Có một ngày bãi tắm Vũng Tàu tôi sa lạc. Nơi mơn man gió biển, lồng lộn trời mây, nơi sóng nắng dạt dào, nơi hoan lạc bao dung, nơi hỉ xả mọi thứ thu về trong một nghĩa đen tồn tại; nơi chợ búa, hội hè địa ngục, thiên đường, hai người bạn văn chương đưa tôi đến đây; cũng ô dù, thức ăn, đồ nhậu, cũng bãi, cũng bờ, cũng “ghế tréo, lộng xanh”. Nếu đời không có những chàng ngông… Anh bạn đầu đàn của tôi cứ thích đóng ô sán lại gần một đám la liệt tiệc tùng huyên náo. Anh ta hăm he tôi: “Này, mặt vênh đi đâu thế ? Thứ đạo đức nhà anh … Của trời cho không … Những bắp đùi, những núng nính mông, những căng trong ngực… Xã láng, không tiền! Mắt! Xài đi. Tha hồ cho anh đấy …” -“Đồ quỷ sứ” – Tôi rủa lại. Người bạn thứ hai cứ săm soi chiếc máy ảnh, nâng lên, hạ xuống rồi tự bộc: “Phải rình bằng được một trang tuyệt thế giai nhân”. Có hàng đàn các cô gái gần như khoe thân, anh bạn chuyên phóng, ký lừng lẫy của tôi sẽ chộp tuyệt thế giai nhân nào? Kể cũng khoái mắt. Cứ y lạc tới đào nguyên. Muốn lơ cũng chẳng xong. Muôn hồng nghìn tía cứ đập vào mắt. Đang ngắm nghía chợt mắt tôi như chạm phải một cái gì đó: một con người. Có lẽ nào đây? Tôi hóa sững sờ. Mắt tôi đóng đinh … từ đầu đến chân, từ chân đến đầu…Dáng vóc, mặt mũi, tóc tai … Tôi khác như một bác sĩ đang làm công tác giải phẫu. Tiềm thức bật nhào cả dậy. Sáng suốt, minh trưng. Không còn nghi ngờ, không thể có sai lạc phần trăm. Em! Chính em. Rõ ràng là em. Đã thấy lại em. Đã tìm ra em. Em đó rồi, em đây rồi. Không thể nào là một phiên bản, âm bản về em, mắt tôi hoa lên. Tim đập rộn ràng. Miệng tôi ú ớ, Tôi gần như choáng váng. Hỡi đâu những động mạch, tĩnh mạch! Sao cuộc tuần hoàn ngưng đọng ? Máu ngập lút trái tim tôi. Như tỉnh, như mơ, tôi mơ tôi tỉnh. Nhảy bổ vào chăng? Chỉ cách em chừng mươi lăm bước! Kêu lên một tiếng. Hẵng khoan; cố kìm nông nổi lại. Thật khó giữ xúc động như những ngọn sóng trào. Bên lề đám bia bọt, nhốn nháo, xô bồ, em trong cuộc mà như lẻ, như riêng, Trông bộ mực thước, khiêm nhường. Trải bao xoay đảo biến thiên mà em như chưa bao giờ thuộc hạng người lưu lạc. Cả một tùa đàn ông, con gái ngưng nhậu, ào ào kéo nhau và chồm sóng. Em cũng bị khỏa lấp trong khoái trá nô đùa. Hai anh bạn tôi, mặt mũi chúng đã no nê, cũng hứng khởi thả mặc tôi.
Hơn hai mươi lăm năm trước, tôi là anh giáo trẻ. Em là học viên lớp kế toán thương nghiệp ngắn ngày. Hợp tác xã cử em đi. Chúng tôi gặp gỡ, quen biết rồi tiến đến tìm hiểu, hứa hẹn yêu thương nhau. Lẽ thường tình. Mà sao thời ấy cứ có cái gì như tội lỗi! Em mãn khóa. Tôi muốn em đưa tôi vào thăm bố mẹ. Buổi chiều hôm ấy, An Du Đông quê em. Chiều hồng. Ánh phản quang mặt trời hồng đang xuống núi. Mây mỏng như sương dày tản mạn. Gió biển từ Cửa Tùng đưa lên mát rượi. Gió mơn man trên những vườn mít, vườn chè. Gió thả cánh bay bổng trong không trung. Bỏ đường Bảy mươi, em dẫn tôi rẽ vào một con đường thoai thoải dốc. Xuống xe, ngoặt sang lối xóm nhỏ. Nhà đây rồi. Một vườn đầy hoa trái xum xuê. Ngôi nhà lá đơn sơ mà cao ráo thoáng đảng. Em giới thiệu tôi với bố mẹ: “Đây là anh cán bộ thông tin…” Tôi giật mình: “Chết, sao em…” Liếc mắt sắc như dao đưa ngang. Cười rồi tinh nghịch. Đêm đó, cơm nước xong, giữa chiếc sân rộng, dưới trời đầy sao; em trai út đàn bầu, em gái cầm sanh Lưu thủy, Kim tiền nước chảy mây trôi; Dân ca Bình Trị Thiên, lên ghềnh, xuống thác… Nhảy qua “Điện biên giải phóng…” Láy lại “Tải đạn đi chiến trường…” Thính giả là em, tôi, bà mẹ ngồi nhai trầu, chị gái vừa hát vừa lắng nghe, một băng dài trẻ hàng xóm và ba cháu nhỏ. Bà mẹ thỉnh thoảng lại với tay pha thêm nước ấm, em lợi dụng nghiêng mình né tránh, ngồi ép vào vai tôi. Bàn tay em tìm dịp, lòn lõi nắm chặt bàn tay tôi. Cảm nhận rõ rệt những hơi thở nồng nàn. Giá tôi ôm ghì được em vào lòng như đôi ba lần trước đây, hò hẹn hoặc tình cờ dưới trăng sao gặp em chốc lát. Ai bảo đang có chiến tranh? Ai nói chết chóc đang rình mò đe dọa?
Bố mẹ em đấy. Gia đình em đấy. Đường hướng cuộc tình duyên em có ý tùy tôi. Tôi, thì say mê em từ những lần đầu gặp gỡ. Em nết na thùy mị. Em êm ái dịu dàng. Em nồng thắm yêu thương. Em có trí tuệ, em thông minh. Có cái gì đó mách bảo tôi, tương lai em sẽ là người vợ, người mẹ tuyệt vời…
Tôi trở về nơi công tác. Chiến tranh phá hoại đã mỗi ngày một ác liệt. Đất Vĩnh Lính chịu thêm bom tọa độ, bom bi, pháo chụp, pháo lùi, đạn phốt pho… Đã nghe nói có bom bê năm hai rải thảm. Tôi rất khó trở lại gặp thăm em trong vùng phi quân sự. Có cơ hội là tôi viết cho em từng trang ngắn, trang dài.
Một buổi sáng em đột ngột đến chỗ tôi. Tôi bất ngờ. Em đã cuốc bộ mười hai cây số. Em khổ sở mách ủy ban địa phương quyết định bàn giao sổ sách kế toán hợp tác xã mua bán. Có một đoàn văn công tiền tuyến được thành lập. Người ta nhất định tuyển em vào văn công. Biết năn nỉ cùng ai? Em phải lặn lội đi tìm tôi. Chẳng còn ngần ngại anh bạn đồng nghiệp của tôi đang kê giáo án lên đầu gối soạn bài, em nghiêng đầu vào vai tôi. Em khóc. Tôi làm mặt nghiêm nói- nói để thử lòng em: “Em sợ chiến tranh? Em không muốn đi chiến trường? Em sợ bom đạn?...” Em bật nhìn thẳng vào mắt tôi. Cứ y như em đã lầm tôi với ai đó. Nước mắt em càng ràn rụa. Thất vọng, chán chường. Khoa tâm lý giúp tôi hiểu thấu tận lòng em. Có hạnh phúc nào hơn! Tôi tủm tỉm cười, với tay lôi chiếc khăn mặt. Chợt em nấc lên một tiếng, uể oải quảng khẩu súng tự vệ của em vào vai. Lặng lẽ bước ra khỏi lán hầm. Tôi hơi chột dạ, thiếu đồng cảm rồi. Mặt trời rạng rỡ vụt tắt trên khuôn mặt tôi. Luống cuống rồi tôi đâm hốt thực sự. Em cứ đi, không quay lại. Ủ rũ những bước đi. Kỳ quặc những bước đi. Lòng tự ái bị xúc phạm bước đi. Tôi vụt chạy theo. Cản đường. Mặc. Tránh mà đi. Giằng níu. Mặc, rẩy ra mà đi. Nức nở mà đi. Một mạch đi… Vui vẻ hóa nặng nề. Giản đơn bỗng dưng thành phức tạp. Mát rượi tình yêu sao lại là gió bão. Tôi buộc nhảy ba bước quay vào lán hầm hát lên với anh bạn đang mải mê với Kiều hay Chính phụ gì đấy:
- Chiếc xe trâu cậu đâu? Bỏ đâu? Anh bạn chợt tĩnh ngẩng lên:
- Cái gì ? Cái gì ? Cậu đã làm sao cô ta ? Đâu rồi? Xe trâu ở chỗ hầm giao thông ấy. Thế nhưng tôi vẫn không quên quàng khẩu súng tự vệ của tôi vào vai. Chiếc xe phượng hoàng trần trụi nhảy lên sồng sộc. Em không chịu quay lại, cũng không chịu lên xe. Tôi lẻo đẻo theo em. Dù tận cuối chân trời. Dù có những tốp máy bay rượt qua đầu. Tôi mặc. Năn nỉ với em rằng: “Tôi chỉ đùa. Tôi hiểu. Chứng tỏ em rất yêu tôi. Em đâu sợ bom đạn chiến trường! Em sợ phải xa tôi. Tôi cám ơn tình em. Tôi có xuống đáy huyệt cũng tìm em…” Và em đã dừng lại. Nước mắt em vẫn tuôn xối. Rồi em tự vén áo lau khô. Dù thế, em vẫn nói với tôi duy nhất một câu: “Nguy hiểm, anh ơi, thôi anh quay lại”. Nguy hiểm, nguy hiểm lẽ gì? Mông lung mây trời bốn phía? Giông tố cứ ì vang vọng đâu đây? Bom đạn có thể bất ngờ ập xuống. Khói lửa có thể tơi bời ? Máu xương tôi có thể trộn lẫn với đất đá và máu xương em ? Không có là một người làm nghề dạy học thôi, tôi vẫn tự khẳng định mình là chàng trai đang trụ trên mảnh đất thép Vĩnh Linh, tôi sẵn tính ngang tàng. Khẩu súng trường tự vệ vẫn quàng ngang vai tôi. Chỉ có tình em… Trời cao đất dày… Nguy hiểm với tôi lúc này là vuông tròn thành méo mó… còn gì khốn khổ hơn ? Những chân thành và nồng cháy đã bộc lộ vẫn chỉ là hoa mỹ giả dối ? Muốn nói ngàn lời mà hết biết lời phải mở từ đâu. Trái tim, khối màu thịt cụ thể thì nó lại nằm sâu kín mãi trong ngực tôi! Vàng và thau. Thau lẫn vàng. Ước có ngọn lửa nghìn độ. Chỉ có thước đo của ngọn lửa nghìn độ.
Ba hôm sau tôi nhận được bức thư theo đường bưu điện: “Anh ơi cả bố mẹ và gia đình đều khuyến khích. Tại sao họ cứ lấy làm hãnh diện khi em công tác thoát ly? Cái tay nhạc sĩ trưởng đoàn đã thổ dộ được ủy ban xã và gia đình em. Mà tại sao em vừa ưa biểu diễn khoe khoang, em chịu chơi đàn nguyệt, lẫy đàn bầu rồi hát luôn mấy bài cho anh ta nghe nhỉ? Thế là rựt không ra được nữa. Văn công xung kích. Em sẽ phải vừa tập duyệt, vừa hành quân. Trái tim từ chối của em đến độ hoang mang. Chỉ còn cách bươn tẩu đi tìm anh. Thì anh ơi, anh đã nói với em đắng cay y hệt những lời người ta đã nói … Và dù anh không nói, còn con đường nào khác đâu anh! Bổn phận và chiến trường! Em mong ước tình anh cho em sức mạnh chiến trường. Làm sao em vừa có anh, vừa có chiến trường trong cùng một lúc? Giờ đây, với em, anh là tất cả. Em muốn dâng hiến cho anh tất cả. Em tha thiết yêu anh. Tất cả cuộc đời em… Đã phiên chế và trang bị xong. Một đàn nhị, sáo, đàn ca mười lăm chúng em sắp sửa lên đường. Chúc anh ở lại …”
Có ngờ đâu tôi đã mang những dòng sâu nặng của em đi theo ngày tháng … Ngày tháng đầy ắp biến động xôn xao… Dằng dặc lê thê… Vẫn ấp ủ tình em, tôi bao lần chết đi sống lại… Khó có gì trên đời thuộc về sự vững bền vĩnh viễn . “Trăm năm đá nát vàng phai” Những lời thề nguyền cũng có đát thời gian. Sau bao năm tháng lần mối vết chân em mà chim vẫn bay bạt gió. Đau buồn thất vọng. Ai trong đời này không phải gánh trên vai biết bao nghĩa vụ: Gia đình, xã hội, lý tưởng, tiền đồ… cao đẹp, thấp hèn, rộng lớn, bon chen… ngõ ngách đổ vào một dòng bươn chải, mà hạnh phúc là gì đố có ai suy nghĩ giống ai. May mắn cho tôi gặp vợ đẹp con khôn, bạn bè đùa: “Chỉ thiếu mỗi ô tô, nhà lầu”, nhưng dẫu có ô tô nhà lầu, tôi vẫn cứ thấy tôi là người bất hạnh. Đố ai biết vì sao tôi kỳ thế ? Chỉ riêng tôi biết với mình tôi: Trái tim tôi luôn rên rỉ thiếu tình em, tôi mong mỏi, tôi khẩn cầu… Hỡi cao xanh, Người là đấng thiêng liêng, lẽ nào Người không có mắt!
Thì hôm nay ông Cao Xanh đã có mắt… Em đã lội biển đi lên. Bộ đồ tắm bó sát thân hình. Em tròn lẵn, chắc mập hơn xưa. Em rũ tóc và nở nụ cười giữa đám bạn trai gái gần như trần truồng, lộn xộn. Tôi không thể nào lẫn với ai được cái làn môi cười ấy. Và đôi mắt lá răm luôn lóe sáng tinh nghịch nữa kia. Cái khuôn hình nền nã, cái dáng dấp mềm mại ngay trong mỗi bước đi…Năm tháng đã hằn lên vầng trán, ve mắt, viền môi em những nếp nhăn mà trông em vẫn sung sức, trẻ trung không khác xưa là mấy. Đám trai, gái vây quanh em, tíu tót con con má má... Rồi họ lại đánh đàn đánh lũ với nhau. Em thảnh thơi nằm phơi nắng một mình”. Một đấng mày râu cao to cổ đại, nhờ manh quần chẽn bó sát vế để khỏi trần như nhộng, đi đến, sát sạt nằm úp xuống cạnh em. Máy ảnh chân vào nhe ngắm, bấm tách… Con bò nhộng bên em, chừng sướng quá hóa rồ, thả giọng: “Biển một bên… ê…ên… và em ư ử ư ư, ư ư… một bên… Biển gầm gừ, em lại rỉ rên…” Rào rạt cười lên khả ố. Bọt sóng biển cũng vỡ vụn, tán tác bởi những trận cười. Tôi đâm hoảng, dao động, toan tính. Xử trí thế nào đây! Đã thấy em cầm tay lôi gã đàn ông dậy. Sóng đôi đi. Dù, ô họ gần sát chỗ tôi ngồi. Tôi vội lục tìm chiếc kính bảo hộ có mặt to tướng, dày cộp, đen ngòm ốp che đôi mắt. Em đã ngồi vào chính giữa bàn tiệc. Cả bầy đàn ông, con gái vào theo. Trăm ngàn chuyện ngã nghiêng. Thực phẩm cao ấp của nền công nghiệp hiện đại cùng đặc sản biển Vũng Tàu lại bày soạn ra ê hề. Ngụp lặn chán, đám người lên nhậu tiếp. Bia Ti- Jê bật lốc bốc. Cầm núc cả lon. Một vài chiếc ly lịch sự chạm leng keng. Vừa nhai nuốt, vừa cười nói nhôm nhoam. Bá vai, bá cổ, cọ xát thịt da… Chẳng hiểu đã là đợt thứ mấy. Vỏ đồ hộp, vỏ tôm, cua, sò, ốc, ùn đống bừa bộn. Đây là đợt “tổng tiến công” chăng? Thấy mọi thứ đang được huy động khẩn trương và có vẻ tổng lực.
Em vẫn ngồi điềm nhiên, vui vẻ. Em hưởng ứng tất cả mọi trò vè. Cũng tán thưởng, cũng vỗ tay… Trong cuộc ẩm thực buông tuồng này, tôi thấy rõ em là trung tâm; tên đàn ông to lớn luôn cặp kè bên em luôn mồm tôn suy em em chủ súy. Lòng đau đột biến. Những tình nghĩa sâu nặng, những trông mong tích tụ, dồn ứ đằng đẳng bấy lâu nay, trở nên đổ vỡ trong tận đáy tâm tôi. Lung lạc, nghi ngờ. Tôi rùng mình ghê sợ. Mấy mươi năm biến hóa, giờ đây em đã hóa thành ai? Một gánh trưởng nghệ thuật tư nhân? Một chủ hãng buôn? Một sếp khách sạn ba, bốn, năm sao? Một giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn? Một…một, một… một áp phe bịp bợm. En nờ lần cái một. Dù là một ai, thì em vẫn là người quyền thế, lắm tiền. Em đã chìm ngập đến thế rồi sao? Em còn nhớ đến An Dụ Đông? Phần mộ bố mẹ em còn cả nơi đất sơ tán quê người? Hai người anh trai và cô em gái liệt sĩ xương thịt đã quy tập về được cả chưa? Gia đình người chị gái bị bom tọa độ hốt gọn cả rồi. Còn một người em trai nữa? Tự nhiên tôi nẩy hy vọng đã lầm lẫn em với ai đó.
Gã đàn ông to lớn cổ đại dịch ghế sát em, sát nữa, rồi một cánh tay hộ pháp của lão quàng hót cổ em.
- Phải chi đừng “say, say tít” để nhận biết nhiều điều lý thú chung quanh ta; nếu say thơ để thơ say khiến ta quên những điều giản dị … biển bao giờ cũng mặn. Biển Cửa Tùng quê tôi hay biển Vũng tàu đều dạt dào sóng. Biển không bao giờ là một cái ao. Biển rộng tưởng như vô bờ mà biển bao giờ cũng có bờ… Gà bò mộng khoái chí hét lên:
- Hay ! hay! Một ẩn dụ mỹ miều. Xin chúc mừng. Nào các bạn, xin tất cả nâng lon… Giữa đám nháo nhào lại nghe em nói tiếp:
- Tôi yêu biển. Tôi thích đến với biển. Bởi biển rất có ích. Tôi quý mến các anh chị em, tôi đến với anh chị em. Hy vọng mối giao lưu cũng tựa biển với chúng ta… Tôi lại chuyển trạng thái ngẩn ngơ ngơ ngẩn về em. Rõ là một mớ nhìn nhận, phán đoán suy luận lộn tùng phèo. Hai người bạn đạp cát xồng xộc chạy lên. Họ kéo chà tôi đi. Họ vùi tôi vào cuộc chơi vơi, dập dềnh đùa rỡn những ngọn sóng ngỡ là vô tri mà rất nhạy cảm, biết đồng cảm; biết giận, biết hờn; biết mơn trớn vuốt ve; biết thu phục, thuyết phục vạn thuở có linh hồn. Nhưng rồi cũng chẳng có sức mạnh cuốn hút được tôi. Trỗi dậy. Băn khoăn. Tôi mặc quách biển cả với bạn bè. Tôi bứt khỏi sự mặn mà níu kéo. Tôi nhất quyết đối mặt em. Trực diện.
Lạ kỳ thay, thật là chóng vánh… Biến đâu sạch cả rồi ? Còn lại một cô gái, một khoảng không gian ô dù che râm mát eo hẹp. Môi trường lăn lóc bừa bãi ngổn ngang. Nhìn lên bãi gửi xe, hai chiếc Tô-yô-ta đã từ từ lăn bánh.
- Họ đi cả rồi. Họ về thành phố - Cô gái trả lời trước sự bối rối kinh ngạc của tôi.
- Sao cô chưa về?
- Em làm việc ở đây mà. Đây là một điểm kinh doanh của ông ta.
- Ông nào nhỉ?
- Ông chủ ấy. Ông hơi đứng tuổi, cao to nhất ấy.
- Chứ không phải là bà hả? – Bà nào ? À cái bà cứ được ông ta phong cho là chủ súy ấy à. Đâu có. Bà ta là khách. Tất cả mọi người vừa tắm biển, nhậu nhẹt với ông ta đều là khách. Khách hỗn hợp: Sài Gòn, Đồng Nai, Sông Bé, Đồng bằng sông Cửu Long… Xí nghiệp, tư thương có kinh tế văn hóa nghệ thuật, cò bự, kẻ thấp người cao… có liên quan công việc làm ăn, ông mời cả đấy.
- Ông chủ là ai mà ghê nhỉ!
- Còn phải nói! Biết gọi là gì. Thượng vàng hạ cám. Bất kể việc lớn bé, miễn là có lợi là ông ta nhảy vào. Đâu cũng có thể là đất buôn đất bán của ông. Ông đang định lập thêm nhà hàng mới, cái hình của một câu lạc bộ. Ông đang ve vãn bà bạn ông ta yêu quý đứng chủ trì mà bà cứ khăng khăng từ chối.
- Cái bà nói tiếng miền Trung vừa nãy ấy à? Cô biết bà ta không?
- Em chỉ biết rất sơ sài. Nghe đâu bà làm một ngành chuyên môn gì đấy trong quân đội vừa mới nghỉ hưu. Còn trẻ, đẹp thế mà nghỉ hưu. Như đâu là một nghệ sĩ.
- Nhà bà ta ở thành phố à?
- Em chịu. Năm thì mười họa về tắm biển, bà ta rất khác người.
- Khác ở chỗ nào?
- Anh cặn kẽ làm gì thế? Nghĩa là bà ta chẳng giống một ai …
Thế là sau hơn chín ngàn vòng quay trái đất đi tìm kiếm, tôi đã để hút mất em. Một hôm biển gọi Cửa Tùng. Chiều hồng An Du Đông. Lữ thứ. Bỏ đường Bảy mươi, rẽ vào một con đường thoai thoải dốc. Tôi thắp một nén hương. Một bóng chiều hồng, cứ y hệt ngày em đưa tôi về chào thăm bố mẹ.
Chẳng còn là gì cả. Ngọn đuốc đã lụi tàn; chấm lửa lắt lay còn cứ muốn thổi gió cho cháy bùng lên. Kỳ cục con người ta là thế vậy.
N.T.H.