L.T.S: Xuất hiện và chiếm lĩnh, cách gọi ấy có lẽ không thích hợp với nghề văn, càng có vẻ không hợp với tính chất Thu Huệ. Nhưng dù sao, với 2 giải thưởng sáng giá trong năm nay, chỉ công bố cách nhau vài tháng (giải nhất cuộc thi truyện ngắn VNQĐ và giải thưởng của Ban chấp hành Hội nhà văn V.N năm 1994) cùng với Phan Thị Vàng Anh, Thu Huệ thật sự chiếm lĩnh lòng ái mộ của bạn đọc cả nước.
* * *
T |
ôi nghe người ta bảo: Người lớn là tấm gương cho trẻ con soi. Rồi lại bảo: Trẻ con là tờ giấy trắng, người lớn vẽ hoa thành hoa, vạch bẩn là bị bẩn, nếu đổ mực thì đen sì.
Tôi qua tuổi thiếu niên chưa lâu, chân ngập ngừng bước vào tuổi trưởng thành thì nhìn thấy trước mình nhiều gương quá. Gương to, gương bé, gương trong, gương đục làm tôi choáng ngợp.
Tôi soi vào đâu bây giờ, để thành người và để trang giấy cuộc đời mình nở hoa?
*
* *
Nhà tôi đông người. Có mỗi cậu con trai, lại út nên được cưng chiều. Cậu làm gì tùy ý, chẳng ai can ngăn và bao giờ, cậu cũng đúng.
Cậu đang đi học thì xung phong nghĩa vụ quân sự. Ngày ấy, ra trận là cục nam châm hút mọi người, mọi tầng lớp. Độc lập cao hơn mọi thứ trên đời. Bà tôi khóc: Tao có mỗi nó là con, lại đi thế này, bao giờ có đứa cầm ảnh, chống gậy? Mẹ tôi ôm lấy bà: Đẻ ơi, đẻ còn chúng con, cháu nào chẳng là cháu. Cháu út đi đem vinh quang cho cả họ nhà mình. Mai kia, chú ấy mang hòa bình về, con gái làng mình chẳng xếp hàng theo, lúc ấy, để tha hồ chọn.
Bà tôi cười, mặt mũi xệch xoạc: Ừ, nếu có mang hòa bình về thì để cho nó đi. Có hòa bình là có hết. Nhà mình thật may.
Rồi cậu đi. Đi mãi. Bao lần lúa xanh, lúa chín. Bà tôi từ lúc đi lại nhanh nhẹn, đến lúc phải chống gậy, mắt nhòa sương phủ, cậu vẫn chưa về. Ngày cuối của bà, bà lào phào với mẹ: “Đẻ có chỉ vàng ngày cưới cha con cho, với vài mảnh lụa, để dành cho thằng út, con lấy vợ cho em”.
Rồi bà đi. Bà chờ mãi mà hòa bình chẳng đến, cậu không về. Thời gian có đợi ai đâu?
Một năm hai tháng rưỡi sau. Cậu về. Cậu về cùng hòa bình. Cậu bảo, nhiều người về và người ở lại cũng lắm. Cậu khác quá, tôi chẳng nhận ra. Cậu bị mất một chân, một tay, và khi cậu cười, nửa bên mặt cậu giật giật. Ánh mắt của cậu, hình như sáng hơn xưa nhiều, nó giống như luồng điện. Mẹ tôi xuýt xoa: Nhà mình may thật. Cậu về là may quá rồi. Nhà tôi lúc nào cũng chật người. Ban ngày cậu cười. Ban đêm, cậu đứng bên bàn thờ bà tôi, hai tay lần lần tấm lụa bà dành cho cậu, giữa mù mịt khói hương.
Ba tuần sau, Ủy ban xã đến và quyết định cho cậu làm bảo vệ trường học. Đúng trường tôi đang học. Tôi sung sướng, tự hào vô cùng. Hàng ngày, cậu mở, đóng cửa trường. Cậu đánh trống đầu giờ, trống ra chơi và trống tan học. Cậu yêu công việc ấy lắm. Cậu bảo: Số cậu may mắn lắm.
*
* *
Cậu tàn phế nên chỉ ở một mình. Thú vui của cậu là nhìn chúng tôi đi học, rồi chơi và phá phách, nghịch ngợm. Cậu hay mua xổ số. Mãi mãi, ngày tôi chuẩn bị ra trường, cậu trúng độc đắc. Mẹ tôi khóc khi nhìn thấy đống tiền ở trên bàn, trong ngày trao giải. Ở hiền gặp lành. May phúc quá. Cả nhà mình đổi đời rồi. Số tiền lớn thật, đến nằm mơ chúng tôi cũng không dám 60 triệu.
Cậu đưa cho các anh chị 20 triệu. Rồi góp xây nhà thờ tổ, tu sửa cống làng hết 5 triệu. Tặng trường tôi 5 triệu. Vài ngày sau, cậu đưa tôi một tập thư, dán tem sẵn bảo tôi ra bưu điện bỏ. Hôm sau, lại một tập nữa. Cậu gửi liền sáu ngày thì xong. Tôi hỏi cậu, cậu gửi gì nhiều thế, cậu bảo cậu gửi tiền cho những người cùng chiến trường với cậu. Mời họ đến mừng cùng cậu. Khoảng hơn chục ngày sau. Có dăm bẩy người đến hỏi cậu, chẳng ai lành lặn bình thường cả. Họ gặp cậu, họ và cậu ôm nhau khóc, người này tranh người kia nói như thể anh em lâu ngày gặp lại. Cậu mời họ ăn, cho họ tiền tiêu, người năm trăm, người ba trăm nghìn.
Hôm sau, vài chục người tìm đến. Lại khóc, lại kể, cậu lại cho họ tiền và họ đi. Cậu bảo: Sống chết có nhau, lộc bất tận hưởng. Mình may mắn, mình phải giúp họ.
Những hôm sau, người kéo đến từng đoàn, đông gấp vài lần những hôm trước. Có những người cậu mời đến, họ dắt theo những người cậu không quen, nhưng cậu vẫn cho tiền hết. Mỗi người được ít dần đi. Rồi người không quen nhiều hơn người quen, người không có áo lính nhiều hơn người có áo lính.
Hôm sau. Hôm sau nữa… Cái sân trường tôi xếp hàng mọi ngày giống sân ga ngày cậu ra chiến trận, chỉ khác, ngoài những người mặc áo lính còn quá nhiều người mặc áo thường, nhưng nói chung hiếm người lành lặn lắm. Họ đứng ngồi la liệt. Họ nói chuyện, kể lể, và chờ cậu tôi như chờ Đấng Cứu thế. Cậu thất thần, run rẩy trốn vào góc phòng. Cậu hết tiền rồi, mà người đến ngày một đông. Ban giám hiệu phải cử người ra giải tán. Không ai nghe cả, họ hò hét cãi vã nhau, trong số họ, cũng có vài anh mặc áo lính (có lẽ là bạn thật của cậu) đang cố công giải thích, nhưng xem ra chính những người ấy cũng sắp chết chìm trong đám hỗn tạp kia. Rồi người ta đến xem, xem như một sự kiện kỳ lạ. Đến chiều, người đứng trong sân đã chật, đoàn người chờ ở cổng trường. Giao thông tắc nghẽn, học sinh không có chỗ học, ai ở đâu, mắc luôn ở đó. Nhà trường phải mời công an đến, nhưng cũng không giải tỏa được.
Tôi ở bên cậu. Một bên mặt cậu giật đùng đùng. Các cô giáo khóc thương cậu, và lo ngôi trường bị phá. Họ bàn cách tẩu thoát cho cậu. Tôi ra canh trước canh sau, và giữ một cánh cửa gần khu vệ sinh, chờ cậu ở đó.
*
* *
Chẳng ai gặp cậu nữa. Về sau này, khi lớn lên, mỗi lần nghĩ về cậu, trước mắt tôi, chỉ còn một hình ảnh cuối cùng của cậu. Cậu - trong bộ quần áo rách tướp, đội chiếc nón rách, tay chống gậy, run rẩy, sợ hãi men theo dãy nhà vệ sinh hôi hám, lần ra phía chợ, và biến sau bức tường đổ.
Có vậy thôi. Cậu đi như thế, là rủi hay may?
N.T.T.H