Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cành mai ngày tết

S

au cơn lũ, cả thị trấn hình như chỉ còn cây mai trong vườn nhà anh Hải là sống sót. Đó là một cây mai vườn được trồng trên một mô đất cao, cao hơn cả nền nhà nên nước lũ ngâm cả tuần cũng không chết. Nước bạc in lên gốc cây một vệt màu trắng bẩn đánh dấu mực nước, một vài cộng rơm bị lớp vỏ sần sùi trên lưng chừng cây giữ lại, tang chứng của một trận lụt thế kỷ vừa qua.

Buổi chiều đi dạy về, anh Hải dành hết thì giờ còn lại chăm sóc cây mai. Những chậu cảnh trồng cây sứ, cây hoa nhài, cây mai chiếu thủy đã vĩnh viễn ra đi, để lại những thân cây úng rữa, góc cây một vài chỗ còn xanh nhưng rễ cây không còn làm được việc hút nhựa nuôi cành. Nhiều lúc anh Hải muốn đào lỗ chôn đi cho rảnh nhưng nghĩ lại những đêm trăng, khi anh ngồi dưới góc mai chiếu thủy thở không khí được hương hoa ướp vào, ngắm những cánh hoa trắng li ti nghiêng xuống một hồ nước hình bán nguyệt trước sân, anh không nỡ bỏ mấy gốc cây đã chết rục kia. Rồi nắng rồi gió sẽ mang mùi thối rữa kia đi và sang xuân anh sẽ tìm những gốc cây mới thay vào. Riêng gốc mai kia, kỉ vật ba anh trồng hồi anh lên chín lên mười, ông cụ đã nghĩ đến cảnh lụt lội của quê mình, đê đất đắp cao trước khi trồng, được thử thách qua nhiều mùa lũ, năm nay lại cùng vợ chồng anh đón xuân sang. Anh Hải tự tay nhặt lá mai già, nâng niu, giữ  gìn từng cành từng ngọn và ao ước cây mai sẽ nở đúng dịp xuân về. Đếm đi đếm lại, có ba cành thật đẹp, anh dự định một cành sẽ đặt trong phòng khách nhà mình, một cành cho ông bà ngoại, một cành biếu thầy hiệu trưởng. Hai cành nhỏ hơn, không đẹp bằng ba cành kia, một sẽ tặng ông chủ tịch thị trấn (Vườn mai của ông cũng bị nước lũ làm chết rụi, ông đã ướm lời xin anh Hải một cành khi biết cây mai nhà anh còn sống sót) và một cành cho anh phụ trách văn hóa thông tin thị trấn. Năm cành mai đã có địa chỉ, anh Hải không nhận lời cho ai dù nhiều người đăng ký.

Sau cơn lũ, người dân thị trấn lo âu biết bao nhiêu công việc. Trời cứ ấm dần lên, ngoài chuyện cái ăn, cái mặc, người ta còn nghĩ đến hoa tết. Đón tết là đón mùa xuân, mùa của hoa nở mà thiếu hoa trong nhà thì còn đâu là tết nữa. Nhiều người chặc lưỡi, có ba bữa cơm ngày tết đã là mừng, hoa chẳng có thì đừng. Thế mà ngày giáp tết, hoa ở đâu về nhiều đến thế không biết. Hoa thược dược, hoa lay ơn, hoa cúc bày bán khắp chợ, giá cũng không đến nỗi đắt. Chỉ riêng hoa mai là hiếm. Nếu trời không lụt lội, chợ tết ở thị trấn này đầy hoa mai. Người dân thị trấn mê hoa mai trong các chậu cảnh, đủ các kiểu dáng, có cây cả mấy chục năm. Năm nay, lũ quét đột ngột kéo về, trâu bò chẳng cứu nỗi, ai sức hơi đâu đi cứu mấy chậu mai. Thành ra tết này hoa mai rất hiếm. Có được vài chậu dân buôn đem chỗ khác về bán cũng giá trời ơi, ai tiền đâu mà mua. Thành ra cây hoa mai của nhà anh Hải trở nên quý giá. Càng gần tết, trên những cành con chìa ra, bút li ti đã gắn đầy…

Chiều hôm ấy, anh Hải cùng các thầy ăn tất niên ở trường, chị Hải và cháu nhỏ lúi húi gói bánh sau nhà. Trước đây khi chưa bị lũ, nhà anh có chục con mực canh nhà. Ai vào là nó sủa vang. Nhưng con vật tội nghiệp và trung thành ấy đã bị cuốn theo lũ. Nhà vắng người, anh Hải vẫn nhắc vợ canh chừng người lạ. Chính vì thế chị Hải cứ gói xong một chiếc bánh là chạy lên nhà trong chừng. Gần tối, anh Hải vẫn chưa về. Chị Hải đang gói bánh bỗng thấy lòng xốn xang, có điều gì đó không yên. Chị phải bỏ dỡ chiếc bánh tét đang buộc lạt chạy lên nhà. Trong bóng chiều chạng vạng, màu đen của bầu trời như một thứ mực tàu pha loãng đang nhuộn dần khu vườn, chị Hải thấy cành mai rung rinh. Tim chị như ngừng đập khi phát hiện có người đang chặt cành mai. Dù tiếng dao phát ra rất khẽ, bóng đêm đã nuốt mọi vật vào lòng, chị vẫn nhìn khá rõ kẻ lấy cắp cành mai nhà chị là một chú bé. Chị rón rén bước ra, đứng hẳn dưới gốc mà chú bé kia vẫn không hay biết. Mãi khi chú tụt xuống đỡ cành mai chưa gãy hẳn, chị mới chộp lấy tay chú và la lên:

- Ai cho mày ăn trộm mai?

Thằng bé hoảng hồn, rụt tay lại, khóc xin tha thứ. Lúc ấy, anh Hải cũng vừa về, chị Hải kéo thằng bé bước vào nhà để chồng phán xử.

Anh Hải chếnh choáng hơi men nhưng trước việc cây mai nhà mình bị lấy trộm, anh bỗng trở nên bình tĩnh lạ lùng. Anh để cho thằng bé bước đi vào nhà, bảo nó ngồi xuống, lấy chiếc bánh tét nhà trường vừa biếu cho giáo viên bảo vợ bóc ra, cho nó ăn. Chị Hải càu nhàu:

- Mình lạ chưa, nó là thằng ăn cắp mà mình đối xử như khách không bằng.

Anh cười:

- Nó là khách đấy. Khách không mời mà đến. Em cứ đối xử với nó như khách cho anh!

Ánh đèn soi rõ khuôn mặt xanh tái, gầy gò của thằng bé. Nó khai, nhà nó ở đầu thị trấn, làm nghề trồng mai. Năm nay, cả vườn mai nhà nó không còn một gốc. Ông ba nó là dân ghiền chơi mai. Tết nhất có thể không rượu không bánh nhưng nhất thiết phải có một cành mai. Lũ năm nay đã cuốn trôi nhà nó, làm hư hại cả vườn mai, nguồn sống chính của cả gia đình. Sau lũ, chính quyền đã dựng tạm cho nhà nó một ngôi nhà, cứu trợ cho một ít gạo ăn tết, nhưng cành mai thì lấy đâu ra. Ông ba nó tiếc vườn mai mà ngã bệnh. Nó hứa sẽ tìm về cho ba nó một cành. Và thế là nó đi trinh sát và phát hiện ra cây mai nhà anh Hải. Nó thú nhận với vợ chồng anh, ăn cắp là xấu nhưng nó muốn làm vừa lòng ba nó, muốn cho ba nó mau khỏi bệnh. Và nó đã phạm tội. Nó còn nói thêm, nó ăn cắp lần này là lần đầu và hứa sẽ không bao giờ tái phạm.

Nghe xong câu chuyện, anh Hải lặng đi một lúc. Anh nhìn thằng bé với ánh mắt đầy thông cảm, cuối cùng anh đi ra vườn, lấy cành mai vừa chặt xuống trao cho nó. Chị Hải ngăn lại:

- Mình hay chưa, năm cành mai ấy đã có người xin. Nó ăn cắp, mình tha tội cho nó về là may rồi. Cành mai ấy để mai em đem tặng thầy hiệu trưởng. Thầy ấy cứ dặn mãi. Hải nói:

- Nó đã trót dại, đã thành thật nhận lỗi, cứ cho nó đem về. Rồi ta tính sau.

Thằng bé ăn vội miếng bánh tét, cúi đầu chào vợ chồng anh Hải, vác cành mai bước ra khỏi ngõ. Đêm ấy, vợ chồng anh Hải nấu bánh tét trước sân. Ánh lửa bập bùng một màu vàng ấm áp hắt mãi ra tận ngoài vườn, soi rõ những cành mai với những nụ đầy cành. Mùi nếp thơm quyện vào mùi lá dong tạo nên một hương vị lạ lùng mà chỉ những ngày tết đến mới có. Tết về nơi vùng lũ mới đi qua vẫn có đủ thịt mỡ dưa hành, vẫn có bánh tét cúng ông bà. Riêng nhà anh Hải, may mắn hơn có cả cành mai đón tết. Gió từ ngoài bờ sông luồn vào lành lạnh nhưng trước mặt anh Hải, một bếp lửa ấm cúng và một cây mai sắp nở hoa làm anh chị ấm lòng. Anh Hải cho thêm một khúc củi, nói với vợ:

- Em về làm bạn với anh đã mấy năm nhưng chưa bao giờ anh kể cho em nghe lai lịch của cây mai ấy…

Anh nhìn chị. Lửa đã làm hai gò má của chị hồng lên. Anh cầm bàn tay nhỏ nhắn của chị, thủ thỉ:

- Năm nay, cây mai ấy cũng đã hai mươi tuổi, kém anh mười tuổi. Nó là người bạn thân thiết của anh, đã gắn với biết bao kỷ niệm ấu thơ của anh…

…Em biết không, nhà mình khi xưa nghèo lắm. Má mất sớm, ba một mình gà trống nuôi anh. Anh một buổi đi học, một buổi đi bán vé số phụ ba. Năm ấy, anh mười tuổi. Cứ mỗi ngày bán được dăm bảy ngàn tiền vé, anh lại để dành hai ngàn mua một vé, mong trúng thưởng, hạn chót cũng được để cuối năm mua cho một cây mai. Mua mãi, mua mãi mà chẳng trúng, cuối năm ấy ba anh ốm nặng. Anh không có tiền mua một cành mai tặng ba như đã thầm mong ước, một hôm đi qua vườn mai của một người ngoài thị trấn, anh nảy ra ý định chặt trộm một cành mai đưa về cho ba. Năm ấy cũng lụt nhưng không to bằng năm nay. Chiều hai mươi bảy tết, anh đem một cành mai về nhà, ba anh mừng lắm. Nhìn thái độ rụt rè, có chút lo sợ của anh, ba anh gạn hỏi: “Hải, con lấy cành mai này ở đâu ra…?” Anh lúng túng: “Người ta cho con…” “Ai cho …?” Ba truy mãi, truy mãi, anh đành phải khai thật, đã ăn trộm mai của một người ngoài thị trấn. Lúc ấy, người có mai cũng tìm vào nhà ta. Ông ấy nói: “Nhìn những dấu chân trên bùn non, tôi biết kẻ lấy mai chỉ có thể là một đứa bé. Có người nói, thằng Hải bán vé số hai ba ngày nay cứ lượn lờ quanh vườn nhà tôi…” Nhìn cảnh ba ốm liệt giường và những tiếng thều thào xin lỗi của ba anh, người đó cũng không nói gì, còn nói thêm: “Ngày mai, cháu ra bác cho một cây mai con mà trồng trong vườn. Chỉ một hai năm là có hoa. Đừng có đi lấy cắp của người khác nữa…” Anh không dám ra nhà ông. Em biết không tết ấy nhà mình có một cành mai tuyệt đẹp. Nó như có phép nhiệm màu. Bệnh tình của ba anh qua đi rất mau. Lần đầu tiên kể từ khi mất má, ba con anh đón một cái tết thiệt vui. Ra giêng, nắng ấm ba anh ra nhà ông xin một cây mai. Biết vùng đất quê mình lụt lội quanh năm, ba anh đắp thêm một mô đất cho nó. Rồi anh thi đậu vào trường cao đẳng, thành anh giáo nhưng ba anh thì không thể đi theo suốt cuộc đời anh… Ba anh mất đúng vào mùa lụt. Trước lúc ra đi, ông chỉ dặn, hãy chăm sóc cây mai, đắp đất thêm cho nó, đừng để lũ mang đi… Cho nên, khi biết thằng bé chặt trộm cành mai nhà mình, anh không thấy giận mà thương nó…

Chị Hải gỡ tay chồng, vào trong nhà lấy ra dĩa mứt gừng chị vừa làm hồi chiều. Bây giờ, chị mới hiểu ra, vì sao anh đã tha cho thằng bé và đối xử với nó như một người khách, bây giờ thiếu đi một, biết ăn nói với người ta sao đây. Như đoán được ý định của vợ, anh Hải nói:

- Bốn cành mai còn lại vẫn đủ cho bốn người. Sang năm rồi thị trấn mình sẽ đầy mai. Năm nay nhà mình không có cũng được….

Xuân đến, người ta thấy trong nhà anh Hải không chưng cành mai nào nhưng cây mai ngoài vườn nhà anh đã đâm những chồi non.

                                                                                                P.C.T

Phan Cao Toại
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 65 tháng 02/2000

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/07

25° - 27°

Mưa

03/07

24° - 26°

Mưa

04/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground