Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuông gió

“Ở đây lúc nào cũng gió. Hay là chúng ta treo thêm vài cái chuông gió, nhỉ?”

Đó là một buổi chiều gió vờn trên mặt vịnh mênh mang, tấm bạt cửa bị nới lỏng phát ra thứ âm thanh hồn nhiên vui vẻ. Tôi đang kiểm lại mấy thức uống chuẩn bị cho giờ cao điểm còn Linh thì quét dọn và xếp những chiếc ghế cao dọc theo dãy bàn dài hướng ra vịnh. “Thật mơ mộng”, tôi nghĩ. Và tôi nói luôn, chẳng có gì để mà phải giấu diếm suy nghĩ với cô nhân viên mới ấy. Tôi không cắt nghĩa nhưng hẳn là cô ta biết “mơ mộng” theo ý tôi là viển vông thiếu thực tế mà như thế thì chẳng có gì hay ho.

Nhưng cuối cùng cái thứ chẳng có gì hay ho ấy lại ngập tràn trong quán tôi. Chúng được treo ngay cửa ra vào, treo giữa quán, rồi treo hết các ô cửa mở ra phía vịnh, treo trên đầu tôi nữa, ngay tại quầy pha chế này. Chúng bằng gỗ, bằng tre, bằng kim loại, bằng thủy tinh, cả bằng vỏ ốc. Nói chung là đủ cả và tôi không biết cô nhân viên mơ mộng của mình đã kiếm đâu ra mà lắm thế. Hôm nọ có người gọi tôi là nhà - sưu - tập chuông gió. Hẳn rồi, nhà - sưu - tập.

Ban đầu đúng là chỉ có hai chiếc ở hai đầu dãy bàn dài kê sát lan can. Linh mua chúng dù tôi đã bảo là chẳng có gì hay ho. Và chúng trẻ con thế nào ấy, tôi chẳng còn từ nào khác hơn để nói về cái cách cô treo từng chiếc lên rồi ngắm nghía rồi thích thú rồi lầm bầm đọc cái gì đó như thể là thơ khi gió lùa qua, mấy thanh gỗ hình thù ngộ nghĩnh ấy va vào nhau rồi nối đuôi nhau khúc khích. Đúng là trong một thoáng chớp nhoáng khó hiểu, tôi mơ hồ thấy một đám trẻ cầm tay nhau chạy. Không biết những vị khách vào quán có thấy cái gì đó như tôi đã thấy không mà người nào người nấy tỏ ra quan tâm đặc biệt tới hai cái chuông gió này. Ban đầu tôi nghĩ chỉ mấy đứa tuổi teen hay mấy cô gái mộng mơ tưng tửng như Linh mới hợp với chúng, nhưng sau tôi thấy cả mấy cô ba mươi, bốn mươi, thậm chí là các bà năm, sáu chục rồi cũng thích giỡn với chuông gió. Cánh đàn ông thì tôi không biết họ nghĩ gì nhưng chắc chắn là bọn râu ria lồm xồm tụi tôi chẳng có vấn đề gì với mấy cái chuông, ít nhất thì trong góc quán này họ cũng được ngắm cái sự dễ thương mà tôi đã thấy. Nhưng tôi không nói với Linh những điều này. Tôi chỉ đề nghị trả tiền hai cái chuông gió mà cô đã tự ý mua ấy. Tôi đưa thêm một ít tiền nữa, lần này là tôi chính thức nhờ cô mua chuông gió, tôi bảo cứ thoải mái lựa chọn theo ý cô và có đắt hơn hai cái đã mua một chút cũng được, dù sao thì tôi cũng thấy quán cà phê của mình còn sơ sài quá mà nó lại nằm trên cung đường đèo đẹp nhất nhìn ra vịnh nữa chứ. Tôi đã không để ý đến điều này, một vài dự án phát triển du lịch quanh đây đã khiến khách vào quán bây giờ hầu như chỉ toàn người đi phượt và các đôi tình nhân, nói chung họ không chỉ cần uống mà còn cần một cái gì đó khác nữa, cho tâm hồn. Ngộ nghĩnh, lãng mạn là một ý tưởng không tồi. Và tôi bắt đầu muốn đầu tư vào nó.

Hai tháng sau, Linh phụ tôi gỡ tấm biển hiệu cũ xuống và treo tấm mới lên. “Chuông Gió”, quán cà phê giữa lưng chừng đèo xanh lưng chừng mây trắng lúc nào cũng rổn rảng âm thanh. Tôi hiểu công đầu là của cô, tôi cộng thêm một khoản nhỏ lúc trả tiền lương cho cô, tôi biết dạo này cô đã làm việc vất vả thế nào khi quán có thêm khách.

* * *

Minh họa: Kim Duẩn

Minh họa: Kim Duẩn

Bây giờ đã sắp vào mùa thu, nắng còn vàng rượi nhưng gió đã se se lạnh nhất là lúc sáng sớm và chiều muộn. Hôm nay Linh lại kiếm được mấy thứ hay ho và cô bắt đầu sắp xếp lại một số thứ trong quán, cất đi một vài cái chuông, treo lên một vài cái mới, đổi chỗ vài cái khác nữa. Ừm, phải làm một thứ gì đó cho mùa thu này, tôi hiểu đại khái vậy. Dù Linh luôn phải hỏi ý tôi nhưng thực tình tôi chẳng quan tâm mấy, cái chuyện decor này tôi nghĩ là mình đã giao hẳn cho cô, tôi không biết có gì hay ho nơi cô gái này nhưng rõ ràng một điều là suy nghĩ của cô hợp với khách hàng, nhiều người vào đây check-in rồi để lại những bình luận rất đáng yêu, điều mà trước ngày Linh đến chưa từng xảy ra.

Linh đến sớm và quán đang vắng. Cô đến sớm để treo mấy cái chuông và đưa cho tôi chiếc áo khoác mới cô vừa gỡ mác, chiếc áo mùa thu - quà sinh nhật muộn, cô bảo thế. Tôi chỉ thuê Linh mỗi ngày bốn tiếng vào buổi chiều, khung giờ vàng của quán và tôi thấy ổn, có cô mọi thứ trở nên dễ chịu. Thỉnh thoảng cô giúp tôi dọn dẹp vài thứ trong phòng ngủ, thực ra chỉ là một góc nhỏ tôi kê cái nệm với để vài thứ đồ dùng cá nhân. À, có một cái bếp ga đơn, hai cái nồi với mấy cái tô. Chỉ có thế và nó nằm khuất với không gian sạch sẽ xinh xắn ngoài kia nhưng cứ lâu lâu Linh lại đến sớm làm thêm mấy việc mà tôi chẳng nhờ. Hôm nay cũng thế và còn nhắc tôi chuyện đổi cái chăn mùa hè sang chăn mùa thu, uống trà mật ong cam quế thay vì uống cà phê đá vào buổi sáng, mùa này dễ bệnh mà ở đây lại là lưng chừng núi non, khí thiêng muỗi độc… Tôi ậm ờ và tôi biết cả. Biết những điều cô nói và cả điều mà cô không nói. Tôi biết Linh phải lòng tôi, tôi không biết tình cảm đó đã phát triển đến mức nào nhưng ít nhất thì sự quan tâm và những việc Linh làm đã không còn đơn thuần là công việc nữa. Tôi luôn trả thêm tiền lương cho cô vào những tháng quán đông khách, hễ cuối tuần là phục vụ không ngơi tay. Về khoản này tôi tự tin mình không phải là một ông chủ tồi, còn với những việc khác thì tôi thấy không có lý do gì để trả công và rõ ràng là tôi vô can trong chuyện tình cảm của cô. Nhưng tôi cũng không từ chối, tôi nói rồi, tôi thấy dễ chịu khi Linh ở đây và giả sử như có ai đó nói là tôi cần phải từ chối tất cả sự dễ chịu mà cô mang lại cho tôi thì tôi cũng không biết vì sao mình phải làm thế. Vậy nên tôi để Linh làm những việc mà cô muốn làm, trong tự nguyện. Như chuyện hôm sinh nhật tôi chẳng hạn. Chúng tôi có một bữa tiệc nho nhỏ, đúng ra chỉ là một nghi thức thổi nến chào mừng tôi bước qua tuổi bốn mươi, chỉ tôi và Linh, hai người thôi vì còn ai trên mặt đất này quan tâm tới ngày sinh của tôi nữa chứ.

Trời ạ, tôi đã bốn mươi và tôi đã qua một đời vợ! Điều đó có nghĩa là tôi cũng đã từng yêu đương, từng hẹn hò từng gặp đủ thứ rắc rối với phụ nữ. Nó cũng có nghĩa là tôi hiểu phụ nữ, ít nhất thì cũng hiểu tâm lý những cô gái mơ mộng như Linh. Tôi thổi nến. Linh bảo tôi hãy nhắm mắt ước một điều gì đó đi. Tôi thực sự chẳng có gì mà ước cả. Công việc của quán thì đang phát triển tốt, tôi còn có cái gì để mà ước đâu. Tôi mở mắt ra và nói với Linh rằng lúc này tôi chỉ thấy cô đơn. Và tôi nói thật, tôi dám thề là tôi nói thật. Tôi không biết liệu mình có quá đáng không khi nói với cô gái đang phải lòng mình điều ấy nhưng dù sao thì tôi cũng không đòi hỏi một điều gì cả, tôi chỉ nói thật cảm giác của mình và nếu cô quyết định về ngay lúc ấy thì tôi cũng không có ý giữ cô lại. Bình thường thôi. Tôi tôn trọng Linh như tôn trọng một cộng sự ăn ý của mình. Nhưng cô không về, đúng ra là không nỡ về, hẳn nhiên tôi cũng trân trọng quyết định này của cô.

Khi ấy, trời đã bắt đầu vào khuya. Chúng tôi vẫn còn mở một ô cửa nhỏ để nhìn ra phía vịnh. Dù có Linh hay chỉ một mình thì tôi vẫn thường làm thế. Dưới kia là thành phố, đèn điện lung linh, mặt vịnh chấp chới như một dải ngân hà. “Huyền ảo quá”, Linh nói đi nói lại câu này, cô chỉ ở đây để làm việc chứ chưa bao giờ được nhìn cái không gian rộng lớn kỳ vĩ như lúc này còn tôi thì không nhớ hết bao nhiêu đêm tôi nhìn ra như thế. Gió lùa qua ô cửa, chiếc chuông gió trên đầu chúng tôi tiếp tục ngân nga. Dường như sợ đêm qua nhanh, cô tranh thủ làm cho tôi rất nhiều việc, từ phòng vệ sinh, bàn chải đánh răng, những chiếc áo đẫm mùi mồ hôi, cái tô, cái chén, cái ga bọc nệm… Tôi không nhớ hết, làm sao mà nhớ cho được, bao lâu rồi tôi mới có cảm giác dịu dàng ấm cúng đến thế này. Cuối cùng, khi chúng tôi nằm xuống và chiếc chuông gió vẫn còn ngân khe khẽ, Linh nói điều gì đó rất hay về tình yêu mà tôi không nghe kỹ, tôi cười thầm vì cho rằng điều cô nói thật lãng mạn còn tôi thì là một người rất thực tế. Hình như cô nói tình yêu cũng làm trái tim mình ngân lên như mấy cái chuông gió ấy, đôi khi chỉ biết nó ngân mà không biết gió thổi từ đâu đến. Linh đã nói cái gì đó tương tự thế, thủ thỉ vào tai tôi. Tôi chẳng quan tâm trái tim mình có đang ngân hay không và gió từ đâu thì tôi cũng mặc kệ nhưng chắc chắn khoảnh khắc với Linh vô cùng dễ chịu và tôi ở với sự dễ chịu của mình suốt đêm. Trong chuyện này tôi không nghĩ ngợi nhiều.

Gió đổi chiều thổi thốc vào quán. Mấy cái chuông ngân lên, âm thanh rộn ràng đuổi nhau từng hồi, từng đoạn, góc này góc kia sao mà xốn xang. Ở đây bốn phía lồng lộng khiến âm thanh như loãng tan ra trong gió vịnh, nhiều lúc chỉ biết là có tiếng chuông mà không biết nó ngân lên từ đâu nữa. Tôi bước ra phía cửa nhìn một lượt vào quán. Chỉ một chút thay đổi đơn sơ mà dường như mùa thu đã đến hẳn trong quán nhỏ của tôi. Vừa khi ấy thì có tiếng xe máy đang chầm chậm phanh lại. Ba vị khách xuống xe đi vào quán, tiếp theo là con SH màu trắng quen thuộc ghé vào. Tôi thấy phấn khích hẳn ra, tôi quen chiếc xe này và thuộc luôn dáng dấp chủ nhân của nó. Là nàng. Người con gái mà tôi nghĩ là tôi đã phải lòng. Cũng chỉ mới thời gian gần đây thôi, nàng chính là người khiến cho cảm giác cô đơn trong tôi sống dậy sau bao nhiêu ngày tháng tôi tự tin mình dửng dưng với mấy chuyện yêu đương tầm phào này. Tôi đã tưởng mình có thể cứ thế cho đến hết đời. Vậy mà gần đây tôi thấy mình thường rơi vào cảm giác lâng lâng rồi đêm đêm khi nhìn ra mặt vịnh tôi mơ hồ thấy mình cần một hơi ấm. 

Tôi để ý nàng ngay từ những lần đầu nàng đỗ xe dưới cây bàng và bước vào quán. Nàng dường như là người con gái duy nhất không quan tâm đến mấy cái chuông ngộ nghĩnh trong quán tôi. Ngay cả khi chúng ngân lên rổn rảng trên đầu, nàng cũng không màng đến, nàng dùng điện thoại, đọc vài trang sách, viết báo cáo hay cái gì đấy hoặc là lặng lẽ nhìn ra phía vịnh. Sự ơ hờ và quý phái của nàng đã hút lấy tôi. Hôm nọ, khi Linh vui vẻ kể cho tôi về cái review rất ngọt ngào dành cho quán trên mạng xã hội mà Linh quả quyết là từ “nàng SH xinh đẹp”, tôi đã nhảy ngay vào xem. Tôi chưa bao giờ làm thế và cũng chẳng mấy quan tâm tới mạng xã hội nhưng trong trường hợp này nó thật hữu ích. Nàng đang làm gì đó với dự án du lịch sinh thái ở ngôi làng dưới chân đèo. Tôi mừng vì dự án sẽ còn dài dài. Nhưng tôi vẫn chưa có cơ hội nào để nói chuyện trực tiếp với nàng. Lần nào nàng gọi nước Linh cũng là người mang ra. Lúc nàng đi rồi Linh hay kể cho tôi những gì cô hóng hớt được về nàng, về những người khách đi cùng nàng và dự án của họ. Tôi thấy hơi khó hiểu, bình thường tôi chưa nghe Linh quan tâm tới mấy chuyện kiểu này bao giờ.

Bốn vị khách, họ vào quán gần như cùng lúc nhưng ngồi tách biệt mỗi người một góc. Tôi mừng vì họ không quen biết nhau. Tôi mừng thêm nữa vì có vẻ như hôm nay nàng chẳng hẹn cùng ai. Nhưng nàng ngồi ở góc xa nhất, khuất hẳn tầm mắt tôi và điều đó khiến tôi khó chịu. Linh vào đưa tờ giấy ghi chú cho tôi. Linh bảo cô đau bụng quá, hình như bị ngộ độc thức ăn. Tôi nghe mà chẳng nói gì, tôi chẳng thấy mình có chút bận tâm nào với những gì Linh nói vì tôi đang bận. Tôi chuẩn bị thức uống cho ba vị khách kia trước. Linh bưng ra phục vụ họ rồi đi vào. Còn một món, món thứ tư này tôi biết là của nàng. Trái dừa lạnh và chiếc khăn lạnh, luôn như thế. Linh đứng bên, cô lại nói điều gì đó mà tôi không để ý.

“Để tôi.”

Tôi nói khi Linh đã sẵn sàng bưng cái khay đi. Tim tôi rổn rảng chẳng khác gì mấy cái chuông trên kia. Nàng thì chẳng bao giờ để ý đến chúng nhưng thế thì tôi càng thích.

“Cảm ơn.”

Nàng nói và ngước lên, dường như có chút bỡ ngỡ. Rồi tôi nói gì đó với nàng, đại loại là một lời khen hay cái gì đó dịu dàng tình cảm nhất mà tôi có thể nói ra trong trường hợp này. Rồi chúng tôi cười với nhau. Tôi thấy chuyện này sẽ còn đi xa nữa và tôi ước gì, ước gì lúc ấy Linh không đến quấy rầy chúng tôi. Đúng ra thì Linh chỉ làm phiền tôi vì khi ấy đã thêm mấy bàn có khách. Mà đúng nữa thì không phải là một sự làm phiền nhưng tôi vẫn thấy khó chịu. Lần đầu tiên và duy nhất tôi khó chịu với nhân viên của mình, đúng vào hôm cô phải đi viện vì chứng ngộ độc thức ăn.

* * *

Đã gần cuối thu. Một màn mưa trắng vắt qua đỉnh đèo ôm lấy mặt vịnh mênh mang. Nàng lại đến, lần này nàng ngồi gần tôi hơn, ngay trước tầm mắt. Hai vị khách đối tác hay đồng nghiệp gì đó của nàng vừa rời quán, họ đi ngay trước khi mưa sà xuống. Nàng ngồi nán lại để ngắm mưa hay vì mưa mà nán lại, tôi không rõ. Dù sao thì cũng chỉ có mình tôi và nàng trong quán. Bây giờ chỉ có hai chúng tôi, tôi và nàng, chỉ có hai người cùng một cơn mưa. Nhưng tôi không có ý gì với nàng cả. Tôi đặt trái dừa cùng chiếc khăn lạnh xuống bàn rồi quay đi.

“Anh… có muốn ngồi xuống một lúc không”, nàng nói.

Tôi quay lại. Chúng tôi nhìn nhau trong một lúc rồi tôi ngồi xuống. Có lẽ tôi chẳng còn biết làm gì hơn. Nàng hỏi tôi có nghe gì không. Tôi không hiểu ý nàng và cũng không đủ bận tâm để mà muốn hiểu nữa. Tôi im lặng. Nàng im lặng một lúc rồi bắt đầu nói về cảm giác của mình với thứ âm thanh đang đuổi nhau ngân nga dịu dàng trên đầu chúng tôi. Đúng là nàng chẳng bao giờ đùa giỡn hay tỏ vẻ chú ý đến chúng nhưng không phải nàng không quan tâm mà ngược lại, nàng muốn nghe chúng ngân lên và thả hồn theo chúng, tìm kiếm chúng. Nàng nói rằng trong những lần ngồi im lặng một mình, nàng có thể biết được chính xác chúng phát ra từ hướng nào. Nàng thậm chí còn có thể phân biệt được âm thanh của cái này với cái khác.

Tôi không biết nàng đang nói gì và những chuyện đó thì liên quan gì đến tôi nhưng tôi vẫn không đứng dậy. Trong lúc nói nàng có nhắc đến một cái tên, một ai đó, tôi cá là phải có cả một câu chuyện nàng đang muốn kể nhưng tôi ngắt lời nàng vì tôi cũng đang muốn nói. Tôi nói về quán cà phê Chuông Gió này của tôi. Ban đầu tôi chỉ muốn nói một chút về nó thôi nhưng mà tôi không dừng lại được. Tôi nói về tôi trước khi có Chuông Gió. Chính xác là về cuộc hôn nhân của tôi với người vợ cũ. Chúng tôi cưới nhau và mọi chuyện êm thấm cả. Khi ấy tôi cũng có một quán cà phê làm ăn rất khá tận miền Nam, thành phố lớn nhất cả nước. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm cái gì đó ngược ra miền Trung và chắc chắn là không bao giờ nếu chúng tôi không ly hôn. Tôi chẳng nhớ được gì cụ thể, những gì còn lại trong đầu tôi bây giờ là vợ tôi nấu ăn ngon. Tôi ra khỏi nhà đến quán từ sớm, buổi tối về thì cô ấy luôn soạn sẵn áo quần, nói chung là chuẩn bị mọi thứ cho tôi trước khi tắm cho đến một hôm tôi đang tắm giữa chừng thì phát hiện hết dầu gội đầu, tôi quát lên trong phòng tắm mà cô ấy không trả lời. Tôi gắng gượng tắm qua loa cho xong, rồi cứ trần truồng thế đi ra vì khăn tắm cũng chẳng có mà lau. Rồi thì áo quần của tôi, một cái quần xì cũng chẳng kiếm ra để mặc. Điên quá tôi đạp đổ cái tủ. Đúng lúc ấy thì vợ tôi vào. Cô ấy bảo cô ấy xin lỗi nhưng từ nay tôi phải làm quen với chuyện này và quên cô ấy đi. Tôi choáng váng.

“Anh chưa ngoại tình hay gì cả, đúng chứ?”

Tôi nhớ là trong cơn choáng váng, tôi hỏi vợ tôi câu này.

“Em đã từng nghĩ nhiều tới chuyện này nhưng bây giờ nó không còn quan trọng nữa. Nó chỉ là chuyện của anh.”

Đó là câu nói trọn vẹn cuối cùng mà tôi nhớ được từ người vợ cũ của mình. Cô ấy nói rất nhiều, nói tràng giang đại hải nhưng quanh đi quẩn lại chỉ mấy câu đại loại là “anh không hiểu một cái gì cả, thế này không phải là gia đình, em đã cố gắng nhưng không thể thay đổi được anh, anh không biết thế nào là yêu thương hay chia sẻ…”.

Vì tự trọng, tôi ký vào đơn ly hôn cái rụp và tôi cũng không cần đàm phán gì trất, chúng tôi cũng chẳng có con cái gì để mà bận tâm. Lạ thật, tôi chưa bao giờ nghĩ về lũ trẻ của mình. Không hiểu bằng cách nào mà ly hôn xong mọi thứ trượt dốc không phanh. Tôi chẳng dại mà ở lại thành phố ấy cho muối mặt ra. Tôi đến đây sang được cái quán này và mọi thứ đều rất ổn cho đến hôm qua Linh không tới quán làm nữa. Cô đã gửi một email xin nghỉ việc từ tuần trước đó, không biết tôi đã làm cái quái gì với cuộc đời tôi mà mãi tới khi cô nghỉ rồi tôi mới đọc cái email đó. Email chỉ toàn trình bày lý do công việc thôi và nó làm tôi muốn điên lên được. Tôi đã không biết rằng chỗ trà thảo mộc mà hôm kia Linh mua cho tôi để uống thay cà phê vào buổi sáng ấy là lời tạm biệt. Dạo này tôi thường ho. Nhưng Linh không biết là nhờ cô mà tôi đã giảm hút thuốc lại và tôi thấy sức khoẻ mình đang dần tốt lên.

Tôi kể hết, kể hết cho nàng nghe, chỉ có điều này là tôi không kể. Đó là cảm giác phải lòng nàng. Tôi không kể vì nó đã qua rồi, qua hẳn rồi, bây giờ tôi thậm chí không thấy nó có chút ý nghĩa nào nữa, nó còn không đáng để tôi gọi là kỷ niệm. Nhưng tôi kể về Linh và tôi sẽ còn kể mãi về cảm giác dịu dàng ấm cúng mà tôi nghĩ rằng cuộc đời mình không bao giờ còn có thể có lại lần nữa. Tôi phải kể về những gì Linh làm và cách Linh khiến tôi quên đi nỗi ám ảnh về cuộc hôn nhân đổ vỡ của mình. Tôi kể cho đến khi mưa tạnh và nàng rời khỏi quán, chỉ còn tôi với những âm thanh vừa ngọt ngào vừa buồn bã đang ngân nga ấy.

Tôi nhắm mắt, hình như tôi đã bắt đầu nghe, tôi tìm chúng trong im lặng. Tôi cảm thấy giờ đây mình có thể biết được nó phát ra từ hướng nào.

L.H

 

LỆ HẰNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 362

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground