Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chồng tôi

LTS: Lê Kiên Thành (sinh năm 1955), là học sinh giỏi văn của trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội); tốt nghiệp Học viện kỹ thuật hàng không quân sự Giucopxky, Matxcova, Liên bang Nga. Có các truyện ngắn “Âm thanh” đăng ở tạp chí Nhà văn và Cuộc sống (Hội nhà văn), “Câu chuyện của Hương” - tập san Linh khí quốc gia (TP Hồ Chí Minh). Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu truyện ngắn đầu tiên của anh cộng tác với quê nhà.

1. Anh hơn tôi 5 tuổi. Chúng tôi là hàng xóm khu tập thể Giảng Võ, bố chúng tôi làm việc cùng cơ quan. Lúc nhỏ, tôi vẫn nhớ, anh hay giúp mẹ xách nước lên nhà tôi tận tầng 5 và cứ chối đây đẩy mỗi khi mẹ mời ở lại ăn cơm: “Dạ thôi, để hôm khác ạ”, và chẳng bao giờ có hôm khác. Anh hiền lành, rắn rỏi, tốt bụng. Tôi chỉ không thích ở anh cái mùi mồ hôi chua chua. Nhớ có lần nhờ anh chỉ dùm bài toán khó, tôi đã nhịn thở lâu nhất có thể. Đến khi không chịu được, tôi phì một tiếng thật to làm anh hốt hoảng: “Sao thế Lan, anh giảng em không hiểu à?”. Tôi chỉ gật gật và biết mình sắp ngất.

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Lâu không thấy anh, tôi hỏi, bố tôi nói đầy vẻ thán phục: “À, thằng Chiến nó đi bộ đội đặc công rồi, đang học đại học mà xin đi đấy!”.

Khi đang học năm cuối ở Học viện Ngân hàng thì một biến cố đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Ngay từ năm thứ nhất, tôi bất ngờ đến sững sờ, Quân, lớp trưởng, tỏ tình. Quả thật, đó là chàng trai mà hầu hết con gái trong lớp đều thích, trừ tôi. Cũng chẳng phải tôi cao ngạo gì, đơn giản vì nghĩ: “Chẳng phải của mình!”

Yêu nhau rồi, Quân tâm sự: “Ở Lan có cái gì cuốn hút lắm, bạn thường làm mọi người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, còn chính mình thì dửng dưng với tất cả, sao lạ vậy?”.

Ba năm cùng học thì điều ngạc nhiên nhất cuối cùng đã tới khi tôi thấy Quân lén hôn một sinh viên năm nhất. Tối hôm ấy, đang đứng ở lan can và nghĩ: “Nhảy xuống thế nào phải chết ngay, chứ chỉ què quặt suốt đời thì đừng”, bỗng tôi thấy mẹ gọi: “Lan ơi, có anh Chiến và chú Thao sang chơi này!”.

Anh đã đeo quân hàm thiếu uý, đen đi nhiều nhưng trông rắn rỏi, điềm tĩnh, chững chạc. Nhìn tôi, anh cười: “Học vẫn giỏi chứ, cô bé nhà bên?”. Tôi thì gượng gạo vì chẳng có tâm trí nào: “Dạ, anh mới về phép ạ”. Câu chuyện thật vui về những năm tháng khó khăn đã qua, về cuộc sống đang khởi sắc hiện tại. Mẹ tôi lởi xởi:

 - Thế thiếu uý bao giờ cho cô chú ăn kẹo đấy?

Bất thần, tôi ngồi sát vào anh, ôm ngang lưng:

- Dạ, hôm nay chúng con thưa thật với bố mẹ và chú, hai chúng con yêu nhau lâu rồi, từ hồi còn bé cơ, hôm nay xin phép cả nhà cho bọn con chọn ngày để tổ chức, được không ạ?

Cùng một lúc, chén nước chè trên tay mẹ và anh Chiến rơi xuống đất. Tôi lấy tay xoay nhẹ mặt anh về phía mình, nhìn thẳng vào đôi mắt mà tôi tin là lần đầu tiên ánh lên tia hốt hoảng: “Có đúng vậy không anh?”.

Khi tôi chia thiệp cưới cho cả lớp thì sự hốt hoảng của lớp trưởng mới khủng khiếp làm sao và tôi chỉ thầm nghĩ trong phút giây sung sướng man dại của mình: “Anh Chiến ơi, em xin lỗi anh ngàn lần!”.

 2. Tôi bây giờ đã là Trưởng Phòng Khách Hàng Doanh Nghiệp của một ngân hàng cổ phần lớn nhất nhì nước và đã có hai con nhỏ, một gái, một trai. Cuộc sống nói chung ổn thoả trừ việc của chồng tôi. Anh bị giáng quân hàm và loại ngũ khi tát một tiểu đội trưởng vì tội hành hạ lính mới. Cậu ta lại là con trai thiếu tướng Phó Chính uỷ Binh chủng.

Tôi xin cho anh làm lái xe chở tiền của ngân hàng vì với lý lịch đó, anh xin việc ở đâu cũng bị từ chối. Tôi tưởng anh sẽ khó chịu khi chỉ là một nhân viên quèn còn vợ lại là sếp lớn, nhưng không phải. Anh chẳng hề phiền muộn, khi nhắc đến anh thì mọi người, nhất là các cô gái trẻ ở quầy giao dịch: “Anh Chiến lái xe à, chồng sếp Lan ý!”. Anh thường về sớm đón con, lau dọn nhà cửa sạch sẽ, thổi nồi cơm, luộc đĩa rau và chờ tôi trên đường về ghé mua thức ăn ở tiệm. Anh ít khi ăn những thứ mà ba mẹ con khen xuýt xoa vì đã kho riêng cho mình một nồi cá, nhìn đen ngòm, chẳng hiểu theo kiểu gì.

Tổng giám đốc mới của tôi là một người tương đối trẻ, được chiêu mộ từ một ngân hàng nước ngoài, bản thân cũng học nước ngoài từ nhỏ nên tác phong, cung cách làm việc cho đến cách nói chuyện cũng rất khác. Lúc đầu tôi thấy lạ lẫm, nhưng rồi quen dần lại thấy hay hay, có gì đó văn minh, hiện đại nhưng không hề quá lố. Đặc biệt nhất là mùi nước hoa sau cạo râu mà anh sử dụng (sau này tôi mới biết là của Dunhill, một hãng vừa làm thuốc lá, vừa làm thời trang), có gì đó kín đáo nhưng lại sang trọng khiến ai đứng gần anh một lần là nhớ mãi. Đi tiếp khách hàng cùng anh nhiều lần, thấy anh ăn uống lịch sự, không nài ép mọi người uống rượu đến say mèm như sếp cũ, khi nào câu chuyện làm ăn có vẻ bế tắc là anh kể vài chuyện tiếu lâm nhẹ nhàng và rồi mọi việc đều êm thấm.

Từ khi có sếp mới, tôi thường cố gắng đi làm sớm hơn một chút, nhưng lần nào vào đến thang máy là biết anh đã đến trước khi ngửi thấy mùi hương ấy, cái mùi tưởng đã quen mà lại lạ lẫm như lần đầu, buồn cười thế.

Cuộc sống ở nơi làm việc tốt đẹp lên bao nhiêu thì sự khó chịu khi ở nhà tăng lên bấy nhiêu. Tôi phải giặt riêng đồ của chồng vì cái mùi chua chua đã đậm đặc tới mức không chịu nổi. Trong lúc ăn, không biết bao nhiêu lần tôi phải nhắc: “Anh đừng chóp chép thế, trẻ con nó bắt chước”. Anh bao giờ cũng cười xoà: “Thế mới thấy vị ngon của gạo, cu An nhỉ!”. Thằng An gật gật, miệng bắt chước chóp chép rõ to, nói:

 - Bố ăn kiểu bộ đội đi!

Chồng tôi trở ngược đầu đũa và cơm vào miệng trước cái nhìn đầy ngạc nhiên, thú vị của bọn trẻ. Tôi lẩm bẩm: “Chỉ toàn thứ vớ vẩn!”

 3. Hôm đó, tôi ở lại muộn làm xong giấy tờ cho đợt thanh tra sắp tới thì chuông điện thoại. Sếp gọi. Mang đống tài liệu lên định quay ra thì anh bảo:

- Chị Lan này, tôi hỏi thật nhé, có phải tôi là người duy nhất trong ngân hàng này mà chị không ưa, đúng không?

- Ô, tại sao sếp lại nghĩ vậy ạ?

- Vì tôi thấy tôi là người duy nhất mà chị không bao giờ cười!

Mà đúng thế thật. Mọi người thích tôi vì tính hài hước, rộng rãi, quảng đại. Mỗi lần liên hoan là lũ nhân viên trẻ xúm xít quanh chỗ tôi ngồi, rồi cười nghiêng ngả. Nhưng không một lần nào tôi ngồi cạnh Tổng giám đốc.

- Dạ, không phải thế đâu ạ, chắc tại nhiều việc quá nên tôi lúc nào cũng hơi bị căng thẳng đấy sếp ạ.

 - Bây giờ thế này đi, tôi có tên do bố mẹ đặt cho, chị hãy gọi là “anh Thắng“ giùm nhé. Sau đợt thanh tra tôi sẽ mời chị đi ăn một bữa, mình làm quen nhau lại từ đầu, được không?

Ngồi trong quán ăn đồ Nhật trên tầng 22 của một khách sạn 5 sao, không khí thật ấm cúng, trữ tình khi anh chọn hai chỗ kín đáo trong góc, gần cửa sổ. Anh kể cho tôi nghe những ngày tháng du học ở nước ngoài, những vấp váp đầu đời trong cả công việc lẫn trong tình yêu. Giọng anh thật nhẹ nhàng, tình cảm trái ngược với sự khô khan, lạnh lùng như khi ở cơ quan. Khi kể đến chuyện người vợ đầu bỏ anh, mang cả con theo một người bạn mà anh rất quý mến, anh nghẹn ngào:

- Khó mà hiểu được những giá trị thật trong cuộc đời lắm Lan ạ!

Lần đầu tiên nghe anh gọi tên không như thế, tôi thót cả tim, một luồng khí nóng hổi không biết từ đâu len lỏi khắp cơ thể.

- Ai cũng nghĩ tôi có một cuộc sống đầy đủ, nhưng không phải vậy. Hoàn toàn không phải vậy.

Anh nhìn buồn ra phía xa, nơi thành phố về đêm đầy ánh đèn. Bất giác tôi nắm tay anh và thấy anh siết nhẹ, chắc anh đang xúc động. Trả tiền xong, chúng tôi đứng dậy ra về. Cửa thang máy vừa đóng lại, anh bất ngờ ôm choàng lấy tôi, hôn gấp gáp lên cổ, lên má tôi. Tôi chỉ kịp nghe: “Anh cô đơn quá!” thì môi tôi đã cảm nhận cái nóng hổi từ nụ hôn mà chưa bao giờ dịu dàng và ngọt ngào đến thế. Mấy ngón tay của anh cuống quýt khắp cơ thể khiến tôi muốn khuỵ chân, khi chúng vừa mon men tới gấu váy thì “tinh tinh”, thang máy báo tới tầng G, chúng tôi vội bắn ra hai góc.

Chúng tôi im lặng suốt quãng đường vì ngập tràn trong hạnh phúc và xen lẫn sự ngượng ngùng, xấu hổ.

- Anh cho em xuống đầu phố nhé.

Anh gật đầu.

Trước khi tôi mở cửa xe, anh nói:

 - Anh có xin cho chồng em sang làm Đội trưởng đội xe ở ngân hàng V. Lương rất tốt mà lại gần nhà, em bàn với anh Chiến nhé, thế tiện hơn.

Tôi lí nhí cám ơn rồi bước vội ra.

Cả nhà đã ngủ ngon. Cu An chợt ú ớ nói mê rồi sụt sùi khóc. Tôi ôm con và dỗ: “Mẹ đây, mẹ đây, ngủ đi con”. Tôi nằm thao thức tới sáng, và lâu lắm rồi tôi không ngủ cùng chồng, lâu lắm rồi tôi mới thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình.

4. Suốt mấy hôm tôi cứ tránh gặp sếp vì bị cảm giác cả ngân hàng đã biết chuyện của chúng tôi. Có đôi lần gặp trong thang máy, dù chỉ có một hai người nữa, tôi thì lúng túng nhìn những con số báo hiệu tầng đang nhảy, còn anh vẫn vẻ lạnh lùng như thường lệ, tài thật, tôi nghĩ.

Hôm nay, giờ nghỉ trưa, tôi lén lên phòng anh mặc dù cả ngân hàng biết quy định: “Không ai được làm phiền sếp, kể cả cháy nhà!” từ Trưởng phòng hành chính.

Cả tầng vắng lặng, thơ ký Nga xinh đẹp chắc cũng đi ăn và tranh thủ ngồi tán gẫu, cửa phòng anh hé mở. Tôi nhẹ nhàng bước vào và sững lại, anh đang ôm ghì bé Nga, mấy ngón tay điêu luyện lướt trên thân thể người con gái còn miệng thì vừa hôn, vừa thì thào: “Anh cô đơn quá, anh cô đơn…”.

Không gian đang câm lặng mà tôi như nghe thấy hai tiếng sét và như đang rơi xuống vực thẳm.

Lẳng lặng bước ra ngoài, không đi thang máy, tôi men theo thang bộ để còn vịn, khỏi ngã. Có ai đó hét gì vào mặt nhưng tôi chẳng nghe, chẳng hiểu gì hết. Bước ra sảnh, mọi người đang xúm đông xúm đỏ dạt ra cho tôi đi và tôi chỉ kịp thấy chồng tôi nằm trên sàn giữa vũng máu trước khi ngất đi.

Tỉnh dậy, trong bệnh viện mọi người xúm quanh tôi, tranh nhau kể chồng tôi đã đánh nhau với bốn tên có súng định cướp ngân hàng, anh tước súng bắn hai phát chỉ thiên (là tiếng mà tôi tưởng sét khi trong phòng sếp) thì bị đâm sau lưng, mất nhiều máu nhưng sẽ qua khỏi. Tôi lập cập gọi về cho con lớn là bố ốm, mẹ đưa bố đi viện, trông em, đợi mẹ về. Tôi lao vào phòng anh mặc cho bác sỹ ngăn cản, gục đầu trong tay anh khóc thảm thiết.

Anh hé mắt, nói yếu ớt: “Em về với các con đi, anh không sao đâu…”.

Tôi ngạc nhiên thấy hai đứa đã ngồi trước mâm cơm đợi. Con chị vừa xới cơm ra bát vừa nói:

- Bố bắt cướp phải không mẹ? Các cô chú ở ngân hàng gọi điện liên tục, ai cũng ca ngợi bố! Bố cũng dạy con nấu nồi cơm điện và luộc rau này mẹ. Hôm nay nhà mình ăn tạm cá kho của bố nhé.

Hai đứa vừa ăn vừa xuýt xoa: “Sao ngon thế này mà bố toàn ăn một mình, ích kỷ nhỉ mẹ nhỉ!”.

Cu An trở đầu đũa và cơm: “Mẹ trông con ăn kiểu bộ đội này. Lớn lên con cũng bắt cướp giống bố.”

Đêm đó, nằm ôm chiếc gối đượm mùi mồ hôi của chồng, tôi khóc cạn nước mắt và nghẹn ngào: “Anh ơi, em suýt mất anh, mình suýt mất nhau!”.

Gần sáng, tôi ngồi dậy viết lá đơn xin thôi việc và một mảnh giấy kèm vào đó: “Thưa sếp, đừng làm điều gì bỉ ổi, ngay cả lúc cô đơn nhất!”.

L.K.

LÊ KIÊN THÀNH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 333

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

4 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground