Ô |
ng nội tôi kể cho bố tôi nghe và dặn:
- Biết trong nhà thế thôi, không được nói cho ai cả.
Trong nhà có nghĩa là những người con trai, còn con gái - tức bà nội và các bà cô tôi cũng không được nghe biết. Rồi ông bố tôi lại kể cho chúng tôi nghe - dĩ nhiên cũng theo đúng nguyên tắc là mẹ và các chị tôi đều không được biết đến điều ông nội đã kể. Chuyện gì vậy? Chúng tôi sinh sau đều không được thấy ông nội!
Đó là chuyện quốc sự - đã là quốc sự - việc nước, đều là quốc cấm - nghĩa là nhà nước cấm, mọi người dân không được biết đến, trước hết là người dân yêu nước. Tây đã cai trị cả nước rồi, phải cấm những gì liên quan đến việc Tây ghét.
Bố tôi không bao giờ kể về ban ngày. Đôi ba lần trong năm, ông gọi chúng tôi ngồi lại trong đêm, nghiêm chỉnh. Rồi ông thắp 3 nén hương, bước ra sân, vái vào không trung, lại cài lên bụ tre cạnh ngõ vào. Bước đi, động tác của ông tỏ ra rất thành kính. Chúng tôi ba anh em cùng được bao bọc trong cái không khí trầm mặc, súng kính ấy, càng lặng lẽ, trân trọng. Tôi bé nhất, nên tò mò hỏi:
- Sao phải khấn vái trước khi kể thế hở bố?
Ông dịu dàng nói:
- Những người có công dẹp giặc cứu nước lên đến thiên đình đều được phong thánh phong thần sau khi chết hoặc hy sinh. Như đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dẹp giặc Nguyên bây giờ ta gọi là Đức Thánh Trấn đấy. Còn những người như bố kể chắc cũng được phong thần rồi... Và thế là câu chuyện lại bắt đầu... Nhiều lần như thế! - Không biết ông tên gì, nên chỉ gọi là ông Cử Võ, người vùng Quảng Trị, quê mình. Ông thi đậu cữ nhân Võ, nên gọi thế. Ngày xưa có thi văn và thi võ. Văn thì học chữ, võ thì học võ, đánh quyền, múa gươm, bắn cung. Phải luyện tập công phu lắm từ bé, phải học đâu đến những mười tám ban võ nghệ. Ngày nào cũng phải tập, từ ít đến nhiều, từ thấp lên cao. Hai tay nắm lại, duỗi ra, bước đầu đấm vào nước, vào cát, vào gỗ, dần là cứng như sắt. Chạy từ đằng xa lại, hai tay chập vào nhau, đâm qua thân cây chuối. Bao giờ đâm suốt được thì mới gọi là học giỏi. Còn cả nhảy cao, nhảy xa. Mặc quần đùi buộc túm gấu lại mà nhảy. Khá rồi, bỏ cát vào ống quần mà nhảy. Khi nào hai ống quần đầy cát mà nhảy thật cao, thật xa, thì lại bỏ cát ra. Bây giờ sẽ như là chim bay, vượn nhảy. Cho nên ông Cự võ có thể đứng giữa sân, dậm chân một cái là bay qua nóc nhà. Ông thi võ thời Tự Đức, được triều đình bổ chức quan, chỉ huy hàng trăm quân. Nhưng từ khi Tây chiếm cả nước, triều đình đầu hàng, ông bỏ về làng. Nghe ông Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi xuất bôn, xuống chiếu Cần Vương, và phong trào Văn Thân. Phong trào tan rả dần, nhưng ông Cử cũng trốn thoát được vừa nhờ tài võ nghệ của ông, đồng thời cũng nhờ nhân dân che chở. Ông vẫn một lòng cứu nước, giúp vua.
Và trong một lần cuối, ông bị vây bắt. Quân giắc đuổi sát đến một lũy tre. Chúng gọi ông đầu hàng. Ông dõng dạc chửi bới chúng. Chúng nín lặng mà không dám bắn, vì chúng muốn bắt sống ông. Rồi ông dạm chân bay qua hàng tre. Ông mặc một bộ quần áo lụa trắng như một con đại bàng trắng vút lên. Lũ quan, lính trố mắt nhìn bủn rủn cả tay chân.
Tưởng cánh chim đại bàng ấy vượt qua ngọn tre một cách dễ dàng, nào ngờ những cành gai đã mắc ông lại. Người ông lơ lững trên không chới với. Mái tóc bạc, bộ râu bạc dài cùng bộ lụa trắng càng bật rõ nét mặt sạm nắng gió, từ đỏ chuyển sang màu tím giận. Anh hùng khi đã sa cơ - đúng là như thế! Lũ quan và lính vây bên dưới hò hét như những con thú sắp vồ được mồi. Chúng ùa nhau đến, kông kênh nhay lên và kéo ông già xuống. Không có đứa nào dám có những cử chỉ hay hành động hỗn láo. Không phải vì chúng kính trọng, mà hình như chúng sợ. Cho nên, có lẽ vì thế mà ông Cử võ im lặng, như tự biết cái thế không may của mình. Ông Cứ để cho chúng trói. Hình như ông cảm thấy thương hại lũ tay sai chỉ biết cúi đầu trước đồng tiền và sức mạnh của kẻ thù. Chắc chúng không biết đến cái nhục nhã của người dân mất nước. Đôi mặt ông đỏ ngầu, tràn ứa lệ, cùng với tiếng thở dài.
Trải nhiều ngày trong ngục tối, lũ lính theo lệnh quan thầy, cũng không dám hành hạ ông. Chúng còn mang cơm rượu đến hàng ngày cho ông đầy đủ. Ông không từ chối cơm rượu, nhưng chỉ từ chối những lời khai báo. Chúng đeo vào cổ ông một chiếc gông nặng, điều làm cho ông vướng víu trong giấc ngủ. Mãi không tìm được kết quả trong việc phủ dụ, mua chuộc, và một ngày chúng đưa ông lên tại công đường của dinh án sát.
Cuộc đấu cuối cùng hay đang bắt đầu những gì để khuất phục người chiến sĩ Văn Thân yêu nước?
Giữa một căn phòng rộng lớn của dinh án sát, lính vây quanh sát tường, gươm tuốt trần đưa lên trước mặt. Cái sát khí ấy đầy ắp phong trào, cộng cả bộ mặt phì nộn của quan án sát. Ngồi bên vị pháp luật đầu tỉnh ấy là một tên Tây to lớn, đôi râu đen vểnh lên ngang ngạnh. Ông Cử võ đã được điệu lên ngồi trước đám quan quân hống hách kia. Ông được ngồi - đúng, ông được ngồi trên một cái bục nhỏ như chiếc bàn thấp, hai cánh tay bị trói ra phía lưng, chiếc dây dài thòng phía sau do một tên lính cầm đứng sát tường. Miệng ông bị ngáng bằng một chiếc đũa sắt nhỏ, chừng như khỏi để cho ông cắn lưỡi tự tử nếu xảy ra. Thật là chu đáo để ông sống cho nguồn tư liệu chúng muốn khai thác, vì là ở trong căn phòng là một bể lò rèn và một vạc than hồng đang được thổi lên. Xung quanh thợ lò rèn là vô số những kìm cặp bằng sắt. Một người đứng cứ thụt lên xuống hai ống bể, Ông Cử võ ngồi im lặng, trí óc ông tuồng như đang phiêu du những nơi nào đó mà chỉ riêng mình ông biết. Có lẽ ông đang nghĩ đến vị vua yêu nước mà ông nghe tin đã bị bắt, hay cả những đồng chí thân yêu của ông dưới ngọn cờ Cần Vương đang ẩn nấp nơi này nơi khác trong lòng dân chúng.
Trong không khí lặng im đầy dọa dẫm ấy, bỗng ông Cử võ lên tiếng:
- Cho xin điếu thuốc!
Tên thực dân nhìn quan án, đưa đến cho ông Cử một điếu thuốc. Phần dưới của hai cánh tay ông còn được tự do, nên ông đưa tay ra đón lấy, nhưng không một lời cảm ơn. Viên quan đầu tỉnh như thấy bớt căng thẳng. Chắc hẳn ông đang bị khuất phục. Hắn cũng lặng im như để chờ đợi cái kết quả mong muốn. Cả căn phòng xử án cũng đang như thế.
Ông Cử cầm điếu thuốc trong tay, vê vê thong thả, rồi quay sang người thợ rèn:
- Cho tí lửa hút thuôc.
Người thợ rèn cầm lấy chiếc cặp sắt, gắp một hòn than đỏ rực, đưa lên. Nhưng anh ta đang lúng túng chưa biết đưa thế nào thì ông Cử đã ngửa bàn tay ra:
- Bỏ vào đây!
Cái cặp sắt rung rung thả cục lửa vào lòng bàn tay. Tất cả đều khiếp sợ, đau đáu theo động tác của ông già hiền hậu mà quắc thước ấy! Như một pho tượng sống, nét mặt, bàn tay không mảy may rung động. Rồi ông dùng tay phải kéo ống quần bên trái lên, để lộ chiếc đùi trắng, tuy có hơi bợt đi, thiếu sắc hồng của lò than đang đỏ rực trước mặt ông. Có lẽ những ngày bị giam thiếu ánh sáng trong ngục đã mang lại cho ông cái màu lạnh lẽo trên da thịt. Và ông lặng lẽ cầm hòn than vẫn đỏ rực đặt lên đùi nơi ông vừa để lộ ra. Có những tiếng xít xoa trong phòng buông ra, nhưng không phải từ miệng ông Cử. Tên quan án như cũng cố đợi chờ một cái gì xảy ra nữa. Mặt y đã biến sắc, nhưng không để lộ một nét gì khác. Y vẫn tiếp tục theo dõi đối nhân của y. Ông Cử võ từ từ cầm điếu thuốc chúng vừa đưa lúc nãy, dí một đầu vào cục lửa đang cháy trên đùi ông. Tiếng xèo xèo nho nhỏ lan ra. Điếu thuốc ở bàn tay ông Cử tưởng như cắm chặt vào đó. Ông cứ lặng lẽ châm thuốc, như không biết thịt mình đang cháy. Một sợi khói nhỏ vòng vèo trên bàn tay vườn lên từ đầu điếu thuốc, khi điếu thuốc đã cháy hẳn, ông cầm lên, đưa lên môi, pập pập đôi ba hơi nhỏ. Ông hút khó khăn như để cố nhớ mùi thuố lá, vì miệng ông đã bị chiếc đũa sắt chặn ngang. Căn phòng vẫn hoàn toàn im lặng. Bây giờ ông Cử mới bắt đầu nói:
- Có phải chúng mày môống bảo tao cai báo phải không? Cúng mày lầm rồi!
Giọng ông bị chiếc đủa sắt chặn lại thành ra ngọng nghịu. Nhưng người nghe vẫn hiểu ông muốn nói gì. Ông tiếp tục. Những suy nghĩ như đã được nung chín từ trong đầu:
- Chúng mày tưởng những kìm kẹp tra tấn làm tap khiếp sợ ư! Và chúng mày sợ cả tao cắn lưỡi tự tử nữa ư! Chúng mày cấm không cho tao chết ư! Con người nhờ có thở mà sống, nhưng bây giờ tao không thở nữa, chúng mày có cấm được không? Tao sẽ chết ngay trước mặt chúng mày đây. Tao nhịn thở và chúng mày không bắt tao phải thở được...
Ông nói những lời cuối cùng thật bình tĩnh. Cái ý chí, cái quyết tâm như từ đâu đến. Hai bàn tay vẫn để nguyên trên đùi, không hề động cựa, và dáng ngồi của ông cũng im phăng phắc. Chòm râu bạc qua ánh lửa bể lò rèn hồng lên như một lá cờ đuôi nheo đỏ trước ngực và bộ áo quần cũng như nhuộm bằng máu.
Chờ đợi... Xung quanh như chờ đợi. Lũ quan, lũ lính, cả tên thực dân cũng ngồi im, như chờ đợi điều khó có thể tin được. Có lẽ hắn nghĩ trên thế giới này, không thể có người nào tự mình nhịn thở nếu không bị tắc nghẹt bởi một thứ gì đó. Nhưng ông già kia đã nói ra lời tuyên bố.
Một phút... hai phút... ba phút... rồi năm phút... Chắc là hơn thế, mặt ông già từ đỏ chuyển sang tái. Những thớ thịt như phồng lên và đổi màu nhanh chóng. Chúng đã bắt đầu tím lại. Người ông bây giờ hơi rung rung, rồi vụt chốc ngã ngửa xuống sàn, giật giật vài cái nhẹ, rồi bất động. Tên lính cầm dây trói đứng sau lưng ông củng hốt hoảng thả cái đầu múi dây hắn đang cầm. Ông Cử võ đã chết bằng chính sức mạnh kỳ diệu của ông. Tên Tây, tên án sát cùng lũ lính như đều luống cuống trước cái bất ngờ lạ lùng vừa xảy ra. Đứa này nhìn đứa khác, cả căn phòng cũng như chết lặng theo ông già.
Bố tôi thường ngừng câu chuyện ngang đó và vấn dặn theo lời ông nội "Chỉ biết trong nhà thôi".
Phải chăng hôm nay, tôi đang làm trái lời ông nội và bố, và còn muốn kêu to lên "Ông nội ơi, sao ông không cho chúng cháu biết rõ xóm làng, họ tên của ông Cử ấy! Cháu biết hỏi ai bây giờ!!!".
T.H