Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cậu nhất định phải đi ô tô

L

ần này anh ta điện cho tôi, nghe cái giọng cứ như ra lệnh:

- Cậu nhất định phải đi ô tô!

Tôi thực sự kinh ngạc. Không phải vì nội dung cú điện thoại của anh ta, mà vì hoàn cảnh của cú điện thoại đó. Mẹ chết, anh ta đang đứng bên quan tài. Những người con có hiếu, khi mẹ vĩnh viễn ra đi thế này, thường xót xa, đau đớn, khóc lóc, vái lạy. Vậy mà anh ta điện cho tôi như một nhà tổ chức lạnh lùng.

Anh ta và tôi, nhiều năm là đồng nghiệp, thậm chí công tác cùng một phòng, nhưng không thân nhau. Chúng tôi chưa bao giờ to tiếng với nhau, cộng tác với nhau chặt chẽ trong công việc nhưng không thân, vì tôi không thích tính anh ta. Mối quan hệ như vậy thiết nghĩ cũng bình thường. Mấy năm sau chia tỉnh, anh ta chuyển ngành qua công tác bên huyện. Nghe đâu bên tổ chức muốn tạo nguồn, để anh ta thay thế một cán bộ nào đó sắp về hưu. Từ đó tôi ở công ty cấp tỉnh, anh ta công tác hành chính cấp huyện. Vì không thân, tôi càng không quan tâm tới anh ta nữa, việc ai nấy làm, chỗ ai nấy ở. Anh ta điện cho tôi: Cậu nhất định phải đi ô tô! Chắc chắn không phải vì lo cho tôi đi các phương tiện khác không an toàn. Nói thật, tuy có phũ phàng chút ít, rằng tôi có té xe, gãy cột sống, anh ta cũng xem đó là một thông tin tai nạn giao thông như mọi thông tin ti vi thường đưa, thậm chí còn rủa một câu: Đi sớn sác cho lắm thì chết!

Sáu ngày trước, anh ta điện cho tôi:

- Mẹ tôi mất rồi! Đang quàn tại nhà.

Anh ta không điện thì tôi cũng biết. Tôi không thân anh ta, nhưng với bà cụ thì thương và kính trọng. Những ngày cụ nằm bệnh, nhiều lần tôi đến thăm. Ngay ngày đầu, đưa thi hài cụ về nhà, tôi đã đến thắp hương vĩnh biệt cụ. Có thể anh ta không nhớ vì quan khách quá nhiều. Cũng có thể anh ta nhớ nhưng nhắc tôi cho chắc chuyện rằng đưa cụ ra nghĩa địa phải đi ô tô. Mấy cú điện thoại trước tôi đã trả lời: Đi ô tô hay đi xe máy có gì quan trọng? Từ đây về quê ông, ra chỗ an táng cụ, đi xe máy chưa tới một giờ đồng hồ. Với lại, cái xe của cơ quan tôi, ọc ạch, già nua, chỉ bò được trong thành phố. Tôi chỉ dùng, gọi là có ô tô mỗi khi đi tiếp khách ngoại tỉnh, đi ký hợp đồng, để khỏi lộ tẩy cái cơ quan đang sạt nghiệp, về đường quê làm sao được?

- Không đi được thì bò, không bò được thì lết, đằng nào cậu cũng phải đi bằng ô tô. Hôm qua mình đã nhắc cậu rồi, xe ọc ạch thì đưa vào ga ra tu sửa lại đôi chút. Nghĩa tử là nghĩa tận, đưa cụ ra nghĩa địa cho hoành tráng. Đường đây về quê tôi ngắn thôi mà. Những chỗ có ổ gà, ổ chó, mình đã cho người đi trước lấp đất, lấp đá rồi. Yên tâm đi!

- Nhưng mà, đường từ làng ông ra chỗ an táng cụ khoảng năm trăm mét, toàn là đất cát, xe ban thì sao?

- Ban thế nào được, mình đã cho cu ly rải xỉ than, gạch vỡ, lát lá, lát cành. Nếu xe ban sẽ có cứu hộ.      

- Đường như vậy, khi về làm sao mà quay xe?

- Chỉ cần đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng, lo gì khi về. Đi đưa cụ có mấy trăm người. Nếu cần, họ bợ cả xe cậu ném xuống hố bom còn được, quay xe là cái đinh. Lo gì mà lo lắm thế!

Cực chẳng đã, tôi phải đi ô tô.

Anh ta đón tôi bằng một nụ cười nhăn nhó:

- Xe cậu là xe con, cho lên trước, đứng vào hàng thứ bảy từ trên xuống.

Theo hiệu lệnh của anh ta, cả đoàn xe nổ máy ầm ầm. Hình như việc điều chỉnh vị trí xe như thế này đã diễn ra mấy lần, họ quen rồi. Những chiếc phía sau lùi lại, những chiếc phía trước nhích lên cho xe tôi xen vào vị trí số bảy. Tài xế của tôi vừa tắt máy, anh ta đã cúi xuống, nhìn qua kính, nói lớn với tài xế:

- Không được rồi, xe cậu đẹp hơn thằng đằng trước. Cậu lên vị trí số sáu, cho hắn lùi xuống số bảy.

Biết rằng không nên cãi nhau vào lúc này, tôi ra hiệu cho tài xế, làm theo ý anh ta. Tài xế của tôi nóng tính và cục, làu bàu chửi:

- Mẹ kiếp, số sáu với số bảy, rách việc, đi đưa người chết, số chó nào mà chẳng được.

*  *  *

Tôi thắp hương, kính cẩn cúi đầu trước bàn thờ của cụ. Trong phút giây linh thiêng đó, tôi nhớ gần như cùng lúc tất cả những kỷ niệm về cụ.

Cụ có hai cô con gái đã lấy chồng xa. Ngày trước sinh toàn con gái người ta lo lắm. Cụ ông, cụ bà, nội ngoại đều lo. May mà đứa thứ ba, cụ sinh được con trai, chính là anh ta. Cụ mừng lắm, đặt tên là Nguyễn Phúc Đức, xem đó là ơn huệ trời ban, là cái đức ăn ở với đời mình được đền đáp, mong cho con sau này ăn ở có phúc, có đức để được sung sướng và mọi người yêu mến.

Cụ ở một mình dưới quê. Cụ không muốn lên thành phố. Đức không mấy khi về thăm mẹ. Bà nhớ con nhưng cũng nghĩ, chắc nó bận quá nhiều công việc nhà nước, nó nhớ mẹ lắm, thương lắm. Một lần về quê, Đức nói:

- Mẹ bán nhà lên thành phố mà ở. Bây giờ xã hội văn minh, người ta đều hướng tới thành phố. Mẹ có điều kiện, có con có cháu, sao không lên?

Mẹ ở quê có người làng, người xóm, đi ra thấy cái lu nước đầu hè, đi vào thấy cái dần, cái sàng, nằm trên chõng tre, đưa mình trên võng lưới, quen rồi.

Một lần khác về quê, Đức nói:

- Mẹ bán nhà lên thành phố mà ở. Các cháu nhớ bà, nhắc bà luôn.

Cụ cho rằng, con nói như vậy để mẹ vui. Các cháu đâu có nhớ bà. Những lần ít ỏi chúng theo cha mẹ về quê, bà không được bế ẵm, chải đầu cho đứa nào. Chúng chỉ vui với cây trái ngoài vườn, với chuồn chuồn, bọ ngựa. Đứa cháu lớn còn nói:

- Khiếp, áo quần của bà bẩn bẩn là, hai ngày chắc chưa thay. Bọn cháu một ngày không thay hai lần áo quần, mẹ mắng: Đồ bẩn thỉu! Mẹ hét cả bà osin là đồ lười biếng.

Đứa nhỏ nói:

- Tay bà đen đủi thế mà bóc chuối cho cháu. Kinh, cháu không ăn!

Lần cuối cùng về quê, Đức năn nỉ bà:

- Con đã được cấp đất nhưng không đủ tiền xây nhà. Không xây thành phố sẽ thu hồi đất. Các cháu sẽ mãi mãi ở trong căn nhà cấp bốn, ở trong hẻm, sẽ cực mãi. Mẹ lên ở với chúng con, bán nhà dưới này, lấy tiền xây nhà cho các cháu.

Mẹ sống cũng vì con vì cháu. Đời mình còn được bao lăm. Nó nói đến thế, không đừng được, bà cho nó bán nhà, bán đất. Đất và nhà của bà ở sát mép sông, gần cửa biển, đúng vị trí dự án làm cảng cá, được bồi thường 4 tỷ 2. Anh ta nói với mẹ: Bán nhà được 430 triệu. Bà cụ vẫn mừng: Đất cát khô cằn mà được nhiều con hè!

*  *  *

Nguyễn Phúc Đức xây biệt thự ở mặt tiền một đường phố lớn của thành phố. Hắn giành riêng cho mẹ một phòng hướng cửa về phía sau. Chắn phía trước cửa phòng bà là một bức tường bao, cao tám mét:

- Mẹ ở phía sau cho yên tĩnh, già rồi, có quan hệ với ai mà ở phía trước. Mẹ ở phía sau, canh cửa sau cho chúng con. Có kẻ nào dám vượt tường rào, gặp mẹ tất phải sợ - Hắn cười - “kẻ cắp gặp bà già” là hai đối thủ cân sức. Phía trước đã có con chó béc như con hùm. Chắc trước, chắc sau, không lo trộm.

Thỉnh thoảng tôi đến thăm bà, những lúc cả nhà Đức đi vắng, chủ yếu cho bà vui, có người tâm sự. Người già có được người để trút bầu tâm sự, quan trọng lắm. Bà xiết sợi xích sắt của con chó béc vào cột hiên cho ngắn lại, vừa cười vừa mở cửa cho tôi, vui như trẻ lại.

Bao giờ bà cũng mở đầu chuyện bằng nỗi nhớ quê:

- Bà chỉ mong có một dịp được về dưới quê thăm các bạn già một lượt. Bà Thía hay đau lưng, không biết bây chừ đã đỡ chưa? Mắt bà Mừng ngày một mờ, không biết bây chừ còn nhìn được đường đi không? Mấy con mèo hoang trong xóm, bà đi rồi, không biết có ai cho ăn?... Bà ăn uống ở đây khá hơn hồi ở quê. Mỗi bận ăn xong, con dâu thường đưa cơm xuống cho bà. Là thức ăn thừa của nhà trên chúng gom lại, nhưng cũng có cá có thịt đàng hoàng. Mình không ăn thì chúng đổ mất, hoài của. Ăn thừa của con, của cháu, có sao đâu. Hồi bà nuôi thằng Đức, đâu có sữa, có đường. Bà nhai cơm cho nhuyễn, mem cho nó. Nó nhè ra mồm, bà còn liếm quanh mà nuốt, không dám nhổ đi…

Nghe bà kể chuyện tôi thấy xót lòng. Người ta xa xứ, biển trời cách mặt, nhớ quê đã đành. Từ đây về quê bà đâu có cách tỉnh, cách huyện, vậy mà ba năm, và có thể nhiều năm nữa, bà không được trở lại. Bữa cơm bà ăn là của thừa mâm trên, một nửa chia cho con chó béc. Vậy mà bà vẫn vui vì ăn vậy đỡ tốn cho con, cho cháu. Bà rất mừng vì những món quà mọn tôi tặng mà bà rất thèm: Vài củ khoai lang, vài bắp ngô non luộc.  Đã có lần tôi gợi ý với Đức:

- Tranh thủ chủ nhật, ông đưa cụ về quê …

Tôi chưa nói hết câu, anh ta đã phẩy tay:

- Không nên quan tâm tới những chuyện lăn tăn đó. Không bao giờ đủ thời gian và sức lực để chạy theo ý muốn của các bà già.  Cậu biết không? Bà còn đòi ăn khoai ăn sắn – Hắn cười – Hơ! Hơ! Thời đại ăn khoai, ăn sắn, đã qua rồi…

Vậy mà bây giờ. Một chiếc rạp hoa lớn dựng lên để đón khách đến chia buồn. Một dòng chữ vĩ đại được căng lên mặt tiền ngôi biệt thự: “Thương tiếc mẹ hiền”. Bên dưới là một dòng chữ đỏ chói lọi: “con hiền, dâu thảo, cháu ngoan, kính cẩn tiễn đưa”. Dàn kèn tang não nề vung nhạc. Tiếng phèng la, tiếng trống đệm, vang xa ngàn mét còn chối đầu. Một đội âm công đông đúc, áo đỏ, nẹp vàng, hia vểnh mũi, khăn quấn đầu vằn vện, nhìn vào đã thấy nặng nề âm khí. Một chiếc bàn lớn, sơn son thếp vàng, chất đầy hương đèn của những người đến viếng. Một chiếc bàn khác, nhỏ hơn, cùng một loại sơn son thếp vàng, đặt ở phía trước, xếp đầy phong bì đựng tiền phúng viếng. Anh ta luôn mồm chỉ đạo: Cái phong bì ấy, xếp vào vị trí 122 từ trên xuống. Cái phong bì kia, của đồng chí Chủ tịch cúng đấy, để lên trên cùng, sao lại để nằm, dựng lên, hướng mặt có chữ ra phía ngoài, thế, thế, như thế. Làm việc phải có ý, có tứ, đừng để việc gì tôi cũng phải chỉ bảo.

Anh ta bước ra đường. Tôi hỏi:

- Người ta quàn tại nhà, hai ba ngày thì đưa, tại sao ông kéo dài tới sáu ngày?

Anh ta trả lời bực bội như chính tôi đã gây khó:

- Sáu ngày mà số người tôi dự kiến họ sẽ đến, vẫn chưa đủ mặt, công tác tổ chức còn chưa ổn nữa là ba, là năm.

Anh ta nhìn một lượt từ đầu đoàn xe đến cuối đoàn. Tôi nhìn theo anh ta. Đoàn xe dài dằng dặc 54 chiếc. Phía trước là xe con. Tiếp đến là xe khách 12 và 24 chỗ ngồi. Sau cùng là xe ca loại lớn và xe tải các loại. Đoàn xe trông hổ lốn, không ra xe đưa tang, cũng không giống xe ra trận. Những xe khách phía trước đầy chật người. Những xe tải phía sau, chỉ có tài xế, thùng xe rổng không. Hình như hết hy vọng có xe nào nhập cuộc. Anh ta làu bàu: Mấy thằng lính phòng tôi làm ăn kém thật, đã bảo chia ra hai ba tốp, mỗi tốp thuê một xe, lại dồn hết vào một cục, chắc là sợ tốn tiền. Hèn!

Anh ta nhìn đám âm công, hất đầu:

- Di quan!

Tốp người ăn mặc ma quỷ rú lên, nhảy múa. Phèng la và trống nổi. Nhạc âm hồn thảm thiết. Những người đàn bà khóc mướn gào lên, lăn lộn, chờn vờn tay níu kéo quan tài. Năm mươi tư chiếc xe cùng nổ máy, tạo nên một vùng âm thanh khủng khiếp. Thế mà có người vẫn thán phục: Ông ấy làm to mới được như rứa.

*  *  *

Tang lễ hoàn tất, hắn bắt tay tôi tạm biệt:

- Việc mẹ tôi, thế là xong. Cú thật!

Tôi không hiểu:

- Cú cái gì?

- Đưa tang mẹ tôi, thua cuộc đưa tang cha lão trưởng phòng công nghiệp những hai con xe. May mà có một con mẹc vớt vát lại đôi chút, không thì muối mặt.

Tôi lại không hiểu:

- Con mẹc là con gì?

Anh ta nhìn tôi như nhìn một thằng ngu chui lên từ một chỗ tăm tối nào đó:

- Mẹc là Metsedet, loại xe có thứ hạng cao đấy, có thế mà không hiểu!

L.V.T 

 

Lê Văn Thê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 227 tháng 08/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground