Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bờ cõi xanh màu

Ta nằm trên giường bệnh đã mấy ngày, người không còn cảm giác gì. Sơn hào dâng đến miệng không muốn ăn. Thuốc sắc cũng không buồn uống.

Nắng giữa hạ rát quá mà người ta lại lạnh. Ta bảo nội thị mở các cửa ra, ta muốn ngửi hương đất trời dinh Ái Tử. Gió lùa vào buồng, mang hương lúa mới của dân ta cày cấy, mang mùi sông trĩu nặng cánh buồm xuôi ngược. “Thế tử đã ra tới chưa?”, ta gượng dậy hỏi tin tức Nguyễn Phúc Nguyên con ta. “Bẩm, thế tử đang trên đường ra ạ!”. “Ta sợ không qua khỏi cơn bạo bệnh này, các ngươi nhanh nhanh cử người đi đón thế tử nhanh giúp ta”. Các phu nhân, quan hầu đứng bên hớt hải, nước mắt ngắn dài: “Chúa thượng đừng nói vậy. Người sẽ chóng khỏe lại thôi ạ!”. Trong dinh dường như rộn ràng lên, ta nghe thấy tiếng bước chân ở trong, ở ngoài, nghe thấy tiếng thở dài, tiếng khóc hờ, tiếng ai đó đấm tay vào tường như oán, như hờn, lại có tiếng cầu kinh, niệm Phật. Dường như họ cũng biết ta đang cận ngày còn lại. Ta biết phải làm sao. 55 năm vào xứ Đàng Trong với bao khó khăn, thử thách, bao chiến công, bao máu và nước mắt đổ xuống. Sương gió phủ đời ta, đại nghiệp vẫn còn chờ phía trước, tiếc là sức mọn, tuổi già chỉ trông chờ hậu thế. Trong dinh lại im ắng, lại thở dài, lại khóc hờ, lại cầu nguyện. Sao giống ngày xưa trong quân doanh của cha ta vậy.

À, ta nhớ rồi, cách đây 68 năm trước1. Buổi đó, cha đi lâu chưa về quân doanh, ta đứng ngồi không yên liền phái thị vệ đi nghe ngóng. Tây Đô đã lấy được rồi, một nửa giang sơn Đại Việt đã lại về tay nhà Lê, công lao của cha ta đứng đầu các đại thần phò Lê trung hưng. Vua Lê Trang Tông phong cha ta làm thái tể, là đô tướng, tiết chế tướng sĩ các dinh chuẩn bị chinh phạt nhà Mạc. Thị vệ báo tin “Thái tể qua doanh Trung hậu hầu”. Nghe tin báo ta thấy lo lắng vô cùng. Cái tên Trung hậu hầu Dương Chấp Nhất kia là hàng tướng, trước theo Mạc nay thế yếu lại theo Lê. Hà cớ gì cha qua đó. Lòng dạ bọn hoạn quan không thể tin được dù việc quân có cấp bách thế nào cũng không thể chủ quan, tin tưởng như vậy được. “Người có mang quân hộ vệ không?”. Thị vệ trả lời: “Bẩm, quân theo hơn trăm người, gươm giáo đủ cả ạ!”. Ta cũng bớt lo lắng nhường nào nhưng bụng dạ vẫn cồn cào như có điều bất an to lớn.

Đến tối, hai bộ tướng Vũ Thì An, Vũ Thì Trung hớt hơ hớt hải chạy báo: “Thái tể nguy rồi!”. Ta vội vàng chạy tới doanh trước của cha, người vừa được khiêng về trên cáng. Anh ta, Nguyễn Uông, chị Ngọc Bảo và cả Dực quận công Trịnh Kiểm cũng ở đó. Dưới chân người, một chậu toàn những máu người vừa nôn ra, có những chấm đen, trắng nổi lên như một loại hạt. Các thị vệ nói Trung Hậu hầu mời cha ta sang chơi bên quân doanh của mình. Hôm nay trời nóng, hắn mời cha ta ăn dưa hấu. Đi cả buổi mệt nhọc, cha ta không đề phòng ăn mấy lát. Về đến quân doanh thì sinh chuyện. Cha mở mắt ra hiệu cho các anh em ta lại gần. Cha tay trái cầm tay ta và anh Uông, tay phải cầm tay Trịnh Kiểm. Đoạn cha nói: “Đại nghiệp còn phía trước, ta không may chỉ đến được đoạn này. Nay trăm sự ta phó thác cho con rể ta, Kiểm. Binh quyền ta giao lại cho con, mong con phò Lê diệt Mạc. Hai em Uông, Hoàng nhờ con chăm nom, chỉ bảo”. Trịnh Kiểm nước mắt nước mũi dầm dề gật đầu. Rồi cha nắm tay Kiểm đặt lên tay anh em ta. Ta nắm tay cha, bàn tay rắn rỏi của vị dũng tướng vào sinh ra tử khi xứ Thanh, khi Ai Lao, khi đất Bắc giờ mềm oặt trước trò hèn hạ của tên hoạn quan Dương Chấp Nhất kia. Cha trợn mắt chỉ kịp nắm tay ta và anh Uông rồi thốt lên một tiếng cuối cùng: “Con!” rồi mất. Ta thét lên, rút kiếm chạy đi tìm Dương Chấp Nhất báo thù nhưng Trịnh Kiểm cản lại và lần đầu ta nghe thấy ông anh rể mình lớn tiếng kẻ cả: “Việc cha chưa xong, chú không được manh động. Hắn đã về bên quân Mạc rồi chạy theo khác nào dâng xác này cho giặc”. Nước mắt Trịnh Kiểm khô tự khi nào, giờ là một Đại tướng quân uy vũ, lời lẽ sắc như dao: “Từ nay, trong doanh không được lệnh của ta toàn quân tuyệt đối không được tùy tiện trái ý. Ai phạm tội trảm không tha!”. Toàn doanh dạ ran. Ta tức tối khóc lên: “Cha! Cha! Cha ơi!”.

“Cha! Cha! Cha ơi! Cha làm sao vậy?! Con đã về đây rồi ạ!

Ta mở mắt ra, thế tử của ta, người con thứ 6 của ta khổ luyện đào tạo nơi xứ Quảng Nam xa mù, Nguyễn Phúc Nguyên đã về rồi. Con ta lớn quá rồi, 50 tuổi rồi con nhỉ, không còn nhỏ dại gì nữa, đã bản lĩnh lắm rồi. Ta cố ngồi dậy sờ soạng từ đỉnh đầu, gương mặt cho đến thân hình đứa con ta yêu quý. Ta nói: “Con ngồi đây, nghe cha kể chuyện ngày xưa gian khó thế nào để có cơ nghiệp Đàng Trong này”. Đoạn nói người hầu lui ra, hôm nay chỉ có cha con ta ở đây mà thôi.

*

Tổ khảo con mất rồi, lòng ta cũng trống rỗng. Bấy giờ ta xấp xỉ 20 tuổi, nhưng không được như con ngày xưa. Ta nhớ là khi con mới 22 tuổi, con đã là anh kiệt, dẫn đầu thủy quân đến bến Cửa Việt tiêu diệt hai chiếc tàu hải tặc của bọn người Nhật Bản. Lúc bấy giờ ta chưa lập chiến công gì nhiều, binh quyền trong tay tổ khảo của con nay được Trịnh Kiểm tiếp quản. Chỉ mấy tháng sau, hắn được vua Lê phong làm Đô tướng tiết chế các dinh quân thủy bộ các xứ kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, hàm Thái sư, tước Lượng quốc công đứng nhất thiên hạ. Mang tiếng là anh rể nhưng từ khi có quyền hành trong tay, hắn không còn coi ai ra gì con ạ. Anh Uông và ta như cái gai trong mắt của hắn vậy. Con biết không, cùng năm đó ta phải mang thêm một vành tang trắng nữa. Anh Uông đã bị Trịnh Kiểm mưu hại. Hắn không muốn con của tổ khảo chòi vào cán cân quyền lực mà hắn đã cất công gây dựng và đã được an bài. Bởi tài của anh em ta hèn mọn nên tổ khảo của con không tin tưởng, lại tin tưởng hắn đã vào sinh ra tử, lập bao chiến công. Anh Uông mất, ta như ngọn đèn trước gió, tắt đỏ không biết lúc nào. Cũng may, có bác Nguyễn Ư Dĩ người bên ngoại nhà ta, thương ta đã đến gặp, người nói:

- Cha con mất rồi. Giờ Trịnh Kiểm mặc sức hoành hành, tìm mọi cách trừ khử những người có tài, kể cả anh em ruột thịt để thâu tóm quyền lực. Anh con lâm vào kiếp nạn đó âu là cái số phận của trò chơi quyền lực. Kiểm sẽ còn ra tay, con cũng nằm trong số ấy. Ta chỉ cho con một cách, hãy giả bệnh để không can dự việc quân cơ, ngây ngây ngô ngô để qua đoạn trường này.

Nghe lời bác Dĩ, ta cáo bệnh nằm ở nhà mấy tháng trời. Kiểm dò la biết tin là thật không phòng bị gì. Bẵng đi một thời gian, mưu sĩ trong phủ Trịnh bàn nên trừ nốt ta để phòng hậu hoạ. Biết tin này, bác Dĩ lại bí mật đến nhà: “Kiểm đã hại anh cháu, nay có ý định hại cháu, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, vậy nên cháu phải tìm cách tránh thật xa”. Nghe vậy ta thấy tương lai mịt mù biết nhường nào. Ở lại thì không toàn mạng, ra đi biết đi tận đâu. Bấy giờ ta mới vái bác Dĩ một bái và nói: “Xin bác giúp cháu một đường sống. Thực sự cháu không biết phải làm thế nào”. Bác Dĩ ngồi ngẫm một lúc rồi vuốt râu nói:  “Đất Thuận Hoá vốn xa xôi hiểm trở, có thể giữ yên được thân mình, cháu nên nhờ chị Bảo nói khéo với Kiểm vào đó mà chờ thời và mưu đồ việc lớn sau này”. Nói xong bác Dĩ liền đi để tránh tai mắt. Ta ngồi thẫn thờ nhìn trăng đang lên. Ở chắc chắn không được rồi, phải đi thôi. Đất Thuận Hóa cách trở đò giang, sơn lam chướng địa chưa biết tiền đồ thế nào thật khiến ta suy nghĩ.

Chiến tranh Lê - Mạc mỗi ngày mỗi căng thẳng khiến Trịnh Kiểm buông lơi giám sát ta. Giờ phải gặp cao nhân để mưu sự. Bấy giờ, tiếng tăm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi danh thiên hạ. Lại nghe tin cụ đang trí sĩ tại quê nhà. Ta quyết cải trang cùng vài tùy tùng tìm về làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Đông (Hải Dương)2 thỉnh giáo cụ. Đến nơi, tiểu đồng nói cụ đang chờ ta trong nhà. Đó là một buổi sáng trời trong, nắng vàng rải khắp khu vườn nhỏ đầy hoa. Một cụ già tóc trắng, dáng người quắc thước đang thư thả uống trà, tay phe phẩy quạt. Cụ nói: “Mời tướng quân vào nhà. Thong thả ta làm ấm trà nhé!”. Thấy người dễ gần, lại có vẻ mến mình ta liền bước vào trong. Cụ chăm chăm nhìn ta từ đầu đến chân liền phán: “Chân mệnh! Chân mệnh!”. Ta không hiểu cụ nói gì, vẫn còn những điều chưa dám thổ lộ. “Xin đa tạ phu tử! Hậu bối có việc xin nhờ phu tử chỉ bảo ạ!”. Cụ đáp: “Ta biết rồi. Tướng quân cứ nói!”. Được mở lòng ta nói hết thảy những gì mình suy nghĩ, những gì mình đắn đo. Cụ nghe chuyện có vẻ gật gù, ánh mắt nhìn xa xăm, vẻ thương cảm nhưng chẳng nói thêm gì cả. Cụ bảo ta uống hết chén trà rồi giơ tay chỉ hòn non bộ có đàn kiến bò xung quanh, nói bâng quơ: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Nói xong cụ cáo bận tiễn khách. Ta chưa kịp cảm ơn thì đã được tiểu đồng dẫn ra ngoài cổng. Trên đường về ta cứ giải nghĩa câu trên, phải chăng là một dãy núi nằm ngang, có thể dung thân được muôn đời. Về đến nhà, ta hỏi ngay ý bác Dĩ. Bác nói: “Đó là sấm Trạng Trình, cháu nên nghe theo”.

Rồi Tết đến. Trịnh Kiểm bận việc quân phải xa nhà. Nhân ngày đầu năm ta xin được vào thăm chị Ngọc Bảo. Chị em lâu ngày gặp nhau vồn vả hỏi chào. Rồi chị khóc: “Chị nhớ cha, nhớ anh Uông! Em sống có tốt không?”. Câu hỏi của chị khiến ta vừa buồn vừa tức. “Chị ơi, nhà ta ra cớ sự này thật không biết là phúc hay là họa. Chị ngồi trong phủ Lượng quốc công chăn nhung gối lụa. Còn anh Uông chết tức tưởi, em đây không biết sống chết thế nào. Họ Nguyễn nhà ta không khéo tuyệt tự đến nơi rồi chị ơi”. Quả nhiên, lời nói của ta khiến chị Ngọc Bảo suy nghĩ. Chị lấy khăn lau nước mắt khóc thương cha và anh Uông. Được thể ta nói thêm: “Em cùng đường rồi nên mới đến đây nhờ chị. Nếu em ở lại, kiểu gì cũng không thoát lưỡi đao của phu quân chị. Chị có thương nhà ta, thương em thì mở cho em một đường sống để họ Nguyễn ta còn em, còn bảo toàn nòi giống”. Chị nhìn ra cơn mưa phùn bất chợt lấm tấm trên cành đào khoe sắc rồi nhìn ta bằng cái nhìn của một người chị gái. Chị nói: “Em nói đi xem chị giúp được gì?”. Ta cất lời: “Nhờ chị nói đỡ cho em được vào Nam, vào xứ Thuận Quảng canh giữ biên cương để cho anh rể yên tâm đánh quân Bắc Triều. Chỉ có như vậy mới cứu được em, cứu được nhà ta thôi chị”. Nói xong ta nắm tay chị tha thiết. Chị Ngọc Bảo lại khóc và hứa với ta sẽ thuyết phục phu quân.

Một ngày nọ, lựa lúc Trịnh Kiểm mới đánh thắng quân Bắc Triều xong, lòng đang phấn khởi. Chị Ngọc Bảo liền vào phủ thưa với Trịnh Kiểm: “Đứa em của tiện thiếp là Quận Đoan mắc bệnh triền miên. Em nó như thế thì không thể giúp việc chính sự trong triều. Thiếp bị người trong triều chê cười phải xấu hổ nhiều phen”. Trịnh Kiểm lúc ấy vẫn không rời mắt khỏi bản tấu sớ từ chiến trường phía bắc gửi vào. Người thứ phi tiếp lời: “Nay thiếp nghe nói hai xứ Quảng Nam, Thuận Hoá là chỗ rừng thiêng nước độc, dân man hung dữ, người ta đều chê không muốn đến. Cúi xin phu quân nghĩ đến công cha tình thiếp, cho Quận Đoan em thiếp vào trấn thủ ở xứ ấy, làm bề tôi nơi phên giậu”. Trịnh Kiểm nghe chị ta nói xong liền ngẩng mặt lên, vẻ hoài nghi nhìn Ngọc Bảo. Chị lại cầu xin: “Mong tôn phu quân xót ưng thuận cho”. Trịnh Kiểm ra bộ suy nghĩ, khó nhọc đáp với vợ rằng: “Đoan Quận công là một kẻ tuấn kiệt, là người trong nhà cả, làm sao nỡ để vào nơi ác địa ấy”. Trịnh Kiểm định thoái thác nhưng chị ta cứ khóc mãi không thôi. Trịnh Kiểm mới nghĩ lại thấy xứ ấy có quân đồn trú của nhà Mạc khá mạnh, cứ cho ta đến đó, mượn gió bẻ măng, kể như nhờ tay họ Mạc lấy mạng ta vậy, ta khỏi phải mang tiếng không biết dùng người vậy. Bản tính hắn vốn rất đa nghi nhưng nể lời chị ta, lại cho rằng đây cũng là một cách đày đi xa hòng tránh hoạ về sau. Lại nghĩ chưa chắc ta đã toàn mạng khi đặt chân lên xứ ấy. Thôi thì cứ y như vậy. Trịnh Kiểm có vẻ đắc ý với kế hoạch này nên gật đầu chấp thuận. Chị Ngọc Bảo mừng vui khôn tả. Độ mươi ngày sau, Trịnh Kiểm dâng sớ lên vua Lê đồng ý cho ta vào Nam.

 *

Minh họa: TRỊNH HOÀNG TÂN

Minh họa: TRỊNH HOÀNG TÂN

Mùa đông năm 1558, ta nhận được chiếu lệnh của vua Lê vào trấn thủ Thuận Hóa. Ân điển thay cho ta, chiếu ban cho quyền “phàm mọi việc ở địa phương không kể to nhỏ đều cho tùy tiện xử lý”. Thật không còn gì bằng nơi phên giậu biên thùy, ta cảm tạ đất trời, cảm tạ tổ khảo của con, chị Ngọc Bảo. Một lực lượng đông đảo bao gồm nhiều tướng lĩnh của gia tộc họ Nguyễn Gia Miêu của ta như Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống, Văn Nham, Thạch Xuyên, Tiền Trung, Tường Lộc, các bộ tướng cũ của tổ khảo con như Vũ Thì An, Vũ Thì Trung và hơn một nghìn binh lính, nhân dân các làng mạc ở huyện Tống Sơn, nghĩa dũng đất Thanh Hóa. Khi đoàn quân đi qua Nghệ Tĩnh, nhiều người hưởng ứng đem cả vợ con theo. Họ đem theo cả gia đình với ý định ra đi tìm cơ hội mới nơi vùng đất hứa xa lạ. Đoàn chiến thuyền chở đầy lương thực giương buồm ra khơi để xuôi nam vào ngày 10 tháng 10 năm 1558. Năm đó ta vừa tròn 33 tuổi.

Sau nhiều ngày giong ruổi trên biển Ðông, nhờ thuận buồm xuôi gió, đoàn quân Nam tiến của ta đã vào Cửa Việt. Ta hỏi các bộ tướng: “Cửa sông đổ ra biển kia gọi là gì”. Thạch Xuyên đáp: “Khởi bẩm là dòng Hãn giang ạ!”.Tên nghe hay quá, như chí của ta. Ta cùng bác Dĩ ngồi lại hội ý, phái một thuyền đi thám sát tình hình trong nội địa. Quân về báo, tình hình yên ổn, gần bờ sông có một vùng đất xanh tốt, bằng phẳng rất tiện để đóng quân. Ta quyết định ngược dòng Hãn Giang để về neo vùng đất được gọi là Ái Tử ấy. Ta vẫn còn nhớ cảm giác sung sướng và đầy hy vọng khi đứng ở mũi thuyền, tay nắm đốc gươm, mắt không rời những bến bãi đôi bờ trù mật. Bác Dĩ vui cười nói: “Riêng một giang sơn. Quả đúng như lời sấm của Trạng Trình. Chim cũng đã sổ lồng. Từ nay, cõi này sẽ trông cậy vào tài đức Đoan Quận công đây để thu phục nhân tâm, xây cơ dựng nghiệp muôn đời như cố phụ từng mơ ước”. Ta giơ thanh gươm báu lên trước ba quân. Tiếng hò reo vang dội bốn bề.

*

Hồi mới vào Ái Tử, đêm đầu tiên ta nhớ xứ Thanh với những đêm trăng đi thuyền trên hồ uống trà, nhớ tiếng cầm ca vắt vẻo trên vọng lâu sau tiếng trống canh nhất não nề. Nhớ cha, nhớ anh Uông, nhớ chị Ngọc Bảo, nhớ mái nhà đầm ấm thì ít, chia ly thì nhiều. Thời gian ngắn ngủi quá, đất trời thì rộng xiết bao. Rời đô thành để tìm đất mới dung thân trong thời tao loạn không phải là việc gì dễ dàng. Dừng chân chốn này, đóng dinh trên một bãi cát trống trải bên bờ Hãn Giang như Thái phó Nguyễn Ư Dĩ hiến kế rằng thuận lợi cho việc phòng thủ và đi lại. Giữa lúc suy nghĩ đang bộn bề, một thị vệ vào bẩm tấu có các bô lão làng Ái Tử vào yết kiến.

Ta chỉnh lại trang phục bước ra sảnh lớn mới dựng xong. Các bô lão thấy chúa ra, lòng vui mừng khôn xiết, nhất tề khấu đầu bái tạ. Ta đỡ tay các bô lão. Một cụ lớn tuổi nhất, đại diện nói: “Xứ Thuận Quảng mấy năm nay binh biến liên miên, việc đồng áng nhiều khi ngưng trệ. Nước loạn. Dân khổ. Nay Ái Tử vinh dự đón quận công đến lập dinh cơ, ngõ mong có được đại nghiệp. Thật là phước đức của làng tộc chúng dân tôi”. Ta bất ngờ trước lời nói thậm tình của bô lão, dù chưa biết tương lai đại cục thế nào nhưng nghe lời thưa của dân sở tại cũng ấm lòng. Đoạn ta nhã nhặn nói: “Giang sơn nước Việt ta được các bậc đế vương gầy dựng muôn công tích. Ta chỉ là kẻ hậu bối, cốt làm sao gắng hết sức mình để gìn giữ non sông ấy được trường tồn, giàu mạnh!”.

Bô lão cúi thưa: “Dân làng chúng tôi không có gì, kính dâng quận công 7 vò nước như là tấm lòng hiếu kính của chúng tôi đối với bề trên vậy. Mong quận công nhận cho”. Món quà của các vị bô lão làng Ái Tử khiến ta bất ngờ quá, lòng băn khoăn không biết phải làm thế nào và cũng không hiểu ngụ ý của 7 vò nước kia là gì. Niềm cảm kích dâng lên, ta truyền bày mâm cơm mời các bô lão ở lại trước là để cảm tạ, sau tiện cho chúa hỏi việc nội trị trong xứ. Tối đến, ta tìm gặp bác Dĩ. Bác Dĩ vuốt râu cười bảo rằng: “Cháu mới đến trấm nhậm đất này mà được người dân dâng nước cho, ấy là điềm “được nước” vậy”. Ta mừng vui khôn xiết và xem đó như là một điềm đại cát trong hành trình vượt dãy Hoành sơn gian khổ. Đêm đó ta không ngủ.

Quả đúng như lời quan Thái phó, dân vùng Ái Tử đã một mực tận tụy với ta buổi đầu mở nghiệp. Từ đó, ta hết sức vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nên nhân dân mến phục, hết lòng phò trợ. Để bảo đảm phòng thủ vững chắc, ta cho lập ngay 5 đại binh đóng ở 5 làng chung quanh là Trung kiên, Tiền kiên, Hậu kiên, Tả kiên, Hữu kiên. Đồng thời, cho quân dân tích cực khai hoang ruộng đất, tìm kiếm các đầu mối giao thương, buôn bán. Chẳng mấy năm, Ái Tử nhộn nhịp, phồn thịnh không kém mấy Đông Kinh.

*

Kể đến đoạn này, ta thiếp đi. Mở mắt ra, vẫn thấy Nguyên ngồi bên cạnh, đầu gục vào giường ngủ êm đềm. Cơn đau lại kéo lên. Ta ho một tràng dài. Nguyên mở mắt ra. “Cha! Cha! Cha sao rồi!”. Ta hỏi: “Đã mấy ngày con ngồi ở đây rồi?”. “Dạ bẩm, 3 ngày ạ!”. Thời gian trôi nhanh quá. Ta còn muốn kể với con nhiều chuyện. Nhưng hơi thở gần tàn rồi. Ta lấy hết sức bình sinh nói với Nguyên: “Con là đứa con thứ 6 mà ta rất yêu mến. Các anh con Hà, Hán, Diễn và Thành đều không may mất sớm. Người anh thứ năm của con là Hải ở lại Bắc Hà làm con tin. Các em con theo thế thứ thì không phải lẽ. Nay chỉ có con là ta trông cậy được mà giao binh quyền”. Nguyễn Phúc Nguyên dạ: “Con xin nghe lời cha, xin nghe theo mệnh trời!”.  Ta tiếp lời: “Trong các anh em con, con là người giống ta hơn cả”.

Một cơn đau chạy từ lục phủ ngũ tạng lên đến đỉnh đầu khiến ta choáng váng, nói không ra hơi. Ta nhăn mặt cố quên cơn đau mà dụ rằng: “Nguyên à, con nghe đây. Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang Hoành Sơn và sông Gianh Linh Giang hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia Thạch Bi sơn vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng”. Cơn đau lại trào lên. Nguyên nắm tay ta, ôm lấy ta khuyên ta đừng nói nữa. Nhưng ta biết thời giờ mình không còn nhiều nên ráng hết sức để nói: “Con nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”. Nguyên chăm chú nghe ta nói, thảy đều đáp lại lời ta. Ta còn dặn: “Ở ngôi chúa phải biết đạo của mình. Làm chúa phải làm gương trước nhất. Thương dân như con. Ăn ở tiết kiệm. Thưởng phạt phân minh. Biết cách dùng người, đúng người đúng việc. Con hãy thu phục nhân tâm, tất được thiên hạ”.

Nói đến đó, ta thổ huyết, nhuộm đỏ cả vạt áo, dây cả vào người Nguyên. Lúc bấy giờ các đại thần, con cái ta đã đầy đủ. Hiệp, Trạch, Dương, Khê cũng quỳ dưới chân giường. Ta lại nói với Nguyên: “Nguyên nhớ thương lấy anh em mình. Đừng như Đường Thái Tông, Minh Thành Tổ huynh đệ tương tàn trước lòng tham quyền lực. Các con còn lại noi gương Chu Công mà phò minh chủ. Sự nghiệp họ Nguyễn ta trông cả vào các con”. Đoạn ta quay sang nói với các bề tôi tâm phúc: “Lập nghiệp đất Thuận Quảng đã khó. Giữ được nghiệp lại còn khó hơn. Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng lên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ, cho thành công nghiệp. Ta đi rồi các ông phải tiếp tục phụng sự con ta. Đừng cậy công mà cao ngạo. Việc đúng thì theo. Việc trái phải can gián. Phải đoàn kết, đừng kéo bè kéo cánh. Tôi trung thì quốc thịnh. Hãy giúp lấy con ta!”. Các quan cúi phục dạ rang.

Cơn đau lại kéo đến khiến ta quằn quại một lúc. Nguyên nắm lấy tay ta. Ta nắm chặt tay con. Bỗng nhiên, cơ thể ta sảng khoái lạ thường. Ta nghe tiếng chiêng trống ở đâu vọng lại. Từ trên trời xanh, một đoàn xa giá cưỡi mây bay đến đậu trên mái dinh Ái Tử. Một cụ già tóc bạc và hai tiểu đồng đi đến gần ta nói: “Mời Chúa hồi cung!”. Ta thấy mình nhẹ bẫng, phút chốc bay lên mái dinh, được ngồi lên kiệu mây, có lọng che, có những người hầu mà ta chưa gặp bao giờ. Ta nhìn vào nội dinh, thấy hàng nghìn người quỳ phục khóc than. Tiếng khóc vang động đất trời. Vậy là ta đã xong phận sự. Ta nói: “Đi thôi”. Đoàn người cúi đầu. Lập tức xa giá cưỡi mây chở ta bay về phía Tây. Bấy giờ ta mới thấy, bờ cõi một màu xanh bất tận, là những cánh đồng lúa chạy suốt chân trời, là dòng sông chảy trôi với vô số thuyền bè tấp nập, là Đàng Trong mến thương mà ta đã gầy dựng suốt 55 năm không mệt mỏi. Tạm biệt! Ta đi đây!

Mùa hạ 2023

L.V.T.G

_________________________

1 - Năm 1545, thời điểm Nguyễn Kim bị Dương Chấp Nhất đầu độc chết

2 - Nay thuộc huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng

 

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 345

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground