tôi chạy ra, không hiểu tại sao hôm nay nó không vào nhà tôi mà thập thò ngoài đó, bình thường nó toàn xộc thẳng vào bếp hoặc chỗ tôi ngủ, còn hay nhảy tót lên giường nằm luôn với tôi nữa mà. Trưa ấy, trông nó lạ lắm, tôi phải hỏi tới lần thứ hai nó mới chịu nói. Bây giờ tôi vẫn nhớ từng từ của nó. Chính xác là nó nói thế này.

“Tưởng mày không thèm chơi với tao vì nhà mày gói bánh chưng.”

Mặt nó cúi xuống, mắt rơm rớm. Tôi thề khi ấy tôi chẳng hiểu vì sao nó khóc và tôi nhớ câu nói của nó là vì nó đã khóc chứ tôi không hiểu câu nói đó thực sự có nghĩa gì cho đến hôm nay, khi một mình ngồi nghĩ ngợi mông lung nơi đất khách quê người thế này. Lúc ấy tôi còn quá nhỏ và chỉ nghĩ đến mấy cặp bánh thôi. Tôi rủ nó vào nhà xem gói bánh. Nó không đi, tôi kéo nó vào, dí nó xuống phản, bắt nó ngồi đó để xem tôi đếm số bánh chưng vừa gói xong. Nó chỉ ngồi một lát, nhân lúc tôi xuống bếp lấy lọ tiêu cho mẹ thì nó nhảy xuống phản lủi thủi đi về. Tôi đặt lọ tiêu xuống rồi rượt theo, chặn nó lại hỏi ngay.

“Nhà mày cũng gói bánh hả? Sao mày về sớm thế?”

Tôi chỉ hỏi có thế mà nó chảy nước mắt. Lần này thì chảy thành giọt. Cuối cùng nó cũng nín và nói ra được là năm nay nhà nó làm ăn không ra nên chỉ có mấy lon nếp phải chia ra cái nấu chè cái gói bánh, mẹ nó tính sơ ước chừng bánh không đủ để đơm lên bàn thờ nữa chứ nói gì cho anh em nó ăn. Nói xong, nó bỏ đi về, đi thẳng, không ngoái lại nhìn tôi lấy một lần.

* * *

Tầm đầu giờ chiều, tôi chui qua bụi chè tàu để vào nhà nó nhưng tôi cũng không vào thẳng. Tôi nép sau tấm liếp gần bếp đợi nó đi qua thì ngoắc lại. Cái thằng thật nhạy, nó đánh hơi được ngay mùi bí mật trong ánh mắt khẩn khoản của tôi thì phải. Chỉ có vậy nó mới không “a…a…” lên, cũng không nói không rằng một từ nào mà chạy ra với tôi rồi hai đứa dọt sang vạt chuối sau hè. Tôi thở hổn hển như vừa chạy đi đâu xa lắm. Cặp bánh chưng không phải quá nặng nhưng khi phải đùm bánh dưới áo len và phải khom lưng hóp bụng vừa đi vừa lấm lét nhìn ngang ngó dọc, tôi mệt đứt hơi. Tôi vẫn nhớ cặp bánh chưa nấu màu lá xanh biếc, cặp cuối cùng ba tôi gói một góc bị méo và hơi ú lên, mẹ tôi bảo sẽ không thắp hương cặp bánh này, thế là tôi lén ba mẹ giấu vào áo mang đi.

“Cho tao thật hả?”

Tôi gật. Gặp được thằng Lồi tôi mừng quá, nó mà không có nhà thì chết tôi.

“Có bánh nhân đậu xanh thịt heo ăn rồi.”

Nó nói rồi chạy biến vào trong, tôi cũng chạy. Không biết nó vui mừng với cặp bánh chưng ấy tới mức nào chứ tôi thì sướng rơn lên, cảm giác lâng lâng suốt ngày, không, suốt cả cái Tết năm ấy chứ chẳng phải chỉ một ngày. Tôi hãnh diện cứ như mình đã là người hùng thực sự, ít nhất, khi ấy, với thằng Lồi tôi là như thế, anh hùng hào hiệp. Năm đó bánh nhà tôi nhân dày, cái nào cũng có thịt mà không phải thịt mỡ đâu, là nửa nạc nửa mỡ, ba chỉ hẳn hoi. Cặp bánh cuối cùng còn bao nhiêu nhân mẹ tôi vét cả cho vào nên càng đẫy đà đầy đặn. Ngẫm lại cuộc đời tôi thật chưa có thứ gì hạnh phúc đến thế, long lanh đến thế… Giá như kỉ niệm giữa chúng tôi chỉ có bấy nhiêu.

Thằng Lồi không được học nhiều, nó nghỉ khi mới xong lớp chín. Nhà nó lúc nào cũng Tết no Tết đói chẳng có gì thay đổi nhưng tôi không còn mang bánh chưng sang cho nó nữa dù vẫn ghé nhà nó thường xuyên. Có dạo nó bị người ta rủ rê hùn vốn làm ăn gì đó rồi bị lừa mất trắng và xém ngồi tù. Năm đó, tôi đã ra trường đi làm, có chút tiền. Tết, tôi ghé nhà nó lôi nó đi uống cà phê rồi hai thằng đi nhậu, tôi trả. Có lẽ tôi đã quen với cảm giác làm anh hùng trong mắt nó, phải ở vào vị trí của kẻ - cho chứ không phải người - nhận tôi mới thấy dễ chịu. Thật ra thì tôi vẫn luôn có thể bày tỏ sự thương cảm tôi dành cho nó về chuyện nó ít chữ. Nó cũng biết mình ít chữ và luôn nể tôi vì tôi nhiều chữ hơn nó nhưng càng ngày tôi càng mất tự tin về cái “nhiều” của mình và thấy lép vế trước cái “nhiều” của thằng bạn nối khố ngày nào. Nó bữa này thì chỉ có nhiều tiền thôi. Mà tiền là gì? Người ta bảo có tiền mua tiên cũng được. Càng ngày tôi càng cảm thấy giá trị của mình sụt giảm trầm trọng, không, phải nói chính xác là giá trị của việc “nhiều chữ”, tôi thấy giá trị của học thức sụt giảm trước ô tô, biệt thự của thằng Lồi, thậm chí trước con chó lông lá xồm xoàm của nó vì chẳng ai hỏi tôi “mày học được bao nhiêu”, người ta chỉ hỏi “lương mày tháng bao nhiêu”.

Niềm tin của tôi vào những gì mình có ngày một vơi đi, chỉ còn lại nỗi mặc cảm nặng nề. Nhất là năm kia, khi tôi kể cho nó nghe một chút về công việc của mình, thực sự tôi chỉ kể một chút thôi vì tôi biết nó không đủ sức để mà hiểu những vấn đề về chữ nghĩa, nó đã nói thẳng với tôi là làm thế thì có mà heo ăn, bao giờ mới giàu cho nổi. Nó bảo tôi bỏ quách hết đi về làm cho nó, chẳng mấy chốc mà ưa nhà có nhà ưa xe có xe. Dù không qua trường lớp gì nhưng bây giờ nó đã đường đường chính chính là ông chủ quát ra lửa chứ chẳng đùa. Nhưng ông chủ ông chiếc gì thì kệ thây nó, đời nào tôi làm cho nó, nghĩ đến thôi đã thấy sai rồi. Tôi bảo nó là tôi có lý tưởng riêng của tôi, tôi sống vì lý tưởng, tiền bạc không phải là tất cả. Nó gật gù như ngưỡng mộ tôi lắm, không biết là thật hay đểu. Nếu nó biết tôi phịa chứ tận gan tận ruột tôi có lý tưởng lý tiếc gì đâu và tôi đang thấy mình mắc kẹt giữa cuộc đời thì cái gật gù của nó là đểu còn như nó không biết lý tưởng là cái chi chi nhưng nghe to tát nên thích thú thì cái gật gù của nó kể ra cũng chân thành. Kệ nó thôi. 

Không biết nó chân thành đến đâu nhưng tôi thì tôi biết là mình không chân thành với nó, kể từ đó về sau. Tôi không tránh được sự xởi lởi nồng nhiệt của nó nhưng mỗi lần chạm mặt tôi luôn cố giữ khoảng cách để đẩy mối quan hệ của chúng tôi về lại vạch xã giao. Tôi luôn tự nhắc mình để không đi vào chi tiết trong bất kỳ câu chuyện nào với nó. Và nó, chính nó đã khiến cho tôi quan sát Tết và nhìn nhận Tết bằng một con mắt khác dù điều đó chẳng mang lại cho tôi một chút cảm xúc dễ chịu nào. Và có thể nó không biết nhưng chính nó chứ không ai khác đã thúc ép tôi làm một người tinh tế. Có quá nhiều sự thay đổi mà tôi đã không nhận ra, chẳng hạn như việc tôi không thể chân thành với một ai khác dù đó là người mới quen hay thằng bạn thuở cởi truồng tắm mưa của mình. Mà tôi cũng chẳng chân thành với chính tôi nốt. Mọi thứ cứ thế, dập dờn dập dờn và trống rỗng.

“Mày về chưa? Chiều qua tao tất niên.”

Ơ kìa, là tin nhắn của nó. Thật là của nó. Thằng Lồi này đúng là linh như cái miếu. Nó biết tôi đang nghĩ về nó chăng? Chứ có ma lực nào hơn mà khiến nó nhắn cho tôi ngay lúc này? Tôi thoáng giật mình. Nó mời tôi qua tất niên thật hay là nó có ý gì khác? Ví dụ như mời tôi qua để làm bẽ mặt tôi vì học cho lắm chữ mà chưa xây được cho ba mẹ mình một cái nhà tử tế. Thật ra, nó không cần làm gì cả thì vẫn âm thầm khoét sâu vào lòng mặc cảm của tôi thôi. Chẳng biết nó nghĩ gì nhưng suy nghĩ của tôi khiến tôi khó chịu vô cùng. Đúng là Tết làm phô ra hết, đừng có hòng mà trốn. Nhưng sao người ta không phô lòng chân thành hay sự cảm thông?

Trời ơi, sao tôi nhớ cặp bánh chưng năm ấy! Có lẽ tôi phải nghĩ nhiều hơn về nó. Khi ấy tôi chân thành, khi ấy tôi hồn nhiên, khi ấy tôi hạnh phúc. Chẳng lẽ một người chỉ có thể chân thành khi sẵn có thứ gì đó trong tay để mà ban phát, thứ gì đó mang lại cảm giác dư dả như lòng tốt chẳng hạn? Chẳng lẽ tôi không thể chân thành với thằng Lồi được nữa chỉ vì nó trở nên giàu có? Năm ấy, thằng Lồi đã chẳng giấu tôi điều gì kể cả việc nó thèm thịt mỡ. Giả sử bây giờ tôi nói với nó rằng số tiền tôi kiếm được mỗi tháng không đủ để tôi trả góp một căn hộ chung cư hạng bét và không đủ cho tôi mỗi bữa hai lạng thịt bò như con chó của nó thì có sao? Giả sử tôi nói với toàn thế giới, toàn thể nhân loại, toàn thể con người, toàn thể giống loài nhiều chuyện của mình tất cả những điều ấy thì có sao?

Tôi nghĩ mãi nghĩ mãi, nghĩ từ trưa cho tới chiều rồi tôi đứng dậy. Tôi quyết định sẽ về, sẽ vào thăm thằng Lồi, sẽ một lần chân thành với cuộc đời này bất luận cuộc đời ném cho tôi điều gì đi nữa.

L.H

 

LỆ HẰNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 362

Mới nhất

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

2 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground