Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bình yên


 

Chính nó - đứa em gái đỏng đảnh, rắc rối, lì lợm chuyên phá hỏng đồ dùng học tập của tôi là nguyên nhân phá vỡ mái ấm gia đình này. 

Tôi biết được điều đó khi tỉnh dậy giữa đêm khuya, sau tiếng thét đầy giận dữ của bố: “Cô định lừa dối tôi đến bao giờ?”. “Em xin anh mà, anh Bắc!”. Tôi nhìn qua cánh cửa khép hờ. Ánh đèn điện sáng lờ mờ. Trên nền gạch hoa lởm chởm mảnh chén vỡ, mẹ tôi đang quỳ rạp xuống, chắp tay trước mặt bố tôi. Như có một luồng điện chạy từ đầu xuống sống lưng, tôi co rúm người lại, theo từng nhịp tim thình thịch đập liên hồi, mồ hôi trên trán tuôn ra nhễ nhại.

Sau khi ly hôn, bố nhường hết tài sản cho mẹ và Bình Yên. Còn tôi theo bố về sống với ông bà nội trong căn nhà hai tầng khang trang nằm gối đầu bên chân núi Tiên Nữ, cách đó một cánh đồng mỏi cánh chim bay. 

Ngày ấy, hằng đêm, khi mẹ đi trực ở trạm y tế, anh em chúng tôi thường chui vào chăn, nằm áp ngực bố, đòi bố kể đi kể lại những câu chuyện lạ trên núi Tiên Nữ cho đến lúc ngủ thiếp đi. Giọng bố trầm trầm khi câu chuyện đến phần kết: “… Nàng tiên xinh đẹp ấy vẫn sống trên đỉnh núi bốn mùa mây phủ, chuyên trồng cây thuốc quý để chữa bệnh cho người dân. Nhưng chỉ những người tốt mới may mắn gặp được tiên nữ để xin cứu giúp…”.

*

Trưa thứ ba, sau giờ tan trường, tôi đang đi đến nhà giữ xe thì bất thình lình, từ sau gốc xà cừ cổ thụ, Bình Yên lao ra: “Anh An! Em đã đứng đây chờ anh từ tiết bốn!”. “Sao mày cứ ám tao vậy? Tao không còn là anh mày nữa, nghe chưa?”. Nó lại dùng nước mắt để tôi rủ lòng thương: “Em… Em buồn lắm!”. 

Một làn gió ào qua thổi phăng mấy sợi tóc mai lòa xòa trên trán Bình Yên để lộ một vết rách dài chừng bằng nửa ngón tay út. Chắc là hậu quả của trận đánh nhau với lũ bạn trong lớp mấy hôm trước. Nhìn khuôn mặt trắng trẻo, xinh xắn của nó tự dưng hằn lên một hình thù xấu xí, tim tôi chợt nhói lên xót xa và day dứt. 

Nó kể, mẹ tôi đã bán nhà để theo một ông già sang Úc sinh sống. Nó đang ở với cậu mợ. Cậu mợ suốt ngày bắt Bình Yên làm lụng và đánh mắng khi nó làm việc gì đó không vừa ý họ. Tôi chua xót: “Thôi, mày đừng buồn nữa. Ai bảo mày sinh ra làm gì cơ chứ?”.

Tiếng khóc của nó mỗi lúc một tức tưởi hơn. Bỗng dưng, nó ào tới ôm siết ngang bụng tôi, thảm thiết: “Anh An ơi, em nhớ anh. Em nhớ bố. Anh xin bố cho em về ở với bố và anh được không?”. Từ từ gỡ đôi tay đang siết chặt của nó, tôi tỏ vẻ phũ phàng: “Tao không giúp được gì cho mày đâu. Bố là bố của tao chứ không phải bố của mày!”.

*

Bố tôi lặng lẽ đi sớm, về khuya, bươn chải làm đủ thứ việc để quên đi nỗi buồn và kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Bố sút cân trông thấy. Ông bà nội mở đại lý vật liệu xây dựng, thu nhập đủ để có một cuộc sống khá giả ở miền quê này. Ông nội tính nhường lại toàn cơ ngơi, sản nghiệp cho bố trông coi. Bố bảo rằng bố đã quen làm những việc chân tay rồi, giờ ngồi một chỗ tính tính, toán toán sẽ đau đầu, bố không chịu được. 

Một hôm có mưa, bố tôi ngồi trên chiếc ghế mây ngắm nghía bức ảnh chụp chung của anh em tôi rồi trầm giọng hỏi: “Ở trường, con có hay gặp Bình Yên không? Bố muốn được một lần ôm nó...”. Dù mới gặp nó, nhưng tôi nói dối, giọng hơi dỗi: “Con chả gặp nó bao giờ cả. Con đi học bài đây”. Tôi là một đứa ích kỷ. Tôi sợ phải san sẻ tình cảm của bố cho đứa em không phải bố sinh ra. Nó có phải là con của bố đâu, bố là của riêng mình tôi!

Thì ra, khi nói về ước muốn được ôm hôn Bình Yên, bố biết mình sắp phải đi xa mãi mãi. Như cây lúa bị sâu đục thân ăn mòn từ bên trong, bố từ từ đổ xuống vì căn bệnh ung thư quái ác. Ông bà nội rút hết tiền tiết kiệm ở ngân hàng chạy chữa cho bố nhưng bệnh tình không thuyên giảm. 

Bố nằm đó, trong căn phòng nhỏ bà tôi mới thuê người sơn lại màu xanh lá cây chồng lên màu sơn trắng loang lổ. Suốt ngày, ngoài giờ học, tôi từ chối hết những cuộc hẹn đi chơi cùng bạn bè để ở nhà với bố, chuyện phiếm cho bố khuây khỏa. Rồi tôi lăng xăng tập làm hết những việc lặt vặt từ pha sữa, nấu cháo đến tắm rửa, giặt quần áo cho bố. Những câu chuyện, dù nói về bất cứ vấn đề gì đi chăng nữa, bố cũng sẽ nhắc tới Bình Yên với một niềm trăn trở khôn nguôi: “Bố yêu con! Bố yêu Bình Yên! Bố muốn thấy anh em con hòa thuận và đùm bọc nhau vượt qua mọi thử thách!”.

Nghe tin bố tôi ốm nặng, Bình Yên lóc cóc đạp xe đến thăm. Nó đứng thập thò sau bụi hồng dây, tay cầm túi sữa đậu nành, chẳng dám bước vào. Đến lúc tiếng chó ăng ẳng sủa nhặng xị cả lên, đứa em con chú đang chơi ô ăn quan mới biết để chạy ra mở cổng. Bình Yên mặc cái váy đồng phục ngắn cũn cỡn để lộ hai cùi chỏ và cặp đầu gối chi chít sẹo. 

Tôi đứng án ngữ ở cửa phòng bố, nhìn nó, giọng khinh khỉnh: “Mày từng hứa với tao sẽ ngoan thật ngoan mà lại đi sinh sự đánh nhau để lại một mớ sẹo nhỏ, sẹo to thế này?”. Nó cự cãi, nói như khoe thành tích: “Không phải đâu anh. Cậu mợ không có thời gian chở em sang thăm bố, nên cả tuần qua, em phải tự học đi xe đạp để đến đây. Sẹo này là sẹo do ngã xe”. 

Có tiếng bố tôi từ trong phòng vọng ra: “Bình Yên đến phải không con?”. Thế là chẳng chờ tôi cho phép, nó đẩy cửa lao vào phòng: “Bố ơi, con đây!”. Hai bố con ôm chầm lấy nhau. Nước mắt Bình Yên chảy dọc theo nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ của bố. Đoạn, bố hôn nhẹ lên má nó: “Bố rất nhớ Bình Yên! Bình Yên lấy đâu ra tiền mua sữa cho bố thế này?”. “Đây là sữa bọn con được phát miễn phí trên lớp mỗi sáng. Con không uống mà cất vào ngăn cặp góp lại rồi mang sang cho bố”. Nó không phải con gái ruột của bố mà bố cứ luôn miệng một Bình Yên, hai Bình Yên làm tôi vô cùng ghen tị. Khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy mình đã bị bố bỏ rơi.

Bình Yên không những nghịch ngợm mà còn rất ngốc nghếch. Trước khi về nhà cậu mợ, nó hồn nhiên nói với tôi: “Bố bảo bố sẽ sống chờ em lớn lên điều chế một loại thuốc chữa khỏi bệnh cho bố”. Tôi chép miệng: “Thuốc tiên ở trên núi Tiên Nữ mà bố kể ấy hả?”. Nó lẳng lẳng lặng đạp xe về khi ráng chiều đổ xuống đỏ ối như đóa hoa râm bụt sắp tàn. Tôi chán nản đứng tựa vào tường nhìn theo cái dáng gầy nhẳng của nó khuất dần sau cánh đồng dưa chuột…

*

Nhá nhem tối, khi tôi đang vứt bỏ những hộp sữa đậu nành đã hết hạn sử dụng của Bình Yên vào sọt rác thì cậu tôi gọi điện đến, dắng dỏi hỏi: “Con Yên ở đấy không?”. “Nó đến thăm bố cháu và về từ chiều rồi mà”. “Chưa thấy nó về nhà - Cậu tôi, giọng dửng dưng - Hay nó bị bắt cóc rồi?”. 

Với lấy cây đèn pin treo bên cột, tôi cuống cuồng đi tìm Bình Yên. Chả gì nó với tôi cũng là anh em cùng chung một bụng mẹ. Tối rồi, nó có thể đi đâu được nhỉ? Nó lạc đường? Hay đi xe đạp chưa thạo bị ngã xuống mương nước? Tôi đi đến mọi ngóc ngách mà tôi đoán rằng nó có thể qua. Gặp ai cũng mô tả vóc dáng, màu váy của nó để hỏi nhưng đáp lại chỉ là những cái lắc đầu: Không thấy. 

Rồi một bà bán nước chè bảo tôi có gặp con bé mặc váy đồng phục gửi xe ở đây rồi trèo lên núi Tiên Nữ. Tôi ngẩn người như bị ai bắt mất hồn. Lúc chiều, tôi có lỡ mồm…

Tôi tìm thấy Bình Yên ngồi co ro trong một hốc đá. Chân tay nó bị kiến cắn và muỗi đốt sưng vù. Nó ngả vào lòng tôi, mếu máo: “Anh ơi, em đã tìm cả chiều mà không thấy tiên nữ xinh đẹp đâu. Rồi em không tìm được đường về nữa. Có phải em là người xấu không?”. 

Có một niềm ân hận dâng lên trong lòng tôi. Tôi bật khóc: “Không phải như vậy. Em sẽ không tìm thấy đâu. Vì chính em là nàng tiên bước ra từ cổ tích. Nàng tiên mang tên Bình Yên!”. “Em chỉ muốn được làm con gái của bố, làm em gái của anh thôi - Nó nũng nịu dụi đầu vào ngực tôi - Anh xin bố cho em về sống với bố và anh để em chăm sóc bố nhé”. “Tất nhiên bố sẽ đồng ý rồi. Em biết không, bố thương em còn hơn cả thương anh mà”. Tôi cõng Bình Yên đi qua những mô đá nhọn về nhà. Núi rừng âm u bóng tối và ri rỉ tiếng côn trùng ngủ muộn. Phía trước, ánh đèn điện bừng lên sáng rực…

P.Đ.L

Nguồn: Báo Bắc Giang

http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/290986/binh-yen.html

PHAN ĐỨC LỘC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 300 tháng 09/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

10 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

11 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground