Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Bến Kim Hằng" và cô lái đò năm ấy

H
ồi còn đi học, tôi và Thái rất thích đọc thơ của Nguyễn Bính. Thái rất thích chuyện “cô lái đò” với một mối tình dang dở: cô xinh đẹp, vui tươi, làm cho khách sang sông ai cũng mến. Từ đó nảy sinh ra một mối tình với một chàng trai. Nhưng không rõ vì sao, chàng trai đi biệt. Cô lái đò chờ, chờ mãi, rồi hy vọng tan dần...! “Cô đành lỗi hẹn với tình quân”! Từ đó...
... “Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng sông,
Cô lái đò xưa đi lấy chồng!
Vắng bóng cô em từ dạo ấy,
Để buồn cho những khách sang sông”!
Thái nào phải là một khách sang sông của cô lái đò đáng thương ấy, nhưng chàng ta cũng cảm thấy buồn! Cái buồn của Thái làm tôi cũng thấy buồn lây!
Khi vào bộ đội, chúng tôi vẫn mang theo hình ảnh cô lái đò của Nguyễn Bính và câu chuyện tình dang dở ấy. Nào ngờ trên đường chiến đấu, chúng tôi lại gặp một cô lái đò thật sự, và từ đó đã nảy sinh một mối tình rất đáng thương tâm giữa Thái và Hằng.....
*
*    *
Kim Hằng là một nữ du kích có rất nhiều thành tích, được địa phương ca ngợi về tinh thần dũng cảm và mưu trí trong chiến đấu. Hằng không có cái đẹp lộng lẫy, nhưng có cái duyên ngầm. Gương mặt lúc nào cũng dịu dàng, rất dễ gần gũi với mọi người. Đặc biệt là cô có cái miệng rất tươi với một nụ cười rất tự nhiên lúc nào cũng hé nở. Nhưng Hằng rất nghiêm túc, nhất là khi có tình huống khẩn trương. Giỡn mặt với cô không được đâu! Bọn lính chúng tôi có những anh chàng hấp tấp buông những lời trêu ghẹo, đều bị những đòn trả đũa rất linh hoạt, rất lịch sự và cũng rất đau! Vì vậy, Hằng càng được nhiều người nể mặt, mặc dù cô chỉ mới hai mươi tuổi.
Chiến trường ngày càng bị chia cắt. Hằng được điều về phụ trách một trạm giao liên, hằng ngày đưa rước cán bộ và bộ đội qua lại con kênh P-H. Đây là nơi trọng điểm bảo đảm cho tuyến liên lạc chủ yếu của vùng này, giữa miền Tây sông nước. Trạm liên lạc của Hằng còn đảm nhiệm đưa cán bộ, tài liệu và vũ khí đến nhiều nơi thường phải qua đồn giặc. Trong các trận đánh quan trọng, các cô giao liên này còn có nhiệm vụ chuyển thương binh về phía sau. Trạm giao liên của Hằng thường xuyên hoàn thành tốt các nhiệm vụ, nhất là Hằng, người chỉ huy trẻ luôn luôn gương mẫu.
Mỗi lần có việc phải sang sông, bọn chúng tôi mong được gặp Hằng, nói vài ba câu chuyện cho vui đời lính. Nhưng yêu cầu ấy lắm lúc cũng không đạt được, vì khi nắm được thời cơ yên tĩnh, Hằng ra lệnh xuất phát. Thuyền từ trong rạch nhỏ ra kênh lớn, rồi chèo hết tốc độ vượt sang bờ  bên kia, chui vào một cái hẻm cho khách lên bờ. Nếu chậm trễ thì có khi không kịp tránh máy bay địch. Pháo của chúng từ xa cũng thường nhằm vào đây mà nhả đạn, nên phải nhanh chóng ra khỏi khu vực “tử thần” này. Tuy vậy, nhiều anh bạn cũng muốn có nhiều thời gian gần gũi “cô lái đò” mà các vị si tình thường mong, ngoài tình đồng đội còn có một thứ tình gì khác, mê ly, ướt át, ngọt ngào giữa gái và trai... Nhưng mỗi lần thuyền cập bến ở trạm khách bên kia thì thường nghe một câu của Hằng: “Chúc các anh, các chị đi đường mạnh khoẻ. Hẹn gặp lại”! Con đò vội rời bến. Khách nhìn theo giơ tay vẫy vẫy. Thế là thôi! Khách tiếp tục cuộc hành quân, mang theo vài mẫu chuyện về “cô lái đò” dùng làm những món “lương khô” tình  cảm để đem ra nhấm nháp mỗi khi nhớ đến mối tình một phía với người mình yêu, mà đâu đã yêu mình!
Trong số khách si tình đó có Thái. Tôi biết chắc như vậy, vì không có bí mật nào mà Thái lại không nói với tôi. Vì không lần nào tỏ tình được trong những chuyến sang sông nguy hiểm như vậy nên đã mấy lần, Thái viết thư nói rõ tình cảm của mình rồi gởi lại cho Hằng qua tay cô giao liên chèo mũi. Rồi một hôm, Thái nhận được một bức thư trả lời! Thái mở ra xem mà tôi tưởng chừng như con tim muốn nhảy ra ngoài lồng ngực. Xem xong, Thái buồn bã bảo tôi: “Đọc đi”. Trong thư chỉ có mấy dòng ngắn ngủi nhưng viết rất nắn nót: “Anh Thái thân mến! Tình hình còn căng thẳng quá, Hằng chưa nghĩ đến chuyện yêu đương. Nhất định sẽ có ngày độc lập. Chừng đó sẽ tính sau. Xin cảm ơn tình cảm của anh”. Thái đọc lại bức thư, nói một mình mà cũng muốn gởi tâm tình với tôi: “ Sẽ tính sau. Tính thế nào? Có thể tính tới, mà cũng có thể tính lui. Nhưng biết còn không mà tính? Rốt cuộc rồi, mối tình cũng chỉ được có năm chục phần trăm về phía mình, còn về phía cô nàng thì chưa có phần trăm nào cả. Vẫn là một mối tình từ một phía. Chắc là lần này, mình sẽ ôm mối tình đơn phương này mà... “bỏ thuyền, bỏ bến”. Cả mấy ngày sau, Thái thường ngồi tư lự, không buồn trò chuyện với ai. Và từ đó tôi thường nghe Thái nghêu ngao mấy câu thơ được dịch từ một bài thơ tình của một nhà thơ Pháp:
“Lòng tôi chôn một mối tình,
Tình trong giây phút mà thành thiên thu.
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,
Mà người để khổ như hầu không hay”!
Thái lại than với tôi: Người ta yêu trong giây phút mà thành thiên thu. Còn tao yêu biết bao lâu thì mối tình của tao sẽ kéo dài đến ngày tận thế. Người để khổ đã hay rồi mà chưa nhích lại được một ly nào, vậy mới buồn chớ!
Minh hoüa : HÄÖ THANH THOAN
 
Tôi cố tìm cách an ủi Thái, nhưng tôi đâu có đủ lời để làm dịu bớt những nỗi “vạn kiếp sầu” của những anh chàng mang bệnh tương tư. Sau đó ít lâu, tôi được điều ra đơn vị chủ lực, rồi đi, đi mãi, hết miền Tây lại đến miền Đông. Thái ở lại tỉnh nhà, rồi lại cũng đi, hết U Minh lại Đồng Tháp. Chúng tôi không có điều kiện liên lạc với nhau. Tôi nghĩ giản đơn, nỗi buồn nào rồi cũng tan dần theo năm tháng, nhất là trong thời chiến. Tình hình luôn bắt buộc người lính phải đối phó với địch, đâu ai có thể ngồi mãi thở than cho một mối tình, dù đó là mối tình đầu mới cả, hay là mối tình đuôi đã khắc cốt từ năm nào. Vì vậy tôi yên chí, dù “cô lái đò xưa đi lấy chồng” thì mối tình của Thái cũng tan dần, chớ không phải như những “mối tình mang xuống tuyền đài không tan” trong phong tình sử ngàn xưa.
 
*
*    *
Năm năm trôi qua. Bỗng một đêm trên đường công tác, tôi và Thái gặp nhau ở một trạm giao liên giữa Đồng Tháp. Mắc võng nằm kề bên nhau, chúng tôi kể cho nhau nghe biết bao là chuyện. Tôi trực nhớ đến Hằng. Tôi hỏi luôn:
- Con bé Hằng, cô lái đò của mầy ngày trước, thuộc về ai rồi? Hay cô đã “bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng sông” như cô lái đò của Nguyễn Bính? Đứa nào được cô ta thì như được vàng đó nhé.
Đang vui, Thái bỗng nín lặng, dường như bị nghẹn ngào bởi một cú “sốc”. Tôi cảm thấy câu hỏi vừa rồi đã gợi lại cho Thái một nỗi buồn sâu lắng, nên muốn chuyển sang một câu chuyện khác, nhưng sau một lúc im lặng, Thái thở dài một tiếng nghe rất não ruột, rồi nói chậm rãi:
- Từ lâu rồi, tao không nói với ai về mối quan hệ giữa tao với Hằng, vì nói ra, e lại gợi buồn cho người khác. Nhưng mầy đã nhắc đến Kim Hằng thì tao cũng kể để chia bớt với mày một mớ tâm tư. Hằng bây giờ không thuộc về ai cả, mà thuộc về truyền thống chiến đấu địa phương của Hằng. Tên của Hằng nằm trong danh sách của gần một trăm liệt sĩ của xã P-H. Mộ của Hằng cũng đã được quy tập về nghĩa trang. Tao đã tham gia vào cái việc ân tình này. Lúc nào có dịp, mày cũng nên đến đó thăm Hằng để đáp đền cái nghĩa sang sông. Chuyện là vậy: Sau bức thư coi như một thông điệp từ chối bằng hai chữ “tính sau” ấy, tao không gặp Hằng vì cố ý né tránh, không để cho mối quan hệ rắc rối thêm. Cho đến một đêm, khi ta đánh một đồn địch ngoài quốc lộ, tao bị thương cùng một số đồng chí khác. Dân công tải thương về bờ kênh, chuyển anh em xuống xuồng đưa về trạm quân y dã chiến ở phía sau. Các chiếc thuyền nhanh chống ra khỏi nơi tập trung, bơi xuôi theo dòng nước. Còn lại một chiếc, chỉ có thể chở được sáu người. Trong khi đó, số bị thương còn lại cũng đúng là sáu. Vậy thì hai người chèo phải tính sao đây? Chẳng lẽ lại bỏ hai thương binh lại bến. Tao định xin ở lại đi sau, và đang trao đổi với một anh bạn để cùng ở lại, nhưng lúc ấy, tao nghe đúng tiếng của Hằng nói to, ra lệnh đưa cả sáu thương binh xuống xuồng. Tao nghĩ: vậy thì xuồng phải chở đến tám người chìm mất. Tao còn đang băn khoăn thì nghe Hằng bảo người chèo phía trước: “Chị Năm tôi với chị lội xuống nước, vừa đẩy, vừa nâng chiếc xuồng, đi ngược dòng nước, nhanh chống vô cái xẻo kế nhà ông Hai Lâm, đi tắt ra cánh đồng Tư Hải. Từ đó, mình đẩy xuồng qua mấy đám ruộng nước của Hai Sơn, Ba Thắng, tới ngọn rạch Cái Sơn. Ở đây có nhà dân. Mình mượn xuồng đưa bớt thương binh qua đó rồi trở ra kênh, chèo đến bệnh xá. Phải hết sức khẩn trương vì có thương binh nặng. Thế nào địch cũng bắn pháo vô đây chận đường rút lui của quân mình. Đừng để anh em bị thương một lần nữa.”
Tao chỉ nghe phía trước “ừ” một tiếng, rồi chiếc xuồng nhẹ lướt trên dòng nước. Khi xuồng vô tới ruộng, nhiều chỗ nước cạn, hai người ì ạch đẩy, nặng nề lắm. Những tiếng thở gấp làm tao rất xót xa. Khi xuồng ra đến giữa đồng thì pháo địch bắn đúng vào nơi tập trung lúc nảy.
Nằm trên xuồng, nhiều lúc tao nín thở, mong giúp thêm một sức mạnh nào đó để đẩy chiếc xuồng, hoặc làm cho nó nhẹ đi một chút nào chăng, nhưng nào có giúp được gì. Nhưng rồi kế hoạch của Hằng vẫn được thực hiện đầy đủ. Trời vừa sáng rõ mặt thì hai chiếc xuồng vừa cập bến an toàn.
Khi đưa thương binh lên trạm, nhận  ra tao, Hằng nói nhanh: “Ủa anh Thái”. Hằng đứng lặng như không biết phải làm gì, rồi tự nhiên hai dòng nước mắt rơi rơi... Tao gượng cười, nói lắp bắp: “Cảm ơn Hằng, cảm ơn chị Năm. Đêm rồi, vất vã quá”. Tao không nói gì được nữa, rồi nước mắt cũng tuôn. Tao khóc, mà tao lại mừng, khi nghĩ rằng nước mắt của Hằng vì tao mà đã đổ.
Các cán bộ quân y sơ bộ xử lý các vết thương, và đưa thương binh nặng lên tuyến trên. Tao lại đi. Và Hằng cũng về ngay. Hai đứa không nói được điều gì thêm nữa, nhưng có lẽ, nước mắt đã nói thay lời. Tao nghĩ đó là tính hiệu của tình yêu, là kết quả của hai chữ “tính sau” trong bức thư ngày trước. Đó là một số “phần trăm” của Hằng được cộng vào mối tình đơn phương năm chục phần trăm của tao lúc ấy. Tao chỉ còn phân vân không rõ con số ấy là bao nhiêu. Phải chi tình yêu là một đại lượng có thể cân đong đo đếm được thì tao cũng cố tìm cho ra cái ẩn số làm nức lòng người ấy.
Nói đến đây, Thái ngừng lại như để trở về với những kỷ niệm ngọt ngào ngày ấy. Rồi Thái lại tiếp:
Tuy vậy, tao vẫn thấy trong mối quan hệ giữa tao với Hằng, tình yêu cứ nặng dần lên khi tao nhận được mấy bức thư thăm hỏi của Hằng khi tao nằm điều trị ở bệnh xá trung đoàn. Tao định khi điều trị xong, sẽ đi tìm Hằng, không ngờ một hôm, Hằng đến thăm tao. Vậy là đã rõ. Tình trong như đã, mặt ngoài cũng đã luôn. Và Hằng đã đến thăm tao năm lần trong ba tháng tao điều trị vết thương. Mỗi lần đi là một lần khó khăn, nguy hiểm, vì lúc bấy giờ tình hình ngày càng phức tạp. Khi tao về đơn vị thì được đưa đi học, rồi được điều về một địa bàn mới rất cách trở bởi nhiều con sông. Tao và Hằng chỉ còn liên lạc được với nhau bằng thư từ, nhưng rất hiếm hoi. Tuy vậy hai đứa vẫn thương yêu, tin tưởng, đợi chờ.
Hai năm sau, cho đến một ngày... Ngày ấy, trời như đổ sụp trên đầu tao. Một anh bạn đi công tác về báo tin, khi đi qua vùng P-H, anh được tin Hằng đã hy sinh khi tham gia vào một trận đánh lớn tại địa phương, với nhiệm vụ là chuyển thương binh về phía sau. Anh bạn không nắm hết các chi tiết về cái chết của Hằng, nhưng việc Hằng hy sinh là điều chắc chắn.
Được tin này, tao như người mất hồn. Thông cảm hoàn cảnh này, cấp trên cho tao đi phép. Những việc tao tìm hiểu thêm càng làm tao thêm yêu  và kính phục Hằng:
Đêm ấy, trận đánh kết thúc. Ta cơ bản đã chiếm được đồn giặc, chỉ còn vài ổ đề kháng. Phải giải quyết dứt điểm trận địa vì trời sắp sáng. Các lực lượng tập trung vào nơi địch cố thủ. Trong khi đó, ta chưa đem hết thương binh ra phía sau. Còn mấy người bị kẹt trong các lớp rào dây kẻm gai của địch. Không ngần ngại nguy hiểm, Hằng cùng mấy cô trong trạm giao liên bò vào cõng được ba anh ra bãi tập kết, rồi lại trở ra cõng tiếp những người còn lại. Chẳng may, một quả lựu đạn gài nổ ngay khi Hằng vừa qua lớp rào thứ nhất. Hằng hy sinh trên tay của các đồng đội giao liên. Trong các đồ đạc Hằng để lại, có bức thư Hằng chưa kịp gởi cho tao!...
Sau một tiếng thở dài, Thái nói như kết luận:
- Đó, chuyện “cô lái đò” của tao là vậy đó. Qua chuyện của Hằng, thỉnh thoảng tao cũng nhớ đến cô lái đò của Nguyễn Bính. Khách sang sông có buồn, nhưng đâu có cái buồn của ai như cái buồn của tao khi “cô lái đò” của tao không còn nữa. Tuy vậy, tao cũng mượn  mấy vần thơ của ông để nói lên tâm trạng của mình:
“Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng kênh,
Cô lái đò xưa đã bỏ mình.
Đã quyết đấu tranh vì nghĩa cả
Tình riêng nào ngại phải hy sinh.”
“Vắng bóng cô em từ dạo ấy” chắc là khách sang sông cũng buồn. Khách sang sông của Hằng phần lớn là chiến sĩ. Khách buồn vì vắng cô lái đò vui tính, mến khách, và nhất là dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, đầy trách nhiệm, dám hy sinh tính mạng của mình để bảo đảm an toàn cho khách. Rồi không biết từ đâu, cái bến khách của Hằng được người qua lại gọi là “Bến Kim Hằng”. Cái tên Kim Hằng bỗng trở thành một địa danh mà bà con ở địa phương rất trìu mến và trân trọng. Trong tim tao cũng có một “Bến Kim Hằng” với “cô lái đò” mà tao thương nhớ mãi...
*
*    *
Thái nằm yên, dường như đã bình tĩnh hơn khi bắt đầu câu chuyện. Nhưng ai biết được, nơi “Bến Kim Hằng” trong lòng của Thái đang ngập tràn nhớ thương.
Trời chưa sáng, nhưng chúng tôi đều không muốn ngủ, và cũng không kể chuyện gì thêm, mỗi người một tâm sự. Riêng Thái, thỉnh thoảng lại thở dài. Sáng ra, chúng tôi lại chia tay. Thái ngậm ngùi. Tôi buồn rơi nước mắt. Xưa nay, tôi ít khóc. Nhưng hôm nay, tôi muốn để cho nước mắt nói thay lời....
 
H.S
 
 
Hồng Sa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 176 tháng 05/2009

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground