Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bia miệng

TRUYỆN NGẮN dự thi

 

Lâu lắm rồi tôi và mẹ mới về lại xóm Doi. Đi dọc con đường quanh xóm mẹ không giấu được xúc động, nước mắt viền quanh, bỡ ngỡ nhìn bờ rào chè tàu có những sợi tơ hồng bám dày và hàng sầu đông trổ lá xanh mởn hẹn một mùa hoa tím. Còn tôi, dù tránh đi lối khác nhưng thế nào vẫn vòng về cuối xóm. Ở đó gặp lại ngôi nhà hai tầng có trụ cổng và tường ốp đá xanh giờ mốc meo, hoang lạnh. Ngôi nhà vắng chủ lâu rồi. Chủ nhân của nó, thầy Nhịn và vợ con, giờ nơi đâu, sống chết thế nào thì không ai biết...

***

Mảnh đất tôi sinh ra, lớn lên gọi là xóm Doi vì nguyên thủy nơi đây là do doi cát chồm ra khỏi bờ sông được phù sa bồi đắp mà thành. Cái xóm trông xa hay nhìn từ trên cao giống như một chiếc thúng khổng lồ nằm úp, xanh ngăn ngắt biền bãi. Ban đầu chỉ có một vài nóc nhà. Họ là những cặp vợ chồng trẻ lấy nhau dọn ra ở riêng. Rồi dần dần thành xóm. Xóm chừng trăm nóc nhà, thấp tè, quần tụ bên nhau, sống bằng nghề chài lưới hay trồng khoai, trồng sắn. Lúa có nhưng ít, chỉ nhờ nước giời. Mà giời thì thất thường, thương nhớ khóc cho vài tháng triền miên, giận dữ phơi cho nửa năm nắng lửa.

Cả xóm bình lặng, nghèo nàn thế bỗng một hôm trở nên ồn ào. Mọi người tụm năm tụm ba xì xào, chỉ trỏ. Thêm một gia đình tứ xứ lạc từ đâu đến. Đành rằng cái xóm Doi này thi thoảng lại có gia đình túa đến, ở, rồi đi, có khi ở lại thành dân xóm. Nhưng tất cả đều đến vào chiều muộn hoặc sáng sớm, với tâm trạng lặng lẽ, không muốn ai chú ý đến mình. Gia đình mới đến thì khác, họ tới vào giữa trưa, người đàn ông đi đầu cầm hai đồng tiền âm dương xoa rin rít trong mấy ngón tay, cứ đi một quãng lại dừng bấm đốt, ngó nghiêng, sục sạo xung quanh ra điều suy nghĩ, lâu lâu lại thốt lên:

“Xóm này... nhiều ma lắm. Xóm này... nhiều ma lắm... Xóm này...”

Tiếp đến là người đàn bà mập lú, cái miệng rộng, môi đỏ nhót, gặp ai cũng sán vào chào, giới thiệu chồng là thầy Nhịn làm nghề thầy cúng linh lắm, từng cúng cho quan ông A, quan bà B tuốt tuột trên tỉnh, trên huyện, giờ họ thành quan trên trung ương cả rồi, dưới một người trên vạn người.... Ủ dột, lếch thếch túi tắm đi cuối đoàn rồng rắn ấy là hai đứa nhỏ một trai một gái. Thằng con trai đầu trạc tuổi tôi. Còn đứa con gái nhỏ tuổi hơn, xinh xắn với gương mặt thanh tú, nước da trắng hồng, cặp mắt lúc nào cũng như có nước, long lanh.

Đến cuối xóm thầy Nhịn nhìn giời, khìn khịt mũi, quyết định cho đoàn người dừng lại, dựng tạm nhà lá để ở cạnh hõm nước sâu hun hút, xanh rợn, không cạn bao giờ. Xung quanh hõm nước cây dại ken dày, chốn nương thân cho các loài thủy cầm và mòng muỗi. Nhìn vào âm u và đầy bí ẩn.

Đối với tôi thầy Nhịn là một người đàn ông kì lạ, huyền bí khác hẳn với cánh đàn ông xóm Doi từ cách đi đứng, ăn mặc, nói năng. Về đi đứng thì không mạnh mẽ, dứt khoát mà cứ có gì đấy yếu ớt, ẻo lả, nhìn ông đi người ta không biết ông đang đi hay đang tập nhún nhảy. Các bà, các mợ trong xóm thấy ông qua bấm nhau cười, huơ huơ tay bắt chước. Ăn mặc thì lúc nào cũng quần áo đen, tóc dài để búi sau ót, mang dép xỏ ngón, vai trìu trĩu tay nải. Ông ít khi cười, gặp bọn trẻ chúng tôi ông dừng lại, nép qua một bên như nhường đường rồi đưa mắt nhìn từng đứa. Ánh nhìn hút theo, mỉm cười khó hiểu. Chúng tôi thì sợ, lặng lẽ cúi đầu bước qua xong ù té chạy.

Rồi bí mật về con người thầy Nhịn dần dần hé lộ khi xóm Doi có người chết. Đó là cụ Tiền lãng tai, một bữa trưa đi lang thang ngã xuống hõm nước ngay nhà thầy Nhịn. Chính thầy là người tới nhà cụ Tiền sớm nhất, lo hương hoa, bàn thờ, rồi ghi ghi chép chép và làm mấy chiếc bùa hình chữ nhật nhỏ bằng hai ngón tay cho mấy con cháu cụ Tiền đeo. Thằng Vĩnh, cháu nội cụ Tiền cũng có một chiếc. Nó khoe với chúng tôi là đeo bùa khỏi bị ma quỷ bắt. Nó còn nói, thầy Nhịn có tài sai khiến ma quỷ. Ba nó bảo thế. Chúng tôi nghe mà sợ ông thầy Nhịn hơn trước, đi học không dám ngang nhà ông nữa mà phải đi vòng qua đường khác xa hơn và nắng hơn. Còn nghe đâu tiền làm mấy cái bùa trừ ma quỷ tốn hơn mười giạ lúa. Đã thế sau đám tang con cháu cụ Tiền lại lục đục vì có người không tin lời thầy Nhịn mà nói ra nói vào bị thần linh quở phạt.

Phải nói một điều, ở cái xóm Doi thuần nông này, gia đình thầy cúng Nhịn phất lên nhanh nhất. Chỉ mấy năm thôi, ông đã xây được nhà kiên cố, lại mua được xe máy, cái phương tiện lúc bấy giờ chỉ trên thị trấn mới có. Bà vợ ông thì ngày càng mập ra. Mỗi lần bà đi chợ, y như rằng người ở đầu chợ mà tiếng vang cuối chợ.  Chợ xóm Doi nằm men theo trục đường chính nối với xóm trong đê. Mua bán toàn thứ làm được ở vườn bãi và dưới sông. Thỉnh thoảng có dăm ba xe hàng từ chợ trên thị trấn xuống. Họ đổ hàng tràn xuống khoảng đất rộng dọc mé đường, người trong xóm tha hồ chọn lựa.

Cuộc sống người dân xóm Doi gắn liền với đồng bãi, ít người rời xóm đi làm ăn xa lắm. Thế nên chuyện chị Sa con bà Liền hàng xóm nhà tôi lên thị trấn làm tiếp thị bia như một sự lạ. Và càng lạ hơn khi người đầu tiên biết chuyện lại là ông thầy Nhịn.

Chắc có lẽ ông hay lên đó cúng và tình cờ gặp?

Có người hoài nghi, biết đâu ông ta đi bia ôm và gặp chị Sa. Chị Sa học trên tôi mấy lớp, nhưng đã nghỉ học hai năm rồi. Nhà một mẹ một con, không thấy bố chị bao giờ. Mẹ tôi bảo mẹ chị Sa chửa hoang, không chồng. Trước đây mẹ con chị ở trong xóm chính, nhưng gặp chuyện tranh giành đất đai với mấy anh em ruột, là phận gái, bị khinh ghét, xua đuổi nên hai mẹ con mới ra xóm Doi sống. Họ ở trong ngôi nhà tranh dựng tạm, gió thổi qua chực đổ. Hàng ngày mẹ thì đi cào don xúc hến, con thì đi thả bò cho mấy nhà giàu trong xóm chính. Mười tám tuổi, chị Sa phổng phao xinh đẹp, nhiều trai trong xóm, cả trên thị trấn lân la tán tỉnh. Chị bảo với mẹ.

“Nhà mình nghèo quá. Con phải kiếm tiền để đổi đời đi. Mẹ chờ con nhé. Nếu con không về mẹ tha cho con tội bất hiếu. Ơn nghĩa sinh thành kiếp sau con báo đáp”.

Nói xong chị gạt nước mắt xách túi ra đi. Mẹ chị chẳng biết nói sao để giữ con lại, chỉ khóc.

Công việc của chị, nghe mẹ chị nói thì nhàn lắm nhưng mất thời gian nên không thể về nhà thường xuyên. Ở nhà một mình, mẹ chị Sa hay qua nhà nói chuyện với mẹ tôi. Thấy tôi đang ngồi học bài, mẹ chị Sa còn đùa, giá Tín lớn hơn Sa nhà cô vài tuổi thì hai gia đình kết sui gia nhỉ. Tôi ngẩng mặt lên cười, còn mẹ tôi thì không nói gì, tay quơ nhanh nắm bèo vừa vớt ngoài sông và xắt lấy xắt để.

Hai người đàn bà trạc tuổi rủ rỉ nhiều chuyện.Cả chuyện về thầy Nhịn nữa. Mẹ chị Sa hỏi sao bố tôi lâu không về, mẹ tôi bảo bố bận lắm, nhiều khi cả năm mới tạt về một lần vài hôm rồi đi. Tôi nghe mẹ nói về bố ráo hoảnh, không cảm xúc như thế, tôi lại thấy chạnh lòng ghê gớm. Chuyện tình cảm rạn nứt thì cố gắng mấy cũng không tài nào trở về nguyên vẹn. Bố mẹ tôi cũng thế. Từ khi còn học cấp hai tôi đã cảm nhận được điều tồi tệ ấy sẽ xảy ra bởi những lần cãi vã diễn ra thường xuyên, sự bất đồng trong đời sống hàng ngày ngày càng gay gắt. Như bát canh bầu thôi, nhỏ bé thế, đến bữa ăn húp miếng canh bố dằn mạnh bát xuống, mắt vằn lên. “Mặn sao ăn”. Mẹ đốp lại ngay: “Thích ăn tự nấu. Con này nấu được thế thôi. Thích thì đi đi, xem con nào hơn con này nào. Hầu hạ như bố già còn lên mặt dạy dỗ mặn nhạt”.“Cô...” Tay bố giơ lên, mặt mẹ đưa ra thách thức.“Tát đi, đánh chết rồi chôn. Tôi cũng chán cuộc sống dở dơi dở chuột này lắm rồi”. Nhưng bố không tát, tay hạ xuống, mắt xuội đi. Và hôm sau bố đi, như một kẻ trốn chạy, chối bỏ gia đình và trách nhiệm của người đàn ông.Tôi không hiểu lắm về điều này. Mãi sau này khi bố lén lút gặp tôi ở quán nước đầu xóm Doi, trông mắt bố buồn như sương đẫm ướt tôi mới ngộ ra rằng, không thể níu kéo tình cảm khi cái tôi của một trong hai người quá lớn. Bố bảo mẹ con chờ đợi người khác chứ không phải bố. Tôi nhắc bố về bát canh bầu trước ngày bố đi. Bố bảo đó là lần đầu tiên trong đời sống vợ chồng đằng đẵng bố dám ngang nhiên chống đối và định tát mẹ. Nhưng cái tát không thành, nếu thành biết đâu giờ tôi vẫn còn đủ bố mẹ. Và bát canh bầu hôm đó có mặn đâu. Bát canh là do tôi nấu, quên bỏ muối...

Từ bố, sau này yêu, tôi cũng thường hay tự dò xét cảm giác và thái độ của người mình yêu. Tính ra, tôi bắt đầu yêu năm cuối cấp ba, thứ tình yêu học trò chóng vánh gieo vào lòng cảm giác nhớ nhung. Tôi yêu em gái thằng Trung, là Hiền con ông thầy Nhịn. Tôi mười tám còn Hiền mười sáu. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao tôi yêu Hiền vậy. Đến nhà Trung chơi, tôi rất sợ thầy Nhịn, nhưng không đến thì không được vì tôi rất nhớ Hiền. Thầy Nhịn không nói gì trước quan hệ của chúng tôi, ông còn bảo rảnh thì năng qua chơi cho vui. Tôi ngạc nhiên về thái độ của ông dành cho mình. Ông còn ghé nhà tôi nữa, nhưng chỉ lòng vòng quanh sân, hỏi nhà tôi dạo này làm ăn sao, tôi vẫn đi học đều chứ, có gì cần giúp cứ bảo. Nhưng đặc biệt không khi nào bước vào nhà. Hai mắt thầy như hai đồng tiền âm dương chập vào rỗi giãn ra. Từ trong nhìn ra, tôi nghe như có tiếng xin đài vọng lại, thấy ông thật đáng sợ. Mẹ rất đỗi ngạc nhiên trước sự xuất hiện của thầy, chỉ ậm ừ trả lời cho có. Vài ngày sau thì choáng váng vì lời đồn thổi rằng thầy Nhịn ve vãn mẹ tôi. Bà vợ ông cạnh khóe, hăm dọa mẹ tôi khi gặp nhau ở chợ. “Đứa nào cướp chồng bà bà móc mắt, cắt lưỡi quẳng cho chó nó ăn”. Tôi nghe giận hết sức, muốn thanh minh nhưng không biết thanh minh làm gì, mà thanh minh với ai. Đành tặc lưỡi mặc, cây ngay sợ gì chết đứng.

Và hằng ngày cứ rảnh là tôi lại chạy qua nhà Hiền chơi, dù trong thâm tâm rất sợ phải gặp ánh mắt của thầy Nhịn nhìn mình. Nay tôi sang cả hai anh em đều không có nhà, họ lên thị trấn sắm quần áo mới. Còn bà vợ thầy Nhịn, giờ này chắc đang lê la ngoài chợ, tính bà thường như thế, ngồi ở chợ cả ngày cũng không chán. Bà ham tiến lên, bài cào. Chỉ có ông đang ngồi uống rượu một mình ở hiên nhà. Vừa thấy tôi, ông hào hứng: “Vào đây đi, làm li, chắc uống được chứ”. Tôi nghe, nửa muốn vào nửa muốn quay ra. Nhưng sợ thầy cấm sang chơi với Hiền nên đành e dè ngồi xuống. Ông rót rượu đầy vào hai li, bảo tôi cứ tự nhiên. Tôi nhắm mắt nuốt vội ngụm rượu đắng ngặt mà cảm thấy mặt mình biến sắc, nóng ran. Lại uống, lại rót, trước mắt mọi vật chập chờn, hư ảo. Thầy Nhịn cười méo mó, mắt vằn tia máu long lên sòng sọc. Tôi lịm dần, lịm dần... Hai đồng tiền âm dương nhảy múa xung quanh. Sấp cả. Ngửa cả. Một sấp một ngửa. Được rồi, tiền đồng hóa quỷ. Lưỡi thè ra như thanh sắt nung đỏ chạm vào hạ bộ bỏng rát, buốt nhói... Tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong phòng thằng Trung. Hoảng hốt khi chiếc quần ngoài bị kéo xuống quá gối. Vội vàng kéo quần nhìn ra ngoài, ông thầy Nhịn say tựa lưng vào cột nhà thở phè phè.

Từ đấy tôi không rủ Trung đi học nữa, đồng nghĩa không được gặp Hiền. Tôi nhớ Hiền vào ra thẫn thờ. Nhưng đến nhà thì không thể. Hai đồng tiền âm dương như con quỷ bám riết, rin rít đe dọa...

***

Chuyện lòng tôi chưa xong thì chị Sa về, đi cùng là một người đàn ông được giới thiệu là bố nuôi. Những người tinh mắt hiểu chuyện, dè bỉu. Chị Sa đẹp ra, lộng lẫy trong những bộ quần áo đắt tiền. Túp lều của mẹ con chị phá đi xây lại khang trang hơn. Mẹ chị đi chợ với mẹ tôi, nhưng ít nói hơn trước. Mẹ tôi an ủi.

“Cũng tại cái số cả, rồi đâu sẽ vào đấy thôi. Đàn bà mười hai bến nước”.

Ở lại chừng một tháng, người đàn ông ra đi. Chị Sa gặp tôi đi học về, khen lớn phổng lại đẹp trai như diễn viên Hàn Quốc. Ánh mắt có gì đó u uẩn. Tôi dắt xe bên chị, chị hỏi tôi thi trường nào, cố gắng kiếm việc. Đời này, không có tiền khổ lắm. Tôi định bụng hỏi về người đàn ông là bố nuôi của chị nhưng ngập ngừng, lại thôi. Chị phì cười.

“Tín muốn điều tra về chồng chị phải không?”

“Chồng chứ không phải là bố nuôi? Còn vợ con người ta thì sao?”

“Đúng vậy, chị làm vợ bé, họ muốn con trai nối dõi. Chị gặp khi ông ta đến quán chị làm. Ban đầu quen cho vui, nhưng thấy người ta chân thật lại tha thiết quá nên chị đành chấp nhận...” Chị bứt chiếc lá mọc ven đường, xé ra từng tí, mùi hăng hắc bốc lên, xộc vào mũi, cay cay nói tiếp.“ Vợ chồng người ta không hạnh phúc lắm. Li thân mấy năm rồi. Hai đứa con gái đã đi làm. Chị bị đánh ghen mấy lần đấy. Nhưng kệ”.

Chị nói tỉnh bơ như thể chuyện của người khác. Tôi ngậm ngùi, nghĩ ngợi, đời chị cũng sẽ khổ như đời mẹ chị, mẹ tôi thôi...

***

 

Rồi điều chị Sa mong cũng đến, chị có chửa và sinh con trai. Ông thầy Nhịn tới nhà chị cúng, khen chị đẹp quá. Mẹ chị Sa nghe được sa sầm mặt, gói ghém ít hoa quả, xôi chè và ít tiền cho ông ta về sớm. Tôi qua nhà chị khi đứa trẻ đầy tháng. Trông con nít cười toe toét rồi khóc quấy thấy lòng vui lắm. Chị bảo thằng cu con giống bố. Bố nó bận công việc mai mới về được, cứ gọi điện suốt. Tôi nhìn chị, thầm mong chị giữ mãi nụ cười viên mãn này. Tôi lẩn thẩn thế nào lại nghĩ tới bố tôi, chắc giờ ông cũng đang hạnh phúc bên vợ và con. Mấy năm trước, mỗi năm về mấy lần để làm nghĩa vụ chu cấp tiền nuôi tôi. Sau dần dần ít về, chỉ gửi qua bưu điện. Giờ thì không gửi tiền và cũng không về nữa. Điện thoại cũng thưa gọi. Nghĩ đến bố, thương mẹ, tôi buồn bã đi ra bãi.

Hiền đột nhiên từ bụi dứa dại đằng sau đi ra, ngồi xuống bên cạnh như thể theo dõi tôi từ lúc nào. Tôi bất ngờ nhưng chấp nhận. Hai đứa ngồi cạnh nhau không nói. Sự giận dỗi của người con gái mới lớn khiến cho tính cố chấp bộc phát. Cô đợi tôi lên tiếng trước. Thì đây, tôi hỏi, giọng khinh bỉ.

“Người đàn ông trẻ ẻo lả, đồng bóng ở nhà Hiền dạo này sao?”

“Cãi nhau với bố, xách túi đi lâu rồi”.

Tôi ớ người nhìn Hiền. Lần gần đây nhất tôi gặp thầy Nhịn đi cúng cùng một người đàn ông trẻ, cao lớn, mắt một mí, miệng rộng, hay cười. Thằng Trung mấy lần bắt chuyện lại với tôi đều tỏ ra ghét và gọi người đàn ông kia bằng thằng. Lúc ấy, tôi đỏ mặt nghĩ ngay đến quan hệ khuất tất giữa hai người. Nghĩ đến đồng tiền âm dương sấp ngửa hóa quỷ hôm nào nỗi nhục nhã ê chề sống dậy. Tôi muốn trả thù, muốn giết thầy Nhịn, mà không, phải làm nhục con gái ông ta cho ông ta sống không bằng chết. Giờ đây cơ hội ấy đến rồi, tôi vờ cười, giả lả mấy câu không ăn nhập cầm tay. Phải trả thù. Ôm, ghì riết Hiền. Giật bung cúc áo. Trả thù. Giật áo lót trắng bên trong. Trả thù. Thầy Nhịn. Thầy Nhịn. Trả thù. Ngực Hiền trắng mờ mờ ảo ảo. Hiền không phản ứng gì mà xoắn lấy, hơi thở dồn dập. Trả... Bỗng tiếng ai như tiếng cụ Tiền lãng tai vọng lại. Bài hát chắp vá cụ vẫn hát cho chính cụ nghe. Bài hát tôi đã nghe mà quên.

Lưỡi con quỷ như thanh sắt nung đỏ... Lưỡi con quỷ như sắt nung đỏ... Lưỡi con quỷ như sắt nung đỏ... Xóm này nhiều ma lắm... Xóm này nhiều ma lắm... Xóm này nhiều ma lắm...

Tiếp đến là tiếng mẹ tôi, tiếng mẹ chị Sa, chị Sa, cuối cùng là tiếng Hiền. Vẫn bài hát ấy. Lưỡi con quỷ... Xóm này nhiều... Xóm này nhiều...Hai đồng tiền âm dương giờ không còn xấp hay ngửa nữa mà xoay  tròn mãi.

“Thôi! Các người thôi đi!”

Tôi hét lên. Mở mắt nhìn sang gương mặt Hiền hốt hoảng, nhấp nhoáng dưới bóng hoàng hôn đang phủ tràn khắp nẻo...

***

 

Rồi tôi đi học đại học, ra trường, làm việc trên tỉnh. Phải ở trọ, mà tiền trọ vài năm thì cũng bằng nửa tiền mua nhà. Tôi bàn với mẹ bán nhà ở xóm Doi lên đây ở, mua nhà trong hẻm trong ngõ sâu cũng được miễn là có chỗ ra chỗ vào. Thuyết phục mãi mẹ mới chịu theo. Chị Sa cũng đưa mẹ chị rời quê. Ba mẹ con bà cháu sống sung túc trong ngôi nhà mà người chồng lớn tuổi mua cho. “Ông ấy mất vì tai nạn giao thông”. Mẹ chị Sa hay gọi điện cho mẹ tôi nói về chồng chị như vậy. Còn gia đình thầy Nhịn, nghe người làng kể thì tan đàn xẻ nghé. Hiền lấy chồng Hàn Quốc nhưng khổ vì kiếp chồng chung. Trung học nửa chừng nghỉ, sau nghiện ma túy dạt đi đâu không rõ. Mẹ nó nửa điên nửa khùng khi thấy chồng quấn quýt với một người đàn ông xa lạ. Nhà còn mỗi thầy Nhịn, thầy nhận là người đẩy cụ Tiền lãng tai xuống hõm nước gần nhà.

“Ông có thù oán gì với cụ Tiền?”

Nếu có ai hỏi thế thầy Nhịn sẽ quắc mắt nhìn. Ớ ra một lúc. Rồi chầm chậm đi ra hõm nước, nhìn bầu trời xanh thẳm in xuống đáy nước cười hềnh hệch, hềnh hệch...

S.T

SƠN TRẦN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 296 tháng 05/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

11 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

11 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

11 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

11 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground