Ông ở một mình trong cái chòi giữa rừng sâu cùng với đàn chó trung thành. Lần lên đây, tôi đã phải chết khiếp vì những con chó to như những con bê từ trong chòi vừa sủa vừa lao ra, hướng về phía tôi. Đang lúc hoảng loạn, chưa biết phải đối phó ra sao, thì từ trong chòi, ông thò đầu ra quát một tiếng gì đó tôi nghe không rõ. Lập tức, mấy con chó dừng lại, không sủa nữa. Chúng quay lại phía ông kêu lên ư ử, vẫy vẫy đuôi, ra vẻ mừng rỡ. Ông từ trong chòi bước ra. Dáng ông cao to, lực lưỡng. Tóc ông để dài, bồng lên như sóng lượn. Nhưng điều làm tôn lên vẻ oai phong ở ông có lẽ là bộ râu quai nón. Bộ râu đen rậm phủ gần kín hai má và kéo dài xuống, che luôn cả cái cằm.
Tôi theo ông vào chòi. Cái chòi chừng hơn chục mét vuông nhưng cao ráo, sạch sẽ. Trong lúc ông pha nước mời khách thì tôi đảo mắt nhìn khắp nơi một lượt. Một chiếc giường đơn. Một cái bàn con. Cái radio treo bên vách. Sát đó còn có mấy cây rựa, cây dao, và một cây mã tấu dài, mũi nhọn hoắt, sáng bóng nước thép. Những con chó của ông, con nằm, con đứng, quẩn quanh phía ngoài hiên.
Tôi nghe tiếng ông từ lâu, nhưng hôm nay mới có dịp gặp ông. Ông là người trông coi, bảo quản hàng trăm hécta rừng ở đây. Trước kia, nạn chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép xảy ra triền miên. Từ ngày ông tình nguyện lên đây nhận chăm sóc, bảo quản khu rừng thì vấn nạn trên đã hoàn toàn chấm dứt. Trong câu chuyện với ông, tôi đặc biệt thích thú khi ông nói về đàn chó của ông. Ông bảo, sở dĩ bọn lâm tặc không dám tung hoành ngang dọc như trước một phần là nhờ ở những con chó. Chó của ông được ông chăm sóc, nuôi dạy, huấn luận kỹ càng, nên con nào con ấy to lớn, khôn ngoan, bảo gì nghe nấy.
Minh họa: NGUYỄN THÀNH SƠN
Rồi ông kể, có lần, một bọn người đến khu rừng của ông chặt gỗ. Khi chúng đang hí hửng giáng những nhát búa bồm bộp vào thân cây thì ông phát hiện được, ra lệnh cho đàn chó rượt đuổi. Thế là cả đàn, ba, bốn con vừa sủa, vừa lao về phía trước như tên bắn. Chúng chui qua những lùm cây gai góc, băng qua những con suối, bất chấp tất cả. Bọn người phá rừng nghe tiếng chó sủa thì hoảng hốt vứt cả búa bỏ chạy. Một người chạy không kịp, bị cả đàn chó chồm lên người. May mà ông kịp ra lệnh cho chúng dừng lại, nếu không chẳng biết điều gì sẽ xảy ra.
Lần khác, có hai chiếc xe máy đèo mấy khúc gỗ quý, chạy ngang qua khu rừng của ông. Biết chắc là bọn lâm tặc đang chở gỗ lậu về xuôi, ông liền dẫn chó ra đuổi theo chúng. Đường rừng gập ghềnh, lồi lõm khó đi, xe máy dù tăng ga hết cỡ cũng không thể có tốc độ nhanh hơn loài chó. Chúng đuổi kịp hai chiếc xe máy, khiến bọn chở gỗ mặt tái xanh tái xám. Nhưng chúng vẫn ung dung cho xe vượt lên. Bốn con chó vẫn bám theo, chúng vừa sủa, vừa vây lấy hai chiếc xe đang tăng tốc hết cỡ. Rồi, một trong hai chiếc xe loạng choạng đổ nhào ra đất. Xe kia thấy không thể thoát cũng đành phải dừng lại.
Còn nhiều vụ tương tự như vậy nữa!
Tiếng tăm về ông và những con chó khôn ngoan của ông từ đấy được cả vùng biết đến. Rồi thì tiếng lành đồn xa. Bọn lâm tặc tỏ ra sợ hãi, không dám bén mảng đến khu rừng do ông quản lý nữa. Nhưng chúng cũng nói thật rằng, chúng sợ ông thì ít, mà sợ chó của ông thì nhiều.
Khu rừng trở lại bình yên với màu xanh muôn thuở. Ai cũng đặt câu hỏi, ông là ai và tại sao ông lại nuôi dạy được những con chó tinh khôn đến như thế? Rồi câu hỏi ấy cũng không mấy khó trả lời, khi người ta biết chắc chắn rằng, đời quân ngũ xa xưa của ông cũng từng gắn với công việc quản lý, nuôi dạy chó. Gần mười năm khoác áo lính thì cũng từng ấy năm ông làm người chiến sĩ trông giữ chó nghiệp vụ…
*
Thời trẻ, anh Bồn gia nhập lực lượng Bộ đội Biên phòng, ngày ấy gọi là Công an vũ trang. Tưởng vào Biên phòng thì được cùng đồng đội ngày ngày tuần tra, làm bạn với non cao biển cả, có sóng gió khơi xa, hay mây vờn đỉnh núi trên những cánh rừng biên giới. Nào ngờ, nhập ngũ chưa được bao lâu thì anh được cấp trên cho đi đào tạo lớp trung cấp quản lý chó nghiệp vụ. Học xong ra trường, anh trở về đơn vị cùng với một chú chó đặc biệt thông minh. Nó là giống chó bécgiê của Đức nên cao to như một chú bê con. Toàn thân nó mượt mà, bao phủ bởi lớp lông màu hung hung. Dưới bụng nó lông chuyển sang màu hồng hồng, thỉnh thoảng điểm xuyết vài mảng lông màu đen. Tai nó to, mũi to, răng sắc nhọn. Tiếng nó sủa vang như trống đánh, cách ba quả đồi vẫn nghe. Đôi mắt nó sáng đẹp, long lanh, lấp lánh, toát lên vẻ khôn ngoan riêng biệt của loài chó. Nó tỏ ra nhanh nhẹn, tháo vát mỗi khi luyện tập. Khi nằm nghỉ thì nó ngửng cao cổ ngó nghiêng bốn phía. Nó có một cái tên rất lạ, rất riêng, là Chuvi. Tên nó chẳng ai biết, ngoài anh Bồn và người chỉ huy cao nhất của đơn vị. Chẳng may, tên nó lộ ra ngoài, bọn tội phạm biết được, việc sai khiến nó sẽ trở nên dễ dàng. Chuvi có cái mũi đánh hơi cực kỳ tài tình, cái gì giấu ở đâu, nó đều tìm ra được. Hồi kết thúc khóa đào tạo, anh Bồn cho Chuvi đánh hơi đôi dày của mình rồi trốn đi thật xa, cách trường học cả trăm cây số, qua gần hai ngày đêm, nó vượt bao sông suối, núi đồi, tìm ra được anh.
Đất nước sau giải phóng. Về đồn chưa được bao lâu, Chuvi đã phải lần theo dấu vết của bọn tàn quân ngụy lẩn trốn. Một mẩu thuốc lá, một chiếc hộp lạ, một bếp lửa tàn lụi… giữa rừng sâu, đều không qua được cái mũi rất thính của nó. Những người lính Biên phòng bám trên những vách đá cheo leo, băng qua những cánh rừng chưa từng có dấu chân người, theo nó, truy đuổi bọn người lưu vong nuôi tham vọng “chuyển lửa về quê hương”. Những cuộc truy tìm ấy cả người và chó lang thang trong rừng sâu, có khi kéo dài hàng tháng trời. Cũng có lần suýt chết vì bị đối phương chống trả quyết liệt.
Ở đồn Biên phòng, vui nhất là mỗi khi anh Bồn dẫn Chuvi ra thao trường luyện tập. Những lần ấy, cán bộ, chiến sĩ, nhất là những chàng lính trẻ, ai cũng muốn một lần được vào vai gián điệp, biệt kích, để Chuvi truy đuổi. Dù rằng việc này không đơn giản. Bởi, Chuvi nặng tới 42 cân. Mỗi lần rượt đuổi, khi cần thiết, nó tăng tốc. Và khi lao vào, với tốc độ khủng khiếp ấy, nó có thể xô đổ đối phương chỉ trong chốc lát. Đã được bảo hộ, nhưng không phải lúc nào cũng an toàn tuyệt đối. Có người do bị nó tấn công, xô ngã, trầy xước cả tay chân. Dẫu khôn ngoan đến mấy thì Chuvi vẫn chỉ là loài chó. Đã là loài chó thì nó làm sao phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, đâu là chiến đấu thật sự, đâu là luyện tập thao trường? Nó chỉ biết tấn công. Tấn công đến cùng, tấn công không dừng lại, khi chưa có lệnh chủ nó.
Những buổi sáng đơn vị chạy vũ trang, mọi người nai nịt súng đạn đầy đủ, đứng tập hợp ở sân đồn. Anh Bồn dẫn Chuvi ra, tự nguyện đứng vào hàng. Mọi việc nó răm rắp làm theo. Lúc chạy, anh Bồn nắm dây cương cùng Chuvi dẫn đầu đoàn quân. Băng qua những bản làng, nhiều người dân đứng sẵn hai bên đường chờ xem bộ đội luyện tập. Nhưng cái chính là họ muốn tận mắt được thấy Chuvi. Các cô gái ở nông trường trồng rừng thì mỗi lần thấy đơn vị ngang qua, bao giờ các cô cũng lấp ló bên khung cửa nhìn ra. Chả biết các cô thích ngắm những anh lính Biên phòng trẻ khỏe, đẹp trai, hay tò mò muốn biết Chuvi của Bộ đội Biên phòng oai phong đến mức nào?
Nông trường trồng rừng phần lớn là các cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, từ dưới xuôi lên. Họ đi theo tiếng gọi của quê hương lên đây trồng cây, gây dựng lại màu xanh sau chiến tranh. Nhiều cô rất xinh, chưa chồng. Anh Bồn chưa từng có mảnh tình vắt vai, nên thỉnh thoảng vào ngày nghỉ lại rủ đồng đội đến nông trường chơi. Nói là “chơi” nhưng mục đích chính của anh đến đó là để… tán gái. Mẹ anh dưới quê lâu lâu lại giục anh nhanh nhanh lấy vợ để bà có cháu nội. Anh hy vọng đến nông trường may ra gặp được người con gái nào đó. Anh đã gặp, tán tỉnh với vài cô, nhưng xem ra chưa cô nào có cảm tình với anh. Anh nằm thở ngắn thở dài, tìm hiểu lý do. Rồi anh tự động viên mình, có lẽ do duyên số chưa tới. Mà lạ quá, mỗi lần gặp, nói chuyện với các cô, giữa thanh thiên bạch nhật, bao giờ anh cũng nhận được câu hỏi:
- Ở đồn Biên phòng, anh Bồn làm công việc gì?
Những lúc ấy anh có vẻ hơi ngại ngần một chút, nên trả lời cứ ấp a ấp úng:
- Tôi… tôi… làm… cảnh khuyển ấy mà…
Đến lượt các cô ngạc nhiên:
- Cảnh khuyển là công việc gì hả anh?
- Là… là… trông giữ… giữ chó của đơn vị…
- À, em hiểu rồi. Con chó mà sáng sáng các anh vẫn cùng nó chạy ngang qua đây. Người dẫn chó chạy đầu hàng quân là anh Bồn phải không?
- Vâng!
- Nhìn anh, cả con Bécgiê nữa, trông thật hùng dũng. Mà con chó của đơn vị anh trong rất đẹp, khôn nữa. Bọn em rất thích! - Nói xong các cô nhìn nhau tủm tỉm cười.
Chết! Hay tại các cô biết anh làm công việc giữ chó nên… coi thường? Các cô bảo “rất thích” chả biết có thật lòng không? Con gái nói không là có, nói có là không, người ta thường bảo thế. Trai tráng thiếu gì, yêu ai không yêu, lại đi yêu cái anh chàng giữ chó bao giờ!
Sáng sáng, công nhân nông trường, nam thanh nữ tú lại vác cuốc, xẻng lên đồi san lấp mặt bằng trồng cây. Anh Bồn cũng thường cùng đồng đội tuần tra qua đấy. Chuvi hôm ấy được thả chạy tự do, không cần giữ dây cương. Nó đùa giỡn với mấy chú chó vện của ai đấy một lúc, rồi chỉ trong tích tắc, nó nhẹ nhàng đến sau lưng một cô công nhân. Cô gái mải làm việc, không để ý nên không hay biết gì. Anh Bồn trong tích tắc ấy cũng không hay biết gì. Chuvi đến sát sau lưng cô gái, nó dí cái mõm vào vạt áo sau của cô hít hít mấy cái rồi cắn vào đó lôi xuống. Cô gái giật mình quay vội lại, nhận ra chú chó to lớn, đang long lanh cặp mắt nhìn mình, cô mới hoảng hốt kêu lên và bỏ chạy. Anh Bồn đến bên:
- Không sao đâu cô. Con chó của tôi nó không làm gì cô đâu…
- Em sợ quá! Tại sao nó lại…
Anh Bồn cười:
- Chẳng sao cả… Đó là tại nó thích cô thôi.
- Thích tôi? - Cô gái ngạc nhiên.
- Con chó của tôi rất giỏi. - Rồi anh ghé vào tai cô nói nhỏ - Tại nó biết trước sau này thế nào cô cũng thành người nhà của chủ nó.
- Cái anh này… chỉ được cái dẻo mép.
Thực tình lúc đó anh Bồn chỉ thuận miệng trêu mấy câu cho vui thôi. Nhưng cô công nhân đã bất ngờ đỏ mặt, tỏ vẻ e thẹn. Rồi cô nguýt anh một cái rõ sắc quay người bỏ đi. Anh Bồn thấy tim mình đập loạn xạ trước cái nguýt dài chả biết là giận hờn hay trách móc của cô gái. Anh cũng không hiểu vì sao hôm nay anh lại bạo mồm bạo miệng đến vậy. Mà cái cô gái ấy thật xinh đẹp, thật dễ thương. Qua nông trường bao bận, anh chưa từng gặp cô lần nào. Chỉ thoáng gặp hôm nay, nhưng khuôn mặt cô, cái miệng cô, mái tóc cô, và cả cái nguýt của cô thì có lẽ ngàn đời không bao giờ anh quên được. Tự nhiên, ngày này qua ngày khác anh luôn nghĩ đến cô, tơ tưởng về cô. Anh mong được gặp lại cô.
Một tối, Đồn trưởng Trạc cho người gọi anh lên có việc gấp. Chắc lại có chuyện gì rất cần đây! Nghĩ thế và anh đi ngay. Đến nơi, anh thấy Đồn trưởng đang ngồi nói chuyện với hai người đàn ông lạ. Trong khi một trong hai người đang thao thao bất tuyệt gì đó, thì Đồn trưởng chỉ biểu hiện bằng một động tác duy nhất, là liên tục gật… gật đầu. Thấy anh vào, hai vị khách đứng dậy bắt tay. Anh Bồn nhận ra một trong hai người là ông Giám đốc Nông trường trồng rừng.
Thì ra nông trường trồng rừng vừa bị mất cắp một khoản tiền lớn. Đó là tiền lương, tiền ăn và các khoản chi phí khác của gần hai trăm cán bộ, công nhân nông trường. Anh cán bộ tài vụ nông trường cho biết, chiều nay anh ta vừa về huyện nhận số tiền đó về, cất vào tủ, định sáng mai sẽ phát lương cho anh chị em công nhân. Nhưng vào lúc sáu giờ chiều, khi anh ta từ sân bóng chuyền về thì thấy cửa tủ mở toang, toàn bộ số tiền ấy đã không còn nữa. Anh lập tức báo với giám đốc rồi cùng ông sang đồn Biên phòng nhờ giúp đỡ.
Đúng là số tiền bị mất cắp khá lớn. Đó là cả một tài sản thấm đẫm bao mồ hôi, nước mắt, niềm vui, nỗi buồn, cả sự vất vả, nhọc nhằn… của biết bao con người. Người công nhân nghèo sau một tháng lam lũ làm ăn, chỉ mong đến kỳ nhận lương. Nếu mất hẳn số tiền ấy, họ sẽ sống thế nào? Mới chỉ nghĩ thế thôi, anh Bồn đã thấy như có lửa bừng bừng trong người. Anh cho rằng, sự việc mới chỉ xảy ra trong phạm vi vài tiếng. Kẻ xấu chắc chắn phải là người trong nội bộ nông trường. Có là người của nông trường mới thông tỏ mọi việc như vậy. Không thể ai khác! Nông trường trồng rừng lại nằm trong khu vực biên giới, thuộc địa bàn do đồn Biên phòng quản lý, phải nhanh nhanh sử dụng chó nghiệp vụ phá ngay vụ án này…
- Bây giờ bác trở về cơ quan - Anh Bồn nói với giám đốc nông trường - Tập hợp toàn thể anh chị em công nhân lại, cấm không cho ai được ra khỏi nông trường. Đúng 9 giờ, ai về giường người ấy, buông màn nằm ngủ bình thường như mọi ngày!
Anh Bồn dẫn Chuvi ra khỏi chuồng. Anh cúi xuống vuốt ve bộ lông mượt như nhung, phảng phất mùi xà bông thơm của nó. Anh vỗ vỗ vài cái vào hông nó, rồi xoa xoa nhè nhẹ lên đầu nó, thì thầm nói với nó vài câu. Chuvi hình như đã quen với cảm giác êm ái, ngọt ngào này từ chủ, nên nó cũng kêu lên ư ử, vẫy vẫy đuôi, lè cái lưỡi ra liếm liếm vào tay chủ. Dạo này Chuvi không được béo tốt như cách đây hai năm, khi mới từ Sơn Tây vào đây. Do phải cùng bộ đội tuần tra liên tục trong điều kiện nắng gió khắc nghiệt. Nắng gió miền Trung đối với nó là cả một cực hình. Loài chó thường chịu lạnh tốt, nhưng chịu nóng kém. Những hôm nhiệt độ cao là Chuvi nằm dài, lè lưỡi ra thở. Nó trở nên mệt mỏi, chán ăn. Dù chế độ ăn của nó hàng ngày luôn được đơn vị chi đủ. Bộ đội ăn gì, nó ăn nấy. Chỉ có một thứ nó không được ăn, là muối. Nó phải ăn nhạt quanh năm suốt tháng, ăn nhạt cả đời. Nó không ăn mặn, không có nghĩa là nó chê hoặc không ăn được mặn. Mà bộ đội không cho nó ăn mặn. Vì nó là chó nghiệp vụ, chó chiến đấu. Đã là chó nghiệp vụ, chó chiến đấu, thì cái mũi của nó cần phải đánh hơi tốt nhất. Nó ăn mặn, việc đánh hơi của nó sẽ giảm, lâu sẽ không còn tác dụng. Quy định về quản lý, sử dụng chó nghiệp vụ vì thế mà hết sức khắt khe, kể cả cái ăn cái uống của nó. Hàng ngày, vào hai buổi trưa tối, như lệ thường, anh Bồn lại xách cái xô đựng khẩu phần ăn của Chuvi ra nhà bếp của đồn, để đấy. Anh nuôi chỉ việc thái nhỏ rau, thái nhỏ thịt lợn cho vào xô, rồi đổ nước sôi vào. Khi cơm chín cho vào đó xẻng cơm nữa là xong. Không mắm muối, không gia vị, không gì hết. Bữa ăn của Chuvi chỉ có thế.
Lúc đến nông trường, nhìn vào hai dãy nhà ở của công nhân, một của nam, một của nữ, qua ánh đèn dầu, anh Bồn thấy màn ngủ buông trắng hai bên lối đi. Nhưng anh chưa vội cho Chuvi vào đó. Mà dẫn nó đến phòng làm việc của tài vụ. Từ ngoài hiên, Chuvi bắt đầu sủa lên những tiếng gâu gâu rất to. Nó rướn người, kéo dây cương, đi thẳng về phía cái tủ. Đây là cái tủ gỗ hai buồng đã bị kẻ cắp cạy cửa lấy trộm tiền. Chuvi tiến sát đến cái tủ, vừa sủa vừa hít hít vào cánh cửa. Nó thọc luôn cả mõm vào bên trong tủ. Khi lui ra, nó vừa sủa vừa chạy loăng quăng quanh cái tủ mấy vòng. Rồi nó chồm lên phía nóc tủ. Hai chân nó cào cào liên tục vào mặt cửa. Nó sủa lên mấy tiếng rất to nữa rồi lao thẳng ra ngoài sân. Anh Bồn buộc phải buông dây cương cho nó chạy tự do. Nó chạy ra chỗ giếng tắm của nông trường, ngoe nguẩy đuôi, hít hít, sủa toáng lên một lúc rồi phóng vào dãy nhà ở của nam công nhân. Dãy nhà ở khá dài. Nó chạy giữa lối đi có hai hàng giường móc màn trắng xóa hai bên. Anh Bồn phải rất vất vả mới theo kịp nó. Khi đến chiếc giường ở gần cuối nhà thì nó dừng lại, không sủa nữa, mà nằm xuống, hai chân trước choãi về phía trước, hai chân sau co lại, hơi duỗi về phía sau. Nó thở mạnh, cổ họng liên tục phát ra những tiếng hực… hực… Đầu nó hướng về phía cái giường. Giờ thì nó đang ở vào thế của một con cọp đợi vồ mồi. Chỉ cần một tiếng hô ra lệnh từ người chủ của nó, lập tức nó sẽ chồm tới, vồ lấy địch thủ. Hàm răng sắc nhọn của nó sẽ ngoạm vào cổ hay bất cứ nơi nào trên thân thể người mà nó bắt được hơi. Nhưng nó chưa kịp làm gì. Chủ của nó cũng chưa kịp làm gì. Người đang nằm trên cái giường trước mặt, chắc cũng nhận biết điều gì đang diễn ra. Chắc cũng nhận thức được rằng, ở dưới đất, ngay cạnh giường anh ta là một chú chó to, đang phủ phục ở đó, với hàm răng sắc nhọn, chuẩn bị lao vào anh ta. Không thể chịu đựng hơn được nữa cái cảm giác ghê sợ ấy, anh ta ngồi bật dậy, kêu to:
- Tôi, tôi đây! - Rồi anh ta chui ra khỏi màn. Vừa mếu máo, anh ta vừa nói thêm - Chính tôi đã lấy cắp tiền của nông trường. Tôi… tôi… giấu số tiền đó trong rừng. Hãy tha cho tôi…
Anh Bồn nhìn người đàn ông đang ôm mặt khóc, rồi cúi xuống vỗ vỗ vào người Chuvi. Một tốp nữ công nhân vây lấy anh và chú chó nghiệp vụ. Anh nhận ra trong số nữ công nhân ấy có cả cô gái xinh đẹp hôm nào anh gặp, đang tròn xoe mắt nhìn anh. Anh Bồn cũng nhìn lại cô. Hai người nhìn nhau, nhưng chẳng ai mở miệng nói được câu nào.
Đội chiếu bóng lưu động của Bộ đội Biên phòng tỉnh lên đồn chiếu phim. Bà con Vân Kiều, Pakô các bản xung quanh kéo đến rất đông. Cả công nhân nông trường cũng đến xem. Cô gái mà anh Bồn ngày mong đêm ngóng ấy cũng đến. Giờ thì anh đã biết tên cô. Ngàn. Một cái tên thật đẹp! Một cái tên dân dã, mộc mạc, như là cái tên ấy đã từ lâu gắn với núi rừng, trời mây non nước nơi vùng biên cương xa xôi này. Không hẹn mà gặp. Không xui mà trở nên gần gũi như là đã thân thiết tự bao giờ. Hai người ngồi cạnh nhau cùng xem phim. Rồi cùng nhau đi một quãng đường dài, khi anh tiễn Ngàn về lại nông trường.
Đêm ấy trở về đồn, anh Bồn không thể nào ngủ được. Bộ phim vừa chiếu anh cũng không nhớ phim gì, nội dung ra sao. Tâm trí anh giờ đây chỉ còn lại hình bóng Ngàn. Rồi cả mùi hương lá sả từ tóc Ngàn tỏa ra, khi anh ngồi cạnh cô, đi bên cô, quấn lấy anh. Tất cả những gì thuộc về Ngàn giờ đây đang ngự trị trong lòng anh, thổn thức trong tim anh. Anh phải thú thật với chính mình là anh đang thầm yêu cô. Lặng lẽ, âm thầm, tình yêu ấy ngày một dữ dội, lớn dần. Đến độ, lâu lâu không gặp Ngàn là anh quắt quay vì nhớ. Không thể giấu kín mãi cái điều hệ trọng ấy trong lòng. Trong một lần hẹn hò, anh đã mạnh dạn tỏ tình với Ngàn. Không ngờ, Ngàn cũng rất yêu anh. Cô đón nhận tình yêu của Bồn như đã đợi tình yêu ấy từ rất lâu. Hai người chính thức qua lại thăm nhau trên danh nghĩa là người yêu của nhau…
*
Thời gian vùn vụt trôi. Mới đó mà cánh rừng đã bao mùa thay lá. Anh Bồn vẫn công tác tại đồn. Chuvi năm ấy tròn 10 tuổi. Đó là độ tuổi gần như sắp đến cuối vòng quay của cuộc đời nó. Nó đã già đi rất nhiều so với trước đây. Bước đi của nó không còn nhanh nhẹn như trước. Tiếng sủa cũng trầm hơn. Bộ lông màu hung hung, hồng hồng của nó cũng không còn mượt mà như ngày nào. Nhưng nó vẫn tỏ ra là một chú chó nghiệp vụ dũng cảm và thông minh. Mười năm cùng nó là bao buồn vui, vất vả. Trên mỗi nẻo đường biên cương, bao núi cao, vực thẳm, nó đã cùng anh vượt qua. Bao cuộc tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Bao vụ án lớn nhỏ được khám phá. Tất cả đã diễn ra và đi qua trong từng ấy năm trời.
… Mấy năm sau nữa! Trong một lần anh Bồn được cấp trên cho nghỉ phép về thăm nhà. Bao giờ phải đi đâu vài ba ngày, nhất là kỳ nghỉ phép kéo dài, anh thường lo lắng cho Chuvi. Dẫu rằng, khi anh đi vắng đã có người thay anh trông giữ nó. Người thay anh trông giữ nó dù không được đào tạo trường lớp như anh, nhưng những việc cơ bản đều được anh truyền đạt kỹ. Buổi sáng hôm ra đi, anh Bồn xách xô cháo ra chuồng cho Chuvi. Nó ăn rất ngon lành. Anh mở cửa cho nó ra ngoài dạo chơi một lúc. Anh ngồi trên bãi cỏ nhìn nó chạy nhảy, đùa giỡn. Anh gọi nó đến bên, ôm nó vào lòng, thủ thỉ với nó như với người bạn thân:
- Tao về quê hai chục ngày rồi tao lên. Mày ở lại nhớ ngoan và nghe lời. Hai chục ngày không lâu lắm đâu.
Chuvi hình như cũng hiểu được những gì chủ nói với nó. Nó ve vẫy đuôi, nhưng mắt nó thì chớp chớp liên hồi. Nó lè lưỡi liếm lên tay anh, áo anh, ngực anh… Anh Bồn đứng dậy nói với nó:
- Bây giờ tao phải đi, mày về chuồng nằm nghỉ, chiều nay có buổi tập đó…
Về quê được chục ngày thì anh Bồn nhận tin Chuvi bỏ ăn, nằm một chỗ, không dậy. Anh buồn bã nói với vợ rồi cùng Ngàn tức tốc đón xe lên biên giới. Đến nơi, vợ chồng anh ra thẳng chuồng. Chuvi nằm đó, thoi thóp thở. Bác sĩ thú y từ tỉnh lên, đã khám và tiêm thuốc cho nó hai ngày nay. Nhưng xem ra nó không thể gượng dậy được nữa. Vợ chồng anh Bồn đến bên nó. Cả hai cùng nhè nhẹ vuốt lên thảm lông màu hung hung của nó. Hai mắt nó vẫn mở to, nhìn vợ chồng anh. Anh thấy từ mắt nó lăn ra mấy giọt nước. Anh ôm lấy nó:
- Chuvi, tao đây, tao đã lên với mày đây! Cả vợ tao nữa, cũng lên với mày rồi đây! Mày dậy đi…
Nhưng Chuvi chẳng hề nhúc nhích. Ngàn lấy chiếc khăn của mình trong túi xách lau mắt cho nó. Với kinh nghiệm của bản thân, anh Bồn biết Chuvi sẽ không sống được nữa. Nó chẳng bệnh tật, ốm đau gì nghiêm trọng, nhưng tuổi đời của nó chỉ đến đó. Giống bécgiê của Đức người ta đã nói rồi. Tuổi thọ chỉ đến mức ấy. Cả đêm ấy, vợ chồng anh Bồn không ngủ. Lâu lâu, anh lại thức dậy ra chỗ Chuvi nằm. Anh ngồi cạnh nó rất lâu rồi mới trở vào nhà. Sáng ra, anh dậy thật sớm. Chuvi vẫn nằm đó. Nhưng chỉ một lúc sau, khi anh trở lại, đến bên nó, thì nó đã chết.
Xác Chuvi được đơn vị chôn cất tử tế. Có một nấm mồ nho nhỏ. Một tấm bia bằng gỗ khắc tên nó. Cả đơn vị xếp hàng trước nấm mộ vừa đắp, vĩnh biệt nó. Anh Bồn thấy cay cay nơi khóe mắt. Rồi không nhịn được nữa, anh quay người lặng lẽ khóc…
N.N.C