Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chùm truyện mini

Tin nhắn

H

ọ quen nhau trong một cuộc hội thảo về môi trường do Bộ tổ chức tại khu vực miền Trung. Quen nhau rất nhanh, tất nhiên rồi, vì trong hội thảo chỉ có chàng và nàng là hai cán bộ trẻ nhất, và còn nữa, nàng không những xinh mà trông rất hiền, rất thông minh. Còn chàng, chẳng kém, rất cao ráo, mặt mày, râu tóc trông rất đàn ông. Hội thảo hai ngày, thêm một ngày tham quan, lúc nào họ cũng chọn chỗ để gần nhau, nhỏ to, hết chuyện này đến chuyện khác.

Đã sang tuổi hai tám, song chuyện tình duyên của nàng chưa đâu vào đâu. Mẹ nàng thường khuyên, con gái không được vồ vập, phải cẩn thận, ý tứ trong chuyện tình cảm. Tất nhiên, nàng nghe lời và bản thân nàng cũng ý thức rất rõ về điều đó. Tuy nhiên trong trường hợp này, mặc dù là lần đầu, nhưng gặp chàng, trò chuyện với chàng, nàng cảm thấy có cái gì đó rất khó diễn tả. Qua những câu hỏi mang tính thăm dò của nàng, chàng cho biết mình chưa lập gia đình và người yêu cũng chưa có nốt. Nàng đã đọc nhiều sách,  đã biết không ít mối tình sét đánh đã xảy ra trên đời. Với nàng thì sao? Biết đâu đấy! Nàng mê cái nhìn sâu thăm thẳm của chàng. Nếu không yêu thì người ta ai lại nhìn nhau như thế bao giờ. Nàng tin vào cảm giác của mình và nàng hy vọng. Nàng nghĩ, hai người tuy ở hai thành phố khác nhau nhưng khi thành vợ thành chồng, nàng sẽ theo chàng, không có gì đáng ngại.

Họ ghi số điện thoại của nhau và chia tay vì cuộc hội thảo đã kết thúc. Nàng chủ động gọi cho chàng ngay trong ngày đầu tiên xa nhau và sau đó chàng gọi cho nàng. Tiếp theo, để tiết kiệm họ bắt đầu nhắn tin. Tin bay đi và tin nhận về. Nàng cài một điệu nhạc riêng cho máy của mình khi có tin nhắn của chàng, một điệu nhạc rất du dương. Độ nồng thắm của tình cảm cũng lớn dần theo số tin nhắn gửi đi và nàng đoán một ngày không xa, chàng sẽ chính thức ngỏ lời.

Chiều nay, nghe tiếng nhạc rất riêng từ máy di động của mình phát ra, dù đang bận họp, nhưng không kèm được niềm vui sướng,  nàng vội vàng cúi xuống gầm bàn mở máy: “ Chúng mày đi nhậu với nhau đi! Bà xã tao mới sinh, không đi được!”.

 

Tế nhị

C

huyến tàu đi thành phố Hồ Chí Minh khởi hành từ  lúc 20h kém 15 và trong cái buồng bốn giường, ngoài tôi ra, còn có một người đàn bà nước ngoài tuổi chừng bốn lăm, dáng gầy gò, khuôn mặt trầm lặng cùng hai phụ nữ trẻ người Việt nữa.

Nghe cách hỏi chuyện của hai người phụ nữ trẻ, có thể biết ngay họ là bạn thân, cùng vào thành phố để mua sắm thứ gì đó. Khi tàu ra  ngoại ô, người đàn bà nước ngoài  lặng lẽ lấy một cuốn sách từ trong túi, bật chiếc đèn nhỏ ở đầu giường để đọc.

Còn sớm quá, tôi cũng chẳng biết phải làm gì nên lật tờ báo thể thao vừa mua ở sân ga. Hai người phụ nữ trẻ thì bắt đầu đập mấy quả trứng luộc mang theo, sau đó lột bưởi, và tiếp đến, người ở giường bên này người ở bên kia, cả hai thi nhau huyên thuyên, hết chuyện này đến chuyện khác. Nào là chuyện du lịch, chuyện con cái, chuyện xử sự của mấy bà trong xóm… Và cuối cùng, dường như hết chuyện, một chị bỗng dưng hỏi chị còn lại:

- Mấy bà người nước ngoài , bà nào cũng mập ù, cái bụng to đùng, còn bà này sao gầy như que tăm, kỳ quá hén?

- Ừ, lạ. Mà phụ nữ Tây, người nào khi lớn tuổi, dù gầy, dù ốm, trông ai cũng xấu xí tệ- Người kia hoạ theo.

Có lẽ nghĩ vị khách nước ngoài không biết gì nên hai người phụ nữ trẻ tiếp tục đi sâu vào chuyên đề cái xấu của phụ nữ Tây mà họ đã lượm lặt đâu đó và đã tích luỹ được. Tôi lấy làm khó chịu, muốn ngăn cả hai, song không biết làm cách nào, nói ra sẽ không tế nhị nên chỉ còn cách hết trở người về phía bên này, lại quay sang phía bên kia.

Cà kê, dê ngỗng đến chán rồi hai người phụ nữ cũng phải ngủ. Tôi cũng ngủ thiếp đi trong nhịp chạy của con tàu. Khi tôi giật mình thức giấc thì tàu sắp  đến ga, và tôi vô cùng ngạc nhiên, thấy người đàn bà nước ngoài đã thức dậy từ lúc nào, đang lắc nhẹ vào chân của một chị phụ nữ trẻ còn ngủ say và nói bằng tiếng Việt rất rành rọt:

- Chị, chị ơi dậy đi, tàu đã đến nơi rồi!

Cả hai người phụ nữ bật ra khỏi chăn và cả hai đều lộ rõ sự bối rối. Tôi cũng bối rối, không biết phải xử sự ra sao, đành lặng lẽ như một kẻ câm và âm thầm xách chiếc túi của mình, bước xuống ga, lòng nặng trĩu…

 

Vô tình

N

goài trời mưa lất phất và thỉnh thoảng lại có một cơn gió thổi qua làm cho cửa sổ nơi phòng anh làm việc rung bần bật. Chiều cuối tuần, mấy người bạn cùng phòng có việc đã đi hết, còn lại một mình,  thấy buồn  buồn, anh bèn mở máy tính, đánh cờ tướng.

Trò chơi đã cài sẵn, anh không giỏi cờ tướng lắm nên chỉ chơi với loại  cờ thủ amateur mà thôi. Tuy vậy, đối thủ vô hình trong máy, đúng là tay chẳng vừa, rất thông minh, liên tục thắng anh liền mấy ván. Anh không ngán, mà càng chơi càng bị cuốn hút.

Trong lúc anh đang say sưa, lưng ngửa ra sau chiếc ghế đệm, hai chân gác lên bàn, đưa tay rê chuột của máy vi tính, nhích con mã để ăn con chốt của đối phương thì ngoài cửa xuất hiện một bà cụ, dáng lom khom, thụng thịnh trong chiếc áo mưa. Tưởng bà cụ là người ăn xin,  vẫn giữ nguyên thế ngồi, anh tỏ ra khó chịu:

- Bà à! Bà ra ngoài đi! Đây là cơ quan nhà nước, không ai có tiền cho bà đâu!

- Cậu à!- Bà cụ nói rồi lấy tay vuốt những giọt nước còn dính trên mặt và định cởi chiếc áo mưa thì bác bảo vệ cơ quan, hình như vừa bỏ đi đâu đó, quay lại chỗ trực, phát hiện thấy bà cụ liền chạy tới kéo bà ra ngoài.

Một lát sau, bác bảo vệ bước vào phòng anh:

- Cậu ơi ! Bà cụ không phải ăn xin đâu. Tưởng cơ quan mình là Đài truyền hình bà cụ đến xin nộp tiền cứu trợ bão lụt…

- Thế à? - Anh giật mình, bỏ máy đứng dậy, bước ra hàng hiên. Phía bên kia đường, dưới hàng cây sao đen, bà cụ trong chiếc áo mưa màu nước mắm, xộc xệch,  đang lủi thủi bước từng bước về hướng Đài truyền hình. Một cơn gió lạnh ùa tới làm anh co hai vai lại, và anh kịp nhận ra mình đã quá vô tình.

 Quê anh vừa bị lụt lớn và đêm qua Đài truyền hình đã thông báo tổ chức một cuộc vận động quyên góp…

 

Vòng đời

K

hông phải chị không thương mẹ, nhưng công việc gia đình quá nhiều thứ phải lo toan nên đôi khi chị không thể chăm sóc mẹ mình một cách chu toàn.

Từ ngày mẹ chị già yếu, bị chứng tai biến mạch máu não, đi lại khó khăn, bà hay nhờ chị giúp đỡ, tập bà đi lại. Giúp mẹ nhưng không phải lúc nào cũng vui vẻ, có khi chị nhăn nhó, có khi bực bội, nặng lời vì chị đang bận mà bà lại hay giục, hoặc khi bà sơ ý vấp ngã… Những lúc như thế bà cụ không hề giận, không hề kêu ca lời nào, chỉ lặng lẽ, cố gắng lấy sức để luyện từng bước đi.

Rồi mẹ chị qua đời.

Sáng nay, đứa em gái từ xa về chơi, mang theo tập ảnh của gia đình. Hai chị em lật từng tấm ảnh và ôn lại bao kỷ niệm. Bỗng chị rơm rớm nước mắt khi xem tấm ảnh một người phụ nữ đang cười rất hạnh phúc trong khi tập đi cho một đứa bé gái nhỏ xíu.

 Phía sau tấm ảnh, có ghi dòng chữ đã nhoè nét mực: “Tập đi cho bé Thắm, con gái cưng của mẹ”.

Thắm chính là chị.

 

Đổi thay

H

ai nhà gần nhau, nằm đối diện trên một con đường nhỏ, vắng vẻ và chủ nhà là hai người đàn ông, một già, một trẻ.

Người già tuổi độ bảy mươi, dáng gầy gò, da ngăm ngăm song trông khoẻ, còn anh chàng trẻ tuổi chừng bốn mươi, da trắng, người to, bụng phệ nhưng trông nặng nề.

Ba năm, trước anh chàng trẻ tuổi mua nhà, dọn tới ở gần, ông cụ nhà đối diện tỏ ra niềm nở, lân la hỏi chuyện, nhưng chủ nhà mới tới chỉ ậm ừ. Cả chị vợ anh ta cũng vậy, ngó bộ im im thế nào. Tuy nhiên, ông cụ là người dễ tính, không chấp. Ông biết cả hai vợ  chồng anh hàng xóm đều làm cán bộ nhà nước, là Sếp ở hai cơ quan. Ông nghĩ, có lẽ làm lớn, tiếp xúc nhiều, việc nhiều, mà việc nhiều thì lo nhiều, lo nhiều khiến người ta ưu tư là chuyện thường.

Rồi ngày tiếp ngày, đôi lần, bước ra,  thấy anh chàng hàng xóm đứng ở sân, hoặc đi ngang thấy anh ta  trò chuyện với bạn bè ở cổng, ông cười và gật đầu chào. Cũng có lần anh  trẻ gật đầu một cái  cho xong chuyện, còn những lần khác thì anh ta lơ, hoặc làm như bận rộn, hoặc làm như không thấy. Thực ra, cũng có lúc ông già bực bội, nghĩ rằng, anh chàng trẻ ỷ mình làm lớn, có xe nhỏ rước, xe to đón nên coi thường ông. Song sau đo, ông gạt phăng ý nghĩ ấy đi, cho là mình nông nỗi. Anh ta bằng tuổi con ông chứ mấy, vả lại, trời sinh mỗi người một tính, có người ít nói, người nói nhiều là điều đã có ngàn năm trên đời.

Lâu dần thành quen, ông già thôi, không chào hỏi nữa và cũng không bận tâm mấy với cái việc mang tính xã giao kia. Là cán bộ về hưu, vợ mất, mấy đứa con lớn lên đều đi làm việc ở xa, nên hàng ngày, đọc sách, xem ti vi chán chê, thời gian còn lại ông thường lui tới mấy nhà trong khu vực, trò chuyện, thấy ai cần gì thì ông bày vẽ hoặc giúp đỡ. Đôi lúc, thấy mấy cái bao ni lông do bọn nhỏ vứt bừa bải trước nhà anh chàng trẻ, ông cũng nhặt, bỏ gọn gàng vào một chỗ mà chẳng chút câu nệ.

Chiều nay, vừa đi chơi với mấy người bạn già trở về, ông cụ lấy làm ngạc nhiên khi thấy anh chàng hàng xóm trẻ tuổi đang đứng ở đầu sân nhìn ông cười và “chào bác” một tiếng thật to, rất chi niềm nở.

   - A, xin chào! Ông tỏ ra vui vẻ đáp. Anh chàng trẻ còn mời ông vào nhà chơi nhưng ông từ chối vì đã đến giờ truyền hình chiếu bộ phim hay.

Ở nhà mình, ngửa lưng trên ghế, xem phim ông cụ cảm thấy khoan khoái vô cùng, một phần vì phim hay, phần vì sự đổi thay ở anh chàng hàng xóm. Nhưng chỉ một lát sau, có một bà cụ, nhà cũng nằm cạnh nhà ông, gọi cửa bước vào:

- Ông biết gì chưa? Cái thằng cha tre trẻ trước nhà mình là Phó giám đốc Sở X. vừa bị đình chỉ công tác để điều tra vì dính líu đến vụ tham ô lớn đấy!

- Bà nói sao?- Ông hỏi rồi đứng ngớ ra, lẩm bẩm - Hèn chi thấy khác khác…

 

                                                                          H.N.T

 

Hoàng Nhật Tuyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 169 tháng 10/2008

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground