Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bên bờ Hiền Lương

M

ùa đông năm 1968

Mùa đông khắc nghiệt và kéo dài. Mấy ngày hôm nay, gió mùa đông bắc từng đợt tràn về. Trời âm u, từng đám mây màu chì xếp thành lớp cuồn cuộn trôi về phía tây. Thỉnh thoảng, trần mây nặng trĩu bị gió xé toạc, hé ra một khoảng trời màu xanh. Tiếng pháo bên phía tây Cồn Tiên, Dốc Miếu vẫn thay tiếng sấm giã bùm bụp lên đồng ruộng, xóm làng. Càng gần sáng, tiếng pháo càng thưa. Im lặng dâng tràn. Chỉ có tiếng gió reo. Tiếng cá quẫy. Tiếng lách của ai đang kéo càn cơ bẩm. Tiếng ầu ơ của bà mẹ ru con trong những căn hầm chữ A… Sự im lặng giả tạo như trò chơi trẻ con, đánh lừa dòng sông, đánh lừa cây cỏ, đánh lừa mưa gió rồi bất thình lình những cơn mưa đạn, mưa bom lại ào ào trút xuống. Bốn năm qua, tiếng pháo, tiếng bom của giặc như âm thanh thường trực với đất trời, với người dân vùng tuyến.

Trong hầm chỉ huy của tiểu đoàn 2, nước mưa lút mắt cá chân. Căn hầm hình chữ nhật rộng hai mét, dài bốn mét là chỗ phình ra của giao thông hào. Bốn cột gỗ vững chắc bốn bên được những cọc tre trợ lực chống chiếc đà ngang cũng bằng gỗ thành một mái che. Bên trên là một lớp đất dày. Thông với hầm chỉ huy là một chiếc hầm chữ A khá kiên cố. Nước trên nóc hầm thỉnh thoảng lại giỏ xuống lóc bóc. Ở một góc, mấy chú cóc không biết từ đâu mò tới, nổi lềnh bềnh trên mặt nước hay bám vào cộc tre chống hầm, nghiến răng thành những tiếng ồm ộp, trầm buồn. Căn hầm lạnh lẽo sặc mùi ẩm mốc, mùi nồng tanh của đất đỏ bazan, mùi ải mục của các lớp lá dương lót trên hầm.

Tiểu đoàn trưởng Trần Thắng nằm trên võng hút thuốc rê. Chiếc võng nilon màu xanh cánh dán sủm xuống vắt chéo từ bên này sang bên kia hầm, cách mặt nước chừng một gang tay. Khuôn mặt anh như sắt lại, hai má hõm xuống làm đôi môi dẫu ra. Đôi mắt sâu trũng, đói ngủ, mới ngoài ba mươi mà tóc đã nhiều sợi bạc. Nét già nua ấy mới được Nhị, cô trung đội trưởng dân quân xã V phát hiện gần đây. Hôm ấy, chị lên trực báo. Khi nghe anh phổ biến âm mưu của địch trong thời gian tới. Nhị chợt nhận ra những ánh bật kim trên mái tóc rễ tre của anh lúc đầu, chị tưởng đó là ánh nắng lọt qua kẽ hầm. Nhìn kỹ, hóa ra không phải. Đó là những sợi tóc bạc mà ánh sáng xiên từ phía cửa hầm làm ngời lên. Tan buổi trực, chị quyết định ở lại, ngồi với anh giây lát làm vệ sinh những sợi tóc già nua bệnh hoạn ấy. Nhị mới hai sáu tuổi, thuộc lớp đàn em của thắng. Hai người cùng ở một thôn, cùng tắm chung một bến nước. Khi thắng nhập ngũ, Nhị mới bắt đầu học cấp hai. Những lần về phép thăm nhà. Thắng ngạc nhiên trước đổi thay như lột xác ở cô nữ sinh trung học cùng làng, học hết cấp ba, Nhị thành một cô gái mười tám tuổi xinh đẹp nhất trường. Thắng cũng vừa được gọi đi học sĩ quan. Lần về phép ấy, nhân lễ Quốc Khánh, hai người cùng nhau ra cầu Hiền Lương xem văn công trung ương biểu diễn. Họ được mọi người khen là đẹp đôi nhất trong ngày hội ấy. Tiếng khen lọt vào tai cả hai người. “con bé nhà ai mà xinh quá!” “thằng con trai cũng không kém. Hai đứa thành một đôi vợ chồng thì quá tuyệt”. Lần ấy bên vệ sông trăng, Thắng tỏ tình với Nhị. Giọng anh nghèn nghẹn, vụng về: “ba năm nữa, anh ra trường, nếu em không chê anh là bộ đội, anh sẽ xin làm chồng em…”. Nhị im lặng cười thầm để đôi tay của mình trong tay Thắng. Và chị đột ngột nắm chặt tay anh, để cho những cảm giác ngọt ngào dâng tràn từ trái tim mười tám tuổi đang rung lên dưới vạt áo mỏng truyền sang tay Thắng. Đêm ấy, trăng mưa đầy xuống vạt cỏ ngồi, lấp lánh những con mắt bạc lăn tăn trên sóng Hiền Lương. Bên kia sông một toán cảnh sát ngụy đi tuần  thấy hai người ngồi trên bờ vọng sang những câu đùa cợt tục tĩu. Lời tỏ tình hôm ấy của Thắng có dòng sông, có trăng sao chứng giám. Thắng mang kỷ niệm đêm trăng huyền ảo ấy trong tim mình ra đi, hẹn bới Nhị sẽ thành vợ chồng sau ba mùa lúa trổ.

Nhị không đậu vào đại học, Mỹ ném bom miền bắc, cô vào trung đội dân quân của xã. Thắng đã học xong, trở lại quê nhà. Chiến tranh ngày một ác liệt, hai người ở hai  vị trí công tác khác nhau, công việc liên quan đến sự sống còn trên mảnh đất quê hương đầy kỷ niệm này. Tiếp đến, mẹ Nhị mất vì bom Mỹ nên Thắng và Nhị gác lại chuyện cưới xin…

Nằm trên võng đung đưa với điếu thuốc rê đang tỏa khói trên đôi môi thâm xịt, tâm tưởng của thắng bồng bềnh trôi trong dòng kỷ niệm. Trên màn ảnh mi mắt màu hồng, những hình ảnh đẹp đẽ của anh và Nhị cứ hiện dần lên. Nhịp cầu Hiền Lương và lá cờ Tổ quốc lồng lộng trong gió, ngày hội mừng quốc khánh tưng bừng của người dân đất tuyến. Lọn tóc thề Nhị trao anh ngày trở về đơn vị. Cái chết đau thương của mẹ Nhị khi đang gặt lúa ngoài đồng. Vui và buồn lẫn lộn, âm tưởng của anh được khói thuốc thăng hoa, bồng bềnh trôi mãi theo những nẻo đường quá khứ xa xăm.

Từ ngoài giao thông hào nối liền với hầm chỉ huy, Minh, chiến sĩ cần vụ bê một soong quân dụng đựng cơm đi vào. Một loạt pháo bên bờ nam bắn sang, nổ quá làm Minh nghiêng ngả. Khói bay mù mịt, đất cát vãi như mưa. May mà tay Minh vẫn giữ chặt nồi cơm, bờ vai phải đập mạnh vào vách hào, đất đỏ in một vệ màu nâu lên cánh áo. Minh chạy vội vàng vào hầm, nói hấp tấp:

Thiếu tí chút chúng nó cướp mất cơm sáng của thủ trưởng!

Thắng vẫn điềm nhiên hút thuốc. Mùi thuốc “chú bác” khét lạ, đặc quánh trong hầm. Chẳng còn ai ngại ngùng, lạ lùng gì với chuyện bom pháo, nó bắn là chuyện nó, mình làm gì là chuyện mình, hơi đâu mà bận tâm cho mệt! Nên chi, ở đây, ngoài đồng người gặt, vẫn đi bứt bỗi về làm phân, vẫn ra sông thả công buông lưới. Nhịp sống không vì pháo bom mà dừng lại. Minh để soong cơm trên chiếc ghế đẩu, lấy chiếc bát B52 treo trên cọc tre, xới cơm, đón bát cơm đầy ụ có rắc muối vừng từ tay Minh. Hình như quá đói, Thắng và tới tấp nuốt không kịp cơm đầy một bên miệng. Minh nhìn tiểu đoàn trưởng ăn ngon lành, gật đầu cười, cởi chiếc bi đông đặt trên ghế. Cơm xong, cũng chiếc bát B52 đại chang ấy, Minh tráng qua và rót đầy bát nước chè đặc. Chè Vĩnh Linh không thơm nhưng được nước. Dân ở đây bảnh mắt là phải có bát chè đặc, đặc đến nỗi cắm đũa, đũa không ngã. Chẳng thế mà dân gian có hẳn một câu vè về nước chè: “đàn ông thèm đọi nước chè đặc/ Đàn bà thèm cái c. cho to!”. Uống một hơi hết cả bát nước, Thắng khà một tiếng, với chiếc máy điện thoại, quay ba vòng. Tiếng cô điện báo viên đầu dây trong trẻo:

- Dạ tổng đài nghe!

- Cho tôi gặp xã V.

- Dạ, đường dây xuống ngã V vừa bị pháo dập đứt.

Thắng dập máy, vẻ bực bội. Minh dọn bàn, săm soi bước ra khỏi hầm. Từ ngoài giao thông hào, có tiếng chân thình thịch rồi tiếng đứt đoạn của một cô gái trẻ vừa nói vừa khóc:

- Eng Thắng ơi, cứu chị em nhà út với…!

Thắng nhìn ra, Tam, em ruột Nhị đầu tóc rối bù, quần xắn móng lợn bê bết bùn gục đầu vào bờ hào. Thắng chạy ra, dìu Tam vào hầm, hỏi dồn dập:

- Có chuyện gì vậy út? Chuyện gì, nói mau…!

Tam miếu máo gạt nước mắt, lập bập mãi mới thành tiếng:

- Eng Thắng ơi, mạ…!

- Mạ làm sao? Mạ mất cả tuần nay rồi kia mà!

- Tam nức lên:

- Sáng nay pháo nó lạ…i quật mạ lên… thịt xương …tan nát …hết!

Thắng bậm môi, lấy chiếc khăn trên đầu võng lau nước mắt cho Tam. Ở mảnh đất này chuyện ấy đã nhiều lần xảy ra. Người ta đào giao thông hào. Đào hầm, đào địa đạo cho người sống. Những người chết, đã mồ yên mã đẹp, dù mới chết hay đã chết từ mấy chục năm, thậm chí mấy trăm năm nay đều bị bom, pháo của Mỹ đào lên, người ta thương người đã chết hơn cả người đang sống nhưng người ta không thể làm hầm làm hào cho họ! Cách đây môt tuần, một loạt pháo từ Dốc Miếu bắn sang cánh đồng đã làm mạ Tam và hai người dân gặt lúa chết ngay tại chỗ. Thắng đã cùng đồng đội bạn bè trong xã chôn cất tử tế cho mạ. Bộ ván ngựa đang kê dưới hầm làm giường cho cả nhà được ông Duệ lấy ra đống hòm. Chiếc hòm gỗ mít vừa mới được bào lại có lẽ là chiếc hòm đẹp nhất, sang nhất dành cho người chết từ mấy năm nay. Thớ gỗ nổi rõ những nét hoa văn uốn lượn, tạo thành vòng xoáy sẫm màu trên một nền vàng óng. Bộ ván ngựa ấy cùng với một ít bát chén sót lại là kỷ vật cuối cùng của ngôi nhà mít ba zan của ông bà. Còn tất cả đã thành tro bụi trong hàng trăm lần bom pháo dội xuống. Ông Duệ không tiếc gì với người bạn đời thủy chung của mình. Người bạn đã cho ông mượn con, bà Duệ được mai táng trong nghĩa trang ngoài trảng cát, gần với trận địa 12 ly 7 của dân quân xã. Ngày nào gia đình cũng có người ra viếng, cắm lên mộ vài đóa hoa mua mới nở chiều qua, nhân đi kiểm tra trận địa của đâị đội 3, Thắng cùng với Nhị vừa mới thắp hương cho bà. Thế mà giờ đây…

Thắng cũng bị sốc. Đôi mắt đục mờ một màn sương nước mắt. Những giọt nước mắt to đọng lại dưới bờ mi, lặng lẽ lăn trên gò má rám nắng và tóp lại của anh. Anh ôm Tam vào lòng, vuốt nhẹ lên mái tóc bêts bùn của cô em gái, giọng lạc đi:

- Tội nghiệp mạ…!

- Tam dội dôi mát xũng nước mắt vào tay áo, ngước nhìn thắng:

- Thắng choàng tỉnh, nói dứt khoát:

- Đi, eng tam mình đi

- Hai người bước ra khỏi hầm, chạy như bay dưới giao thông hào. Đi được mấy bước gặp Minh và mấy chiến sĩ đang ăn cơm trong hầm anh nuôi. Thắng gọi to:

- Đồng chí Minh báo với thủ trưởng Minh cứ đi họp trước. Tôi có việc xin lên muộn một tý!

- Báo cáo rõ!

Giao thông hào uốn lượn vòng quân nơi tiểu đoàn đội đóng quân, nối các thôn xóm khác với xã V. Trời mới mưa xong, một lớp bùn sền sệt bám vào đôi dép cao su của Thắng thành một lớp đất dính chặt dưới đế. Thỉnh thoảng, Thắng phải dừng lại dùng một cành cây gạt đi bớt đất cho dễ đi. Tam đi chân đất, quần xắn móng lợn, để lộ bắp chân tròn lẳn, trắng hồng của cô gái tuổi mười bảy. Hai anh em cặm cụi đi, không kịp trả lời những câu chào của những người đi ngược chiều. Trời lạnh mà mồ hôi ướt đẫm vạt áo sau lưng Thắng. Cuối cùng, hai người đã ra đến trảng cát.

Trên địa trận 12 ly 7, Nhị cùng hai dân quân khác đứng bên giá súng giữ chặt lấy báng, mắt dỗi lên phía chân trời xanh. Nhị không khóc, bặm môi, đôi mắt lạnh và buồn cháy lên ngọn lửa căm thù. Trên trảng cát, ông Duệ cùng dân quân xã đang gom những mảnh ván, cùng thi thể của ba người chết vào với nhau. Một quả pháo rơi xuống đúng ba ngôi mộ vừa mới chôn tuần trước.  Thắng và Tam vừa bước ra trảng từ xa, đã nghe một mùi nằng nặc, khen khét tanh nồng của thịt người chết chưa kịp phân hủy. Tam không dám bước tiếp, lấy tay áo che miệng. Thắng vẫn bước như bay đến cạnh mấy chỗ mấy anh dân quân. Anh chỉ kịp chào ông Duệ một tiếng “Bọ..!” rồi cúi xuống nhặt những miếng thi thể da lẫn xương còn sót lại. Tất cả đều nhuộm một màu đen sạm của thuốc đạn và cát. Không còn phân biệt được ai vào ai. Chiếc hòm gỗ mít của bà Duệ vỡ tung, cháy sém. Hòm của một người khác bằng gỗ tạp đã bị phá nát. Người thứ ba chôn trong tấm nilon ấy cũng đã vụn ra thành nhiều mảnh.

Một lúc sau, nắng ửng lên từ phía biển. Xác ba người được gom lại một chỗ, cũng chẵng được là bao. Tất cả đã nát tan, lẫn vào trong cát. Thắng nghẹn ngào nói với ông Duệ:

- Bọ, con xin có ý kiến. Chừ không phân biệt được ai với ai, chỉ có hai cái đầu bị vỡ nát, cháy hết tóc. Một cái khác chắc bị vỡ tung nên con đề nghị chôn chung vào một mộ!

Ông Duệ nhìn người con rể tương lai. Suốt cả buổi ông cố nén để khỏi bật ra tiếng khóc. Ông vẫn tỉnh táo bới từng đống cát cố tìm cho được những mảnh thi thể, dù là nhỏ nhất, khi những mảnh vỡ mụn cuối cùng quá cố được gom lại, ông thấy như sa chân xuống bờ vực. Cảm giác đau đớn, hẫng hụt như một chiếc chuông khổng lồ chụp lên người ông. Tim ông như bị ai bóp chặt, đầu mộng nhức, hai chân như muốn rủ xuống. Ông đứng lặng xuống như một pho tượng xi măng, chân dầm trong cát, mắt ngước lên trời, miệng há hốc. Thắng đến bên ông, dìu ông ngồi xuống. Ông Duệ như không hay biết gì, đê mê làm theo như một cái máy. Thân nhân hai người xấu số chết vì bom, được chôn cùng chỗ với bà Duệ đầu chít khăn trắng cũng không đưa ra được cách giải quyết gì. Nắng mùa đông nhàn nhạt, mong manh trải một lớp vàng mịn mơ hồ lên trảng cát. Cũng lúc ấy, từ lúc ấy từ phía biển những chấm đen xuất hiện lặng lẽ và bất ngờ như những tên cướp. Tiếng Nhị dõng dạc phía trận địa kéo ông Duệ khỏi cơn mê:

- Khẩu đội chú ý, mục tiêu ba chiếc phản lực phía biển …!

Ba chiếc phản lực lớn dần, lớn dần, bay vút qua trận địa. Âm thanh chát chúa xé tan không khí thanh bình của buổi sáng. Khẩu 12 lý 7 quay tít theo hướng ba chiếc máy bay kẻ cướp. Chúng xả xuống và cắt bom phía Dốc Sỏi. Tiếng bom nổ xa, nghe trầm đục. Những cột khói đen khổng lồ đùn từ dưới đất lên từ xa trông như những chiếc nấm độc mọc sau mưa.

Ông Duệ nhìn về phía bom nổ, thở dài, quay sang nói với Thắng:

- Thương không biết để đâu cho hết. Dưới Vĩnh Quang bom Mỹ đánh dập địa đạo, cả trăm người bà già con nít chết vùi trong lòng đất, xác không lấy lên được đành phải đắp thành một nấm mồ chung… đây ta đừng làm như vậy, có tội…

Thắng nhìn ông, phân vân:

- Ý của bọ là …?

Ông Duệ ngẫm nghĩ một lúc, quay mặt đi chỗ khác, trả lời:

- Phân ra thành ba ngôi mộ khác nhau…

Thắng hiểu ý ông. Nhưng anh vẫn phải hỏi ý kiến thân nhân của những người chết đang có mặt ở đó:

- Ý của mấy anh ra sao …?

Một bà mẹ mắt mọng đỏ sửa lại chiếc khăn tang trên đầu, mếu máo:

- Chú ơi … chú làm lẹ lên … tui răng cũng được …!

Từ phía giao thông hào, Mẫn, chính trị viên tiểu đoàn 2 và Liễm, Chủ tịch xã cùng mấy người thanh niên khoác AK trên vai đang đi về phía trảng cát. Mặc dù đã được ông Duệ giao trách nhiệm về những mảnh vụn của ba thi hài, Thắng thấy cần phải hỏi ý kiến của Liễm. Liễm còn trẻ, cùng lứa với Thắng, dáng thấp và gầy, mặc quần áo tô Châu, vai đeo xà cột, đầu đội mũ tai bèo, chạy nhanh đến bên Thắng và ông Duệ:

- Khu đội hoãn cuộc họp đến chiều để chúng tôi về đây với bác Duệ, với anh …

Mẫn bắt tay ông Duệ. Anh xiết chặt tay ông, thay cho lời chia buồn. Khuôn mặt ông Duệ tái đi, sạm lại, trông ông ngày thường đã khắc khổ, dầu dãi nay càng thêm tiều tụy xác xơ. Dù đã chứng kiến nhiều cái chết thương đau trên mảnh đất này nhưng cái chết lần thứ hai của bà Duệ và hai người khác của thôn Đông làm Mẫn lạnh người. Nỗi đau bị đẩy lên đến tột cùng, một cảm giác buốt lạnh luồn sau lưng như rắn bò, mồ hôi vã ra như tắm. Mẫn có cảm giác như mình lên cơn sốt. Thần kinh anh tê dại, anh như người mất hồn đứng nhìn đống thi thể vụn nát của ba người bị pháo Mỹ giết chết lần thứ hai. Gió se se lạnh làm khô những giọt mồ hôi trên trán và Mẫn bừng tỉnh sau những phút giây hóa đá. Cái sống và cái chết quá gần nhau. Mới hôm nào chủ nhật, Mẫn cùng đi với Thắng xuống nhà bà Duệ ăn giỗ. Bà cùng với hai cô con gái mài sắn suốt đêm để sáng mai có bột làm bánh sắn cúng ông nội. Ở Vĩnh Linh cỗ có cao, mâm đầy, dù có đủ sơn hào hải vị, chiếc bánh sắn gói trong lá chuối trắng mọng soi rõ con tôm vàng rộm bên trong vẫn không thể thiếu được. Đó là đặc sản cây nhà lá vườn của một miền quê. Bà Duệ làm bánh sắn thật khéo tay. Thứ để hóng gói trong lá chuối. Thứ vắt thành những chiếc hình quai xanh nhỏ và xinh buộc lên rồi gào lại với mỡ, hành, thêm chút bột ớt the the…Lần ấy, chính bà Duệ là người động viên an ủi Mẫn nhiều nhất. Vợ Mẫn, cô giáo dạy Văn ở một trường cấp hai ngoài Quảng Bình bị bom Mỹ giết chết cùng với mười em học sinh. Nhìn chiếc băng tang hình quả trám trên ngực áo của Mẫn, bà Duệ ứa nước mắt, nói với anh một câu vụng về nhưng rất chân thành: “Nói trộm vong hồn thím, chờ cho nguôi ngoai tui có mấy đứa con gái, chú ưng đứa nào, tui cho…”. Mẫn hiểu, đó là câu an ủi từ sâu thẳm những nghĩ suy của bà, ý nghĩ mộc mạc như hạt lúa củ khoai của một người mẹ Việt Nam. Mẹ mong các con bằng an, hạnh phúc. Trước nỗi đau của các con, mẹ sẽ làm tất cả những điều hì mẹ có thể làm được. Đó không phải là một lời động viên sáo rỗng, lấy lòng. Sau lần ấy, anh cũng không có dịp nào trở lại thôn Đông thăm bà, chỉ được ăn những chiếc bánh sắn bà gửi cho anh nhờ Thắng chuyển. Thế rồi bà bị bom sát hại. Ngẫm lại, Mẫn thấy lần ấy bà nói những điều mà giờ đây chắp lại thì là những điềm báo trước cho một sự ra đi: “Con Nhị thì làm bánh được rồi. Còn con Tam thì nhác lắm. Không chịu làm. Nhưng lại mê bánh sắn. Tui mà chết đi không biết ai làm cho mấy đứa …”. Bây giờ, đứng trước thi thể nát vụn của bà, Mẫn thấy cái chết và cái sống như lẫn vào nhau. Trong cái sống đã có cái chết và trong cái chết cũng đang tồn tại cái sống. Dù bà Duệ đã vĩnh biệt cõi đời này để đi sang thế giới bên kia nhưng trong tâm tưởng của Mẫn, bà không bao giờ mất.

Thấy Mẫn cứ đứng trơ trơ, Thắng đến bên, hỏi nhỏ:

- Ý của bọ không muốn gộp chôn chung vào một mộ

Mẫn bừng tỉnh, trả lời:

- Bọ nói đúng …

Thắng ghé sát tai Mẫn:

- Bây giờ không lẽ chia ba …?

Mẫn giằn giọng:

- Chứ sao nữa …!

Ông Duệ nghe câu trả lời của Mẫn, bước đến bên:

- Tôi cũng rất đau lòng khi quyết định như vậy, nhưng để chôn chung càng đau đớn hơn… Mẫn không nói gì, móc túi  lấy chiếc khăn mùi xoa bịt miệng. Anh nói nhỏ với cậu dân quân đi cùng điều gì đó. Anh dân quân gật đầu, chạy đi, một lát sau mang lại ba tấm niloon. Thắng trải ngay ngắn trên mặt cát và Mẫn cúi xuống bắt đầu chia đống thi thể ấy.

Ba con người chỉ có hai đầu, bốn cánh tay, ba xương đùi, ba cột sống không đủ đốt, xương sườn vụn nát. Mẫn làm việc ấy với vẻ kiên nhẫn và trách nhiệm. Ai cũng có một phần của chân tay, không quá nhiều cũng không quá ít. Riêng hai hộp sọ thì không thể chia ba. Ông Duệ ngồi xổm, nhìn thấy vẻ lưỡng lự của Mẫn khi cầm hai chiếc đầu méo mó không thể nhận dạng được trên hai tay. Anh không thể đưa ra quyết định cho ai. Đúng lúc ấy ông Duệ lên tiếng.

- Chú ơi, chú dành cho cô Bái và anh Hùng. Bà nhà tôi thiếu cũng được.

Nói xong câu ấy, những giọt nước mắt ông nuốt vào lòng từ sáng đến nay cứ chực trào ra. Ông vụt đứng dậy, lảo đảo chạy đi, nấc lên từng đợt. Tiếng khóc quặn lòng của người đàn ông nặng và đau nghe như xát muối.

Những người dân quân đang đắp cát lên ba nấm mộ. Dù chỉ một nấm xương trong mỗi ngôi mộ nhưng trông bên ngoài, ba nấm mộ ấy vẫn to và rộng. Mẫn thắp ba nén nhang cắm lên trên. Thắng chạy khắp trảng, đào về ba cây mua trồng lên phía đầu ba người. Khói hương thoang thoảng bay về phía trận địa 12 ly 7. Mắt Nhị như đang đóng đinh lên nền trời, ngửi thấy mùi hương thoang thoảng trong gió chị bỗng rùng mình quay về phía trảng. Nhị nói như ra lệnh:

- Đồng chí Thỏn, đồng chí Hà, đồng chí Minh thay chúng tôi trực chiến!

Ba chiến sĩ đứng vào vị trí bên khẩu súng đang vươn nòng trên trời. Nhị chạy về phía Thắng, gục lên mộ mẹ:

- Mạ ơi …!

Ông Duệ, Liễm, Mẫn, Thắng và những người đứng đó không ai cầm được nước mắt. Cũng lúc ấy, khẩu 12 ly 7 của Trung đội dân quân xã V nhã đạn. Một chiếc F4 sà xuống cắt bom mé đường số một. Tiếng bom nổ làm rung mặt đất. Nhị không kịp lau nước mắt, chạy như bay về phía trận địa pháo. Những người trên trảng cát đều khẩn trương nhảy xuống giao thông hào. Liễm pha trò:

- Tụi hắn đi cắt bom mô về cũng để dành cho xã miềng một quả…

Khói bom bay mù trời, trùm lên cả giao thông hào. Chiếc máy bay đã bay về phía biển. Một lúc sau, khói tan. Ông Duệ cầm chặt tay Thắng và Mẫn:

- Tạt về nhà tui chút đã !

Mẫn xiết chặt tay ông trong tay mình:

- Con và anh Thắng chiều nay có cuộc họp trên khu đội. Chắc bác và anh Liễm chiều nay cũng phải lên trên đó.

- Ông Duệ gật đầu:

- Có, có. Giấy triệu tập Bí thư, Chủ tịch …

Ba người men theo giao thông hào, đi về phía làng nơi có rặng phi lao bị bom chém đứt, từ xa trông như những mũi chông chọc thẳng lên trời.

P.C.T

Phan Cao Toại
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 84 tháng 09/2001

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/07

25° - 27°

Mưa

03/07

24° - 26°

Mưa

04/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground