T |
rưa mùa hạ, nắng nén chặt không gian. Trảng cát trước làng rực lên một màu trắng lóa cả mắt. Màu trắng đến là thê thiết.
Bà Thẹ vắt mình trên đôi nạng gỗ lẩm chẩm bước đi. Không gian vắng lặng, chẳng có một bóng người chỉ có một mình bà nhoi lên từng bước, từng bước.
* * *
Bà có bốn người con. Chúng nó cùng mẹ khác cha. Người chồng trước của bà là một lực điền, vì làm lụng quá vất vả nên sinh bệnh mà chết. Một mình bà phải nuôi bốn đứa con, quanh năm đầu tắt mặt tối, nhưng cái cực vẫn bám riết theo bà. Vào một năm mất mùa đói kém, hai đứa con dại bị bệnh nằm liệt giường, bà Thẹ không còn cách nào khác phải tìm đến ông Mỗ.
Ông Mỗ là người giàu nhất làng. Nhà ông có đàn trâu năm mươi con, hai mươi mẫu ruộng, một ngôi nhà rường bằng gỗ lim, và một khu vườn hoa trái quanh năm. Nghe đâu ông có cả xuyến vàng, vòng bạc, và cả con gà trống bằng vàng. Giàu có đến thế mà ông Mỗ vẫn "mồ côi" vợ, vì ông bị bệnh phong. Mặt mũi chân tay lở loét, máu mủ chảy ri rỉ suốt ngày, ai thấy cũng kinh. Đã thế ông Mỗ lại có tướng sát vợ. Ông Đồ Nghĩa trong làng là người hay chữ, giỏi xem tướng đã từng phán rằng: "Thằng cha Mỗ, mắt sâu, mũi quặp - tướng diều hâu sát thê đằng đằng".
Quả vậy, người ông Mỗ cao to, hai chân săn như chân gà đá. Mắt sâu hoắm. Cái mũi to tướng ngồi rình trên mặt. Ông có cái gì đó toát lên một vẻ hung khí, khiến người ta chẳng dám nhìn, nhất là đàn bà con gái nhìn ông chết khiếp. Ông có đến bảy đời vợ. Người sống với ông ít nhất là một năm, người nhiều nhất là ba năm, rồi đều chết cả. Các bà mẹ thường chết sau lúc sinh con. Các con ông tuy khác mẹ nhưng giống nhau như đúc. Đứa nào cũng là một khối thịt mềm nhũn, tay có bớt đen, mắt không, mũi chẳng có, chỉ có cái mồm rộng hoác và mái tóc dài dính bét sau lưng. Chúng sinh ra được ba ngày rồi chết. Đêm đến các bà mẹ thấy chúng hiện về nhảy choi choi trước mắt, rồi há cái mồm rộng hoác lao đến ngậm chặt vào các bầu vú của bà, nút cho bầu sữa cạn kiệt, nút cho các núm vú tóc ra, lúc ấy chúng mới biến đi. Sáng dậy các bà nghe nhức nhói ở vùng ngực, đầu vú buốt như kim châm, máu rỉ từng giọt, từng giọt, bó thuốc không cầm được, đến lúc người bạc tềnh rồi chết.
Bà Thẹ biết rõ mọi chuyện như thế, nhưng bà vẫn đánh liều dấn thân vào ông Mỗ. Ông Mỗ rất thương yêu bà. Các thứ tiền gạo ông cho bà đưa về để cứu nguy cho đàn con. Bà Thẹ mừng lắm. Có điều bà thấy kinh tởm là phải chung sống với ông. Đêm đến bà nằm nhắm mắt thả hồn về một cõi để cho tám thân hôi rình ấy đổ sập xuống người bà. Điều mà bà đáng lo lắng hơn hết là cái thai trong bụng đã lớn dần. Có lúc bà đặt tay lên bụng âu yếm vuốt ve. Nhưng cũng có lúc hai tay bà ấn chặt lấy bụng, răng nghiến ken két! Muốn bóp chết cái con quỷ không muốn để nó ra đời. Những lúc ấy mồ hôi bà vã ra dẻo quánh, những giọt nước mắt rơi trên môi mặn chát. Bà thấy chua xót cho số phận đàn bà. Làm đàn bà thật là bất hạnh, bởi bất cứ giọt máu nào của người đàn ông, dù là giọt máu của tình yêu, hay giọt máu của kẻ thù đều buộc khí huyết người đàn bà hòa quyện, để rồi đốt cháy lên trái tim nồng nàn của người mẹ…
Bà Thẹ cũng sẽ chịu cái số kiếp như thế. Bà nghĩ mà tủi lòng. Khi thằng bé ra đời, bà cúi xuống phăn pho khắp người nó, xem nó có được sởn sơ không? Hay vẫn là một khối thịt đỏ hỏn? Vẫn cái bớt xanh ở tay? Vẫn mái tóc dài chắm gót? Và cái mồm rộng hoác. Không! Nó là một thằng bé bụ bẫm, non hồng như một búp sen. Bà sung sướng vô ngần, vạch vú cho nó bú, tất cả những nỗi niềm yêu thương của người mẹ trút theo hơi sữa đầu…
Ông Mỗ nhìn thấy con mừng quýnh. Cách đó mấy chục phút, bà Thẹ đang trở dạ, ông chạy vào chạy ra không biết mấy lần. Người ông run cầm cập khi nghe bà kêu rên, luống cuống một hồi rồi trở ra một cách bất lực. Đến lúc thằng bé cất tiếng khóc, ông giật mình, chạy vào buồng, mắt nhìn tròn hảu, mồm há hốc, trông thật buồn cười. Ông lóng ngóng nửa như muốn bế thốc thằng bé dậy, nửa như ngần ngại sợ nó tuột khỏi tay, đành cúi xuống áp mặt vào mông thằng bé, dư dứ cái mũi vào đít nó. Đến đoạn ông ngồi xòa xuống đát lè lưỡi liếm lên chân vợ. Ông liếm như một con chó từ bàn chân liếm lên… không kể dơ bẩn là gì. Cuối cùng ông vục mặt vào lưng vợ mà khóc. Ông khóc như một người được giải nỗi oan khiên. Mấy ngày sau ông nhảy xuống sông tự tử. Chẳng hiểu là thế nào? Có thể là ông cho rằng nếu ông còn sống sẽ sát mất vợ con, hoặc thấy mình được như thế là toại nguyện lắm rồi. Con người ta, không chỉ vì buồn đau mà chết, cũng có lúc vì thấy mình toại nguyện quá mà không cần phải sống nữa. Vì sống thêm chẳng có ý nghĩa nào hơn. Trường hợp chết như ông là do quá toại nguyện. Cái chết ấy quả thật đẹp.
* * *
Ông Mỗ qua đời để lại cho bà Thẹ một cơ ngơi giàu có, bà Thẹ lấy đó để nuôi đàn con. Các con bà đứa nào cũng được đầy đủ sung sướng và đều được học hành. Thằng cả thì đỗ đại học, ra trường nó được bố trí công tác tại cục Hải quan. Bây giờ nó đã là cục trưởng. Thằng Hai làm việc tại Ngân hàng. Con Ba kế toán Hợp tác xã. Riêng thằng út (con ông Mỗ) lười học, không vào làm việc được ở cơ quan nhà nước, thì bà cũng đủ vốn để mở nhà hàng, bây giờ nó cũng giàu sụ. Chúng nó đều giàu có cả, nhưng ăn ở với nhau như chó với mèo. Chúng chia thành hai phe cánh, lúc nào cũng sẵn sàng đánh chửi, tranh giành quyền lợi lẫn nhau.
Hễ bà có đụng đến thì chúng nó đều la ó cả lên. Chồng con Ba nói: Bà cứ bênh cậu út.
Thằng cả bảo: "Chỉ có thằng út là con chúng tôi là kẻ bỏ đi"
Vợ thằng Hai chuốt giọng nhọn hoắt: "Nó là cục sướng của bà đấy! Rồi bà sẽ nhờ".
Thằng Út thì lại khác. Nó ít nói. Lúc nào giận, người nó đỏ gay như con tôm nướng, chụp cây dao đưa lên: "Tao là nạn nhân, chứ con cái gì?" - Nó chém phập một nhát xuống bàn, gục xuônngs ngọn dao, khóc rừng rục.
Nó nói đúng. Nó là đứa con sinh ra không phải bởi giọt máu của tình yêu. Nhưng nó đâu biết ở đời, có phải cái gì sinh ra từ tình yêu cũng được coi trọng đâu?
* * *
Bà Thẹ lăng mình theo đôi nạng gỗ. Con đường từ nhà con Ba đến nhà thằng Út sao mà xa đến thế. Toàn cát là cát. Bước một bước tụt lùi mất nửa bước. Mệt. à dừng lại thở hổn hển. Từ khi bà bị bệnh bại liệt đến nay, chẳng có đứa nào chịu nuôi bà. Chúng nó chia nhau mỗi đứa mỗi tháng, ở quá một ngày là không được thật khổ cho bà.
Biết nông nổi này, khi sáng bà nghe con Ba ở lại quách cho xong. Khốn nỗi thằng chồng nó cứ hậm hịch: "Hôm nay đã là ngày thứ 31 rồi, bà không nhớ sao?" Bà bảo: "Có nhớ, nhưng cho mẹ ở thêm một ngày nữa cho hết tháng". Nó bảo: "Tôi chỉ tính một tháng ba mươi ngày thôi, ba mốt, bỏ". Bà buộc phải cắp nón ra đi. Con Ba cũng chẳng dám giữ bà ở lại. Bà biết thằng Út cũng chẳng đi đón bà vì ngày thứ ba mốt mà. Trời ơi… sao lại sinh ra cái ngày ba mốt làm chi cho bà phải khổ. Bà khóc òa lên. Lúc ấy mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, thu cái bóng của bà lại thành một hình số không trên cát. Đôi nạng gỗ của bà luẩn quẩn trong cái vòng đen đó.
Bà nhìn thấy đằng xa có một cây sồi còn sót lại trên cát. Cây sồi khẳng khiu, đổ xuống cái bóng còm cõi trên bãi cát mênh mông, Bà cố bươn đến. Cát dâng lên trước mặt làm bà lóa cả mắt. Bà đổ xuống bên gốc cây sồi.
* * *
- A! Bà đây rồi!
Vợ chồng thằng Hai nhào đến bu lấy quanh bà.
- Hình như bà bị ngất - Hai nói với vợ.
- Sắp tắt thở rồi - vợ Hai bảo chồng.
- Thế thì phải đi gọi ông Cả, thằng Út đến lo chung.
- Đồ ngu! Đây là cơ hội để hưởng lộc! Phải đưa ngay về nhà mình không có bọn chúng giành mất ông ạ.
Vợ chồng thằng Hai chuẩn bị đưa bà Thẹ đi thì tiếng thằng Út quát:
- Để đó! Cấm có sờ tay vào!
Thằng Hai cãi: - Nhưng tôi thấy mẹ trước.
- Trước sau gì cũng phần tôi, phần con út!
Vợ Hai dẫu môi:
- Vợ chồng tôi đã chấm xí bà từ lúc sáng rồi, có mà hòng.
Hai bên đang cãi vả nhau thì chằng rễ từ đồi cát hiện lên:
- A! Các người đây rồi! Hãy giúp tôi một tay đưa mẹ về kẻo con Ba đang chờ.
- Dượng bảo sao? - Vợ Hai hỏi.
- Tôi đưa bà đi viện, được nửa đường bà bị ngất. Biết không qua được, tôi chạy đi nhờ người trong xóm để khênh bà về.
- Đừng vờ vĩnh - thằng Út lia mắt qua ông anh rễ - Hôm nay là ngày ba mốt bà đang tìm về chỗ tôi.
- Này! Này! Ba mốt là ngày chung, chứ không phải là của riêng ai đâu nhé.
- Ngày ba mốt vẫn là trong tháng, đã hết lượt tôi nuôi bà đâu.
- Đó là lúc bà còn sống, còn bây giờ bà đã tắt hơi rồi phải về nhà con trai chớ.
- Bà còn sống một giờ một phút trong ngày ba mốt thì tôi cũng nuôi bà. Bao giờ bà chết thì phần các người - phần con trai! Ha ha… chịu chưa?
Chàng rễ nhìn cả bọn với đôi mắt cười cợt rồi cúi xuống xốc bà dậy cõng đi. Cả bọn hụt hẫng nhìn theo bóng thằng rễ chìm dần sau đồi cát.
* * *
Tùng tùng tinh! Tùng tùng tinh! - tiếng trống và tiếng chuông điểm buổi chiều. Người ta bảo nhau: "Bà Thẹ mẹ cô kế toán Hợp tác xã đã chết". Xóm dưới làng trên rất đông.
Trưa nay, sau khi đưa bà Thẹ về, việc đầu tiên của chàng rễ là lao đi nhờ người bắc rạp và mời đội âm công. Bà Thẹ nằm trên giường ngắc ngoảy được một hồi bà Thẹ nhắm mắt. Cô Ba ôm lấy xác mẹ khóc thảm thiết.
Chàng rễ về, kéo theo một toán người, chỉ một nhoáng là bắc xong rạp. Chiều nay, chàng rễ tả đột hữu xung điều hành công việc. Thoáng nhìn một lượt, thấy mọi người đến viếng rất đông, chàng mừng thầm. Chàng chạy vào trong xé vải trắng tự quấn vào đầu mình và ra đứng phục quan. Thỉnh thoảng chàng liếc mắt xem người ta đi thắp hương có mang theo phong bì không.
"Ai đây? Bà Năm bạn của bà à! Thôi rút nhanh đi cho cái! Khóc lóc, lạy tạ nhiều quá mà trong túi may ra chỉ có miếng cau khô, chờ về âm phủ mà mời nhau. Được rồi! Cuốn! Ồ… thằng Thế - kẻ đang mắc nợ Hợp tác xã. Nghèo thì nghèo, nhưng chắc nó sẽ cống nạp vì con Ba làm kế toán, nó sợ bỏ mẹ. Nào! Một lạy! Hai lạy! Rút phong bì… thêm doanh số. Đấy! đấy! Ông chủ nhiệm đang vào. Chủ nhiệm, kế toán, quan hệ đặc biệt. Một phút mặc niệm xong.
Một phong bì! Hai phong bì… Mười phong bì. Một phong bì lấy tệ năm mươi ngàn đồng, như vậy sẽ được năm trăm cộng với ba triệu đã thu được vị chi là ba triệu rưỡi! Lãi rồi… hê hê…"
Chàng rễ nghĩ thầm suốt thời gian đứng phục bên quan tài. Ở chốn linh thiêng người ta nghĩ về những điều phàm tục là vậy. Chẳng biết vong linh của bà Thẹ có biết lòng của hắn hay không.
Trong lúc hắn đang hí hửng vét số phong bì cho vào túi thì một tốp người xồng xộc đi vào. Hắn đã nhìn ra đó là thằng Hai anh vợ. Hắn vội vẫy Hai ra sau nhà. Nét mặt Hai hầm hầm:
- Ai cho dượng tổ chức đám ma?
- Ơ hay! Mẹ mất tại nhà tôi, mẹ vợ cũng như mẹ chồng, chẳng nhẽ tôi lại không lo cho mẹ?
- "Dâu là con! Rễ là khách!" Ông bà xưa đã nói vậy.
- Tôi biết.
- Bà có con trai, có cháu đích tôn, có họ hàng. Dòng họ Trần lớn nhất làng, bao đời giữ tôn ti trật tự, con cháu đều tầm cỡ cả. Việc tổ chức đám ma cho bà không thể lèm nhèm được.
- Nhưng mà…
- Dượng là con rễ, dượng có muốn ở yên trong làng này không?!
- Anh thông cảm, chẳng qua là vì cái tình… chứ em có muốn giành giựt với anh đâu? Với lại còn đến mấy ngày nữa chưa muộn đâu… còn khối người đi thăm đấy… vậy anh đưa bà về…
Chiếc quan tài rời khỏi vợ chồng nhà cô Ba, luồn lũi trong đêm tối. Họ đi như ăn cướp làm chiếc quan tài chồng chềnh nghiêng ngả.
* * *
Ngôi nhà ba tầng ở trong một con hẻm của phố thị, điện sáng trưng. Bóng điện được móc chi chít từ trong ra ngoài ngõ và rải khắp các lùm cây. Có hai dãy nến được cắm từ ngã ba vào đến trong sân. Tờ cáo phó bằng loại giấy vàng được vẽ vời một cách sang trọng, dán sẵn trên tường. Hai bên cửa đặt hai vòng hoa rực rỡ. Trong nhà, bàn thờ mờ ảo. Hai ngọn nến đỏ lựng tỏa sáng âm thầm. Bộ tam sự vàng chóe. Ông thầy cúng áo dài khăn đóng đi lại vẻ sốt ruột. Vài ba đồ vệ vòng tay đứng chờ. Mấy mụ đàn bà làm nghề khóc mướn đang ngồi nhai trầu cười hễ hả. Tốp nhạc công vắt vẻo trên ghế ngáy pho pho.
Có tiếng thậm thịch từ ngoài vọng vào, tiếp theo liếng hô lớn:
- Vong linh bà đã về, chuẩn bị dâng lễ!
Bọn thầy cúng tức tốc vào đứng hai bên bàn thờ. Tốp nhạc công ú ớ vớ lấy các cây nhạc cụ. Kèn trống nổi lên inh ỏi. Chiếc quan tài xuất hiện. Các mụ khóc mướn gào lên cùng một lúc. Các mụ khóc rất bài bản. Có người ngâm nga chậm rãi như ngâm thơ, có kẻ lua như nói lối. Thỉnh thoảng ó bà nào đó ré lên một tiếng, tất cả hơ theo như tiếng hò reo của dân Thủy Ba bắt hổ. Lâu lâu các mụ thay phiên nhau vào húp cháo bòi dưỡng ở dưới bếp. Các bà cười nói như không. Đến đoạn lại sà xuống bên quan tài vỗ đùm đụp xuống đất mà gào thét. Bà vợ hai đầu chịt khăn tang, má phấn môi son, mặt tươi như đi ăn cưới, ngồi theo dõi mọi người. Thấy ai gào khóc to, bà ta rút tiền thưởng ngay.
Ở phòng bên, ông Hai đang ngồi bên chiếc ti vi màu theo dõi tin buồn. Ông vỗ đùi đánh đét một cái! Khi nhìn thấy hàng chữ "Bà Nguyễn Thị Thẹ từ trần…"
Sáng dậy, đài báo cũng đưa tin. Ngoài đường phố xe cộ như nêm. Ô tô hon đa kẹt nhau, làm trở ngại giao thông. Các đồng chí công an xã vã mồ hôi dẹp trật tự. Các đoàn viếng thăm phải xếp thứ tự, ngồi đợi đến khi nào nghe tiếng loa gọi đến mới vào.
Vợ chồng Hai vơ cả đống phong bì nhét vào bao tải liệng vào tủ, khóa chặt.
Một chiếc xe ô tô bóng loáng chạy dúi vào cổng. Trên xe một người đàn ông to cao trang phục chỉnh tề bước xuống. Đó là cậu cục trưởng Cục hải quan.
Cậu cả mặt câng câng rẽ đám đông đi vào, thắp hương vái mẹ hai vái rồi nói với cậu Hai:
- Tôi là con cả. Với lại dù sao đi nữa thì tôi cũng là một cục trưởng Cục Hải quan. Tôi phải đưa mẹ lên tỉnh làm lễ truy điệu cho đàng hoàng.
Câu Hai tỏ vẻ không bằng lòng nhưng thấy thái độ cậu cả cương quyết quá buộc phải chấp thuận.
Cậu Cả vỗ vai cậu Hai. Giúp anh đưa mẹ ra khỏi con đường hẻm, xe ca không vào được đang chờ ngoài đường cái. Nói rồi cậu Cả lên xe rừ máy chạy. Lát sau chiếc quan tài rời khỏi nhà cậu Hai, trống kèn bỗng lặng ngắt chỉ có tiếng gió trở sau hè. Mưa bắt đầu lắc rắc nhỏ hột. Gió thổi mỗi lúc một mạnh, mưa càng to dần, đến lúc cả không gian mờ đục nước, người ta thấy chiếc quan tài loáng thoáng rồi mất hút như bị ma cuốn.
C.H